1700 NĂM SAU CÔNG ĐỒNG NIXÊ: NIỀM HY VỌNG CỬ HÀNH LỄ PHỤC SINH CHUNG
Ngày 20 tháng Năm tới sẽ đánh dấu kỷ niệm 1700 năm công đồng đại kết đầu tiên trong lịch sử, được tổ chức vào năm 325 tại Nixê. Nhân dịp này, Ủy ban Thần học Quốc tế đã công bố một tài liệu vào Thứ Năm, ngày 3 tháng Tư, với tựa đề “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ”, nhắc lại ý nghĩa cơ bản của Kinh Tin Kính, nền tảng của đức tin Kitô giáo. Phỏng vấn một trong những người biên tập văn kiện này, Đức cha Etienne Vetö, giám mục phụ tá của Reims.
70 trang với tinh thần ngợi khen, để tạ ơn 1700 năm sau Công đồng Nixê, khi các giám mục đại diện cho toàn thể Giáo hội xác nhận các tín điều cơ bản, hiệp nhất các Kitô hữu, về bản tính của Chúa Kitô và về Chúa Ba Ngôi. Thứ Năm, ngày 3/4/2025, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, Ủy ban Thần học Quốc tế đã công bố một tài liệu cô đọng nhằm mục đích đặc biệt dành cho các nhà thần học và các giám mục để nuôi dưỡng sự suy tư của họ và khuyến khích họ khám phá lại tầm quan trọng của thời điểm lịch sử này. Với tựa đề “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ”, bản văn này nhắc lại ý nghĩa nền tảng của Kinh Tin Kính, thành quả của Công đồng Nixê, và nêu bật những nguồn lực phi thường của nó, trong viễn cảnh loan báo Tin Mừng. Nó cũng bày tỏ niềm hy vọng rằng một ngày nào đó tất cả các Kitô hữu sẽ cử hành Lễ Phục Sinh vào cùng một ngày.
Phỏng vấn một trong những người biên soạn tài liệu, Đức cha Etienne Vetö, giám mục phụ tá giáo phận Reims.
Marie Duhamel: Trong Năm Thánh này, Giáo hội cử hành kỷ niệm Công đồng Đại kết đầu tiên, được tổ chức vào năm 325 tại Nixê. Văn kiện này chú tâm tạ ơn về tín điều của công đồng Nixê. Tại sao lại có tinh thần ngợi khen này?
Đức cha Etienne Vetö: Định hướng của chúng tôi là ngợi khen, bởi vì đây là mừng kỷ niệm Công đồng này, được tổ chức, năm nay, cách đây 1700 năm và nói lên tâm điểm đức tin của chúng ta. Chính ở đó mà thần tính của Chúa Giêsu đã thực sự được xác định, một cách chắc chắn, và sự kiện Thiên Chúa là một và ba: một Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mặt khác, đây là một công đồng được hầu hết các Kitô hữu trên khắp thế giới công nhận, do đó đây thực sự là một điểm hiệp nhất đặc biệt mạnh mẽ.
Marie Duhamel: Với Công đồng Nixê, hoàng đế Constantine muốn đối phó với cuộc khủng hoảng do chủ thuyết Ariô gây ra, vốn phản đối thần tính trọn vẹn của Chúa Giêsu. Tại Nixê, cái nhìn đức tin về Chúa Ba Ngôi được khẳng định. Ngày nay vẫn phải còn như thế không?
Đức cha Etienne Vetö: Tôi nghĩ vậy, theo nghĩa Ba Ngôi thực sự là Thiên Chúa tình yêu, Thiên Chúa tương quan. Việc chúng ta có thể nói Chúa Kitô là Thiên Chúa có nghĩa là chính Thiên Chúa đến cứu độ chúng ta. Ngài không sai ai khác vì không ai khác ngoài Thiên Chúa cứu độ chúng ta. Và việc Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta cũng nhấn mạnh đến phẩm giá cao cả của con người.
Hệ quả là rất quan trọng. Chẳng hạn, ngay từ lúc chúng ta có thể xác định phẩm giá rất cao cả của con người, chính Thiên Chúa đảm nhận nhân tính, chúng ta có thể nhấn mạnh đến sự bình đẳng của tất cả mọi người. Theo một nghĩa nào đó, cũng có một chiều kích chính trị. Ariô nghĩ rằng Chúa Kitô là một dạng siêu thụ tạo, ở trên thụ tạo, và trong chính trị có thể có nguy cơ đặt các nhà lãnh đạo chính trị lên bệ, biến họ thành loại siêu thụ tạo. Ở đó, đức tin Kitô giáo cho chúng ta biết rằng mọi người đều bình đẳng.
Marie Duhamel: Một số người gặp khó khăn trong việc thừa nhận nhân tính trọn vẹn của Chúa Kitô…
Đức cha Etienne Vetö: Tôi nghĩ rằng cần phải nhấn mạnh cả hai khía cạnh của Chúa Kitô. Công đồng Nixê cho phép chúng ta nói, và điều này sẽ được xác định chính xác hơn nữa tại Công đồng Chalcédoine năm 451, rằng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Chúng ta thực sự cần điều đó.
Chúng ta thực sự cần được chính Thiên Chúa cứu độ và chúng ta thực sự cần một Thiên Chúa biết con người đến tận sâu thẳm, đến từng tế bào cuối cùng. Không có con người nào đẹp đẽ, khôi phục sức lực như Chúa Kitô. Và một lần nữa, đó luôn luôn vì Người là Thiên Chúa và là người. Tôi nghĩ việc loan báo Tin Mừng dựa trên điều đó.
Marie Duhamel: Kinh Tin Kính, việc tuyên xưng đức tin vào ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu, là kết quả của Công đồng Nixê. Tài liệu mà Đức Cha đóng góp xem xét sự tiếp nhận nó trong thực hành tôn giáo. Hôm qua và hôm nay có giống nhau không?
Đức cha Etienne Vetö: Trước hết, thật tuyệt vời khi thấy Kinh Tin Kính Nixê-Constantinople hiện đang được khám phá lại và được đọc rất nhiều. Quả thực, việc đọc Kinh Tin Kính đặt chúng ta vào sự liên tục với các thế hệ và các thế hệ Kitô hữu. Và điều này cho phép chúng ta thấy rằng trọng tâm thực sự giống nhau. Đó là ơn cứu độ.
Ngoài ra còn có chiều kích hiệp nhất, nghĩa là Giáo hội nhận ra mình cần và có bổn phận hiệp nhất chung quanh đức tin. Đối với tôi, dường như đây là một điều gì đó rất thời sự, theo nghĩa là có nhiều cách sống đức tin Công giáo và đức tin Kitô giáo. Nhưng ở đó, chúng ta đồng ý về trọng tâm của đức tin và điều này cho phép chúng ta làm nên sự hiệp nhất trong sự đa dạng của mình.
Marie Duhamel: Trước khi đạt đến sự hiệp nhất Kitô hữu, liên quan đến Kinh Tin Kính, trong tài liệu này, Đức Cha nhấn mạnh đến cách thức nó làm cho đức tin có thể tiếp cận được với tất cả mọi người.
Đức cha Etienne Vetö: Đức tin Kitô giáo không chỉ là đức tin của các nhà thần học, mà còn là đức tin của tất cả mọi người. Vì vậy, việc tuyên xưng đức tin một cách rõ ràng sẽ cho phép có được một điểm tham chiếu cho mọi người. Tương tự như vậy, việc Kinh Tin Kính này đã được tích hợp vào phụng vụ khiến cho mọi người đều có thể tiếp cận được.
Marie Duhamel: Kinh Tin Kính là một điểm quy chiếu được chia sẻ bởi tất cả các Kitô hữu. Trong tài liệu này, Đức Cha nhấn mạnh rằng “những gì kết hợp chúng ta mạnh mẽ hơn những gì chia rẽ chúng ta” và bày tỏ hy vọng được cử hành Lễ Phục Sinh vào cùng một ngày – điều này đã được quyết định một phần nhờ vào công đồng Nixê trước cuộc cải cách của Đức Grêgôriô XIII. Tại sao điều này hợp thời hoặc cần thiết?
Đức cha Etienne Vetö: Tôi đã sống ở Giêrusalem, nơi các Kitô hữu mừng Lễ Phục Sinh vào những ngày khác nhau, mặc dù họ sống trong cùng một khu phố, gần nhau, và đôi khi trong cùng một gia đình. Chúng ta thấy thật khó đến mức nào khi không thể cùng lúc mừng Lễ Phục Sinh này. Đó là một sự phản chứng. Người Hồi giáo hay Do Thái giáo thường ngạc nhiên khi thấy các Kitô hữu không thể cùng nhau cử hành Lễ Phục Sinh.
Điều quan trọng nhất là chúng ta có một đức tin chung, nhưng có một số vấn đề trong việc có một ngày chung: vấn đề nội bộ, vấn đề liên quan đến cái nhìn về Giáo hội và vấn đề liên quan đến vai trò của Giáo hội. Một trong những vai trò của Giáo hội là thúc đẩy sự hiệp nhất của xã hội, của con người và của thế giới. Theo nghĩa này, sẽ là một sự đóng góp lớn lao nếu có một ngày Lễ Phục Sinh chung. Đó sẽ là dấu hiệu của sự hiệp nhất của chúng ta.
Năm nay, năm 2025, đây là trường hợp. Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên về lịch, nhưng có lẽ cũng là sự quan phòng.
Marie Duhamel: Cuối cùng, vào tháng Mười Một, trong buổi tiếp kiến với Ủy ban Thần học, Đức Giáo hoàng đã nhắc lại, khi trích dẫn Lumen Gentium, rằng Công đồng Nixê là “dấu chỉ và công cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”. Chúng ta có thể nói rằng công đồng Nixê đã truyền cảm hứng cho Đức Phanxicô, người đã đề xuất một con đường hiệp hành cho Giáo hội không? Đây có phải là sự hiện tại hóa của công đồng Nixê không?
Đức cha Etienne Vetö: Công đồng Nixê là kết quả của một quá trình trong đó Giáo hội thực hiện tính hiệp hành của mình. Vào thời đó, từ ‘synode’ và từ ‘concile’ có cùng một ý nghĩa.
Đã có các thượng hội đồng trong suốt các thế kỷ đầu tiên và điều mới mẻ của công đồng Nixê là lần đầu tiên đây là một thượng hội đồng có ảnh hưởng đến toàn thể Giáo hội, cùng nhau. Vì vậy, đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi nghĩ chính toàn bộ cách tiếp cận của các thế kỷ đầu tiên đã truyền cảm hứng cho ngài, Công đồng Nixê là một ví dụ lớn cho cách tiếp cận này.
Marie Duhamel: Đức Cha có nghĩ rằng tiến trình hiệp hành do Giáo hội Công giáo khởi xướng có thể là bước đầu tiên hướng tới việc đạt được một thượng hội đồng bao gồm tất cả các Kitô hữu không?
Đức cha Etienne Vetö: Điều này sẽ thực sự tuyệt vời. Một trong những hoa trái đẹp nhất của lễ kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixênày là khuyến khích tất cả các Giáo hội và các cộng đồng Giáo hội mong muốn một Công đồng mang lại sự hiệp nhất hữu hình giữa các Kitô hữu – và tôi nghĩ rằng điều này chắc chắn có thể thực hiện được trong thế kỷ XXI.
————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Vatican News)
Tags: Hiệp-nhất, Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- 1700 NĂM SAU CÔNG ĐỒNG NIXÊ: NIỀM HY VỌNG CỬ HÀNH LỄ PHỤC SINH CHUNG
- SỨC KHỎE CỦA ĐỨC PHANXICÔ TIẾP TỤC CẢI THIỆN
- LOẠT BÀI GIÁO LÝ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI. BÀI 3. GIAKÊU. “HÔM NAY TÔI PHẢI Ở LẠI NHÀ ÔNG” (Lc 19, 5)
- ĐỐI VỚI CEF, ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU LÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG LẠM DỤNG VÀ NGHÈO ĐÓI
- KINH TIN KÍNH CỦA CÔNG ĐỒNG NIXÊ, THẺ CĂN CƯỚC CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
- ĐHY JEAN-MARC AVELINE, TÂN CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHÁP
- LỜI TIÊN TRI VỀ HÒA BÌNH CỦA THÁNH GIOAN PHAOLÔ II
- ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VẪN TRONG TÌNH TRẠNG ỔN ĐỊNH
- LỘ ĐỨC: NHỮNG BỨC TRANH KHẢM TRÊN HAI CÁNH CỬA CỦA ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ ĐƯỢC CHE PHỦ
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI CÁC LINH MỤC THỪA SAI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT NHÂN DỊP HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C: SỐNG MÙA CHAY VÀ NĂM THÁNH NHƯ THỜI GIAN CHỮA LÀNH
- ĐHY PAROLIN: “ĐỨC THÁNH CHA CHƯA BAO GIỜ NGỪNG CAI QUẢN GIÁO HỘI”
- “TRƯỚC MẮT THIÊN CHÚA, MỌI CỬ CHỈ YÊU THƯƠNG ĐỀU CÓ GIÁ TRỊ VÔ HẠN”
- ĐỨC PHANXICÔ CHIA SẺ NỖI ĐAU CỦA NGÀI ĐỐI VỚI CÁC NẠN NHÂN TRẬN ĐỘNG ĐẤT Ở MIẾN ĐIỆN VÀ THÁI LAN
- ĐỨC GIOAN XXIII VÀ ĐỨC PHAOLÔ VI CÓ PHẢI LÀ ĐẶC VỤ CỦA CIA KHÔNG?
- CÁC NHÀ KHOA HỌC TÁI TẠO LẠI KHUÔN MẶT CỦA THÁNH TÊRÊSA AVILA
- SỨC KHỎE CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐƯỢC CẢI THIỆN DẦN DẦN KHI NGÀI ĐANG HỒI PHỤC TẠI NHÀ THÁNH-MARTA
- BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN: ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI MỘT “SỰ HOÁN CẢI TOÀN DIỆN”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI. BÀI 2. NGƯỜI PHỤ NỮ SAMARI. “CHO TÔI XIN CHÚT NƯỚC UỐNG!” (Ga 4, 7)
- 24 GIỜ CHO CHÚA 2025