CHRISTUS VIVIT – CHUONG IV

Written by lcd on Tháng Tư 13th, 2019. Posted in Thế Giới

Lm Le Cong Duc , PSS. dich

CHƯƠNG BỐN

 

MỘT THÔNG ĐIỆP TUYỆT VỜI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ

 

 

  1. Giờ đây, bỏ qua mọi điều khác, cha muốn nói với các bạn trẻ về điều thiết yếu, một điều mà chúng ta không bao giờ được bỏ qua. Đó là thông điệp chứa đựng trong ba sự thật mà tất cả chúng ta phải lắng nghe luôn mãi.

 

Thiên Chúa là tình yêu

  1. Sự thật đầu tiên cha muốn nói với mỗi người các con, đó là: “Thiên Chúa là tình yêu”. Dù các con đã nghe rồi hay chưa nghe điều này, cha cũng muốn nhắc lại sự thật ấy. Thiên Chúa yêu các con. Đừng bao giờ nghi nan, dù cho bất cứ gì xảy đến với các con trong đời. Mọi lúc mọi nơi, các con luôn được yêu vô hạn.
  2. Có thể kinh nghiệm của các con về người cha không phải là kinh nghiệm tốt nhất. Người cha trần thế của các con có thể xa cách hay hoàn toàn vắng mặt, có thể khắc nghiệt và độc đoán. Hay có lẽ, đơn giản đó không phải là người cha mà các con muốn. Cha không biết. Nhưng điều cha có thể nói với các con, với sự chắc chắn tuyệt đối, đó là các con có thể tìm thấy sự an toàn trong vòng tay của Cha trên trời, vị Thiên Chúa tự đầu tiên đã trao ban cho các con sự sống, và Ngài vẫn tiếp tục trao ban như vậy mỗi phút giây. Ngài là sự nâng đỡ vững chắc cho các con, nhưng các con cũng sẽ nhận ra rằng Ngài hoàn toàn tôn trọng tự do của các con.
  3. Trong lời Thiên Chúa, chúng ta gặp thấy nhiều sự diễn tả về tình yêu của Ngài. Dường như Ngài muốn tìm những cách khác nhau để bày tỏ tình yêu ấy, để cho với ít nhất một trong những cách ấy Ngài có thể chạm đến trái tim các con. Chẳng hạn, có những lúc Thiên Chúa nói về chính Ngài như một người cha trìu mến, chơi với con cái mình: “Ta lôi kéo chúng với dây ân tình, với dải yêu thương. Với chúng, Ta như những người nhấc con đỏ lên tận má mình” (Hs 11,4).

Có những lúc khác, Thiên Chúa nói về chính Ngài như đầy ắp tình yêu của một người mẹ, tình yêu tận tâm can đối với con cái làm cho người mẹ không thể quên hay bỏ con mình: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).

Thiên Chúa thậm chí so sánh chính ngài với một người tình đi xa đến mức ghi khắc người mình yêu dấu trên bàn tay mình, luôn giữ khuôn mặt người ấy trước mặt: “Này, Ta đã khắc ngươi trên bàn tay Ta!” (Is 49,16).

Cũng có lúc Thiên Chúa nêu bật sức mạnh của tình yêu bất khuất của Ngài: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, nhưng tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay” (Is 54,10).

Thiên Chúa nói với ta rằng chúng ta đã được chờ đợi từ đời đời, vì không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đến trong thế giới này: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở; nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3).

Hay Ngài cho ta biết rằng Ngài nhìn thấy nơi ta một vẻ đẹp mà không ai khác có thể nhìn thấy: “Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, ngươi được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,4).

Thiên Chúa cũng cho ta biết rằng tình yêu của Ngài không ảm đạm, nhưng đầy niềm vui, sôi trào lên bất cứ khi nào ta đón nhận tình yêu của Ngài: “Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng” (Xp 3,17).

  1. Đối với Thiên Chúa, các con có giá trị; các con không tầm thường chút nào. Các con thật quan trọng với Ngài, vì các con là công trình do tay Ngài làm ra. Đó là lý do tại sao Ngài quan tâm đến các con, và Ngài nhìn các con với lòng thương cảm. “Hãy tin tưởng vào ‘bộ nhớ’ của Thiên Chúa; ‘bộ nhớ’ của Ngài không phải là một ‘ổ đĩa cứng’ có chức năng lưu trữ tất cả các dữ liệu của chúng ta. ‘Bộ nhớ’ của Ngài là một quả tim đầy trắc ẩn, một quả tim tìm thấy niềm vui khi ấn nút xóa khỏi chúng ta mọi dấu vết của sự dữ”. [63] Ngài không lưu giữ dấu vết những sai hỏng của các con, và Ngài luôn luôn giúp các con học bài học nào đó ngay cả từ những lỗi lầm của các con. Bởi vì Ngài yêu các con. Hãy cố gắng trầm lắng một chốc lát và cho phép mình cảm nhận tình yêu của Ngài. Hãy cố gắng xua tan mọi tiếng ồn bên trong, và dành một tích tắc buông mình trong vòng tay yêu thương của Ngài.
  2. Tình yêu của Thiên Chúa là “một tình yêu không lấn át hay bóp nghẹt, không loại bỏ hay thờ ơ, không coi thường hay thống trị. Đó là tình yêu của Chúa chúng ta, một tình yêu bền bỉ, tinh tế và đầy tôn trọng; một tình yêu tự do và giải phóng, một tình yêu chữa lành và nâng dậy. Tình yêu của Chúa đỡ nâng lên hơn là quật ngã, giao hòa hơn là cấm cách, mời gọi thay đổi hơn là lên án, hướng tới tương lai hơn là nhìn về quá khứ”. [64]
  3. Khi Thiên Chúa yêu cầu các con điều gì đó, hay đơn giản đặt các con đối mặt với các thách đố của đời sống, Ngài hy vọng rằng các con sẽ cho phép Ngài hỗ trợ, giúp các con lớn lên. Thiên Chúa không khó chịu khi các con nêu cho Ngài những câu hỏi của mình. Ngài chỉ ưu tư khi các con không nói chuyện với Ngài, khi các con không mở lòng ra để đối thoại với Ngài. Thánh Kinh kể cho ta rằng Gia-cóp chiến đấu với Thiên Chúa (x. St 32,25-31), nhưng điều đó không ngăn cản ông kiên trì trong hành trình của mình. Chính Chúa thúc giục chúng ta: “Hãy đến, ta cùng nhau tranh luận” (Is 1,18). Tình yêu của Thiên Chúa thì chân thực và cụ thể đến nỗi nó mời gọi chúng ta đi vào một mối tương quan cởi mở và cuộc đối thoại đầy hiệu quả. Hãy tìm kiếm sự gần gũi của Cha trên trời qua khuôn mặt yêu thương của các chứng nhân can đảm của Ngài nơi trần gian này!

 

Đức Kitô cứu độ các con

  1. Sự thật tuyệt vời thứ hai, đó là Đức Kitô, vì yêu thương, đã hiến mình trọn vẹn để cứu độ các con. Đôi cánh tay Người dang ra trên thập giá là dấu hiệu hùng hồn nhất cho thấy Người là một người bạn thực sự hết mình: “Người yêu thương những kẻ thuộc về Người còn ở thế gian, Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

Thánh Phaolô nói rằng đời sống của ngài là một đời sống hoàn toàn tín thác vào tình yêu thí mạng ấy: “Giờ đây tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

  1. Nếu Đức Kitô đã dùng thập giá mà cứu chúng ta khỏi tội lỗi, thì chính Người hôm nay tiếp tục cứu chuộc chúng ta bằng sức mạnh của sự qui phục hoàn toàn. Các con hãy hướng nhìn thập giá, bám chặt lấy Người, cho phép Người cứu các con, vì “những ai đón nhận ơn cứu độ của Người sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn”. [65] Và nếu các con phạm tội và lạc xa Người, Người sẽ đến nâng các con dậy bằng sức mạnh của thập giá Người. Đừng bao giờ quên rằng “Người tha thứ cho chúng ta bảy mươi lần bảy. Hết lần này đến lần khác, Người vác chúng ta trên vai của Người. Không ai có thể tước đi phẩm giá được ban cho chúng ta bởi tình yêu vô hạn chắc chắn này. Với một lòng trìu mến không bao giờ làm ta thất vọng nhưng luôn luôn có sức phục hồi niềm vui của chúng ta, Người giúp chúng ta có thể ngẩng đầu lên và bắt đầu lại”. [66]
  2. “Chúng ta được cứu độ bởi Đức Giêsu, vì Người yêu chúng ta và Người không thể chống lại bản tính của Người. Dù có thể chúng ta làm vô số điều phản nghịch Người, Người vẫn yêu thương và cứu chúng ta. Vì chỉ những gì được yêu thương mới có thể được cứu độ. Chỉ những gì được đảm nhận mới có thể được biến đổi. Tình yêu của Chúa lớn hơn mọi vấn đề, mọi yếu đuối và sai phạm của chúng ta. Chính xuyên qua những vấn đề, những yếu đuối và những sai phạm của chúng ta mà Người muốn viết lên câu chuyện tình yêu này. Người ôm lấy đứa con đi hoang, Người ôm lấy Phêrô sau khi ông chối Người, và Người vẫn luôn mãi ôm lấy chúng ta sau mỗi lần chúng ta vấp ngã, để giúp chúng ta chỗi dậy và đứng vững. Bởi vì sự sa ngã tệ hại nhất – các con hãy lưu ý điều này – sự sa ngã tệ hại nhất, sự sa ngã có thể hủy diệt sự sống của chúng ta, đó là khi chúng ta cứ nằm vạ ra đấy và không chấp nhận để mình được giúp đứng lên”. [67]
  3. Sự tha thứ và ơn cứu độ của Chúa không phải là điều chúng ta có thể mua được, ta cũng không đạt được bằng những việc làm hay những cố gắng của mình. Chúa tha thứ và giải thoát chúng ta mà không đòi trả giá nào. Sự hy sinh mạng sống của Người trên thập giá thì lớn lao đến nỗi chúng ta không bao giờ có thể đáp đền được, nhưng chỉ có thể đón nhận với lòng biết ơn vô hạn và với niềm vui vì mình được yêu thương quá đỗi nhiều hơn mình có thể tưởng: “Chính Chúa yêu chúng ta trước” (1Ga 4,19).
  4. Các bạn trẻ thân mến, các con được Chúa yêu dấu nhiều lắm, các con được cứu chuộc bằng máu châu báu của Đức Kitô, nên chắc chắn các con quí giá lắm! Các con là vô giá! Các con không thể bị bán rẻ! Xin đừng để mình bị ai mua. Đừng để mình bị dụ dỗ. Đừng để mình bị nô lệ hóa bởi những hình thức thực dân ý thức hệ đầu độc các con, mà kết quả là các con trở thành những nô lệ, những kẻ nghiện ngập, những cuộc đời hư hỏng. Các con là vô giá. Các con phải luôn nhắc đi nhắc lại điều này: Tôi không thể bị bán rẻ; không có giá nào mua được tôi cả. Tôi tự do! Các con hãy say mê sự tự do này, sự tự do mà Đức Giêsu ban tặng”. [68]
  5. Hãy dán mắt vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy cho phép mình được cứu, hết lần này đến lần khác, mãi mãi. Và khi các con đi xưng thú tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn có sức giải thoát các con khỏi ách tội lỗi. Hãy chiêm ngắm máu Người chảy ra với tình yêu lớn lao như thế, và hãy cho phép mình được tẩy sạch bởi máu ấy. Bằng cách này, các con có thể được tái sinh không ngừng và luôn luôn mới mẻ.

 

Đức Kitô đang sống!

  1. Cuối cùng, có sự thật thứ ba, gắn liền với sự thật ở trên: Đức Kitô đang sống! Chúng ta cần luôn tự nhắc mình điều này, vì ta dễ nhìn Đức Giêsu Kitô chỉ như một mẫu gương tốt ở trong quá khứ xa xăm, như một ký ức, như một ai đó đã cứu mình cách đây hai ngàn năm. Nhưng điều đó xem ra chẳng ích gì cho chúng ta: nó không thay đổi gì nơi ta, nó không giải phóng ta. Đấng đổ đầy trên chúng ta ân sủng của Người, Đấng giải phóng và biến đổi ta, chữa lành và an ủi ta, là Đấng thực sự đang sống. Người là Đức Kitô, đã từ cõi chết sống lại, với đầy sự sống và năng lực siêu nhiên, ở trong ánh sáng vô hạn. Vì thế Thánh Phaolô có thể nói: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền” (1Cr 15,17).
  2. Đức Kitô đang sống, nên Người có thể hiện diện trong đời sống các con mọi khoảnh khắc, để ban ánh sáng chan hòa cho nó và xua đi mọi buồn phiền và cô đơn. Ngay cả dù mọi người khác bỏ đi, thì Người vẫn ở đó, như người đã hứa: “Thầy ở với anh em, cho đến tận cùng thời gian” (Mt 28,20). Người lấp đầy đời sống các con với sự hiện diện vô hình của Người; các con đi bất cứ đâu, Người cũng chờ đón các con ở đấy. Bởi vì Người không chỉ đã đến trong quá khứ, mà Người vẫn đến với các con hôm nay và mọi ngày, mời gọi các con lên đường đi tới những chân trời mới.
  3. Hãy chiêm ngắm Đức Giêsu rạng rỡ, tràn ngập niềm vui. Hãy mừng vui với Người như với một người bạn đã chiến thắng. Người ta giết Người, giết Đấng Thánh, người công chính, người vô tội, nhưng cuối cùng Người đã chiến thắng. Sự dữ không có tiếng nói cuối cùng. Nó cũng không nắm quyền quyết định trong cuộc đời các con, vì các con có một người bạn rất yêu thương các con và muốn chiến thắng nơi các con. Đấng Cứu Độ của các con hằng sống.
  4. Vì Người hằng sống, nên chắc chắn rằng sự thiện sẽ khải thắng trên cuộc đời các con, và mọi cuộc chiến đấu của chúng ta sẽ thực sự đáng giá. Và nếu vậy, chúng ta có thể chấm dứt phàn nàn và hướng nhìn tương lai, vì với Người, điều này luôn luôn có thể. Đó là sự chắc chắn mà chúng ta có được. Đức Giêsu hằng sống muôn đời. Nếu chúng ta bám chặt lấy Người, chúng ta sẽ có sự sống, và sẽ được bảo vệ khỏi những đe dọa của chết chóc và bạo lực, là những thứ có thể ập đến trong đời ta.
  5. Mọi giải pháp khác sẽ bất cập và tạm bợ. Chúng có vẻ như hữu ích một lúc nào đó, nhưng rồi chúng ta sẽ lại thấy mình chới với trước bão tố trong đời. Đàng khác, với Đức Giêsu, tâm hồn chúng ta kinh nghiệm một sự an toàn có gốc rễ vững chắc. Thánh Phaolô nói rằng ngài ước ao kết hợp với Đức Kitô để “được biết Người và quyền năng sự Phục Sinh của Người” (Pl 3,10). Quyền năng ấy cũng sẽ không ngừng được tỏ lộ trong đời sống các con, vì Người đến để cho các con được sống, “và sống dồi dào” (Ga 10,10).
  6. Nếu trong tâm hồn mình các con có thể học biết trân trọng vẻ đẹp của sứ điệp này, nếu các con sẵn lòng gặp gỡ Chúa, nếu các con sẵn lòng để cho Người yêu thương và cứu các con, nếu các con có thể làm bạn với Người và bắt đầu trò chuyện với Người, Đức Kitô hằng sống, về các thực tại trong cuộc đời mình, thì các con sẽ có một kinh nghiệm sâu xa có thể nâng đỡ toàn bộ đời sống Kitô hữu của các con. Các con sẽ có thể chia sẻ kinh nghiệm ấy với các bạn trẻ khác. Vì “làm một Kitô hữu, đó không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao vời, nhưng là gặp gỡ một biến cố, một con người, vốn đem lại cho đời sống một chân trời mới và một chiều hướng quyết định”. [69]

 

Thánh Thần của sự sống

  1. Trong ba sự thật ấy – Thiên Chúa yêu thương các con; Đức Kitô là Đấng Cứu Độ của các con; Người đang sống – chúng ta thấy Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu. Chúa Cha và Chúa Con ở đâu thì Chúa Thánh Thần cũng ở đó. Ngài là Đấng lặng lẽ mở lòng các con đón nhận sứ điệp này. Ngài giữ sống động niềm hy vọng ơn cứu độ của chúng ta, và Ngài sẽ giúp các con lớn lên trong niềm vui nếu các con mở ra đón nhận hoạt động của Ngài. Chúa Thánh Thần đổ đầy trái tim của Đức Kitô Phục Sinh, và rồi chảy tràn vào đời sống các con. Khi các con đón nhận Thánh Thần, Ngài kéo các con vào sâu hơn trong trái tim của Đức Kitô, nhờ đó các con có thể lớn lên trong tình yêu của Người, trong sự sống và sức mạnh của Người.
  2. Hãy xin Chúa Thánh Thần hằng ngày giúp các con kinh nghiệm lại sứ điệp tuyệt vời này. Tại sao không? Các con chẳng có gì để mất, và Ngài có thể thay đổi cuộc đời các con, lấp đầy nó với ánh sáng và dẫn nó đi theo con đường tốt lành hơn. Ngài chẳng lấy mất điều gì từ các con, nhưng giúp các con tìm thấy tất cả những gì mình cần, bằng một cách thế tốt nhất có thể. Các con cần tình yêu, đúng không? Các con sẽ không tìm thấy nó trong sự phóng đãng, trong việc dùng những người khác, hay trong cố gắng chiếm đoạt và thống trị. Các con sẽ tìm thấy nó theo một cách thế sẽ làm các con hạnh phúc đích thực. Các con đang kiếm tìm những cảm giác mạnh, đúng không? Các con sẽ không kinh nghiệm chúng bằng cách tích lũy mọi thứ đồ đạc vật chất, bằng cách tiêu tiền, săn đuổi miệt mài những sự đời. Các cảm xúc mạnh mẽ sẽ xảy đến, bằng một cách thức đẹp hơn và ý nghĩa hơn nhiều, nếu các con để mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần.
  3. Có phải các con đang tìm kiếm đam mê? Như những câu thơ nào đó diễn tả: “Hãy yêu đi (hay: Hãy cho phép mình được yêu đi)”, vì “không gì thực tiễn hơn là tìm thấy Thiên Chúa, không gì thực tiễn hơn là yêu một cách dứt khoát và tuyệt đối. Điều các con yêu, điều nắm trí tưởng tượng của các con, đó sẽ là điều chi phối đến mọi sự. Nó sẽ quyết định về cái gì thúc đẩy các con thức dậy và ra khỏi giường vào buổi sáng, về điều gì các con làm vào các buổi chiều, về cách mà các con trải qua dịp cuối tuần, về những gì các con đọc, về những người các con biết, về điều gì làm tan vỡ trái tim các con, và về điều gì làm các con rộn lên niềm vui và lòng biết ơn. Hãy yêu, hãy tiếp tục yêu, và tình yêu ấy sẽ ấn định mọi sự”. [70] Tình yêu này đối với Thiên Chúa, vốn có thể làm người ta tiếp cận mọi sự trong đời sống với niềm đam mê, là điều hoàn toàn có thể, nhờ Thánh Thần, vì “tình yêu Thiên Chúa đổ tràn trong tâm hồn chúng ta qua Thánh Thần được ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
  4. Ngài là nguồn của sự trẻ trung trong ý nghĩa tốt nhất. Vì ai tin tưởng vào Chúa thì “giống như cây trồng bên suối nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong; mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi” (Gr 17,8). Trong khi “thanh niên sẽ mệt mỏi, nhọc nhằn” (Is 40,30), thì những người cậy trông Chúa “sẽ được thêm sức mạnh, như thể chim bằng, họ tung cánh, họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40,31).

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30