Hiến Pháp Xuân Bích
HIẾN PHÁP
HỘI LINH MỤC XUÂN BÍCH
MỤC LỤC
SẮC LỆNH.. 3
BẢN VIẾT TẮT.. 5
Các bản văn của Cha Olier và các bản văn khác từ nguồn gốc của Hội : 5
PHẦN MỘT : SỨ MỆNH CỦA HỘI XUÂN BÍCH.. 6
LỜI MỞ ĐẦU.. 6
CHƯƠNG I : BẢN CHẤT VÀ CỨU CÁNH CỦA HỘI (các số 1-5) 7
CHƯƠNG II : THỰC THI SỨ MẠNG (6-9) 9
CHƯƠNG III : NHỮNG TÁC VỤ CỦA HỘI (10-31) 11
NHỮNG TÁC VỤ BÊN CẠNH CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI (10-26) 11
TÁC VỤ ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN (27) 16
NHỮNG TÁC VỤ KHÁC DO CÁC HỘI VIÊN XUÂN BÍCH THỰC HIỆN (28-31) 17
PHẦN HAI : NHỮNG CON NGƯỜI PHỤC VỤ SỨ MỆNH.. 18
DẪN NHẬP. 18
CHƯƠNG I : ĐỜI SỐNG CÁC LINH MỤC XUÂN BÍCH (32-46) 18
CHƯƠNG II : CÁC THÀNH VIÊN CỦA HỘI (47-60) 24
CHƯƠNG III : VIỆC ĐÀO TẠO KHỞI ĐẦU VÀ THƯỜNG XUYÊN (61-68) 29
PHẦN BA : CÁC CƠ CẤU PHỤC VỤ CHO SỨ MẠNG.. 32
DẪN NHẬP. 32
CHƯƠNG I : TOÀN BỘ CÁC CƠ CẤU (69-71) 33
CHƯƠNG II : CÁC CƠ CẤU TRUNG ƯƠNG (72-99) 33
TỔNG CÔNG HỘI (73-80) 34
HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC TRÁCH NHIỆM KÈM THEO (81-99) 35
I. Hội Đồng Trung Ương (82-84) 35
II. Bề Trên Tổng Quyền (85-92) 37
III- Những vị Cố Vấn Trung Ương (93-94) 39
IV- Những trách nhiệm khác của Ban Quản trị Trung ương (95-99) 39
CHƯƠNG III : CÁC CƠ CẤU CỦA TỈNH HỘI (100-126) 40
ĐẠI HỘI TỈNH HỘI (101-106) 40
HỘI ĐỒNG TỈNH HỘI VÀ NHỮNG TRÁCH NHIỆM KÈM THEO (107-126) 41
I – Hội Đồng Tỉnh Hội (107-113) 41
II- Bề Trên Giám Tỉnh (114-119) 44
III. Những vị Cố Vấn của Tỉnh Hội (120-121) 45
IV. Những trách nhiệm khác của Ban Quản Trị Tỉnh Hội 122-124) 45
V. Các Đại Diện Tỉnh Hội (125) 46
ỦY BAN HÒA GIẢI (126) 46
CHƯƠNG IV : CÁC CƠ CẤU ĐỊA PHƯƠNG (127-151) 47
HỘI ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG (128-137) 47
BỀ TRÊN ĐỊA PHƯƠNG (138-144) 49
VIỆC QUẢN TRỊ TÀI SẢN ĐỊA PHƯƠNG (145-148) 50
NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG (149-151) 51
PHỤ LỤC I.
QUY LUẬT VỀ CÁC TỔNG CÔNG HỘI VIỆC BẦU CÁC ĐẠI BIỂU.. 52
VIỆC CHUẨN BỊ CHO KHÓA HỌP. 53
KHÓA HỌP. 54
PHỤ LỤC II.
GHI CHÚ THỰC HÀNH VỀ VIỆC THĂM VIẾNG (các số 1-12) 56
PHỤ LỤC III. 57
CHỈ THỊ DÀNH CHO VIỆC QUẢN TRỊ TÀI SẢN ĐỊA PHƯƠNG (các số 1-21) 57
TRÍCH DẪN.. 59
HIẾN PHÁP HỘI LINH MỤC XUÂN BÍCH
CONSTITUTIONS DE LA COMPAGNIE DES PRÊTRES DE SAINT- SULPICE
(Nguyên Bản)
THÁNH BỘ DÒNG TU
VÀ CÁC TU HỘI ĐỜI
Prot.n. P.15 – 1/78
SẮC LỆNH
Hội các linh mục Xuân Bích, mà nhà chính ở Paris, có ơn gọi liên kết các linh mục của hàng giáo sĩ địa phận để đặt họ phục vụ các Giám Mục, trong việc đào tạo và thánh hóa các linh mục và các linh mục tương lai, được thụ phong để phục vụ các Giáo Hội địa phương.
Chiếu theo các sắc lệnh của Công Đồng Vatican II và các chuẩn mực áp dụng của các sắc lệnh này, Hội Xuân Bích đã tu chỉnh một bản Hiến Pháp mới mà Bề Trên Tổng Quyền theo phiếu bầu của Đại Công Hội, đã trình lên Tòa Thánh, để xin được phê chuẩn.
Thánh Bộ Dòng Tu và các Tu Hội Đời, sau khi đã đưa bản văn cho các Cố Vấn nghiên cứu, và đã chú ý đến việc bầu phiếu ưng thuận của Tổng Công Hội, nay chấp thuận và xác nhận bản văn đã được sửa đổi bởi cùng một Tổng Công Hội này, chiếu theo bản văn tiếng Pháp được lưu giữ tại Công Hàm, với điều kiện phải giữ tất cả những gì luật đã buộc giữ.
Thánh Bộ này nguyện ước rằng, nhờ việc trung thành nắm giữ bản Hiến Pháp này, các linh mục Xuân Bích được càng ngày càng có khả năng, theo như nguyện vọng của Đấng sáng lập, « đổi mới Giáo Hội bằng cách đào tạo được nhiều linh mục có tinh thần Giáo Hội, để sau này họ sẽ ra đi phụng sự Chúa, đến bất cứ nơi nào Ngài muốn gọi họ » (Tự thuật, 3, 83).
Làm tại Rôma, ngày 25.12.1981, dịp lễ Giáng Sinh
Hồng Y Pironio, Tổng Trưởng
Augustinô Mayer, Thư ký
THÁNH BỘ CÁC VIỆN ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
VÀ CÁC HIỆP HỘI ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ
Prot. N. P. 15 – 1/2003
Từ Vatican, ngày 3 tháng 6 năm 2003
Cha thân mến,
Ngày 6 tháng 4 năm 2003 Cha đã thỉnh cầu được phê chuẩn một số sửa đổi trong văn bản Hiến Pháp của Hội Linh mục Xuân Bích, đã bỏ phiếu thuận bởi 2/3 thành viên trong Tổng Công Hội tháng bảy năm 2002.
Sau khi đã cẩn thận xem xét lời thỉnh cầu này, Thánh Bộ các Viện đời sống thánh hiến và các Hiệp hội tông đồ vui lòng phê chuẩn những sửa đổi theo như văn bản được gửi tới. Những sửa đổi này liên quan đến những điều khoản 1, 4, 8, 14, 109 (trong đó đã có thêm một vài quy chiếu) và các điều khoản 27, 52, 54, 60, 98 và 136. Thánh Bộ cũng phê chuẩn cả điều khoản 110, có xác định bản văn như sau :
« Hội Đồng Tỉnh Hội có thẩm quyền để chuyển nhượng những tài sản mà mình có trách nhiệm trực tiếp và giá trị không vượt quá số tiền được Tòa Thánh định mức cho mỗi miền và khi không phải là những tài sản được hiến cho Giáo Hội theo lời khấn hoặc những báu vật có giá trị nghệ thuật hay lịch sử (x. giáo luật điều 638 §3 và 1292 §2). Trong những trường hợp sau cùng này cần phải được sự đồng ý của Hội Đồng Trung Ương và của Tòa Thánh ».
Cha thân mến, với sự biết ơn của chúng tôi đối với sứ vụ quý báu mà Hội các Linh mục Xuân Bích đã đem lại cho Giáo Hội, chúng tôi bảo đảm với Cha sự kết hiệp sâu xa và thân ái của chúng tôi trong Chúa.
Hồng y Eduardo Martinez Somalo
Tổng Tưởng
P. Jesus Torres, CMF
Phó Thư ký
——————————–
Kính gửi Cha Lawrence B. Terrien
Bề Trên Tổng Quyền
Hội Linh mục Xuân Bích
PARIS
BẢN VIẾT TẮT
C.I.C. : Canons du « Codex iuris canonici » (1983) – Điều khoản« Giáo luật » (1983).
O.R.A.: (Orientations et Règles dApplication) – Các Phương hướng và Quy luật Áp dụng (các Hiến Pháp hiện tại của Hội Xuân Bích).
Hiến Pháp và Sắc lệnh của Công Đồng Vatican II :
A.G. : « Ad Gentes », về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.
O.T. : « Optatam totius », về việc đào tạo các linh mục.
P.O. : « Presbyterorum ordinis », về chức vụ và đời sống các linh mục.
R.F. : « Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis » (1969).
P.D.V. : « Pastores Dabo Vobis » (1993), về việc đào tạo các linh mục.
Các bản văn của Cha Olier và các bản văn khác từ nguồn gốc của Hội :
D. E. : Divers écrits – Tạp lục.
M. : Mémoires autographiques – Tự thuật.
L. : Lettres, édition Levesque – Thư từ ( nhà in Levesque).
Projet de 1651 : Dự án về việc thiết lập một chủng viện giáo phận. Ed.I. Noye, trong Truyền Thống linh mục, X. Mappus, 1959, pp. 221-232.
Règles : Tập Quy luật…của Hội Xuân Bích, 1711-1717 (Công hàm, ms,1325).
Ghi chú :
Bản văn được Thánh Bộ các Viện đời sống thánh hiến và Hiệp hội đời sống tông đồ phê chuẩn và xác nhận, là bản văn các Lời Mở Đầu và các điều khoản. Việc chuẩn nhận không bao gồm các O.R.A. và các phần Phụ Lục.
Bản văn được chuẩn nhận không thể được sửa đổi mà không có sự chấp thuận của Thánh Bộ các Viện đời sống thánh hiến và Hiệp hội đời sống tông đồ. Ngược lại, các O.R.A. và các phần Phụ Lục có thể được sửa đổi bởi một Tổng Công Hội.
Tiếp theo các khoản và các O.R.A., là các trích dẫn của Cha J.J. Olier rải rắc đó đây. Những bản văn này, được trình bày bằng chữ nghiêng và in thụt vào, không thuộc vào Hiến Pháp, nhưng cho phép hiểu Hiến Pháp hơn dưới ánh sáng của những trực giác lớn, đã có từ buổi sơ khai của Hội Xuân Bích.
PHẦN MỘT : SỨ MỆNH CỦA HỘI XUÂN BÍCH
*****
LỜI MỞ ĐẦU
« Chúa Giêsu, mà Chúa Cha đã thánh hóa và sai đến trong thế gian (Ga. 10,36), đã cho cả Nhiệm Thể của Ngài tham dự vào việc xức dầu của Chúa Thánh Thần mà Ngài đã nhận được : trong Ngài tất cả các kitô hữu trở thành một cộng đoàn tư tế thánh (1P. 2,5) » (P.O.2,1). Cả Dân ấy là một cộng đoàn đức tin, được mời gọi để tiếp tục trong Chúa Thánh Thần sứ mạng của Chúa Kitô. « Không một chi thể nào mà không thôngphần trong sứ mạng của cả Nhiệm Thể » (P.O. 2,1).
Nhưng trong Nhiệm Thể ấy, mọi chi thể không có cùng một chức vụ (Rm. 12,4). Chúa Giêsu đã chọn một số người giữa họ làm thừa tác hầu thực hiện nhân danh Ngài – in persona Christi capitis – việc phục vụ dân Chúa (P.O. 2). Thông qua lời nói và việc làm của họ, Chúa Giêsu phục sinh vẫn hiện diện mãi tới ngày Ngài trở lại, với tư cách là Thầy, là Linh mục và Mục tử.
Khi ký thác sứ mạng này cho một vài người trong nhóm môn đệ, Chúa Kitô đã trao cho họ một vai trò riêng biệt và xác định trong Giáo Hội. Địa vị mà họ nắm giữ trong mối lưu tâm, trong lời cầu nguyện và trong cuộc sống công khai của Ngài, tỏ rõ cái giá mà Ngài đã đặt cho vai trò của họ để xây dựng Giáo Hội, và để cứu rỗi thế gian. Đời sống của Giáo Hội, hôm qua và hôm nay, đã không ngừng làm sáng tỏ tầm quan trọng của sứ vụ ấy, mà bí tích Truyền Chức thừa nhận và thánh hóa. « Qua việc Truyền Chức và sứ mạng lãnh từ các Giám Mục, các linh mục được đặt để phục vụ Chúa Kitô là Thầy dậy, là Tư Tế và là Vua : họ tham gia vào sứ mệnh của Ngài, ngày qua ngày xây đắp Giáo Hội ở đời này để Giáo Hội làm thành dân Chúa, Thân Thể của Chúa Kitô và Đền Thờ của Chúa Thánh Thần » (P.O. 1). Để có những linh mục hết sức có khả năng và trao hiến như thế cho sứ mạng thiên linh này, các mục tử và giáo dân đã làm việc rất nhiều, chịu đau khổ, cầu nguyện, đặc biệt là nhân các cuộc cải cách được Chúa Thánh Thần xui khiến, để đổi mới Giáo Hội suốt dòng lịch sử của mình.
Chính giữa lòng cái kinh nghiệm này về Giáo Hội, được thúc đẩy bởi các bậc tiền bối, linh mục và giáo dân, Cha J.J. Olier (1608-1957) cùng những người bạn đầu tiên đã cảm thấy, trong chính họ và chung quanh họ, sự cần thiết phải hoàn thiện đời sống linh mục vì sự sống của Giáo Hội và sự phong phú của việc tông đồ và truyền giáo. Được các kitô hữu nâng đỡ, được hàng Giáo Phẩm khuyến khích, họ tụ họp nhau lại, mà vẫn không tách rời khỏi hàng giáo sĩ của giáo phận. Đặt mình phục vụ các Giám Mục, họ đã cố sức nêu cao giá trị trọn vẹn của chức vụ và đời sống các linh mục, và chấn hưng hàng giáo sĩ trong sự thánh thiện phù hợp với những« khí cụ sống động của Chúa Kitô, Linh mục đời đời » (P.O. 12).
Được hiện tại hóa dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II, đề án này của các nhà sáng lập luôn luôn mời gọi các linh mục Xuân Bích tận hiến cho Chúa Kitô, là Thầy, Linh mục và Mục tử, để phục vụ anh em mình và toàn thể Giáo Hội.
CHƯƠNG I : BẢN CHẤT VÀ CỨU CÁNH CỦA HỘI (các số 1-5)
1. Được hiến dâng cho Chúa Giêsu-Kitô, Linh mục Thượng phẩm, Hội các Linh mục Xuân Bích, được sinh ra từ việc tông đồ của Cha J.J. Olier, đấng sáng lập, là một hội các linh mục địa phận, có ơn gọi phục vụ những người được truyền chức để làm tác vụ linh mục.
Chính với mối bận tâm cơ bản này mà họ dấn thân vào việc biện phân các ơn gọi, việc đào tạo khởi đầu và thường xuyên cho các linh mục, hoặc thực thi những sứ vụ khác. Họ làm việc đó với mối quan tâm giáo dục « đời sống nội tâm » và đào tạo « tinh thần tông đồ ».
Hội Xuân Bích là một hội sống đời tông đồ chiếu luật Tòa Thánh (C.I.C. 731 tt).
« Chủng viện Xuân Bích (…) được dâng hiến cho Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta để tôn vinh Ngài không những chỉ với tư cách Linh mục Thượng phẩm, và Tông đồ cao cả của Cha Ngài, nhưng còn để tôn kính Ngài, sống động trong cộng đoàn các Tông đồ, từng ngày kêu cầu Thánh Linh tông đồ, cho mình và cho toàn thể Giáo Hội, để đổi mới trong Giáo Hội tình yêu Đức Giêsu-Kitô và lòng sùng mộ đối với Cha Ngài, nhất là trong hàng giáo sĩ như là nguồn mạch của sự thánh thiện, nguồn mạch phải được thông ban qua các ngài xuống cho dân chúng. » (D.E. I, 67).
« Ý định Thiên Chúa đặt trên Hội là truyền bá tinh thần linh mục trong Giáo Hội. » (M 7, 23)
« Chúa muốn dùng tôi để đổi mới Giáo Hội, bằng cách đào tạo nhiều linh mục có tinh thần Giáo Hội, sau đó họ sẽ ra đi phụng sự Chúa ở nơi nào Chúa muốn gọi họ » (M 3, 83)
2. Hội này đáp ứng ơn gọi của mình bằng cách tự đặt mình phục vụ các Đức Giám Mục tín cẩn vào tinh thần của Hội và yêu cầu Hội cộng tác. Các anh em đồng nghiệp mà Hội đặt dưới sự sử dụng của các Giám Mục, nhận lãnh nơi các Ngài sứ mạng cần thiết để chu toàn nhiệm vụ của mình, dưới trách nhiệm của các Bề Trên của họ, trong sự tôn trọng các đặc tính riêng của Hội.
« Lòng nhân lành của Thiên Chúa đã cho tôi thấy ý định của Ngài trên ngôi nhà này và như Ngài ước ao cho nó trở nên một ngôi nhà tông đồ trong đó có những con người mà tôi có thể gởi đến các Giám Mục để sáng lập và xây dựng các chủng viện. Nơi đó họ sẽ đào tạo nhân sự tại chỗ và để họ lại điều hành các nhà ấy, xong xuôi họ sẽ trở về nhà hoặc sẽ được sai đi nơi khác vì lợi ích của Giáo Hội » (D.E. I, 61).
3. Cộng tác với các Giám Mục, Hội muốn thông hiệp vào mối bận tâm của toàn thể Giáo Hội và góp phần mình vào việc trao đổi giữa các Giáo Hội địa phương. Do đó các thành viên của Hội có thể được gọi để thi hành chức vụ của mình tại các nước xa quê hương của mình. Dù sống ở đâu, « họ vẫn tổ chức việc chăm sóc mục vụ của họ thế nào để nó hữu hiệu cho việc truyền bá Tin Mừng đến những người ngoài Kitô giáo » (A.G. 39).
O.R.A. Theo đường hướng sứ mạng của mình, Hội sẵn sàng phục vụ các Hội Đồng Giám Mục và những cơ quan lệ thuộc khác, chính yếu là những gì liên quan đến việc phục vụ các linh mục.
« Ngôi nhà này và hội đã được hình thành tại đây chỉ ao ước được vinh dự theo gương Tông Đồ đoàn (…) luôn ý thức phục vụ tất cả các Giám Mục (…) mà họ tự xem mình như là các tôi tớ theo ơn gọi và đích thực có bổn phận đến phục vụ các Ngài khi nào các Ngài cần tới họ » (DE I, 67).
(…) Ngài (Chúa Giêsu) đã khứng nói với tôi rằng: « Ta muốn con thành lập một hội tông đồ (…) ». Bởi thế tôi coi đó là Hội Xuân Bích, mà các thành viên phải có tinh thần tông đồ để sáng lập các Giáo Hội cho Chúa » (M 5,107).
« Nếu đủ quả cảm, các thành viên sẽ hết lòng để ý đến các các dân tộc ngoại giáo và man rợ để đến phục vụ họ, và chết vì vinh quang Thiên Chúa, trong khi mang đến cho họ Phúc Âm của Chúa Giêsu-Kitô » (M 7, 206-207).
4. Là linh mục địa phận, các thành viên của Hội Xuân Bích không có lời khấn, lời thề hoặc lời hứa đặc biệt nào. Họ liên kết với nhau bằng giây đức ái linh mục và bằng ý chí muốn phục vụ các linh mục và linh mục tương lai, dưới thẩm quyền của Bề Trên (C.I.C. 738) và với lòng trung thành với Hiến Pháp, cùng với sự hỗ trợ và các đòi hỏi của cuộc sống chung (C.I.C. 731). Chu toàn chức vụ của mình « trong tinh thần của Đức Kitô » (P.O. 13), họ tìm cách thực hiện toàn vẹn lý tưởng của sự thánh thiện Kitô giáo và sự thánh thiện linh mục, như đấng sáng lập đã đề nghị : « Vivere summe Deo in Christo Jesu » (« Pietas »,1) ; « Horum summa cura et unicum studium erit quotidie erudiri et proficere in disciplina Christi » (Hiến Pháp đầu tiên, Tạp lục I, 50).
« Chủng viện Xuân Bích, dù có đông đúc đi nữa, vẫn tuyên thệ rằng không tự nâng lên cấp dòng tu, để chỉ làm việc và yêu mến Giáo Hội Chúa Giêsu-Kitô và nhất là vì hàng giáo sĩ thánh của Ngài, đó là tất cả ánh sáng, lòng nhiệt thành, nhân đức, sự thánh thiện và phẩm hạnh của mình » (D.E. I, 87).
5. Họ sẽ sống trong sự hiệp nhất chặt chẽ về tinh thần và hành động, để thực hiện cùng với những người đã được ủy thác cho họ và với toàn thể linh mục đoàn, một cộng đoàn huynh đệ chân chính. Sứ mạng mà họ đã nhận lãnh sẽ khiến các thành viên của Hội thắt chặt và đào sâu sự hiệp nhất với các Giám Mục và với Đức Giáo Hoàng. Chiếu theo một truyền thống lâu đời về lòng trung thành đối với Đấng kế vị thánh Phêrô, Hội cố gắng thăng tiến nơi các thành viên của mình và nơi các linh mục mà họ đào tạo, môt sự gắn bó bất diệt vào Ngài và một sự hoàn toàn ngoan ngoãn đối với các giáo huấn và các chỉ thị của Ngài.
« (…) Chúa và Thầy của tôi, không muốn rằng sáng kiến nhân loại liên kết chúng tôi lại, nhưng chính là Thánh Thần và lòng bác ái, sẽ thắt chặt tôi với các thành viên của tôi và sẽ làm cho tôi được liên kết, nhờ Ngài, với những người mà Ngài sẽ giao cho tôi » (M 5, 108-109).
CHƯƠNG II : THỰC THI SỨ MẠNG (6-9)
6. Việc đào tạo linh mục là việc ưu tiên trong các nhiệm vụ ủy thác cho Hội.
Sự ưu tiên này không loại trừ, nhưng ngược lại, mời gọi nhiều hoạt động linh mục khác. Được thực hiện một cách tạm thời hay vĩnh viễn, một phần hay trọn thời gian, những sứ vụ này cho phép các thành viên của Hội được tháp nhập tốt hơn vào linh mục đoàn của các giáo phận mà họ đến làm việc và trở nên thích hợp hơn để đào tạo các thành viên.
O.R.A. Để làm tốt hơn việc đào tạo linh mục, các Hội viên Xuân Bích nên cộng tác vào việc đào tạo các phó tế, các thừa tác viên khác hoặc những giáo dân có trách nhiệm về những việc khác nhau trong Giáo Hội. Mỗi Tỉnh Hội, tùy theo hoàn cảnh riêng của mình, sẽ nhìn thấy điều gì nên làm trong lãnh vực này.
« Chúng ta không bao giờ bỏ qua ý định mà Thiên Chúa đã vui lòng gợi lên cho chúng ta, để liên kết chúng ta lại với nhau hầu trở nên cho Ngài những bộ phận và những khí cụ hèn mọn nhằm ra sức chuẩn bị cho Ngài những linh mục phụng sự Ngài trong tinh thần và chân lý » (M 7, 229).
« Horum summa cura et unicum studium erit quotidie erudiri et proficere in disciplina Christi ut cum discipulis possint gradibus virtutum ascendere in monte ubi Magister et Dominus Jesus Christus » (D.E. I, 50).
« Cha Bề Trên và các cha giáo (…) sẽ khuyến khích các chủng sinh hết sức trung thành (với những đòi hỏi của đời sống cộng đoàn) bằng gương sáng của các ngài, bằng cách chính các ngài cũng tham dự vào đời sống của cộng đoàn một cách chuyên cần nhất mà họ có thể » (Quy luật…trang 10).
« Bởi vì việc các chủng sinh cởi mở tâm hồn đối với các vị linh hướng là rất quan trọng và bởi vì tất cả sự tiến bộ của họ tùy thuộc vào sự tín nhiệm này, vị linh hướng sẽ để cho họ tự do đến với mình bất cứ giờ nào, người sẽ không để cho họ phải chờ đợi, (…) ; và khi họ đến nhiều lần trong ngày, làm gián đoạn công việc của mình, thì người cũng sẽ tiếp họ với cùng một lòng yêu thương ấy, người sẽ lắng nghe họ với cùng một lòng kiên nhẫn ấy, người sẽ trả lời họ với cùng một sự dịu dàng ấy, như thể người chỉ có một công việc duy nhất ấy phải làm trên trần gian » (Quy luật… trang 12).
7. Các linh mục Xuân Bích sẽ xác tín rằng vì chính ơn gọi chung của họ mà các công việc khác nhau của họ sẽ bổ sung cho nhau. Họ sẽ lưu tâm sao cho công việc và kinh nghiệm của mỗi người mang lại lợi ích cho sự nghiệp chung.
« Dù Chúa chúng ta muốn dùng chúng ta vào công việc gì, hoặc đến với các dân tộc hay ở cạnh anh em của mình, nghĩa là các giáo sĩ của Giáo Hội mà Ngài đã định để chúng ta phục vụ, chúng ta đều phó thác cho Ngài trong mọi sự, hy vọng tất cả nơi Ngài để kiện toàn công trình của Ngài và để thi hành chức vụ thần thánh, chức vụ này chỉ có thể chu toàn nhờ sức mạnh và sự hiện diện của Thánh Thần Ngài » (D. E. I, 8).
« Và tôi thấy rằng không nên thiết lập thêm nhà bừa bãi đây đó, bằng cách nhân lên cho chúng ta những phận vụ linh tinh, như trường học hay điều gì khác, nhưng chúng ta chỉ nên (chuyên tâm) đào tạo tốt những con người đang nằm trong tay chúng ta, những người này về sau sẽ sáng lập và xây dựng nhà ở những nơi khác. Hơn nữa, chúng ta cũng không phải quá bận tâm đến vậy cho dân chúng, nhưng những người này về sau sẽ lo việc này một cách lợi ích và sẽ làm nên điều kỳ diệu cho Chúa » (M 5, 107).
« Chúng tôi tụ họp nhau từ nhiều năm nay, nhiều người sau khi làm việc với dân chúng ở những nơi truyền giáo và tại giáo xứ, nhìn nhận rằng ta sẽ làm việc một cách vô ích trên họ, nếu như trước đó đã không cố gắng thanh lọc cái nguồn gốc của việc thánh hóa họ, đó là các linh mục, do vậy họ tự rút lui để vun trồng những mầm non mới, rơi vào tay họ, mà có dấu hiệu đã được chọn gọi vào hàng giáo sĩ » (D.E. I, 71).
« Bước vào chức vụ thánh này và công vịêc linh thiêng này, là mang ân sủng của Thánh Linh và sự thánh hóa trọn hảo vào tâm hồn hàng giáo sĩ, đó là điều mà tôi quý mến, suy tôn và cung kính đến một độ mà tôi không thể diễn tả được » (Dự án năm 1651, trang 224).
8. Bất cứ anh em đồng nghiệp nào phải thi hành nhiệm vụ hoàn toàn ở ngoài các cộng đoàn của Hội, đều cần phải được liên kết một cách nào đó với một trong những cộng đoàn này. Thông thường là cộng đoàn nào gần nơi người đó làm việc nhất. Như vậy họ có thể tham gia tốt hơn vào đời sống, vào hoạt động và vào các đường hướng của Hội, nhân đó nhận được một số lợi ích của đời sống chung.
O.R.A. a. Cho dù các tác vụ này có đa dạng đến đâu đi nữa, các thành viên của Hội sẽ duy trì, trong lời cầu nguyện và hoạt động của mình, mối quan tâm liên lỉ đến các linh mục và các linh mục tương lai.
b. Hội Đồng Tỉnh Hội, vì có phận sự lo lắng và trách nhiệm về việc bổ nhiệm các thánh viên, sẽ lo bảo đảm về mọi mặt thông thường của đời sống vật chất, tinh thần và thiêng liêng của những anh em đang thi hành nhiệm vụ ngoài các cộng đoàn Xuân Bích.
c. Ở mỗi Tỉnh hội, một hoặc nhiều anh em được Hội Đồng Tỉnh chỉ định, sẽ lo việc duy trì giữa lòng của Hội những liên lạc huynh đệ đích thực với những anh em vừa nói trên. Họ có thể tiên liệu những buổi gặp gỡ định kỳ chẳng hạn.
9. Hội thực thi sứ mạng của mình trong sự trung thành hoàn toàn với những quyết định của Giáo Hội hoàn vũ và những chỉ thị của các Hội Đồng Giám Mục. Để bảo đảm cho sự hợp tác hữu hiệu với Hàng Giám Mục miền hoặc địa phương, Hội nên có những hợp đồng xác định rõ những đường hướng chính để hoạt động. Những hợp đồng này sẽ nhấn mạnh đến những đặc tính chính yếu của nền sư phạm của Hội và qua đó bày tỏ rằng sứ mạng của Hội không hạn hẹp vào việc đáp ứng các nhu cầu về nhân sự.
O.R.A. a. Các thẩm quyền của Hội sẽ lo trình bày với các Giám Mục liên hệ, tất cả những yếu tố (đặc biệt là các tài liệu viết : Hiến Pháp, Chỉ Nam v.v ) để các ngài có thể đánh giá xem Hội có khả kham phục vụ được như các ngài chờ đợi không, tính đến cả thời gian và nơi chốn.
b. Có ba loại hợp đồng phải trù tính : loại hợp đồng gánh trách nhiệm, qua đó Hội có một trách nhiệm về toàn bộ ; loại hợp đồng hợp tác theo thể chế, qua đó Hội chính thức tham gia vào đời sống của một Trung Tâm đào tạo bằng công việc của một số thành viên của Hội ; sau cùng là loại hợp đồng hợp tác đơn giản theo cơ hội qua đó Hội để cho một cộng đoàn nào đó sử dụng một hai thành viên của mình.
c. Hai loại hợp đồng đầu tiên sẽ phải xác định rõ, đặc biệt là những yếu tố chính của đời sống của Trung Tâm đào tạo, sao cho hợp với những chỉ thị của Hàng Giám Mục và Hiến Pháp của Hội, cũng như những điều kiện chiêu nạp nhân sự. Hợp đồng sẽ được thiết lập với sự đồng ý của Hội Đồng Trung Ương.
d. Trong mỗi loại hợp đồng, sẽ hoạch định rõ rệt những khía cạnh về đời sống tài chính của anh em.
CHƯƠNG III : NHỮNG TÁC VỤ CỦA HỘI (10-31)
*****
NHỮNG TÁC VỤ BÊN CẠNH CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI (10-26)
10. Tác vụ của linh mục, với các đặc tính riêng biệt được thực hiện giữa lòng sứ mạng của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt trong sự hợp tác với các thừa tác viên khác, đã được thụ phong linh mục hoặc đã được đặt định. Việc đào tạo phải bao gồm cả viễn tượng này, xét về mặt vừa lý thuyết vừa thực hành. Nó sẽ chuẩn bị cho các linh mục tương lai nhận biết và thực hiện sự thống nhất của Sứ mạng trong sự đa dạng của các công việc và chức vụ.
O.R.A. a. Sẽ phải trình bày cho các chủng sinh một khoa thần học về chức linh mục làm cho họ có khả năng nắm bắt được những chiều kích thuộc phép Thánh Tẩy cũng như thuộc mầu nhiệm Ba Ngôi và tính cách thừa tác : « Các linh mục hiện hữu và hành động để loan báo Tin Mừng cho thế giới và xây dựng Giáo Hội nhân danh chính Đức Kitô là Đầu và là Mục Tử », mà họ là « đại diện bí tích » (P.D.V. 15). Các linh mục « được tháp nhập vào cơ cấu tông đồ của Giáo Hội » (P.D.V. 16) « như những cộng sự viên của Hàng Giám Mục » (P.O. 2). Trong khi để mình được Chúa Thánh Thần dẫn dắt họ tìm được sự thống nhất giữa đời sống và sứ vụ của mình qua chứng từ về sự thánh thiện của họ.
b. Cần chuẩn bị các chủng sinh để thi hành một tác vụ« được tuyển đặt hoàn toàn có tính cách tập thể » (P.D.V. 17) và chỉ được chu toàn do sự cộng tác chặt chẽ với những người thi hành những nhiệm vụ khác nhau để phục vụ sứ mạng chung (C.I.C. 230)
11. 1. Mục tiêu của tác vụ bên cạnh những ứng sinh vào chức linh mục, là giúp cho họ nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa để phục vụ Giáo Hội, và chuẩn bị cho họ đáp lại tiếng gọi đó.
2. Thật vậy, đức tin mời gọi chúng ta nhận ra, trong ơn gọi làm công tác mục vụ, một sự can thiệp thiên linh được thực hiện trong suốt cuộc sống. Nhưng sự thức tỉnh, sự biện phân và sự nâng đỡ một ơn gọi như vậy đòi hỏi phải có những trung gian nhân loại. Công việc của Hội được đặt để ở chính mức độ này.
12. Công việc đó, dù rất thay đổi trong cách diễn tả, đều nhằm đến một mục đích tối hậu, giúp cho những ứng sinh vào tác vụ linh mục được đâm rễ sâu trong Thần Trí của Đức Kitô, là Thầy, là Linh Mục và Mục Tử, và trở nên có khả năng « thực hiện nhiệm vụ giảng dậy, thánh hóa và dẫn dắt Dân Chúa » (R.F. 20 ; x. O.T. 4).
13. Các huấn luyện viên sẽ chú ý để phát hiện và phát triển, nơi mọi ứng sinh, dù khả năng hoặc nhân đức của họ có thế nào đi nữa, những kỹ năng đối thoại và hợp tác, cá nhân hoặc theo thể chế, là những cái không thể thiếu trong việc thi hành chức vụ.
14. Đối với việc đào tạo linh mục, cần phải tôn trọng những đặc tính cốt yếu của việc thực hành nền sư phạm của Hội. Ta có thể quy chúng lại trong những điểm cơ bản như sau:
1. Việc thực thi tập thể các trách nhiệm, được áp dụng trước tiên đối với nhóm huấn luyện viên, nhưng cũng đòi hỏi sự hợp tác của những ứng sinh vào chức linh mục, của linh mục đoàn giáo phận và của các thành viên khác của cộng đoàn kitô hữu.
2. Một cuộc sống cộng đoàn thực sự giữa các huấn luyện viên và các ứng sinh, để tạo nên một « cộng đoàn giáo dục » chuẩn bị cho sự đồng trách nhiệm và cho phép những sự đối kháng cần thiết và một sự biện phân tốt hơn về các ơn gọi.
3. Một sự khai mở từ từ vào đời sống thiêng liêng cá nhân, được thực hiện một cách đặc biệt nhờ việc linh hướng thường xuyên.
4. Một sự quan tâm lớn đến sự tự do thiêng liêng của những ứng sinh, sự tự do này được nên dễ dàng nhờ việc phân biệt rõ ràng giữa trách nhiệm của Hội Đồng và trách nhiệm của vị linh hướng, đồng thời cũng nhờ những quy luật Xuân Bích ấn định những mối tương quan giữa đôi bên (x. điều 135, 136, 137).
5. Liên lỉ tìm kiếm sự kết hợp với Chúa Kitô, nơi Ngài các linh mục gặp được sự thống nhất của đời mình (x. P.O. 14). Chính trong sự kết hợp với Chúa Kitô đó mà người ta sẽ cố gắng thống nhất hóa các phương diện khác nhau (như nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ) của việc đào tạo họ.
O.R.A. Người ta sẽ lưu ý đào tạo các chủng sinh để có một sự hiểu biết đủ về những môi trường và văn hóa của họ ; phải giúp họ khám ra những giới hạn để đưa tinh thần Phúc Âm vào đó : dành ưu tiên cho tất cả những gì có thể khơi dậy và phát triển nơi họ óc cởi mở đối với những nền văn hóa khác và biết đối thoại.
15. Tất cả các nhiệm vụ sẽ được Bề Trên địa phương phối trí nhưng các anh em đồng nghiệp sẽ không để một mình ngài phải mang gánh nặng của nhà : mỗi người theo phần mình, sẽ xác tín thâm sâu về trách nhiệm tập thể của mình. Sự tham gia hội đồng là một trong những hình thức ưu tiên.
16. Việc chuẩn bị vào chức linh mục tạo nên một tổng thể thống nhất. Nó đòi hỏi nơi các linh mục Xuân Bích những khả năng cần thiết, không những chỉ để hợp tác trong các chủng viện, nhưng còn để theo dõi, cùng với các thành viên khác của linh mục đoàn và của Dân Chúa, toàn thể tiến trình của những ứng sinh vào chức tư tế, trong sự tiếp cận với những thực tại của Giáo Hội và của thế giới.
17. 1. Trong các chủng viện mà Hội dấn thân theo thể chế, một số các huấn luyện viên, Xuân Bích hay không, hợp tác theo sự thúc đẩy của Bề trên. Họ làm thành một nhóm, mà công việc của họ được thực hiện qua việc thực thi trách nhiệm tập thể, và bao gồm cách đặc biệt chức vụ linh hướng.
2. Nhóm này cùng với tất cả chủng sinh, tạo nên một cộng đoàn duy nhất, mà sứ mạng đòi hỏi nơi mỗi người một sự hợp tác thẳng thắn.
O.R.A. a. Các đồng nghiệp không phải là Xuân Bích sẽ được thông tri đầy đủ về những nguyên tắc và phương pháp đào luyện của Xuân Bích để họ có thể làm theo khi đã nắm được chính xác.
b. Người ta sẽ khuyến khích nơi những ứng sinh vào chức linh mục tinh thần sáng kiến và tự bảo lãnh lẫn nhau, trong khi vẫn tôn trọng những cấp bậc khác nhau của trách nhiệm và lưu ý đến mực độ trưởng thành của họ.
c. Là người chịu trách nhiệm trước hết về sự hiệp nhất tinh thần của cộng đoàn, cha Bề Trên lưu ý đến sự sinh hoạt trong mọi lãnh vực và đặc biệt về chương trình đào tạo thiêng liêng và mục vụ. Liên kết với các anh em đồng nghiệp, cha Bề Trên thực thi trách nhiệm này đặc biệt khi cử hành phụng vụ, khi trao đổi với cộng đoàn hoặc trong những buổi gặp gỡ khác (kiểm điểm đời sống, « chia sẻ Phúc Âm », v.v.)
d. Cha Bề Trên lưu ý để mọi người thực hiện các chỉ thị của Giáo Hội về việc đào tạo đời sống thiêng liêng của linh mục. Ngài sẽ chắc chắn rằng mỗi chủng sinh đều đã chọn một vị linh hướng. Chiếu theo quy tắc Giáo luật (C.I.C. 985), chính ngài phải từ chối không giải tội cho các chủng sinh.
e. Tất cả các vị linh hướng sẽ cố gắng đào sâu bằng học tập, suy tư và kinh nghiệm, các nguyên lý về đời sống thiêng liêng mà Giáo Hội cho ta khám phá ra trong Kinh Thánh, trong phụng vụ và trong truyền thống giáo lý đã được các thánh và các nhà thần học sống.
f. Các vị linh hướng cũng lưu ý đặc biệt đến việc huấn luyện sự trưởng thành về cảm tính và giáo dục về phái tính, là những yếu tố căn bản để sống đặc sủng bậc độc thân. Để làm điều đó, trong khi thi hành trách nhiệm biện phân các năng khiếu của những ứng sinh lên chức thánh, các nhà huấn luyện sẽ ý thức về bổn phận của mình là bảo tồn thanh danh của các chủng sinh và tôn trọng các quy luật của chuyện tâm sự (C.I.C. 220, 247, 1029, 1051).
g. Họ sẽ chăm lo học thêm những kiến thức tâm lý cần thiết đối với những ai đang thi hành vai trò người hướng dẫn và cố vấn. Họ sẽ hết sức theo dõi những kết quả nghiêm túc, đã có được ngày nay về môn học đó.
Tuy nhiên họ sẽ khôn ngoan ở lại trong lãnh vực riêng của mình, không mong tự giải quyết các trường hợp xem ra thuộc tâm lý gia hay bác sĩ tâm thần. Ngoài ra các thẩm quyền có trách nhiệm phải mời sẵn các chuyên gia đã được chọn lọc kỹ lưỡng để giúp các chủng sinh trong các khoa này.
h. Các vị linh hướng phải sẵn sàng để có thể đón tiếp dễ dàng những ai tìm đến họ để xưng tội và linh hướng.
18. Nếu như công việc đào tạo thiêng liêng là đầu tiên trong truyền thống Xuân Bích, thì phần đông anh em đồng nghiệp còn được mời kiêm trách nhiệm giảng dậy.
19. Một trong những vai trò chính yếu của một giáo sư là huấn luyện cho học trò biết ham thích và yêu mến chân lý. Là kitô hữu và linh mục, hội viên Xuân Bích, trong việc giảng dậy của mình, không được quên rằng mình đã đuợc gọi để nên nhân chứng và người giáo dục đức tin cho các chủng sinh, cũng như chính các chủng sinh cũng phải nên như vậy cho tất cả mọi người.
O.R.A. a. Các giáo sư phải có khả năng cần thiết, được kiểm chứng bởi những bằng cấp tương ứng. Người ta cũng sẽ lưu ý đặc biệt đến các năng khiếu sư phạm của họ.
b. Trong suốt cuộc đời giảng dậy của mình, họ sẽ phải duy trì và phát triển những khả năng ấy : họ sẽ can đảm đương đầu với những nguy cơ của tình trạng đình trệ và xơ cứng, bằng cách theo kịp kiến thức đương thời, cải tiến phương pháp của mình và làm cho chúng nên phù hợp với những nhu cầu mới.
c. Chiếu theo luật lệ và hoàn cảnh địa phương, nên xin Chính Quyền và các cơ quan có thẩm quyền chính thức công nhận việc giảng dậy của chủng viện và khuyến khích các chủng sinh nên có những bằng cấp đại học.
d. Việc giảng dậy ở chủng viện ít nhất cũng phải có giá trị ngang với việc giảng dậy trong các cơ chế cùng cấp độ được Chính Quyền công nhận.
20. Trong sứ mệnh giảng dậy nhận lãnh từ các Giám Mục, các giáo sư sẽ có hai mối bận tâm về tri thức : sự trung thành với Mặc Khải, mà Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội là người giải thích chính thức, và tinh thần cởi mở trước một thế giới đang đầy thay đổi ; chính nhờ thế mà sứ điệp Tin Mừng sẽ có thể được nghe, được hiểu và được sống.
O.R.A. a. Mối bận tâm mục vụ về những tiến triển tri thức của người đồng thời sẽ làm cho các giáo sư để ý đến những trào lưu tư tưởng quan trọng nhất của thời đại họ (x. Phil. 4, 8) và đặc biệt là những đóng góp của các khoa học nhân văn.
b. Họ sẽ chú tâm giáo dục học trò mình – và bằng gương sáng của mình trước tiên – óc phê bình đích thực, được đức tin trao cho tất cả sự bén nhạy, quân bình và khiêm tốn, và sẽ bảo vệ họ khỏi nhượng bộ theo những lôi cuốn của quần chúng và những sự liều lĩnh, cũng như khỏi đồng hóa các truyền thống ngẫu nhiên với tín lý đức tin (x. Thes. 5, 21).
21. Việc đào tạo sẽ đáp ứng cho mối lo đại kết của Giáo Hội không những bằng cách cung cấp cho chủng sinh những sự cởi mở cần thiết cho đường hướng này, nhưng còn chuẩn bị cho họ trở nên những người vận động đích thực cho sự hiệp nhất này.
22. Trong khi vẫn tôn trọng sự nghiêm nhặt riêng của mỗi môn học, các phương pháp giảng dậy sẽ thích ứng theo nhu cầu hiện tại của Giáo Hội và của tác vụ linh mục, kể cả những đòi hỏi hoặc những nhu cầu của những môi trường khác nhau.
O.R.A. a. Người ta sẽ khuyến khích làm việc theo nhóm, cũng như tinh thần nghiên cứu, bằng cách xem xét hình thức và mức độ phù hợp với các hoàn cảnh địa phương cũng như các nhu cầu và khả năng của học sinh,
b. Mỗi giáo sư phải nhìn môn mình dậy là một thành phần trong toàn bộ cơ thể. Để bảo đảm cho sự liên kết trong việc đào tạo tri thức, Bề Trên và các giáo sư cần phải biết những quan điểm chính yếu của mỗi người trong những luận đề mà người đó giảng dậy.
Ngoài những cuộc tham khảo tự phát, thông thường giữa anh em đồng nghiệp với nhau, người ta sẽ tổ chức những cuộc trao đổi giữa các giáo sư thuộc nhiều môn học khác nhau, cũng như những buổi gặp gỡ giữa các giáo sư và học sinh để học hỏi một vài chủ đề nào đó.
23. Người ta sẽ khuyến khích việc xuất bản những công trình của các thành viên Xuân Bích, tùy theo khả năng và chức vụ của họ. Người ta cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc tham gia vào các phương tiện truyền thông xã hội khác (truyền thanh, truyền hình…). Trong mọi trường hợp, người ta sẽ nhớ rằng vì thuộc về Hội họ sẽ kéo theo một trách nhiệm đặc biệt nào đó.
O.R.A. Khi một thành viên của Hội ước ao xuất bản một tác phẩm, cộng tác thường xuyên với một tờ báo định kỳ, hoặc tham gia đều đặn vào các phương tiện truyền thông xã hội khác, thì người ấy phải có phép của vị Bề Trên Giám Tỉnh mình hoặc của người anh em đồng nghiệp đại diện cho Ngài.
24. Chính bản chất của « cộng đoàn giáo dục » giả thiết rằng các anh em đồng nghiệp phải tham gia vào các sinh hoạt của chủng viện, như đời sống phụng vụ, toán học hỏi, nhóm tinh thần. Họ cũng sẽ tham gia vào một số hoạt động mục vụ nào đó, thuộc giáo phận hay thuộc miền. Việc lựa chọn và các giới hạn của những hoạt động này sẽ là đối tượng của một suy nghĩ chung, dưới trách nhiệm của Bề Trên.
O.R.A. Để duy trì trong nhà tinh thần hợp nhất trong hợp tác, mỗi anh em đồng nghiệp sẽ cho Bề Trên hoặc nhóm huấn luyện viên, biết mọi sáng kiến có thể có tác động trên đời sống cộng đoàn.
25. Tin tưởng rằng việc chia sẻ cuộc sống linh mục là giáo huấn sâu sắc và hữu hiệu nhất trong các giáo huấn, các linh mục Xuân Bích sẽ sống thành cộng đoàn chặt chẽ với các ứng sinh thừa tác. Họ sẽ tạo thuận lợi cho một đối thoại đích thực, khiến mỗi người cảm thấy có trách nhiệm đối với cộng đoàn duy nhất này. Qua đó họ sẽ khám phá và rút kinh nghiệm về những điều kiện cụ thể về việc thực hành tác vụ trong Giáo Hội, dưới hai khía cạnh là đời sống huynh đệ và sự tham gia vào một sứ mạng chung. Chính trong bối cảnh đó mà các khả năng cho tác vụ linh mục sẽ được bày tỏ một cách rõ ràng hơn.
O.R.A. Vì kính trọng con người và để duy trì bầu khí tín nhiệm trong cộng đoàn, người ta sẽ giữ gìn mọi sự cẩn mật cần thiết, đăïc biệt trong sinh hoạt nhóm và hơn thế nữa trong việc linh hướng.
26. Các chủng viện tạo nên những trung tâm suy tư thần học và mục vụ quan trọng đối với một giáo phận hoặc một vùng. Như vậy chủng viện cần phải duy trì những mối tương quan huynh đệ với các giáo phận, thế nào để cho tất cả mọi người, linh mục và giáo dân, có thể hưởng được công việc phục vụ của chủng viện và cảm thấy có trách nhiệm, về phần họ, trong việc đào tạo linh mục (x. điều 136).
O.R.A. Trong các mối quan hệ với bên ngoài, người ta sẽ chú tâm tránh những sự thiếu kín đáo có hại cho cộng đoàn hoặc cho một vài thành viên nào đó.
« Thật rất phải lẽ là trong Giáo Hội của Chúa có những ngôi nhà, trong đó người ta thử nghiệm tinh thần và phong cách của những con người mà người ta muốn dâng cho Chúa và chính Chúa cũng muốn đặt để họ trong nhà Ngài để phụng sự Ngài » (D E, I, 89)
« Phải bước vào qua cửa của ơn gọi. Phải để cho Vị Mục Tử gọi và kêu tên các con. Bởi vì Ngài biết tất cả các con chiên của Ngài và gọi tên từng con một : vocat eas nominatim » (M 3, 324).
« Nếu có ba người tông đồ trong một chủng viện, đầy khiêm tốn, dịu dàng, nhẫn nại và nhiệt thành, bác ái, nghèo khó, có tri thức và khôn ngoan cần thiết cho công việc thiêng liêng này, thì sẽ đủ để thánh hóa cả một giáo phận, (…) họ sẽ thánh hóa cả thế giới và không những chỉ đủ cho chủng viện của một giáo phận mà thôi song còn đủ cho cả một vương quốc nữa. Đó là nhân đức của tinh thần tông đồ và vô tư lợi » (Dự án năm 1651, trang 228-229)
« Tôi (…) nhận (…) những lời này từ Thiên Chúa: « Ta đặt ngôi nhà này vào tay con, con sẽ trả lời với Ta về điều này ». Vì thế tôi hiểu rằng tôi có trách nhiệm đối với công trình này và đối với xứ đạo liền kề chủng viện để làm sáng tỏ tinh thần Giáo Hội của chủng viện, nếu không có tinh thần này thì chủng viện sẽ khép kín lại mà không nêu gương cho Giáo Hội, cũng như không thực hiện các nhân đức và ân sủng mà người ta đã nhận lãnh được tại đó » (M 8, 53).
TÁC VỤ ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN (27)
27. Việc đào tạo mục tử không phải là công trình duy nhất của chủng viện và sẽ không chấm dứt ở đó. Nó phải được tiếp tục suốt cuộc đời linh mục và sẽ không ngừng được điều hợp với việc đào sâu giáo lý và việc canh tân mục vụ trong Giáo Hội. Các nhà đào tạo phải làm cho các chủng sinh nhạy cảm về sự cần thiết phải tiếp tục suốt đời việc đào tạo mình về nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Hội Xuân Bích, luôn làm việc trong lãnh vực này (linh hướng, tĩnh tâm, khóa họp v.v.), xem công việc này là chính yếu trong sứ mạng mình. Tất cả các hội viên Xuân Bích sẽ quan tâm đến điều này và một số người sẽ được đặc biệt chuẩn bị cho công việc này.
O.R.A. a. Các hội viên Xuân Bích sẽ làm việc cùng với các cơ quan của giáo phận và liên giáo phận trong việc đào tạo thường xuyên cho các linh mục, họ sẽ cởi mở trước những hình thức mới nhằm phục vụ các linh mục.
b. Các thẩm quyền trung ương và tỉnh hội sẽ tạo dễ dàng và hỗ trợ cho việc dấn thân của các hội viên Xuân Bích trong công việc này.
c. Trong những buổi thông tin của các Tỉnh Hội và các cuộc gặp gỡ liên tỉnh hội, người ta sẽ chú ý đến điểm này.
« Tôi thấy rằng giờ đây có rất nhiều cha xứ và hầu như toàn Giáo Hội, sẽ được canh tân (…) Đó chính là Hội của Đức Giêsu-Kitô, vị Mục Tử đầu tiên của các tâm hồn. Hội phải tự canh tân bây giờ để canh tân toàn thể Giáo Hội » (M 3, 332-333).
NHỮNG TÁC VỤ KHÁC DO CÁC HỘI VIÊN XUÂN BÍCH THỰC HIỆN (28-31)
28. Mọi sứ vụ đều đòi hỏi một khả năng riêng, và như vậy đòi hỏi một sự chuẩn bị chuyên môn. Các linh mục Xuân Bích sẽ đặc biệt lưu tâm đến việc hoạt động mục vụ của mình đâm rễ sâu trong tín lý và đến tầm kích thiêng liêng của nó.
Các Bề Trên Giám Tỉnh sẽ lo bảo đảm cho mỗi anh em đồng nghiệp có được một sự đào tạo thích ứng và tạo điều kiện dễ dàng cho việc canh tân nền đào tạo đó.
29. 1. Các linh mục Xuân Bích nào lo cho các nhiệm vụ khác ngoài việc đào tạo khởi đầu và thường xuyên cho các linh mục, sẽ quan tâm liên lỉ để thích ứng việc mục vụ của mình vào các nhu cầu của Dân Chúa, trong mối liên hệ thường xuyên với linh mục đoàn của các giáo phận nơi họ làm việc.
2. Những người đảm trách nhiệm vụ giáo xứ sẽ nhớ rằng đấng Sáng lập của họ đã thực hành xuất sắc trách nhiệm cha xứ, mà đối với ngài, là một hình thức hoàn hảo của sứ mạng linh mục.
« Tôi cảm thấy những nỗi ước ao to lớn để cứu rỗi toàn thế giới, nỗi ước ao thông truyền lòng nhiệt thành yêu mến và vinh quang Thiên Chúa trong trái tim của mọi người. Tôi nghĩ rất nhiều đến việc làm sao có được cả ngàn thành viên để gửi đến khắp nơi mang theo tình thương của Chúa Giêsu-Kitô (…) và khi tôi nghĩ rằng giáo xứ (Saint-Sulpice) mà người ta trao cho tôi sẽ có thể giúp cho việc đó, để mang lại lòng nhiệt thành cho Paris và cho tất cả nước Pháp, tôi cảm thấy hết sức vui mừng sung sướng” (M 2, 279).
« Vì các giáo xứ là những nơi được chúc phúc và được ân sủng mà Chúa đã lập nên để tuôn tràn trong Giáo Hội Ngài việc xức dầu thánh hóa các tâm hồn, từ đó tôi tin vào việc tập họp chung của dân chúng và của hàng giáo sĩ, nơi Chúa hiện diện để thực hiện công trình của Ngài và để thánh hóa tại đây tất cả những người đặc biệt đang có mặt và góp phần vào đó » (D. E. I, 81).
30. Dù làm công việc gì mọi người cũng đều rất lưu tâm tới các ơn gọi linh mục và tu sĩ. Họ sẽ đặc biệt ân cần và thân tình đối với các linh mục và những ứng sinh vào chức linh mục.
31. Trong Hiến Pháp hiện nay, nhiều điểm liên quan đến các cộng đoàn chủng viện, cũng áp dụng cho các cộng đoàn Xuân Bích khác, với những sự thích nghi cần thiết, đã được các thẩm quyền địa phương và Tỉnh Hội tu chính.
O.R.A. Trong các nhà khác của Hội, các thành viên Xuân Bích sẽ giữ đời sống cộng đồng theo mức độ có thể, dưới quyền của Bề Trên địa phương (điều 138).
*****
***** *****
PHẦN HAI : NHỮNG CON NGƯỜI PHỤC VỤ SỨ MỆNH
DẪN NHẬP
Những con đường dẫn đến sự thánh thiện, một cách cơ bản, vẫn giống nhau đối với các kitô hữu, chi thể của Đức Kitô và những người đồng thừa kế với Ngài, được chọn gọi để nên trọn lành như Cha họ trên trời là Đấng trọn lành (x. Mt 5, 48)
Nhưng Chúa Thánh Thần, Đấng ban các ân huệ khác nhau, lại ban cho mỗi người những phương tiện thánh hóa đáp ứng một cách tốt đẹp nhất cho các chức vụ và nhu cầu của mỗi người (1 Cr 12, 4 ; L.G. 41).
Giống như các anh em giáo sĩ của mình, chính việc thực hành thẳng thắn, không mệt mỏi, các chức vụ của mình trong Thần trí Đức Kitô, đối với các linh mục Xuân Bích là phương thế đích thực để đạt đến sự thánh thiện (P.O. 13).
Suốt đời họ, trong các hành vi phụng tự mỗi ngày, và trong sứ mệnh được thực hiện hiệp thông với Giám Mục và các linh mục khác, họ cố gắng sống mỗi ngày một hơn, giữa mọi người, sự thánh thiện khiến cho họ có thể cùng nói với Đức Kitô rằng : vì họ, con tự thánh hóa thân mình, để cả họ nữa cũng được thánh hóa trong sự thật (P.O. 12; Ga 17,19).
Được khởi động bởi ân sủng linh mục, các linh mục Xuân Bích còn được hướng dẫn bởi một truyền thống đã được sống : « Mục tiêu đầu tiên và cuối cùng của Hội này sẽ là sống tột bậc cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta. Đó sẽ là niềm hy vọng duy nhất và tư tưởng độc nhất nơi mọi người, đó cũng là việc thực hành duy nhất : sống nội tâm bằng sự sống của Đức Kitô và thể hiện sự sống ấy qua các hành động trong thân xác hay chết của chúng ta » (Pietas Seminarii, I, x.2Cr 4, 10-11).
Tình yêu Đức Kitô sẽ thúc đẩy các thành viên của Hội nên giống Ngài, đến độ họ phải bắt chước Ngài trong chức vụ huấn luyện các thừa tác viên của Phúc Âm.
« Primarius et ultimus finis hujus Instituti erit vivere summe Deo in Christo Jesu Domino nostro… Haec erit una omnium spes et meditatio, unicum exercitium : Vita vivere Christi interius, eamque operibus manifestare in nostro mortali corpore » (Pietas Seminarii, I ; x. 2 Cr 1, 10-11).
CHƯƠNG I : ĐỜI SỐNG CÁC LINH MỤC XUÂN BÍCH (32-46)
32. Để sống sự sống của Đức Kitô phục sinh và để kiện toàn công trình của Ngài, cần phải hoàn toàn nên ngoan ngoãn trước tác động của Thánh Thần, « để cho Ngài hoạt động trong chúng ta, hầu đem chúng ta đến tất cả những gì Ngài muốn, không giới hạn những ước ao và những tác động của Ngài » (MS. của Cha Olier, t. 7, tr.241).
« (…) Tôi thấy chúng ta cần phải tín nhiệm rất nhiều vào Chúa Thánh Thần và phải phó thác nhiều cho Ngài để Ngài hướng dẫn chúng ta, với tư cách là vị linh hướng đích thực bên trong, như Ngài đã là thế đối với Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta » (M I, 145).
« Chính (…) Chúa Thánh Thần là nơi mà chúng ta phải phó thác thân mình để Ngài dùng chúng ta, qua công việc và miệng lưỡi của chúng ta, mà thực hiện những gì Ngài muốn, Ngài dùng tấm màn của lời nói có thể cảm thất được, để mang Lời nói không thể cảm thấy được của Ngài đến cho tâm hồn » (M I, 274).
33. Trong tinh thần này, các linh mục Xuân Bích sẽ kết hiệp mỗi ngày một hơn với mầu nhiệm phục sinh qua việc cử hành Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của sứ vụ mình.
Khi chiêm ngắm « mầu nhiệm đức tin », họ sẽ để cho mình được biến đổi theo hình ảnh của Đức Kitô phục sinh và thông hiệp với tình yêu của Ngài đối với loài người.
O.R.A. Các anh em đồng nghiệp sẽ ưa thích « nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình bằng hai bàn tiệc Thánh Kinh và Thánh Thể » (C.I.C. 276 § 2 no 2). Trong việc cử hành thánh lễ hằng ngày họ sẽ nhận ra một « hành động của Chúa Kitô và của Hội Thánh, trong thể hiện đó các linh mục chu toàn phận sự chính yếu của mình » (P.O. 13 vàC.I.C. 904). Họ sẽ cố gắng thông chia những xác tín đó cho các linh mục tương lai.
« Chính việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, đem lại sự chết tinh thần cho thế gian và sự sống cho một mình Thiên Chúa. Và chính Chúa chúng ta cũng yêu cầu các môn đệ Ngài hãy nhớ đến sự chết của Ngài bên trong hiến lễ (…) ; nếu chúng ta chết cho mình như Chúa chúng ta, thì chúng ta sẽ được dự phần vào đời sống phục sinh của Đức Giêsu-Kitô” (M 2, 256).
« Để trở nên bánh thánh sống động, theo như lời thánh Phaolô, hostiam viventem, không nên chỉ mang một vẻ chết bên ngoài, mà còn phải có trong mình một nội tâm sống động, phải có một đời sống nội tại như bánh thánh trên bàn thờ (…trong đó) có một sự sống Thiên Chúa, một sự sống thánh thiện, một sự sống đạo đức của Thiên Chúa, sự sống này là sự sống của bánh thánh, mà thánh Phaolô gọi là sự tôn sùng linh thiêng và sự tôn kính liên lỉ với Thiên Chúa, sự tôn sùng bên trong được dâng lên Thiên Chúa bằng sự trợ lực của Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta có ý định ban cho chúng ta khi Ngài kết hiệp với chúng ta trong Thánh Thể » (D.E. I, 19).
34. Những mầu nhiệm Đức Kitô được thông truyền qua phụng vụ, chỉ thực sự trở thành của chúng ta bằng việc đồng hóa bên trong, Chính vì thế mà các linh mục Xuân Bích, trung thành với các truyền thống của Giáo Hội sẽ suy gẫm Thánh Kinh và kiên trì nguyện gẫm. Họ nguyện gẫm mỗi ngày một giờ. Thảo hiếu liên kết với Đức Trinh Nữ Maria, người cầu nguyện và người tôi tớ trọn hảo, họ sẽ trung thành với truyền thống tôn sùng Đức Maria, mà họ được kế thừa của Đấng Sáng Lập.
« Trong ngôi nhà này, phải khấn sống theo đức tin, đức tin được tiến hành bởi sự dễ dàng và hướng chiều mà đức ái của Chúa Thánh Thần ban cho (…) và để thực hiện được điều đó cách dễ dàng, cần phải học hỏi nhiều về những điều Kinh Thánh dậy ta trong mọi sự, những điều mà chính Đức Giêsu-Kitô đã nói với các Môn Đệ của Ngài, cũng như thái độ Ngài như thế nào trong mọi sự, ngõ hầu bắt chước Ngài và bước vào những con đường bên trong và bên ngoài của Ngài » (D.E. I, 105).
« (Họ sẽ phải) chuyên chú nguyện gẫm, thường xuyên hướng lòng trí lên cùng Chúa, hoặc để dâng lên Ngài các việc mình làm, hoặc để cầu xin sự trợ giúp của Ngài trong những nhu cầu khác nhau, hoặc để kéo dài cách nhẹ nhàng giây phút hiện diện trước mặt Chúa (…). Họ sẽ nguyện gẫm ít nhất là một giờ mỗi ngày » (Quy luật…trang 40, 55).
35. Được dẫn dắt như vậy bởi Thần Trí của Chúa Giêsu, họ sẽ cảm thấy được liên kết sâu sắc với sứ mạng của Giáo Hội, lo lắng tham gia vào công việc phúc âm hóa và phát triển nơi các linh mục tương lai tinh thần tông đồ và truyền giáo.
« Tôi xin xơ hãy khẩn khoản cầu xin cho tôi tinh thần tông đồ ; (…) bởi vì nếu tôi có được ơn lành đó, tôi sẽ không ao ước và cầu xin Chúa chúng ta điều gì nữa ngoài việc xin Ngài gìn giữ ơn đó. Có điều tốt nào mà chúng ta không làm được với tinh thần ấy ! (…) Biết bao tấm lòng sẽ hoán cải, biết bao tâm hồn sẽ trở về với Chúa, biết bao phúc lành cho bất cứ nơi nào chúng ta sẽ đến ! Cần phải cố gắng tận lực để đạt được ơn lành ấy » (Thư 52).
« Chúa Giêsu phục sinh đang ao ưóc nồng nàn cho Giáo Hội được gia tăng (…) đó cũng phải là niềm ao ước lớn lao và lời cầu nguyện thường xuyên của các linh mục »(Thư 444).
« Chủng viện Xuân Bích sẽ được tất cả những ai bước vào xem như là một trường tông đồ, nơi mà người ta được quy tụ dưới sự bảo trợ của các thánh Tông Đồ để học các phương châm của các Ngài, cầu xin tinh thần của các Ngài, noi theo phong cách của các Ngài và sống phù hợp với Tin Mừng mà các Ngài đã loan báo » (D.E. I, 281).
36. Được đâm rễ sâu trong đức tin, chăm chú vào Ngôi Lời nhập thể và cởi mở trước mọi biểu lộ đích thực của Chúa Thánh Thần, họ giúp nhau chăm chú tìm kiếm những dấu chỉ của Chúa và biện phân những tiếng gọi của ân sủng trong các biến cố của cộng đoàn họ, của Giáo Hội và của thế giới.
« Nếu có thể, cần phải hành động trong mọi sự, bởi tác động thánh của Chúa Thánh Thần và bởi ánh sáng thần linh của Ngài, hành động như Con Thiên Chúa, người anh cả của chúng ta. Người dậy chúng ta phải luôn nhìn tại đây và lúc này trong Thiên Chúa : đó phải chăng là điều đẹp lòng Thầy và Cha trên trời, phải chăng là ý muốn Ngài ? » (D.E. II, 39).
37. Sống mầu nhiệm phục sinh trong thân phận con người tội lỗi, họ sẽ nghe thấy tiếng gọi của Phúc Âm để hoán cải tâm hồn như một đòi hỏi thường xuyên của đức tin ; họ sẽ trung thành thường xuyên cử hành mầu nhiệm hòa giải này qua bí tích sám hối.
« Ôi Chúa Giêsu của con (…) xin ban cho con ân huệ này, là dùng quyền lực của Thánh Thần Chúa trong con, để trong mọi việc con làm, con được sống với tâm hồn sám hối đích thật » (Đời sống và các nhân đức Kitô giáo, trang 78).
38. Biết rằng môn đệ không trọng hơn Thầy mình, họ sẽ nhìn thấy trong những chống đối, va chạm và thất bại, mầu nhiệm Thập giá quả là sức mạnh của Thiên Chúa.
« Họ sẽ để cho Chúa Giêsu-Kitô sử dụng họ một cách tuyệt đối, theo cách Ngài muốn, hoặc để qua họ mà vác Thánh giá và cả chịu chết nữa, hoặc để hành động qua họ, và tiếp tục tác vụ tư tế thần thánh của Ngài » (D.E. I,7).
« Người tôi tớ phải chịu đau khổ mọi bề vì ích lợi của Chủ mình. Không có lạnh nóng nào, đói khát nào, công việc, khinh chê, trái ý nào mà người ấy không chịu được khi theo đuổi các lợi ích của Chủ mình. Không có sự khốn khó nào mà người ấy không vượt qua để phụng sự Chủ mình, không có điều gì mà người ấy không phải làm và chịu vì Ngài » (D.E. I, 22).
39. Các thành viên của Hội sẽ luôn nhớ thực hiện sự hiệp thông sâu xa mà tác vụ linh mục đòi buộc tất cả những người nhận lãnh trách nhiệm linh mục. Sự hiệp nhất của họ được bày tỏ qua nhiều mức độ :
– Sự thân tình của những mối quan hệ giữa người với người, và của sự giúp đỡ lẫn nhau, sự thông cảm và tín nhiệm trong một cộng đoàn mà mỗi người tự thấy có trách nhiệm đón tiếp lẫn nhau ;
– Sự hợp tác hữu hiệu để phục vụ sứ mạng trong công việc nhóm đích thực ;
– Sau cùng lòng đơn sơ của việc chia sẻ thiêng liêng (x. Rm 1, 11-12) trong việc tìm kiếm và chiêm ngắm Chúa Giêsu.
O.R.A. Những phương tiện ưu đãi để tham gia vào đời sống, vào các hoạt động và các định hướng của Hội sẽ là, chẳng hạn như các buổi học hỏi để chuẩn bị cho Tổng Công Hội hay Đại Hội Tỉnh Hội, các cuộc cấm phòng năm, hay tĩnh tâm tháng, một vài biến cố lớn, những ngày thường huấn, v.v.
« Cần phải (…) học hỏi xem thử ta có sống với tha nhân như với anh em mình không, xem thử ta có thân tình, đơn giản và bác ái đối với họ như đối với những anh em đích thực của mình không, anh em đích thực còn hơn cả anh em cùng máu mủ, bởi vì không những họ chỉ có một cha một mẹ, tức là Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài, nhưng họ còn mang trong mình cùng một Thánh Thần khiến cho tất cả họ trở nên một » (D.E. I.107).
40. Các thành viên và các ứng sinh sẽ tìm thấy trong việc tham dự các buổi tĩnh tâm được mỗi Tỉnh Hội tổ chức, một phương tiện ưu đãi để đâm rễ sâu trong ơn gọi chung, để diễn tả và để tăng cường những mối dây huynh đệ. Họ sẽ vui lòng đón nhận vào những cuộc tĩnh tâm này, các linh mục thường làm việc với họ.
O.R.A. a. Hằng năm mỗi người sẽ tĩnh tâm một lần. Thông thường cứ hai năm một lần họ sẽ tham dự kỳ tĩnh tâm Xuân Bích. Các Hội Đồng Tỉnh Hội sẽ tạo dễ dàng cho việc tham dự này.
b. Sẽ rất tốt nếu các thành viên có thể dành một thời gian dài hơn để cầu nguyện và suy nghĩ, khoảng mười năm một lần, hầu tìm thấy ở đó sự đổi mới cần thiết cho những chặng đường khác nhau của cuộc sống. Các thẩm quyền tỉnh hội và địa phương sẽ giúp họ thực hiện dự án đó.
« Các thành viên và các phụ tá, cứ mười hoặc mười hai năm một lần, sẽ dành ba hoặc sáu tháng, theo sự quyết đoán của Bề Trên Tổng Quyền, để tĩnh tâm trong ngôi nhà này, còn Bề Trên Tổng Quyền và những vị cố vấn, thì ba năm một lần, dành ra một tháng để tránh cho họ không cùng ở đây tất cả một lần. Bề Trên Tổng Quyền cũng có thể gởi đến đây thường xuyên hơn và ít hoặc nhiều thời gian hơn, những ai xin cùng Người. Mọi thành viên, ngoài việc đó ra, sẽ dành tám hoặc mười ngày mỗi năm, để làm công việc ấy » (Quy luật năm 1659, trang 56).
41. Hội viên Xuân Bích nhìn nhận trong sự độc thân linh mục, không phải chỉ là một thực hành của Giáo Hội, nhưng là một « ơn quý báu của Chúa Thánh Thần » (P.O. 16). Họ chấp nhận một cách thẳng thắng và quảng đại việc thực hành này của Giáo Hội và họ tìm thấy trong ân huệ của Chúa Thánh Thần một lời mời gọi và một sự trợ giúp để làm cho đời sống họ nên tương hợp với đời sống của Chúa Giêsu-Kytô, bằng cách thông hiệp, trong sự thanh khiết của tâm hồn và cuộc sống, vào tự do và đức ái mục vụ của Ngài.
« Thân phận làm tôi (Chúa Giêsu-Kitô) đòi hỏi một sự lệ thuộc của cả thể xác lẫn tinh thần đến độ điều đó trở nên không thể hình dung được (…). Đó là một sự lệ thuộc kỳ lạ và tuy vậy lại tuyệt diệu trong sự êm ái, bình an và ngọt ngào của nó (…). Điều này đòi hỏi một sự trần trụi hoàn toàn đối với tất cả mọi sự để chỉ yêu mến Chúa Giêsu, để chỉ sống bằng Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu, tóm lại trở nên tất cả và làm tất cả theo ý hướng của Chúa Giêsu » (M I, 159-160).
« Vị mục tử không những chỉ được xem như là người cha nuôi của dân người, nhưng phải được xem như là vị hôn phu của Giáo Hội. Và thật vậy, vị mục tử là hôn phu và ngay khi trở nên hôn phu, người yêu mến Giáo Hội hết lòng đến độ lợi ích của vị hôn thê còn ngàn lần đánh động lòng người hơn là lợi ích của chính mình. Chính vì thế mà Chúa Giêsu-Kitô đã không tiếc xả thân cho Giáo Hội Ngài » (D.E. I, 126).
42. Làm việc giữa lòng một Giáo Hội phục vụ và nghèo khó, các hội viên Xuân Bích sẽ lưu tâm đến những đòi hỏi của sự nghèo khó trong ơn gọi và trong sứ mạng của mình. Trong khi vẫn giữ chủ quyền về tài sản riêng, họ sẽ từ chối sử dụng nó một cách ích kỷ. Nếu như họ phải lựa chọn những tác vụ bổ túc, họ sẽ không để bị lôi cuốn bởi tiền bạc và sẽ ưu tiên quay về với những người nghèo khó nhất.
Trong việc xử dụng của cải do tác vụ mà có, họ sẽ nhớ rằng nếu như linh mục có quyền sống nhờ Phúc Âm, thì người sẽ không tìm cách kiếm lời từ đó, nhưng trái lại người phải tự tiêu hao chính mình để phục vụ những người đã được ủy thác cho mình.
Các cộng đoàn, cũng như từng thành viên trong Hội, sẽ tự nguyện dâng hiến cho Giáo Hội và cho người nghèo, cái dư thừa và có khi cả cái cần thiết, trong việc thi hành thực tiễn đức ái.
« Ai từ bỏ tất cả vì Chúa, người ấy sẽ tìm thấy tất cả trong Chúa. (…) Chúa Giêsu-Kitô, Đấng là tất cả, sẽ thay thế tất cả các tạo vật của Ngài cho người ấy » (M 3, 343-345).
« Đối với đức khó nghèo, cần phải (…) có tinh thần để của cải mình và những gì được gọi là của mình cho Thầy sử dụng. Ngài có thẩm quyền tuyệt đối trên những gì ngài đặt vào tay người tôi tớ của Ngài, để họ giữ cho Ngài sử dụng. Như vậy Chúa chúng ta thật sống động trong mọi chi thể của Ngài, Đấng yêu cầu chúng ta những gì Ngài cần đến : chúng ta phải tức khắc mở hầu bao và thưa Ngài rằng : lạy Chúa, xin hãy lấy những gì của Ngài » (D.E. II, 133).
« Tinh thần nghèo khó hoàn toàn cần thiết đối với các thành viên của Hội và trước hết là đối với những người có tiền của » (Quy luật… trang 119).
45. Trong đời sống cộng đoàn, mà người ta tự nguyện nhận việc phục vụ, người ta sẽ chú ý để đừng bao giờ đòi hỏi nhiều hơn và mỗi người sẽ đặc biệt tôn trọng những của cải dành để dùng chung. Dù thế nào đi nữa, người ta sẽ hướng đến sự nghèo khó của phúc âm bằng cách nhớ rằng, theo truyền thống của « Đời tông đồ », « việc đặt của cải vật chất nào đó làm của chung là một con đường tuyệt hảo để bước vào đức ái mục vụ » (P.O. 17). Các Đại Hội Tỉnh Hội có phận sự xác định, phù hợp với Hội Đồng Trung Ương, các phương thức qua đó Hội cùng các thành viên của mình tự buộc phải hợp tác vào việc bảo dưỡng các anh em đồng nghiệp về mặt vật chất, và vào các dịch vụ của cộng đoàn, trong tinh thần khó nghèo, chia sẻ và tương trợ.
O.R.A. a. Về những gì liên quan đến việc sở hữu và sử dụng các tài sản vật chất, cá nhân và tập thể, các thành viên của Hội sẽ nhớ rằng cách sống thường ngày của họ sẽ góp phần vào phẩm chất của chứng tá của họ và giúp họ tiến tới sự tự do nội tâm (P.D.V. 30).
b. Mỗi người phải cẩn thận làm sổ sách tiền bạc cho đàng hoàng, đặc biệt là bổng lễ. Mọi người đều buộc phải theo lương tâm mà làm một di chúc rõ ràng và phù hợp với dân luật và giáo luật ; người ta sẽ đặt tờ di chúc tại ban điều hành tỉnh hội, hoặc định rõ đã đặt nó ở đâu. Thông thường thì phải chỉ định một linh mục để lo việc thi hành chúc thư.
46. Như cuộc đời của Chúa Kitô được Chúa Cha sai đến, cuộc đời linh mục, một cách cơ bản, là một sứ mạng và được thực hiện dưới chức danh đó trong tinh thần vâng phục. Để bảo đảm cho một sự ngoan ngoãn trọn vẹn đối với Chúa Thánh Thần, sự vâng phục này phải là vừa từ bỏ sâu xa vừa là khởi xướng không suy sót. Cũng chính sự vâng phục này sẽ gợi lên lòng can đảm thẳng thắn hỏi ý kiến thẩm quyền và can đảm chấp nhận sứ mạng được giao phó. Do ơn gọi riêng của mình, các thành viên của Hội sẽ lưu tâm để làm chứng cho điều này. Họ sẽ thi hành đức vâng phục đối với Bề Trên, trong phạm vi Hiến Pháp, căn cứ vào việc được thu nhận vào Hội.
« (…) Chúng ta có bổn phận sống theo thế hệ mới này (của phép rửa tội), chúng ta phải kết hợp với Vị Cha mới là Thiên Chúa, chúng ta phải kết hợp với Tinh Thần mới là Chúa Thánh Thần, chúng ta phải kết hợp với Giáo Hội, chúng ta phải lắng nghe lời khuyên của Giáo Hội » (M 3, 234-235).
« Khi tôi khấn vâng phục Giáo Hội, là tôi khấn vâng phục một cách cẩn trọng (biện phân) và theo ý định của Chúa về Giáo Hội Ngài. Bởi vì tôi khấn vâng phục ĐứcThánh Cha, vâng phục Giám Mục và dưới Ngài (…) vâng phục vị bề trên riêng mà Giám Mục đặt để cho tôi và sau đó là vâng phục tất cả những ai hiện diện, những người mà, trong Chúa Giêsu-Kitô, ước ao một điều gì đó nơi tôi » (D.E. II, 131).
CHƯƠNG II : CÁC THÀNH VIÊN CỦA HỘI (47-60)
47. Việc gia nhập Hội Xuân Bích tùy thuộc một số điều kiện nào đó mà điều kiện cơ bản nhất là sự sẵn sàng thông hiệp trong Chúa Thánh Thần vào mầu nhiệm Đức Kitô đào tạo những người thợ cho Tin Mừng.
« Một thành viên từ tay Chúa thì đáng giá hơn một trăm ngàn người cách khác » (M 5, 109).
Bản kiểm điểm của Hội :
« Họ có bước đi cả ngày trước sự hiện diện của Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta, mang đến khắp nơi nội tâm của Ngài trước mặt mọi người để tôn thờ Ngài và un đúc nên Ngài ở trong họ không ;
Họ có trung thành, ngay từ khi bắt đầu công trình của mình, để tĩnh tâm như đã được xác định không;
Họ có sống theo đức tin nhìn nhận mọi sự trong các tâm tình và đánh giá mà Chúa Giêsu-Kitô đã có không ;
Họ có làm cho Chúa Giêsu-Kitô được tỏ rạng trong phong cách của họ, họ có làm tỏ rạng sự dịu dàng, khiêm tốn, kiên nhẫn, lòng mến, sự vâng phục và sự nâng đỡ tha nhân không ;
Trong các nhân đức được thực hiện, họ có nhân đức của các giáo sĩ là đức khiêm tốn không ;
Họ có sống trong tinh thần phục vụ đối với Chúa Giêsu-Kitô và các chi thể của Ngài không ;
Họ có sống trong tinh thần hy tế không » (D.E. I, 65).
« Tất cả mọi sự đều phải cảm nghiệm Chúa Giêsu-Kitô, và mọi sự, cả bên trong lẫn bên ngoài, đều phải loan báo và rao giảng về Ngài » (Thư 316)
« Một sự ước ao nồng nàn cho vinh quang của Thầy mình, một sự ước ao to lớn để Ngài được suy tôn, nhận biết, yêu mến ; không ghen tương khi Ngài được người khác yêu mến, suy tôn và chúc tụng hơn, nhưng ngược lại có vui mừng lớn lao và thích thú trọn vẹn trong công việc của tha nhân và sự tiến triển của vinh quang Thầy, bởi vì lúc đó người ta sẽ thấy rằng bạn không tìm kiếm bạn trong công việc của bạn » (D.E. I, 25).
48. Những người đặc trách việc thu nhận hội viên sẽ đặc biệt lưu ý đến tính trung thực của các động cơ nơi các ứng sinh:
– Ý định tận hiến đời mình để phục vụ các linh mục, bằng cách dấn thân cho một công việc nào đó gắn liền với công cuộc ấy ;
– Sự cởi mở tâm hồn và trí óc cho phép, trong lúc tự hiến cho một phận sự cụ thể, ưu tiên gắn liền vào những gì liên quan đến chức vụ và đời sống các linh mục và trao ban tất cả giá trị của mình cho các sứ mạng tông đồ khác mà tự họ không thể thực hiện được.
49. Các hình thái khác nhau của sứ mạng Xuân Bích đòi hỏi nhiều khả năng, chúng sẽ được xem xét trên bình diện vật lý, tâm lý, trí tuệ và đạo đức. Những ứng sinh cần thiết phải có khả năng tháp nhập vào đời sống cộng đoàn và tham gia vào trách nhiệm tập thể của một nhóm linh mục chuyên về giáo dục.
O.R.A. a. Những ứng sinh phải có khả năng đảm trách việc linh hướng, giảng dậy và khởi động nhóm.
b. Các Bề Trên sẽ rất lưu ý đến khả năng thích nghi của các ứng sinh, những người này sẽ có thể được gọi để thi hành chức vụ mình ở một nơi có địa lý, văn hóa và mục vụ khác với nơi sinh trưởng của họ.
50. Việc gia nhập Hội được thực hiện một cách tiệm tiến. Nó gồm những giai đoạn sau:
– Việc đảm nhận những ứng sinh để đào tạo họ ;
– Việc thu nhận tạm thời những ứng sinh làm thành viên;
– Việc thu nhận vĩnh viễn.
51. Việc đảm nhận những ứng sinh mở đầu công trình đào tạo các hội viên tương lai của Hội. Nó giả thiết có sự đồng ý của Giám Mục của họ. Nó được Hội Đồng Tỉnh Hội quyết định theo đa số phiếu, dựa trên sự giới thiệu của vị đặc trách đào tạo khởi đầu. Những điều kiện của việc đảm nhận được Đại Hội Tỉnh Hội ấn định cho từng Tỉnh Hội, và trong khung cảnh đó, đối với mỗi trường hợp cá biệt, phải do Hội Đồng Tỉnh Hội xác định. Giữa những ứng sinh và các thẩm quyền Tỉnh Hội, quyền lợi và bổn phận qua lại phải được hiểu tương tự như các quyền lợi và bổn phận của các thành viên, trừ khi có chỉ dẫn ngược lại.
O.R.A. a. Những người đặc trách việc đào tạo ban đầu sẽ phải cung cấp cho các ứng sinh có được một thông tin đầy đủ về Hội, bằng cách sắp xếp cho họ những tiếp xúc thích hợp. Họ cũng sẽ lo cho những người mà việc đảm nhận bị hoãn lại một cách tạm thời.
b. Trước khi giới thiệu các ứng sinh, người đặc trách việc đào tạo khởi đầu không được bỏ qua một điều gì, trong việc điều tra của mình, để soi sáng cho Hội Đồng Tỉnh. Người sẽ đặc biệt yêu cầu Hội Đồng chủng viện, nơi mà ứng sinh chuẩn bị làm linh mục, cho một lời phê có nêu lý do và sâu sát, mà người sẽ hết sức lưu tâm.
Nếu các ứng sinh đã rời chủng viện một thời gian, thì người giới thiệu sẽ hỏi những ai có thẩm quyền để có những thông tin hữu ích.
c. Kinh nghiệm cho thấy công việc đào tạo các ứng sinh chỉ được tiến hành nhờ một thỏa thuận giữa họ và thẩm quyền tỉnh hội. Trong trường hợp gián đoạn được bên này hoặc bên kia quyết định, thì người ta sẽ tùy theo những điều đã được ấn định, để cho xuất khỏi Hội (Điều 54, O.R.A. a. và b.; Điều 59, O.R.A. d).
d. Việc định hướng các ứng sinh nhập Hội, kèm theo một sự đảm nhận nào đó, có thể đi trước việc nhận lãnh chức linh mục.
52. 1. Đầu tiên các ứng sinh được thu nhận vào Hội với danh hiệu tạm thời. Việc thu nhận tạm thời mang lại cho họ tư cách là thành viên của Hội. Nó chỉ có thể được thực hiện sau việc thụ phong linh mục và sau một thời gian thử thách đủ để đánh giá những khả năng của họ đối với các sứ vụ của Hội.
2. Theo luật chung, thời gian thử thách thường không thể ít hơn một năm, sẽ không được kéo dài trên ba năm, và một cách thông thường sẽ gồm một kỳ thực tập công việc, ít nữa là bán thời gian, trong một cộng đoàn Xuân Bích. Thẩm quyền tỉnh hội có phận sự ấn định thời gian cho việc ấy.
3. Việc thu nhận tạm thời giả thiết phải có một đơn xin do ứng sinh viết, và nhận xét của cộng đoàn Xuân Bích nơi ứng sinh đã hoàn thành thực tập, việc này sẽ được quyết định tại Hội Đồng Tỉnh Hội, theo đa số phiếu, dựa vào sự giới thiệu của vị đặc trách việc đào tạo khởi đầu. Quyết định này sau khi được Bề Trên Tổng Quyền phê chuẩn sẽ được thông báo bằng văn bản cho đương sự và báo cáo cho Bản Quyền của giáo phận nơi nhập tịch của đương sự.
4. Các thành viên tạm thời này đều buộc phải thi hành mọi bổn phận như các thành viên khác trong Hội. Họ cũng hưởng cùng những quyền lợi, trừ quyền được bầu vào Tổng Công Hội và được làm thành viên của Hội Đồng Tỉnh Hội và Hội Đồng Trung Ương.
5. Hội Đồng Tỉnh Hội, qua một cuộc bỏ phiếu kín và theo đa số, có thể chấm dứt việc thuộc về Hội của một thành viên được thu nhận tạm thời. Người anh em đó có thể khiếu nại lên Hội Đồng Trung Ương về quyết định của Hội Đồng Tỉnh Hội.
53. Việc thu nhận vĩnh viễn chỉ có thể quyết định một khi đã xong giai đoạn đào tạo khởi đầu riêng của Hội. Theo luật chung, giữa việc thu nhận tạm thời và việc thu nhận vĩnh viễn, thời gian không được dưới một năm, và không được quá năm năm.
54. Quyết định thu nhận vĩnh viễn sẽ do Hội Đồng Tỉnh Hội, với đa số phiếu, dựa vào sự giới thiệu của vị đặc trách việc đào tạo khởi đầu. Quyết định đó sẽ được Bề Trên Tổng Quyền phê nhận, báo cáo cho Bản Quyền của đương sự và thông báo bằng văn bản cho chính đương sự là người qua đó sẽ vĩnh viễn có được tất cả mọi quyền lợi của một Hội viên, cũng như mang lấy mọi trách nhiệm của Hội, theo những quy định được ghi rõ tại những điều 85, 93, 114, 120.
O.R.A. a. Việc thu nhận giả thiết có sự đồng ý của đương sự và ý kiến của cộng đoàn Xuân Bích nơi đương sự thi hành chức vụ mình.
b. Hội giữ một trách nhiệm huynh đệ nào đó đối với những người mà Hội có thể sẽ không chấp nhận ; Hội sẽ sẵn sàng chấp nhận hoặc đề nghị giúp đỡ họ theo khả năng của mình. Nhất là Bề Trên Giám Tỉnh hoặc người mà Ngài ủy nhiệm, nên đặc biệt xem xét với mỗi người, nếu họ mong muốn, về vấn đề định hướng của họ, và nếu cần thì làm trung gian bên cạnh Đấng Bản Quyền, để cho việc trở về dưới thẩm quyền trực tiếp của Ngài được thực hiện trong những điều kiện tốt đẹp nhất cho các đương sự.
55. Các thành viên của Hội và những ứng sinh vẫn nhập tịch tại Giáo phận của mình. Họ sẽ trở về dưới thẩm quyền trực tiếp của Đấng Bản Quyền nếu họ tự ý rời khỏi Hội, hoặc nếu họ bị thải hồi chiếu theo luật hoặc nếu việc thu nhận tạm thời và vĩnh viễn đã không xảy ra.
56. Tất cả các anh em, dù chức vụ thế nào, đều quan tâm đến tương lai của Hội và đến việc tuyển sinh bình thường của Hội, nhưng điều này không những chỉ lệ thuộc vào việc cầu nguyện của họ mà thôi, song còn lệ thuộc đến cả tư cách của họ nữa.
57. Các thẩm quyền tỉnh hội có bổn phận lưu ý đến phương cách tốt nhất hầu đáp ứng nhu cầu của hội viên trong suốt cuộc đời họ. Người ta sẽ chăm sóc đặc biệt các anh em đau ốm hoặc già cả.
O.R.A. a. Người ta có thể chỉ định một vị đặc trách với sứ mạng, cách riêng, thăm viếng các anh em cô đơn, đau yếu hoặc già cả.
b. Các anh em làm việc trong các cộng đoàn xa xôi, sẽ có thể nghỉ hưu, nếu sự việc có thể, trong nước mà họ đã thi hành chức vụ của mình.
c. Để hiểu rõ hơn về những hoạt động và các nhu cầu của anh em hầu phác định một chương trình hành động thích hợp, Bề Trên Giám Tỉnh, hoặc đích thân hoặc cử một vị giám định, đi gặp gỡ thường xuyên từng anh em một để lượng định với họ về tình trạng sức khỏe, về những kinh nghiệm, những chuyên môn, những nhu cầu, khả năng và ý chí phục vụ của họ trong những sứ vụ khác nhau.
d. Bề Trên Giám Tỉnh có bổn phận phòng trước thời gian và những điều kiện nghỉ hưu của anh em sau khi đối thoại với mỗi người. Một số trường hợp có thể biện minh cho việc xin một anh em nào đó phải nghỉ hưu. Bề Trên Giám Tỉnh có thể gợi ý cho những anh em trọng tuổi tham dự vào một khóa hội thảo dành cho họ để mang lại một ý nghĩa mới cho đời họ (P.D.V. 77).
58. Đức ái huynh đệ buộc mỗi thành viên trong Hội phải cầu nguyện cho các anh em được Chúa gọi về, đặc biệt trong khi đang thi hành nhiệm kỳ đã được ấn định.
O.R.A. a. Khi một người trong họ qua đời, mọi thành viên trong Hội sẽ dâng một thánh lễ cho người đó.
Cộng đoàn mà người quá cố là thành viên sẽ cử hành một thánh lễ ngay khi có thể.
b. Khi Bề Trên Tổng Quyền qua đời, thì trong cả toàn Hội, và khi Bề Trên Giám Tỉnh qua đời thì cả Tỉnh Hội của Ngài, ngoài thánh lễ mà mỗi người dâng cầu cho người anh em quá cố, trong mỗi cộng đoàn đều sẽ dâng một thánh lễ.
c. Hằng năm, trong mọi nhà, khi có thể, sẽ dâng một thánh lễ cầu cho những anh em của Hội đã qua đời trong năm.
59. Thành viên nào thấy mình phải tự rút lui khỏi Hội đều được mời trao đổi về điều đó, trước một năm nếu có thể, với Bề Trên Giám Tỉnh của mình. Vị này sẽ chuyển quyết định dứt khoát cho Bề Trên Tổng Quyền và thông báo cho Đấng Bản Quyền của người anh em ấy.
O.R.A. Ngày ra đi, tự nguyện hoặc không, của một anh em được xác định :
– hoặc bởi một sự thỏa thuận giữa đương sự, Bề Trên Giám Tỉnh và nếu cần, Đấng Bản Quyền nơi nhập tịch ;
– hoặc nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng, thì bởi ngày giờ mà Hội Đồng Tỉnh Hội hoặc Bề Trên ghi nhận sự từ nhiệm của một người anh em sau khi chính đương sự cho biết, hoặc tùy trường hợp, mà tuyên bố dứt khoát việc không chấp nhận hoặc cho đương sự ra khỏi Hội. Nhưng trong trường hợp sau cùng này, một số hậu qủa giáo luật nào đó của sự thuộc về Hội, vẫn có thể có hiệu lực cho đến khi một điều luật dứt khoát của Đấng Bản Quyền can thiệp vào. Trong mọi trường hợp, một thông báo bằng văn bản, xác định ngày ra đi, sẽ được gửi đến Vị Bề Trên Tổng Quyền.
60. Hội Đồng Tỉnh Hội sẽ có thể qua một cuộc bỏ phiếu kín với đa số phiếu thuận, chấm dứt việc thuộc về Hội của một thành viên đã được chấp nhận vĩnh viễn. Trong vài trường hợp được Giáo Luật và Hiến Pháp dự kiến, các thẩm quyền trong Hội có quyền và đôi khi có bổn phận thải hồi một vài thành viên đã được thu nhận vĩnh viễn. Ngoại trừ trường hợp thải hồi tự động vì những lý do được kể trong Giáo Luật điều 694, Hội sẽ không thải hồi ai nếu trước đó không tận dụng mọi phương cách có thể để cứu chữa tình thế (cảnh cáo, gia hạn) và luôn luôn thi hành trong một hình thức được soi sáng bởi đức công bình và tình huynh đệ. Sự cẩn mật được đặt ra cho cả đôi bên, trong suốt các tiến trình khác nhau. Về phương thức thải hồi thì người ta sẽ chiếu theo Giáo luật. Người anh em liên hệ có thể khiếu nại lên Hội Đồng Trung Ương về quyết định của Hội Đồng Tỉnh Hội (x. điều 83, O.R.A. 9).
O.R.A. a. Thêm vào các điều đã được Giáo luật dự kiến (đ.694), những lỗi sau đây sẽ dẫn đến việc bị thải hồi :
– Gây nên hoặc duy trì một sự chia rẽ trầm trọng trong Giáo Hội hoặc trong Hội ;
– Ngoan cố không chịu vâng phục Bề Trên Tổng Quyền hoặc Bề Trên Giám Tỉnh.
b. Việc thải hồi, cũng như việc tự ý ra đi, không phải là một lý do, đối với đương sự, để được bồi thường về mặt vật chất. Nhưng các Hội Đồng Tỉnh Hội sẽ xem xét mỗi trường hợp trong tinh thần công bình và bác ái, tự lấy làm quy luật là thà mình chịu một sự thiệt hại tạm thời hơn là gây cho người khác sự tổn thương về tinh thần. Dù trong trường hợp mà các thành viên bị thải hồi đã phạm những lỗi rất nặng, thì người ta vẫn cố gắng trong một tình bạn sâu sắc và chân thật, giữ những quan hệ cá nhân với họ.
CHƯƠNG III : VIỆC ĐÀO TẠO KHỞI ĐẦU VÀ THƯỜNG XUYÊN (61-68)
« Lợi ích lớn nhất của Giáo Hội và mối lo khẩn thiết là việc đào tạo các linh mục có khả năng tham gia vào tinh thần và ân sủng của các Đức Giám Mục, giúp các Ngài chuẩn bị (…) và thánh hóa hàng giáo sĩ »(D.E. I, 68).
« Công việc căn bản và chủ chốt của nhà này là thánh hóa những con người để làm muối men cho số linh mục còn lại, nhập vào toàn thân thể, làm cho thâm nhập sự khôn ngoan và sự sống thiêng liêng của mình. Muốn được vậy, những thành viên chính trong nhà phải có một đời sống sung mãn, tràn qua họ, sang thân thể rộng lớn của hàng giáo sĩ. Họ phải sống trong một tinh thần từ bỏ và chết đi cho mọi ham muốn tước vị để xứng đáng được vinh dự và ân sủng phục vụ việc thánh hóa các thành viên có sứ mạng chu toàn những trách nhiệm và phẩm chức trong Giáo Hội » (M 8, 284).
« Người ta sẽ lo cho những người cảm thấy được mời gọi để nên thân thể của chủng viện và ao ước dành cả đời mình phục vụ các linh mục, được cẩn thận tập luyện để biết tự hủy mình bề trong và ái (…) tập cho họ sự khiêm tốn, nhẫn nại, hy sinh và các nhân đức khác tương tự để được lãnh trọn vẹn tinh thần thánh thiện của chức thánh, hầu sau đó trở thành những mạch suối thật dồi dào (…). Đó là những nền tảng tông đồ đang xây dựng mái nhà thiêng liêng của Chúa” (D.E. I, 117-118).
« Trung thành và chăm chỉ tập cho các tâm hồn tiêu hủy các đam mê và những hướng chiều riêng của xác thịt, không phải bằng cách bóp chết nó ngay từ lúc nảy sinh, bởi vì chúng cần phải phát sinh và được cảm nhận trong chúng ta, nhưng là để được cẩn thận không a tòng theo chúng » (D.E. 148).
61. Hội sẽ lưu ý để những thành viên được hưởng những phần đào tạo sau đây :
– một sự đào tạo về tín lý, bằng những lớp cao học và những lớp chuyên tu ;
– một kinh nghiệm mục vụ được thích ứng và được kiểm tra ;
– một sự đào tạo sư phạm được hướng về những nhiệm vụ khác nhau của Hội Xuân Bích ;
– một sự chuẩn bị thiêng liêng, bao gồm đồng thời việc học tu đức, lẫn một thời gian mạnh để tập luyện thiêng liêng ;
– Một hiểu biết đầy đủ về những bản văn nền tảng của Hội và về lịch sử của Hội.
62. Tất cả những phần đào tạo này sẽ là mục tiêu của một sự lưu tâm liên tục. Để sắp đặt trình tự và xác định các hình thái của chúng, người ta sẽ lưu ý đến các nhu cầu và khả năng của các ứng sinh, cũng như những phương cách thực hiện mà mỗi Tỉnh Hội có thể có được.
O.R.A. a. Việc đào tạo sư phạm sẽ được thực hiện bằng sự huấn luyện có tính cách giáo khoa và bằng sự tập dượt có kiểm tra. Nó sẽ phải chuẩn bị đặc biệt cho những nhiệm vụ khởi động và linh hướng.
Nơi nào có các Học Viện hoặc các khóa học được sắc lệnhOptatam totius của Công Đồng Vatican II dự kiến, thì Hội sẽ đương nhiên cho các thành viên của mình hưởng nhờ.
b. Những người đặc trách việc đào tạo sẽ lưu ý đến những đòi hỏi riêng đang xuất phát từ sự khác biệt của các nền văn minh và văn hóa. Đặc biệt người ta sẽ bảo đảm :
– Việc đào tạo sư phạm cần thiết, chỉ có thể đạt được trọn vẹn ngay tại chỗ ;
– Việc hiểu biết một ngoại ngữ, càng giỏi càng tốt.
63. Trong viễn ảnh của một lựa chọn kéo dài suốt đời, trên nguyên tắc, Hội sẽ cung ứng cho ứng sinh các điều kiện và phương tiện :
– để thực hiện sự đâm rễ cụ thể vào tinh thần và truyền thống Xuân Bích và thắt chặt những mối tương quan huynh đệ với các thành viên của Hội ;
– để theo đuổi một sự luyện tập thiêng liêng được kéo dài trong việc tĩnh tâm và cầu nguyện ;
– để đào sâu việc thống nhất đời sống, được đặt ra cho mọi linh nục, và còn hơn thế nữa cho những người đào tạo các linh mục.
64. Các mục tiêu này sẽ được đạt tới :
– bằng sự lắng nghe Lời Chúa chăm chỉ và được giữ vững, cá nhân và cộng đoàn;
– bằng việc luyện tập cùng nhau biện phân, trước ánh sáng của Lời Chúa, những dấu hiệu và tiếng gọi của Chúa qua các biến cố ;
– bằng cách khai tâm vào tinh thần của Hội, thông qua lịch sử, các nhân chứng, Hiến Pháp và hiện trạng của Hội.
65. Các hình thái của việc đào tạo đặc trưng của Hội, như đã được trình bày cách riêng ở điều 63 và 64, đặc biệt về nơi chốn và thời hạn của nó, sẽ được mỗi Tỉnh Hội định rõ, với sự đồng thuận của Hội Đồng Trung Ương, trong sự trung thành với tinh thần của Hội và lưu tâm đến các nhu cầu đích thực của các ứng sinh.
O.R.A. a. Trong việc tổ chức cụ thể, người ta sẽ ghi nhớ rằng ơn gọi Xuân Bích đòi hỏi một sự tập luyện sâu sắc về cầu nguyện và một mời gọi sống chiêm niệm ; không có kinh nghiệm thiêng liêng đích thực nào mà không đòi hỏi thời gian và sự kiên trì của việc chờ đợi lâu dài ; rằng « Thiên Chúa nói với tâm hồn » trong kinh nguyện, cũng chính là Đấng tỏ mình và tự ban phát trong việc thi hành chức vụ ; sau cùng sự hiệp thông huynh đệ là một nơi đặc ưu để Thiên Chúa hiện diện.
b. Những khía cạnh khác của việc đào tạo này, tự chúng không đòi hỏi một sự tập hợp liên tục nào, nhưng chắc chắn chúng sẽ được phối trí bởi vị đặc trách mà Hội Đồng Tỉnh Hội chỉ định.
66. Trong suốt thời gian thi hành chức vụ, mỗi người có bổn phận phát triển và đổi mới khả năng của mình dưới nhiều mức độ khác nhau, thiêng liêng, trí tuệ, sư phạm và mục vụ. Các Hội Đồng Tỉnh Hội có phận sự cung cấp việc đào tạo thường xuyên này cho các anh em và làm cho việc đào tạo ấy nên dễ dàng bằng nhiều cách.
O.R.A. a. Những phương tiện khác nhau có thể được dự kiến và sử dụng tùy theo khả năng của mỗi Tỉnh Hội, chẳng hạn :
– những khóa họp và những « tháng linh mục », đặc biệt thích ứng với những nhu cầu của các linh mục Xuân Bích.
– sau khoảng mười năm thi hành sứ mệnh Xuân Bích, với sự đồng ý của Hội Đồng Tỉnh Hội, có khả năng ngừng các chức vụ để hiến mình cho các hoạt động thiêng liêng, trí thức hoặc mục vụ, những hoạt động này sẽ tạo thuận lợi sau đó cho việc trở về làm lại bình thường các công việc của Hội.
b. Việc sử dụng các thì mạnh này chỉ có thể thực sự hữu hiệu nếu mỗi cộng đoàn đã có tạo thuận lợi cho việc đổi mới một cách thường xuyên (thông tin qua lại, đặt chung các nỗ lực sư phạm, cởi mở và trao đổi về những vấn đề mục vụ và chia sẻ thiêng liêng).
c. Việc đào tạo thường xuyên các anh em đang thi hành nhiệm vụ trong các cộng đoàn xa xôi, rất quan trọng và thường khó thực hiện hơn. Người ta sẽ phải bù đắp vào đó với một sự chăm lo đặc biệt. Nó sẽ có thể được thực hiện dưới một hình thức và vào những thời điểm khác với những gì đã được dự trù cho các thành viên khác của Tỉnh Hội.
67. Trong mỗi Tỉnh Hội, một vị đặc trách việc đào tạo khởi đầu sẽ được Hội Đồng Tỉnh Hội chỉ định. Được ủy nhiệm bởi Hội Đồng này, và liên kết với Hội Đồng, vị này có trách nhiệm dự đoán, tổ chức và kiểm tra tất cả những gì gắn liền với việc đào tạo này. Người ta có thể cho người thêm một phụ tá.
O.R.A. Do cá nhân mình, hoặc do các anh em được trạch cử rõ ràng, người sẽ phải có một hiểu biết đầy đủ về mỗi ứng sinh, hầu có thể theo dõi và hướng dẫn họ trong suốt tiến trình đào tạo.
Mỗi năm, người sẽ phải cung cấp cho Hội Đồng Tỉnh Hội về mỗi người trong họ, một lời thẩm định mà đại ý sẽ được thông tri cho đương sự sau đó.
68. Hội Đồng Tỉnh sẽ ủy thác cho một vị đặc trách lo việc đào tạo thường xuyên cho các thành viên của Tỉnh Hội.
O.R.A. Vị đặc trách này sẽ liên lạc với các cơ quan khác nhau của Tỉnh Hội. Nếu nguời không phải là thành viên của Hội Đồng Tỉnh Hội, thì người sẽ được mời đến đó mỗi khi cần.
*****
***** *****
PHẦN BA : CÁC CƠ CẤU PHỤC VỤ CHO SỨ MẠNG
DẪN NHẬP
Các cơ cấu là cần thiết, về mặt tự nhiên, để làm cho các tài năng cá nhân khác nhau được đóng góp hữu hiệu vào lợi ích chung của các hiệp hội. Trong chính Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần khởi động, sứ mạng thiêng liêng sẽ không thể được thực hiện nếu không có sự trung gian của các cơ cấu, nhưng lúc bấy giờ, các cơ cấu lại mang một tầm vóc siêu nhiên.
Đặc biệt quyền mục vụ phát xuất hoàn toàn từ Tình Yêu cứu độ, tình yêu đã làm cho Con Thiên Chúa trở nên người tôi tớ của Cha Ngài và của anh em Ngài đến độ trao ban sự sống của mình. Quyền ấy chỉ được thực hiện nhân danh Ngài, để phục vụ như Ngài đã phục vụ, « không phải do ép buộc nhưng do tự ý » (I Pr 5, 2) ; và sự bền vững của nó phải đuợc bày tỏ qua sự trung thành của nó mà thôi.
Hội Xuân Bích có những cơ cấu riêng, do đòi hỏi của sứ mạng mình. Chúng tổ chức cuộc sống chung và tông đồ của một nhóm linh mục liên đới chịu tách nhiệm về công trình đã được ủy thác cho họ. Ngay từ đầu, « Đại Hội các giám đốc » đã mang trách nhiệm tập thể, về việc đào tạo trong khung cảnh chủng viện, bằng cách dựa vào đa số phiếu mà lấy những quyết định liên quan đến việc điều hành chủng viện. Ở các cấp khác của việc điều hành, các cơ cấu của Hội, với những sự thích ứng cần thiết, mặc lấy những hình thức cơ chế tương tự, mà không lẫn lộn các chức vụ và các vai trò.
Hình thức hợp tác này sẽ không hữu hiệu nếu không có sự trung thực của việc đối thoại và việc đặt chung các khả năng và sức lực của mỗi người, và nếu không có sự tôn trọng, trong những giới hạn của lợi ích chung, những quyền hạn riêng của các chức vụ mà mỗi người được mời gọi thực hiện.
Mối quan tâm về trách nhiệm chung này và về việc thi hành tốt trách nhiệm thuộc về mỗi người, nhưng cách đặc biệt hơn là của các bề trên khác nhau, là những tôi tớ đầu tiên của cộng đoàn và là những người đầu tiên có trách nhiệm về sự hiệp nhất trong tinh thần và hành động.
Trong Hội, sự mềm dẻo của mối dây liên hệ có tính cách Giáo Luật hòa điệu với quy chế hàng giáo sĩ địa phận mà cách sống phải thích nghi với những trách nhiệm đa dạng của các mục tử và với những hình thái khác nhau của sự hiện diện của họ giữa loài người. Trong tinh thần đó, tuy không khấn hứa gì, mỗi người sẽ biết vui sướng kết hợp với Chúa Kitô khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và tự đòi hỏi mình phải sống đức ái của Đấng đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ.
CHƯƠNG I : TOÀN BỘ CÁC CƠ CẤU (69-71)
69. Tổng Công Hội thực thi quyền hành trên toàn Hội, trong phạm vi Hiến Pháp. Bề Trên Tổng Quyền và Hội Đồng Trung Ương thực thi quyền hành chiếu theo các phương hướng và quyết định đã được Tổng Công Hội hình thành và chiếu theo các quyền hạn mà Hiến Pháp trao cho.
70. Trong mỗi Tỉnh Hội, Đại Hội Tỉnh Hội thực thi quyền hành trên toàn Tỉnh Hội, trong sự lệ thuộc vào Hiến Pháp và các thẩm quyền trung ương. Bề Trên Giám Tỉnh và Hội Đồng Tỉnh Hội thực thi quyền hành phù hợp với Hiến Pháp và tùy theo các phương hướng và quyết định của các thẩm quyền trung ương và Đại Hội Tỉnh Hội.
O.R.A. a. Hiện nay, Hội gồm có ba Tỉnh Hội : Pháp, Canada và Hoa Kỳ. Muốn lập thêm một Tỉnh Hội mới, hoặc dẹp bỏ một Tỉnh Hội, cần phải có một quyết định của Tổng Công Hội.
b. Việc thiết lập một Tỉnh Hội mới không thể được thực hiện nếu như một số vấn đề sau không được nghiên cứu :
– quy chế của các anh em đã có tại chỗ ;
– việc đào tạo các anh em đồng nghiệp tương lai;
– việc tham gia trong vấn đề nhân sự và các nguồn lợi vật chất cần thiết cho Tỉnh Hội mới. Việc nghiên cứu này được bắt đầu ở cấp Tỉnh Hội gốc, sẽ được tiếp tục nhân một buổi họp Hội Đồng Trung Ương đã được dự kiến bởi điều 84.
c. Để phấn chấn mỗi người trong anh em tham dự hào hứng hơn vào đời sống và những quy định của Hội, cũng như phát triển ý thức thuộc về Hội và những trách nhiệm đối với Hội, các thẩm quyền ở cấp độ trung ương, tỉnh hội và địa phương, nên phổ biến cho anh em một thông tin đầy đủ về những vấn đề có tầm quan trọng lớn, và tham khảo ý kiến anh em khi thuận tiện và khả thi.
71. Trong mỗi nhà, Bề Trên và Hội đồng địa phương, thực thi quyền hành tùy theo các nhu cầu địa phương, đúng theo Hiến Pháp và chiếu theo các phương hướng và quyết định của thẩm quyền trung ương và tỉnh hội.
CHƯƠNG II : CÁC CƠ CẤU TRUNG ƯƠNG (72-99)
72. Các cơ cấu Trung Ương bảo đảm sự thống nhất trong định hướng và tinh thần, rất thiết yếu cho chính đời sống của Hội và cho việc thực thi sứ mạng riêng của Hội trong bối cảnh quốc tế của mình. Đối tượng chính của chúng là phương hướng và sự khởi động của Hội thông qua những quyết định và chỉ thị phù hợp với sứ mạng và ơn gọi của Hội. Chúng lưu tâm đến sự thích ứng cần thiết với thời đại và môi trường, cũng như sự đa dạng của những người được mời gọi cộng tác với các thành viên của Hội trong những nhiệm vụ đã được úy thác cho Hội.
TỔNG CÔNG HỘI (73-80)
73. Tổng Công Hội đại diện cho cả toàn Hội. Nó thực thi quyền hành tối thượng. Tổng Công Hội bầu Bề Trên Tổng Quyền và những người Cố Vấn Trung Ương, xem xét những vấn đề quan trọng có liên quan đến Hội và lấy những quyết định cần thiết.
74. Tổng Công Hội đều đặn nhóm họp sáu năm một lần. Trong khoảng thời gian đó, người ta sẽ nhóm họp các Đại Hội bất thường nếu có việc thay thế vị Bề Trên Tổng Quyền trước khi nhiệm kỳ của Người kết thúc, hoặc nếu Hội ĐồngTrung Ương cho việc đó là cần thiết. Trong mọi trường hợp, Hội Đồng Trung Ương có bổn phận triệu tập Tổng Công Hội, xác định rõ ngày giờ và nơi chốn.
75. Tổng Công Hội gồm các thành viên theo luật và các thành viên được bầu. Các thành viên theo luật là :
– Bề Trên Tổng Quyền và Phó Bề Trên Tổng Quyền ;
– Bốn Cố Vấn Trung Ương ;
– Các vị Bề Trên Giám Tỉnh ;
– Vị Tổng Đại Diện bên cạnh Tòa Thánh.
76. Mỗi Tỉnh Hội chỉ định, bằng việc bầu cử, một số đại biểu tùy theo tỷ lệ đuợc luật bầu cử ấn định (Phụ lục I). Trong việc bầu cử này, mọi thành viên của Hội đều là cử tri, mọi người cũng đều được ứng cử, trừ những người đã là thành viên theo luật của Tổng Công Hội.
77. Tổng Công Hội tiến hành những cuộc bầu cử sau :
-Tổng Công Hội định kỳ và Tổng Công Hội bất thường về bầu cử, bầu Bề Trên Tổng Quyền trong những điều kiện được điều 85 và 92 của Hiến Pháp ấn định và theo tiến trình được trình bày trong Phụ lục I, số 24-29.
– Tổng Công Hội định kỳ cũng bầu bốn vị Cố Vấn Trung Ương trong những điều kiện được điều 93 ấn định và theo tiến trình được trình bày trong Phụ lục I, số 24-27 và 30-32. Tổng Công Hội bất thường bầu, theo tiến trình này, một hoặc nhiều Cố Vấn, nếu Hội Đồng trung ương trước đó đã phải chỉ định một hoặc nhiều Cố Vấn dự khuyết (x. điều 94).
78. Tổng Công Hội bàn bạc về tất cả những vấn đề liên quan đến toàn Hội.
Cách riêng, họ bàn về những vấn đề liên quan đến phương hướng tổng quát của Hội, cũng như sự thích nghi của Hội với nhiệm vụ được ủy thác, về những sự sửa đổi được nhằm đến trong Hiến Pháp và Quy Luật áp dụng, về những đóng góp của các Tỉnh Hội cho các nhu cầu chung của Hội trong đó có vấn đề phổ biến việc truyền giáo. Những đề án sửa đổi Hiến Pháp nào đạt được hai phần ba số phiếu của Tổng Công Hội sẽ được trình lên Tòa Thánh là cơ quan có thẩm quyền giải thích trung thực, để được phê chuẩn.
79. 1. Tổng Công Hội có thể thiết lập nhiều bộ phận khác nhau để tham khảo hoặc nghiên cứu và quy định phận vụ của những bộ phận này.
2. Ttrong phạm vi của Hiến pháp, Tổng Công Hội có thể thừa nhận các điều luật hoặc chỉ thị. Những quyết định của Tổng Công Hội có sức bắt buộc cho đến khi một Tổng Công Hội sau đó sửa đổi hay bãi bỏ chúng. Những quyết định giới hạn các quyền cá nhân phải hội đủ hai phần ba số phiếu.
O.R.A. a. Ở đầu mỗi Tổng Công Hội, người ta sẽ nhắc lại các quyết định của Tổng Công Hội trước và sẽ thảo luận về những điểm đặc biệt, những điểm mà từ khi bắt đầu đem áp dụng, đã gợi lên những khó khăn. Cuộc thảo luận này sẽ được chuẩn bị theo quy định của điều 83, O.R.A. 1. và điều 105.
b. Vào buổi cuối cùng, Bề Trên Tổng Quyền và tất cả các thành viên, sau khi đã nghe đọc các biên bản do thư ký Tổng Công Hội ghi lại, đều ký vào.
c. Đối với các Quy Luật chung của khóa họp người ta sẽ làm đúng theo quy định của Phụ Lục I, số 19 và những số kế tiếp.
80. Hiến Pháp hoặc Quy Luật có thể đòi hỏi, đối với một vài quyết định nào đó, một đa số với hai phần ba số phiếu. Trong mọi trường hợp khác, các quyết định của Tổng Công Hội được lấy, dựa vào đa số tuyệt đối của số phiếu.
Tổng Công Hội chỉ thảo luận một cách có hiệu lực nếu hai phần ba thành viên hiện diện.
HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC TRÁCH NHIỆM KÈM THEO (81-99)
81. Hội Đồng Trung Ương, gồm có Bề Trên Tổng Quyền, người triệu tập Hội Đồng, thiết lập chương trình và chủ tọa Hội Đồng, và bốn vị Cố Vấn. Hội Đồng Trung Ương thi hành quyền bính một cách bình thường trên cả toàn Hội, trong những trường hợp và theo cách thức đã được quyền phổ cập và quyền riêng tiên liệu. Ban điều hành trung ương cũng gồm các vị đặc trách những chức vụ khác nhau thuộc Hội Đồng Trung Ương.
I. Hội Đồng Trung Ương (82-84)
82. Hội Đồng Trung Ương thi hành chức vụ của mình qua việc điều động và tổ chức trong cả toàn Hội. Hội Đồng có trách nhiệm áp dụng Hiến Pháp và các quyết định của Tổng Công Hội. Trong trường hợp có sự nghi ngờ, Hội Đồng sẽ giải thích những quyết định này. Đặc biệt chú tâm đến đời sống, sứ mạng và tính cách quốc tế của Hội, Hội đồng lo việc duy trì sự thống nhất mà vẫn tôn trọng quyền tự trị đúng đắn của các Tỉnh Hội, trong sự trung thành hoàn toàn với tinh thần của Hội. Hội Đồng có bổn phận nhận biết và thông tin, cổ vũ và điều hợp.
83. Trong Phạm vi của Hiến Pháp, Hội Đồng Trung Ương có quyền ra những quyết định có hiệu lực bó buộc trên toàn Hội cho đến Tổng Công Hội kế tiếp, Tổng Công Hội này có thể xác nhận, sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định ấy. Các buổi họp của Hội Đồng Trung Ương được tổ chức nhiều lần trong năm. Trong những vấn đề đặc biệt động đến bản chất và sứ mạng của Hội, thì những quyết định của Hội Đồng phải có đa số phiếu ; danh sách những vấn đề này được kể đến trong O.R.A.
O.R.A. a. Trong những vấn đề không liên quan đến việc bầu cử, quyết định của Hội Đồng có giá trị luật khi nhận được sự phê chuẩn theo đa số tuyệt đối của những thành viên có mặt, đa số những người được triệu tập phải hiện diện.
b. Những quyền lực của Hội Đồng Trung Ương được thể hiện, giữa các việc khác, trong những vấn đề sau đây có liên quan đặc biệt đến bản chất và sứ mạng của Hội :
1° Việc triệu tập và chuẩn bị các Tổng Công Hội cùng với sự hợp tác của các thẩm quyền tỉnh hội.
2° Việc chỉ định Tổng Đại Diện tại Rôma, Tổng Thư ký, Tổng Quản lý, và Phụ tá Quản lý.
3° Việc quản trị tài sản của Hội không thuộc về các Tỉnh Hội, hoặc các Tỉnh Hội đã ủy thác chúng cho các thẩm quyền trung ương, chiếu theo Hiến Pháp ; việc chuyển nhượng tài sản của Hội hoặc việc sở hữu những tài sản mới với một giá trị đáng kể, phải luôn được quyết định dựa vào đa số phiếu và chiếu theo Giáo Luật. Trong những công việc này, Hội Đồng không bao giờ được thương lượng với một thành viên nào, hoặc với bà con hay đồng minh của họ.
4° Những vấn đề động tới các nguyên lý cơ bản của việc đào tạo các linh mục và việc đào tạo khởi đầu ứng sinh Xuân Bích, động đến việc truyền giáo của Hội, đến việc nghiên cứu về lịch sử, truyền thống của Hội, về thần học và linh đạo của chức linh mục thừa tác. Việc khả dĩ cập nhật hóa một Phụng vụ riêng của Hội, các Hiến Pháp, các Quy Luật và Chỉ Nam chung v.v đều lệ thuộc vào Tổng Công Hội.
5° Những quan hệ với Tòa Thánh và, khi Hội Đồng cho là cần thiết, với các Hội Đồng Giám Mục, đặc biệt ở các nước không có Tỉnh Hội nào hoạt động, hoặc những nước mà Hội đảm trách một hoạt động truyền giáo. Trong trường hợp sau cùng, những quan hệ này cũng thuộc Hội Đồng Tỉnh Hội, nên chúng cần phải được thực hiện nhất trí với Hội Đồng Tỉnh Hội.
6° Việc chuẩn bị và triệu tập, cùng với sự hợp tác của các Tỉnh Hội, các Công Hội, các khóa hội thảo hoặc những buổi gặp mặt có mục đích học hỏi những vấn đề liên quan đến sứ mạng và đời sống cộng đoàn của cả toàn Hội.
7° Những sự chuẩn nhận cần thiết để một Tỉnh Hội đảm nhận một nhà mới nào đó hoặc một hình thức phục vụ mới, việc gom tụ những nhà riêng biệt về mặt pháp lý lại với nhau, việc đề xướng một sự rút lui đơn thuần, việc chuyển nhượng những tài sản vật chất của một Tỉnh Hội mà cần phải tâu trình Tòa Thánh, chương trình tổng quát và những nghị quyết của Đại Hội Tỉnh Hội, những kinh nghiệm mới không được dự liệu trong Hiến Pháp, những phương thức đào tạo những thành viên của Hội v.v. Những sự chuẩn nhận này giả thiết phải có một đối thoại trước đó với các thẩm quyền tỉnh hội.
8° Trong trường hợp đặc biệt có thiết lập một nhà mới trên miền đất truyền giáo hoặc trong một nước xa với trung tâm các Tỉnh Hội, ngoại trừ một hợp tác đơn giản nhất thời, Hội Đồng Trung Ương sẽ cộng tác với các thẩm quyền tỉnh hội liên hệ để nghiên cứu trước. Quyết định cuối cùng phải được các thẩm quyền tỉnh hội cùng thỏa thuận.
9° Việc thải hồi các thành viên theo các điều lệ trình bày trong phần hai của Hiến Pháp (điều 52, 5 và điều 60).
10° Những công việc mà Hiến Pháp hoặc Tổng Công Hội sẽ có thể ủy thác cho Hội Đồng Trung Ương hoặc cho Bề Trên Tổng Quyền, và những công việc khác cần nại đến Hội Đồng Trung Ương và Hội Đồng này phán định thuộc thẩm quyền của mình.
84. Để có được một sự thông tin tốt nhất và một sự ăn khớp hữu hiệu hơn trong việc điều hành Hội, Hội Đồng Trung Ương sẽ tổ chức ít nhất một khóa họp mỗi năm một lần với các Bề Trên Giám Tỉnh.
O.R.A. a. Chương trình của khóa họp này sẽ được chuẩn bị trong sự nhất trí chung. Nó sẽ gồm có, ngoài những điều khác, việc xem xét các vấn đề được các cộng đoàn ở xa đặt ra. Người ta sẽ đặc biệt tạo nên một Quỹ Liên Tỉnh Hội, để mang lại cho họ một sự hỗ trợ hữu hiệu, như là dấu chỉ của sự hợp tác của toàn Hội vào các nhiệm vụ truyền giáo mà Giáo Hội ủy thác cho Hội. Hội Đồng Trung Ương và các Bề Trên Giám Tỉnh bảo đảm việc kiểm soát Quỹ này.
b. Mỗi năm một lần, khóa họp này phải bao gồm một thông tin do các Bề Trên Giám Tỉnh về tình hình tài chánh của mỗi Tỉnh Hội.
c. Hội Đồng Trung Ương sẽ được giúp đỡ, nếu cần, của các ủy ban, các ban, hoặc các cơ quan tham khảo và nghiên cứu khác, được chính mình hoặc do Tổng Công Hội thiết lập. Việc chỉ định thành viên cho các cơ quan này, được thực hiện với sự đồng ý của các Bề Trên Giám Tỉnh liên hệ. Hội Đồng Trung Ương sẽ liên lạc thường xuyên với những vị đặc trách các cơ quan này để bảo đảm cho sự hữu hiệu của chúng. Hội Đồng sẽ sử dụng các thành quả của công việc họ và, lúc thuận tiện, sẽ thông báo cho anh em biết.
II. Bề Trên Tổng Quyền (85-92)
85. 1. Bề Trên Tổng Quyền phải là thành viên vĩnh viễn và phải có mười năm phục vụ tích cực và hiện tại vẫn đang còn ở trong Hội. Người được Tổng Công Hội bầu phiếu kín và được đa số hai phần ba. Nhiệm kỳ của Nguời kéo dài đến Tổng Công Hội định kỳ kế tiếp. Người không thể hoạt động quá hai nhiệm kỳ tròn (sáu năm), các nhiệm kỳ bán phần (theo những trường hợp dự kiến trong điều 92) không được kể đến.
2. Khi một cuộc bầu cử có đa số phiếu mong muốn, vị Bề Trên Tổng Quyền đã được bầu và vị chủ tịch công bố việc đắc cử. Cuộc bầu cử này có hiệu lực khi người trúng cử chấp nhận, chứ không cần đến một sự xác nhận nào.
86. Quyền hành và trách nhiệm của Bề Trên Tổng Quyền bao trùm cả toàn Hội. Chính Người sẽ triệu tập, chủ tọa và điều động các buổi họp Hội Đồng Trung Ương, mà người sẽ thiết lập chương trình. Trong tinh thần phục vụ, người theo dõi các hoạt động và các nhu cầu của cả toàn Hội, lưu ý đến việc thực thi sứ mạng Xuân Bích trong Giáo Hội, chiếu theo Hiến Pháp, và việc đem áp dụng những quyết định của các Tổng Công Hội. Người xác nhận việc bầu cử Bề Trên Giám Tỉnh, và việc chỉ định các Bề Trên địa phương được trình lên trước cho Người để được chuẩn nhận. Trong trường hợp có sự nghi ngờ, Người có thể có một lời giải thích thực hành về Hiến Pháp. Người cũng giữ sự liên lạc với Tòa Thánh và Giám Mục đoàn.
87. Bề Trên Tổng Quyền thi hành trách nhiệm trong sự liên kết với các Cố Vấn. Trừ khi khẩn cấp, Người bàn thảo với họ về toàn bộ công việc liên quan đến Hội. Dưới cùng một sự dè dặt Người sẽ lấy những quyết định được đa số các Cố Vấn đồng ý, như được tiên liệu trong Hiến Pháp (điều 83). Ngoài ra, mỗi thành viên hoặc ứng sinh của Hội luôn được quyền liên lạc trực tiếp và riêng tư với Bề Trên Tổng Quyền không cần thông qua Hội Đồng.
O.R.A. Trong tất cả những cuộc bầu phiếu không kín, của Tổng Công Hội hoặc của Hội Đồng Trung Ương, nếu số phiếu chia đồng nhau, thì phiếu của Bề Trên Tổng Quyền là có ưu thế quyết định, nhưng Người cũng có thể không dùng đến đặc ân này.
88. Đích thân Bề Trên Tổng Quyền hoặc một đại diện sẽ viếng thăm các Tỉnh Hội và các nhà của Hội, ít nhất là sáu năm một lần. Người quan tâm đến những khía cạnh khác nhau của đời sống cộng đoàn và sinh hoạt của mỗi người.
89. Nếu Bề Trên Tổng Quyền muốn, Người có thể chỉ định trong số các Cố Vấn, một đại diện cho một sứ mạng riêng nào đó. Nếu người cảm thấy sẽ bị ngăn trở chu toàn các chức vụ trong một thời gian khá dài, thì Người phải chọn trong số Cố Vấn, một Phó Bề Trên Tổng Quyền, có mọi quyền hạn của Người, trên nguyên tắc. Đồng thời Hội Đồng sẽ bầu ra một Cố Vấn bổ khuyết trong thời gian bị ngăn trở.
90. Nếu Bề Trên Tổng Quyền tin rằng có lý do nghiêm túc để từ chức, Người sẽ trình bày những lý do ấy cho Tòa Thánh, Tòa Thánh có quyền chấp nhận hoặc từ chối sự từ chức đã được đề nghị.
O.R.A. Tốt hơn là Bề Trên Tổng Quyền không nên có một quyết định như vậy mà không có ý kiến các Cố Vấn. Trong trường hợp đó người ta sẽ xin những vị này gởi nhận xét của họ lên Tòa Thánh.
91. Nếu vì những lý do nghiêm trọng mà các Cố Vấn thấy cần phải thay thế vị Bề Trên Tổng Quyền trước thời hạn bình thường của một Tổng Công Hội định kỳ hoặc phải chỉ định cho Bề Trên Tổng Quyền một người thay thế tạm thời, thì họ sẽ trình bày trường hợp này với Tòa Thánh.
92. Trong trường hợp qua đời, trường hợp từ chức đã được Tòa Thánh chấp nhận theo pháp lý, hoặc là việc thải hồi Bề Trên Tổng Quyền theo Giáo Luật, và cho đến khi có bầu cử để chọn người kế vị, thì Phó Bề Trên Tổng Quyền sẽ điều hành Hội trong sự liên kết với các Cố Vấn. Nếu không có Phó Bề Trên Tổng Quyền thì vị Cố Vấn thứ nhất được bầu theo thủ tục quyết định thứ tự của các Cố Vấn (Phụ lục I, 32), sẽ đương nhiên trở thành Phó Bề Trên Tổng Quyền. Hội Đồng phải triệu tập sớm hết sức một Tổng Công Hội bất thường, do Phó Bề Trên Tổng Quyền chủ tọa. Tổng Công Hội này sẽ bầu ra một Bề Trên Tổng Quyền mới mà nhiệm kỳ sẽ kéo dài cho đến Tổng Công Hội định kỳ kế tiếp.
III- Những vị Cố Vấn Trung Ương (93-94)
93. Những vị Cố Vấn Trung Ương, với số bốn người, trợ giúp vị Bề Trên Tổng Quyền trong việc điều hành Hội. Họ được bầu ở Tổng Công Hội, chiếu theo cách xếp đặt được chỉ định trong quy luật của Tổng Công Hội (Phụ lục I, số 30-32), giữa các thành viên vĩnh viễn của các Tỉnh Hội khác nhau. Nhiệm kỳ của họ kéo dài cho đến Tổng Công Hội định kỳ kế tiếp. Họ không thể thi hành liên tục quá hai nhiệm kỳ trọn (sáu năm), các nhiệm kỳ bán phần không được kể đến,
94. Trong trường hợp phải có một cố vấn bổ khuyết, thì người đó phải do Hội Đồng Trung Ương bầu chọn, trong sự tôn trọng tính cách đại diện của các Tỉnh Hội và các nhóm được Tổng Công Hội xác định (Phụ lục I, số 30). Trừ trường hợp được dự kiến ở trên, điều 89, vị Cố Vấn dự khuyết vẫn giữ chức vụ cho đến Tổng Công Hội kế tiếp (định kỳ hoặc bất thường), lúc bấy giờ sẽ tiến hành một cuộc bầu cử mới.
O.R.A. a. Các vị Cố Vấn Trung Ương với danh nghĩa cố vấn và cá nhân, không có quyền hạn riêng nào trong Tỉnh Hội của họ, ngoại trừ trường hợp Bề Trên Tổng Quyền có thể ủy thác cho họ một nhiệm vụ đặc biệt.
b. Không được kiêm nhiệm hai nhiệm vụ của Cố vấn trung ương và Cố Vấn tỉnh hội.
c. Vị Cố Vấn trung ương không được kiêm nhiệm chức Đại Diện Tỉnh Hội.
IV- Những trách nhiệm khác của Ban Quản trị Trung ương (95-99)
95. Những người có trách nhiệm điều hành trung ương, ngoài Bề Trên Tổng Quyền và các Cố Vấn trung ương, được Hội Đồng trung ương chỉ định dựa theo đa số phiếu, sau khi đã thỏa thuận với các Bề Trên Giám Tỉnh liên hệ. Họ thi hành nhiệm vụ cho đến khi có quyết định mới của Hội Đồng này.
O.R.A. Sau sáu năm, nên nhắm đến việc đổi mới những người giữ các trách nhiệm này.
96. Vị Tổng Đại Diện đại diện cho Hội bên cạnh Tòa Thánh.
O.R.A. Nhà Quản Lý tại Rôma thuộc quyền điều hành trung ương của Hội, ngay cả về mặt vật chất.
97. Vị Tổng Thư Ký giữ sổ sách, người lo thư từ và những thông tin cần thiết cho việc điều hành Hội dưới trách nhiệm của Bề Trên Tổng Quyền. Người có thể được chọn trong số các Cố Vấn.
98. Vị Tổng Quản Lý điều hành các động sản và bất động sản của Ban Quản Trị trung ương của Hội, dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của Bề Trên Tổng Quyền và Hội Đồng Cố Vấn của Người. Vị Tổng Quản Lý sẽ chu toàn chức vụ của mình đúng theo luật. Vị Tổng Quản Lý không được kiêm nhiệm chức Bề Trên Tổng Quyền hay Tổng Cố Vấn.
99. Vị Tổng Quản Lý tường trình với Bề Trên Tổng Quyền về sổ sách tiền bạc, mỗi khi Bề Trên Tổng Quyền yêu cầu. Mỗi năm một lần, người phúc trình sổ sách của cả năm cho Bề Trên Tổng Quyền và các Cố Vấn họp lại.
O.R.A. a. Trong dịp Tổng Công Hội định kỳ, một bản báo cáo đã được các kế toán viên chuẩn bị sẽ được trình lên các thành viên của Tổng Công Hội. Bề Trên Tổng Quyền sẽ thông báo điều chính yếu cho mỗi anh em trong bức thư cho biết những kết quả của Tổng Công Hội.
b. Người ta sẽ mời Vị Tổng Quản Lý dự những buổi họp Hội Đồng mỗi khi bản chất của vấn đề được xem xét đòi hỏi.
c. Vị Tổng Quản Lý sẽ được một phụ tá Quản Lý giúp đỡ.
CHƯƠNG III : CÁC CƠ CẤU CỦA TỈNH HỘI (100-126)
100. Việc phân bổ Hội thành từng Tỉnh Hội là để đáp ứng cho sự nhập cư lâu dài vào các vùng và các nền văn hóa khác nhau. Nhờ một cái nhìn trực tiếp hơn, nó bảo đảm cho việc hội nhập tốt hơn vào các vấn đề của địa phương.
Các Tỉnh Hội sẽ lo duy trì và phát triển những mối tương quan huynh đệ và, trong chừng mực có thể, sự hợp tác giữa các Tỉnh Hội.
ĐẠI HỘI TỈNH HỘI (101-106)
101. Đại Hội Tỉnh Hội đại diện cho toàn Tỉnh Hội. Đại Hội có phận sự bầu Bề Trên Giám Tỉnh và các Cố Vấn, bàn bạc những vấn đề quan trọng có liên quan đến Tỉnh Hội và lấy những quyết định cần thiết.
102. Đại Hội Tỉnh Hội định kỳ được nhóm họp sáu năm một lần. Cũng có những Đại Hội Tỉnh Hội bất thường khác, nếu cần phải thay thế Bề Trên Giám Tỉnh trước khi mãn nhiệm kỳ, hoặc nếu Hội Đồng Tỉnh Hội thấy là thích hợp. Trong trường hợp này, cần được Hội Đồng Trung Ương cho phép.
103. Hội Đồng Tỉnh Hội ấn định ngày và nơi chốn của Đại Hội Tỉnh Hội. Hội Đồng Tỉnh Hội cũng chuẩn bị chương trình và gởi những đường nét chính của chương trình lên để Hội Đồng Trung Ương phê chuẩn.
O.R.A. Người ta có thể coi là thành phần của cùng một Đại Hội Tỉnh Hội những khóa họp khác nhau được tổ chức theo một chương trình chung, nhưng được phân phối cho tiện lợi hơn là chỉ họp trong một thời gian khá dài, miễn sao đừng quá một năm.
104. Đại Hội Tỉnh Hội gồm có các thành viên theo luật và các thành viên được bầu. Các thành viên theo luật là Bề Trên Giám Tỉnh và các Cố Vấn. Đại Hội trước đó, hoặc nếu không thì Hội Đồng Tỉnh Hội với sự chấp thuận của Hội Đồng Trung Ương, ấn định số đại biểu phải bầu, các quy tắc của sự đại diện và phương thức bầu cử.
O.R.A. a. Hội Đồng Tỉnh Hội có thể mời vị Đại Diện Tỉnh Hội (điều125) tham gia Đại Hội Tỉnh Hội với quyền biểu quyết.
b. Trừ phi Đại Hội Tỉnh Hội quyết định cách khác, dựa theo đa số với hai phần ba số phiếu, thì các vấn đề liên quan đến việc chuẩn bị, chủ tọa, thư ký, túc số cần thiết của đại biểu, tiến trình của công việc và việc bầu cử, đều được thi hành như đã dự kiến trong Tổng Công Hội.
105. 1. Đại Hội Tỉnh Hội chăm lo áp dụng cách cụ thể, với những sự chính xác do nhu cầu và hoàn cảnh kêu gọi, Hiến Pháp cũng như những phương hướng và quyết định của những Tổng Công Hội và của các thẩm quyền Giáo Hội có trách nhiệm. Đại Hội Tỉnh Hội giúp tổ chức việc chuẩn bị và nghiên cứu những vấn đề cần phải đệ trình lên Tổng Công Hội sắp tới của Hội.
2. Đại Hội Tỉnh Hội bàn thảo những vấn đề liên quan đến Tỉnh Hội, đến các cộng đoàn và anh em. Trong phạm vi của Hiến Pháp và những quyết định của Tổng Công Hội, Đại Hội Tỉnh Hội xác định cho Tỉnh Hội các phương hướng cơ bản, thiết lập các cơ quan tư vấn cần thiết, lấy những quyết định liên quan đến cả hoặc một phần của Tỉnh Hội, và đưa ra những quy luật buộc các thành viên của mình.
106. Những quyết định và quy luật của Đại Hội Tỉnh, được Hội Đồng Trung Ương chuẩn nhận đúng phép, sẽ có hiệu lực cho đến khi một Đại Hội Tỉnh Hội sau sửa đổi hoặc bãi bỏ chúng. Các quyết định đều được bỏ phiếu dựa theo đa số tuyệt đối của số phiếu, trừ khi có một sự định đoạt khác. Chính vì thế mà đa số với hai phần ba số phiếu đã được đòi hỏi đối với những quy luật giới hạn quyền cá nhân của anh em, và đối với việc bầu Bề Trên Giám Tỉnh.
O.R.A. a. Ở đầu của mỗi Đại Hội Tỉnh Hội người ta sẽ thảo luận những điểm đặc biệt từ khi đem áp dụng đã gợi lên những khó khăn. Cuộc thảo luận này sẽ được chuẩn bị theo quy định của điều 110.1 và của Phụ Lục I, 16-17.
b. Các cơ quan tư vấn, như các ủy ban thường trực về học tập và nghiên cứu hoặc các buổi họp tỉnh hội có thể được mở rộng cho những anh em khác ở ngoài Tỉnh Hội. Những cơ quan này được Đại Hội Tỉnh Hội hoặc Hội Đồng Tỉnh Hội thiết lập.
c. Một khi được Hội Đồng Trung Ương chuẩn nhận, các quyết định của Đại Hội Tỉnh Hội sẽ được thông báo cho anh em trong Tỉnh Hội, và cho các Hội Đồng Tỉnh Hội của các Tỉnh Hội khác. Cũng vậy, người ta sẽ thông báo kết quả của các công việc quan trọng của các ủy ban và các cuộc họp Tỉnh Hội khác.
HỘI ĐỒNG TỈNH HỘI VÀ NHỮNG TRÁCH NHIỆM KÈM THEO (107-126)
I – Hội Đồng Tỉnh Hội (107-113)
107. Hội Đồng Tỉnh Hội gồm có Bề Trên Giám Tỉnh, người triệu tập Hội Đồng, lập chương trình và chủ tọa Hội Đồng, và bốn vị Cố Vấn. Hội Đồng có trách nhiệm điều hành Tỉnh Hội về mặt thiêng liêng và vật chất, chiếu theo những quy tắc của quyền phổ cập và quyền riêng biệt. Trong mục đích này, Hội Đồng lấy mọi quyết định liên quan đến việc thi hành sứ mạng của Hội trong giới hạn của Tỉnh Hội, đúng theo Hiến Pháp và những chỉ thị hoặc quyết định vừa của các thẩm quyền trung ương, vừa của Đại Hội Tỉnh Hội. Trường hợp có sự nghi ngờ thì Hội Đồng sẽ giải thích các quyết định của Đại Hội Tỉnh Hội.
108. Để phục vụ lợi ích chung, Hội Đồng Tỉnh Hội chăm lo để duy trì sự thống nhất trong tinh thần và hành động của việc thi hành sứ mạng của Hội, lưu ý đến những nét riêng biệt và những thích nghi cần thiết. Hội Đồng khuyến khích các sáng kiến và việc làm theo nhóm.
109. Hội Đồng Tỉnh Hội nghiên cứu tình thế và nhu cầu của các nhà và các thành viên của Tỉnh Hội, lập các kế hoạch cho tương lai, tổ chức việc chuẩn bị cho các ứng sinh thi hành chức vụ của họ và phân phối anh em trong các cộng đoàn khác nhau của Tỉnh Hội. Hội Đồng còn bảo đảm việc thúc đẩy các hoạt động của Tỉnh Hội và của các nhà, và tạo điều kiện cho những cuộc gặp gỡ huynh đệ. Hội Đồng nhóm họp khoảng mỗi tháng một lần (x. trên đây điều 57, O.R.A. a và b).
O.R.A. Trong những vấn đề không liên hệ đến việc bầu cử, quyết định của Hội Đồng sẽ có giá trị luật khi được sự chấp thuận của đa số tuyệt đối các thành viên hiện diện, đa số của những người được triệu tập phải có mặt.
110. Hội Đồng Tỉnh Hội quy định, dựa vào đa số phiếu, các vấn đề sau :
1° Việc triệu tập và chuẩn bị các Đại Hội Tỉnh Hội.
2° Việc chấp nhận các điều luật buộc toàn Tỉnh Hội phải theo, chừng nào mà Đại Hội Tỉnh Hội chưa bãi bỏ hoặc sửa đổi chúng.
3° Việc chuyển nhượng các tài sản của Tỉnh Hội, việc thu nhận những tài sản mới với một giá trị đáng kể, những vấn đề quản trị thông thường và kiểm tra việc quản trị tài sản vật chất (x. điều 83, O.R.A. 3 và 7 ; điều 145 và Phụ Lục III). Hội Đồng Tỉnh Hội có thẩm quyền để chuyển nhượng những tài sản mà mình có trách nhiệm trực tiếp và giá trị không vượt quá số tiền được Tòa Thánh định mức cho mỗi miền và khi không phải là những tài sản được hiến cho Giáo Hội theo lời khấn hoặc những báu vật có giá trị nghệ thuật hay lịch sử (x. giáo luật điều 638 § 3 và 1292 § 2). Trong những trường hợp sau cùng này cần phải được sự đồng ý của Hội Đồng Trung Ương và của Tòa Thánh.
4° Việc chấp nhận hoặc từ chối cho anh em những nhiệm vụ khác ngoài những nhiệm vụ đã được chính thức ủy thác cho Hội.
5° Việc chấp nhận các ứng sinh và việc thu nhận những thành viên của Tỉnh Hội, mà danh sách được báo cáo cho Bề Trên Tổng Quyền.
6° Việc thải hồi các thành viên ở cấp sơ thẩm.
7° Việc quyết định với sự đồng ý của Hội Đồng Trung Ương, chấp nhận thiết lập một nhà mới, từ bỏ một công trình đã được thiết lập, gom nhà hay thay đổi việc sử dụng một nhà, chiếu theo luật.
8° Việc chuẩn bị và thiết lập các hợp đồng khác nhau được tiên liệu ở điều 9, cũng như những vấn đề quan trọng thường phải bàn thảo với các Giám Mục và các Hội Đồng Giám Mục.
9° Sau cùng, tất cả những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội Đồng Tỉnh Hội căn cứ vào Hiến Pháp hoặc những quyết định của các Tổng Công Hội hoặc của các Đại Hội Tỉnh Hội.
O.R.A. Trong các chủng viện, các giáo sư thường trú và giáo sư ngoại trú thuộc về Hội, được Hội Đồng Tỉnh Hội chỉ định, và việc chỉ định những người này được thông báo cho Đấng Bản Quyền. Việc chỉ định các giáo sư ngoại trú hoặc các giáo sư thường trú khác, được thực hiện với sự đồng ý của Đấng Bản Quyền và nếu cần, của các thẩm quyền hữu trách khác.
111. 1. Hội Đồng Tỉnh Hội cũng quy định, theo đa số phiếu, những vấn đề chỉ định các chức vụ trong các chủng viện và trong các nhà khác của Tỉnh Hội, cũng như chỉ định những trách nhiệm khác của Tỉnh Hội. Việc chỉ định các Bề Trên địa phương phải được đệ trình lên Bề Trên Tổng Quyền, trừ khi khẩn cấp. Hội Đồng Tỉnh Hội có phận sự giới thiệu với thẩm quyền hữu trách người dự tuyển để nhận trách nhiệm cha xứ hoặc trách nhiệm Bề Trên chủng viện khi việc chỉ định thuộc thẩm quyền của Rôma hoặc của Đấng Bản Quyền.
2. Những vấn đề liên quan đến việc chỉ định, các quyền và bổn phận của các anh em có chức vụ trong các giáo xứ hoặc trong các nhà do Hội điều hành, ngoài các chủng viện, được giải quyết cách tương tự như những điều vừa nói về các chủng viện, chiếu theo Giáo Luật.
O.R.A. a. Nếu một anh em được bên ngoài thỉnh cầu, hoặc nếu người đó có lý do nào đó để tự đề nghị cho mình một chức vụ thường xuyên ở ngoài các nhà và các công trình của Hội, thì người đó phải bàn ngay chuyện đó sớm hết sức với thẩm quyền địa phương và tỉnh hội, và phải có, trước khi dấn thân vào việc, sự cho phép của thẩm quyền tỉnh hội.
b. Hội Đồng Tỉnh Hội có thể đề xướng một sự bổ dụng như vậy. Trong mọi trường hợp, Hội Đồng có phận sự thảo luận và giải quyết, cùng với Bản Quyền, các thẩm quyền hữu trách và chính cả đương sự nữa, về các vấn đề khác nhau được đặt ra do các chức vụ này, gồm cả việc đóng góp vào quỹ chung. Thẩm quyền hữu trách sau đó sẽ chỉ định. Việc ra đi của một anh em nghỉ hưu phải là đối tượng của một sự bàn bạc thống nhất y như thế.
112. Các Hội Đồng Tỉnh Hội được các cơ quan tư vấn khác nhau giúp đỡ, những cơ quan này do các Hội Đồng Tỉnh Hội hoặc Đại Hội Tỉnh Hội lập ra.
O.R.A. Các Hội Đồng Tỉnh Hội sẽ chăm lo để mọi người tham gia vào những cơ quan này, và sẽ giữ liên lạc thường xuyên với các vị hữu trách những cơ quan ấy. Các Hội Đồng này sẽ xử dụng kết quả của công việc của các cơ quan ấy, và khi thuận tiện, sẽ thông báo cho các anh em biết tóm tắt các hoạt động ấy.
113. Hội Đồng Tỉnh Hội sẽ chỉ định, nếu cần, một vị đặc trách lo duy trì những giây liên lạc và tổ chức tất cả những gì có thể giúp về mặt vật chất, trí thức và thiêng liêng cho các anh em trong các cộng đoàn ở xa trung tâm của Tỉnh Hội.
O.R.A. a. Vị đặc trách đó mỗi năm sẽ phúc trình về những hoạt động của mình cho Hội Đồng Tỉnh Hội.
b. Các anh em trong các cộng đoàn ở xa ấy sẽ chăm lo và phụ giúp tích cực vào lợi ích chung của Hội hoặc giúp cho một vài cộng đoàn nào đó của Hội khi họ có thể.
II- Bề Trên Giám Tỉnh (114-119)
114. Bề Trên Giám Tỉnh phải là thành viên vĩnh viễn của Hội, được Đại Hội Tỉnh Hội bầu, dựa theo đa số với hai phần ba số phiếu, bằng phiếu kín. Việc bầu cử này được thông báo không chậm trễ cho Bề Trên Tổng Quyền để được chuẩn nhận. Nhiệm kỳ của Bề Trên Giám Tỉnh kéo dài cho đến Đại Hội Tỉnh Hội định kỳ kế tiếp. Người không thể thi hành quá hai nhiệm kỳ trọn (sáu năm), các nhiệm kỳ bán phần phát sinh từ những trường hợp tiên liệu ở điều 119 không được kể đến.
O.R.A. Việc bầu Bề Trên Giám Tỉnh được thực hiện theo phương thức dự trù cho việc bầu Bề Trên Tổng Quyền, với sự nại đến vị này trong trường hợp không đạt được đa số đã được đòi hỏi cuối cuộc bầu cử.
115. Quyền hạn và trách nhiệm của Bề Trên Giám Tỉnh trải rộng trên khắp Tỉnh Hội. Chính Người triệu tập, chủ tọa và điều động các buổi họp của Hội Đồng Tỉnh Hội. Luôn lo lắng cho lợi ích chung của Giáo Hội và của Hội, Người giữ liên lạc với Bề Trên Tổng Quyền, với Giám Mục đoàn, với các nhà, các cơ quan khác nhau của Tỉnh Hội và với mỗi anh em trong Tỉnh Hội. Trong tinh thần phục vụ, Người tìm hiểu các sinh hoạt và các nhu cầu của mỗi người và lưu ý đến việc thực thi sứ mạng Xuân Bích trong bối cảnh địa phương, chiếu theo Hiến Pháp và những quyết định của Tổng Công Hội và Đại Hội Tỉnh Hội.
116. Trong khi thi hành nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ đòi hỏi một trách nhiệm cá nhân, Bề Trên Giám Tỉnh hành động trong sự liên kết với các Cố Vấn (x. điều 109). Nếu Người phải quyết định một vấn đề khẩn cấp mà không có họ, thì sau Người sẽ trình bày việc đó với Hội Đồng. Mỗi anh em hoặc ứng sinh đều có quyền có những mới liên hệ trực tiếp và riêng tư với Bề Trên Giám Tỉnh.
O.R.A. a. Tiếng nói của Bề Trên Giám Tỉnh có ưu thế trong những điều kiện giống như những điều kiện của Bề Trên Tổng Quyền (x. điều 87, O.R.A.)
b. Bề Trên Giám Tỉnh có thể, không cần thiết phải nại đến Hội Đồng, cho phép xuất bản các tác phẩm và bài báo, tham gia các phương tiện truyền thông xã hội khác, cũng như cho phép những cuộc du hành xa.
117. Đích thân Bề Trên Giám Tỉnh hoặc một đại diện sẽ viếng thăm các nhà và các anh em trong Tỉnh Hội của Người ít nhất là ba năm một lần, chiếu theo những điều đã nói về sự thăm viếng ở Phụ Lục II.
118. Nếu Bề Trên Giám Tỉnh muốn Người có thể chỉ định trong các Cố Vấn một vị đại diện, với một sứ mạng riêng nào đó.
Nếu Người dự kiến không thể chu toàn các chức vụ mình trong một thời gian khá dài, Người sẽ yêu cầu vị Cố Vấn thứ nhất hành động như một người dự khuyết.
Nếu Bề Trên Giám Tỉnh tin rằng có những lý do nghiêm túc để xin từ chức, Người sẽ đệ trình lên Hội Đồng Trung Ương.
Nếu vì những lý do nghiêm trọng, các Cố Vấn thấy cần phải thay thế vị Bề Trên Giám Tỉnh trước khi nhiệm kỳ của Người mãn hạn, hoặc phải chỉ định cho Người một người thay thế tạm thời, thì họ sẽ đệ trình trường hợp đó lên Hội Đồng Trung Ương.
119. Trường hợp qua đời, hoặc từ chức được Hội Đồng Trung Ương chấp nhận trên mặt pháp lý, hoặc sau cùng thải hồi Bề Trên Giám Tỉnh theo giáo luật, thì vị Cố Vấn thứ nhất sẽ điều hành Tỉnh Hội cho đến khi bầu được người kế vị. Với sự cho phép của Hội Đồng Trung Ương, Hội Đồng Tỉnh Hội phải triệu tập càng sớm càng tốt một Đại Hội Tỉnh Hội để bầu một Bề Trên Giám Tỉnh mới. Nhiệm kỳ của vị này sẽ kéo dài cho đến Đại Hội Tỉnh hội định kỳ kế tiếp.
O.R.A. Trong khi chờ đợi cuộc bầu cử này, vị Cố Vấn thứ nhất điều hành các công việc của Tỉnh Hội trong sự liên kết với các Cố Vấn khác, Người cũng chủ tọa Đại Hội Tỉnh Hội.
III. Những vị Cố Vấn của Tỉnh Hội (120-121)
120. Bốn vị Cố Vấn có trách nhiệm liên đới, với Bề Trên Giám Tỉnh trong việc lãnh đạo Tỉnh Hội. Họ được các thành viên của Đại Hội Tỉnh Hội bầu, theo phương thức đã được dùng trong việc bầu các Cố Vấn trung ương (Phụ Lục I, 30-32). Nhiệm kỳ của họ kéo dài cho đến Đại Hội Tỉnh Hội định kỳ kế tiếp. Họ không thể thi hành liên tục quá hai nhiệm kỳ trọn (sáu năm), các nhiệm kỳ bán phần không được kể đến.
O.R.A. Các Đại Hội Tỉnh Hội vẫn có thể chọn để đổi mới một nửa các Cố vấn, thời gian ba năm một lần. Lúc bấy giờ họ phải lập những điều lệ rõ ràng và chi tiết nếu họ phải tổ chức bầu bằng thư từ trong khoảng thời gian chia cách hai Đại Hội Tỉnh Hội định kỳ. Những vị cựu Cố Vấn sẽ giữ chức vụ cho đến khi bầu được những người kế vị họ.
121. Trong trường hợp phải có một bổ khuyết giữa các Cố Vấn tỉnh hội, thì Hội Đồng Tỉnh Hội phải lo bổ sung vào, dựa theo đa số phiếu. Ngoại trừ trường hợp được tiên liệu ở điều 118, vị Cố Vấn dự khuyết giữ chức vụ mình cho đến Đại Hội Tỉnh Hội kế tiếp, định kỳ hoặc bất thường. Đại Hội này sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới.
O.R.A. Nếu vì những lý do nghiêm trọng, phải thay thế một Cố Vấn trước thời hạn bình thường của một Đại Hội Tỉnh Hội, trường hợp này sẽ được trình lên Bề Trên Tổng Quyền.
IV. Những trách nhiệm khác của Ban Quản Trị Tỉnh Hội 122-124)
122. Hội Đồng Tỉnh Hội được nhiều cộng tác viên trợ lực, đặc biệt một Quản lý Tỉnh hội, một Thư Ký Tỉnh hội, một hoặc nhiều vị đặc trách việc đào tạo khởi đầu và thường xuyên, những vị này được Hội Đồng Tỉnh Hội chỉ định.
O.R.A. a. Các cộng tác viên này sẽ giữ chức vụ cho đến khi có quyết định mới của Hội Đồng ; sau sáu năm, Hội Đồng sẽ cẩn thận nghiên cứu có nên thay đổi không.
b. Người ta sẽ mời họp Hội Đồng những vị đặc trách việc đào tạo khởi đầu và thường xuyên, và các anh em khác nữa, mỗi khi cần.
c. Trong các trách nhiệm được ghi trên đây, chỉ có trách nhiệm Quản Lý Tỉnh hội là không thể đi đôi với trách nhiệm Cố Vấn.
123. Quản Lý Tỉnh hội điều hành tất cả các động sản và bất động sản cấu tạo nên gia nghiệp của mỗi Tỉnh Hội dưới sự chỉ đạo và kiểm tra của Bề Trên Giám Tỉnh và của Hội Đồng. Người chu toàn chức vụ của mình đúng theo luật.
Tỉnh Hội chỉ giao cho các thành viên của cộng đoàn địa phương, đặc biệt cho các quản lý, việc quản trị thông thường các tài sản này.
O.R.A. a. Người ta sẽ phải trình bày với các thành viên của Đại Hội Tỉnh Hội một bản báo cáo đã được các kế toán viên chuẩn bị. Bề Trên Giám Tỉnh sẽ thông báo những điều thiết yếu của bản báo cáo cho các anh em khác.
b. Vị Quản Lý Tỉnh Hội được mời dự các cuộc họp Hội Đồng mỗi khi bản chất của vấn đề được khảo xét đòi hỏi việc ấy.
c. Quản Lý Tỉnh Hội sẽ được trợ giúp bởi một phụ tá Quản Lý.
d. Các Tỉnh Hội (và ngay cả các nhà, nơi nào thấy cần) nên có sự công nhận, trên mặt pháp lý, như là những pháp nhân dân sự chiếu theo luật pháp của các nước mà họ đang sống.
e. Nếu luật pháp cho phép có những điều lệ tự quản, thì các Tỉnh Hội phải lưu ý để cho những điều lệ này có mọi điều kiện hiệu lực như luật định, phải minh nhiên nói đến những đòi hỏi của Hiến Pháp hiện hành và bảo vệ thật sự được các quyền lợi của Tỉnh Hội hoặc của nhà.
124. Hội Đồng Trung Ương và Tổng Công Hội không thể xử dụng tài sản của một Tỉnh Hội, dù là để dùng cho một Tỉnh Hội khác, hoặc cho Hội, mà không có ý kiến của anh em trong Tỉnh Hội và sự chấp thuận của Đại Hội Tỉnh Hội hoặc, trong khoảng cách giữa các khóa họp, sự chấp nhận của Hội Đồng Tỉnh Hội, căn cứ vào các điều khoản của Giáo Luật.
O.R.A. Đối với việc đóng góp vào các chi phí điều hành trung ương của Hội, các Tỉnh Hội sẽ tuân theo các quyết định của các Tổng Công Hội.
V. Các Đại Diện Tỉnh Hội (125)
125. Vì những lý do chung đối với một nhóm cộng đoàn, hoặc vì những khó khăn về giao thông liên lạc, hoặc vì để chuẩn bị cho việc sáng lập một Tỉnh Hội mới, các Hội Đồng Tỉnh Hội sẽ có thể chỉ định một Đại Diện Tỉnh Hội, và sẽ trao cho những quyền hạn mà họ thấy là cần thiết. Việc chỉ định này sẽ được thực hiện với sự đồng ý của Bề Trên Tổng Quyền và theo mức độ có thể, sau khi đã tham khảo các anh em có liên quan. Vị Đại Diện này sẽ có thể được một Hội Đồng phụ giúp, Hội Đồng này thường sẽ được mọi thành viên của các cộng đoàn liên hệ bầu ra.
ỦY BAN HÒA GIẢI (126)
126. 1. Đại Hội Tỉnh Hội, nếu thấy là tốt, có thể sáng lập và tổ chức một Ủy Ban Hòa giải để đóng góp qua việc hòa hợp ổn thỏa với nhau, vào sự giải quyết những vấn đề tranh chấp nào không thuộc phạm vi điều hành trung ương.
2. Những kết luận của Ủy Ban này, được xây dựng trên kinh nghiệm và sự khôn ngoan, và được hình thành trong sự tôn trọng Hiến Pháp, đều là những khuyến cáo vô tư. Tuy vậy chúng có thể có sức bó buộc phải thi hành, nếu các bên hiện diện có thỏa thuận với nhau coi Ủy Ban này là trọng tài của họ.
CHƯƠNG IV : CÁC CƠ CẤU ĐỊA PHƯƠNG (127-151)
127. 1. Chính trong mỗi cộng đoàn mà sứ mạng của Hội được thực hiện một cách trực tiếp hơn và các nguyên lý hành động được áp dụng cụ thể mỗi ngày.
2. Hiến Pháp đã nhắc đến những điều kiện trong đó mỗi người chu toàn sứ mạng và sự quan trọng, trong chủng viện, của việc thực hiện sự đồng trách nhiệm, thiết lập giữa mọi thành viên những dây liên kết chặt chẽ dựa trên đức ái hỗ tương, việc đối thoại thường xuyên và sự hợp tác trong mọi lãnh vực. Nhờ vậy, việc đảm trách cộng đoàn sẽ được nên dễ dàng hơn.
3. Trong tinh thần Hiến Pháp, người ta sẽ luôn chăm lo để cổ võ, trong lòng các cơ cấu địa phương, những cơ cấu đối thoại đích thực được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Như vậy, trong việc cùng nhau tìm kiếm ích lợi chung, sứ mạng đích thực của quyền bính sẽ được sáng tỏ và được thực hiện trọn vẹn.
HỘI ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG (128-137)
128. Hội Đồng địa phương được sinh động do vị Bề Trên, người triệu tập, lập chương trình và chủ tọa. Hội Đồng ở cấp độ riêng của mình, có trách nhiệm tập thể trong việc dẫn dắt cộng đoàn và các sinh họat của cộng đoàn.
129. Là thành viên của Hội Đồng, đặc biệt dành cho việc giới thiệu để tiến lên chức thánh, những người thuộc Hội Xuân Bích hay không, đã được chỉ định như thế bởi thẩm quyền tỉnh hội, hoặc ít nữa là trong sự nhất trí với thẩm quyền này. Những sự chỉ định này phải được xác định rõ ràng cho mỗi trường hợp.
130. Bề Trên phải họp Hội Đồng địa phương mỗi tháng và còn nhiều hơn nữa nếu công việc đòi hỏi.
O.R.A. a. Hội Đồng sẽ chọn, trong các thành viên của mình, một thư ký để ghi vào một sổ đặc biệt những biên bản của tất cả các cuộc họp. Mỗi biên bản phải được chuẩn nhận trong cuộc họp kế tiếp. Cuối năm, các thành viên của Hội Đồng sẽ được mời ký vào tất cả các biên bản của năm đã qua. Bề Trên Giám Tỉnh luôn có thể yêu cầu gởi bản tóm lược của những cuộc họp bàn thảo này.
b. Bề Trên đề nghi với Hội Đồng chương trình. Thông thường thì người thông báo chương trình đó trước cho anh em. Cũng vậy, nếu người nào muốn đưa ra một đề nghị quan trọng, người ấy phải báo trước cho Bề Trên biết để người có thời gian thông báo điều này cho các thành viên khác để mọi người có thể suy nghĩ về điều đó.
c. Trong khi thảo luận, mỗi người nói theo phiên của mình mà không bị ai ngắt lời, và bằng lòng được trình bày cách đơn giản và bình tĩnh ý kiến có nêu lý do của mình. Nếu thấy vấn đề thảo luận chưa được chín muồi đủ, thì người ta có thể yêu cầu dời lại buổi họp sau để lấy quyết định.
Một khi quyết định đã được đa số đồng ý, thì mỗi người phải chấp nhận và tuân theo, dù ý kiến riêng có thế nào đi nữa.
d. Khi số phiếu ngang nhau, thì phiếu của Bề Trên là có lợi thế. Người được tùy ý không dùng đến đặc ân này.
131. 1. Hội Đồng địa phương có thể lập ra nhiều ủy ban khác nhau hoặc các ban thi hành một nhiệm vụ rõ ràng và có giới hạn, dưới sự lệ thuộc vào Hội Đồng.
2. Khi các cộng đoàn có đông người, thì có lẽ là thích hợp việc Hội Đồng địa phương ủy quyền cho một cơ quan khác cũng thuộc loại này, một vài quyền hạn nào đó của mình, trong những giới hạn cụ thể, cho một thời gian xác định với sự chấp nhận của Hội Đồng Tỉnh Hội. Hơn nữa Hội Đồng Tỉnh Hội có thể khởi xướng việc bố trí này, với sự đồng ý của Hội Đồng địa phương.
132. Khi có vấn đề liên quan cách đặc biệt đến Hội, thì trên nguyên tắc, chỉ các thành viên của Hội và các ứng sinh đã được thu nhận, họp lại, dưới trách nhiệm của Bề Trên, hoặc nếu Bề Trên không phải là hội viên Xuân Bích, thì dưới trách nhiệm của một anh em được Hội Đồng Tỉnh Hội chỉ định.
133. Các Đại Hội địa phương, khác biệt với Hội Đồng, sẽ có thể được thực hiện để quy tụ tất cả các anh em đã được liên kết một cách nào đó với cộng đoàn.
134. Tất cả các vấn đề quan trọng phải được đề nghị với Hội Đồng địa phương và phải được quyết định theo đa số tuyệt đối của số phiếu.
O.R.A. a. Trường hợp Bề Trên bị ngăn trở, Hội Đồng địa phương có thể hội họp, dưới sự chủ tọa của vị giáo sư thường trú thay thế người để bàn những công việc thông thường.
b. Ít nhất là hai lần mỗi năm, Hội Đồng, nếu cần thì kèm theo những người khác nữa, sẽ minh nhiên đưa vào chương trình nghị sự việc nghiên cứu đề cương hành động chung : một lần đầu để thảo luận và thiết lập, và lần sau vào cuối năm để kiểm tra kết quả đạt được.
(Trong cuộc họp các giáo sư thường trú) « Bề Trên có thể đề nghi tất cả những gì liên quan đến lợi ích và tình trạng của Chủng viện, hoặc về mặt thiêng liêng, hoặc về mặt vật chất, (…) Khi Bề Trên không có gì để đề nghị nữa, những người khác có thể đề nghị ở cấp bậc của họ và người sẽ cho họ có đủ thời gian và dành sự chăm chú cần thiết để lắng nghe họ và bàn thảo về những gì họ đề nghị. (…) Người ta sẽ bằng lòng trình bày một cách đơn giản ý nghĩ của mình về những gì đã được đề nghị và sau đó khi đã giải thích những lý do của mình mà không bảo thủ sự phán đoán riêng tư và không tranh biện, người ta sẽ tuân phục trong sự ôn hòa quyết định sẽ được lấy, (…) Tất cả những vấn đề được đề nghị sẽ kết thúc với đa số phiếu » (Quy luật, trang 73-74).
135. Trong các chủng viện, việc Hội Đồng địa phương giới thiệu tiến lên chức thánh đòi hỏi phải có đa số. Tất cả các thành viên của Hội Đồng thường phải có trách nhiệm khi bày tỏ và giải thích lá phiếu của mình, tích cực hoặc tiêu cực, ngoại trừ vị linh hướng của chủng sinh, thì không bao giờ có thể can thiệp vào vấn đề của chủng sinh ấy.
136. Chiếu theo các chỉ thị của Giáo Hội, người ta sẽ lưu ý để cho các chủng sinh, linh mục và các giáo dân khác (tu sĩ, người đời, đàn ông, đàn bà) đều có phần trách nhiệm thuộc về họ trong việc giới thiệu tiến chức này.
O.R.A. Trong việc gọi chịu chức chiếu theo Giáo Luật, Bề Trên đệ trình lên Đấng Bản Quyền của từng chủng sinh lời đề nghị của Hội Đồng và cung cấp cho Người mọi giải thích mong muốn, đặc biệt là bản báo cáo về cuộc bầu cử đối với việc giới thiệu này.
137. Chỉ có Bề trên mới có thể nói nhân danh Hội Đồng và thông báo đích thân hoặc qua một đại diện, những tin tức, quyết định hay ý kiến, hoặc cho thẩm quyền Giám Mục, hoặc cho cộng đoàn, hoặc cho riêng một thành viên, hoặc cho bất cứ một người nào khác.
BỀ TRÊN ĐỊA PHƯƠNG (138-144)
138. Bề Trên đặc biệt chịu trách nhiệm về đời sồng của cộng đoàn địa phương, nhưng cần chăm lo đến lợi ích chung của Tỉnh Hội. Người triệu tập và chủ tọa Hội Đồng địa phương, và soạn thảo chương trình. Người bảo đảm việc điều động và thống nhất của nhà, quan tâm đến các sinh hoạt của mỗi thành viên, để cho họ đề xướng những gì họ mong muốn, lắng nghe họ, bàn bạc với họ và tạo thuận lợi để họ cộng tác vào sứ mạng chung
O.R.A. Bề Trên phải đảm nhận việc thiết lập một chương trình bao quát cho các thành viên của nhóm, cũng như việc phân phối các trách nhiệm.
139. Bề Trên của mỗi nhà, thường phải là thành viên vĩnh viễn, được Hội Đồng Tỉnh Hội chỉ định và, nếu đó là một chủng viện, thì phải có sự đồng ý của thẩm quyền Giám Mục. Trừ trường hợp khẩn cấp, sự chỉ định này trước đó phải được trình lên Bề Trên Tổng Quyền để được chuẩn nhận. Người giữ chức vụ này cho đến khi có một quyết định mới của Hội Đồng Tỉnh Hội, kể cả những sự giới hạn nhiệm kỳ có trong linh mục đoàn địa phương. Trong trường hợp các chủng viện, các Bề Trên Tỉnh Hội có phận sự giải quyết cùng với các Bản Quyền những vấn đề được đặt ra về việc duy trì hoặc ngưng chức.
140. Khi Hội Đồng Tỉnh Hội thấy là thích hợp, họ sẽ chỉ định một Phó Bề Trên, sau khi đã thỏa thuận với Bề Trên địa phương. Vị này sẽ xác định các chức vụ của Phó Bề Trên cùng với sự đồng ý của Hội Đồng Tỉnh Hội.
O.R.A. a. Hội Đồng Tỉnh Hội nên nghiên cứu thời điểm thuận lợi của việc thay thế một Bề Trên tại chức đã sáu năm, và cần tham khảo các giáo sư thường trú trước khi lựa chọn một Bề Trên mới.
b. Các Bề Trên Giám Tỉnh sẽ đệ trình lên Bề Trên Tổng Quyền danh sách các anh em mà họ dự trù, cùng với Hội Đồng của họ, để chỉ định làm Bề Trên trong một tương lai gần đây. Họ cũng sẽ báo cho Bề Trên Tổng Quyền biết những trường hợp cần dự trù việc chỉ định một Bề Trên không phải là thành viên của Hội.
c. Trong trường hợp sau cùng, khi Bề Trên địa phương không thuộc Hội Xuân Bích, thì người sẽ được Bề Trên Giám Tỉnh cho biết về tinh thần và việc thực hành sư phạm Xuân Bích, cũng như những quyết định chính yếu của các Tổng Công Hội và Đại Hội Tỉnh Hội có liên quan đến việc đào tạo khởi đầu cho các linh mục.
141. Tất cả những công việc quan trọng đều lệ thuộc vào quyết định của Hội Đồng, tuy vậy, Bề Trên có phận sự giải quyết trong tinh thần phục vụ một số công việc thông thường. Người sẽ ân cần trung thành thông tin những điều này cho anh em, và anh em sẽ đón nhận với tất cả lòng tin tưởng và ngay thẳng những quyết định đã được lấy trong tinh thần ấy.
O.R.A. a. Những « vấn đề quan trọng » gồm những điểm sau đây, nhưng không chỉ giới hạn trong đó : những thay đổi đáng kể trong chương trình huấn luyện các chủng sinh hay linh mục, sự kế hoạch hóa lâu dài, những chi tiết lớn. Hơn nữa, nếu một vấn đề quan trọng về đường hướng phải được đệ trình để được sự quyết định của Hội Đồng Quản Trị (Board of Trustees), của Giám Mục địa phương và / hay của Hội Đồng Tỉnh Hội, thì trước đó nó phải được Hội Đồng địa phương xem xét đã. Nếu trong trường hợp khẩn cấp, Bề Trên phải một mình giải quyết một vấn đề, người sẽ báo cáo lên Hội Đồng địa phương sau đó. Còn về những công việc ít quan trọng, Bề Trên địa phương phải hỏi ý Hội Đồng địa phương nếu thấy trước rằng quyết định sẽ có ảnh hưởng đáng kể trên đời sống và sứ vụ của anh em đồng nghiệp.
b. Các thành viên của Hội Đồng địa phương sẽ trung thành sống liên đới thẳng thắn với những quyết định của Bề Trên, mà không tác hại đến quyền của họ vẫn có thể trình bày riêng tư quan điểm của mình với những thẩm quyền Xuân Bích liên hệ.
142. Chính trong sự luôn nhất trí với thẩm quyền Giám Mục mà Hội làm việc đào tạo những ứng sinh vào chức linh mục, chiếu theo Hiến Pháp và những thỏa thuận riêng. Chính vì thế mà các Bề Trên phải cho các Đấng Bản Quyền biết về tình trạng của chủng viện và phải để ý đến các chỉ thị của các Ngài. Nên nhớ rằng Cha Olier xem Giám Mục như là vị Bề Trên thứ nhất của nhà.
143. Bề Trên phải thường xuyên liên lạc với Bề Trên Giám Tỉnh và phải cho Người biết về đời sống của cộng đoàn. Nếu Bề Trên phải làm, bên cạnh Bản Quyền, những vận động hoặc những liên lạc có hệ đến Hội, thì người sẽ đệ trình lên Bề Trên Giám Tỉnh trước.
144. Bề Trên không thể đem những thay đổi quan trọng vào trong nhà mà không có sự chấp thuận minh nhiên của Bề Trên Giám Tỉnh, ngoài sự đồng ý của Hội Đồng địa phương.
VIỆC QUẢN TRỊ TÀI SẢN ĐỊA PHƯƠNG (145-148)
145. Trong các nhà thuộc riêng về Hội, vị Quản Lý sẽ được Hội Đồng Tỉnh Hội chỉ định, sau khi đã hỏi ý Bề Trên địa phương. Việc kiểm tra sự quản trị của người thuộc các thẩm quyền địa phương và tỉnh hội của Hội. Điều lệ này cũng được áp dụng trong các nhà hoặc giáo xứ khác, đối với những tài sản thuộc về Hội.
146. Trong các nhà không thuộc riêng về Hội, một Quản lý được Hội Đồng Tỉnh Hội chỉ định sau khi đã hỏi ý Bề Trên địa phương và có sự đồng ý của Bản Quyền, hoặc trong một vài trường hợp, được Bản Quyền chỉ định với sự đồng ý của Hội Đồng Tỉnh Hội. Vị này có đặc trách lo việc quản trị vật chất.
147. Vị Quản Lý chăm lo đến đời sống của các anh em và của những người khác trong nhà, cũng như việc giữ gìn chung các động sản và bất động sản. Người chu toàn các chức vụ của mình đúng theo luật và trong sự lệ thuộc vào Bề Trên địa phương và Hội Đồng, những vị này lại tôn trọng các trách nhiệm riêng của Quản Lý, quan tâm đến phận sự của người và cố gắng tạo thuận tiện cho công việc của người, bằng cách duy trì tinh thần hợp tác trong cộng đoàn.
O.R.A. a. Theo lệ riêng của mỗi Tỉnh Hội, vị Quản Lý trình bày theo định kỳ (một tháng, ba tháng hoặc sáu tháng một lần) chi tiết tình trạng tài chánh của những công việc người làm cho Bề Trên địa phương và Bề Trên Giám Tỉnh. Nếu phải trình báo cáo cho Bản Quyền thì Bề Trên địa phương có phận sự làm việc ấy.
b. Mỗi năm, người trình với các thẩm quyền này và với Hội Đồng nhà, một bản báo cáo về năm vừa qua, kèm cả bản tổng kê. Các Đại Hội Tỉnh Hội, Hội Đồng Tỉnh Hội, Hội Đồng Quản Trị (Board of Trustees) nơi nào có, và các Bản Quyền có thể đòi hỏi một sự kiểm tra chính thức.
c. Theo các tiêu chuẩn được lập trong các Tỉnh Hội, những chi phí có tiếng là bất thường, những sự sửa chữa không do bên thuê chịu, những công việc vượt quá ngân khoản dự trù một cách quá đáng, phải xin ý kiến, nếu xét là nên, của Hội Đồng Quản Trị (nơi nào có), của Hội Đồng Tỉnh Hội và Bản Quyền, tùy theo trường hợp.
d. Trong trường hợp Quản Lý không thường trú, Bề Trên lưu ý đặt một thành viên trong Hội Đồng hoặc một người thường trú khác lo về sinh hoạt hằng ngày trong nhà và đón tiếp khách viếng thăm.
148. Đối với việc quản trị tài sản và chung hết các cơ cấu địa phương, nơi mà một hợp đồng riêng đã can thiệp vào, giữa Bản Quyền và Hội, thì những điều khoản trong hợp đồng có hiệu lực hơn những điều khoản trình bày trong Hiến Pháp và trong các Chỉ thị tổng quát (Phụ Lục III).
NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG (149-151)
149. Bề Trên Tổng Quyền giải thích Hiến Pháp trong những trường hợp nghi ngờ. Nếu sự nghi ngờ vẫn tồn tại, người ta sẽ nại đến Tòa Thánh, là người giải thích trung thực duy nhất Hiến Pháp mà mình đã chẩn nhận.
150. Muốn sửa đổi những Phương Hướng và Quy Luật Thực Hành, hoặc quy luật chung hoặc các chỉ thị được Tổng Công Hội ban bố cho cả toàn Hội, cần phải có một quyết định mới của cấp này. Muốn sửa đổi Hiến Pháp, cần phải có thêm sự chấp thuận của Tòa Thánh.
151. Hiến Pháp là bắt buộc đối với mọi thành viên của Hội căn cứ vào việc họ được thu nhận. Tuy không có sự ổn định như Hiến Pháp, các Phương Hướng và Quy Luật Thực Hành (O.R.A.) cũng bắt buộc đối với các thành viên của Hội.
PHỤ LỤC I
QUY LUẬT VỀ CÁC TỔNG CÔNG HỘI VIỆC BẦU CÁC ĐẠI BIỂU[1]
1. Mỗi Tỉnh Hội có bao nhiêu nhóm đầy đủ hai mươi lăm thành viên đã được nhận vào Hội, thì được bầu bấy nhiêu đại biểu dự Tổng Công Hội.
Tuy nhiên có thể xảy ra là Hội Đồng Trung Ương sẽ giảm con số đó xuống bao nhiêu đơn vị theo sự cần thiết để Tổng Công Hội bao giờ cũng có tối thiểu là hai mươi bốn thành viên được bầu.
Hơn nữa, Hội Đồng Trung Ương sẽ lưu tâm để bảo đảm có một phần tối thiểu đại diện của mỗi Tỉnh Hội.
Các Hội Đồng Tỉnh Hội định đoạt số đại biểu của Tỉnh Hội mình chiếu theo biểu mẫu đó và báo cáo cho Bề Trên Tổng Quyền để được xác nhận, phỏng sáu tháng trước ngày nhóm họp Tổng Công Hội.
2. Mỗi Hội Đồng Tỉnh Hội cũng đồng thời lập danh sách các cử tri và ứng cử viên ở vòng đầu và cũng thông báo, để xác nhận, với Bề Trên Tổng Quyền. Trên danh sách này, các anh em được ghi theo thứ tự thâm niên ở trong Hội, nếu được thu nhận ngang nhau, thì chính sự thâm niên trong chức vụ linh mục, cuối cùng là tuổi tác, sẽ quyết định sự ưu tiên.
Trong mỗi Tỉnh Hội của Hội, có những anh em có thể bị trở ngại chính đáng không thể tham dự Tổng Công Hội. Trước vòng bỏ phiếu thứ nhất nhằm thiết lập những đại biểu tỉnh hội dự một Tổng Công Hội như vậy, những anh em đó sẽ cho Bề Trên Tổng Quyền biết những ngăn trở của mình. Bề Trên Tổng Quyền sẽ cùng xem xét với Bề Trên Giám Tỉnh để phán luận về sự chính đáng của những trở ngại đó.
Bề Trên Tổng Quyền sẽ đích thân thông báo phán quyết của mình cho từng người liên hệ.
Trên danh sách thiết lập để bỏ phiếu, tên của những anh em đó sẽ được ghi với lời chú thích « bị ngăn trở ».
3. Danh sách này gồm có tên và họ của mỗi anh em, năm sinh và lời ghi chú về chức vụ mà người ấy đảm nhận. Các thành viên theo luật của Tổng Công Hội không được ghi tên trên danh sách ứng cử viên.
4. Để bảo đảm cho tính cách đại diện của các đại biểu được tốt đẹp hơn, các thẩm quyền Tỉnh hội có thể thêm một đại biểu cho từng vùng, từng chức vụ hoặc gì khác nữa.
5. Hai vòng đầu sẽ được dự trù cho việc bầu cử này, việc bầu cử sẽ được tổ chức khá sớm để cho tất cả anh em ở những nhà xa xôi có thể tham dự, và để cho các vị đại biểu đã được bầu có thể có thời gian nghiên cứu các vấn đề sẽ được bàn ở Tổng Công Hội.
6. Việc kiểm phiếu sẽ được thực hiện ở Hội Đồng Tỉnh Hội dưới sự chủ tọa của Bề Trên Giám Tỉnh hoặc của người thay thế Ngài. Người ta sẽ mời tham dự, các anh em trong nhà mà việc kiểm phiếu này diễn ra, và, nếu Hội Đồng Tỉnh Hội xét là thích hợp, thì mời cả những người ở các nhà gần đó nhất.
7. Được xếp theo số phiếu đã bầu cho mỗi người, các anh em nào đạt được đa số tuyệt đối ở vòng đầu, thì sẽ được Bề Trên Giám Tỉnh nhìn nhận là đại biểu. Nhưng không thể vượt quá số đại biểu đã được dự trù cho mỗi Tỉnh Hội.
8. Thư Ký Tỉnh Hội sẽ làm, ngay trong buổi họp, một biên bản về cuộc bầu cử và đưa cho chủ tịch buổi họp và những người đảm nhận việc kiểm phiếu ký.
9. Người ta sẽ tổ chức liền sau đó cuộc bầu vòng hai để bổ sung, nếu cần, và dựa vào đa số tương đối của số phiếu, số người đại biểu và số bổ khuyết mà Tỉnh Hội có quyền có.
10. Số người dự khuyết sẽ là phân nửa số đại biểu của Tỉnh Hội. Được xếp theo số phiếu đạt được, những người dự khuyết sẽ thay thế, theo thứ tự này, các vị đại biểu đã được bầu của Tỉnh Hội, mà sau khi được bầu, họ bị trở ngại không thể tới dự Tổng Công Hội, vì một lý do được Bề Trên Tổng Quyền thừa nhận là chính đáng.
11. Đối với việc bầu cử ở vòng hai này, trước tiên cần phải thông báo cho các cử tri biết tên của các vị đại biểu đã được bầu ở vòng một. Người ta cũng sẽ thông báo một danh sách mới gồm các anh em có thể được bầu ở vòng hai.
Danh sách mới các ứng cử viên này, được Hội Đồng Tỉnh Hội lập một cách thận trọng, gồm tên những người mà ở vòng đầu, đạt được số phiếu lớn nhất kế tiếp theo các vị đại biểu đã được bầu. Những ứng cử viên sẽ được ghi danh theo thứ tự tương ứng với số phiếu đạt được ở vòng đầu, và người ta sẽ giới hạn số đó gấp đôi số các vị đại biểu và dự khuyết còn phải bầu.
12. Khi kiểm phiếu, Thư Ký Tỉnh Hội làm một biên bản như ở vòng đầu.
13. Trong cả hai lần bầu này, nếu số phiếu ngang nhau, thì thứ tự ưu tiên đã kể ở trên đây nơi số 2, quyết định cho cuộc bầu cử.
14. Mọi chi tiết kỹ thuật khác liên quan đến việc tổ chức những cuộc bầu cử này đều thuộc các thẩm quyền của mỗi Tỉnh Hội, các thẩm quyền này có thể ghi lại chúng trong các Điều Lệ.
15. Sau khi công việc bầu cử kết thúc, mỗi Bề Trên Giám Tỉnh thông báo kết quả cho Bề Trên Tổng Quyền, cho những người trúng cử và các anh em khác của Tỉnh Hội. Khi mọi kết quả của cuộc bầu cử đã được gởi đến Bề Trên Tổng Quyền. Bề Trên Tổng Quyền sẽ thông báo cho Hội biết thành phần của Tổng Công Hội.
VIỆC CHUẨN BỊ CHO KHÓA HỌP
16. Hội Đồng Trung Ương, tự chính mình hoặc qua các ủy ban, sẽ lưu ý để cho những vấn đề chính yếu cần đề nghị với Tổng Công Hội, trước tiên phải là đối tượng của một sự tham khảo và một sự lưu tâm nghiên cứu của cả toàn Hội.
17. Các thẩm quyền tỉnh hội sẽ lo thành lập, trong Tỉnh Hội của mình, những cơ quan bảo đảm cho một sự tham gia rộng rãi của các anh em vào việc nghiên cứu những vấn đề này.
18. Hơn nữa, mọi thành viên của Tổng Công Hội sẽ có thể yêu cầu để cho một vấn đề nào đó được đưa vào chương trình. Tổng Công Hội có quyền chấp nhận hoặc từ chối lời đề nghị này.
KHÓA HỌP
19. Bề Trên Tổng Quyền, hoặc nếu vắng Ngài, thì Phó Bề Trên chủ tọa Tổng Công Hội. Tổng Công Hội ấn định các phương thức của tiến trình họp.
20. Quyền hạn của bề Trên Tổng Quyền tới hạn mãn nhiệm kỳ, vẫn còn hiệu lực cho đến khi bầu cử xong người kế vị. Sau cuộc bầu này, Người vẫn là thành viên bình thường của Tổng Công Hội trong suốt khóa họp, các thành viên theo luật khác tới hạn mãn nhiệm kỳ cũng vậy.
21. Tổng Công Hội bắt đầu bằng việc kiểm chứng lại quyền hạn của những người tham dự, rồi sau đó bầu phiếu riêng và kín, và dựa vào đa số tương đối trong các thành viên của mình, hai người kiểm phiếu và một thư ký lo việc lập các biên bản.
22. Thư ký Tổng Công Hội nên có một ban thư ký giúp đỡ, các thành viên của ban thư ký này sẽ có thể tham dự vào các buổi họp mà không có quyền hạn gì trong đó. Hơn nữa, Bề Trên Tổng Quyền hoặc Tổng Công Hội sẽ có thể triệu tập, mà không cho họ có quyền bầu cử, Tổng Thư Ký và Tổng Quản Lý, nếu họ đã không là thành viên của Tổng Công Hội, hoặc mời thêm, trong những điều kiện tương tự, những người khác với tư cách là chuyên viên.
23. Bề Trên Tổng Quyền có thể yêu cầu Tổng Công Hội bầu một người nào đó điều khiển các buổi họp thế cho mình.
24. Trước khi tiến hành, nếu cần, việc bầu các thành viên của ban điều hành trung ương, Tổng Công Hội nghe bản báo cáo của Bề Trên Tổng Quyền về tình trạng của Hội và bản báo cáo về vật chất, đã được dự trù ở điều 99 O.R.A. a. của Hiến Pháp. Các bản báo cáo được trình lên Tổng Công Hội, và Tổng Công Hội có thể yêu cầu xác minh thêm và cho những nhận xét (cũng xem điều 79, O.R.A. a.). Bản báo cáo về tài chánh được dự trù ở điều 99 O.R.A. a. phải được trình cho Tổng Công Hội chuẩn nhận.
25. Người ta sẽ không tiến hành ngay từ đầu khóa họp, những cuộc bầu bán nào cần phải được chuẩn bị bằng những trao đổi và bằng sự hiểu biết nhau rõ hơn của các thành viên Tổng Công Hội, như trường hợp những cuộc tuyển cử và những cuộc bầu phiếu để giải quyết dứt điểm những vấn đề khó khăn.
26. Tất cả những cuộc bầu cử đều được thực hiện trong các buổi họp toàn thể của Tổng Công Hội. Bầu bằng phiếu kín, ngoại trừ trường hợp nhất trí bầu bằng cách giơ tay về những vấn đề ít quan trọng. Chỉ có các thành viên có mặt mới tham gia cuộc bầu. Đa số được tính theo số phiếu hợp lệ và phát biểu.
27. Việc bầu các thành viên của ban điều hành trung ương được thực hiện bằng việc bầu riêng cho từng người trong họ. Trước khi bắt đầu những cuộc bầu này người ta sẽ đọc trước Tổng Công Hội các bản văn của Hiến Pháp và Quy Luật xác định những chức vụ này, xác định những điều kiện của việc có thể được bầu và phương thức bầu cử những người thực thụ mang các trách nhiêm này.
28. Đối với việc bầu Bề Trên Tổng Quyền, thông thường người ta chỉ bầu bốn lần trong ngày. Nếu qua tám lần bầu mà không đạt được đa số mong muốn, việc chỉ định lần này, được chuyển giao cho Tòa Thánh mà người ta sẽ chuyển tới bản sao các biên bản về cuộc bầu cử. Trong khi đợi việc chỉ định Bề Trên Tổng Quyền, Tổng Công Hội có thể tiếp tục công việc của mình, nhưng tránh lấy những quyết định dứt khoát.
29. Khi Bề Trên Tổng Quyền được bầu xong, Thư Ký Tổng Công Hội lập một biên bản được vị chủ tịch, những người kiểm phiếu và cả thư ký đều ký vào. Sứ mạng của vị chủ tịch kết thúc tại đó và Tổng Công Hội sẽ được Bề Trên Tổng Quyền mới chủ tọa.
30. Trước khi tiến hành bầu cử các Cố Vấn trung ương, Tổng Công Hội phải phân phối các nhiệm vụ này giữa các Tỉnh Hội hoặc các nhóm mà Tổng Công Hội sẽ xác định. Sau đó các Cố Vấn được bầu riêng cho từng nhiệm sở đã được dự liệu như thế.
Để soi sáng cho Tổng Công Hội trong sự lựa chọn của mình, người ta sẽ yêu cầu các đại diện cho mỗi Tỉnh Hội hoặc mỗi nhóm làm một cuộc bầu chỉ dẫn, bằng cách đề nghị hai ứng cử viên cho một trong những nhiệm sở đã được phân bố cho Tỉnh Hội hoặc nhóm của họ.
31. Trong việc bầu các Cố Vấn, nếu đa số tuyệt đối không đạt được ở vòng đầu cũng như ở vòng hai của cuộc bầu cử, người ta sẽ bầu một vòng thứ ba trong đó đa số tương đối được xem là đủ. Nếu ở vòng thứ ba, số phiếu lại ngang nhau, thì việc đắc cử sẽ được xác định trước tiên bằng sự thâm niên trong Hội, sau đó là chức linh mục, sau cùng là tuổi tác.
32. Khi bầu các Cố Vấn xong, các vòng bầu bổ sung sẽ định đoạt thứ tự của họ giữa Hội Đồng trung ương. Người ta sẽ đòi hỏi đa số tuyệt đối trong việc bầu vị Cố Vấn thứ nhất, đối với những người khác, sau một vòng đòi hỏi đa số tuyệt đối, thì đa số tương đối sẽ được xem là đủ.
33. Bề Trên Tổng Quyền có phận sự thông báo chính thức cho cả toàn Hội biết kết quả của Tổng Công Hội. Trừ phi có quyết định ngược lại, các thành viên của Tổng Công Hội có thể chia sẻ cho các anh em biết những nét chính và những phương hướng của các công việc khác nhau. Họ sẽ giữ bí mật về những gì liên quan đến việc bầu cử, kết quả sau cùng là điều duy nhất có thể thông báo. Phần còn lại, họ sẽ giữ sự dè dặt mà người ta mong đợi nơi một vị linh mục ý thức về trách nhiệm của mình.
PHỤ LỤC II
GHI CHÚ THỰC HÀNH VỀ VIỆC THĂM VIẾNG (các số 1-12)
1. Để bảo đảm cho các thành viên và các cộng đoàn của Hội chu toàn sứ mạng được giao phó một cách tốt đẹp hơn, cũng như để có một sự liên kết tốt hơn các nỗ lực và nghiên cứu. Bề Trên Tổng Quyền và các Bề Trên Giám Tỉnh sẽ thăm viếng định kỳ các anh em và các cộng đoàn.
Tính chất riêng và tầm cỡ đặc biệt của những cuộc viếng thăm của Bề Trên Tổng Quyền và các Bề Trên Giám Tỉnh được xác định tùy theo vai trò riêng của mỗi Bề Trên, như đã được hoạch định trong Hiến Pháp (x. điều 86, 87,88 và 115, 116, 117).
2. Để bảo đảm tối ưu cho sự bổ túc các vai Trò ấy trong sự tôn trọng sự khác biệt của chúng, các cuộc thăm viếng sẽ được bố trí giữa Bề Trên Tổng Quyền và các Bề Trên Giám tỉnh. Tùy theo các trường hợp mà cuộc thăm viếng sẽ được hướng nhiều hơn về những con người hoặc về đời sống và các phương hướng của cộng đoàn. Bề Trên Tổng Quyền sẽ gặp tại mỗi Tỉnh Hội các thành viên của Hội Đồng Tỉnh Hội và bàn bạc với họ về tình trạng và các phương hướng của Tỉnh Hội.
3. Để cho những cuộc viếng thăm này có tác dụng, chúng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị :
– về phía các cộng đoàn hoặc những cá nhân được thăm viếng để làm sáng tỏ tình thế và nhắm đến những sự thay đổi cần có.
– về phía các thẩm quyền, họ cần phải được thông tin chính xác về tất cả những yếu tố này.
4. Cuộc viếng thăm của Bề Trên Tổng Quyền phải được thực hiện ít nhất sáu năm một lần ; của Bề Trên Giám Tỉnh ít nhất ba năm một lần.
5. Tất cả những cuộc viếng thăm của một Bề Trên, Bề Trên Tổng Quyền hoặc Bề Trên Giám Tỉnh, sẽ thường được kèm theo một cuộc gặp gỡ với Bản Quyền hoặc Giám Hạt (hoặc các Bản Quyền) mà các cộng đoàn hoặc những người liên hệ trực thuộc vào.
6. Trong các chủng viện, Vị đến thăm sẽ gặp riêng từng giáo sư nội trú và ngoại trú và sẽ tiếp xúc với các chủng sinh. Trong các cộng đoàn khác, người ta cũng sẽ cố gắng thi hành một cách tương tự như vậy. Vị đến thăm, nhất là trong trường hợp của Bề Trên Giám Tỉnh, sẽ gặp các anh em đang sống ngoài các nhà của Hội.
7. Những sự sửa đổi mà Vị đến thăm cho là thích hợp, chỉ được thực hiện với sự đồng ý của Bản Quyền (nếu sự đồng ý này là cần thiết) và của Hội Đồng Tỉnh Hội, theo như quyền hạn đã được ấn định trong Hiến Pháp (điều 107). Kết thúc cuộc thăm viếng, một bản báo cáo sẽ được thiết lập và lưu giữ vừa trong sổ bộ của địa phương, vừa trong công hàm của Tỉnh Hội. Chính dựa trên bản báo cáo đó mà Hội Đồng Tỉnh Hội, nếu cần cùng bàn định với Bề Trên Tổng Quyền, sẽ lấy những quyết định xét là cần thiết.
8. Khi Bề Trên Tổng Quyền thăm viếng, Người có thể để cho các thẩm quyền của mỗi Tỉnh Hội quyền kiểm soát ngân sách của những nhà riêng biệt. Tuy vậy, người sẽ xem xét bản tổng kê và ngân sách của mỗi ban quản trị của Tỉnh Hội trong tổng thể.
9. Nếu Bề Trên tổng Quyền hoặc Giám Tỉnh không tự mình đi thăm viếng, Người sẽ gởi đến để làm thay cho mình, một Cố Vấn hoặc một anh em khác đã được Hội Đồng chọn, và có thể cho một người bạn đi kèm. Vị này sẽ thi hành đúng như các chỉ dẫn đã nhận lãnh, và sẽ báo cáo lại với vị Bề Trên đã gởi mình đến đại diện. Trong trường hợp khẩn cấp, Người có thể đề nghị với Hội Đồng Tỉnh Hội hoặc địa phương một giải pháp tạm thời. Người sẽ chủ tọa các Đại Hội địa phương mà Người sẽ triệu tập để thăm viếng. Nếu Bề Trên Tổng Quyền hoặc Bề Trên Giám Tỉnh muốn, Người có thể mang theo một thành viên thuộc Hội Đồng của mình.
10. Các Cố Vấn cần phải biết các nhà và các cộng đoàn dù là ở xa, và người ta phải để cho họ có cơ hội đến thăm vài ngày. Những cuộc viếng thăm này, trừ khi có một sứ vụ đặc biệt, sẽ mang tính cách một cuộc viếng thăm huynh đệ và thông tin.
11. Chi phí của cuộc viếng thăm thường là do các nhà được viếng thăm phải chịu, cùng với khả năng chia đều trong nội bộ mỗi Tỉnh Hội.
12. Về phần các chủng viện của Hội, Bề Trên Tổng Quyền sẽ đều đặn trình lên Thánh Bộ Rôma trực thuộc những báo cáo liên quan đến những kết luận về các cuộc thăm viếng của mình.
PHỤ LỤC III
CHỈ THỊ DÀNH CHO VIỆC QUẢN TRỊ TÀI SẢN ĐỊA PHƯƠNG (các số 1-21)
1. Trong những tài sản được giao cho các cơ quan khác nhau của Hội và được họ quản lý (Quản lý ở nhiều cấp độ, chi phí về y phục, quỹ hưu trí v.v.) tài sản này dành cho đời sống anh em, tài sản kia dành cho vịêc chu toàn một sứ mạng trong Giáo Hội. Rõ ràng là các thành viên của Hội không có quyền hành gì riêng tư trên loại thứ hai này.
2. Mọi động sản và bất động sản, được gắn liền bằng bất cứ cách nào với cộng đoàn địa phương, phải được đặt dưới cự kiểm soát thường xuyên của các thẩm quyền mà tài sản của cộng đoàn này lệ thuộc.
3. Trong việc quản trị các công việc vật chất, mỗi nhà phải ý thức đến lợi ích chung và sử dụng các phương pháp đã được thử nghiệm. Các thẩm quyền tỉnh hội có thể tham khảo về vấn đề này với những người có sở trường, và cho tiến hành một cuộc kiểm tra hằng năm.
4. Không bỏ qua việc dự trù cho tương lai bằng việc thiết lập những dự trữ cần thiết, người ta sẽ tránh việc thu tích của cải vật chất, bằng cách sống giản dị và siêu thoát, và chu toàn cẩn thận những bó buộc về công bằng và bác ái.
5. Trước mỗi cuối năm, đồng ý với Bề Trên địa phương và với sự cộng tác của những người trách nhiệm về các ban ngành, vị Quản Lý lập những dự đoán ngân sách về việc quản trị của mình cho công việc kế tiếp và đề nghị Hội Đồng trong nhà cho ý kiến. Sau đó người đệ trình lên để xin sự chấp thuận của các thẩm quyền mà tài sản của ngôi nhà trực thuộc.
6. Trong việc xem xét ngân sách, thì Hội Đồng, nhất là trong các chủng viện, sẽ đặc biệt chú ý đến những yêu cầu của các vị đặc trách về thư viện và về các phương tiện văn hóa khác.
7. Quản Lý giữ sổ sách chính xác và chi tiết về tất cả các công việc của mình, chiếu theo những điều lệ do các thẩm quyền tỉnh hội hoặc giáo phận thiết lập. Người sẽ giữ cẩn thận những giấy tờ chứng minh (hóa đơn, cuống chi phiếu, và những biên nhận khác) ít nhất là trong thời gian được luật dân sự ấn định.
8. Nếu Quản Lý phải lo về quỹ gọi là « Chi phí về y phục », người phải giữ một tài khoản riêng, khác với tài khoản của nhà.
9. Quản Lý lưu ý tới các công trình phải thực hiện, đến việc trả công và những chi phí khác ; người là người duy nhất có thể mua sắm nhân danh nhà.
10. Người phải lo làm theo những điều quy định của luật dân sự liên quan đến vệ sinh, phòng cháy, thuế má, v.v
11. Quản Lý cần phải lưu ý để cho nhà (động sản và bất động sản, xe cộ, người) được bảo hiểm thích đáng trước những mối hiểm nguy khác nhau.
12. Tất cả các anh em, đặc biệt hơn là vị Quản Lý, phải lưu tâm đến sự tôn trọng các bó buộc về công bình và bác ái, cũng như việc giữ các luật dân sự về những gì liên quan đến tiền lương và nhà ở của nhân viên, tiền hưu, săn sóc y tế, bảo hiểm xã hội, nghỉ phép.
13. Quản Lý đặc biệt có trách nhiệm về các nhân viên trong nhà. Nhất là người phải bảo đảm cho họ chu toàn các bổn phận tôn giáo, với lòng tôn trọng lớn lao về sự tự do lương tâm của họ.
14. Những điểm khác nhau này cũng có giá trị đối với các nữ tu lo việc phục vụ trong nhà. Chúng sẽ được xác định, cũng như những điều liên quan đến bậc sống của họ, trong một hợp đồng thực hiện với Nhà Dòng của họ. Hợp đồng này trước đó đã được trình lên Hội Đồng Tỉnh Hội.
15. Trong các nhà mà Quản Lý là một giáo dân, thì người ta có thể cho thêm một linh mục là thành viên của Hội Đồng địa phương, linh mục này sẽ trách nhiệm đặc biệt hơn về những mối quan hệ giữa ban quản lý với các anh em và các gia đình học sinh hoặc sinh viên. Người sẽ đảm nhận việc thắt chặt chức vụ vào quyền hạn của Hội Đồng.
16. Việc chấp nhận các tặng dữ với danh nghĩa hữu thường, ngân quỹ để làm lễ hoặc vì những mục tiêu giáo dục, bác ái hay đạo đức, việc gởi và bán các vật đáng giá, việc chuyển nhượng bất động sản, đồ vật nghệ thuật hoặc có giá trị, cũng như việc vay mượn, chỉ có thể được thực hiện với sự chuẩn nhận trước đó của Hội Đồng Tỉnh Hội hoặc của Bản Quyền, chiếu theo những điều Giáo Luật đã ấn định, và tính đến cả luật dân sự. Tuy vậy, những công việc cần thiết về điều hành và đổi mới những sự vay mượn hoặc chứng khoán, dưới sự kiểm tra thường niên của các thẩm quyền nói trên, thì được phép.
17. Cần phải có thêm ý kiến của Hội Đồng nhà để vay mượn, chuyển nhượng và gởi gắm, như đã nói trên.
18. Các thẩm quyền tỉnh hội có thể xét thấy là đúng để giao việc quản trị một vài tài sản có đặc tính riêng cho một ban quản lý đặc biệt và yêu cầu có một bản báo cáo thường niên về việc quản tri này. Nếu không phải là tài sản riêng của Hội, thì các thẩm quyền tỉnh hội chỉ được thực hiện với sự đồng ý của Bản Quyền. Việc quản trị của Ban Quản lý này phải được giao phó cho nhiều anh em.
19. Phải có một sự thỏa thuận rõ ràng với thẩm quyền giám mục về vấn đề quà biếu mà người ta có thể nhận, hoặc bằng việc biếu tặng giữa những người đang sống, hoặc bằng việc thừa kế. Sự thỏa thuận, trước tiên là để tôn trọng ý muốn của những người cho, sẽ xác định những hoàn cảnh qua đó một tặng phẩm sẽ thuộc riêng một nhà nào hoặc về Giáo phận (như một cơ sở để giáo dục các giáo sĩ của một giáo phận) hoặc là thuộc về Hội, hoặc về chung cả Tỉnh Hội, hoặc của một vùng riêng biệt.
20. Trong khi tôn trọng ý muốn của người cho đã hiến tài sản cho một nhà hoặc một công trình, những cộng đoàn nào có tình trạng tài chánh tốt hơn phải giúp đỡ những cộng đoàn nào có tình trạng kém thuận lợi. Cũng vậy, các nhà và các anh em phải chu cấp cho các chi phí về điều hành các Tỉnh Hội chiếu theo các điều lệ của Đại Hội Tỉnh Hội hoặc, nếu không có, thì của Hội Đồng Tỉnh Hội.
21. Cách chung, Hội Đồng địa phương chịu trách nhiệm về đời sống bình thường của nhà. Quản Lý phải cho Hội Đồng biết về sự quản trị của mình, đặc biệt nếu người nhìn thấy trước, suốt trong năm, về những khó khăn trong việc thực hiện ngân sách đã dự trù, hoặc nếu cần phải có những sửa đổi với sự đồng ý của các thẩm quyền cao hơn (xem phần trước, số 5). Về phía mình, Hội Đồng địa phương, tuy không xâm phạm vào lãnh vực riêng của Quản Lý, sẽ có thể bày tỏ sự quan tâm của mình đến việc quản trị vật chất của nhà, bằng những sự gọi ý hoặc sự nhận xét xây dựng.
TRÍCH DẪN[2]
Bề Trên địa phương : 71 ; 128 ; 130 ; 134, O.R.A. a ; 138-146.
Bề Trên Giám Tỉnh : 101-102 ; 104 ; 107 ; 114-118 ; phụ lục II, 5-9.
Bề Trên Tổng Quyền : 73-75 ; 77 ; 81 ; 85-92 ; phụ lục I, rải rắc ; phụ lục II, 4-9.
Bí tích : 33 ; 36.
Chức thánh (gọi lên) : xem Đề nghị lên Chức thánh
Chúc thư : 45, O.R.A. c.
Chủng sinh ( trách nhiệm của) : 17, 2 ; 136.
Chủng sinh (sống với) : xem Cộng đồng giáo dục.
Chủng viện : 17-26 ; 110, 9 O.R.A. ; 135 ; 139 ; phụ lục III 6 và rải rắc.
Cơ cấu (trung ương) : Dẫn nhập Phần III, 69 ; 72.
Cố Vấn Tỉnh hội : 120-121 ; phụ lục II, 9-10.
Cố Vấn Trung ương : 93-94 ; phụ lục I, 30-32 ; II, 9-10.
Cộng đồng của cải vật chất : 45.
Cộng đồng giáo dục : 14, 1-2 ; 17, 2 ; 24-25.
Cộng đồng ở xa : 3 ; 49, O.R.A. b ; 57, O.R.A. b ; 62 ; O.R.A. b ; 83, 8 ; 113 ; phụ lục I, 5 ; II, 10 ; III, 20.
Của cải cá nhân : 42-45.
Của cải vật chất : xem Quản trị.
Đại Diện Tỉnh hội : 125.
Đại Hội Tỉnh Hội : 70 ; 101-106.
Đào tạo (vị đặc trách) : 67-68 ; 122.
Đào tạo các linh mục khác : 27.
Đào tạo các thành viên (tổng quát) : 50 ; 61-62 ; (riêng biệt) : 63-65.
Đào tạo các ứng sinh linh mục : 10-22 ; 24-26.
Đào tạo thường xuyên các thành viên : 66.
Đau yếu : 57.
Dây liên kết các thành viên : 4-5 ; 7-8 ; 40.
Độc thân : 41.
Đổi mới (« Tu nghiệp ») : trí thức : 66 ;
thiêng liêng ; 40 O.R.A. a, b.
Đời sống thiêng liêng (của các thành viên) : dẫn nhập Phần 2 ; 32-46.
Đối thoại (các cơ cấu) : 127, 2-3.
Động cơ thúc đẩy : 47-48.
Đóng góp : 111, O.R.A. b.
Đức Maria : 34.
Giám Mục : 2 ; 5 ; 9 ; 46 ; 51 ; 54, O.R.A. a, b ; 110, 8 và O.R.A. 111;115; 136, O.R.A. ; 137 ; 139 ; 146 ; 147, O.R.A. a, b, c ; 148 ; phụ lục II, 57 ; III, 18, 19. Xem Giáo phận.
Giảng dậy : 18 đến 23 ; 49, O.R.A. a.
Giáo phận (các liên hệ với) : 6 ; 24 ; 26. Xem Giám Mục.
Giáo phận (thuộc về một) : 1 ; 4 ; 55.
Giáo sư xem Giảng dậy.
Giới thiệu chịu chức : 135-136.
Gọi tiến Chức : xem Giới thiệu.
Hành động tập thể : 14-15 ; 17, 1 ; xem Hội Đồng.
Hiến Pháp : 78 ; 149-151.
Hòa giải (ủy ban) : 126.
Học viện Đào tạo : 62, O.R.A. a.
Hội Đồng địa phương : 51, O.R.A. b ; 71 ; 128 đến 134 ; phụ lục III, 5, 6, 16, 21.
Hội Đồng Giám Mục : 3, O.R.A.; 83, O.R.A. 5.
Hội Đồng Tỉnh hội : 51 ; 52, 2-3-5 ; 54 ; 60, O.R.A. b ; 70 ; 107-113 ; phụ lục I, 1-16.
Hội Đồng Trung ương : 69 ; 81-84.
Khả năng : 16 ; 49.
Khó nghèo : 42-45.
Khoa Tâm thần – Khoa Tâm lý : 17, O.R.A. e.
Linh hướng : 17, 1, O.R.A. c-f ; 18 ; 25, O.R.A. ; 49, O.R.A. a.
Linh mục đoàn (tháp nhập vào) : 5-6 ; 16 ; 26 ; 139.
Lớn tuổi (anh em) : 57.
Nguyện gẫm : 34.
Nhập tịch : xem Giáo phận.
Nhiệm vụ bên cạnh các ứng sinh linh mục : 10-25.
Nhiệm vụ đào tạo thường xuyên : 27.
Nhiệm vụ khác : 7-8 ; 28-31 ; 110,4.
Nhiệm vụ tại giáo xứ : 29.
Nhiệm vụ: tổng quát : 6-7.
Ơn gọi linh mục : 11-13.
Ơn gọi Xuân Bích : 1-4 ; 47-49.
Phó Bề Trên (địa phương) :140.
Phó Bề Trên (Tổng Quyền) : 91-92.
Phương pháp giảng dậy : 22.
Qua đời (anh em) : 58.
Quản Lý : trung ương : 95 ; 98-99 ;
tỉnh hội : 122-123 ;
địa phương : 145-147 ; phụ lục III, và rải rắc.
Quản trị vật chất : trung ương : 98-99 ; 124 ;
tỉnh hội : 123-124 ;
địa phương : 145-148 ; phụ lục III.
Ra đi (khỏi Hội) : 59 ; 60, O.R.A. b.
Sám hối (bí tích) : 17, O.R.A. f ; 37.
Sứ mạng của Hội : lời mở đầu Phần I ; 1-3 ; 6 ; 10-12 ; 14.
Thải hồi : 60 ; 110, 6.
Thăm viếng : 88 ; 117 ; phụ lục II.
Thánh hóa : xem Đời sống thiêng liêng.
Thống nhất (giữa các thành viên) : 39.
Thống nhất (về đào tạo) : 17, 2 O.R.A. b ; 24-25.
Thống nhất (về đời sống) : 61.
Thống nhất (về giảng dậy) : 22, O.R.A. b.
Thư Ký Hội Đồng địa phương : 130, O.R.A. a.
Thư Ký Tỉnh hội : 123.
Thu nhận : tạm thời : 52 ;
vĩnh viễn : 53-54.
Thư viện : phụ lục III, 6.
Tỉnh Hội : 70 ; 76 ; 78 ; 100 ; phụ lục I, 17. Xem : Quản trị, Đại Hội, Cố Vấn, Quản Lý, Bề Trên, Thăm viếng.
Tĩnh tâm thiêng liêng : 40 ; 63 ; 65 O.R.A. a.
Tòa Thánh : 1 ; 5 ; 96 ; 149-150.
Tổng Công Hội : 16 ; 69 ; 73-80 ; phụ lục I.
Tổng Đại Diện : 96.
Tổng Thư Ký : 97.
Truyền giáo (xứ) : xem Cộng đồng ở xa.
Tuyển sinh : 56.
Vâng lời : 46.
Xuất bản những công trình : 23.
Ghi chú :
Bản văn được Thánh Bộ các Viện đời sống thánh hiến và Hiệp hội đời sống tông đồ phê chuẩn và xác nhận, là bản văn các Lời Mở Đầu và các điều khoản. Việc chuẩn nhận không bao gồm các O.R.A. và các phần Phụ Lục.
Bản văn được chuẩn nhận không thể được sửa đổi mà không có sự chấp thuận của Thánh Bộ các Viện đời sống thánh hiến và Hiệp hội đời sống tông đồ. Ngược lại, các O.R.A. và các phần Phụ Lục có thể được sửa đổi bởi một Tổng Công Hội.
Tiếp theo các khoản và các O.R.A., là các trích dẫn của Cha J.J. Olier rải rắc đó đây. Những bản văn này, được trình bày bằng chữ nghiêng và in thụt vào, không thuộc vào Hiến Pháp, nhưng cho phép hiểu Hiến Pháp hơn dưới ánh sáng của những trực giác lớn, đã có từ buổi sơ khai của Hội Xuân Bích.
Bản dịch của Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.
[1] Quy luật này cũng được dùng cho các Đại Hội Tỉnh Hội, trừ khi đã có quyết định khác rồi (x. điều 104 và O.R.A)
[2] Các số chỉ tới các điều khoản liên hệ.