PHÉP RỬA (LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA) + SLIDESHOW

Written by xbvn on Tháng Một 8th, 2013. Posted in Lm. Trần Việt Hùng, Năm C, Slideshows

Trong vòng vài tuần lễ vừa qua, Giáo Hội cử hành nhiều Lễ Mừng. Mùa Vọng mời gọi chúng ta sám hối và chuẩn bị tâm hồn đón Chúa giáng trần. Mùa Giáng Sinh đã qua. Chúa đã tỏ mình ra cho các mục đồng nơi máng cỏ. Rồi các nhà Đạo Sĩ từ phương xa đã đến tôn kính, bái thờ và dâng lễ vật cho Chúa Hài Nhi. Giáo Hội kết thúc Mùa Giáng Sinh với Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa bởi ông Gioan Tẩy Giả tại sông Giôđan. Nguồn gốc lễ này vào những thế kỷ đầu được cử hành đồng thời với Lễ Hiển Linh. Khi Chúa Giêsu bắt đầu công khai ra giảng đạo và chính thức thi hành sứ mệnh cứu độ, Chúa đã nhập hàng với đoàn dân để nhận phép rửa của Gioan. Phép rửa của Gioan không xóa tội lỗi nhưng là một nghi thức sám hối. Phép rửa là dấu chỉ một sự hối lỗi quay đầu. Biết mình là một bước khởi đầu tu thân. Chúa Giêsu hòa nhập giữa đám đông trong tình liên đới thân phận để từ đó dẫn dắt mọi người ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi.

Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri Isaia để loan báo cho toàn dân: “Ta là Thiên Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước (Is 42, 6). Isaia truyền đạt một sứ mệnh được ẩn tàng nơi Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài là ánh sáng tỏa chiếu trong đêm tối và soi dọi đường nẻo công chính. Isaia đã giới thiệu Ngài cho toàn dân qua Bài ca Thứ Nhất nói về Người Tôi Trung hiền lành và tín trung: Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý (Is 42, 3). Những lời tiên báo này từ từ được tỏ hiện một cách rõ ràng nơi một con người. Người Tôi Trung chính là Chúa Giêsu Kitô sẽ hoàn tất mọi việc để ứng nghiệm các lời tiên tri công bố về Ngài.

Nhìn lại, Giáng Sinh tại quê nhà Việt Nam rất vui, hầu như mọi người cả Lương lẫn Giáo đều nao nức tham dự ngày Sinh Nhật Chúa. Mọi giáo dân tuôn về các Nhà Thờ hân hoan tham dự Lễ Vọng Giáng Sinh và Lễ Giáng Sinh. Trong khi tại các xứ đạo đa văn hóa ở nước ngoài, Mùa Vọng nhiều người chuẩn bị khá rộn ràng để đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, nhưng chính ngày Lễ Mừng, số người tham dự xem ra rất khiêm tốn. Nhìn chung thấy rằng người ta dành nhiều thời gian cho các sinh hoạt khác như đi mua sắm, tiệc tùng, thưởng ngắm phố chợ và rong chơi. Một số nhóm dân tộc thuộc truyền thống của Nam Mỹ không chú tâm nhiều vào ngày lễ Giáng Sinh, nhưng tâm tình hướng đến việc cử hành Lễ Hiển Linh. Chúng ta biết Chúa đến ban bình an và niềm vui ơn cứu độ cho nhân loại. Niềm vui được lan tỏa khắp nơi tới mọi tâm hồn. Chúng ta không thể giới hạn niềm hoan lạc trong một khoảng thời khắc hay nơi chốn nào. Mỗi người sẽ nhận lãnh niềm vui an lạc trong những hoàn cảnh khác nhau suốt Mùa Giáng Sinh. Điều quan trọng là mỗi người hãy mở lòng đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

Con người sống trong thế giới này có quá nhiều khác biệt về niềm tin, tín ngưỡng, văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống dân tộc và ý thức hệ. Chúng ta không cần phải tranh cãi hay biện luận về cách thế Chúa giáng sinh, nhưng hãy sống tinh thần của Đấng đã hóa thân làm người. Hãy ngắm nhìn những tượng Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ với hai bàn tay giơ lên. Hình ảnh thật đẹp! Chúa muốn mở rộng bàn tay đón nhận các tâm hồn về với Chúa. Một tâm tình khác, Chúa Hài Nhi cũng giống như các trẻ thơ khác là muốn được ẵm bế. Chúa giơ tay muốn được Mẹ ẵm vào lòng. Chúa hạ sinh như một bé thơ để cùng chia sẻ sự yếu ớt, khó nghèo, khiêm hạ và mời gọi yêu thương đáp trả. Chúa muốn chúng ta ẵm Chúa như ôm ấp những kẻ bé mọn, cô đơn, mồ côi, tàn tật, khổ đau, nghèo đói và bất hạnh. Chính Chúa Giêsu đã khuyên dạy: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”(Mt 25, 45).

Khoảng năm 30 tuổi, ông Gioan xuất hiện công khai kêu gọi mọi người hãy chuẩn bị tâm hồn đón Chúa. Nhiều người chạy đến với Gioan và xin vấn kế: Chúng tôi phải làm gì bây giờ? Gioan đã chỉ dạy họ thay đổi cách sống và thực hành phép rửa sám hối. Bấy giờ chưa có người nào nhận biết Chúa Giêsu là ai? Ông Gioan thi hành sứ vụ của mình là vị tiền hô của Chúa. Ông không tìm vinh quang cho riêng mình, nhưng tập trung chuẩn bị tâm hồn mọi người đón Đấng cứu tinh. Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa (Lc 3, 16). Chính Chúa Giêsu đã nhập đoàn với dân người đến với Gioan xin nhận phép rửa.

Thánh Luca giới thiệu về sứ vụ của Chúa Kitô sau phép rửa sám hối. Sự tác động rất quan trọng của Ba Ngôi Thiên Chúa trong biến cố này. Ngôi Cha chứng dám qua Lời từ trời cao, Ngôi Thánh Thần thánh hóa và Ngôi Con thi hành sứ vụ. Thánh sử Luca viết: Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con (Lc 3, 21-22). Đấng Cứu Thế đã đến và mang thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Sau khi nhận phép rửa bởi ông Gioan, Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mệnh rao giảng về Nước Trời.

Chúa Giêsu đã dùng các dụ ngôn và nhiều cách thế đơn sơ để mặc khải về chân lý Nước Trời. Lời của Chúa là lời hằng sống có uy quyền biến đổi tâm can của con người. Ngài mở cửa đón nhận mọi tâm hồn và không loại trừ một dòng dõi dân tộc nào. Thánh Luca đã diễn tả trong sách Tông Đồ Công Vụ: Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận (Tđcv 10, 35). Cửa Nước Trời đã được mở ra cho những ai có thiện tâm tìm kiếm. Giáo Hội tiếp nhận mọi thành phần đa dạng của tất cả các nền văn hóa, tín ngưỡng và chủng tộc. Qui tụ mọi người chung trong một niềm tin vào Chúa Kitô và một niềm hy vọng ngày sau sẽ được chung hưởng sự sống muôn đời.

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng nhắc nhớ đến Phép Rửa Tội của mỗi người chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã rửa sạch tâm hồn chúng ta trong nước và Thánh Thần. Chúng ta được trở nên thụ tạo mới và được trở thành con cái của Thiên Chúa. Hạt giống niềm tin được gieo vào lòng, việc xức dầu thánh đã in ghi dấu ấn trong tâm hồn, áo trắng tinh sạch được phủ trùm và ánh sáng của Chúa Kitô được gởi gắm cho những vị đỡ đầu chăm nom. Chúng ta nên ghi nhớ ngày đã được sinh lại làm con Chúa và con Hội Thánh qua Bí tích Rửa Tội. Chúng ta đã được tháp nhập vào nhiệm thể Chúa Kitô. Ngài là đầu và chúng ta là chi thể của Ngài. Liên kết với Chúa Kitô, mỗi người có bổn phận làm cho hạt giống của sự sống đời đời nẩy sinh hoa trái ngay trong cuộc sống này.

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã bước xuống và cúi đầu nhận phép rửa của thánh Gioan, xin cho chúng con biết khiêm hạ nhận thân phận tội lỗi yếu hèn, để xin ơn sám hối. Sám hối là biết mình. Biết mình là khởi đầu bước tiến tới sự trọn lành.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.

(Is 42, 1-4.6-7; Tđcv 10, 34-38; Lc 3, 15-16.21-22).

———————-

Tải slideshow vào link dưới đây (kích chuột phải, rồi chon Save target as):

Le Chua GCPR C

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30