« FRATELLI TUTTI », NHỮNG GIẤC MƠ VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ CỦA MỘT VỊ GIÁO HOÀNG LO LẮNG CHO THẾ GIỚI

Written by xbvn on Tháng Mười 5th, 2020. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

Với thông điệp “Fratelli Tutti” (« Tất cả đều là anh em »), Đức Phanxicô đã ký một “thông điệp xã hội” trong đó ngài đào sâu các chủ đề được khai triển từ khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Tất cả chủ đề này đều dựa trên nền móng « tình huynh đệ ».

Làm thế nào trả lại ý nghĩa đích thực cho từ ngữ « tình huynh đệ ». Phải chăng khái niệm này xem ra cũ kỹ ? Và làm thế nào để nó không phải là một từ vô ích ? Đó là những câu hỏi mà Đức Phanxicô sẽ trả lời trong thông điệp « Fratelli Tutti », được công bố hôm 4/10/2020. Còn hơn cả một thông điệp chương trình, đó chính là việc đào sâu tư tưởng mà  Đức Phanxicô đề nghị ở đây, 5 năm sau thông điệp Laudato Si’, bàn về môi trường sinh thái. 5 năm sau, Đức Phanxicô đã cho ra đời một « thông điệp xã hội » thực sự, mà  còn hơn cả « sự đóng góp khiêm tốn vào việc suy tư » về tình trạng thế giới ngày nay mà Đức Phanxicô gợi lên.

Nhưng trước khi gợi ra những đường nét suy tư, Đức Phanxicô đã dành thời gian mô tả một tình trạng thế giới rộng lớn đầy những bóng tối. « Fratelli Tutti » cho thấy một « thế giới khép kín » đầy « những bóng tối » gây lo ngại. Và việc chẩn đoán đôi khi là rất nghiêm khắc. Sau một thời gian yên bình trong nhiều thập niên, nhiều vùng trên thế giới, trong đó có Châu Mỹ Latinh và Châu Âu, « lịch sử đang cho thấy những dấu thụt lùi ». Nổi lên những cuộc xung đột, những mối hận thù, những chia rẽ giữa các dân tộc ; sự nổi lên của « chủ nghĩa dân túy không lành mạnh » và chủ nghĩa dân tộc/quốc gia, những đoạn tuyệt giữa các thế hệ, sự bất bình đẳng giữa người nam và người nữ, cơn sốt chủ nghĩa tiêu thụ, bạo lực bằng ngôn từ trên các mạng xã hội, sự dửng dưng đối với những người yếu thế nhất…bao nhiêu dấu hiệu được Đức Phanxicô nhấn mạnh. Không nói về đại dịch covid-19, vốn đã được thôi thúc trong một bản văn mà việc soạn thảo đã từng bắt đầu rồi, nhưng xem ra đã xác nhận những trực giác của Đức Phanxicô về sự cấp bách của tình huynh đệ.

Trong suốt văn kiện này, Đức Phanxicô khơi lên những khái niệm được ngài nhấn mạnh từ khởi đầu triều đại giáo hoàng của mình, như « nền văn hóa vứt bỏ » hay xác tín rằng thế giới đang trải qua « một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba phân mảnh »… Ngài cũng không bỏ qua một số Kitô hữu, mà ngài khiển trách như đã thêm vào sự khốn khổ của thế giới, chẳng hạn khi xem người di dân như là bất xứng để được đón tiếp. Ngài viết : « Không thể chấp nhận được rằng các Kitô hữu chia sẻ những não trạng và thái độ này, mà đôi khi làm cho một số sở thích chính trị chiếm ưu thế trên những xác tín sâu xa của niềm tin của mình ».

« Tình huynh đệ có điều gì đó tích cực mang lại cho sự tự do và sự bình đẳng »

Thế nhưng, Đức Phanxicô nhấn mạnh, sự ghi nhận này về tình trạng của thế giới không được làm mất đi niềm hy vọng. Nhiều lần ngài cho thấy người ta có thể « mơ » về một tình huynh đệ phổ quát. Chính nhân danh tình huynh đệ này mà Chúa Giêsu « khuyến cáo chúng ta để sang một bên tất cả những sự khác biệt và, đối diện với sự đau khổ, trở nên gần gũi với mọi người ». Thực ra, trong suốt thông điệp của mình, Đức Phanxicô cho thấy những chiều kích khác nhau của tình huynh đệ, một khái niệm chủ chốt của triều giáo hoàng của ngài. Không phải là không đề cập đến khẩu hiệu của nước Pháp (Tự do-Bình đẳng-Huynh đệ), ngài nói : « Tình huynh đệ có điều gì đó tích cực mang lại cho sự tự do và sự bình đẳng ». Nối kết với tình huynh đệ, Đức Phanxicô thêm vào điều mà ngài gọi là « tình bạn xã hội », một khái niệm do ngài đưa ra vào đầu những năm 2000 khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires. Ngài viết trong thông điệp : « Khi nó là đích thực, thì tình bạn xã hội này trong một cộng đồng là điều kiện khả thi cho một sự mở ra phổ quát thực sự».

Tình huynh đệ, theo Đức Phanxicô, trước tiên có những ngụ ý kinh tế. Ngài nhắc lại sự tồn tại của nguyên tắc « mục đích chung của của cải », một nguyên tắc lớn của học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, và thậm chí còn trổi vượt hơn quyền tư hữu. « Quyền tư hữu chỉ có thể được xem như là một quyền tự nhiên thứ yếu » so với nguyên tắc này, Đức Phanxicô giải thích. Ngài cũng nhấn mạnh « những giới hạn » của quan điểm tự do về một hệ thống kinh tế mà ngài mời gọi thay đổi. « Trong một số quan điểm kinh tế hạn hẹp và đơn điệu, xem ra không có chỗ, chẳng hạn, cho các phong trào đại chúng tập hợp những người thất nghiệp, các công nhân bấp bênh và bên lề cũng như nhiều người khác mà không dễ bước vào trong những tổ chức đã được thiết lập trước ».

« Đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập »

Chiều kích thứ hai của tình huynh đệ theo Đức Phanxicô : đón tiếp những người di dân. Chắc chắn, « lý tưởng là tránh những cuộc di dân vô ích và để đi đến đó, cần phải tạo ra nơi các nước nguyên quán khả năng hữu hiệu sống và lớn lên trong phẩm giá ». Nhưng khi điều đó là bất khả, thì cần phải « đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập » người ta. Đức Phanxicô gợi ý những đường nét rất cụ thể, như cải thiện việc cấp thị thực , mở ra những hành lang nhân đạo cho người tỵ nạn, bảo đảm quyền luôn được có những hồ sơ căn cước hay mở một tài khoản ngân hàng.

Trong suốt thông điệp, Đức Phanxicô bày tỏ sự gắn bó của mình với một « tình huynh đệ phổ quát ». Nhưng tính phổ quát mà Đức Thánh Cha nói ở đây không phải như tính phổ quát được cổ xúy bởi một nền toàn cầu hóa hiếu thắng, mà có nguy cơ xóa bỏ mọi khác biệt, và Đức Phanxicô gọi là « những hình thức mới của óc thực dân văn hóa ». Tính phổ quát mà Đức Phanxicô khai triển « có thể bảo toàn những nét đặc thù ».

« Đừng bao giờ chiến tranh nữa ! »

Nhưng đối với Đức Phanxicô, tình huynh đệ không hạn chế nơi việc trình bày những mục tiêu phải đạt được. Cách rộng lớn hơn, nó hệ tại một phương pháp vốn có một hệ quả trực tiếp trên cách thức hiện hữu tại thế của chúng ta, và cách riêng trên sự tha thiết với « một cuộc đối thoại kiên trì và can đảm ». Chính cuộc đối thoại này phải thắng thế trong mọi hoàn cảnh, bao hàm cả trong lãnh vực công cộng, khi hai bên thương lượng hòa bình. Đức Phanxicô cũng dành một đoạn khá dài cho các chủ đề về hòa bình và hòa giải. Không chấp nhận những ai đòi hỏi một cuộc « chiến tranh chính đáng ». « Ngày nay, thật rất khó để bảo vệ các tiêu chí thuần lý, được chín muồi trong những thời đại khác, để nói về một khả năng « chiến tranh chính đáng » ». Trước những biện hộ khập khiễng này, Đức Phanxicô lấy lại lời kêu gọi của Đức Phaolô VI vào năm 1965 trước tổ chức Liên Hiệp Quốc : « Đừng bào giờ chiến tranh nữa ! »

Cuộc đối thoại mà Đức Phanxicô nói đến rõ ràng bao hàm một phần liên tôn, mà dễ nhận thấy trong toàn bộ thông điệp mới này, được ký ở Assidi, cái nôi của thánh Phanxicô và là trung tâm thế giới của việc đối thoại liên tôn. Đức Phanxicô viết : « Với tư cách là người tín hữu, chúng ta nhận thấy đang đối diện với thách độ trở về nguồn để tập trung vào điều cốt lõi : việc thờ phượng Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. » Và nếu trong thông điệp Laudato Si’, Đức Phanxicô nói về một sự suy tư chung với Đức Thượng Phụ Bartôlômêô, thì lần này ngài làm một bước bổ sung và bốn lần đề cập đến đại giáo chủ Al Azhar, Ahmed Al Tayyeb. Cả hai vị lãnh đạo, vào năm 2019, ở Abu Dhabi, đã ký một tuyên ngôn lịch sử về tình huynh đệ « vì hòa bình thế giới và việc cùng chung sống ». Như thế, lời mời gọi hòa bình, công lý và tình huynh đệ được hoàn toàn lấy lại ở đây. Một cách thức tối hậu để hy vọng rằng « dòng sông tình yêu huynh đệ » chảy tràn nơi mỗi người.

—————-

Trích dẫn một số thông điệp tiêu biểu đã nói đến tình huynh đệ:

Chủ đề tình huynh đệ xuất hiện liên lỉ trong học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo.

Trong thông điệp Rerum novarum (Tân Sự, 1891), Đức Lêô XIII đã đêpf cập đến tình huynh đệ giữa chủ và thợ. Ngài đề nghị tình yêu huynh đệ như là con đường xích lại gần giữa người giàu và người nghèo.

Trong thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc, 1967), Đức Phaolô VI nói về mối quan hệ giữa các nước giàu và các nước nghèo. « Các quốc gia phải gặp gỡ như những anh chị em, như là những người con của Thiên Chúa ».

Đức Bênêđíctô XVI nói về « tình huynh đệ, phát triển kinh tế và xã hội dân sự » trong thông điệp « Caritas in veritate » (Bác ái trong chân lý, 2009). Ngài nhấn mạnh đến chiều kích nhân bản của tình huynh đệ : « ‘Thành quốc con người’ đòi buộc không những các liên hệ phải dựa trên quyền lợi và trách nhiệm, nhưng còn hơn nữa và trước hết qua những nối kết vô vị lợi, nhân từ và hiệp thông » (số 6) ; nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến chiều kích siêu việt của tình huynh đệ này, vốn mở ra cho ân sủng của Thiên Chúa : « Chính chúng ta có thể xây dựng cộng đoàn nhân loại, nhưng tự sức mình, cộng đoàn này không thể nào trở thành một cộng đoàn huynh đệ trọn vẹn và lướt thắng các rào chắn được, có nghĩa là trở thành một cộng đoàn thực sự phổ quát : sự thống nhất nhân loại » (số 34).

Trong thông điệp Laudato Si’ (2015), Đức Phanxicô đào sâu vấn đề mối tương quan giữa con người và các thụ tạo khác. Ngài mở rộng khái niệm tình huynh đệ cho toàn thể môi trường của con người, bắt đầu bằng Trái Đất, « người chị này kêu than vì những hư hại mà chúng ta gây ra cho chị ».

Tý Linh

(theo Loup Besmond de Senneville, nhật báo La Croix, ngày 4/10/2020).

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30