BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 31. SUY NIỆM
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em !
Hôm nay, chúng ta nói về hình thức cầu nguyện này : suy niệm (nguyện gẫm). Đối với một Kitô hữu, « suy niệm », đó là tìm kiếm một tổng hợp : điều đó có nghĩa là đặt mình trước trang sách lớn của Mạc Khải để nỗ lực biến nó trở thành của chúng ta, bằng cách đảm nhận nó cách trọn vẹn. Và người Kitô hữu, sau khi đã đón nhận Lời Chúa, không giữ Lời đó khép kín nơi mình, vì Lời này phải gặp gỡ « một cuốn sách khác », mà sách Giáo lý gọi là « cuốn sách cuộc sống » (x. GLGHCG, số 2706). Đó là những gì chúng ta cố gắng làm mỗi lần chúng ta suy niệm Lời Chúa.
Việc thực hành suy niệm đã nhận được nhiều quan tâm trong những năm vừa qua. Không phải chỉ các Kitô hũu mới nói về nó : có một thực hành suy niệm trong hầu hết tất cả các tôn giáo trên thế giới. Nhưng đó là một hoạt động cũng hiện diện nơi những người không có một cái nhìn tôn giáo về cuộc sống. Tất cả chúng ta đều cần suy niệm, suy tư, tìm lại chính mình, đó là một năng động của con người. Cách riêng, trong thế giới tây phương náo động, người ta tìm kiếm việc suy niệm, bởi vì việc suy niệm biểu hiện một rào chắn chống lại sự căng thẳng hằng ngày và sự trống rỗng đang lan tràn khắp nơi. Vì thế, đó là hình ảnh những người trẻ và những người lớn tuổi ngồi tĩnh tâm, thinh lặng, mắt nhắm lại… Nhưng chúng ta có thể tự hỏi : những người này đang làm gì ? Họ đang suy niệm. Đó là một hiện tượng phải được coi là tích cực : quả thế, chúng ta không được tạo nên để chạy không ngừng, chúng ta có một đời sống nội tâm mà không thể luôn bị chà đạp. Vì thế, suy niệm là một nhu cầu của mọi người. Có thể nói, suy niệm giống như dừng lại và lấy lại hơi thở của mình trong cuộc sống.
Thế nhưng, chúng ta nhận thấy rằng lời này, một khi được đón nhận trong một bối cảnh Kitô giáo, có được một tính đặc thù vốn không thể bị xóa bỏ. Suy niệm là một chiều kích nhân bản cần thiết, nhưng suy niệm trong bối cảnh Kitô giáo còn vượt xa hơn : đó là một chiều kích không được xóa bỏ. Cánh cửa lớn, mà lời cầu nguyện của một tín hữu chịu phép rửa đi qua đó – chúng ta nhớ điều này một lần nữa – là Chúa Giêsu Kitô. Đối với Kitô hữu, việc suy niệm đi vào cánh cửa của Chúa Giêsu Kitô. Thực hành suy niệm cũng đi theo con đường này. Và khi cầu nguyện, người Kitô hữu không cầu mong sự trong sáng hoàn toàn về chính mình, họ không tìm kiếm cái cốt lõi sâu xa nhất của bản thân mình. Điều đó chính đáng, nhưng người Kitô hữu tìm kiếm một điều khác. Việc cầu nguyện của người Kitô hữu trước tiên là một cuộc gặp gỡ với Đấng Khác, với Đấng Khác được viết hoa : cuộc gặp gỡ siêu việt với Thiên Chúa. Nếu một kinh nghiệm cầu nguyện mang lại cho chúng ta sự bình an nội tâm, hay việc làm chủ chính bản thân, hay sự sáng suốt trên con đường phải thực hiện, thì, có thể nói, những kết quả này là những hiệu quả phụ của ân sủng của việc cầu nguyện Kitô giáo vốn là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, tức là suy niệm, đó là đi gặp gỡ Chúa Giêsu, được dẫn dắt bởi một câu hay một Lời của Thánh Kinh.
Từ ngữ « suy niệm » có những nghĩa khác nhau trong dòng lịch sử. Ngay trong Kitô giáo, nó quy chiếu đến những kinh nghiệm thiêng liêng khác nhau. Tuy nhiên, ta có thể gặp thấy một số đường nét chung, và sách Giáo lý vẫn còn giúp chúng ta về điều này, khi nó nói : « Các phương pháp suy niệm cũng đa dạng như các bậc thầy tâm linh. […] Nhưng một phương pháp chỉ là một hướng dẫn ; điều quan trọng là tiến tới, cùng với Chúa Thánh Thần, trên con đường cầu nguyện duy nhất : Chúa Giêsu Kitô » (số 2707). Và cần phải chỉ ra một người bạn đồng hành, một người hướng dẫn chúng ta : Chúa Thánh Thần. Việc suy niệm Kitô giáo là bất khả nếu không có Chúa Thánh Thần. Chính Ngài hướng dẫn chúng ta đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã từng nói với chúng ta : « Thầy sẽ sai Thánh Thần đến với các con. Ngài sẽ dạy và giải thích cho các con ». Và cũng trong việc suy niệm, Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn để tiến tới gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.
Vì thế, có nhiều phương pháp cầu nguyện Kitô giáo : một số là rất đơn giản, một số khác phức tạp hơn ; một số nhấn mạnh chiều kích trí thức của con người, một số khác nhấn mạnh chiều kích tình cảm và cảm xúc hơn. Đó là những phương pháp. Tất cả đều quan trọng và đều xứng đáng được thực hành, trong chừng mực chúng có thể giúp cho kinh nghiệm đức tin trở nên một hành vi toàn diện của con người : đó không chỉ là tâm trí cầu nguyện, đó là toàn thể con người cầu nguyện, toàn thể con người, cũng như không chỉ tình cảm cầu nguyện. Người xưa có thói quen nói rằng cơ quan của cầu nguyện là trái tim, và họ giải thích rằng đó là toàn thể con người, từ trung tâm của mình, từ trái tim, đi vào tương quan với Thiên Chúa, chứ không chỉ một số cơ năng của nó mà thôi. Vì thế, cần phải luôn nhớ rằng phương pháp là một con đường, chứ không phải là một mục tiêu : bất cứ phương pháp cầu nguyện nào, nếu nó muốn là Kitô giáo, đều phải là một phần của việc bước theo Chúa Kitô này vốn là yếu tính của đức tin của chúng ta. Các phương pháp cầu nguyện là những con đường cần trải qua để đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Sách Giáo lý nêu rõ : « Việc suy niệm vận dựng tư tưởng, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn. Sự huy động này là cần thiết để đào sâu những xác tín đức tin, khơi dậy lòng hoán cải và củng cố ý chí bước theo Chúa Kitô. Kinh nguyện Kitô giáo được áp dụng ưu tiên suy niệm « các mầu nhiệm của Chúa Kitô » » (số 2708).
Bởi thế, đó là ân sủng của kinh nguyện Kitô giáo : Chúa Kitô không ở xa, nhưng Ngài luôn ở trong tương quan với chúng ta. Không có một khía cạnh nào nơi con người thần linh và nhân loại của Ngài mà không thể trở thành một nơi cứu độ và hạnh phúc cho chúng ta. Mỗi giây phút của cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, qua ân sủng cầu nguyện, đều có thể trở thành hiện tại cho chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn. Nhưng anh chị em biết rằng ta không thể cầu nguyện mà không được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chính Ngài hướng dẫn chúng ta ! Và nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng có mặt bên bờ sông Giođan, khi Chúa Giêsu ngâm mình vào đó để lãnh nhận phép rửa. Chúng ta cũng được mời gọi đến tiệc cưới Cana, khi Chúa Giêsu ban loại rượu ngon nhất vì niềm vui của đôi vợ chồng ; tức là chính Chúa Thánh Thần liên kết chúng ta với các mầu nhiệm này trong cuộc đời của Chúa Kitô, vì khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm kinh nguyện kết hiệp chúng ta với Ngài hơn. Chúng ta cũng tham dự cách kinh ngạc vào hằng ngàn cuộc chữa lành mà Thầy đã thực hiện. Hãy cầm lấy Tin Mừng, hãy suy niệm những mầu nhiệm này của Tin Mừng và Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta hiện diện ở đó. Và trong việc cầu nguyện – khi chúng ta cầu nguyện -, tất cả chúng ta đều giống như người phong hủi được chữa sạch, như người mù Bartimê lại được nhìn thấy, như Ladarô ra khỏi mồ…Chúng ta cũng thế, chúng ta được chữa lành trong việc cầu nguyện, như đã từng là với người mù Bartimê và người phong hủi…Chúng ta cũng được phục sinh, như Ladarô đã được phục sinh, vì việc cầu nguyện suy niệm được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dẫn chúng ta đến chỗ sống lại các mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa Kitô, gặp gỡ Chúa Kitô và nói, cùng với người mù : « Lạy Chúa, xin thương xót con ! Xin thương xót con » – « Anh muốn gì ? » – « Được thấy, được đi vào cuộc đối thoại này ». Và việc suy niệm Kitô giáo, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dẫn chúng ta đi vào cuộc đối thoại này với Chúa Giêsu. Không có trang Tin Mừng nào mà không có chỗ cho chúng ta. Đối với chúng ta là người Kitô hữu, Suy niệm là một cách thức gặp gỡ Chúa Giêsu. Và như thế, chỉ như thế, là cách thức tìm lại chính mình. Và đó không phải là khép kín nơi chính mình, không phải : đến bên Chúa Giêsu và gặp gỡ chính chúng ta bên Chúa Giêsu, được chữa lành, được phục sinh, được mạnh mẽ nhờ ân sủng của Chúa Giêsu. Và gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng cứu độ mọi người, cũng là Đấng cứu độ tôi. Và điều đó nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Tý Linh chuyển ngữ
(Bài giáo lý buổi tiếp kiến chung ngày 28/4/2021)
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Lời Chúa, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO SƠ CLARE CROCKETT