« CHÚNG TA PHẢI NGHIÊN CỨU MỘT NỀN THẦN HỌC VỀ ĐỜI THƯỜNG »

Written by xbvn on Tháng Năm 11th, 2021. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tý Linh, Việt Nam

Thần học gia Christoph Theobald, s.j., giáo sư tại Trung tâm Sèvres, ở Paris, đã tham dự cuộc hội thảo do Viện thần học Gioan Phaolô II của Tòa Thánh tổ chức. Trong cuộc trao đổi với nhật báo La Croix, ngài đã khơi lên những thách đố của thần học ngày mai.

La Croix : Cha đã tham dự cuộc hội thảo được tổ chức ở Học viện Gioan-Phaolô II về tương lai của thần học (1). Phải chăng có gì cấp bách để cần phải hình dung một nền thần học cho ngày mai ?

Christoph Theobald (2) : Chính Đức Giáo hoàng Phanxicô là người thúc đẩy nghiên cứu thần học chuyên sâu, mà ngài mong ước kêu gọi từ chương đầu tiên của Tông huấn đầu tiên của ngài Evangelii gaudium vào năm 2013, và còn trong Tông hiến Veritatis gaudium. Những gì mà chúng ta đã gọi là các khoa học của Giáo hội – thần học nhưng còn là triết học, các khoa học nhân văn, etc.-, làm nên một phòng thí nghiệm để vượt qua cơn khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua.

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng chúng ta không phải đang trải qua một sự thay đổi thời đại nhưng là một thời đại những đổi thay, một cuộc khủng hoảng nhân học chạm đến con người, nhưng còn liên quan đến hành tinh và môi trường. Thông điệp Fratelli Tutti và Thông điệp Laudato Si’ đưa ra một chẩn đoán khá rõ ràng về cuộc khủng hoảng này, mà không có câu trả lời làm sẵn.

La Croix : Thần học ngày nay khác biệt như thế nào ?

Christoph Theobald : Một học thuyết nguyên khối không thể dẫn chúng ta đi xa hơn: chúng ta phải có một lối tiếp cận thần học đa nguyên. Chúng ta đang thoát khỏi một thời kỳ mà chúng ta từng sợ tất cả những gì là khác biệt. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến tính đa nguyên, đặc biệt khi ngài khơi lên hình hình học về khối đa diện. Trong Giáo hội, sứ mạng huấn quyền của  các Giám mục là rao giảng Kerygma, nội dung của đức tin, đang khi đặc sủng của các thần học gia là thực thi một nghiên cứu phê bình và tìm kiếm, trong một chiều kích viễn cảnh, những giải pháp cho tương lai. Chúng ta không thể giải quyết những vấn đề ngày nay bằng những công thức hôm qua.

La Croix : Nền thần học cho ngày mai này đang được chuẩn bị ở đâu ?

Christoph Theobald : Xét về số lượng các thể chế, thì nền thần học ở Châu Âu luôn có chức năng lãnh đạo, đặc biệt do khả năng giảng dạy, xuất bản các bản văn của nó, nhưng công việc của các thần học gia ở Châu Phi, ở Ấn Độ, ở Châu Mỹ Latinh cũng quan trọng để đào sâu vấn đề trọng tâm của việc hội nhập văn hóa. Sự đa dạng lối tiếp cận này là điều hứa hẹn cho tương lai, ngay cả khi nền thần học ở Châu Âu thường quá bị gò bó trong những vấn đề chi tiết. Theo tôi, nó không triển khai đủ một tầm nhìn xuyên ngành.

La Croix : Ngày nay, đâu là những vấn đề thiết yếu cần phải nghiên cứu ?

Christoph Theobald : Tôi sẽ nêu bật ba thách đố đối với nền thần học ngày mai. Trước tiên, Giáo hội không còn gần với người ta trong đời thường của họ. Đó là vấn đề về khả năng đón nhận : đối diện với sự phi Kitô giáo hóa, chúng ta phải nghiên cứu một nền thần học về đời thường và tìm thấy cách thức nói với người đương thời của chúng ta. Thách đố thứ hai với sự cần thiết đi vào đối thoại với các truyền thống ý nghĩa khác nhau : đó không chỉ là đối thoại với Do thái giáo hay Hồi giáo nhưng với tất cả các nền linh đạo, dù họ là những người theo thuyết bất khả tri. Thế nhưng, tính đa nguyên này đang bị gây rối loạn bởi một não trạng thế tục mà, không nơi nào ở Châu Âu, được xoa dịu, và nó còn căng thẳng hơn nữa ở Pháp. Chúng ta phải nghiên cứu một nền thần học về chính trị quan tâm đến các truyền thống khác nhau này và chú tâm đến những gì mà chúng có thể mang lại cho việc « sống chung ». Cuối cùng, điều cấp bách là phải suy nghĩ về sự phát triển đầy kinh ngạc của kỹ thuật số đang xâm chiếm cuộc sống của chúng ta. Còn lại gì của một nền thần học về lương tâm khi mọi thứ đều được quản lý bởi các thuật toán và máy tính ?

La Croix : Những công việc này đòi hỏi một cuộc huy động thực sự : liệu ngày nay điều này là khả thi ?

Christoph Theobald : Chúng ta đang ở một thời điểm bản lề, đặc biệt ở Châu Âu. Khai triển một viễn cảnh là thiết yếu khi Giáo hội bị mê man bởi con số ít ỏi các ơn gọi, bởi những vấn đề đạo đức của xã hội, bởi cơn đại dịch… Không có tầm nhìn khi đối diện với sự bấp bênh, ngay cả khi chúng ta phải sống nhờ đức tính chính yếu này là đức cậy trông và dám khai triển, như trong Thánh Kinh, « những ước mơ » cho tương lai. Đó là vai trò của thần học.

—————–

(1) : Hôm nay và ngày mai, hình dung nền thần học, cuộc hội thảo ngày 5/5/2021, được Học viện thần học Gioan Phaolô II tổ chức, cùng với Christoph Theobald, Elmar Salmann và Pierangelo Sequeri.

(2) Sách mới xuất bản : Le Courage de penser l’avenir, Christoph Theobald, Cerf, 627 p., 29 €

————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(theo nhật báo La Croix)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30