BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊSU : BẠN KHÔNG THỂ ĂN BÁNH NÀY NẾU BẠN KHÔNG TRAO BAN BÁNH CHO NGƯỜI ĐÓI KHÁT

Written by xbvn on Tháng Sáu 7th, 2021. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

« Sau tất cả, ngay cả những cử hành phụng vụ Thánh Thể long trọng của chúng ta, sẽ chỉ còn lại tình yêu », Đức Thánh Cha chia sẻ trong bài giảng lễ Mình và Máu Thánh Chúa, ngày 6/6/2021.

Đức Thánh Cha nói tiếp : « Chúng ta khát tình yêu, niềm vui, một cuộc sống thành công trong một thế giới nhân bản hơn ». Nhưng đối với ngài, để lấp đầy cơn khát này, « nước của những sự thế gian không có ích gì, bởi vì đây là một cơn khát sâu xa hơn, mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn ».

« Bi kịch của ngày nay là ở chỗ sự khao khát thường biến mất. Những vấn đề về Thiên Chúa đã chết dần, lòng ước ao Ngài đã suy yếu, những người tìm kiếm Thiên Chúa càng ngày càng hiếm đi. Thiên Chúa không còn lôi cuốn nữa bởi vì chúng ta không còn cảm thấy cơn khát sâu xa của chúng ta nữa. »

Từ đó, Đức Thánh Cha khuyến khích việc loan báo Tin Mừng : « Nhóm nhỏ những người hay lui tới tụ tập cử hành Thánh Thể thì không thể đủ ; chúng ta phải đi đến thành phố, gặp gỡ người ta, học biết nhận ra và đánh thức lòng khao khát Thiên Chúa và lòng ước ao Tin Mừng ».

Nhưng để làm điều đó, Đức Thánh Cha cảnh giác : « Nếu tâm hồn chúng ta, thay vì là một căn phòng rộng lớn, lại giống như một ngục tù trong đó chúng ta tiếc nuối giữ những điều cũ kỹ ; nếu nó giống như một căn gác xép nơi mà từ lâu chúng ta đã xếp dọn sự nhiệt thành và các ước mơ của chúng ta ; nếu nó giống như một căn phòng chật hẹp và tối tăm bởi vì chúng ta chỉ sống bởi bản thân, bởi những vấn đề và những cay đắng của chúng ta, thì như thế sẽ không thể nhận ra sự hiện diện này của Thiên Chúa, thinh lặng và khiêm tốn ».

Ngài lưu ý rằng « Giáo hội của những người hoàn hảo và thuần khiết là một căn phòng mà không có chỗ cho ai cả ; trái lại, Giáo hội với những cánh cửa rộng mở, mừng lễ xung quanh Chúa Kitô, là một căn phòng rộng lớn mà tất cả mọi người đều có thể bước vào ».

« Bạn không thể bẻ Bánh ngày Chúa Nhật nếu tâm hồn bạn khép kín trước anh chị em của mình. Bạn không thể ăn Bánh này nếu bạn không trao ban Bánh cho người đói khát. Bạn không thể chia sẻ Bánh này nếu bạn không chia sẻ những nỗi đau khổ của người túng thiếu. »

 Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :

Chúa Giêsu sai các môn đệ đi chuẩn bị nơi cử hành bữa ăn vượt qua. Chính họ đã hỏi Ngài : « Thầy muốn chúng con chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua ở đâu ? » (Mc 14, 12). Trong khi chúng ta chiêm ngắm và thờ lạy sự hiện diện của Chúa trong Bánh Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi tự hỏi : chúng ta muốn chuẩn bị lễ Vượt Qua của Chúa ở đâu ? Đâu là « nơi chốn » trong cuộc sống chúng ta mà  Thiên Chúa yêu cầu chúng ta đón tiếp ? Tôi muốn trả lời những câu hỏi này bằng cách dừng lại trên ba hình ảnh của Tin Mừng mà chúng ta đã nghe (Mc 14, 12-16.22-26).

Hình ảnh đầu tiên là người mang một vò nước (x. c. 13). Đó là một chi tiết có vẻ dư thừa. Nhưng con người hoàn toàn vô danh này lại trở thành người hướng dẫn các môn đệ tìm kiếm nơi chốn mà sau này sẽ được gọi là Phòng Tiệc Ly. Và vò nước là dấu chỉ nhận biết : một dấu chỉ làm cho nghĩ đến nhân loại khao khát, luôn tìm kiếm nguồn nước làm dịu cơn khát và tái tạo nó. Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều bước đi cùng với một chiếc vò trong tay : chúng ta khát tình yêu, niềm vui, một cuộc sống thành công trong một thế giới nhân bản hơn. Và đối với cơn khát này, nước của những sự thế gian không có ích gì, bởi vì đây là một cơn khát sâu xa hơn, mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn.

Chúng ta hãy tiếp tục xem « dấu hiệu » tượng trưng này. Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng ở đâu có một người hướng dẫn họ với vò nước, thì ở đó ta sẽ có thể cử hành Bữa ăn Vượt Qua. Do đó, để  cử hành Thánh Thể, trước tiên cần phải nhìn nhận chúng ta khao khát Thiên Chúa : cảm thấy rằng chúng ta cần Ngài, ước ao sự hiện diện và tình yêu thương của Ngài, ý thức rằng chúng ta không thể đạt tới đó một mình nhưng chúng ta cần một Lương Thực và một Nước Uống  hằng sống nâng đỡ chúng ta trên con đường này. Bi kịch của ngày nay là ở chỗ sự khao khát thường biến mất. Những vấn đề về Thiên Chúa đã chết dần, lòng ước ao Ngài đã suy yếu, những người tìm kiếm Thiên Chúa càng ngày càng hiếm đi. Thiên Chúa không còn lôi cuốn nữa bởi vì chúng ta không còn cảm thấy cơn khát sâu xa của chúng ta nữa. Nhưng chỉ ở đâu có một người nam hay một người nữ với vò nước – chúng ta hãy nghĩ đến người phụ nữ Samaritanô (Ga 4, 5-30) – thì Chúa có thể tỏ mình ra như là Đấng mang lại sự sống mới, Đấng nuôi dưỡng các ước mơ và khát vọng của chúng ta bằng niềm hy vọng đáng tin cậy, như là sự hiện diện yêu thương mang lại ý nghĩa và phương hướng cho cuộc lữ hành trần thế của chúng ta. Như chúng ta đã nhận xét, chính con người với vò nước này dẫn đưa các môn đệ vào căn phòng mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập bí tích Thánh Thể. Chính sự khao khát Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta đến bàn thờ. Nếu thiếu đi sự khao khát, thì những cử hành của  chúng ta trở nên khô cằn. Vì thế, với tư cách là Giáo hội, nhóm nhỏ những người hay lui tới tụ tập cử hành Thánh Thể thì không thể đủ ; chúng ta phải đi đến thành phố, gặp gỡ người ta, học biết nhận ra và đánh thức lòng khao khát Thiên Chúa và lòng ước ao Tin Mừng.

Hình ảnh thứ hai là căn phòng rộng lớn ở trên lầu (x. c. 15). Chính ở đó mà Chúa Giêsu và các môn đệ sẽ cử hành bữa ăn vượt qua và căn phòng này nằm trong căn nhà của một người đón tiếp các ngài. Don Primo Mazzolari đã nói : « Này đây, một người không tên, một ông chủ nhà, cho Ngài mượn căn phòng đẹp nhất. […] Ông ta đã cho đi những gì lớn lao nhất mà ông ta có bởi vì xung quanh bí tích cao cả thì mọi sự cần phải rộng lớn, căn phòng và tầm hồn, lời nói và cử chỉ » (La Pasqua, La Locusta 1964, 46- 48).

Một căn phòng rộng lớn cho một miếng Bánh nhỏ. Thiên Chúa trở nên nhỏ bé như miếng bánh và chính vì điều đó mà cần phải có một tâm hồn rộng lớn để có thể nhận ra Ngài, thờ lạy Ngài và đón nhận Ngài. Sự hiện diện của Thiên Chúa là rất khiêm tốn, ẩn giấu, đôi khi vô hình, đến nỗi sự hiện diện đó cần một tâm hồn được chuẩn bị, được đánh thức và đón nhận để được nhận thấy. Nếu tâm hồn chúng ta, thay vì là một căn phòng rộng lớn, lại giống như một ngục tù trong đó chúng ta tiếc nuối giữ những điều cũ kỹ ; nếu nó giống như một căn gác xép nơi mà từ lâu chúng ta đã xếp dọn sự nhiệt thành và các ước mơ của chúng ta ; nếu nó giống như một căn phòng chật hẹp và tối tăm bởi vì chúng ta chỉ sống bởi bản thân, bởi những vấn đề và những cay đắng của chúng ta, thì như thế sẽ không thể nhận ra sự hiện diện này của Thiên Chúa, thinh lặng và khiêm tốn. Cần có một căn phòng rộng lớn. Cần mở rộng tâm hồn chúng ta. Cần phải ra khỏi căn phòng nhỏ bé của cái tôi và đi vào không gian rộng lớn của sự ngạc nhiên thán phục và thờ lạy. (…) Đó là thái độ trước Thánh Thể, chúng ta cần điều đó : thờ lạy. Và Giáo hội phải mở ra, đón tiếp mọi người. Chúng ta hãy tự hỏi điều này : Khi đến gần một ai đang bị tổn thương, bị lầm đường lạc lối, có một hành trình cuộc đời khác biệt, Giáo hội có phải là một căn phòng rộng lớn để đón nhận và dẫn đưa họ đến niềm vui gặp gỡ với Chúa Kitô không ? Thánh Thể muốn nuôi dưỡng những ai mệt mỏi và đói khát trên đường đi, chúng ta đừng quên điều đó ! Giáo hội của những người hoàn hảo và thuần khiết là một căn phòng mà không có chỗ cho ai cả ; trái lại, Giáo hội với những cánh cửa rộng mở, mừng lễ xung quanh Chúa Kitô, là một căn phòng rộng lớn mà tất cả mọi người đều có thể bước vào.

Sau cùng, hình ảnh Chúa Giêsu bẻ bánh. Đó là cử chỉ Thánh Thể tuyệt hảo, cử chỉ nhận dạng đức tin của chúng ta, là nơi chúng ta gặp gỡ Chúa, Đấng hiến mình cho chúng ta để làm cho chúng ta tái sinh trong một cuộc sống mới. Cử chỉ này cũng làm đảo lộn : cho đến lúc đó người ta giết chiên và dâng chúng làm hy lễ cho Thiên Chúa, bây giờ chính Chúa Giêsu trở nên chiên và tự hiến tế để ban cho chúng ta sự sống. Trong Thánh Thể, chúng ta chiêm ngắm và thờ lạy vị Thiên Chúa của tình yêu. Chúa không bẻ ai nhưng tự bẻ chính mình. Chúa không đòi hỏi hy lễ nhưng tự hiến dâng mình làm hy lễ. Chúa không đòi hỏi gì, nhưng trao ban tất cả. Để cử hành và sống Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu này. Vì bạn không thể bẻ Bánh ngày Chúa Nhật nếu tâm hồn bạn khép kín trước anh chị em của mình. Bạn không thể ăn Bánh này nếu bạn không trao ban Bánh cho người đói khát. Bạn không thể chia sẻ Bánh này nếu bạn không chia sẻ những nỗi đau khổ của người túng thiếu. Sau tất cả, ngay cả những cử hành phụng vụ Thánh Thể long trọng của chúng ta, sẽ chỉ còn lại tình yêu. Và ngay từ bây giờ, Thánh Thể biến đổi thế giới trong chừng mực chúng ta để cho mình được biến đổi và trở nên tấm bánh được bẻ ra cho tha nhân.

Thưa anh chị em, hôm nay nữa, « chuẩn bị bữa ăn của Chúa » ở đâu ? Cuộc rước kiệu Thánh Thể – đặc điểm của Lễ Mình Máu Thánh Chúa này, nhưng chúng ta không thể thực hiện lúc này – nhắc cho chúng ta rằng chúng ta được mời gọi đi ra mang Chúa Giêsu. Hăng hái đi ra mang Chúa Kitô cho những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy trở nên một Giáo hội với vò nước trong tay, đánh thức sự khao khát và mang nước đến cho chọ. Hãy mở rộng tâm hồn chúng ta trong tình yêu, để trở thành căn phòng rộng rãi và đón tiếp mà mọi người có thể đi vào để gặp Chúa. Hãy bẻ cuộc đời chúng ta trong sự trắc ẩn và tình liên đới, để thế giới thấy sự cao cả của tình yêu của Thiên Chúa qua  chúng ta. Và như thế Chúa sẽ đến, Ngài sẽ tiếp tục làm cho chúng ta ngạc nhiên, Ngài tiếp tục trở nên lương thực cho thế gian được sống. Và Ngài sẽ làm cho chúng ta no thỏa luôn mãi, cho đến ngày mà, nơi bàn tiệc Nước Trời, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng dung mạo của Ngài và chúng ta sẽ vui mừng mãi vô tận.

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : ZENIT)

Fête-Dieu : le « petit groupe des habitués » ne suffit pas (Homélie intégrale)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31