DOMINIQUE COATANÉA : « TÌNH YÊU LÀ MỘT SỨC MẠNH THÚC ĐẨY ĐI ĐẾN VỚI THA NHÂN »

Written by xbvn on Tháng Sáu 18th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

Dominique Coatanéa, nữ giáo sư thần học luân lý ở Centre Sèvres, xác tín về sức mạnh xã hội của tình yêu, một sự năng động thúc đẩy chúng ta đi ra khỏi mình để đến với tha nhân.

“Chúng ta có thể nói rằng thật rất khó để yêu thương một người không gần với chúng ta. Nhưng chúng ta cũng có thể nói : đây là những gì xảy ra khi chúng ta không yêu thương. Đó là những gì Đức Giáo hoàng Phanxicô đang làm trong các bản văn của ngài : đó là những gì đang xảy ra trong một xã hội loại trừ ; đó là những gì đang xảy ra khi người ta coi tha nhân như là vô dụng – tôi nhận lấy nó và tôi vứt bỏ nó ; đó là những gì đang xảy ra trong một xã hội tiêu thụ và săn mồi…”

La Croix : Với tư cách là thần học gia luân lý nghiên cứu về các vấn đề xã hội, bà định nghĩa tình yêu như thế nào ?

Dominique Coatanéa : Tôi khá thích định nghĩa tình yêu như là sức mạnh thúc đẩy chúng ta đi ra khỏi mình để đến với tha nhân, để liên kết với người khác. Để làm cho những người khác, dù họ khác biệt chúng ta thế nào, trở thành những đối tác, những đồng minh. Thần học luân lý quan tâm đến chuyển động vốn chứng thực câu trả lời cá nhân và tập thể cho ân huệ được nhìn nhận, được đón tiếp này, mà biến đổi mỗi một cuộc sống của chúng ta, mời gọi đến tình liên đới, chia sẻ, ra khỏi mình đến với người khác.

La Croix : Đức tin Kitô giáo rao giảng rằng Thiên Chúa là tình yêu.  Điều đó muốn nói điều gì ?

Dominique Coatanéa : Nói rằng Thiên Chúa là tình yêu, đó là nhìn nhận rằng cuộc sống của tôi được ban cho tôi bởi một người khác. Nó được ban cho tôi với một quy luật hiện hữu : một quy luật xuất thần vốn là một chuyển động đi ra khỏi mình để đến với người khác. Quy luật xuất thần này, mà mỗi người mang nơi mình, là quy luật về một cuộc sống được thực hiện với và cho tha nhân. Chúng ta được Thiên Chúa mời gọi thể hiện cuộc sống của chúng ta theo sự năng động này vốn là sự năng động của Ngài, mà thúc đẩy chúng ta dấn thân cuộc sống của chúng ta bước theo Ngài để yêu thương như Ngài yêu thương chúng ta.

Dĩ nhiên, chúng ta không luôn luôn nhất quán với sự năng động này. Đó là lý do tại sao chúng ta phải thường xuyên bén rễ lại nơi sức mạnh thần linh này, kín múc ở nguồn suối. Đón nhận ân huệ này đòi hỏi một công việc nơi bản thân để trở nên người nam, người nữ này, có khả năng đi ra khỏi mình để đến với tha nhân, để liên kết với họ, đặc biệt với những người bé nhỏ nhất, những người bị chà đạp các quyền và phẩm giá của mình.

La Croix : Người ta nói rằng tình yêu có thể chịu/làm được tất cả. Điều đó có thể mở ra được điều gì cho đời sống xã hội ?

Dominique Coatanéa : Đứng dậy khi chúng ta vấp ngã. Tin rằng tất cả không bị mất đi. Rằng có hy vọng. Ở Centre Sèvres, Étienne Grieu đã khai triển một nhóm nghiên cứu về tiếng nói của những người nghèo nhất. Tôi khá ngạc nhiên khi nghe những người nam người nữ mong manh, dễ tổn thương, có một cuộc sống thường phức tạp này, có khả năng nói rằng sống, đó là yêu thương và tha thứ : « Tôi tha thứ cho bạn, tôi muốn bạn sống ». Ở đây, có điều gì đó mạnh mẽ. Trước tiên, tự tha thứ cho bản thân, tự tha thứ cho mình vì đã không xứng với những gì mà ta đã muốn sống hay làm.

Khi chúng ta nói rằng tình yêu có thể chịu/làm được tất cả, đó là tin rằng nó có thể đi tìm kiếm chúng ta đến tận nơi mà chúng ta thậm chí không dám đi tìm kiếm bản thân chúng ta nữa, tận nơi mà chúng ta đã chán ngấy chính bản thân chúng ta đến thế, đã bất khả hành động đến thế, hay đã thực hiện một hành vi không thể chấp nhận được đến thế. Tôi nghĩ rằng tình yêu là sức mạnh thường ngang qua những người khác. Những người khác đến tìm kiếm chúng ta ở nơi mà chính chúng ta không thể tìm thấy chúng ta nữa. Tôi thấy đó là một thách đố cho các cộng đoàn Kitô hữu.

Những ai đón nhận Thiên Chúa như là nguồn sống thì chỉ có thể ao ước chia sẻ nguồn sống đó với người khác, trong một giao ước. Vì thế, đối với các cộng đoàn Kitô hữu, vấn đề là thể hiện sức mạnh của sự cho đi được lãnh nhận trong giao ước vì sự sống. Chính như thế mà các cộng đoàn Kitô hữu mới có thể làm chứng và trở thành những nơi phục hồi hơn, ở đâu mà những người nam và người nữ bị cuộc sống nhấn chìm có thể tìm lại được những bãi thảo mộc xanh tươi, để nghỉ ngơi, để lấy lại hơi thở của mình, cùng với người khác.

La Croix : Trong Thông điệp Fratelli tutti, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi một tình huynh đệ phổ quát. Nhưng một tình yêu phổ quát, đó chẳng phải là hoàn toàn không tưởng ?

Dominique Coatanéa : Quả thật, chúng ta có thể nói rằng thật rất khó để yêu thương một người không gần với chúng ta. Nhưng chúng ta cũng có thể nói : đây là những gì xảy ra khi chúng ta không yêu thương. Đó là những gì Đức Giáo hoàng Phanxicô đang làm trong các bản văn của ngài : đó là những gì đang xảy ra trong một xã hội loại trừ ; đó là những gì đang xảy ra khi người ta coi tha nhân như là vô dụng – tôi nhận lấy nó và tôi vứt bỏ nó ; đó là những gì đang xảy ra trong một xã hội tiêu thụ và săn mồi…

Tự sâu xa, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho chúng ta thấy việc không yêu thương đưa đến cuộc sống nào và, khi làm như thế, ngài kích hoạt lại các năng lượng luân lý, các năng lượng huynh đệ từ cái trái ngược với chúng để những hoàn cảnh này gây sốc cho chúng ta và tái định hướng chúng ta. Chúa Giêsu cũng làm như vậy khi kể dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Tất cả chúng ta đều bị rình rập bởi sự dửng dưng của thầy tư tế và thầy lêvi.

Thật khó để nhìn người khác và để cho mình động lòng. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với chúng ta : nếu các bạn để cho kích hoạt lại khả năng nhận thức nơi các bạn, thì các bạn sẽ động lòng và các bạn sẽ không hành động như thế nữa. Trong tâm hồn mỗi người, sự năng động phẫn nộ chống lại bất công này là biểu hiện đầu tiên của sự sống thần linh nơi chúng ta : nó làm cho chúng ta có khả năng đi ra khỏi những sự dễ dãi của chúng ta, khỏi vòng thân cận tương tự của chúng ta.

Chính như thế mà người Samaritanô nhân hậu mới có thể dừng lại, đưa một chương trình khác vào lịch trình của mình, đảm nhận người bị thương, gần gũi, đưa đến nhà trọ, tin tưởng vào người khác để tiếp sức. Theo tôi, yếu tố sau cùng này xem ra quan trọng : chúng ta cần tin tưởng lẫn nhau. Chính sự tín nhiệm vào cuộc sống chung làm cho chúng ta tiếp tục dấn thân cho nhau, và điều đó tạo nên sự năng động xã hội tích cực, điều đó củng cố lòng ước ao liên kết.

La Croix : Làm thế nào điều này có thể được biểu hiện trong thế giới xã hội hôm nay ?

Dominique Coatanéa : Tôi nghĩ đến cuộc thử nghiệm Lãnh thổ không thất nghiệp lâu dài mà tôi đã có cơ hội làm việc. Lúc đầu, có một xác tín sâu xa : không ai quá bị nhấn chìm, quá yếu kém, quá nghèo để không có gì để cho. Không ai có thể bị loại trừ khỏi khả năng liên kết với người khác để cho đi trí khôn của mình, sức mạnh lao động của mình, để xây dựng điều gì đó.

Nhưng để cho phép những người nam và người nữ tìm lại được một chỗ đứng trong xã hội, cần phải tập hợp những năng lượng chính trị, kinh tế và xã hội. Nhờ kinh nghiệm này, những người nam và người nữ đứng vững trở lại, cho dù có những tái vấp ngã, do tính phức tạp của các hoàn cảnh cá nhân, trên bình diện xã hội hay tâm lý. Tôi nhìn thấy trong sự triển khai năng lượng tập thể này một dấu hiệu của sự phong nhiêu của tính năng động đi ra khỏi chính mình để hướng đến người khác. Đó là những gì mà Đức Giáo hoàng đặt dưới từ ngữ « tình bạn xã hội ».

La Croix : Trong Fratelli tutti, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết : « Trong chính trị, cũng có thể yêu thương cách dịu dàng ». Ngài muốn nói điều gì ?

Dominique Coatanéa : Sự dịu dàng là một từ ngữ chỉ sự thân mật. Đức Giáo hoàng dám sử dụng nó để nói về chính trị. Ngài cũng xác định sự dịu dàng này là gì : « Đó là tình yêu trở nên gần gũi và cụ thể hóa. Đó là một chuyển động khởi đi từ con tim và đến đôi mắt, đôi tai, đôi bàn tay ». Chính tình yêu « trở nên gần gũi và cụ thể hóa » này được khai triển trong thử nghiệm Lãnh thổ không thất nghiệp lâu dài, cho dù các tác giả liên hệ sử dụng một ngôn ngữ khác.

Những người nam, người nữ, được đánh động bằng những xác tín mạnh mẽ, đang để cho mình bị lôi cuốn bằng lời kêu gọi « trở nên gần gũi » với những ai đang cần đến các bộ máy thể chế để nâng đỡ cuộc sống của họ. Họ cụ thể hóa điều đó qua những luật lệ, những sắc lệnh, những thử nghiệm.  Đằng sau các bộ máy chính trị, khả năng đi ra khỏi chính mình để đến với người khác được thể hiện. Chính trị có thể là một nơi biểu lộ tình yêu.

—————————————–

« Chứng thực sự phong nhiêu của đời sống Kitô hữu của chúng ta »

Khi được đề nghị tự giới thiệu, Dominique Coatanéa đã sẵn sàng vạch lại hành trình dẫn bà từ công việc ở SNCF (Mạng lưới đường sắt quốc gia Pháp) đến địa vị giáo sư thần học luân lý ở Centre Sèvres, sau khi đã ngang qua đại học Công giáo ở Lyon và đại học Angers nơi bà có ba năm làm khoa trưởng phân khoa thần học.

Bà mẹ 5 con này kể lại những cuộc gặp gỡ đã ghi dấu hành trình của mình, từ sự khích lệ đánh thức đức tin theo yêu cầu của cha sở của mình, bằng cách ngang qua việc đào tạo mục vụ ở Viện cao học các khoa học tôn giáo của đại học Công giáo Paris, trước khi theo đuổi thạc sĩ thần học rồi luận án tiến sĩ nghiên cứu về công ích nơi Gaston Fessard, một lình mục dòng Tên.

Bà giải  thích : « Chứng thực sự phong nhiêu của đời sống Kitô hữu của chúng ta, trong bối cảnh hiện đại, giả thiết nuôi dưỡng sự hiểu biết của chúng ta về các thách đố ». Chính điều này đã đưa bà đến thần học luân lý để đào sâu vấn đề này : « Làm thế nào dung hòa những gì có vẻ thâm sâu – đời sống đức tin – và những gì nuôi dưỡng những dấn thân trong lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội ? »

—————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(theo nhật báo La Croix)

Xem thêm bài viết của Dominique Coatanéa về Công ích ở đây.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30