ĐỨC PHANXICÔ : THAY VÌ SỬA CHỮA CÁC VẤN ĐỀ, HÃY QUẤY RẦY THIÊN CHÚA
« Bao nhiêu lần chúng ta còn phải sửa chữa các vấn đề hơn là đi đến với Chúa và ném những nỗi lo lắng của chúng ta cho Ngài ! », Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 20/6/2021, và đồng thời khuyến khích biết « quấy rầy Thiên Chúa ».
« Đức tin bắt đầu bằng việc tin rằng tự bản thân chúng ta là không đủ, bằng việc cảm thấy rằng chúng ta cần Thiên Chúa », Đức Thánh Cha khẳng định khi suy niệm bài Tin Mừng Chúa Nhật XII Thường niên năm B, về việc Chúa Giêsu truyền cho sóng biển yên lặng. « Khi chúng ta kêu lên Ngài, Ngài có thể làm những điều kỳ diệu nơi chúng ta. Chính sức mạnh khiêm tốn và phi thường của lời cầu nguyện thực hiện những phép lạ ».
Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta : « Trong những hoàn cảnh này và biết bao nhiêu hoàn cảnh khác, chúng ta cũng thấy ngột ngạt vì sợ hãi và, như các môn đệ, chúng ta có nguy cơ quên đi điều quan trọng nhất. Quả thế, trên thuyền, có Chúa Giêsu, cho dù Ngài đang ngủ, và Ngài chia sẻ với các môn đệ của Ngài tất cả những gì đang diễn ra. » « Các môn đệ đã sợ hãi, bởi vì họ vẫn còn dán mắt vào những cơn sóng hơn là nhìn về Chúa Giêsu. Và nỗi sợ hãi dẫn chúng ta đến chỗ nhìn vào những khó khăn, những vấn đề xấu xa hơn là nhìn vào Chúa ».
Dưới đây là toàn văn bài suy niệm của Đức Thánh Cha Phanxicô :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Tin Mừng hôm nay kể lại đoạn về cơn bão bị Chúa Giêsu làm cho yên lặng (Mc 4, 35-41). Con thuyền của các môn đệ đang băng qua biển hồ thì bị sóng gió tấn công. Họ sợ đắm tàu, cùng với tất cả các ước mơ và kế hoạch sống của họ. Chúa Giêsu đang ở với họ trên thuyền, nhưng Ngài đang ở đàng lái, dựa đầu vài chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ bị cuống cuồng và khiếp sợ kêu lên Chúa : « Thưa Thầy, chúng con chết mất ; Thầy chẳng lo gì sao ? » (c. 38).
Ai biết được bao nhiều lần, chúng ta cũng thế, bị tấn công bởi những thử thách trong cuộc sống, chúng ta đã kêu lên Chúa : « Tại sao Chúa vẫn im lặng mà không làm gì cho con ? » Nhất là khi chúng ta có cảm tưởng bị đắm chìm, bởi vì tình yêu hay kế hoạch mà chúng ta từng đặt nhiều hy vọng đang sụp đổ ; hay khi chúng ta bị phó mặc cho những làn sóng lo âu dai dẳng ; hay khi chúng ta cảm thấy mình bị nhấn chìm bởi những vấn đề hay bị tuyệt vọng giữa biển đời, không đường, không bến. Hay trong những lúc chúng ta có ít sức mạnh để tiến tới, bởi vì chúng ta không có việc làm hay một chẩn đoán bất ngờ về sức khỏe của chúng ta hay về sức khỏe của một người thân yêu làm cho chúng ta run sợ. Có nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình trong bão tố, chúng ta cảm thấy mình hầu như cùng đường.
Trong những hoàn cảnh này và biết bao nhiêu hoàn cảnh khác, chúng ta cũng thấy ngột ngạt vì sợ hãi và, như các môn đệ, chúng ta có nguy cơ quên đi điều quan trọng nhất. Quả thế, trên thuyền, có Chúa Giêsu, cho dù Ngài đang ngủ, và Ngài chia sẻ với các môn đệ của Ngài tất cả những gì đang diễn ra. Một mặt, nếu giấc ngủ của Ngài làm chúng ta ngạc nhiên, thì mặt khác Ngài đang thử thách chúng ta. Chúa Giêsu ở đó, đang hiện diện ; quả thế, Ngài chờ đợi – có thể nói như thế – rằng chính chúng ta lôi kéo Ngài, chính chúng ta cầu khấn Ngài, chính chúng ta đặt Ngài ở trung tâm của những gì chúng ta đang sống. Giấc ngủ của Ngài thúc đẩy chúng ta thức tỉnh. Bởi vì, để làm môn đệ của Chúa Giêsu, tin rằng Ngài có đó, Ngài hiện hữu, thì vẫn chưa đủ, nhưng còn phải đặt mình vào cuộc chơi với Ngài, cũng cần phải cất cao giọng với Ngài, kêu lên Ngài. Anh chị em hãy nghe rõ điều này : cần phải kêu lên Ngài. Lời cầu nguyện, rất thường, là một tiếng kêu : « Lạy Chúa, xin cứu con ! ». Tôi xem chương trình « A sua immagine », hôm nay, Ngày Tỵ nạn…tất cả những người ở trên thuyền đều kêu lên vào lúc đắm chìm : « Cứu chúng tôi với ! ». Trong đời sống của chúng ta, cũng diễn ra điều tương tự : « Lạy Chúa, xin cứu chúng con ! », và lời cầu nguyện trở thành một tiếng kêu.
Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi : đâu là những cơn gió đổ xuống đời tôi, đâu là những cơn sóng cản trở việc đi lại của tôi và làm cho đời sống thiêng liêng của tôi, đời sống gia đình của tôi, ngay cả đời sống tâm lý của tôi lâm nguy ? Chúng ta hãy nói tất cả điều đó cho Chúa Giêsu, kể cho Ngài tất cả. Ngài muốn điều đó, Ngài muốn chúng ta đến gần Ngài để tìm thấy nơi nương náu trước những cơn sóng thần của cuộc đời. Tin Mừng kể rằng các môn đệ đến gần Chúa Giêsu, đánh thức Ngài và nói với Ngài (x.c.38). Đó là khởi đầu của đức tin của chúng ta : nhìn nhận rằng chỉ mình chúng ta thì không thể hết khó khăn bế tắc, rằng chúng ta cần Chúa Giêsu như các thủy thủ cần các vì sao để tìm thấy đường đi. Đức tin bắt đầu bằng việc tin rằng tự bản thân chúng ta là không đủ, bằng việc cảm thấy rằng chúng ta cần Thiên Chúa. Khi chúng ta chiến thắng cám dỗ khép kín nơi chính mình, khi chúng ta vượt qua lòng sùng kính sai lệch không muốn quấy rầy Thiên Chúa, khi chúng ta kêu lên Ngài, thì Ngài có thể làm những điều kỳ diệu nơi chúng ta. Chính sức mạnh khiêm tốn và phi thường của lời cầu nguyện thực hiện những phép lạ.
Được các môn đệ kêu cầu, Chúa Giêsu đã làm cho sóng gió yên lặng. Và Ngài đã đặt ra một câu hỏi cho họ, câu hỏi cũng liên quan đến chúng ta : « Sao các con sợ hãi thế? Các con vẫn chưa có lòng tin sao?» (c. 40). Các môn đệ đã sợ hãi, bởi vì họ vẫn còn dán mắt vào những cơn sóng hơn là nhìn về Chúa Giêsu. Và nỗi sợ hãi dẫn chúng ta đến chỗ nhìn vào những khó khăn, những vấn đề xấu xa hơn là nhìn vào Chúa, Đấng thường đang ngủ. Đối với chúng ta cũng thế : bao nhiêu lần chúng ta còn phải sửa chữa các vấn đề hơn là đi đến với Chúa và ném những nỗi lo lắng của chúng ta cho Ngài ! Bao nhiêu lần chúng ta để Chúa nơi một góc nhà, ở đáy con thuyền cuộc đời chúng ta, để chỉ đánh thức Ngài vào lúc chúng ta cần Ngài ! Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin ơn đức tin không biết mệt mỏi tìm kiếm Chúa, không biết mệt mỏi gõ cửa Trái Tim của Ngài !
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà trong đời sống đã không bao giờ ngưng tin tưởng vào Thiên Chúa, khơi dậy nơi chúng ta nhu cầu sống còn là phó thác cho Ngài mỗi ngày.
Tý Linh chuyển ngữ
(theo ZENIT; hình ảnh: vatican.va))
Angélus : au lieu de fixer les problèmes ? « Déranger Dieu »
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025