BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 14 TN B CỦA ĐỨC PHANXICÔ : ĐỂ ĐỨC TIN KHÔNG PHẢI LÀ « MỘT THÓI QUEN XÃ HỘI »
« Không có ngạc nhiên, thì đức tin trở thành một thứ kinh cầu chán ngấy, dần dần tàn lụi và trở thành một thói quen, một thói quen xã hội », Đức Thánh Cha cảnh giác các Kitô hữu trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật ngày 4/7/2021, với bài suy niệm qua đó Đức Thánh Cha lưu ý sự khác biệt giữa “biết” Chúa Giêsu bằng thói quen và “nhận biết” Ngài bằng đức tin ngạc nhiên đích thực.
Quả thế, Đức Thánh Cha nhắc nhở : « Như những người đồng hương với Chúa Giêsu, chúng ta có nguy cơ không nhận biết Ngài khi Ngài đi ngang qua. Tôi nói lại câu nói rất hay của thánh Augustinô : « Tôi sợ Thiên Chúa, sợ Chúa, khi Ngài đi ngang qua ». Nhưng thánh Augustinô, tại sao ngài sợ ? « Tôi sợ không nhận biết Ngài. Tôi sợ Chúa khi Ngài đi ngang qua. Timeo Dominum transeuntem ». Chúng ta không nhận biết ngài, chúng ta vấp phạm vì Ngài. Chúng ta hãy tự hỏi tâm hồn chúng ta như thế nào trong mối tương quan với thực tế này ».
Ngài cũng cảnh giác « khi chúng ta để cho sự thoải mái của thói quen và sự độc tài của những thành kiến thắng thế » và cám dỗ tìm cách « trong cuộc sống, nơi những kinh nghiệm và ngay cả nơi những con người, … củng cố các ý tưởng và sơ đồ của chúng ta, để không bao giờ phải cố gắng thay đổi ».
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Tin Mừng Chúa Nhật này (Mc 6, 1-6) tường thuật cho chúng ta về sự thiếu lòng tin của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Sau khi rao giảng nơi các làng khác của Galilê, Ngài trở về Nadarét, nơi Ngài đã lớn lên cùng với Đức Maria và thánh Giuse ; và, vào một ngày thứ Bảy, Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Khi nghe Ngài, nhiều người tự hỏi : « Bởi đâu ông ta được khôn ngoan như thế…Ông không phải là con của bác thợ mộc và bà Maria, những người láng giềng của chúng ta, mà chúng ta biết rõ sao ? (x. cc. 1-3). Đứng trước phản ứng này, Chúa Giêsu khẳng định một chân lý vốn đã trở thành sự khôn ngoan dân gian : « Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi » (c.4). Chúng ta thường nói thế.
Chúng ta hãy dừng lại ở thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói rằng họ biết Chúa Giêsu, nhưng họ không nhận biết Ngài. Có một sự khác biệt giữa biết và nhận biết. Quả thế, sự khác biệt này cho chúng ta hiểu rằng chúng ta có thể biết những điều khác nhau về một người, có thể biến chúng thành một ý tưởng cho mình, có thể tin vào những gì người khác nói về họ, có lẽ đôi khi gặp họ nơi khu phố, nhưng tất cả đó đều không đủ. Đó là một sự hiểu biết hời hợt, mà không nhận biết được điều độc đáo nơi người này. Đó là nguy cơ mà tất cả chúng ta đều gặp phải : chúng ta nghĩ là biết nhiều về một người, và tệ nhất, đó là chúng ta gắn nhãn cho người đó và khép kín người đó trong các thành kiến của chúng ta. Cũng thế, những người đồng hương với Chúa Giêsu biết Ngài từ ba mươi năm và nghĩ là biết tất cả về Ngài. « Nhưng ông không phải là anh chàng chúng ta đã thấy lớn lên, con của bác thợ mộc và bà Maria sao ? Nhưng bởi đâu ông ta được như thế ? » Sự ngờ vực. Trên thực tế, họ không bao giờ nhận ra Ngài thực sự là ai. Họ dừng lại ở vẻ bề ngoài và khước từ sự mới mẻ của Chúa Giêsu.
Và ở đây chúng ta chạm đến nút thắt của vấn đề : khi chúng ta để cho sự thoải mái của thói quen và sự độc tài của những thành kiến thắng thế, thì thật khó để mở ra cho sự mới mẻ và để cho mình ngạc nhiên. Chúng ta kiểm soát, bằng thói quen, bằng những thành kiến. Cuối cùng, trong cuộc sống, nơi những kinh nghiệm và ngay cả nơi những con người, chúng ta thường tìm cách củng cố các ý tưởng và sơ đồ của chúng ta, để không bao giờ phải cố gắng thay đổi. Điều đó cũng có thể xảy ra cho chúng ta với Thiên Chúa, chúng ta những tín hữu nghĩ rằng biết Chúa Giêsu, đã biết nhiều về Ngài, và chỉ lặp đi lặp lại mãi cùng những điều đó là đủ. Với Thiên Chúa, điều đó là không đủ. Không mở ra cho sự mới mẻ và nhất là – anh chị em hãy nghe rõ – cho những điều ngạc nhiên bất ngờ của Thiên Chúa, không có ngạc nhiên, thì đức tin trở thành một thứ kinh cầu chán ngấy, dần dần tàn lụi và trở thành một thói quen, một thói quen xã hội. Tôi đã nói một từ : ngạc nhiên. Ngạc nhiên là gì ? Ngạc nhiên là những gì xảy ra trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa : « Tôi đã gặp Chúa ». Chúng ta hãy đọc Tin Mừng : rất thường, những người gặp Chúa Giêsu và nhận biết Ngài, đều cảm thấy ngạc nhiên. Và chúng ta, trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, chúng ta phải đi theo con đường này : cảm thấy ngạc nhiên. Đó là như chứng nhận bảo đảm rằng cuộc gặp gỡ này là đích thật, nó không phải là lối mòn thói quen.
Cuối cùng, tại sao những người đồng hương với Chúa Giêsu không nhận biết Ngài và không tin vào Ngài ? Đâu là lý do ? Nói tóm lại, chúng ta có thể nói rằng họ không chấp nhận cớ vấp phạm của mầu nhiệm Nhập Thể. Họ không biết mầu nhiệm Nhập Thể này, nhưng họ không chấp nhận mầu nhiệm. Họ không biết Ngài, nhưng lý do là vô thức, họ cảm thấy rằng thật là vấp phạm khi sự bao la của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi sự nhỏ bé của thân xác chúng ta, khi Con Thiên Chúa lại là con của bác thợ mộc, khi thần tính ẩn giấu nơi nhân tính, khi Thiên Chúa cư ngụ nơi khuôn mặt, lời nói, cử chỉ của một con người bình thường. Đó là cớ vấp phạm : sự nhập thể của Thiên Chúa, sự kiện Ngài trở nên cụ thể, « đời thường » của Ngài. Và Thiên Chúa đã trở nên cụ thể nơi một con người, là Đức Giêsu thành Nadarét, Ngài đã trở thành bạn đường, đã trở thành một người trong chúng ta. « Chúa là một người trong chúng con » : hãy thưa với Chúa Giêsu như thế, đó là một lời cầu nguyện đẹp ! Và bởi vì Ngài là một người trong chúng ta, nên Ngài hiểu chúng ta, Ngài đồng hành với chúng ta, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta biết bao. Trên thực tế, thật đơn giản hơn khi có một thiên chúa trừu tượng và xa vời, không can thiệp vào các hoàn cảnh và chấp nhận một đức tin xa rời với cuộc sống, với các vấn đề, với xã hội. Hoặc là chung ta thích tin vào một vị thiên chúa « với những hiệu ứng đặc biệt », chỉ làm những điều phi thường và luôn mang lại những cảm xúc lớn lao. Anh chị em thân mến, trái lại, Thiên Chúa đã nhập thể : Thiên Chúa trở nên khiêm tốn, Thiên Chúa trở nên dịu dàng, Thiên Chúa ẩn mình, Ngài trở nên gần gũi chúng ta bằng cách sống cuộc sống thường ngày bình thường của chúng ta. Và như thế, như những người đồng hương với Chúa Giêsu, chúng ta có nguy cơ không nhận biết Ngài khi Ngài đi ngang qua. Tôi nói lại câu nói rất hay của thánh Augustinô : « Tôi sợ Thiên Chúa, sợ Chúa, khi Ngài đi ngang qua ». Nhưng thánh Augustinô, tại sao ngài sợ ? « Tôi sợ không nhận biết Ngài. Tôi sợ Chúa khi Ngài đi ngang qua. Timeo Dominum transeuntem ». Chúng ta không nhận biết ngài, chúng ta vấp phạm vì Ngài. Chúng ta hãy tự hỏi tâm hồn chúng ta như thế nào trong mối tương quan với thực tế này ?
Hôm nay, trong lời cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã đón nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa trong đời thường ở Nadarét, để có đôi mặt và trái tim được giải thoát khỏi những thành kiến và mở ra cho sự ngạc nhiên : « Lạy Chúa, ước gì con gặp được Chúa ! » Và khi chúng ta gặp được Chúa, thì có sự ngạc nhiên này. Chúng ta gặp được Chúa trong đời thường : đôi mắt mở ra cho sự ngạc nhiên bất ngờ của Thiên Chúa, cho sự hiện diện khiêm tốn và ẩn giấu của Ngài nơi cuộc sống mỗi ngày.
Tý Linh chuyển ngữ
(theo ZENIT)
Angélus : pour que la foi ne soit pas « une habitude sociale »
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG