SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2013 CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐÍCTÔ XVI
Tin trong đức ái khơi dậy lòng bác ái
« Chúng ta đã nhận biết và chúng ta đã tin rằng tình yêu của Thiên Chúa ở giữa chúng ta » (1 Ga 4, 16)
Anh chị em thân mến,
Việc cử hành Mùa Chay, trong khung cảnh của Năm Đức Tin, mang lại cho chúng ta một cơ hội quý giá để suy tư về mối tương quan giữa đức tin và đức ái: giữa sự kiện tin vào Thiên Chúa, trong Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, và tình yêu vốn là hoa trái của hoạt động của Chúa Thánh Thần và dẫn dắt chúng ta trên con đường thánh hiến cho Thiên Chúa và tha nhân.
1. Đức tin như là lời đáp trả tình yêu của Thiên Chúa.
Trong Thông điệp đầu tiên của tôi, tôi đã đưa ra một vài yếu tố để nắm bắt mối tương quan chặt chẽ giữa hai nhân đức đối thần này: đức tin và đức ái. Khi khởi đi từ lời khẳng định căn bản của thánh Gioan Tông đồ: “Chúng ta đã nhận biết và chúng ta đã tin rằng tình yêu của Thiên Chúa ở giữa chúng ta” (1Ga 4,16), tôi đã nhắc lại rằng “ở khởi thủy của sự kiện là Kitô hữu, không có một quyết định đạo đức hay một ý tưởng lớn lao, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, với một Ngôi Vị, Đấng mang lại cho cuộc sống một chân trời mới và qua đó định hướng quyết định của nó…Như Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước (x. 1Ga 4,10), tình yêu không còn chỉ là “một giới răn”, nhưng là lời đáp trả ân huệ tình yêu qua đó Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta” (Deus caritas est, số 1). Đức tin là sự gắn bó cá nhân – bao hàm tất cả các năng lực của chúng ta – với mạc khải tình yêu nhưng không và “say mê” mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và được biểu lộ trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô; cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Tình Yêu chất vấn không chỉ tâm hồn, nhưng cả tâm trí: “Sự nhìn nhận Thiên Chúa hằng sống là con đường hướng đến tình yêu, và tiếng “xin vâng” của ý muốn của chúng ta với ý muốn của Ngài kết hiệp trí khôn, ý chí và tình cảm trong hành vi trọn vẹn của tình yêu. Thế nhưng, tiến trình này vẫn luôn chuyển động: tình yêu không bao giờ “hoàn tất” hay dư đủ” (ibid., số 17). Từ đó phát sinh đối với mọi Kitô hữu, và cách riêng, đối với “những ai dấn thân trong việc phục vụ bác ái”, sự cần thiết của đức tin, của “việc gặp gỡ với Thiên Chúa trong Chúa Kitô, Đấng khơi lên nơi họ tình yêu và mở tâm trí họ ra cho tha nhân, đến độ, có thể nói, tình yêu tha nhân của họ không còn bị áp đặt từ bên ngoài, nhưng là một hệ quả phát xuất từ đức tin, vốn trở nên hành động trong đức ái” (ibid., số 31a). Kitô hữu là một người được tình yêu Chúa Kitô chinh phục và do đó, trưởng thành nhờ tình yêu này – “caritas Christi urget nos” (“Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi”) (2Cr 5,14) – , cách cụ thể và sâu xa, họ mở ra cho tình yêu đối với tha nhân (x.ibid., số 33). Trước tiên, thái độ này nảy sinh từ ý thức mình được yêu mến, được tha thứ, và ngay cả được Chúa phục vụ, Đấng hạ mình để rửa chân cho các Tông đồ và hiến dâng chính mình trên thập giá để lôi kéo nhân loại vào trong tình yêu của Thiên Chúa.
“Đức tin cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã ban Con của Ngài vì chúng ta và do đó khơi lên trong chúng ta niềm xác tín hân hoan rằng lời khẳng định này là đích thực: Thiên Chúa là Tình Yêu…Đức tin, vốn ý thức về tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải nơi trái tim đâm thâu của Chúa Giêsu trên thập giá, đến lượt nó khơi lên tình yêu. Nó là ánh sáng – trên thực tế là ánh sáng độc nhất – không ngừng tiếp tục chiếu sáng một thế giới trong bóng tối và ban cho chúng ta lòng can đảm sống và hành động” (ibid., số 39). Tất cả điều đó làm cho chúng ta hiểu rằng thái độ chính yếu để phân biệt các Kitô hữu, đó chính là “tình yêu được xây dựng trên đức tin và được đức tin uốn nắn” (ibid., số 7).
2. Đức ái như là đời sống trong đức tin.
Tất cả cuộc sống của người Kitô hữu là một lời đáp trả tình yêu của Thiên Chúa. Lời đáp trả đầu tiên chính là đức tin như là sự đón nhận, đầy lòng thán phục và biết ơn, một sáng kiến thần linh lạ lùng đi trước chúng ta và chất vấn chúng ta. Và tiếng “xin vâng” của đức tin đánh dấu bước đầu của một lịch sử sáng lạng về tình bằng hữu với Chúa, Đấng đổ đầy và ban ý nghĩa tròn đầy cho tất cả cuộc sống của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa không bằng lòng với việc chúng ta đón nhận tình yêu nhưng không của Ngài. Ngài không giới hạn vào việc yêu thương chúng ta, nhưng Ngài muốn lôi kéo chúng ta đến với Ngài, biến đổi chúng ta cách sâu xa đến độ chúng ta có thể nói với thánh Phaolô: không còn là tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi (x.Gl 2,20).
Khi chúng ta dành chỗ cho tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta trở nên giống với Ngài, chúng ta thuộc về chính tình yêu của Ngài. Mở ra cho tình yêu của Ngài có nghĩa là để Ngài sống trong chúng ta, và dẫn đưa chúng ta đến chỗ yêu mến với Ngài, trong Ngài và như Ngài; chỉ như thế mà đức tin của chúng ta thực sự trở nên hành động nhờ đức ái (x. Gl 5,6) và Ngài ở lại trong chúng ta (x. 1Ga 4,12).
Đức tin, đó là nhận biết chân lý và gắn bó với chân lý (x. 1Tm 2,4); đức ái, đó là “bước đi” trong chân lý (x. Ep 4,15). Với đức tin, chúng ta bước vào tình bằng hữu với Chúa; với đức ái, chúng ta sống và vun đắp tình bằng hữu này (x. Ga 15, 14tt). Đức tin làm cho chúng ta đón nhận giới răn của Chúa và là Thầy; đức ái ban cho chúng ta diễm phúc thực hành giới răn (x. Ga 13,13-17). Trong đức tin, chúng ta được sinh ra như những người con của Thiên Chúa (x. Ga 1, 12tt); đức ái giúp chúng ta kiên trì cách cụ thể trong mối liên hệ con thảo với Thiên Chúa bằng việc mang lại hoa trái của Thánh Thần (x. Gl 5, 22). Đức tin giúp chúng ta nhận biết những ân huệ mà Thiên Chúa nhân lành và quảng đại trao ban cho chúng ta; đức ái làm cho chúng trổ sinh hoa trái (x. Mt 25, 14-30).
3. Mối liên hệ bất khả phân ly giữa đức tin và đức ái.
Dưới ánh sáng của những gì đã được nói, rõ ràng rằng chúng ta không bao giờ có thể tách rời, thậm chí là đối lập, đức tin và đức ái. Hai nhân đức đối thần này được gắn kết mật thiết với nhau và thật sai lầm khi nhìn thấy giữa chúng một sự đối lập hay là một “sự biện chứng”. Quả thế, một mặt, có thái độ rất hạn hẹp của những người vốn mãnh liệt nhấn mạnh đến sự ưu tiên và đặc tính quyết định của đức tin đến độ đánh giá thấp và hầu như coi thường những việc làm bác ái cụ thể của đức tin và giảm thiểu đức ái thành một hành vi nhân đạo chung chung. Nhưng, mặt khác, cũng hoàn toàn rất hạn hẹp khi chủ trương một sự trổi vượt phóng đại của đức ái và hoạt động của nó, nghĩ rằng những việc làm thay thế đức tin. Để có một đời sống thiêng liêng lành mạnh, điều cần thiết là tránh xa não trạng duy tín cũng như não trạng duy hoạt động luân lý.
Đời sống Kitô hữu hệ tại ở việc liên lỉ lên núi gặp gỡ với Thiên Chúa để tiếp đến lại xuống núi, mang tình yêu và sức mạnh phát sinh từ đó, để phục vụ anh chị em của chúng ta bằng chính tình yêu như Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng sự nhiệt thành của các Tông đồ đối với việc loan báo Tin Mừng mà đức tin khơi lên, được liên kết chặt chẽ với việc quan tâm bác ái phục vụ đối với người nghèo (x. Cv 6,1-4). Trong Giáo Hội, sự chiêm niệm và hành động, vốn được biểu tượng cách nào đó bằng những hình ảnh của hai chị em Maria và Mátta trong Tin Mừng, phải đồng tồn tại và sáp nhập vào nhau (x. Lc 10, 38-42). Tính ưu tiên luôn dành cho mối tương quan với Thiên Chúa và sự chia sẻ có tính Tin Mừng đích thực phải bén rễ trong đức tin (x. Bài giáo lý dịp Tiếp kiến chung ngày 25/04/2012). Quả thế, đôi khi, người ta có khuynh hướng giảm thiểu từ ngữ “bác ái” thành liên đới hay chỉ là một sự trợ giúp nhân đạo. Trái lại, điều quan trọng cần phải nhắc lại rằng công trình bác ái lớn lao nhất chính là việc Phúc Âm hóa, tức là việc “phục vụ Lời Chúa”. Không có hành động nào ích lợi, và do đó bác ái, đối với tha nhân hơn là việc bẻ bánh Lời Thiên Chúa, giúp họ tham dự vào Tin Mừng của Phúc Âm, dẫn họ vào tương quan với Thiên Chúa: việc Phúc Âm hóa là việc thăng tiến nhân vị cao cả nhất và đầy đủ nhất. Như Tôi Tớ Chúa là Đức Phaolô VI đã viết trong Thông điệp Populorum progressio, nhân tố phát triển đầu tiên và chính yếu là việc loan báo Chúa Kitô (x. số 16). Chính chân lý nguyên thủy của tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, được sống và được loan báo, mở cuộc sống chúng ta ra đón nhận tình yêu này và làm cho khả thể việc phát triển toàn diện con người và mọi người (x. Caritas in veritate, số 8).
Tóm lại, tất cả khởi đi từ Tình Yêu và vươn tới Tình Yêu. Tình yêu nhưng không của Thiên Chúa được thông ban cho chúng ta xuyên qua việc loan báo Tin Mừng. Nếu chúng ta đón nhận bằng đức tin, thì chúng ta sẽ lãnh nhận sự tiếp xúc đầu tiên và cần thiết này với vị Thiên Chúa có khả năng làm cho chúng ta “yêu mến Tình Yêu”, để tiếp đến ở lại và tăng trưởng trong Tình Yêu này và hân hoan thông truyền Tình Yêu này cho người khác.
Liên quan đến mối tương quan giữa đức tin và những việc bác ái, một kiểu nói của Thư thánh Phaolô gởi cho tín hữu Êphêsô có lẽ tóm tắt mối tương liên của chúng theo cách tốt nhất: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (2,8-10). Ở đây, chúng ta nhận thấy rằng tất cả sáng kiến cứu độ đến từ Thiên Chúa, từ Ân sủng của Ngài, từ ơn tha thứ của Ngài được đón nhận trong đức tin; nhưng sáng kiến này, không hề hạn chế tự do và trách nhiệm của chúng ta, nhưng làm cho chúng đích thực hơn và định hướng chúng đến những việc làm bác ái. Những việc bác ái này không phải chủ yếu là hoa trái của nỗ lực của con người, để lấy làm tự hào về điều đó, nhưng nảy sinh từ chính đức tin, chúng vọt lên từ Ân sủng mà Thiên Chúa ban tặng cách dồi dào. Một đức tin không việc làm thì như một cái cây không có trái: hai nhân đức này đan quyện vào nhau. Với những chỉ dẫn truyền thống cho đời sống Kitô hữu, Mùa Chay thực sự mời gọi chúng ta nuôi duỡng đức tin xuyên qua việc lắng nghe Lời Chúa cách chăm chú và liên tục hơn và xuyên qua việc tham dự vào các Bí tích, và, đồng thời, tăng trưởng trong đức ái, trong tình yêu Thiên Chúa và đối với tha nhân, cũng xuyên qua những chỉ dẫn cụ thể của việc ăn chay, sám hối và bố thí.
4. Tính ưu tiên của đức tin, tính trổi vượt của đức ái.
Như mọi ân huệ của Thiên Chúa, đức tin và đức ái tái dẫn đến hành động của cùng một Thánh Thần duy nhất (x. 1Cr 13), Thánh Thần này kêu lên trong chúng ta “Abba! Cha ơi” (Gl 4,6), và làm cho chúng ta thưa lên: “Đức Giêsu là Chúa” (1Cr 12,3) và “Maranatha!” (1Cr 16,22; Kh 22,20).
Đức tin, ân huệ và lời đáp trả, giúp chúng ta nhận biết chân lý của Chúa Kitô như là Tình Yêu nhập thể và chịu đóng đinh, như là sự gắn bó trọn vẹn và hoàn hảo với thánh ý của Cha và như là lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với tha nhân; đức tin làm bén rễ trong tâm hồn và trong tâm trí niềm xác tín chắc chắn rằng chính Tình Yêu này là thực tại vinh thắng duy nhất trên sự dữ và cái chết. Đức tin mời gọi chúng ta nhìn về tương lai với nhân đức hy vọng, trong sự chờ đợi tin tưởng rằng chiến thắng của tình yêu của Chúa Kitô sẽ đạt tới sự trọn vẹn của nó. Về phần mình, đức ái giúp chúng ta bước vào trong tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trong Chúa Kitô, giúp chúng ta gắn bó cách cá nhân và hiện sinh với sự trao hiến hoàn toàn chính mình của Chúa Giêsu cho Chúa Cha và cho anh chị em của chúng ta. Khi truyền đức ái vào trong chúng ta, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta tham dự vào chính việc trao ban của Chúa Giêsu: tình con thảo với Thiên Chúa và tình huynh đệ với mỗi người (x. Rm 5,5).
Mối tương quan giữa hai nhân đức này giống với mối tương quan giữa hai Bí tích nền tảng của Giáo Hội: Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh Thể. Bí tích Rửa tội (sacramentum fidei/Bí tích đức tin) đi trước Bí tích Thánh Thể (sacramentum caritatis/Bí tích đức ái), nhưng nó được định hướng đến Bí tích Thánh Thể, vốn là sự tròn đầy của hành trình Kitô hữu. Cách tương tự, đức tin đi trước đức ái, nhưng chỉ tỏ ra đích thực nếu nó được hoàn thành bởi đức ái. Tất cả khởi đi từ việc khiêm tốn đón nhận đức tin (« biết mình được Thiên Chúa yêu thương »), nhưng phải đạt tới chân lý của đức ái (« biết yêu mến Thiên Chúa và tha nhân »), vốn muôn đời vẫn tồn tại, như là sự hoàn thành mọi nhân đức (x. 1Cr 13,13).
Anh chị em thân mến, trong thời gian Mùa Chay này, trong đó chúng ta chuẩn bị cử hành biến cố Thập giá và Phục Sinh, qua đó Tình Yêu của Thiên Chúa đã cứu chuộc thế gian và đã chiếu sáng lịch sử, tôi cầu chúc hết thảy anh chị em sống thời gian quý báu này bằng việc làm mới lại đức tin của anh chị em vào Chúa Giêsu Kitô, để bước vào trong hành trình yêu thương của Ngài đối với Cha và đối với mỗi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống của chúng ta. Với mục đích này, tôi dâng lời cầu nguyện của tôi lên Thiên Chúa, đồng thời khấn xin Phúc lành của Chúa xuống trên mỗi người và mỗi cộng đoàn !
Vatican, ngày 15 tháng Mười năm 2012
BENEDICTUS XVI, Mục tử của các mục tử
Tý Linh chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp
Tags: bác ái-liên đới, Bênêđíctô XVI, Mùa-Chay, Năm-đức-tin
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM RÔMA
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO