VỀ VIỆC SỬ DỤNG BÀI HÁT “CHÚA CHĂN NUÔI TÔI” CỦA NHẠC SĨ PHANXICÔ LÀM THÁNH VỊNH ĐÁP CA
Nhiều lần, khi tham dự các thánh lễ an táng, hay cầu cho người qua đời, chúng tôi nhận thấy ở khá nhiều nơi, người ta sử dụng bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô trong phần Thánh vịnh đáp ca. Bài hát có giai điệu khá hay, nhưng lời bài hát chỉ lấy một số ý từ Tv 23 (22), chứ không phải chính bản văn Lời Chúa, nên không thể sử dụng làm Thánh vịnh đáp ca. Khi có dịp thuận tiện, tôi thường nhắc nhở những người chọn bài hát, các chủng sinh và nữ tu, về việc này. Tuy nhiên, tôi thấy cần phải trình bày vấn đề này ở phạm vi rộng rãi hơn để tránh những sai sót không đáng có trong các cuộc cử hành phụng vụ.
Một số những qui định phụng vụ
Bài Thánh vịnh đáp ca được xác định là một thành phần trong phụng vụ Lời Chúa. Quy chế tổng quát sách lễ Rôma, ở số 57, đưa ra hướng như sau:
“Trong các bài đọc, bàn tiệc lời Chúa được dọn ra cho các tín hữu và các kho tàng Thánh Kinh được mở ra cho họ. Bởi thế, nên giữ thứ tự các bài đọc Thánh Kinh để cho người ta thấy rõ sự thống nhất của cả hai giao ước và lịch sử cứu độ, cũng không được phép thay thế các bài đọc và thánh vịnh đáp ca vốn chứa đựng lời Chúa, bằng các bản văn khác ngoài Thánh Kinh.”
Sau đó, cũng Quy chế trên đây hướng dẫn cụ thể hơn về Thánh vịnh đáp ca, ở số 61:
“Sau bài đọc thứ nhất là thánh vịnh đáp ca, bài ca này là thành phần trọn vẹn của phụng vụ lời Chúa và rất quan trọng về mặt phụng vụ và mục vụ, vì giúp suy niệm lời Chúa. Thánh vịnh đáp ca phải thích hợp với mỗi bài đọc và thường phải lấy từ Sách Bài đọc.”
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm được thắc mắc của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà về vấn đề này, với tư cách là Giám mục phụ trách Uỷ ban thánh nhạc toàn quốc, gửi cho Bộ Phụng tự và Kỉ luật bí tích ngày 10-11-2008. Câu trả lời liên quan đến lời văn Thánh vịnh đáp ca trong thư của Bộ nêu trên, ngày 3-2-2010, như sau:
“Về bản văn của các Thánh vịnh Đáp ca bằng tiếng Việt, Ngài có trình bày những khó khăn trong việc soạn các âm điệu vì tiếng Việt có tới sáu dấu, bởi vậy việc cho các dấu của ngôn ngữ hòa hợp với các nốt nhạc qủa rất khó. Bộ hiểu nỗi khó khăn này, nhưng đồng thời, Bộ cũng tin tưởng rằng Ủy ban Thánh Nhạc thuộc Hội đồng Giám mục sẽ tìm ra những giải đáp thỏa đáng để có được những âm điệu hay và xứng hợp cho các bản văn này (xin xem Huấn dụ De Liturgia Romana et Inculturatione [Về Phụng vụ Roma và việc Hội nhập văn hóa, 25 /01/ 2004, số 40).
Nếu mỗi âm điệu đều đòi hỏi phải sửa đổi đôi chút bản văn, cho dù là những lời rất đơn giản, thì tình trạng của các bản văn phụng vụ chính thức này cuối cùng sẽ ra sao? Bản văn phụng vụ chắc chắn sẽ lộn xộn. Các nhạc sĩ công giáo Việt Nam khi được các Đức Giám mục yêu cầu sáng tác các âm điệu cho các bản văn phụng vụ, thì cũng được yêu cầu chấp nhận hy sinh cần thiết trong việc soạn các âm điệu theo các chuẩn mực của Giáo Hội liên quan đến vấn đề.”[1]
Như vậy, những qui tắc phụng vụ đều nhấn mạnh rằng Thánh vịnh đáp ca là một phần của phụng vụ Lời Chúa và nếu có dệt nhạc, bản văn phải được lấy từ Sách Bài Đọc.
Đối chiếu lời bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô
Ở đây, chúng tôi sẽ không tiến hành công việc đối chiếu theo kiểu hàn lâm, tức là so sánh lời bài hát với các bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Hípri hay tiếng Latinh. Chúng tôi sẽ đặt lời bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô bên cạnh bản dịch Sách Bài Đọc được ấn hành năm 1973 và bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) để độc giả tiện so sánh.
Một vài nhận xét
Trước hết, khi đối chiếu các bản văn trên đây, độc giả có thể dễ dàng nhận ra rằng bản văn Sách Bài Đọc năm 1973 và bản văn CGKPV quả thực là hai bản dịch khác nhau của Tv 23, trong khi lời bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô rõ ràng không phải là bản dịch, mà chỉ được gợi hứng từ Thánh vịnh này. Nhạc sĩ đã lấy ra một số cách diễn tả và hình ảnh từ Tv 23 để dệt thành lời bài hát.
Theo những qui định đã được ghi nhận ở phần trên, nhận xét này khiến chúng tôi đi đến nhận xét thứ hai: Bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô không thể được dùng làm Thánh vịnh đáp ca, vì lời bài hát không phải bản văn Lời Chúa. Thiết tưởng việc dùng một bản văn của con người, dù bản văn đó được gợi hứng từ Lời Chúa, để thay thế Lời Chúa là một việc làm khó có thể biện minh và không thế chấp nhận được trong truyền thống phụng vụ của Hội Thánh công giáo.
Chúng tôi cũng ghi nhận rằng những người chọn bài hát có lẽ không chú ý đến những qui tắc phụng vụ, cũng không mấy quan tâm đến việc lời bài hát có phải là bản văn Lời Chúa hay không. Bài hát này được chọn làm Thánh vịnh đáp ca đơn giản vì người ta vẫn thường chọn những bài hát Chúa chăn nuôi tôi cho phần này trong thánh lễ. Hơn nữa, giai điệu bài hát của nhạc sĩ Phanxicô lại khá hay, những lời ca mượt mà hấp dẫn.
Do vậy, bài viết của chúng tôi chỉ muốn là một lời nhắc nhở để những ai có trách nhiệm chọn bài hát trong phụng vụ lưu ý, nhằm tránh những sai sót không đáng và không nên có. Tóm lại, bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô có thể được dùng vào những thời điểm khác trong phụng vụ, nhưng không thể dùng bài hát này làm Thánh vịnh đáp ca trong thánh lễ.
Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS
————————————————–
[1] Trích từ trang điện tử simonhoadalat.com, truy cập ngày 15-10-2021.
[2] Sách bài đọc trong Thánh lễ ngoại lịch, (Sài Gòn 1973), trang 236.
[3] Kinh Thánh ấn bản 2011, (Hà Nội 2011), trang 1145.
[4] Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, Tuyển tập thánh ca Laudato Si, (Thành phố Hồ Chí Minh 2018), trang 176-177.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- AD EXTRA, LÀM THẾ NÀO BIẾT TIN TỨC VÀ SUY TƯ VỀ SỨ MẠNG Ở CHÂU Á MỘT CÁCH SÂU XA HƠN
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾP TỤC HƯỚNG VỀ NGƯỜI DÂN VIỆT NAM ĐANG ĐAU KHỔ VÌ BÃO LŨ
- NGÀY 1 THÁNG CHÍN: NGÀY TÔN VINH QUYẾT ĐỊNH TẠO DỰNG CỦA THIÊN CHÚA
- SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO TẠI CHÂU Á, MỘT CUỘC HỘI NHẬP VĂN HÓA THEO BƯỚC CHÂN CỦA CÁC CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC TIN
- ĐỨC PHANXICÔ NHẮC LẠI TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN PHỤNG VỤ TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
- GIÁO PHẬN HUẾ: LỄ ĐỨC MẸ LA VANG, BỔN MẠNG GIÁO PHẬN
- BÀI HÁT “TÌM KIẾM VỚI MẸ MARIA”
- CẦU NGUYỆN VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC
- TÔI LÀ CHIẾC BOOMERANG CỦA THIÊN CHÚA [1]
- MỘT LINH MỤC CÓ THỂ NÓI CHUYỆN CHÍNH TRỊ TRONG BÀI GIẢNG LỄ CỦA MÌNH KHÔNG?
- ĐỨC CHA ALLYS, TÔNG ĐỒ BẰNG SỰ CHỊU ĐỰNG
- THÁNH LỄ DƯỚI HÌNH THỨC NGOẠI THƯỜNG NGHĨA LÀ GÌ ?
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, QUYỀN TỰ DO CỦA GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM LÀ VÌ LỢI ÍCH CỦA XÃ HỘI
- VỀ ĐAN VIỆN ĐỨC BÀ AN NAM
- CÓ MỘT VỊ MỤC TỬ NHƯ THẾ !
- CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI, MỘT NGÀY THẾ GIỚI ĐƯỢC THÀNH LẬP CÁCH ĐÂY 60 NĂM TRONG BỐI CẢNH KHỦNG HOẢNG