CÓ PHẢI NGƯỜI GIÀU THỰC SỰ KHÓ VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA HƠN KHÔNG ?
Tin Mừng nhấn mạnh nguy cơ mà sự giàu có có thể tạo nên đối với ơn cứu độ của chúng ta. Và Tin Mừng cho chúng ta phương thuốc : tuân theo thánh ý của Thiên Chúa trong việc sử dụng sự giàu có này, tâm hồn chúng ta không dính bén để hướng nó đến công ích.
Thánh Kinh mô tả hoạt động kinh tế như là điều thiện hảo, trong khuôn khổ một nền kinh tế sở hữu và trao đổi, được nhìn nhận về phần bất bình đẳng của nó. Đặc biệt có nhiều đoạn trong các sách Tin Mừng chứa đựng những so sánh với đời sống kinh tế để giảng dạy những thực tại thiêng liêng. Điều đó đặc biệt ngụ ý rằng thực tại này và lôgíc đặc thù của nó được nhìn nhận là chính đáng. Chúng ta đặc biệt nhận thấy ý tưởng về sự tính toán hợp lý : sự đầu tư (Lc 14, 28-30 ; Mt 7, 24-27 ; Lc 13, 6-9 ; …) ; sự buôn bán giữa các tài sản (cánh đồng nơi tìm được kho báu – x. Mt 13, 44) ; đo lường tài sản theo giá cả (Mt 10, 29-30) ; sự sinh hoa kết quả (Mt 13,8 ; Mc 12,2) ; sự tích trữ (Mt 12, 35 ; Lc 12,21) ; tiền công (Ga 4,36 ; 10, 11-15) ; các khoản nợ phải trả (Mt 6, 12 ; 18, 29-30 ; Rm 13,7).
Tất cả điều này lấy lại các khía cạnh chính của tính toán kinh tế, vốn thuộc phận sự của chủ sở hữu tốt. Đặc biệt chúng ta hãy lưu ý đến lời khen ngợi về Người Mục Tử Nhân Lành, hiến mạng sống vì đàn chiên của mình (Ga 10, 11-15) : đó là bởi vì Người là chủ sở hữu, so với người làm công không quan tâm đến việc mạo hiểm mạng sống mình vì tính toán của họ giới hạn vào tiền công này.
Ai đã nhận được nhiều thì sẽ được đòi hỏi nhiều hơn
Những bất bình đẳng liên lỉ xuất hiện : về sở hữu, về khả năng, về vai trò giữa chủ và tớ, giữa chủ nợ và con nợ…. Nhưng hậu quả là người đã nhận được nhiều hơn thì sẽ được yêu cầu nhiều hơn. Một lời khuyến cáo mạnh mẽ là sử dụng cách thông minh của cải nhận được. Một ví dụ quan trọng được đưa ra qua dụ ngôn về các nén bạc (Mt 18,24 ; 25,14-30 ; Lc 19,12-27). Chủ yêu cầu các đầy tớ tính sổ về số tiền mà ông đã giao phó cho họ, ông thưởng cho kẻ đã làm cho nó sinh lợi, và trừng phạt kẻ đã chôn giấu nó. Một ví dụ khác về việc sử dụng thông minh của cải : người quản lý bất lương. Ông xóa nợ cho những con nợ của chủ để tạo ra cho mình một mạng lưới tình bạn sẽ giúp ích cho ông về sau. Ông chủ biết chuyện đã khen ngợi : không phải hành vi, nhưng là sự tính toán đúng đắn.
Điều đó không cản trở việc vượt lên trên sự tính toán, như ví dụ về những người thợ làm việc giờ thứ mười một cho thấy (Mt 20,1-16). Họ chỉ làm việc một giờ, nhưng được trả lương như những người đã làm việc cả ngày. Nhưng đối với những người làm việc cả ngày này, đó là những gì hợp đồng đã nói ; đối với những người chỉ làm một giờ, đó là một quà tặng của ông chủ. Ông nhắc nhở những người đầu tiên phản đối rằng họ đã nhận được phần phải trả của họ rồi, và ông làm những gì ông muốn với tài sản của ông. Và đặc biệt giúp ích – nếu ông cho là tốt.
Tương đối hóa của cải của mình
Nhưng ở giai đoạn thứ hai, Thánh Kinh đòi hỏi vượt quá viễn cảnh của thế giới này và tương đối hóa của cải của mình. Đó là một bước ngoặt quan trọng được đòi hỏi so với nền kinh tế của thế giới này. Cựu Ước cho thấy rằng sự giàu sang dẫn đến tội lỗi, kiêu căng và tham lam (chẳng hạn, Huấn ca 27,1 ; 31, 1-7). Nhiều bản văn loan báo sự trừng phạt đối với người giàu có xấu xa (x. 2 Samuen 12,1 ; 1 Vua 3,11 ; Tôbia 12, 8 ; Gióp 36,18 ; Thánh vịnh 62,10 ; Châm Ngôn 11,4-7 ;15,16,27,24, Giảng viên 5,12, Khôn Ngoan 7,8 ; Êdêkien 28,1-10…). Sự giàu có là một thiện ích thuộc trật tự thấp hơn, và tạm thời, mặc dù nó là một ân huệ của Chúa vốn cần phải biết ơn và sử dụng cách đúng đắn. Vả lại, người giàu có một bổn phận thiết yếu đối với người nghèo. Ai không lắng nghe người nghèo sẽ không được lắng nghe. Một số phương cách cho điều đó : trung thực với người nghèo mà người ta thuê làm ; sự rộng rãi với của cải ; cấm cho vay nặng lãi vốn khai thác sự yếu kém của người nghèo ; và nhất là bố thí là một bổn phận.
Trong các sách Tin Mừng, một bước ngoặt triệt để
Các sách Tin Mừng đòi hỏi chúng ta một sự thay đổi viễn cảnh triệt để, mà không bỏ tính hợp lý kinh tế. Điều đó là do bởi việc đặt các thực tại, tạm thời, của thế giới này, trong triển vọng, đối với các thực tại, vĩnh hằng, của thế giới khác. Trong trường hợp tốt nhất, tài sản của chúng ta vẫn còn, nhưng không phải chúng ta, vì chúng ta sẽ chết. Trái lại, tất cả những gì có thể được tích lũy nhắm đến thế giới bên kia sẽ giữ giá trị của nó cách vĩnh viễn. Và vì thế, tự giới hạn vào thế giới này sẽ luôn khiến chúng ta thất vọng ; đang khi trong thế giới bên kia Thiên Chúa sẽ không lừa dối chúng ta. Do đó, một thế hệ thống những ưu tiên được giới hạn vào thế giới này là không hợp lý về mặt kinh tế. Lý do cơ bản là chúng ta không phải là những gì chúng ta sở hữu. Trong thế giới bên kia, chúng ta mang theo những gì chúng ta là, các hành vi của chúng ta và cách thức mà chúng đã định hình chúng ta ; đó là thực tại bền vững duy nhất, trong đó sự đầu tư thực sự được thực hiện.
Hiểu lời nguyền rủa « người giàu » như thế nào?
Trong suốt Tin Mừng, có một sự lên án mạnh mẽ đối với “người giàu”. Chúng ta biết đến câu nói khủng khiếp rằng con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có được vào Nước Trời (Mt 19, 24). Ngay cả khi chúng ta thừa nhận rằng điều này không được hiểu theo nghĩa đen, thì việc lên án vẫn là thẳng thừng. Điều đó đã làm cho các môn đệ bối rối, vì họ tự hỏi ai sẽ được cứu. Chúng ta nhận thấy sự sáng suốt của họ, vì họ nghèo, nhưng họ đã hiểu rằng từ ngữ « giàu có » không chỉ áp dụng cho những người giàu, nhưng còn mở rộng cho bất kỳ sở hữu thỏa mãn nào. Lúc đó, Chúa Giêsu nói với họ rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được (Mt 19, 21-26).
Chúng ta cũng biết rằng khi nói với chàng thanh niên giàu có, Chúa Giêsu đã giải thích cho anh ta rằng một khi lề luật và luân lý được tôn trọng, nếu anh ta muốn trở nên hoàn thiện, thì anh ta phải từ bỏ tất cả của cải của mình, cho người nghèo, vì anh ta sẽ có một kho tàng ở trên trời. Những lời này đã làm cho chàng thanh niên có nhiều của cải buồn rầu (Mt 19,21-22 ; x. Lc 18,18-30). Một lần nữa, sự chọn lựa do đó tỏ ra triệt để. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy nhiều người giàu không bị đẩy đến việc từ bỏ này. Nicôđêmô (Ga 3,1) và Giuse ở Arimathia (Ga 19,38), những người có địa vị xã hội được đánh giá cao, không từ bỏ bất kỳ của cải nào. Ngay cả một Dakêu (Lc 19,2) đã xoay xở bỏ đi một nửa tài sản và hoàn trả lại gấp bốn số tiền bóc lột – điều này không kéo theo một sự cùng quẫn hoàn toàn. Thực ra, vấn đề được đặt ra cho chàng thanh niên là làm thế nào anh ta có thể nên thánh. Trong trường hợp của anh ta, điều đó đòi hỏi từ bỏ của cải mà anh ta đã gắn bó quá mức. Điều này xác nhận rằng có nhiều loại ơn gọi. Sự lên án mạnh mẽ chống lại người giàu nhắm đến những người xác định bản thân bằng chỉ sự giàu sang của mình (dù ít ỏi), những người mà việc tích trữ của họ là thuộc về thế gian này.
Không ai có thể làm tôi hai chủ
Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Tài (tiền bạc được nhân cách hóa) (Mt 6,24), vì chắc chắn họ sẽ yêu người này chứ không phải người kia. Vấn đề, đó là sự say mê với tiền bạc, mà cuối cùng coi nó như là ông chủ. Và các Mối Phúc nói với chúng ta : Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ (Mt 5,3). Đó là người đã hiểu rằng tài sản thực sự duy nhất là ở thế giới bên kia ; và « người giàu » là người đã không hiểu điều đó, và đã có phần thưởng của mình ở trần gian này. Ở đây, chúng ta gặp lại câu châm ngôn nổi tiếng : « Hãy trả cho Xê-Da những gì thuộc về Xê-Da, và cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa » (Mt 22, 15-22 hay Lc 20, 21-25). Ngoài chiều kích chính trị, câu nói này còn xuất hiện nhân dịp đồng xu có hình của Xê-Da. Vì thế, cần phải trả cho tầm quan trọng kinh tế những gì nó xứng đáng, trong phạm vi riêng của họ. Nhưng phạm vi này khác với phạm vi của Thiên Chúa, Đấng duy nhất phải là đối tượng của sự chú tâm đích thực của chúng ta, sự chú ý của tâm hồn.
Tiếng gọi thay đổi tùy theo các trường hợp nhưng tất cả chúng ta đều phải hoán cải nội tâm để hướng đến những của cải của đời sống vĩnh cữu, và trao ban cho anh chị em chúng ta. Theo nghĩa hiện hành, người giàu đặc biệt có nguy cơ cao là người giàu theo nghĩa lỗ kim. Việc từ bỏ hoàn toàn là con đường chắc chắn nhất, con đường của sự hoàn thiện khả thi, con đường của lý tưởng đan tu. Từ đó cũng có lời khuyến cáo của Tin Mừng đừng lo lắng về đời sống vật chất, kể cả việc ăn mặc (Mt 6, 25-34). Dĩ nhiên, đó không phải là nông nổi, vì như chúng ta đã thấy, tính hợp lý kinh tế vẫn còn, sự thận trọng và sự suy luận. Điều quan trọng, đó là tránh sự lo âu thái quá về những sự của thế gian này, vì nó cuối cùng sẽ thống trị chúng ta. Hơn nữa, thái độ của Tin Mừng không loại trừ phần thưởng vật chất từ thế giới này. Đó là những gì khiến cho, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu khuyến cáo họ cho đi cũng như lãnh nhận cách nhưng không, đừng mang theo tiền bạc, bao bị hay quần áo dự trữ ; nhưng nói ngay với họ rằng làm thợ thì đáng được lương thực của mình (Mt 10, 5-10) và đáng được trả công.
Làm điều thiện bằng cách cho người nghèo
Cần phải làm điều thiện, vì tình yêu Thiên Chúa, một cách vô vị lợi, bằng cách cho người nghèo. Khi Chúa Giêsu mô tả cuộc Phán xét cuối cùng (Mt 25,35-42), điểm trọng tâm mà Ngài khơi lên là sự giúp đỡ dành cho những người nghèo túng : « Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn… » Vì « những gì các ngươi đã làm cho người bé mọn nhất, đó là các ngươi đã làm cho chính Ta ». Cho người bé mọn nhất, nghĩa là cho người không thể đáp trả. Đừng mời những người giàu có, vì họ sẽ trả lại cho bạn ; trái lại, hãy mời những người nghèo túng, vì họ không thể trả lại cho bạn, và phần thưởng của bạn sẽ ở thế giới bên kia (x. Lc 14,12-14).
Trái lại, người nào không cho gì sẽ tự lên án mình. Đó là như trong dụ ngôn về Ladarô và ông nhà giàu xấu xa. Ông đã không cho người nghèo gì cả, ngay cả những mảnh vụn, và thấy mình bị sa hỏa ngục (Lc 16, 19-31). Ông nhà giàu này đã không sử dụng của cải để cho đi ; ông đã không « đầu tư » như ông phải làm. Tất nhiên, việc cho đi được đo lường bằng nỗ lực thực hiện, từ đó, sự thán phục của Chúa Giêsu đối với bà góa nghèo đã cho ba đồng xu vào Kho bạc của đền thờ ; bà đã cho hơn tất cả những người khác, vì bà đã không lấy của dư thừa mà cho, nhưng từ cái nuôi sống bà. (x. Lc 21,1-4). Nhưng hãy lưu ý : nếu một tặng vật được làm vì hư danh, thì nó có phần thưởng của mình trên trần gian này. Vì thế, nó không phải là một « sự đầu tư » cho người khác. Vả lại, mối quan tâm đến người nghèo không loại trừ mối quan tâm đến Thiên Chúa. Khi một nữ hối nhân xức nước hoa đắt tiền lên chân Chúa Giêsu, thì các môn đệ liền chỉ trích : lẽ ra người ta có thể bán nó, lấy tiền cho người nghèo. Chúa Giêsu khiển trách họ : cô ấy có lý vì « người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh anh ; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu » (Mt 26,11). Cách cụ thể, cũng cần phải dâng hiến cho Thiên Chúa và do đó cho Giáo hội của Ngài.
Mục đích phổ quát của của cải
Trên bình diện tập thể, học thuyết xã hội của Giáo hội biện minh cho quyền sở hữu, nhưng coi nó phụ thuộc vào mục đích phổ quát của của cải. Đó là những gì cuốn Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội giải thích (chương 4, III, đặc biệt số 176 tt. – đặc biệt trích dẫn thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII, vào năm 1891, và thông điệp Centesimus annus của Đức Gioan-Phaolô II, vào năm 1991, số 6 và 30). Đâu là những hệ quả của điều này trên bình diện tập thể ? Giáo hội lập luận như Thánh Kinh về một nền kinh tế dựa trên sáng kiến tự do. Và quyền tư hữu là điểm xuất phát thiết yếu của nó. Một cách quyết định, nó là một đảm bảo cho sự tự do, và đặt ra một tương quan trực tiếp của cá nhân với đối tượng vật chất, là hoa trái hay phương tiện của lao động. Đồng thời đó là một nhân tố hữu hiệu mạnh mẽ. Chúng ta đã thấy điều đó với vị Mục Tử Nhân Lành.
Quyền tư hữu là một trách nhiệm và nó không có nghĩa là chúng ta có quyền làm những gì chúng ta muốn về của cải đang nắm giữ. Những thứ được sở hữu là để sử dụng chung, và chính như thế mà chủ sở hữu nên sử dụng chúng. Dĩ nhiên, trước tiên tùy theo nhu cầu riêng của họ, vốn tùy thuộc vào địa vị của họ trong xã hội ; tiếp đến tùy theo người khác. Nhưng điều đó không biện minh cho một quyền sở hữu tập thể, hay việc trộm cắp, trừ khi có nhu cầu cấp bách. Quyền sở hữu là một trách nhiệm mà Thiên Chúa đã giao phó cho một người, theo những hình thái được xác định bởi luật lệ của con người, nhắm đến việc sử dụng phù hợp với công ích. Ngay khi mà người ấy vượt quá mức chi tiêu tương ứng với nhu cầu của mình, tùy theo địa vị và sự giáo dục của mình, thì người ấy phải đặc biệt quan tâm đến những người túng thiếu, hoặc để cho họ, hoặc để tạo ra những phương tiện bền vững cung cấp cho họ những nguồn lực này.
Chủ nghĩa bình đẳng không hiệu quả cũng không công bằng
Những cuộc tranh luận về sự bình đẳng thu nhập thường mắc lỗi vì một thứ chủ nghĩa bình đẳng phân phối, cuối cùng dửng dưng với các mục đích sau cùng của con người. Quả thực, mọi người đều có quyền được toàn thể các thiện ích như lương thực, nhà ở, quần áo, săn sóc y tế, tiếp cận giáo dục…., toàn thể để đổi lấy tình liên đới và lao động của mình. Từ đó, vấn đề của những người bị loại trừ, vốn bị tước đi những thiện ích này, và nhất là khả năng kiếm được chúng một cách đàng hoàng. Vì thế, họ được ưu tiên (đó là chọn lựa ưu tiên cho người nghèo). Nhưng đại đa số lại vượt quá ngưỡng cửa này.
Việc phân phối các thiện ích phải quan tâm đến công bằng trao đổi, đến khả năng tạo ra của cải tập thể, cũng như sự hài hòa của xã hội. Sự bình đẳng trong một đan viện là điều lôgíc và cần thiết bao nhiêu, vì chính sự không dính bén của cải được coi trọng ; thì chúng ta càng không thấy nền tảng luân lý nào cho sự bình đẳng tối đa trong xã hội bấy nhiêu. Ngay cả khi sự bất bình đẳng không được đạt tới những cân đối quá mức, vì những lý do quân bình xã hội rõ ràng và ngay cả khi chúng ta phải giữ một mục tiêu quan tâm lẫn nhau và coi trọng nhân vị như thế. Điều này làm chúng ta quan tâm đến những gì xã hội mang lại cho mỗi người, và những gì mỗi người mang lại cho những người khác. Nhưng điều đó không bao hàm một chuẩn mực bình đẳng.
Nếu ai đó đã tạo ra của cải thực sự, theo nghĩa rộng, thì tự nó là tốt và thật công bằng để công nhận của cải này cho người ấy : tiếp đến cần xem cách người đó sử dụng của cải. Chúng ta đã thấy rằng « người giàu » có một bổn phận to lớn đối với người khác. Đối với việc tiêu thụ cũng vậy. Tiền bạc không chỉ được biện minh bằng cách thức mà người ta kiếm được nó, nhưng còn bằng cách thức mà người ta chi tiêu nó. Một xã hội như chúng ta mà lãng phí tài nguyên của mình vào những điều tầm phào thì khó có thể được biện minh về mặt luân lý. Và sự lãng phí của người giàu theo nghĩa rộng, đang khi sự khốn khổ vẫn còn, vẫn không thể được biện minh về mặt luân lý ; cho dù họ đã đóng thuế, và cho dù thuế này là rất cao.
Sự thánh thiện chứ không phải sự giàu có
Cuối cùng, chúng ta phải tìm kiếm sự thánh hóa bản thân. Chúa Kitô khuyến cáo sự nghèo khó trong tâm hồn, có thể là sự từ bỏ tất cả của cải, ít nhất là trong tâm hồn. Làm thế nào điều đó có thể được dung hòa với đời sống kinh tế, rõ ràng được dựa trên sự tính toán và lợi ích, và do đó trên việc tìm kiếm của cải vật chất ? Nhưng mặt khác, nếu con người chết vì đói, thì đó không thể là ước muốn của Thiên Chúa được ; vì thế, của cải vật chất tự nó không xấu ; và kinh tế cũng không, với điều kiện nó nằm trong khuôn khổ bằng cách tùy thuộc vào viễn cảnh cao hơn, viễn cảnh của sự sống đời đời, và do đó của các đức tính cho đi và nghèo khó trong tâm hồn.
Của cải vật chất có thể là phương tiện cho những cám dỗ với những hậu quả tai hại, kể cả đối với những người không được xếp loại là người giàu. Của cải được ban cho chúng ta như là phương tiện, tự nó không xấu, nhưng làm cho chúng ta thường xuyên có nguy cơ quay lưng với những gì duy nhất thực sự có một ý nghĩa. Ngay cả khi nó đã được phân phối cách bình đẳng. Vì vấn đề không phải là xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian bằng hoạt động kinh tế của chúng ta, nhưng chuẩn bị trong chúng ta và cùng nhau một Vương quốc không thuộc về thế gian này, kể cả qua hoạt động vật chất của chúng ta.
Hoán cải đối với sự giàu sang
Đâu là con đường mà những người đang đối mặt với thực tại kinh tế, đặc biệt là những người có trách nhiệm lãnh đạo hoặc điều hành, phải theo ? Đối với họ, vấn đề không thể là đặt đời sống đức tin vào trong ngoặc đơn hay thậm chí giới hạn nó vào tình liên đới. Điều cần phải làm là một sự hoán cải theo nghĩa trọn vẹn của từ ngữ, với việc đặt vấn đề về các giá trị và những phong cách sống đang chi phối, do đó một chọn lựa sống nền tảng. Điều này đặc biệt ngụ ý, đối với chính mình, một sự phê phán triệt để tư tưởng và não trạng duy lợi. Chúng ta chỉ biến đổi thực tại vật chất bằng cách hoán cải sâu xa theo Chân Lý cốt yếu, được sứ điệp Tin Mừng nêu rõ (các Mối Phúc trong Mt 5,1-11 ; Lc 6,20-26).
Mục đích của hoạt động kinh tế không thể là lợi nhuận, sự lôi cuốn của tiền bạc hay tích lũy. Trái lại, việc xây dựng nền móng cho một hoạt động vốn sẽ mang lại một sản phẩm mới, sẽ cung cấp việc làm, sẽ tạo động lực cho cộng đồng, và tối thiểu sẽ gây dựng cho gia đình của mình…là điều tích cực, nếu điều đó phù hợp với tinh thần. Cũng thế, tiến bộ trong sự nghiệp, nếu nó không được thực hiện với sự kiêu ngạo, nhưng là như một cơ hội để làm nhiều hơn và tốt hơn. Kiếm được nhiều hơn thậm chí có thể có một ý nghĩa, nếu tiền bạc kiếm được một cách lương thiện, không có óc tích lũy, và nhất là nếu sự hiện diện của nó không chỉ có nghĩa thành công – theo nghĩa tốt của từ ngữ – trong những gì người ta đã thực hiện, nhưng còn là một cơ hội để biến nó thành điều gì đó trí tuệ hay hữu ích về mặt xã hội.
Ưu tiên là ở bổn phận bậc sống
Trong viễn cảnh Kitô giáo, rõ ràng là cần thiết khi dự kiến thời gian để giúp đỡ các hoạt động vì lợi ích chung ; cũng như đảm bảo rằng toàn bộ thời gian của chúng ta có ý nghĩa tối đa, trong viễn cảnh tìm kiếm Sự Thiện. Nhưng trước hết, ưu tiên là đảm nhận bổn phận bậc sống của chúng ta, tức là làm cho tỏa sáng đức ái, nơi đâu chúng ta hiện diện, do đó nơi đâu Chúa Quan Phòng đã đặt chúng ta, và trước tiên, một mặt, trong hoạt động nghề nghiệp, mặt khác, trong đời sống gia đình. Với thánh ý của Thiên Chúa làm la bàn.
Như thế, tất cả tùy thuộc vào bậc sống của chúng ta. Chẳng hạn, người lao động có trách nhiệm về chất lượng và sự chăm sóc đặc biệt trong công việc của mình, một tình liên đới thực sự với các bạn bè của mình, và sống công việc hàng ngày này như là lời ca ngợi Chúa. Với ông chủ, ông phối hợp các ràng buộc của thị trường, của các cổ đông hay chủ ngân hàng, với nhu cầu vật chất và tinh thần của các nhân viên và cộng tác viên của mình, bao gồm cả đời sống gia đình của họ, nhân phẩm của họ, cộng đồng mà họ hình thành, thậm chí ý nghĩa của cuộc sống của họ. Bằng cách sống các nhiệm vụ này như là một lễ dâng hàng ngày cho Thiên Chúa, và bằng cách tạo ra những sản phẩm tốt và hữu ích, được bán cách đúng đắn.
Làm điều tốt nhất tùy theo của cải của mình
Cần phải làm điều tốt nhất với của cải nhiều hay ít của mình, tùy theo tiếng gọi của Chúa. Nói gì về một người có khả năng tài chính cao, vượt quá những gì một cuộc sống bình thường đòi hỏi phù hợp với các nghĩa vụ của người ấy ? Ưu tiên của người ấy là những khả năng tài chính này cần được sử dụng nhắm đến công ích. Từ đó, có hai loại câu hỏi. Trước tiên, đâu là mức chi tiêu được coi là « bình thường », phát xuất từ những nghĩa vụ xã hội ? Câu trả lời tùy thuộc vào xã hội. Không có áp lực xung quanh, khi thì quá mức (những chi tiêu xa hoa, phi luân lý so với sự nghèo đói), khi thì không đủ về chất lượng (chẳng hạn như vào thời đại tầm thường tập thể của chúng ta). Đó là những chi tiêu, được quan niệm một cách hợp lý, cho phép thực hiện vai trò tích cực trong xã hội mà nó mong đợi cách chính đáng từ người đã nhận được những khả năng tài chính to lớn. Điều này từ việc duy trì một phong cách nào đó, mô hình văn hóa, xây dựng các tòa nhà, nghề thủ công…cho đến việc chấp nhận một vai trò công cộng mà khả năng tài chính này làm cho khả thi. Các chu trình sản xuất kinh tế hợp pháp và hữu ích sống nhờ đó ; và công ích giả thiết rằng những người, có một tác dụng lôi kéo nào đó đối với người khác do địa vị và khả năng tài chính của họ, đảm nhận việc cổ võ hữu hiệu giá trị này hay giá trị kia, hay phong cách sống.
Định hướng đầu tư vào công ích
Sự đầu tư, việc tạo ra các phương tiện sản xuất của cải tập thể tương lai tự nó là tốt. Tuy nhiên, cần phải định hướng nó theo các nhân tố phẩm chất, đặc biệt là đạo đức : Khước từ tài trợ cho tất cả những gì tỏ ra phi luân lý, độc hại….Và thúc đẩy những gì là tích cực : việc làm bền vững, tiến bộ luân lý, nhân bản, kỹ thuật, thẩm mỹ….Chúng ta không nghĩ đủ đến sức nặng đáng kể mà một hành động tập thể có thể có về mặt định hướng các đầu tư, và do đó cung cấp việc làm. Quả thế, cũng như một số người cần phải cho đi những gì họ có và trút bỏ như chàng thanh niên giàu có lẽ ra phải làm bao nhiêu, thì của cải hữu ích cũng cần phải được phát triển và quản lý tốt nhất bởi những người có trách nhiệm và nhân từ bấy nhiêu. Vả lại, ngay cả khi một người trút bỏ tất cả những gì mình có, thì của cải này như thế được sở hữu bởi một người khác đã mua tài sản này. Ở đây, có một chức năng chính đáng là nắm giữ tư nhân với mục đích đầu tư, được quản lý cách ý thức và tích cực vì công ích.
Phạm vi lòng quảng đại và tình liên đới
Phạm trù lớn thứ hai của việc sử dụng của cải thuộc phạm vi lòng quảng đại và tình liên đới : những gì được cho đi để giúp đỡ những người bất hạnh và nghèo khổ, hoặc cách trực tiếp, hoặc bằng cách tài trợ cho những công trình giúp đỡ họ. Người ta có thể phản đối rằng ngày nay việc tái phân phối của Nhà nước đáp ứng điều đó rồi. Trên thực tế, ở Pháp, cứ 1 euro được kiếm thêm bởi một công nhân được trả công rất cao, thì gần 3/4 chi phí cho công ty thuộc về Nhà nước và hệ thống xã hội ; do đó, người ta tự hỏi liệu có cần phải cho đi nữa không. Được đặt ra như thế, câu hỏi lẫn lộn hai bình diện khác nhau. Quả thật, đúng là có một hiệu lực tái phân phối hàng loạt, chắc chắn là hết mức, và một hiệu quả đáng ngờ : quả thế, số lượng và việc đẩy ra bên lề xã hội những người bị loại trừ có khuynh hướng gia tăng. Nhưng xã hội vận hành như thế. Do đó, bao lâu hệ thống này còn tồn tại, thì chúng ta không thể được miễn chuẩn khỏi một nỗ lực suy tư về những gì chúng ta phải làm với những gì còn lại đối với chúng ta, và điều này tùy vào hai lý do. Lý do thứ nhất là trách nhiệm của chúng ta. Vì công trạng của chúng ta trong các khoản khấu trừ công là không có gì, nên nếu chúng ta muốn áp dụng các giới luật Tin Mừng, thì cần thiết phải xem xét những gì chúng ta kiếm được sau tất cả các khoản thuế, và cho đi một phần của số tiền này. Lý do thứ hai là tính kém hiệu quả tương đối của hoạt động công cộng, đặc biệt trong trường hợp những người bị thiệt thòi và bị loại trừ nhất ; từ đó tính hữu ích của việc tài trợ cho các hoạt động mang lại cho họ những gì họ cần nhất, sự hỗ trợ của con người. Tính hữu ích của việc tài trợ cho Giáo hội rõ ràng được bổ sung vào đó.
Cho đi bao nhiêu phần trong của cải của mình ?
Đâu là phần cho đi ? Điều đó rõ ràng tùy thuộc vào mỗi người, vào trách vụ của họ, vai trò của họ trong cuộc sống, tài năng của họ, ơn gọi của họ. Tuy nhiên, có thể đưa ra ý tưởng về mức tối thiểu không ? Tôi nghĩ rằng Thánh Kinh và Truyền Thống cho chúng ta một điểm quy chiếu, đó là phần mười. Chúng ta hãy cho tối thiểu phần mười những gì chúng ta thực sự kiếm được (sau thuế). Trong thu nhập của chúng ta, phần mười là « phần » tối thiểu của Thiên Chúa, tức là những gì « cho Thiên Chúa », người nghèo và bệnh nhân. Dĩ nhiên, điều này có thể được giảm bớt trong trường hợp các chi tiêu không thể giảm bớt được do một bổn phận của bậc sống, đặc biệt là của gia đình.
Tuy nhiên, có những vận may, do đó, có những người sở hữu chúng, và điều này là do Chúa muốn. Hiểu cách đúng đắn, tức là như một trách nhiệm tập thể được giao phó cho ai đó, nặng nề nhưng rất thú vị, nó có thể rất tích cực. Thực ra, không có bất cứ tiến bộ nào mà nhân loại đã có thể thực hiện được trong khoa học hay văn hóa, lại có thể khả thi mà không có những người giàu đã đảm nhận chúng. Vì thế, người nào ở trong hoàn cảnh này phải đảm nhận những đòi hỏi của chúng. Điều này muốn nói sống giữa sự giàu sang mà không phải là tù nhân của nó, chấp nhận đánh mất nó hay cho đi nếu cần, và sắp đặt tốt nhất những phương tiện này theo một nghĩa phù hợp với công ích. Nhưng khốn thay cho ai nếu của cải của họ thống trị họ…
Pierre de Lauzun
——————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Aleteia)
Tags: bác ái-liên đới, Công-lý
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024
- ĐỨC PHANXICÔ CẦU CHÚC VIỆC MỞ LẠI NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS TRỞ THÀNH MỘT DẤU CHỈ NGÔN SỨ VỀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA GIÁO HỘI PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT