KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN C : CÁC MỐI PHÚC XÁC ĐỊNH CĂN TÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CỦA CHÚA GIÊSU
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 13/2/2022, Đức Phanxicô đã mời các tín hữu đào sâu mối tương quan của họ với các Mối Phúc, bằng cách « chấp nhận nghịch lý của các Mối Phúc » và đồng thời hiểu rằng chính « các Mối Phúc xác định căn tính của người môn đệ của Chúa Giêsu ». Và « đối diện với nghịch lý của các Mối Phúc », các môn đệ chấp nhận bị thách đố, với « ý thức rằng không phải Thiên Chúa phải đi vào lôgíc của chúng ta, nhưng chúng ta đi vào lôgíc của Ngài ».
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là các Mối Phúc (x. Lc 6, 20-23). Thật thú vị khi ghi nhận rằng Chúa Giêsu, mặc dù bị bao quanh bởi đám đông đông đúc, nhưng lại công bố chúng bằng cách nói chúng với « các môn đệ của Ngài » (c. 20). Ngài nói với các môn đệ. Quả thật, các Mối Phúc xác định căn tính của người môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng nghe có vẻ kỳ lạ, hầu như khó hiểu đối với những người không phải là môn đệ ; trong khi, nếu chúng ta tự hỏi một môn đệ của Chúa Giêsu là như thế nào, thì câu trả lời chính là các Mối Phúc. « Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em » (c. 20). Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Chúa Giêsu nói hai điều với dân của Ngài : rằng họ có phúc và họ nghèo khó ; quả thật, họ có phúc bởi vì họ nghèo khó.
Theo nghĩa nào ? Theo nghĩa rằng các môn đệ của Chúa Giêsu không tìm thấy niềm vui của họ nơi tiền bạc, quyền lực, hay của cải vật chất khác ; nhưng nơi những quà tặng họ nhận được mỗi ngày từ Thiên Chúa : sự sống, công trình tạo dựng, anh chị em, v.v. Đây là những món quà sự sống. Họ thậm chí bằng lòng chia sẻ những của cải mà họ có, bởi vì họ sống theo lôgíc của Thiên Chúa. Và lôgíc của Thiên Chúa là gì ? Sự tặng không. Người môn đệ học biết sống trong sự tặng không. Sự nghèo khó này cũng là một thái độ đối với ý nghĩa của sự sống, bởi vì các môn đệ của Chúa Giêsu không nghĩ về việc sở hữu nó, về việc đã biết mọi sự rồi, nhưng đúng hơn họ biết rằng họ phải học mỗi ngày. Và đây là sự nghèo khó: ý thức phải học biết mỗi ngày. Vì có thái độ này, nên người môn đệ của Chúa Giêsu là một người khiêm tốn, cởi mở, xa rời thành kiến và tính không mềm dẻo.
Có một ví dụ hay trong bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, Simon Phêrô, một ngư dân chuyên nghiệp, đã chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu để thả lưới vào một thời điểm bất thường, và rồi, tràn đầy kinh ngạc trước mẻ lưới kỳ diệu, đã bỏ lại thuyền và tất cả của cải của mình để bước theo Chúa. Phêrô cho thấy mình là người ngoan ngoãn bằng cách bỏ lại mọi sự, và theo cách này, ông trở thành một người môn đệ. Thay vào đó, những ai quá gắn bó với ý tưởng và sự an toàn riêng của họ sẽ thấy thực sự khó để bước theo Chúa Giêsu. Họ bước theo Ngài ít ỏi, chỉ nơi những gì mà “tôi đồng ý với Ngài và Ngài đồng ý với tôi”, nhưng rồi, bao lâu liên quan đến phần còn lại, thì nó không đi xa hơn. Và đây không phải là một môn đệ. Có lẽ họ lắng nghe Ngài, nhưng họ không bước theo Ngài. Và vì thế, họ rơi vào tình trạng buồn bã. Họ trở nên buồn bã bởi vì tài khoản không tăng lên, bởi vì thực tại thoát khỏi não trạng của họ và họ trở nên bất mãn. Trái lại, các môn đệ biết cách tự vấn mình, biết cách khiêm tốn tìm kiếm Thiên Chúa mỗi ngày, và điều này cho phép họ đi sâu vào thực tại, nắm bắt được sự phong phú và tính phức tạp của nó.
Nói cách khác, người môn đệ chấp nhận nghịch lý của các Mối Phúc: chúng tuyên bố rằng những ai nghèo khó, túng thiếu và nhìn nhận điều này, là có phúc, nghĩa là, hạnh phúc. Về mặt con người mà nói, chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ theo cách khác: hạnh phúc là những ai giàu có, với nhiều của cải, nhận được lời khen ngợi và là sự thèm muốn của nhiều người, những người có mọi sự chắc chắn. Nhưng đây là quan niệm của thế gian, nó không phải là lối suy nghĩ của các Mối Phúc! Trái lại, Chúa Giêsu tuyên bố thành công ở đời là một sự thất bại, vì nó dựa trên sự ích kỷ tự mãn và rồi khiến tâm hồn trống rỗng. Đối diện với nghịch lý của các Mối Phúc, các môn đệ để mình được thách đố, ý thức rằng không phải Thiên Chúa phải đi vào lôgíc của chúng ta, nhưng chúng ta đi vào lôgíc của Ngài. Điều này đòi hỏi một hành trình, đôi khi mệt mỏi, nhưng luôn đi kèm bởi niềm vui. Bởi vì người môn đệ của Chúa Giêsu vui mừng, với niềm vui đến từ Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nhớ, bởi vì lời đầu tiên Chúa Giêsu nói là: phúc thay, beati, mang lại cho chúng ta tên của các Mối Phúc (Beatitudes). Đây là từ đồng nghĩa với việc làm môn đệ của Chúa Giêsu. Bằng cách giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của sự tự cho mình là trung tâm, Chúa đã phá vỡ tình trạng bế tắc của chúng ta, làm tan biến sự cứng cỏi của chúng ta, và mở ra cho chúng ta sự hạnh phúc đích thực, vốn thường được tìm thấy ở nơi chúng ta không mong đợi. Chính Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta, chứ không phải chúng ta, với những thành kiến và đòi hỏi của chúng ta. Cuối cùng, các môn đệ là những người để mình được Chúa Giêsu hướng dẫn, mở lòng ra cho Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài và đi theo đường lối của Ngài.
Vậy, chúng ta có thể tự hỏi: tôi – mỗi người trong chúng ta – có sự sẵn sàng của người môn đệ không? Hay tôi cư xử với sự cứng nhắc của người tin rằng mình đúng, cảm thấy mình đàng hoàng, cảm thấy họ đã thành đạt rồi? Tôi có để cho mình “bị đảo lộn trong tâm hồn” bởi nghịch lý của các Mối Phúc không, hay tôi ở trong giới hạn của những ý tưởng của tôi? Và rồi, với lôgíc của các Mối Phúc, bỏ qua một bên những gian khổ và khó khăn, tôi có cảm thấy niềm vui bước theo Chúa Giêsu không? Đây là nét quyết định của người môn đệ: niềm vui của tâm hồn. Chúng ta đừng quên – niềm vui của tâm hồn. Đây là tiêu chuẩn để biết một người có phải là môn đệ hay không: họ có niềm vui trong tâm hồn không? Tôi có niềm vui trong tâm hồn không? Đây là điểm mấu chốt.
Xin Đức Mẹ, người môn đệ đầu tiên của Chúa, giúp chúng ta sống như những người môn đệ cởi mở và vui tươi.
———————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO