TỰ DO NỘI TÂM
Nguyên tác: La Liberté intérieure (Jaques Philippe)
Bản tiếng Anh: Interior Freedom (Helena Scott)
Bản tiếng Việt: Tự Do Nội Tâm (Lm. Minh Anh, Gp. Huế)
NỘI DUNG
PHẦN GIỚI THIỆU …………………………………………….
I. TỰ DO & CHẤP NHẬN
1. TÌM KIẾM TỰ DO …………………………………………….
Tự do & Hạnh phúc
Tự do, Đòi quyền tự trị hay Chấp nhận tuỳ thuộc
Tự do hay Tự vẫn?
“Chính từ trong tâm hồn mình, bạn bị giới hạn”
Một nhân chứng cho thời đại chúng ta, Etty Hillesum
Tự do nội tâm, Tự do tin, cậy và yêu mến
Tự do trong hành động, Chọn lựa hay Bằng lòng?
Tự do còn có nghĩa là bằng lòng với những gì chúng ta không chọn lựa
Nổi loạn, Cam chịu, Bằng lòng
2. CHẤP NHẬN CHÍNH MÌNH …………………………………
Thiên chúa thì thực tế
Ước ao thay đổi và Chấp nhận chính mình
Qua cái nhìn của người khác
Tự do trở thành tội nhân, Tự do nên thánh
“Niềm tin giới hạn” và Tự cấm đoán
Chấp nhận chính mình để chấp nhận người khác
3. CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ ……………………………………
Bằng lòng với những khó khăn
Nỗi đau lớn nhất là nỗi đau mà chúng ta khước từ
Từ chối đau khổ có nghĩa là từ chối sống
Điều tồi tệ chẳng tồi tệ chút nào: Mặt tích cực của những khó khăn
Từ làm chủ đến từ bỏ: Thanh luyện trí óc
Hiểu biết thánh ý Thiên Chúa
“Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”
Vô vọng trong thử thách và Thử thách của vô vọng: Tự do tin, cậy, mến
4. CHẤP NHẬN NGƯỜI KHÁC …………………………………
Bằng lòng với những đau khổ do người khác gây ra
Thừa nhận những khác biệt tính khí
Một vài suy tư về sự tha thứ
Tha thứ khác với sự dung túng sai lỗi
Xích xiềng phẫn uất
“Anh em đong bằng đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy”
Làm thế nào lỗi lầm của người khác có thể mưu ích cho chúng ta?
Chúng ta không mất mát gì khi bị người khác xúc phạm
Cái bẫy của sự dửng dưng
Tổn hại thực sự không ở bên ngoài nhưng bên trong chúng ta
Sự đồng lõa của chúng ta gia tăng tổn hại
Sự dữ đến điền vào chỗ trống
Tự do vương giả của con cái Thiên Chúa
II. GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
1. TỰ DO & GIÂY PHÚT HIỆN TẠI ……………………………
2. “YÊU THƯƠNG” CHỈ CÓ THÌ HIỆN TẠI ……………………
3. CHÚNG TA CÓ THỂ ĐAU KHỔ CHỈ MỘT LÚC ……………
4. “NGÀY NÀO CÓ SỰ KHỐN KHỔ CỦA NGÀY ĐÓ”………..
5. NGÀY MAI SẼ LO CHO NGÀY MAI ………………………………..
6. HÃY SỐNG, THAY VÌ ĐỢI ĐỂ SỐNG ………………………………
7. SẴN SÀNG CHO KẺ KHÁC ……………………………………………..
8. THỜI GIAN TÂM LÝ VÀ THỜI GIAN NỘI TÂM ………………
III. ĐỘNG LỰC TIN CẬY MẾN
1. CÁC NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN ……………………………………………
2. BA SUỐI NGUỒN CỦA THÁNH THẦN …………………………….
3. ƠN GỌI & QUÀ TẶNG ĐỨC TIN ……………………………………..
4. NƯỚC MẮT CỦA THÁNH PHÊRÔ & QUÀ TẶNG CỦA NIỀM HY VỌNG ………………………………………………………………….
5. LỄ NGŨ TUẦN VÀ QUÀ TẶNG ĐỨC MẾN ………………………
6. LỬA SOI CHIẾU, THIÊU ĐỐT & BIẾN ĐỔI ………………………
7. ĐỘNG LỰC CỦA CÁC NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN ………………..
8. ĐỨC MẾN CẦN ĐỨC CẬY; ĐỨC CẬY, NỀN TẢNG CỦA ĐỨC TIN ……………………………………………………………………………..
9. VAI TRÒ CHÍNH CỦA ĐỨC CẬY …………………………………….
10. ĐỘNG LỰC CỦA TỘI LỖI, ĐỘNG LỰC CỦA ÂN SỦNG …
11. CẬY TRÔNG VÀ SỰ TRONG SẠCH CỦA TÂM HỒN ……..
IV. TỪ LỀ LUẬT ĐẾN ÂN SỦNG: ĐỨC MẾN LÀ QUÀ TẶNG NHƯNG KHÔNG
1. LỀ LUẬT & ÂN SỦNG ……………………………………………………..
2. “Ở ĐÂU CÓ THÁNH THẦN DẪN DẮT, Ở ĐÓ CÓ TỰ DO”. KHÁC BIỆT GIỮA TỰ DO & PHÓNG TÚNG ………………………..
3. CẠM BẪY CỦA LỀ LUẬT ………………………………………………..
4. HỌC ĐỂ YÊU THƯƠNG, CHO & NHẬN CÁCH NHƯNG KHÔNG ……………………………………………………………………………….
V. KHÓ NGHÈO THIÊNG LIÊNG & TỰ DO
1. NHU CẦU HIỆN HỮU ………………………………………..
2. KIÊU CĂNG & SỰ NGHÈO KHÓ THIÊNG LIÊNG …………
3. THỬ THÁCH THIÊNG LIÊNG ……………………………….
4. CHỈ CẬY DỰA VÀO LÒNG XÓT THƯƠNG ………………..
5. NGƯỜI TỰ DO THẬT SỰ LÀ NGƯỜI KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ MẤT ………………………………………………………………
6. PHÚC THAY NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHÓ ………………
PHẦN GIỚI THIỆU
“Ở đâu có Thần Khí của Chúa, ở đó có tự do”
-Thánh Phaolô[1]
Chúng con xin dâng lên Chúa ước muốn, cùng đích, tâm trí, toàn thể con người chúng con qua đôi bàn tay và trái tim của Đức Trinh Nữ. Rồi tinh thần chúng con sẽ sở hữu sự tự do tâm hồn quý giá đó, đến mức tránh xa mọi căng thẳng, muộn phiền, thất vọng, gò bó và hẹp hòi. Chúng con sẽ vượt qua đại dương của sự từ bỏ, được giải thoát khỏi chính mình và gắn bó với Người là Đấng Vô Thủy Vô Chung.
-Mẹ Yvonne-Aimée de Malestroit[2]
Cuốn sách này nói đến chủ đề nền tảng của đời sống Kitô giáo: tự do nội tâm. Mục đích của nó thật rõ ràng. Mọi Kitô hữu cần khám phá ra rằng, ngay trong những hoàn cảnh bên ngoài bất ưng nhất, bên trong chúng ta vẫn có một khoảng không tự do mà không ai có thể lấy đi, bởi Thiên Chúa là nguồn mạch và là bảo chứng của tự do đó. Không có khám phá này, chúng ta sẽ luôn luôn bị giới hạn cách nào đó và sẽ không bao giờ nếm hưởng được hạnh phúc đích thực. Nhưng nếu chúng ta học cách để cho khoảng không tự do nội tâm này mở ra, thì dù cho bao điều làm chúng ta đau khổ, vẫn không gì thực sự có thể đàn áp hay nghiền nát chúng ta.
Luận điểm được triển khai cách đơn sơ nhưng rất quan trọng: tự do nội tâm chúng ta có được tỷ lệ thuận chính xác với sự trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến của mình. Tập sách này sẽ đặc biệt xem xét làm sao mà động lực của những gì người xưa gọi là các “nhân đức đối thần” lại trở nên trọng tâm của đời sống thiêng liêng. Nó cũng nhấn mạnh vai trò chính yếu của đức cậy trong sự trưởng thành nội tâm của chúng ta. Đức trông cậy không được trau dồi thực sự nếu tách khỏi sự khó nghèo trong tâm hồn. Như thế, toàn bộ cuốn sách được xem là một luận đề về mối phúc thứ nhất, “Phúc ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ”[3].
Chúng ta sẽ trở lại một số đề tài đã được bàn đến trong những cuốn sách trước của tôi[4]và chúng sẽ được phân tích sâu sắc hơn: bình an bên trong, đời sống cầu nguyện và sự dễ bảo đối với Thánh Thần.
Khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, cuốn sách này hy vọng sẽ giúp những ai ước ao mở lòng mình ra đón nhận sự canh tân nội tâm kỳ diệu mà Chúa Thánh Thần muốn mang đến cho tâm hồn con người; bằng cách này, họ đạt tới sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.
I
TỰ DO VÀ CHẤP NHẬN
1. TÌM KIẾM TỰ DO
Theo một nghĩa nào đó, văn minh hiện đại và Kitô giáo có thể tìm thấy tương đồng trong khái niệm về tự do. Xét cho cùng, Kitô giáo là một thông điệp về tự do và giải thoát. Để nhận ra điều này, chúng ta chỉ cần mở sách Tân Ước, những từ “tự do”, “sự tự do”, “giải thoát” thường xuyên được dùng. “Chân lý sẽ giải thoát anh em”, Đức Giêsu nói trong Tin Mừng thánh Gioan.[5]Thánh Phaolô nói, “Ở đâu có Thần Khí, ở đó có tự do”,[6]và nơi khác, “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta”.[7]Thánh Giacôbê gọi luật của Kitô giáo là “luật tự do”. Điều chúng ta cần làm và sẽ cố gắng làm trong cuốn sách này là tìm ra bản chất thật sự của tự do.
Trải qua một vài thế kỷ, văn minh hiện đại được đánh dấu bởi một khát vọng mạnh mẽ đối với sự tự do. Tuy nhiên, ai cũng biết, khái niệm tự do có thể rất tối nghĩa; những quan niệm lệch lạc về tự do đã làm cho con người xa rời chân lý và dẫn đến hàng triệu cái chết. Trước hết, thế kỷ hai mươi đã chứng kiến cái giá phải trả đó; thế nhưng, khát vọng tự do vẫn còn có thể thấy được ở mọi lãnh vực, xã hội, chính trị, kinh tế và tâm lý. Sở dĩ nó cần kíp đến thế vì lẽ dẫu cho tất cả mọi “tiến bộ” đã đạt được cho đến nay, thì khát vọng tự do vẫn chưa được thoả mãn.
Trong lãnh vực luân lý, khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, tự do có vẻ gần như là giá trị duy nhất mà vô hình chung, mọi người đều đồng ý. Mọi người ít nhiều chấp nhận rằng, tôn trọng tự do của người khác vẫn là chuẩn mực đạo đức căn bản. Không còn nghi ngờ gì, đây là vấn đề lý thuyết hơn là thực hành khi chủ nghĩa tự do tây phương ngày càng trở nên chuyên chế hơn. Có thể đó chỉ là sự biểu lộ lòng ích kỷ ngấm ngầm của con người hiện đại mà với họ, tôn trọng tự do cá nhân là sự tuyên bố chủ nghĩa cá nhân hơn là thừa nhận một luật luân lý – không ai có thể ngăn cản tôi làm điều tôi cảm thấy thích! Vậy mà, khát vọng tự do vốn chứa một điều gì đó rất thật và cao quý này lại rất mãnh liệt nơi con người ngày nay dẫu nó kéo theo vô ngần ảo ảnh và đôi khi, được đáp ứng với những phương thế lệch lạc.
Tự do và Hạnh phúc
Con người không được tạo dựng để làm nô lệ, nhưng để làm chúa của thọ tạo. Điều này được nói rõ ràng trong sách Sáng Thế. Chúng ta không được tạo dựng để sống một cuộc sống buồn tẻ, hẹp hòi và gò bó, nhưng trong những không gian rộng mở. Không ai chịu nổi sự gò bó, bởi lẽ chúng ta được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa và mang trong mình một nhu cầu không thể dập tắt trước cái tuyệt đối và vô cùng. Đó là sự vĩ đại và đôi lúc, cũng là bất hạnh của con người.
Chúng ta bị giày vò bởi cơn khát tự do vì lẽ, khát vọng căn bản nhất của con người là hạnh phúc; và chúng ta cảm nhận rằng, không có hạnh phúc nếu không có tình yêu; và không có tình yêu nếu không có tự do. Điều này hoàn toàn đúng. Con người được tạo dựng cho tình yêu, và họ chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc khi yêu và được yêu. Như thánh Catherine Siena nói,[8]con người không thể sống mà không yêu thương. Vấn đề là tình yêu của chúng ta thường đi lạc hướng, chúng ta yêu chính mình, một cách ích kỷ và rốt cuộc, nản lòng, bởi chỉ tình yêu đích thực mới có thể làm chúng ta thoả lòng.
Vậy chỉ tình yêu mới có thể thoả mãn chúng ta và cũng không có tình yêu nếu không có tự do. Một thứ tình yêu vốn là kết quả của sự gò bó, tư lợi, hay chỉ là sự thoả mãn một nhu cầu không đáng được gọi là tình yêu. Tình yêu không do chiếm hữu mà có, không mua mà được. Có tình yêu đích thực và thế là, có hạnh phúc đích thực chỉ giữa những người tự do hiến dâng sở hữu cái tôi để trao tặng chính mình cho nhau.
Tự do đáng quý biết bao. Đến đây, có thể chúng ta đã có một ý niệm nào đó về điều ấy. Tự do mang lại giá trị cho tình yêu và tình yêu là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc. Lý do tại sao người ta gán quá nhiều tầm quan trọng cho tự do… có lẽ do họ nhận ra chân lý này, tuy hơi mơ hồ; và từ quan điểm đó, phải thừa nhận rằng, họ có lý.
Nhưng làm sao chúng ta đạt được sự tự do vốn có thể làm cho tình yêu trổ sinh hoa trái? Để đạt được mục tiêu này, trước tiên hãy nhìn vào một số ảo giác phổ biến vốn phải được gạt sang một bên nếu chúng ta muốn tận hưởng tự do đích thực.
Tự do, Đòi quyền tự trị hay Chấp nhận phụ thuộc?
Dẫu khái niệm tự do, như chúng ta thấy, có thể được xem như điểm gặp gỡ giữa Kitô giáo và văn minh hiện đại, nhưng cũng thật nghịch lý khi nó trở thành điểm mà ở đó, Kitô giáo và văn minh hiện đại cách xa nhau nhất. Với con người hiện đại, tự do thường có nghĩa là vứt bỏ mọi ràng buộc và mọi quyền bính -“Không Thiên Chúa, không ông chủ”. Trái lại, với Kitô giáo, tự do chỉ có thể được tìm thấy bằng việc quy phục Thiên Chúa, trong sự “vâng phục của đức tin” như thánh Phaolô nói tới.[9]Tự do đích thực không phải là vô số điều này điều kia con người dành được cho chính mình; nó là quà tặng không của Thiên Chúa, một hoa trái của Chúa Thánh Thần, được đón nhận theo mức độ chúng ta đặt mình trong tương quan phụ thuộc đầy yêu thương vào Đấng Tạo Thành và Đấng Cứu Độ chúng ta. Đây là nơi mà sự nghịch lý của Tin Mừng lộ rõ nhất, “Ai cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ tìm thấy nó”.[10]Nói cách khác, người muốn giữ và bảo vệ tự do của mình bất cứ giá nào, sẽ mất nó; nhưng những ai sẵn sàng “đánh mất” nó bằng cách tin tưởng giao phó nó vào tay Thiên Chúa, sẽ giữ được nó. Tự do sẽ được phục hồi cho họ, đẹp đẽ và sâu sắc hơn vô cùng như một quà tặng tuyệt diệu từ sự trìu mến của Thiên Chúa. Quả vậy, tự do của chúng ta tương ứng với tình yêu và niềm tin như con thơ chúng ta dành cho Cha trên trời của mình.
Thật khích lệ cho chúng ta khi nhìn vào kinh nghiệm sống động của các thánh. Họ hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa mà không giữ lại điều gì, một chỉ muốn thực thi thánh ý Người. Đến lượt, họ cảm nhận được tận hưởng một sự tự do vô biên mà không gì trên thế gian có thể cướp đi và đó cũng là nguồn của những niềm vui tột đỉnh. Làm sao điều đó có thể xảy ra? Chúng ta cố gắng tìm hiểu dần dần.
Tự do bên ngoài hay Tự do bên trong?
Một sai lầm nghiêm trọng khác về tự do là làm cho nó trở thành một điều gì bên ngoài, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, chứ không phải là một điều gì trước hết do tự bên trong.[11]Ở lãnh vực này cũng như trong nhiều lãnh vực khác, chúng ta tái diễn vở kịch mà thánh Augustinô đã trải nghiệm, “Chúa ở trong con, con ở ngoài con và con tìm Chúa ở ngoài con!”.[12]
Tôi xin giải thích. Rất nhiều lần, chúng ta cảm thấy tự do của mình bị giới hạn bởi những hoàn cảnh, những giới hạn áp đặt trên chúng ta do xã hội, đủ loại hình bổn phận mà người khác chất trên chúng ta, giới hạn thể lý hay sức khoẻ này kia và vân vân. Để tìm ra tự do, chúng ta tưởng tượng mình phải gạt bỏ những ràng buộc và giới hạn đó. Khi cảm thấy bị hoàn cảnh bót nghẹt hay cản trở cách nào đó, chúng ta căm phẫn những thể chế hay những con người được coi như nguyên nhân của điều đó. Biết bao lần những phàn nàn kêu trách mọi thứ trong cuộc sống vốn không diễn ra như chúng ta muốn và vì thế, chúng ta không được tự do như mình khát khao!
Cách thức nhìn sự việc chứa đựng một cấp độ chân lý. Một đôi khi, để đạt được tự do, một vài giới hạn cần được điều chỉnh, những gò bó cần phải vượt qua. Nhưng ở đây vẫn có một điều sai lạc cần phải bóc trần nếu chúng ta luôn luôn ước ao cảm nếm tự do đích thực. Ngay cả khi mọi thứ được cho là cản trở tự do của chúng ta không còn, điều đó cũng không bảo đảm chúng ta sẽ tìm thấy tự do sung mãn như hằng khao khát. Khi chúng ta đẩy lùi những ranh giới, sẽ có nhiều ranh giới khác xuất hiện xa xa. Chúng ta có nguy cơ cảm thấy mình không bao giờ được thoả mãn và sẽ luôn đương đầu với những giới hạn đau thương. Chúng ta có thể vượt qua một số nào đó, nhưng một số khác lại bất di bất dịch, định luật thể lý, giới hạn của con người, của cuộc sống trong xã hội và nhiều hơn nữa.
Tự do hay Tự vẫn?
Khát vọng tự do cư ngụ trong mọi tâm hồn con người thời nay; vì thế, nó thường được biểu lộ trong một nỗ lực tưởng chừng như vô vọng để vượt qua những giới hạn. Người ta muốn đi xa hơn, nhanh hơn và có quyền lực hơn để biến đổi thực tại. Điều này thật hiển nhiên trong mọi lãnh vực. Người ta nghĩ mình sẽ tự do hơn khi “những tiến bộ” sinh học cho họ khả năng chọn lựa giới tính con cái. Họ nghĩ sẽ tìm thấy tự do khi luôn cố gắng vượt qua những năng lực của mình. Không bằng lòng với việc leo núi “bình thường”, người ta cố sức “leo núi ngoại thường”- cho tới ngày họ đi khá xa và cuộc phiêu lưu hồ hởi kết thúc bằng một cú ngã định mệnh. Khía cạnh tự sát này – của một hình thức nào đó – trong việc tìm kiếm tự do được mô tả cách ý nghĩa trong cảnh cuối của cuốn phim The Big Blue (Le Grand Bleu, đạo diễn Luc Besson). Bị cuốn hút bởi sự dễ dàng và tự do di chuyển của đàn cá heo trong làn nước biển, người hùng, rốt cuộc, bơi theo chúng. Bộ phim bỏ qua việc nói lên một điều hiển nhiên, anh ta tự kết án tử cho mình bằng một cái chết. Bao người trẻ đã bị giết chết bởi quá tốc độ hay quá liều lượng ma tuý vì họ khát khao tự do nhưng chưa bao giờ học biết con đường đúng đắn dẫn tới tự do đó? Điều đó có nghĩa là phải chăng khát khao này chỉ là một giấc mơ, chúng ta nên từ bỏ nó hoặc tự bằng lòng với cuộc sống ngu muội và tẻ nhạt? Chắc chắn không! Nhưng chúng ta phải khám phá tự do đích thực bên trong chính mình và trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa.
“Chính từ trong tâm hồn mình, bạn bị giới hạn”
Cố gắng giải thích bản chất của khoảng không tự do bên trong, một tự do không ai có thể cướp mất mà mỗi người chúng ta có, tôi muốn chia sẻ cùng bạn một ít kinh nghiệm của mình liên quan đến thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã từng là bạn rất thân của tôi nhiều năm và tôi đã lĩnh hội một lượng kiến thức đồ sộ từ trường dạy sự đơn sơ và lòng tín thác theo Tin Mừng của chị. Cách đây hai năm, tôi tình cờ có mặt tại Lisieux vào một trong những dịp đầu tiên khi người ta mang xương thánh của chị từ Tu viện Carmel đến một trong những thành phố xin thánh tích đó – tôi nghĩ đó là Marseilles. Các chị Dòng Carmel nhờ các anh em cộng đoàn Bát Phúc mang giúp hòm đựng thánh tích quý giá và khá nặng đó ra xe để chở đến nơi đã định. Tôi tình nguyện làm công việc thú vị này, nhờ đó tôi bất ngờ có cơ hội đi vào khu nội cấm của Nhà Kín Lisieux và vừa vui mừng, vừa xúc động khám phá những nơi thật sự mà Têrêxa đã sống: phòng bệnh, hành lang, nhà giặt, vườn cây với những con đường rợp bóng cây hạt dẻ – tất cả những nơi mà tôi biết từ sự mô tả của thánh nhân trong những bài viết tự truyện của chị. Một điều đánh động tôi, những nơi này nhỏ hơn tôi tưởng tượng nhiều. Ví dụ, vào cuối đời, Têrêxa kể lại câu chuyện khôi hài về việc các chị ghé qua để trò chuyện một lúc với chị trên đường họ đi làm cỏ khô; nhưng cánh đồng cỏ khô rộng lớn mà tôi hình dung trong đầu thực ra, chỉ là một chiếc khăn bỏ túi!
Sự kiện không đáng để ý này, sự nhỏ bé của những nơi Têrêxa sống làm tôi suy nghĩ nhiều. Tôi nhận ra thế giới nhỏ nhắn, theo thuật ngữ loài người, nơi chị sống, một Tu viện Carmel tỉnh lẻ tí tẹo, không nổi trội về kiến trúc; một khu vườn bé xíu, một cộng đoàn nhỏ gồm các nữ tu mà sự dưỡng dục, giáo dục và cách thức thường để lại nhiều điều khiến người thế gian phải khao khát; một bầu không khí nơi những tia nắng mặt trời len qua rất ít. Chị cũng đã trải qua một thời gian vắn vỏi đến thế trong tu viện, chỉ mười năm! Tuy nhiên, đây là điều nghịch lý đánh động tôi, khi đọc các bản chép tay của chị, bạn không bao giờ nghĩ một cuộc sống như thế lại diễn ra trong một thế giới nhỏ hẹp đến như vậy, nhưng phải nghĩ ngược lại. Bỏ qua một số giới hạn về văn phong, cách chị bày tỏ chính mình cũng như những nhạy cảm thiêng liêng riêng tư khiến người đọc nghĩ tưởng đến một không gian rộng lớn mênh mông và tuyệt vời. Têrêxa sống trong những chân trời mênh mông, chân trời của lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa cùng với niềm khát khao mến yêu Người vô bờ. Chị cảm thấy như một nữ hoàng đứng trên toàn thế giới vì chị có thể đạt được bất cứ điều gì từ Thiên Chúa và ngang qua tình yêu, chị có thể đi đến mọi ngõ ngách địa cầu, nơi các nhà truyền giáo cần sự cầu nguyện và hy sinh của chị!
Phải nghiên cứu tổng thể về tầm quan trọng của những thuật ngữ Têrêxa dùng để diễn tả những chiều kích vô biên của vũ trụ thiêng liêng, nơi chị sống, “những chân trời vô tận”, “những khát vọng vô biên”, “những đại dương ân sủng”, “những vực thẳm tình yêu”, “những suối nguồn của lòng nhân từ” và vân vân. Đặc biệt, “Bản Thảo B” của chị, kể lại cuộc khám phá ơn gọi của mình giữa lòng Giáo Hội, biểu lộ rất rõ. Dĩ nhiên, chị nói về đau khổ, sự đơn điệu của hy sinh, nhưng tất cả đều được vượt qua để biến thành sự trào dâng của một đời sống nội tâm.
Tại sao thế giới của Têrêxa – nói theo kiểu loài người, một thế giới chật hẹp và nghèo nàn đến thế – lại tạo nên một cảm giác phong phú và thoáng đãng như vậy? Tại sao cảm giác tự do lại vọt ra từ trình thuật của chị về đời sống ở Carmel?
Tất cả chỉ vì Têrêxa yêu mến nồng nàn. Chị cháy lửa tình yêu dành cho Thiên Chúa và bác ái đối với chị em của mình, chị mang Giáo Hội và cả thế giới bằng sự trìu mến của người mến yêu. Đó là bí quyết của chị, chị không bị giới hạn trong tu viện nhỏ bé vì chị yêu mến nó. Tình yêu biến đổi mọi sự và chạm đến những thực tại tầm thường nhất bằng những nốt nhạc ngân vang đến vô tận. Tất cả các thánh đã có kinh nghiệm tương tự. Thánh Faustina kêu lên trong nhật ký thiêng liêng của chị, “Tình yêu là một huyền nhiệm biến mọi thứ nó chạm đến thành những thứ đẹp đẽ làm vui mắt Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa giải phóng tâm hồn con người. Như một nữ hoàng, nó không nếm trải điều gì về sự gò bó của kiếp nô lệ”.[13]
Khi suy tư điều này, một cụm từ của thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô gợi lên trong trí tôi, “Chúng tôi không hẹp hòi với anh em đâu, nhưng chính lòng dạ anh em hẹp hòi”.[14]
Rất thông thường, chúng ta cảm thấy bị gò bò trong hoàn cảnh, gia đình hoặc môi trường sống của mình. Nhưng có thể vấn đề thực sự nằm ở chỗ khác, ở trong lòng chúng ta. Ở đó, chúng ta bị gò bó và đó là cội rễ của việc thiếu tự do nơi mỗi người. Nếu yêu mến nhiều hơn, tình yêu sẽ mang cho đời sống chúng ta những chiều kích vô tận và mỗi người sẽ không còn cảm thấy bị vây hãm nữa.
Điều này không có nghĩa là thỉnh thoảng không có những hoàn cảnh khách quan cần thay đổi, hay những hoàn cảnh đàn áp cần được chữa lành trước khi tâm hồn có thể trải nghiệm tự do nội tâm thực sự. Thông thường, chúng ta cũng đau khổ do một sự bối rối nào đó. Chúng ta đổ tội cho môi trường trong khi vấn đề đích thực nằm ở chỗ khác, chúng ta thiếu tự do là vì chúng ta thiếu tình yêu. Chúng ta kết án chính mình là nạn nhân của những hoàn cảnh khó khăn, khi vấn đề đích thực (và giải pháp của nó) nằm bên trong chúng ta. Tâm hồn chúng ta bị tính ích kỷ hay sợ sệt giam hãm; và chính chúng ta cần thay đổi, học cách yêu thương, buông mình cho sự biến đổi của Thánh Thần: đó là cách duy nhất để chúng ta thoát khỏi cảm giác bị gò bó. Những ai không học cách yêu thương sẽ luôn thấy mình như nạn nhân; họ cảm thấy gò bó dù họ ở đâu. Nhưng người yêu mến không bao giờ cảm thấy bị gò bó. Đó là những gì mà Têrêxa bé nhỏ dạy tôi. Chị làm cho tôi hiểu một điều quan trọng khác nữa, nhưng cần xem xét sau này: chúng ta không có khả năng yêu thương thường là vì chúng ta thiếu tin tưởng và hy vọng.
Một nhân chứng cho thời đại chúng ta, Etty Hillesum
Tôi muốn trích dẫn ngắn gọn một nhân chứng khác, một bằng chứng gần hơn về tự do nội tâm, một người vừa rất khác vừa rất gần gũi với thánh Têrêxa. Tôi thật xúc động với chứng từ này. Đó là chứng từ của Etty Hillesum, một thiếu nữ Do Thái chết tại Auschwitz tháng 11 năm 1943, và nhật ký của cô được xuất bản năm 1981.[15]“Chuyện một tâm hồn” của cô mở ra ở Hà Lan vào lúc mà sự tàn sát người Do Thái của Phát xít diễn ra gay gắt nhất. Khi Etty bắt đầu viết bài báo, thì đời sống đạo đức của cô không hề sáng sủa tí nào. Cô bị tổn thương tình cảm, không có những nguyên tắc luân lý cố định và trước đó đã có một vài tình nhân. Tuy nhiên, cô bị thôi thúc bởi một khát khao mãnh liệt muốn biết sự thật về chính mình. Nhờ một trong những người bạn của cô, một nhà tâm lý và cũng là người Do Thái, cô khám phá (mà không công khai trở thành người Kitô hữu) một số giá trị cốt lõi của Kitô giáo như: cầu nguyện, sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng và lời Tin Mừng mời gọi cô tin tưởng phó mình cho Đấng Quan Phòng. Khi còn là tù nhân ở trại tị nạn Hà Lan trước khi bị chuyển đến Auschwitz, cô biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa, can đảm chịu đựng và hy sinh cho tha nhân. Tất cả điều đó chứng tỏ thực tại đời sống thiêng liêng của cô bất chấp bóng tối bao phủ đời mình.
Thật ngạc nhiên khi đọc cách thức thiếu nữ này hiến dâng chính mình để sống những giá trị Tin Mừng mà cô khám phá dần dần. Chỉ khi mọi tự do bên ngoài của cô ngày này qua ngày khác bị lấy đi, cô mới khám phá trong mình niềm hạnh phúc và tự do nội tâm không ai có thể cướp mất được kể từ đó trở đi. Đây là một đoạn rất ý nghĩa trong kinh nghiệm thiêng liêng của cô:
Sáng nay tôi đạp xe dọc theo Station Quay, tận hưởng những con đường vòng rộng lớn của bầu trời ở ven thành phố, hít thở không khí trong lành, tự do. Khắp nơi nhan nhản những biển báo ngăn chặn người Do Thái đến những con đường và vùng quê rộng mở. Nhưng phía trên những con đường chật hẹp đó vẫn còn cho chúng tôi những bầu trời vươn rộng không tỳ tích. Họ không thể làm gì chúng tôi, thật sự họ không thể. Họ có thể quấy rầy chúng tôi, họ có thể cướp đi của cải vật chất, tự do đi lại của chúng tôi, nhưng chính chúng tôi lại đánh mất những tài sản lớn nhất của bản thân bằng sự khúm núm dại dột của mình, bằng chính cảm giác mình bị tra tấn, làm nhục và đàn áp; bằng sự thù hằn của chúng tôi; bằng vẻ vênh váo che giấu nỗi sợ của mình. Dĩ nhiên chúng tôi có thể buồn và thất vọng trước những gì họ đã làm cho mình; điều đó hoàn toàn là con người và dễ hiểu thôi. Tuy nhiên, tổn thương nghiêm trọng nhất vẫn là tổn thương mà chúng tôi gây ra cho chính mình. Tôi thấy cuộc sống tươi đẹp, tôi tự do. Bầu trời trong tôi bát ngát như bầu trời đang giang rộng trên đầu tôi. Tôi tin vào Chúa và tôi tin vào con người, tôi nói thế mà không bối rối. Cuộc sống thật khắc nghiệt, nhưng đó không phải là điều tồi tệ. Nếu ta bắt đầu bằng cách đề cao tầm quan trọng của mình, thì phần còn lại cũng thế. Không phải chủ nghĩa cá nhân thiếu lành mạnh tác động đến ta. Bình an đích thực sẽ chỉ đến khi mỗi cá nhân tìm thấy bình an trong chính mình; khi chúng ta đánh bại tất cả và biến nỗi thù hằn đồng loại dù họ thuộc sắc tộc nào – thậm chí thành tình yêu một ngày nào đó, dù có lẽ điều đó đòi hỏi quá nhiều. Tuy nhiên, đó là giải pháp duy nhất. Tôi là người hạnh phúc và tôi thực sự yêu mến cuộc đời, trong năm của Chúa 1942, năm chiến tranh không biết lần thứ mấy.[16]
Tự do nội tâm, Tự do tin, cậy và yêu mến
Kinh nghiệm sống của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Etty Hillesium cho thấy điểm tiếp theo mà chúng ta cần xem xét. Tự do đích thực, tự do tối thượng của người Kitô hữu cốt tại khả năng tin, cậy, mến trong mọi hoàn cảnh nhờ vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng “giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn”.[17]Không ai có thể ngăn cản chúng ta bao giờ. “Đúng thế, tôi tin chắc rằng, cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”.[18]
Không hoàn cảnh nào trên thế gian có thể ngăn cản chúng ta tin vào Thiên Chúa, đặt trọn niềm tín thác vào Người, yêu mến Người hết lòng và yêu thương anh chị em. Tin, cậy, mến là tự do tuyệt đối; nếu chúng được cắm rễ đủ sâu trong chúng ta, chúng có thể rút ra sức mạnh từ bất cứ điều gì chống lại chúng! Nếu có ai tìm cách ngăn cản chúng ta tin bằng việc bách hại, chúng ta sẽ luôn duy trì chọn lựa tha thứ cho kẻ thù, đồng thời, biến tình huống đàn áp thành tình huống yêu thương quảng đại hơn. Nếu có ai cố làm cho đức tin chúng ta im tiếng bằng việc giết chóc, cái chết của chúng ta sẽ là lời tuyên xưng đức tin khả thi nhất! Tình yêu và chỉ tình yêu mới có thể vượt qua sự dữ bằng những việc lành và rút ra sự lành từ sự dữ.
Phần còn lại của cuốn sách nhắm đến việc minh họa chân lý cao đẹp này từ những quan điểm khác nhau. Bất cứ ai hiểu và thực hành điều đó, sẽ đạt được tự do tuyệt hảo. Trưởng thành trong đức tin, cậy, mến là con đường duy nhất dẫn đến tự do.
Trước khi phân tích điều này một cách sâu xa hơn, chúng ta cần xem xét một điểm quan trọng khác liên quan đến những phương thức khác nhau cho việc sử dụng tự do thực sự.
Tự do trong hành động, Chọn lựa hay Bằng lòng?
Quan điểm sai lầm về tự do mô tả trước đây thường dẫn người ta đến chỗ tưởng tượng rằng, phương thức duy nhất để thực hiện tự do là chọn điều thích hợp nhất cho họ từ những khả năng khác nhau. Họ nghĩ, phạm vi chọn lựa càng nhiều thì tự do của mình càng lớn. Họ lượng giá tự do bằng phạm vi chọn lựa.
Quan niệm về tự do theo cách này sẽ nhanh chóng dẫn đến những ngõ cụt và những mâu thuẫn. Nó có mặt ở mọi hoàn cảnh, dù ở dạng tiềm thức. Người ta muốn chọn lựa trong mọi hoàn cảnh sống: chọn điểm du lịch, chọn nghề nghiệp, chọn số con cái sẽ có và rồi, chọn lấy giới tính và cả màu mắt của con cái. Họ mơ tưởng một cuộc sống tựa hồ một siêu thị mênh mông, ở đó, mỗi gian hàng chưng ra vô số khả năng và họ có thể thoải mái ghé vào lấy bất cứ thứ gì họ chọn và bỏ đi những thứ còn lại. Hay như một hình ảnh khác, người ta muốn chọn lựa cuộc sống của mình như chọn áo xống từ mục đặt hàng đồ sộ của các trang mạng internet.
Bấy giờ, thật đúng khi cho rằng, việc sử dụng tự do thường liên quan đến một lựa chọn giữa những lựa chọn khác nhau. Đó là một điều hay, nhưng nếu chỉ nhìn vấn đề từ khía cạnh đó thôi thì hoàn toàn phi thực tế. Có rất nhiều khía cạnh cơ bản của cuộc sống mà chúng ta không hề chọn lựa: giới tính, cha mẹ, màu mắt, tính tình hay tiếng mẹ đẻ. Ở một số khía cạnh nào đó, những yếu tố chúng ta chọn lựa trong cuộc sống ít quan trọng hơn những yếu tố mà chúng ta không chọn lựa.
Ngoài ra, ở thiếu thời, cuộc sống chúng ta dường như trải ra trước mặt mình với một phạm vi khả năng rộng lớn để chọn lựa; nhưng theo dòng thời gian, phạm vi đó sẽ hẹp lại dần. Chúng ta phải chọn lựa và những khả năng chọn lựa làm giảm đi số khả năng còn lại. Kết hôn có nghĩa là chọn một người nam hay người nữ; vì thế, loại trừ tất cả những người khác. (Cũng cần hỏi theo nghĩa nào mà người ta thực sự chọn người họ kết hôn – thông thường, họ lấy người họ yêu, vốn không thực sự là một chọn lựa, như từ “yêu” cho thấy! Nhưng điều đó không làm tổn hại gì).
Đôi lúc tôi nói bông đùa rằng, chọn lựa độc thân vì Nước Trời và chọn lựa hôn nhân Kitô giáo thật giống nhau xét về căn bản. Một người đàn ông độc thân chọn khước từ mọi phụ nữ và một người đàn ông kết hôn khước từ mọi phụ nữ khác trừ một người. Đó quả là một khác biệt lớn lao!
Càng già, khả năng chọn lựa của chúng ta càng ít. “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”.[19]Vậy điều gì còn lại từ tự do của chúng ta, nếu chúng ta hiểu nó trong thuật ngữ “siêu thị” được mô tả trước đây?
Quan niệm sai lầm về tự do đã tác động sâu sắc đến thái độ của người trẻ hôm nay, kể cả việc tiến đến hôn nhân hay những hình thức cam kết khác, họ trì hoãn việc đưa ra chọn lựa cuối cùng, vì họ xem chọn lựa là mất tự do. Kết quả, họ không dám quyết định và không bao giờ sống thực sự! Nhưng dù thế nào đi nữa, cuộc sống cũng chọn lựa thay cho họ, bởi lẽ thời gian trôi qua một cách dứt khoát.
Tự do còn có nghĩa là bằng lòng với những gì chúng ta không chọn lựa
Rõ ràng, thực hiện tự do như một chọn lựa giữa những khả năng chọn lựa thật là quan trọng. Tuy nhiên, để tránh vấp phải những sai lầm đau thương, chúng ta cũng cần biết rằng, có một phương thế khác trong việc thực hiện tự do, ít hồ hởi hơn, nghèo khó hơn, khiêm tốn hơn nhưng lại phổ biến hơn nhiều, hiệu quả hơn nhiều cả trần tục lẫn thiêng liêng. Đó là bằng lòng với những gì chúng ta không chọn lựa ban đầu.
Cần nhấn mạnh tầm quan trọng của phương cách sử dụng tự do này. Hình thức cao nhất và hiệu quả nhất của tự do con người được tìm thấy trong việc chấp nhận, ngay cả việc tùng phục quyền thống trị. Sự cao cả của tự do mỗi người sẽ thể hiện khi chúng ta biến đổi thực tại, nhưng sẽ cao cả hơn khi chúng ta chấp nhận nó cách tin tưởng như nó được trao ban cho chúng ta ngày này qua ngày khác.
Thật tự nhiên và dễ dàng khi bằng lòng với những hoàn cảnh dễ chịu chợt đến mà chúng ta không phải chọn lựa. Rõ ràng nó trở thành vấn đề khi sự việc không thuận buồm xuôi gió, nó chống lại chúng ta hoặc làm chúng ta đau khổ. Nhưng một cách chính xác, để tự do thực sự, chúng ta thường được mời gọi chọn cách chấp nhận những gì chúng ta không muốn, cả những gì lẽ ra chúng ta không muốn bất cứ giá nào. Có một quy luật nghịch lý của cuộc sống con người ở đây: người ta không thể trở nên tự do thực sự trừ phi họ chấp nhận không luôn luôn tự do!
Để đạt được tự do nội tâm đích thực, chúng ta phải tập chấp nhận cách thanh thản và sẵn sàng trước bao điều dường như đối nghịch với tự do của mình. Điều này có nghĩa là bằng lòng với những giới hạn cá nhân, yếu đuối, bất lực, hoàn cảnh này hoàn cảnh kia mà cuộc sống áp đặt trên chúng ta .v.v.. Thật không dễ để làm điều này vì tự nhiên chúng ta cảm thấy hoảng sợ trước những tình huống không thể kiểm soát. Nhưng sự thật là chính những tình huống chúng ta không thể kiểm soát là những tình huống làm chúng ta trưởng thành thực sự.[20]Có rất nhiều ví dụ về điều này.
Nổi loạn, Cam chịu, Bằng lòng
Trước khi đi xa hơn, chúng ta cần làm rõ các thuật ngữ. Khi chúng ta đối mặt với những gì bất ưng hay được xem là tiêu cực trong chính mình hay trong hoàn cảnh của mình; lúc bấy giờ, ba thái độ có thể xảy ra:
Trước hết là nổi loạn. Chẳng hạn, chúng ta không chấp nhận con người mình; chúng ta nổi loạn chống lại Thiên Chúa, Đấng đã tác thành chúng ta; chống lại cuộc sống cho phép sự kiện này, sự kiện kia xảy đến; chống lại xã hội .v.v.. Quả thực, nổi loạn không phải luôn luôn tiêu cực – nó có thể là một phản ứng theo bản năng và cần thiết trong những hoàn cảnh cùng cực nào đó. Như vậy, đó là một phản ứng lành mạnh miễn là chúng ta không đeo bám nó. Nổi loạn cũng có thể tích cực như sự từ khước một tình huống không thể chấp nhận được, một tình huống mà ai ai cũng hành động chống lại từ những động cơ chính đáng với những phương tiện hợp pháp và tương xứng. Tuy nhiên, điều chúng ta xem xét ở đây chính là: nổi loạn như là sự khước từ thực tại. Thông thường, đó là phản ứng đầu tiên, tức thời của chúng ta trước khó khăn hay đau khổ nhưng nó không bao giờ giải quyết được điều gì. Tất cả những gì mà hình thức nổi loạn này mang lại là làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Đó là nguồn cội của thất vọng, bạo lực và nổi giận. Một loại chủ nghĩa lãng mạn văn chương tự do nào đó đã bênh vực tính nổi loạn, nhưng lẽ thường bảo cho chúng ta rằng, không gì cao cả hay tích cực đã từng được xây dựng trên nổi loạn như một sự khước từ thực tại, nó chỉ làm tăng thêm và nhân rộng cái sai lầm mà nó cố giải quyết.
Nổi loạn có thể kéo theo cam chịu. Chúng ta nhìn nhận rằng, không thể thay đổi hoàn cảnh hay không thể thay đổi chính mình và rốt cuộc chúng ta cam chịu. Cam chịu có thể biểu thị một mức độ tiến triển nào đó đàng sau cuộc nổi loạn theo nghĩa nó dẫn đến một lối tiếp cận ít gay gắt và thực tế hơn. Nhưng ngần ấy thì không đủ. Nó có thể là một đức hạnh đối với các triết gia nhưng không phải là một nhân đức theo Kitô giáo vì nó không bao hàm một niềm hy vọng. Cam chịu là lời tuyên bố về sự bất lực vốn không thể tiến xa hơn. Nó có thể là một giai đoạn cần thiết nhưng nếu dừng lại ở đó thì nó vẫn vô ích.
Thái độ phải hướng tới là bằng lòng. So với cam chịu, bằng lòng dẫn đến một thái độ nội tâm hoàn toàn khác. Chúng ta nói ‘vâng’ với một thực tại mà thoạt tiên được cho cho là tiêu cực bởi chúng ta nhận ra một điều gì đó tích cực có thể nảy sinh từ đó. Điều này gợi lên niềm hy vọng. Chẳng hạn, chúng ta có thể nói ‘vâng’ trước những gì làm nên chính mình bất chấp những khiếm khuyết của bản thân bởi chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương mình; chúng ta tin chắc Thiên Chúa có thể làm những điều kỳ diệu từ những thiếu sót của chúng ta. Chúng ta có thể nói ‘vâng’ trước những nguyên liệu thô thiển bần cùng và kém cỏi nhất của con người vì tin rằng, “Tình yêu thật mạnh mẽ trong mọi việc đến nỗi nó có thể rút ra điều lành từ mọi sự, cả điều tốt lẫn điều xấu mà nó tìm thấy trong tôi” như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu thổ lộ.[21]
Sự khác biệt tối hậu giữa cam chịu và bằng lòng là khi bằng lòng, thì dù thực tại khách quan vẫn là như nhau, thái độ tâm hồn chúng ta vẫn rất khác nhau. Có thể nói, chúng đã thai nghén các nhân đức tin, cậy, mến. Chẳng hạn, bằng lòng với những khuyết điểm thể lý của con người mình có nghĩa là tin vào Thiên Chúa, Đấng tác thành chúng ta như con người chúng ta. Vì thế, hành động bằng lòng chứa đựng niềm tin vào Thiên Chúa, tín cẩn Người và vì thế yêu mến Người nữa, vì tin tưởng ai cũng là một cách yêu mến người đó. Do sự hiện diện của lòng tin, cậy, mến nên sự bằng lòng đạt được giá trị, tầm mức và sinh hoa kết quả thật lớn lao. Vì ở đâu có tin, cậy, mến, thì sự mở lòng ra với ân sủng của Thiên Chúa, chấp nhận thánh ân của Người và không sớm thì muộn, những hiệu quả tích cực của ân sủng sẽ được trao ban lúc cần thiết. Ở đâu ân sủng được đón nhận, nó sẽ không bao giờ trở nên vô hiệu nhưng trái lại, luôn hiệu quả một cách phi thường.
2. CHẤP NHẬN CHÍNH MÌNH
Thiên Chúa thì thực tế
Có thể trong các giai đoạn khác nhau của cuộc sống, chúng ta sẽ phải dõi theo một lộ trình – có thể là một lộ trình không mấy dễ dàng – dẫn chúng ta từ nổi loạn hay cam chịu đến bằng lòng và cuối cùng, “chọn lấy điều mà chúng ta đã không chọn”.
Chúng ta hãy bắt đầu với một vài ý tưởng về tiến trình chậm chạp của việc học biết yêu thương chính mình một cách đúng đắn, hoàn toàn chấp nhận chính mình đúng như con người của mình. Trước hết, điều quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta không phải là những gì chúng ta có thể làm nhưng đúng hơn là nhường chỗ cho những gì Thiên Chúa có thể làm. Bí quyết tuyệt vời của mọi hoa trái và trưởng thành thiêng liêng là học biết cách để Thiên Chúa hành động. “Không có Thầy, anh em không làm gì được”,[22]Đức Giêsu bảo chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa thì lớn lao vô cùng, hơn bất cứ những gì chúng ta có thể làm bằng sự khôn ngoan hay sức mạnh của mình. Vậy mà, một trong những điều kiện thiết yếu nhất để ân sủng Thiên Chúa hành động trong đời mình là nói ‘vâng’ trước những gì làm nên chúng ta và trước những hoàn cảnh trong đó chúng ta tìm thấy chính mình.
Ấy là vì Thiên Chúa thì “thực tế”. Ân sủng Người không hoạt động trong những tưởng tượng, lý tưởng hay mơ mộng của chúng ta. Nó hành động trong thực tại với những yếu tố rõ ràng cụ thể trong đời sống chúng ta. Ngay cả khi công việc cuộc sống thường nhật của chúng ta không có vẻ gì hiển hách, chỉ như thế ân sủng Thiên Chúa mới có thể chạm đến chúng ta. Người mà Thiên Chúa yêu mến bằng sự trìu mến của một người cha, người mà Thiên Chúa muốn chạm đến và biến đổi bằng tình thương của Người không phải là con người mà chúng ta muốn lẽ ra mình là thế này hay thế nọ. Thiên Chúa không yêu “những mẫu người lý tưởng” hay “những hữu thể đức hạnh”, Người yêu thương những con người thực thụ, những con người thực. Người không buồn để ý đến những thánh nhân trên những kính màu cửa sổ, nhưng thích nhìn đến chúng ta là những tội nhân. Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta có thể lãng phí bao thời gian để than vắn thở dài rằng, mình không như thế này hay như thế khác, ta thán khuyết điểm này, kêu ca giới hạn nọ, tưởng tượng đủ điều tốt lành chúng ta đã có thể làm… nếu, thay vì chấp nhận con người của mình, chúng ta ít khiếm khuyết hơn, được ban cho giá trị hay phẩm hạnh này kia nhiều hơn và vân vân. Đây là một sự lãng phí thời giờ và sức lực vốn chỉ ngăn cản công việc của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn chúng ta.
Hành động của ân sủng Thiên Chúa trong đời chúng ta thường bị cản trở bởi lẽ chúng ta không chấp nhận sự yếu đuối của mình, thay vào đó chúng ta đỗ cho tội lỗi hay sai lầm của mình. Dù ý thức hay không ý thức, mọi bác bỏ đó, đều nói lên rằng, chúng ta chưa chấp nhận chính mình như con người của mình, cũng chưa chấp nhận những hoàn cảnh thực của mình. Để “ân sủng tự do hoạt động” và mở đường cho những thay đổi sâu xa kỳ diệu trong đời sống, đôi lúc chúng ta chỉ cần nói “vâng” là đủ – một tiếng “vâng” được gợi lên bởi niềm tín thác vào Thiên Chúa trước những khía cạnh của đời sống mà chúng ta đã khước từ. Chúng ta từ chối nhìn nhận mình có khuyết điểm này, điểm yếu kia, chúng ta bị đánh dấu bởi sự kiện này, sa sẩy vào tội lỗi nọ. Và thế là chúng ta cản trở hoạt động của Chúa Thánh Thần, bởi Ngài chỉ có thể tác động đến thực tại của chúng ta chừng nào chính chúng ta chấp nhận nó. Chúa Thánh Thần không bao giờ hành động trừ phi chúng ta tự do cộng tác với Ngài. Phải chấp nhận chính mình đúng như con người mình nếu muốn Chúa Thánh Thần biến chúng ta nên tốt hơn.
Tương tự như thế, nếu chúng ta không chấp nhận người khác – chẳng hạn, nếu chúng ta giận họ vì họ không như mình muốn – thì chúng ta cũng không cho phép Chúa Thánh Thần tác động tích cực đến các tương quan của chúng ta hay tạo cơ hội cho tương quan đó thay đổi. Đây là điểm chúng ta sẽ xem xét chi tiết hơn sau này.
Những thái độ được mô tả trên đây chẳng sinh ích gì. Chúng là sự khước từ thực tại, căn để do việc thiếu niềm tín thác vào Thiên Chúa, thiếu lòng trông cậy và kéo theo việc thiếu lòng yêu mến. Bằng cách ấy, chúng ta đóng kín trước ân sủng và ngăn cản hành động của Thiên Chúa.
Ước ao thay đổi và Chấp nhận chính mình
Có thể có người phản đối rằng, quan niệm cần “chấp nhận chính mình” với mọi khuyết điểm giới hạn của bản thân chỉ cho thấy sự bị động và lười biếng. Vậy thì chúng ta không nên ước ao thay đổi, trưởng thành, vượt thắng chính mình để cải tiến sao? Tin Mừng không mời gọi chúng ta hoán cải bằng những lời “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” sao?[23]
Ước ao cải tiến, luôn cố gắng vượt qua chính mình để lớn lên trong sự hoàn thiện rõ ràng là cần thiết. Không có chuyện từ bỏ điều đó. Ngừng tiến tới có nghĩa là ngừng sống. Bất cứ ai không muốn trở nên thánh thiện, sẽ không bao giờ thánh thiện. Rốt cuộc, Thiên Chúa ban cho chúng ta những gì chúng ta ước muốn, không hơn không kém. Nhưng để nên thánh thiện, chúng ta phải chấp nhận chính mình như con người của mình. Hai lời này xem ra chỉ mâu thuẫn nhau, nhưng cả hai đều cần thiết như nhau, bởi chúng bổ sung và cân bằng nhau. Chúng ta cần chấp nhận những giới hạn của mình nhưng không bao giờ cam chịu sự tầm thường. Chúng ta cần ước ao thay đổi, nhưng không bao giờ khước từ, ngay cả trong tiềm thức, nhưng thừa nhận những giới hạn hay chấp nhận chính mình.
Bí quyết này thực sự rất đơn giản. Cần phải hiểu, chúng ta chỉ có thể thay đổi thực tại nếu trước tiên chúng ta chấp nhận nó. Điều này cũng có nghĩa là khiêm tốn nhận ra rằng, chúng ta không thể thay đổi chính mình bằng chính nỗ lực của bản thân, nhưng mọi tiến triển trong đời sống thiêng liêng, mọi chiến thắng bản thân, đều là ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không đón nhận ân sủng để thay đổi trừ phi chúng ta ước muốn thay đổi; nhưng để đón nhận ân sủng biến đổi chúng ta, chúng ta phải “đón nhận” chính mình – chấp nhận chính mình như con người của mình.
Qua cái nhìn của người khác
Chấp nhận chình mình thì khó hơn nhiều như người ta tưởng. Kiêu căng, sợ không được yêu, nhận thức mình nhỏ bé… tất cả cắm rễ sâu trong chúng ta. Hãy nghĩ chúng ta phản ứng tồi tệ làm sao trước những sa ngã, lỗi lầm và thất bại của mình; chúng ta trở nên ngã lòng và rối tung thế nào; chúng làm cho chúng ta cảm thấy tội lỗi làm sao.
Chỉ dưới cái nhìn của Thiên Chúa, chúng ta mới hoàn toàn và thực sự chấp nhận chính mình, chúng ta cần được để mắt bởi một ai đó đã nói rằng, “Vì trước mắt Ta ngươi thật quý giá, được ta tôn trọng và mến thương”[24]như Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ Isaia. Hãy coi một kinh nghiệm rất thông thường, một cô gái tin rằng mình tầm thường (tò mò một chút, như nhiều cô gái khác cũng nghĩ thế, thậm chí là những cô gái xinh đẹp) bắt đầu nghĩ có lẽ mình cũng không đến nỗi như thế sau khi một chàng trai trẻ đem lòng yêu mến và nhìn cô với đôi mắt trìu mến của một người đang yêu.
Để có thể yêu mến và chấp nhận chính mình, chúng ta thật sự cần đến sự nhìn nhận trung gian của người khác. Cái nhìn đó có thể là của cha mẹ, bạn bè, vị linh hướng; nhưng trên tất cả là cái nhìn của Thiên Chúa, Cha chúng ta. Cái nhìn trong đôi mắt Người thì tinh tuyền, chân thật, trìu mến, yêu thương và tràn đầy hy vọng nhất trên trần gian này. Quà tặng lớn nhất được trao ban cho những ai kiếm tìm gương mặt của Thiên Chúa bằng việc kiên trì cầu nguyện có thể là một ngày nào đó họ sẽ cảm nhận một điều gì đó từ cái nhìn này của Người trên cuộc đời họ; họ sẽ cảm thấy mình được yêu thương trìu mến đến nỗi sẽ đón nhận ân sủng của việc chấp nhận chính mình ở tận thâm tâm.
Những gì chúng ta đang nói có một hệ luỵ quan trọng. Khi tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa, con người cũng đánh mất khả năng thực để yêu chính mình.[25]Điều này cũng đúng theo hướng ngược lại, những ai ghét chính mình lại tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa. Trong tác phẩm Dialogues of the Carmelites của Georges Bernanos, mẹ bề trên cao niên nói với Blanche de la Force, một nữ tu trẻ, “Trên hết, đừng bao giờ khinh miệt chính mình. Thật khó để khinh miệt chính mình mà không xúc phạm Thiên Chúa trong chúng ta”.[26]
Để kết thúc, chúng ta đọc một đoạn ngắn từ tác phẩm rất hay của Henry Nouwen, The Return of the Prodigal Son, Cuộc Trở Về của Người Con Hoang Đàng:
Từ lâu, tôi coi việc thiếu tự trọng là một loại nhân đức nào đó. Tôi thường xuyên được cảnh báo phải chống lại tội tự cao tự đại đến nỗi đi đến chỗ cho rằng, không tán thành bản thân là một điều tốt. Nhưng giờ đây, tôi nhận ra rằng, tội đích thực là phủ nhận tình yêu đầu tiên Thiên Chúa dành cho tôi, là không thấy sự tốt lành nguyên thuỷ của tôi. Vì nếu không công bố tình yêu đầu tiên và sự thánh thiện nguyên tuyền này cho chính mình, tôi không gặp được bản ngã đích thực của mình và rồi, lao vào cuộc tìm kiếm huỷ hoại giữa những con người lầm lạc ở những nơi chốn sai lạc những gì chỉ có thể tìm thấy nơi nhà của Cha tôi.[27]
Tự do trở thành tội nhân, Tự do nên thánh
Khi nhìn chính mình với cái nhìn của Thiên Chúa, chúng ta cảm nghiệm được tự do lớn lao. Điều đó có thể được gọi là tự do kép: trở thành tội nhân và trở nên những vị thánh.
Tự do trở thành tội nhân không có nghĩa là chúng ta tự do phạm tội mà không lo lắng về hậu quả – đó không phải là tự do mà là thiếu trách nhiệm. Nó có nghĩa rằng, chúng ta không bị nghiền nát bởi việc mình là tội nhân – chúng ta có một loại “quyền” trở nên nghèo khó, quyền trở thành những gì mình muốn. Thiên Chúa biết những yếu đuối và thiếu sót của chúng ta, nhưng Người không bị chúng làm cho chướng tai gai mắt hay nguyền rủa chúng ta. “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ, ta chỉ là cát bụi”.[28]Dĩ nhiên Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên thánh thiện, thôi thúc chúng ta hoán cải và tiến bộ. Nhưng cái nhìn của Người không bao giờ làm chúng ta cảm thấy đau khổ trước ý nghĩ về việc không làm chủ được. Chúng ta không cảm thấy “áp lực” đôi lúc đến từ người khác hay cách chúng ta đánh giá chính mình bảo chúng ta rằng, mình không bao giờ có thể tốt đủ, làm cho chúng ta mãi mãi không bằng lòng với chính mình và luôn cảm thấy tội lỗi vì không đáp ứng được mong mỏi hay chuẩn mực nào đó. Việc chúng ta là những tội nhân đáng thương không có nghĩa là chúng ta cứ mặc cảm mình tội lỗi vì đã tồn tại như nhiều người đã tồn tại một cách vô ý thức. Cái nhìn của Thiên Chúa cho chúng ta những thực trạng đầy đủ để trở nên chính mình, với những giới hạn và khuyết điểm của mình. Nó cho chúng ta quyền “phạm lỗi”, và giải thoát chúng ta, có thể nói thế, khỏi cảm giác giam hãm và rồi để chúng ta trở nên một điều gì đó chứ không phải là mình. Cảm giác đó không bắt nguồn trong ý muốn Thiên Chúa nhưng trong tâm lý thương tổn của chúng ta.
Trong đời sống xã hội, chúng ta cảm nghiệm một sự căng thẳng dai dẳng về việc đáp ứng những mong mỏi của người khác nơi chúng ta (hay những gì chúng ta tưởng tượng chúng là thế này thế kia). Điều này có thể trở nên một gánh nặng không thể gánh. Thế giới đã quay lưng với Kitô giáo bởi những giáo điều và giới răn vì cho rằng, đó là tôn giáo chuyên về tội lỗi. Tuy nhiên, chưa bao giờ người ta bị tội lỗi đè bẹp như hôm nay. Các cô gái cảm thấy tội lỗi vì không xinh đẹp như những cô người mẫu thời trang nhất. Đàn ông cảm thấy tội lỗi vì không thành công như nhà phát minh Microsoft. Và cứ thế… Các tiêu chuẩn thành công mà nền văn minh hiện đại đưa ra đè nặng trên chúng ta nhiều hơn lời kêu gọi trở nên hoàn thiện Đức Giêsu đề nghị. Ngài nói với chúng ta trong Tin Mừng, “Hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng”.[29]
Dưới cái nhìn của Thiên Chúa, chúng ta được giải thoát khỏi sự thúc ép phải trở nên “người giỏi nhất” hoặc phải luôn luôn là người “thắng cuộc”. Chúng ta cảm thấy mình được giải thoát bởi chúng ta không phải ráng sức mãi để thể hiện chính mình trong ánh sáng thuận lợi hoặc phải tiêu hao năng lượng để giả vờ trở thành những gì không phải là mình. Cách đơn giản và lặng lẽ, chúng ta có thể trở nên chính mình. Không có hình thức “thư giãn” nào tốt hơn là trở lại như một trẻ thơ trong sự trìu mến của Chúa Cha, Đấng yêu mến chúng ta đúng như con người chúng ta.
Chúng ta thấy quá khó để chấp nhận những khiếm khuyết của mình vì chúng ta tưởng tượng chúng làm cho chúng ta khó thương. Vì khiếm khuyết ở khía cạnh này hay khía cạnh kia, chúng ta thấy mình không đáng được yêu. Sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa làm cho chúng ta nhận ra rằng điều đó thật sai lầm biết bao. Tình yêu được trao ban cách nhưng không chứ không phải đáng được và khiếm khuyết không cản ngăn Thiên Chúa yêu thương chúng ta – ngược lại là khác! Vì thế chúng ta được giải thoát khỏi cảm giác kinh khủng, thất vọng, rằng, mình phải trở nên “đủ tốt” để đáng được yêu.
Nhưng trong khi nó “ủy quyền” cho chúng ta trở nên chính mình, những tội nhân tội nghiệp, thì cái nhìn của Thiên Chúa vẫn làm cho chúng ta can đảm tột bực trong ước muốn nên thánh. Chúng ta có quyền khát khao tột đỉnh, khát khao tầm mức thánh thiện cao nhất, bởi Thiên Chúa muốn và Người có thể ban điều đó. Chúng ta không bao giờ bị giam hãm trong sự tầm thường của chính mình hay bị đẩy vào một thứ cam chịu ngu ngốc nào đó, vì chúng ta luôn hy vọng vươn tới trong tình yêu. Thiên Chúa có thể biến chúng ta, dù là tội nhân thành các thánh: ân sủng của Người có thể thực hiện ngay cả phép lạ đó và chúng ta có thể có một niềm tin vô bờ bến vào sức mạnh tình yêu của Người. Thậm chí nếu chúng ta sa ngã mỗi ngày, miễn là lại đứng dậy và thưa, “Lạy Chúa, cảm tạ Người vì con tin chắc Người sẽ biến con thành một vị thánh!” thì chúng ta vẫn sẽ mang lại cho Người một niềm vui khôn tả và sớm muộn gì, từ Người, chúng ta cũng sẽ nhận được điều mình hy vọng.
Vậy, thái độ đúng đắn của chúng ta đối với Thiên Chúa là chấp nhận chính mình cách rất bình an, rất “thanh thản” cả những yếu đuối cũng như khát khao nên thánh mãnh liệt của mình với một quyết tâm thăng tiến vững bền dựa trên niềm tin vô biên vào ân sủng của Thiên Chúa. Thái độ sóng đôi này được biểu lộ rõ ràng trong đoạn nhật ký thiêng liêng của thánh Faustina,
Con ước ao yêu mến Người nhiều hơn bất kỳ ai yêu mến Người trước đây. Dù tội lỗi và sự nhỏ bé của con, con vẫn cắm sâu niềm tin của mình trong vực thẳm lòng nhân từ của Người là Chúa và là Đấng tạo thành con! Dù lỗi lầm nghiêm trọng của con, con vẫn không sợ điều gì, nhưng vẫn hy vọng dâng lời tán tụng luôn mãi. Xin đừng để linh hồn nào, thậm chí những người bé mọn nhất chừng nào họ còn sống, nghi ngờ rằng, mình có thể trở thành một vị thánh lớn. Vì quyền năng ân sủng của Chúa lớn lao biết bao.[30]
“Niềm tin giới hạn” và Tự cấm đoán
Những gì vừa nói sẽ giúp chúng ta tránh được quan niệm sai lầm rằng, chấp nhận chính mình với những khiếm khuyết có nghĩa là đóng khung chính mình trong những giới hạn của mình. Từ những tổn thương và kinh nghiệm trong quá khứ (ai đó có lần đã bảo chúng ta, “bạn không xoay xở được đâu”, “bạn sẽ không bao giờ khá lên tí nào”, .v.v..), từ một vài thất bại nào đó, và cũng từ việc thiếu niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta có khuynh hướng mang theo mình một loạt “niềm tin giới hạn” hay những cam kết phi thực tế vốn làm chúng ta nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể làm điều này hay điều kia, không bao giờ có thể giải quyết tình huống này tình huống nọ. Có vô số ví dụ. Chúng ta tự nhủ, “Mình sẽ không bao giờ giải quyết được điều đó, mình sẽ không bao giờ giải đáp được điều này, sự việc sẽ mãi vậy thôi”. Những tâm trạng như thế không liên quan gì đến việc bằng lòng với những giới hạn mà chúng ta đang nhìn vào. Chúng chỉ là kết quả của những thương tổn hay sợ hãi trong quá khứ hoặc thiếu niềm tin vào chính mình và niềm tin vào Thiên Chúa. Như những chiếc mặt nạ, chúng phải được lột xuống, chứ không phải mang vào. Bằng lòng với con người thật của mình, chúng ta chấp nhận bản thân trong sự nghèo khó cũng như trong sự giàu có của mình và điều đó cho phép mọi năng lực chân thật, mọi khả năng thực thụ của chúng ta lớn lên và phát triển. Trước khi nói mình không thể làm điều này điều kia, chúng ta nên biện phân xem coi liệu sự lượng giá này là kết quả của một hiện trạng đời sống thiêng liêng lành mạnh hay chỉ là một nhận thức tâm lý thuần tuý cần được chữa lành.
Đôi lúc chúng ta có khuynh hướng cấm đoán chính mình đối với một vài khát khao lành mạnh, một vài thành tựu hay hạnh phúc hợp pháp nào đó. Cơ chế tâm lý tiềm thức làm chúng ta tự phủ nhận hạnh phúc bởi một mặc cảm tội lỗi hoặc nó có thể phát xuất từ một quan niệm sai lầm về ý muốn của Thiên Chúa, như thể chúng ta phải tự tước bỏ chính mình khỏi những gì tốt lành trong cuộc sống một cách có hệ thống! Trong cả hai trường hợp, chẳng có ích gì với chủ nghĩa duy thực thiêng liêng đích thực hay việc chấp nhận những giới hạn của mình. Thiên Chúa đôi lúc mời gọi chúng ta hy sinh hãm mình nhưng Người cũng giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi và cảm thức sai lầm về tội lỗi giam hãm. Người phục hồi cho chúng ta sự tự do để đón nhận bất cứ điều gì tốt lành và vui thích mà Người muốn trao ban cho chúng ta nhằm khuyến khích và tỏ cho thấy sự trìu mến của Người.
Nếu có một lãnh vực nơi chúng ta không bị cấm đoán thì đó chính là sự thánh thiện, miễn là chúng ta không nhầm lẫn nó với sự hoàn hảo bên ngoài, những công nghiệp phi thường hay vĩnh viễn không có khả năng phạm tội. Nếu chúng ta hiểu đúng sự thánh thiện như là khả năng lớn lên vô hạn trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và anh chị em, chúng ta có thể đoan chắn rằng không gì vượt xa tầm với của mình. Tất cả những gì chúng ta cần làm là không bao giờ thất vọng và không bao giờ kháng cự nhưng hoàn toàn tin tưởng vào những tác động của ân sủng Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta không có trong mình tính cách của các hiền nhân hay các bậc anh hùng. Nhưng nhờ ơn Chúa, chúng ta có tính cách của các thánh. Đó là chiếc áo rửa tội mà chúng ta mặc vào khi lãnh nhận bí tích, một bí tích biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa.
Chấp nhận chính mình để chấp nhận người khác
Một điểm khác cần xem xét: mối tương quan hai chiều sâu xa giữa việc chấp nhận chính mình và chấp nhận người khác. Cái này củng cố cái kia.
Thông thường, chúng ta không chấp nhận người khác, bởi tự thâm tâm, chúng ta không chấp nhận chính mình. Nếu không hoà hợp với chính mình, nhất thiết chúng ta sẽ thấy mình lâm chiến với người khác. Việc không chấp nhận bản ngã tạo nên căng thẳng bên trong, cảm giác không thoả mãn và tức tối sẽ trút lên người giơ đầu hứng chịu sự xung đột nội tâm của chúng ta. Vì thế, chẳng hạn khi chúng ta khó chịu với những người xung quanh, thì rất thường là vì chúng ta không hài lòng với chính mình! Etty Hillesum viết, “Tôi đã dần đi đến chỗ nhận ra rằng, vào những ngày bạn xung đột với người khác thì bạn thật sự xung đột với chính mình. ‘Bạn nên yêu tha nhân như chính mình’”.[31]
Ngược lại, nếu khép mình trước người khác, không nỗ lực yêu mến họ như họ là chính họ, không học cách làm hoà với họ, chúng ta sẽ không bao giờ có được ơn phúc thực hành sự hoà giải sâu xa với chính mình mà tất cả chúng ta đều cần. Thay vào đó, chúng ta sẽ là những nạn nhân vĩnh viễn từ lòng dạ hẹp hòi của mình, đồng thời là nạn nhân của những xét đoán gay gắt về tha nhân. Đây là một điểm quan trọng, cần được triển khai sau này.
3. CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ
Bằng lòng với những khó khăn
Sau khi nhìn vào việc chấp nhận bản thân, giờ đây, chúng ta xem xét việc chấp nhận các sự kiện. Nguyên tắc căn bản thì như nhau, chúng ta không thể thay đổi cuộc sống mình một cách hiệu quả trừ phi chúng ta bắt đầu bằng cách chấp nhận chúng, đón nhận chúng hoàn toàn và vì thế, bằng lòng với mọi sự kiện bên ngoài mà chúng ta phải đối mặt.
Điều đó không khó đối với những gì chúng ta coi là tốt, hài lòng và tích cực, nhưng khó khi có bất cứ loại thất bại hay đau khổ nào dính dáng vào. Trong những điều tiếp theo, những điều mà chúng ta cho là tiêu cực nói chung được gọi là “những khó khăn”.
Chủ đề này cần được nắm vững cách cẩn thận. Đó không phải là việc trở nên bị động và học cách chịu đựng mọi chuyện mà không phản ứng gì. Nhưng bất kỳ dự định nào mà chúng ta có và dù chúng được chuẩn bị tốt cỡ nào, thì lắm khi những hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta vẫn xảy ra, kéo theo cả một loạt các sự kiện đi ngược lại những mong chờ, hy vọng và ước ao của mình và chúng ta lại phải chấp nhận.
Chúng ta không nên ép mình chấp nhận sự việc cách miễn cưỡng, nhưng nên thật sự bằng lòng với chúng – không chịu đựng nhưng theo nghĩa “chọn” nó (cả khi, thực tế, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác và đó là điều làm chúng ta khó chịu nhất). Chọn lựa ở đây có nghĩa là thực hiện một hành vi tự do, qua đó, chúng ta không những đành lòng cam chịu nhưng còn vui nhận hoàn cảnh. Điều đó không dễ chút nào, đặc biệt trong những thử thách gây đau đớn thực sự, nhưng đó là một hướng đi đúng đắn và chúng ta càng phải dõi theo nhiều ngần nào có thể trong tin yêu và hy vọng. Nếu chúng ta có đủ niềm tin vào Thiên Chúa để xác tín rằng, Người có thể rút ra điều lành từ bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta, thì Người sẽ làm như thế. “Vì đã tin nên anh sẽ được như vậy”, Đức Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần trong Tin Mừng.[32]
Đây là một chân lý tuyệt đối căn bản, Thiên Chúa có thể rút sự lành ra từ mọi sự, cả lành lẫn dữ, tích cực lẫn tiêu cực. Vì Người là Thiên Chúa, “Cha Toàn Năng” mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Rút sự lành ra từ sự lành thì không quá khó. Nhưng chỉ Thiên Chúa, trong sự toàn năng, tình yêu và khôn ngoan của Người mới có thể rút sự lành từ sự dữ. Bằng cách nào? Về điểm này, không lý chứng triết học hay thần học nào có thể đưa ra lời giải thích thoả đáng. Công việc của chúng ta là tin điều đó dựa trên lời Thánh Kinh đang mời gọi chúng ta tin tưởng ở mức độ này: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người”.[33]Nếu tin điều này, chúng ta sẽ cảm nghiệm nó. Khi đọc lại tự truyện của mình vài ngày trước khi mất, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói, “Mọi sự đều là hồng ân”.
Để đi vào thái độ này, chúng ta có một số gợi ý:
Nỗi đau lớn nhất là nỗi đau chúng ta khước từ
Nỗi đau lớn nhất cốt tại việc từ khước nó. Với chính nỗi đau này, chúng ta lại bồi thêm cho nó sự nổi loạn, phẫn uất và tức tối. Sự căng thẳng bên trong gia tăng nỗi đau của mình. Nhưng khi chúng ta được ơn chấp nhận nỗi đau và bằng lòng với nó, thì lập tức nó trở nên ít đau hơn. “Đau đớn trong bình an thì không còn đau đớn nữa”, Cha sở họ Ars, thánh Jean-Marie Vianney nói.
Lẽ thường, khi đối mặt với đau khổ, chúng ta chữa lành nó ngần nào có thể. Nếu đau đầu, chúng ta nên uống aspirin. Nhưng sẽ luôn có những nỗi đau vô phương cứu chữa và chúng ta phải nỗ lực chấp nhận chúng trong bình an. Đây không phải là chuyện tìm khoái cảm trong đau khổ hay yêu mến sự đau khổ nhưng hoàn toàn ngược lại, bởi lẽ bằng lòng với nỗi đau khiến nó dễ gánh hơn là ép mình chống lại nó. Điều này cũng đúng với đau đớn thể lý, một cú đấm phải đón nhận với một thái độ gồng mình, căng thẳng sẽ tổn thương hơn khi nó được đón nhận với thái độ thoải mái, buông lỏng. Muốn xoá bỏ đau khổ bằng mọi giá đôi lúc có thể tạo ra nhiều đau khổ hơn, thậm chí còn khó nuốt hơn. Quan niệm chủ nghĩa khoái lạc cho rằng, mọi đau khổ đều là sự dữ phải tránh bằng mọi giá dẫn người ta đến chỗ làm cho chính mình bất hạnh. Những ai quen tìm tránh mọi nỗi đau và chỉ trải nghiệm những gì làm hài lòng mình hay thoải mái, sớm muộn gì sẽ thấy mình vác những thập giá nặng hơn những ai cố gắng bằng lòng với những đau khổ mà cố gắng loại trừ chúng là điều phi thực tế.
Khi chấp nhận đau khổ, chúng ta tìm thấy sức mạnh mới. Thánh Kinh nói về “bánh châu luỵ”.[34]Thiên Chúa là Đấng trung thành luôn ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để mang lấy những gì là nặng nề và khó khăn ngày này qua ngày khác trong cuộc sống mình. Etty Hillesum viết, “Lạy Chúa, bây giờ con nhận ra rằng, Ngài đã cho con nhiều biết bao. Biết bao điều tốt đẹp cũng như biết bao gánh nặng phải mang. Vậy mà, bất cứ khi nào con tỏ ra sẵn sàng mang lấy nó, lập tức, cực nhọc biến thành đẹp tươi”.[35]
Ngược lại, ân sủng sẽ lảng tránh chúng ta khi chúng ta cố mang thêm những nỗi đau phụ trội, những nỗi đau chúng ta tự chất cho mình qua việc từ chối chấp nhận những thử thách thường ngày của cuộc sống.
Một điểm nữa, điều thực sự gây thương tích không phải là chính sự đau khổ nhưng là sự sợ hãi nó. Nếu được vui nhận cách tin tưởng và bình an, đau khổ sẽ làm chúng ta trưởng thành. Nó làm cho chúng ta trưởng thành, rèn luyện, thanh tẩy… dạy chúng ta yêu thương cách quảng đại; làm cho tâm hồn chúng ta trở nên nghèo khó, khiêm tốn, hiền hoà và trắc ẩn đối với tha nhân. Trái lại, sợ hãi đau khổ khiến chúng ta cứng cỏi trong thái độ tự vệ, phòng thủ và thường dẫn chúng ta đến chỗ chọn lựa phi lý với những hậu quả khôn lường. “Con người đau khổ nhất là khi người ta họ sợ đau khổ”, Etty Hillesum nói. Loại hình đau khổ tồi tệ nhất không phải là đau khổ chúng ta trải nghiệm; đó chính là đau khổ tiêu biểu trói chặt sự tưởng tượng khiến chúng ta hành động với những thái độ lệch lạc. Không phải thực tại gây ra vấn đề nhưng là cách chúng ta tưởng tượng và mô tả nó.
Từ chối đau khổ có nghĩa là từ chối sống
Bằng việc quảng cáo và các phương tiện truyền thông, nền văn minh hiện đại không ngừng hát lên dạ khúc “tin mừng” của nó cho chúng ta nghe: hãy tránh xa đau khổ bằng mọi giá và chỉ tìm sự vui thoả. Nhưng nó lại quên nói rằng, không có cách nào chắc chắn để làm cho mình bất hạnh hơn khi làm như thế. Đau khổ cần được chữa lành bất cứ khi nào có thể, nhưng nó là một phần của cuộc sống và cố loại bỏ nó hoàn toàn có nghĩa là đàn áp cuộc sống, từ chối sống và rốt cuộc, khước từ vẻ đẹp cùng sự tốt lành mà cuộc sống có thể mang lại cho chúng ta. “Ai tìm cách cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ có được nó”,[36]Đức Giêsu dạy chúng ta và Tin Mừng của Ngài đáng tin hơn tin mừng của quảng cáo. Vui thoả là tốt và cũng là một phần của cuộc sống. Nếu không có một điều như thế, chúng ta không thể “trao ban vui thoả”, phương cách tốt nhất để người khác thấy chúng ta yêu mến họ. Nhưng vui thoả không phải để được “nhận” cách ích kỷ. Nó phải được tặng trao cũng như phải được đón nhận. Bằng cách chạy trốn một chút đau khổ (phương thức thông thường dễ chấp nhận), người ta thường gây cho mình những nỗi đau nghiêm trọng hơn nhiều. Chẳng hạn, tôi từng gặp những bậc cha mẹ tự dằn vặt mình năm này qua năm khác chỉ vì họ không thể chấp nhận ơn thiên triệu của đứa con. Khước từ nỗi đau phân ly khiến họ chọn cho mình một lối sống khác bắt nguồn từ những gì họ tưởng tượng, họ trải qua những tháng năm bất hạnh. Những ví dụ như thế cho thấy chấp nhận đau khổ và hy sinh (dĩ nhiên, khi chúng hợp pháp) thì không phải là tìm khoái lạc trong đau khổ, thái độ tự huỷ, nhưng hoàn toàn ngược lại. Bằng cách chấp nhận những đau khổ Thiên Chúa cho phép xảy ra mà cuộc sống “trao tặng” nhằm cho sự tiến bộ và thanh luyện mỗi người, chúng ta tránh được những đau khổ nặng nề hơn nhiều. Chúng ta cần phát triển chủ nghĩa hiện thực này và một lần thay cho tất cả, thôi mơ về một cuộc sống không có đau khổ và xung đột. Đó là cuộc sống trên trời chứ không phải dưới đất. Chúng ta phải mang lấy thập giá và can đảm theo Đức Kitô mỗi ngày; đắng cay của thập giá sớm muộn gì cũng trở nên ngọt ngào.
Những hậu quả về lâu về dài của thái độ nội tâm thì quan trọng hơn những gì người ta nghĩ về nó. Khi đối mặt với đau khổ thường nhật, “gánh nặng của ngày và sức nóng”, mệt nhọc, chúng ta không nên phí phạm thời gian để nguyền rủa trong lòng hay tự nhủ mình không thể chờ cho đến khi nó kết thúc hay mơ về một cuộc sống khác. Chúng ta phải chấp nhận cuộc sống như chúng là thế đó. Cuộc sống, thật tươi đẹp và tốt lành, đúng thế, kể cả những gánh nặng của khổ đau. Khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa ban phúc lộc vô hạn cho mọi đời sống con người và phúc lành đó không bao giờ bị lấy lại dù tội lỗi và mọi hậu quả của nó, “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, Người không hề đổi ý”[37]– đặc biệt là quà tặng đầu tiên cũng như ơn gọi đầu tiên, quà tặng cuộc sống. Mỗi cuộc sống, ngay cả khi phải hứng chịu khổ đau, vẫn vô cùng giá trị và cao quý.
Thái độ này giúp chúng ta kiên định với thực tại và bảo trì năng lượng đáng ra đã bị lãng phí do phàn nàn, ước ao sự việc khác đi hoặc mộng mơ một thế giới ảo. Là Kitô hữu, chúng ta có thể đoan chắc hạnh phúc vĩnh cửu đang chờ đợi chúng ta, “Mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu”, “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ…”.[38]Chúng ta không có lý do chính đáng nào để phàn nàn về những khó khăn trong cuộc sống. Hãy ghi lòng tạc dạ lời của thánh Phaolô, “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời”.[39]
Điều tồi tệ chẳng tồi tệ chút nào: Mặt tích cực của những khó khăn
Phải thừa nhận rằng, dù nặng nề đến mấy, khó khăn mang lại không chỉ những bất lợi mà cả những thuận lợi.
Thuận lợi đầu tiên là chúng ngăn cản chúng ta độc quyền sở hữu cuộc sống và thời giờ của mình. Chúng ngăn cản chúng ta đóng khung trong những chương trình, kế hoạch và khôn ngoan của mình. Chúng giải thoát chúng ta khỏi ngục tù của chính mình, khỏi đầu óc hẹp hòi và phán đoán nông cạn của mình. “Chúa phán, như trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cao hơn đường lối ngươi, tư tưởng Ta cao hơn tư tưởng ngươi bấy nhiêu”.[40]Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là chúng ta để mọi thứ diễn ra đúng như chúng ta muốn, bởi đó là hồi kết của bất kỳ sự trưởng thành nào. Để có thể đi dần vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa vốn phong phú, kiều diễm, hiệu quả và nhân từ hơn vô cùng so với sự khôn ngoan của chúng ta[41], thì sự khôn ngoan nhân loại của chúng ta cần đến một sự cải tổ toàn diện. Không phải huỷ diệt nó nhưng làm cho nó lớn lên bằng việc thanh luyện, giải phóng nó khỏi những giới hạn của mình. Bởi thiếu niềm tin và tình mến, sự khôn ngoan của chúng ta luôn được đánh dấu bởi một mức độ ích kỷ và tự kiêu nào đó. Cái nhìn thiển cận của chúng ta cần mở ra để đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa; chúng ta cần một sự canh tân tận thâm tâm. Tự bản chất, tội lỗi thì hẹp hòi; thánh thiện là sự mở ra của tinh thần, là sự cao cả của tâm hồn.
Từ làm chủ đến từ bỏ: Thanh luyện trí óc
Trong những cơn nguy khốn, không biết lý do tại sao chúng ta gặp thử thách thường là gánh nặng hơn chính cơn thử thách. Người ta hỏi, “Điều này có ý nghĩa gì?”, “Tại sao?” và họ không có câu trả lời. Trái lại, khi biết được lý do, người ta dễ chấp nhận đau khổ hơn. Như việc bác sĩ làm chúng ta đau – chúng ta không nổi cáu với ông vì biết ông làm thế để giúp chúng ta tốt hơn.
Chúng ta hãy suy gẫm về vai trò của lý trí và tâm trí trong đời sống thiêng liêng.
Như tất cả mọi khả năng Thiên Chúa ban tặng con người, trí thông minh thật vô cùng tốt lành và hữu ích. Con người khát khao chân lý, cần hiểu biết, đó là một phần của phẩm giá và sự vĩ đại của nó. Coi thường trí thông minh, coi thường những khả năng và vai trò của nó trong đời sống thiêng liêng và trần tục sẽ là điều bất chính.[42]Đức tin không thể làm gì nếu không có lý trí; và không gì cao đẹp hơn khả năng được trao ban cho con người để cộng tác vào công trình của Thiên Chúa cách tự do, hiểu biết cùng tất cả mọi khả năng khác. Những khoảnh khắc trong cuộc đời khi tâm trí chúng ta hiểu được điều Thiên Chúa đang làm, Người mời gọi chúng ta để làm gì, cách thức Người là cho chúng ta lớn lên… tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta cộng tác hoàn toàn với công trình ân sủng của Người.
Đó là điều Thiên Chúa muốn. Người không tạo chúng ta như những búp bê nhưng là những con người tự do, có trách nhiệm, được mời gọi ôm lấy tình yêu của Người bằng trí thông minh và gắn bó với nó bằng sự tự do của mình. Vì thế, muốn hiểu ý nghĩa của mọi sự trong cuộc đời mình là một điều tốt lành và chính đáng.
Thế nhưng, khát vọng hiểu biết mọi sự bao gồm cả những điều mơ hồ, đồng thời cần được thanh tẩy. Những động cơ đàng sau khát vọng hiểu biết của chúng ta có thể không phải luôn luôn là chính đáng. Khát khao hiểu được chân lý để đón nhận và khuôn rập đời mình theo nó thì hoàn toàn hợp lệ, nhưng ở đó, còn có một khát khao để hiểu biết là một khát khao quyền lực: đảm trách, nắm giữ và làm chủ hoàn cảnh.
Khát khao đó cũng có thể phát xuất từ một nguồn khát vọng khác vốn không mấy tinh tuyền: đó là sự bất an. Trong trường hợp này, hiểu biết có nghĩa là trấn an, tìm kiếm sự an toàn theo nghĩa là chúng ta có thể kiểm soát hoàn cảnh nếu chúng ta hiểu nó. Một sự an toàn như thế thì quá trần tục, mong manh, lừa dối – nó có thể bị hư hỏng từ ngày này qua ngày khác. Sự an toàn thực sự trong cuộc sống chỉ cốt tại niềm xác tín rằng, Thiên Chúa là Đấng trung thành, không bao giờ có thể bỏ rơi chúng ta, bởi sự trìu mến đầy tình cha của Người thì không thể đổi khác được.
Nhu cầu hiểu biết những gì đang xảy ra khi chúng ta trải qua một cơn thử thách nào đó đôi lúc, thuần tuý là một biểu hiện của việc không có khả năng phó mình cách tín thác cho Thiên Chúa để rồi, đi tìm một sự an toàn trần tục nào đó. Điều đó cần được thanh tẩy nơi chúng ta. Tự do nội tâm sung mãn sẽ đến từ việc giải thoát chính mình dần dần khỏi nhu cầu tìm kiếm an toàn trần tục bằng cách nhận ra chỉ Thiên Chúa mới là “đá tảng” của chúng ta như Thánh Kinh dạy.
Việc giải thoát trí thông minh khỏi ước muốn làm chủ và khỏi nhu cầu tìm kiếm sự an toàn thay vì phó mình cho Thiên Chúa đòi chúng ta vượt qua một số giai đoạn nào đó trong cuộc đời mình – chắc chắn đó sẽ là những thời kỳ đau thương nhất – ở đó chúng ta hoàn toàn không thể hiểu được lý do tại sao nó lại xảy ra. Rồi thì sao? Rồi chúng ta phải tìm kiếm ánh sáng bằng suy tư, cầu nguyện và xin lời khuyên của những người khôn ngoan; nhờ ánh sáng này cùng với sự kết hợp với những gì chúng ta học được, chúng ta sẽ tiến bộ. Dẫu thế, vẫn còn có những khoảng thời gian khi chúng ta phải từ bỏ tất cả mọi nỗ lực tự sức mình để giải mã những mầu nhiệm, điều không thể hiểu đó. Đó là lúc phải ngưng mọi hoạt động để phó mình cho Thiên Chúa bằng một niềm tin có thể nói là mù quáng. Ánh sáng sẽ đến sau. “Những gì Thầy làm, bây giờ anh không hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”, Chúa bảo Phêrô.[43]Ở thời điểm đó, cố hiểu bằng mọi giá sẽ gây thương tổn hơn là mưu ích cho chúng ta. Nó sẽ gia tăng nỗi đau của chúng ta thay vì xoa dịu nó, đồng thời gia tăng nghi ngờ, lo sợ, bất an và thắc mắc mà không đưa ra một câu trả lời nào. Rốt cuộc, chúng ta phải hành động trong đức tin. Điều duy nhất có thể mang lại bình an cho chúng ta là khiêm tốn và cầu nguyện cách tin tưởng – thái độ được ngôn sứ Jeremiah biểu lộ, “Biết thinh lặng đợi chờ ơn cứu độ của Thiên Chúa đó là một điều hay”.[44]
Hiểu biết thánh ý Thiên Chúa
Làm sao để thật sự cảm thấy an tâm, chúng ta muốn luôn đoan chắc mình đang làm theo ý Thiên Chúa. Khát khao hiểu biết thánh ý Thiên Chúa để thích ứng là một điều bình thường; và thường khi, nếu tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa với một con tim chân thật, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng để hiểu thánh ý Người. Nhưng không luôn luôn như thế. Ngay cả khi chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm để tìm ra thánh ý Chúa trong trong hoàn cảnh này trong hoàn cảnh khác bằng cầu nguyện, suy nghĩ và bàn hỏi thiêng liêng, chúng ta vẫn sẽ không luôn luôn nhận được câu trả lời rõ ràng, ít nữa không phải ngay lập tức.
Về điều này, có hai lý do: trước tiên, Thiên Chúa coi chúng ta là người trưởng thành và trong nhiều tình huống, Người muốn chúng ta tự quyết định. Lý do thứ hai là sự thanh luyện. Nếu luôn đoan chắc mình đang thi hành ý Chúa và bước đi trong chân lý, chúng ta sẽ nhanh chóng trở nên quá tự tin dẫn đến nguy cơ tự kiêu về đường thiêng liêng. Không luôn tuyệt đối chắc chắn mình đang thi hành ý Chúa là khiêm tốn và khốn khó, nhưng điều đó bảo vệ chúng ta. Nó gìn giữ trong chúng ta một thái độ không ngừng tìm kiếm thánh ý và ngăn ngừa chúng ta khỏi thứ an toàn giả tạo vốn miễn cho chúng ta phó mình cho Người.
Khi không chắc thánh ý Chúa, điều quan trọng là chúng ta cần nói với chính mình rằng: “Ngay cả khi những khía cạnh của thánh ý Thiên Chúa chạy trốn tôi, vẫn luôn có những khía cạnh khác mà tôi biết chắc và có thể đầu tư vào mà không gặp nguy hiểm nào, vì tôi biết sự đầu tư này luôn sinh lời”. Những điều chắc chắn này bao gồm việc chu toàn nhiệm vụ trong đấng bậc mình và thực hành những điểm cần thiết của mọi ơn gọi Kitô hữu. Ở đây có một khiếm khuyết cần nhận ra và tránh xa, thấy mình mù mờ về thánh ý Chúa trước một vấn đề quan trọng – một sự chọn lựa ơn gọi có tầm mức lớn hay một quyết định nghiêm túc nào khác – chúng ta dành quá nhiều thời gian tìm kiếm, nghi hoặc hay nản lòng đến nỗi phớt lờ những gì Chúa muốn cho chúng ta mỗi ngày như trung thành cầu nguyện, giữ vững niềm tin vào Người, yêu mến những người chung quanh ở đây và giờ này. Không có những câu trả lời cho tương lai, chúng ta nên chuẩn bị đón nhận chúng bằng cách sống cái hôm nay cách sung mãn.
“Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”
Như đã nói trước đây, thật ích lợi cho chúng ta khi tập cho mình không chỉ đương đầu với những khó khăn nhưng theo một nghĩa nào đó, chọn lựa nó. Điều đó không có nghĩa là khiêu khích chúng! Nhưng có nghĩa là khi chúng nảy sinh, chúng ta toàn tâm chấp nhận chúng bằng một hành động tự do tích cực, ép mình di chuyển nhanh chóng từ thất vọng đến mặc nhận dựa trên niềm tin.
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu không thích công việc mình bị gián đoạn. Đôi lúc chị được yêu cầu làm những việc đòi hỏi độ tập trung cao như vẽ một cái gì đó hay viết bản thảo một vở kịch cho cộng đoàn. Thời biểu của cộng đoàn Carmel quá sít sao đến nỗi chị không có thời giờ sắp đặt cho riêng mình. Cuối cùng, khi tìm được một hai giờ dành cho công việc, chị đặt tâm trí để làm theo tinh thần sau: “Tôi chọn cách bị gián đoạn”. Nếu một chị tốt lành nào đó đến yêu cầu chị làm một việc vặt vảnh thì thay vì lạnh lùng bảo chị ấy đi, Têrêxa nỗ lực chấp nhận sự gián đoạn nhờ ơn Chúa. Và nếu không ai làm chị bị gián đoạn, chị xem đó là quà tặng hấp dẫn từ Thiên Chúa yêu mến của chị và rất biết ơn Người về điều đó. Dù bất cứ điều gì xảy ra, chị trải qua ngày sống bình an và không bao giờ bực tức. Trong mọi sự, chị có thể làm theo ý mình, vì ý muốn của chị là chấp nhận mọi sự.
Hãy xem xét lời Đức Giêsu, “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”.[45]Đây là một nghịch lý. Hẳn mạng sống Ngài đã bị lấy đi, Ngài bị xiềng xích, nguyền rủa, bị dẫn đến Calvariô và bị đóng đinh trên thập giá. Nhưng như phụng vụ nói, đây là “cái chết mà Ngài tự do chấp nhận”. Tự thâm tâm, Ngài chấp nhận những gì Chúa Cha muốn. Đức Giêsu vẫn vô cùng tự do trong cái chết của mình bởi Ngài đã biến nó thành một sự trao ban tình yêu. Qua việc ưng thuận cách tự do đầy yêu thương, sự sống bị lấy đi trở nên sự sống trao ban.
Theo lời chứng của Jacques Fesch, chúng ta có một mẫu gương sáng ngời về điều này. Bị bắt vì giết chết một cảnh sát trong khi theo đuổi một giấc mơ khá ngông cuồng (âm mưu cướp của để mua cho mình một chiếc thuyền hầu chèo qua đại dương), anh ta ở tù ba năm trước khi bị hành hình vào ngày 01 tháng 10 năm 1957 ở tuổi 27. Trong xà lim, anh khám phá Đức Kitô và lao vào một hành trình thiêng liêng tuyệt diệu. Vài ngày trước khi chết, anh ta viết, “Phúc thay người được Thiên Chúa ân thưởng phúc tử đạo! Dưới cái nhìn của Thiên Chúa, dòng máu đổ ra thật giá trị biết bao, cách riêng là máu được trao ban cách tự do. Tôi không được tự do, nhưng nếu hôm nay tôi được trả tự do vì xúc phạm Thiên Chúa, tôi sẽ từ chối và thích chết hơn. Tôi cộng tác với cuộc hành hình này bằng cách hết lòng chấp nhận nó, dâng nó cho Chúa và như thế, cái chết của tôi ít vô nghĩa hơn”.[46]
Tự do của con người luôn có được sức mạnh lạ lùng này để biến những gì bị lấy khỏi chúng ta – bởi cuộc sống, bởi những biến cố hay người khác – trở thành một điều gì đó được trao ban. Xét bên ngoài, không có sự khác biệt rõ ràng nào, thế nhưng bên trong, mọi sự được biến đổi: định mệnh trở thành tự do chọn lựa, gò bó hoá thành tình yêu, mất mát lại trổ sinh hoa trái. Đây chính là sự cao cả mà tự do con người tuyệt nhiên chưa từng nghe nói tới. Nó không ban sức mạnh để thay đổi mọi sự, nhưng nó làm cho chúng ta có khả năng mặc ý nghĩa cho mọi sự, cả những gì vô nghĩa và như thế tốt hơn nhiều. Không luôn là chủ nhân của dòng đời mình, nhưng chúng ta có thể luôn là những chủ nhân của ý nghĩa chúng ta mặc cho chúng. Tự do của chúng ta có thể biến đổi bất cứ biến cố nào trong cuộc sống thành một biểu hiện của tình yêu, từ bỏ, tín thác, hy vọng và trao ban. Những hành động quan trọng nhất cũng như hiệu quả nhất của tự do không phải là những hành động qua đó, chúng ta biến đổi thế giới bên ngoài nhưng là những hành động mà nhờ đó, chúng ta thay đổi thái độ nội tâm của mình trong ánh sáng đức tin, rằng, Thiên Chúa có thể rút điều lành ra từ mọi sự mà không có trường hợp nào ngoại lệ. Đây là nguồn mạch của những phong phú vô tận. Cuộc sống chúng ta không còn mang trong mình bất cứ điều gì tiêu cực, tầm thường hay dửng dưng nữa. Những điều tích cực trở thành lý do để tạ ơn và vui mừng; những điều tiêu cực là cơ hội để từ bỏ, tin tưởng và trao ban, mọi sự đều là hồng ân.
Vô vọng trong thử thách và Thử thách của vô vọng: Tự do tin, cậy, mến
Nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta thấy mình gặp phải những hoàn cảnh thử thách và khó khăn tác động đến bản thân hoặc ai đó mà chúng ta yêu mến. Chúng ta không thể làm gì. Tuy nhiên, dù cân nhắc và xét xem mọi khía cạnh của sự việc đến đâu, vẫn không có giải pháp. Cảm thức vô vọng và bất lực là một thử thách đau thương đặc biệt khi nó liên quan đến ai đó thiết thân với chúng ta, thấy người mình yêu thương gặp khó khăn mà không thể làm gì là một trong những điều đắng cay nhất. Nhiều bậc làm cha mẹ trải nghiệm điều đó. Khi con cái còn nhỏ, họ luôn có cách can thiệp, giúp đỡ. Khi chúng lớn lên, không còn để tai đến lời khuyên nữa… thật khủng khiếp khi thấy chúng nghiện ngập hoặc lao vào những cuộc tình huỷ hoại. Muốn giúp đỡ chúng thật nhiều, nhưng họ lại không thể. Những lúc như thế, ngay cả khi xem ra không còn cách nào can thiệp nữa, dẫu vậy, cứ tự nhủ, chúng ta vẫn có thể tiếp tục tin, cậy, mến. Chúng ta tin Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi con cái mình và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ sinh hoa kết trái đúng thời đúng buổi. Chúng ta có thể cậy trông vào sự trung thành và sức mạnh của Thiên Chúa đối với mọi sự. Chúng ta có thể yêu bằng cách tiếp tục mang con người đó trong tâm hồn và lời cầu nguyện của chúng ta, tha thứ cho người đó và tha cả những lỗi lầm người đó phạm; đồng thời, biểu lộ yêu thương bằng mọi cách chúng ta có, bao gồm tin tưởng, quên mình và tha thứ. Càng không có các phương tiện, tình thương của chúng ta càng tinh tuyền và cao quý. Cả khi bên ngoài không làm được gì, nhưng chúng ta vẫn còn tự do nội tâm để tiếp tục yêu thương. Dù bi đát đến đâu, vẫn không hoàn cảnh nào có thể cướp mất điều đó khỏi chúng ta.
Đối với chúng ta, đây phải là một bảo chứng giải thoát đầy an ủi giữa cơn thử thách của sự bất lực. Cả khi chúng ta không thể làm gì, miễn là vẫn tin, cậy, mến thì một điều gì đó vẫn đang diễn ra sẽ sinh hoa kết trái không sớm thì muộn đúng thời đúng buổi của lòng nhân từ Thiên Chúa. Tình yêu, dù bị tước mất các phương tiện và xem ra bất lực vẫn luôn luôn sinh hoa kết trái. Nó không thể khác hơn bởi vì đó là một sự thông phần vào hữu thể và sự sống của Thiên Chúa. “Trông cậy như thế, chúng ta không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà người ban cho chúng ta”.[47]
4. CHẤP NHẬN NGƯỜI KHÁC
Bằng lòng với những đau khổ do người khác gây ra
Trước đây, chúng ta đã nói về việc chấp nhận khó khăn với ý muốn tốt lành thay vì gồng mình chống lại chúng. Ý tưởng này cũng có thể áp dụng cho những khó khăn dấy lên do lỗi lầm của một người khác. Vậy thì, chúng ta phản ứng thế nào trước những đau thương gây nên bởi những người chung quanh? Cách ứng xử cũng phải giống chính xác như vậy, chúng ta bằng lòng với chúng.
Một lần nữa, đó không phải là vấn đề trở nên hoàn toàn thụ động. Một đôi khi, chúng ta phải đối mặt với ai đó mà hành động của họ làm chúng ta đau khổ hầu giúp họ nhận ra điều đã làm và dàn xếp cho ổn thoả. Cũng thế, đôi lúc chúng ta có trách nhiệm phản ứng kiên quyết chống lại những hoàn cảnh bất chính để bảo vệ chính mình hay người khác trước những hành động tác hại. Thế nhưng, vẫn luôn luôn còn đó một số đau thương phát xuất từ những người xung quanh mà chúng ta không thể tránh cũng không thể sửa đổi. Và rồi, chúng ta được mời gọi chấp nhận nó với lòng cậy trông và tha thứ.
Chấp nhận loại đau khổ đó thì khó hơn chấp nhận những khó khăn vật chất. Một người đàn ông có thể dễ dàng chấp nhận bỏ lỡ một cuộc hẹn do xe hỏng hơn là do bởi vợ anh ta nướng một giờ trên điện thoại với một người bạn. Chúng ta thấy tự do của người khác đang khi họ hành động trong những sai lầm của họ và nhận ra rằng, họ có thể hành động khác đi nếu họ muốn.
Dù khó mấy đi nữa, chúng ta cũng cần học cách tha thứ cho người khác khi họ làm chúng ta đau khổ hay thất vọng và thậm chí học cả cách chấp nhận những rắc rối họ gây ra cho chúng ta như những ân sủng và phúc lành. Thái độ này không bộc phát cũng không tự nhiên mà có, nhưng đó là thái độ duy nhất, qua đó, chúng ta mới đạt được bình an và tự do nội tâm.
Thừa nhận những khác biệt tính khí
Khi người khác gây đau khổ cho chúng ta, chúng ta không nên tự động xét ý trái cho họ, dù đó là điều chúng ta có khuynh hướng làm. Nhiều vấn đề giữa cá nhân với nhau mà chúng ta vội phê phán là sai trái đạo đức, nhưng nhiều khi, đơn thuần chỉ là những khúc mắc và hiểu lầm trong giao tiếp. Cách biểu lộ chính mình và thổ lộ tâm lý không ai giống ai khiến cho việc nhận ra ý định thật sự của nhau trở nên khó khăn.
Người ta có những tính khí và cách nhìn nhận sự việc rất khác nhau, đôi lúc rất mâu thuẫn và đó là điều cần được nhận ra cũng như vui vẻ chấp nhận. Người thích sắp xếp mọi thứ đâu vào đó sẽ bực tức vì một chút vô trật tự nào đó. Người khác cảm thấy ngột ngạt khi mọi thứ quá ngăn nắp và nghiêm chỉnh. Những người yêu thích trật tự cảm thấy bị đe doạ bởi bất cứ ai đặt không đúng chỗ một vật dù bé nhỏ nhất; người có tính khí ngược lại cảm thấy bị tấn công bởi bất cứ ai khăng khăng đòi sự gọn gàng tuyệt đối. Chúng ta nhanh chóng gán những phán đoán luân lý cho một thái độ như thế và gọi những gì làm chúng ta hài lòng là “tốt” và cái làm chúng ta phật lòng là “xấu”. Các ví dụ thì có thừa. Chúng ta phải cẩn thận, đừng biến gia đình và cộng đoàn mình thành những vùng chiến tranh vĩnh viễn bị phân rẽ thành những người bảo vệ trật tự và những người bảo vệ tự do; người ủng hộ đúng giờ, người ủng hộ dễ dãi; người yêu chuộng hoà bình và lặng lẽ, người lại thích cởi mở; người dậy sớm, kẻ thức khuya; người lắm chuyện, kẻ lầm lì…và vân vân. Chúng ta cần chấp nhận người khác đúng như họ là họ. Hãy biết lối tiếp cận và các giá trị của họ không như của chúng ta. Hãy để tâm trí chúng ta mở ra và lòng chúng ta hoá nên mềm mại đối với họ.
Thật không dễ. Điều đó có nghĩa là nhìn sự khôn ngoan của riêng mình trong những điều kiện tương đối để trở nên nhỏ bé và khiêm tốn. Phải học từ bỏ tính tự phụ cho mình là đúng vốn thường ngăn cản chúng ta đi vào ý nghĩ của người khác; sự từ bỏ đó đôi lúc đòi hỏi chết đi với bản thân. Điều đó thật là khó.
Nhưng chúng ta đứng vững để đạt được mọi sự bằng cách đó. May mắn thay, cái nhìn của người khác mâu thuẫn với cái nhìn của chúng ta, vì như thế, chúng ta có cơ hội thoát khỏi đầu óc hẹp hòi của mình và mở lòng đón nhận các giá trị khác. Tôi đã sống trong cộng đoàn hai mươi lăm năm và có lẽ đã nhận thật nhiều từ những người tôi thấy khó tiếp xúc hơn là từ những người tôi thấy hợp ý. Những người tôi thấy khó tiếp xúc đã mở những chân trời hiểu biết của tôi ra trước những giá trị khác; nhưng nếu tôi chỉ gặp những người đồng tình với mình, có lẽ tôi đã không bao giờ thoáng thấy bất cứ một chân trời mới nào.
Một vài suy tư về sự tha thứ
Dĩ nhiên có những trường hợp là do lỗi lầm thực sự từ phía người khác khiến chúng ta phải đau khổ. Vậy thái độ đúng đắn không phải là việc thấu hiểu trong việc chấp nhận những khác biệt, nhưng sẽ là một điều gì đó đòi hỏi lắm nỗ lực và khó khăn hơn nhiều: tha thứ.
Nền văn minh hiện đại không đánh giá cao sự tha thứ. Thông thường, nó bào chữa cho sự phẫn uất và trả thù. Nhưng điều đó có làm giảm đi sự dữ trên thế gian không? Cách duy nhất để giảm nhẹ đau khổ chất lên vai nhân loại chính là sự tha thứ.
Khi công bố sự tha thứ và yêu thương kẻ thù, Giáo Hội ý thức về việc thêm vào di sản tinh thần của toàn thể nhân loại một mô thức tương quan mới giữa con người với con người; một mô thức khó khăn, chắc chắn rồi, nhưng là một mô thức tràn trề hy vọng. Theo mô thức này, Giáo Hội biết mình có thể cậy dựa vào sự trợ giúp của Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi những ai tìm đến Người lúc khó khăn. “Đức Mến không phẫn uất” (1Cr 13, 5). Bằng những lời này trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô Tông Đồ gợi lại rằng, tha thứ là một trong những hình thức thực hành đức ái cao nhất.[48]
Đây không phải là nơi để khai triển chủ đề tha thứ vốn căn bản nhưng rất phức tạp. Tuy nhiên, cần lặp đi lặp lại rằng, nếu chúng ta không hiểu tầm quan trọng của tha thứ và thực hành tha thứ trong các tương quan giữa chúng ta với người khác, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được tự do nội tâm nhưng sẽ luôn luôn là những tù nhân của nỗi đắng cay của mình.
Khi từ chối tha thứ cho người đã tác hại mình, chúng ta thêm một sai lầm khác vào sai lầm đầu tiên. Điều đó không giải quyết được gì. Chúng ta đang gia tăng sự dữ trên thế gian vốn đã khá đủ như nó đã quá đủ. Đừng tham gia vào việc lan truyền sự dữ. Thánh Phaolô dạy chúng ta, “Đừng để sự dữ thắng được mình, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ”.[49]
Đó là những điều cần ghi lòng tạc dạ nếu chúng ta muốn tháo bỏ những rào cản khiến tha thứ trở nên khó khăn, thậm chí không thể.
Tha thứ khác với sự dung túng sai lỗi
Đôi lúc chúng ta nghĩ, dù ý thức hay trong tiềm thức, tha thứ cho ai sai phạm đối với chúng ta có nghĩa là giả vờ coi người đó không làm gì sai – gọi ác là thiện hay dung túng một hành vi bất công.
Thế nhưng, tha thứ không có nghĩa như thế. Chân lý không thể bị coi thường. Tha thứ có nghĩa là nói rằng: “Người này đã làm hại tôi, nhưng tôi không muốn kết án họ; tôi không muốn đồng hoá người đó với lỗi lầm của anh ta, của chị ta; tôi không muốn nắm giữ công lý trong tay mình. Thiên Chúa là Đấng duy nhất ‘dò thấu lòng dạ’[50] và ‘xét xử công bình’, tôi giao cho Người việc cân đo hành động của người này và đưa ra phán quyết. Đó là một nhiệm vụ khó khăn và tế nhị thuộc về Thiên Chúa, tôi không muốn mang gánh nặng đó vào mình. Ngoài ra, tôi không muốn vượt qua cuộc phán xét cuối cùng mà không khẩn cầu cho người làm tổn thương tôi. Tôi muốn nhìn người đó bằng đôi mắt hy vọng bởi tôi tin một điều gì đó có thể lớn lên và thay đổi người đó và tôi tiếp tục ước muốn sự tốt lành của người đó. Tôi cũng tin rằng, từ sự dữ người đó gây ra cho tôi, cả khi theo cái nhìn loài người, nó không thể chữa lành thì Thiên Chúa vẫn có thể rút ra sự lành…”. Cuối cùng, chúng ta có thể tha thứ cho người khác chỉ vì Đức Kitô đã chỗi dậy từ kẻ chết; sự Phục Sinh của Ngài là bảo chứng việc Thiên Chúa có thể chữa lành mọi sai lầm và mọi vết thương.
Xích xiềng của sự phẫn uất
Theo một nghĩa nào đó, khi tha thứ cho một ai, chúng ta làm điều lành cho người đó bằng việc huỷ một khoản nợ, chúng ta lại mưu ích rất nhiều cho chính mình. Chúng ta tái khám phá một sự tự do có nguy cơ bị đánh mất do phẫn uất và những cảm giác đau thương.
Tự do có thể bị giảm thiểu bởi những bám víu quá mạnh mẽ, bởi sự phụ thuộc vào một ai đó mà chúng ta quá yêu mến (yêu cách sai lầm), người không thể thiếu đối với chúng ta đến nỗi chúng ta phần nào đánh mất tính tự trị của mình. Nhưng từ chối tha thứ cũng buộc trói chúng ta với người chúng ta phẫn uất, nó cũng làm suy giảm hay huỷ hoại tự do của mình. Chúng ta phụ thuộc vào những người chúng ta ghét cũng như vào những người chúng ta yêu một cách không cùng tỷ lệ. Khi nung nấu lòng căm phẫn một ai, chúng ta không thể thôi nghĩ về người đó. Chúng ta nặng lòng với những cảm thức tiêu cực vốn ngốn hết phần lớn năng lượng của mình và vì thế, chúng ta “đầu tư” vào một tương quan vốn không để chúng ta sẵn sàng về mặt tâm lý và tinh thần cho những điều cần tập trung. Căm phẫn tấn công những năng lực sống cũng như gây ra nhiều tổn hại cho chúng ta. Khi ai đó làm chúng ta đau khổ, khuynh hướng của chúng ta là làm cho điều sai trái đó sống mãi trong ký ức như tờ “hóa đơn” chính mình tạo ra đã đến ngày phải thanh toán. Những tấm hóa đơn tích lũy đó, rốt cuộc, lại đầu độc cuộc sống chúng ta. Sẽ khôn ngoan hơn khi chúng ta huỷ đi từng món nợ như Tin Mừng mời gọi. Đối lại, chúng ta sẽ được tha thứ mọi sự và tâm hồn sẽ được giải thoát. Trái lại, việc nuôi dưỡng lòng căm phẫn đối với người khác sẽ khép kín chúng ta trước những điều tích cực mà họ có thể đóng góp cho chúng ta.
“Anh em đong bằng đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy”
Một trong những đoạn văn hay nhất của Tin Mừng là Luca chương 6, câu 27-38. Đó là đoạn căn bản chỉ cho chúng ta thái độ phải có đối với kẻ khác.
Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em… Ai lấy cái gì của anh em thì đừng đòi lại. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ơn và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đã dằn, đã lắc và đầy tràn đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.
Những lời này thật rất đòi hỏi, nhưng chúng ta cần hiểu đòi hỏi đó như một “quà tặng” kỳ diệu mà Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta. Thiên Chúa đưa ra những lệnh truyền và những lời này vốn hàm chứa một lời hứa, Người có thể biến đổi tâm hồn chúng ta đến mức chúng có thể yêu thương bằng một tình yêu tinh tuyền, trao ban cách nhưng không và vô vị lợi như chính tình yêu của Người. Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta món quà tha thứ như chỉ mình Người mới có thể làm và như thế, biến chúng ta nên giống Người.
Chúng ta có thể nói, toàn bộ mầu nhiệm cứu chuộc của chúng ta trong Đức Kitô qua sự nhập thể, cái chết và phục sinh của Ngài bao gồm cuộc trao đổi kỳ diệu này. Trong tâm hồn Đức Kitô, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta một cách rất người để làm cho tâm hồn con người có thể yêu thương như Thiên Chúa. Thiên Chúa trở thành con người để con người có thể trở thành Thiên Chúa – có thể yêu thương như chỉ Thiên Chúa mới có thể yêu, một tình yêu tinh tuyền, mãnh liệt, trìu mến và nhẫn nại khôn cùng vốn chỉ Thiên Chúa mới có.[51]Đó là một nguồn suối kỳ diệu của niềm hy vọng và niềm an ủi lớn lao khi chúng ta biết rằng, nhờ ân sủng của Chúa đang hoạt động trong chúng ta (nếu chúng ta vẫn mở lòng ra đón nhận ân sủng bằng cách kiên vững trong đức tin, cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích), Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi và mở rộng cõi lòng chúng ta đến mức một ngày nào đó, làm cho chúng có thể yêu như Thiên Chúa yêu.
Cần lưu ý, đoạn Tin Mừng vừa trích kết thúc với một trong những quy luật căn bản của đời sống thiêng liêng – thực sự là của đời sống trần tục, “Anh em đong bằng đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy”. Xét theo mặt chữ, câu này đơn giản có nghĩa là, Thiên Chúa sẽ ban thưởng cách quảng đại cho những ai yêu thương và tha thứ cách quảng đại, Người sẽ trao phần thưởng nhỏ hơn cho những ai có thái độ hẹp hòi với người khác. Nhưng câu đó có một ý nghĩa sâu xa hơn. Thiên Chúa không trừng phạt bất kỳ ai, nhưng người ta trừng phạt chính mình. Tin Mừng diễn tả một “quy luật” thuộc về con người, những ai từ chối tha thứ, từ chối yêu thương, sớm muộn gì cũng sẽ trở thành nạn nhân của sự thiếu yêu thương đó. Sự dữ chúng ta làm cho người khác hoặc mong cho người khác, rốt cuộc, sẽ quay lại chống chúng ta. Những ai khắt khe với tha nhân sẽ phải chịu đựng nỗi khắt khe đó. Những xét đoán, nghi ngờ, khước từ hay căm phẫn giam hãm chúng ta trong một mạng lưới vốn sẽ bóp nghẹt chúng ta. Những khát vọng cái tuyệt đối, cái vô biên sâu xa nhất của chúng ta sẽ bị chặn lại và không được thoả mãn, bởi lẽ, việc thiếu lòng nhân từ với người khác đã khép kín chúng ta trong một thế giới của tính toán và tư lợi. Đây là một quy luật bất di bất dịch, “Anh sẽ không ra khỏi đó cho đến khi trả xong đồng xu cuối cùng”.[52]
Tha thứ giải thoát chúng ta khỏi lời nguyền đó. Việc huỷ bỏ những món nợ mà sự tha thứ mang lại làm cho mối tương quan với người khác, dựa trên nền tảng cho và nhận cách nhưng không vốn cần thiết cho tình yêu chân thật trở nên khả thi. Không ai trong chúng ta có thể sống mà không có tình yêu chân thật.
Khi tâm hồn cảm thấy tù túng, thông thường, chúng ta không cần phải tìm kiếm lý do nào khác ngoài lý do này: chúng ta đang khước từ yêu thương và tha thứ cách quảng đại. Quảng đại trong yêu thương và tha thứ làm chúng ta trở nên “con cái của Đấng Tối Cao”, giải thoát chúng ta để chúng ta khám phá đại dương tình yêu và sự sống vô biên của Thiên Chúa, nơi mà những khát vọng thâm sâu nhất của tâm hồn chúng ta sẽ được thoả mãn một ngày nào đó. Isaia dạy chúng ta, nếu ngươi yêu thương người thân cận của mình, “bấy giờ, ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương của ngươi sẽ mau lành… Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm, như mạch suối không cạn nước bao giờ”.[53]
Làm thế nào lỗi lầm của người khác có thể mưu ích cho chúng ta
“Không phải mọi sự xấu đều xấu”. Thái độ xấu của những người chung quanh gây đau khổ cho chúng ta mang lại một số lợi ích nào đó!
Trong tương quan với người khác, lẽ tự nhiên, chúng ta tìm kiếm điều mình thiếu thốn, đặc biệt những gì chúng ta thiếu trong tuổi thơ. Những bất toàn của người khác, những thất vọng họ gây ra cho chúng ta buộc chúng ta phải thiết lập với họ một mối tương quan vốn không bị giới hạn vào cuộc tìm kiếm vô thức thoả mãn những nhu cầu của mình, nhưng làm sao để nó hướng đến việc trở nên tinh tuyền và vô vị lợi như tình yêu Thiên Chúa, “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.[54]
Những bất toàn đó cũng giúp chúng ta không tìm nơi những người khác hạnh phúc, sự sung mãn và thoả mãn, là những gì chúng ta chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa. Vì thế, chúng mời gọi chúng ta “cắm rễ” trong Thiên Chúa. Từ những thất vọng trong tương quan với người mà chúng ta mong đợi nhiều (có lẽ quá nhiều) có thể dạy chúng ta chìm sâu hơn trong việc cầu nguyện, chìm sâu trong tương quan với Thiên Chúa và hướng về Người để tìm sự sung mãn, bình an và an toàn vốn chỉ tình yêu vô cùng của Người mới có thể bảo đảm được. Những thất vọng trong tương quan với người khác buộc chúng ta phải vượt qua thứ tình yêu “ngẫu tượng” để đi đến với một tình yêu thực sự, tự do và hạnh phúc. Cuộc tình lãng mạn sẽ luôn bị đe dọa bởi những nỗi thất vọng. Đức mến thì không bao giờ như thế vì “nó không khăng khăng theo ý mình”[55]hay tìm tư lợi riêng mình.
Chúng ta không mất mát gì khi bị người khác xúc phạm
Một trong những trở ngại lớn nhất cho việc tha thứ là cảm giác rằng cách cư xử của người khác đã tước khỏi chúng ta một điều gì đó thật quan trọng, thậm chí mang tính sống còn. Cảm giác bối rối này nuôi dưỡng lòng căm phẫn. Vấn đề ở đây có thể là vật chất, tình cảm, luân lý (không nhận được tình thương hay lòng kính trọng mà lẽ ra tôi phải có .v.v..), hay ngay cả tinh thần (thái độ của người đứng đầu cộng đoàn làm cho đời sống thiêng liêng của tôi không phát triển như nó phải…).
Để sống bình an, cả khi chính những người xung quanh làm chúng ta đau khổ, chúng ta vẫn phải có một cái nhìn mới mẻ và tận căn vào sự thất đoạt của mình. Nó không giống với thực tế. Những lỗi lầm của người khác không tước khỏi chúng ta điều gì. Chúng ta không có lý do chính đáng nào để căm phẫn họ hay hành động của họ.
Trên bình diện vật chất, dĩ nhiên, người khác có thể lấy đi nhiều thứ nơi chúng ta. Nhưng không phải là những gì thiết yếu, lợi ích đích thực và bền vững duy nhất: tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu chúng ta có thể dành cho Người qua sự trưởng thành nội tậm mà nó tạo ra. Không ai có thể ngăn cản chúng ta tin vào Thiên Chúa, hy vọng vào Người, yêu mến Người mọi nơi trong mọi hoàn cảnh.
Tin, cậy, mến làm cho con người trở nên người viên mãn. Mọi sự khác đều là thứ yếu và tương đối; cả khi chúng ta bị tước mất khỏi nó thì đó vẫn không phải là sự dữ tuyệt đối. Bên trong chúng ta vẫn còn một điều gì đó không thể huỷ hoại vốn được tình yêu và sự sung mãn của Thiên Chúa bảo đảm. “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì… Dù qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.[56]
Thay vì lãng phí thời gian và năng lượng để đổ lỗi cho những người khác về những gì không suôn sẻ hoặc khiển trách họ về những gì chúng ta nghĩ họ đang tước đoạt khỏi chúng ta, chúng ta nên cố gắng đạt cho được một sự tự trị thiêng liêng bằng cách đào sâu tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, suối nguồn vô tận duy nhất của mọi sự lành và lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến vô vị lợi. Vì rằng, sự việc những người khác là tội nhân không thể ngăn cản chúng ta trở nên những vị thánh. Không ai có thể thực sự lấy khỏi chúng ta bất cứ điều gì. Vào cuối đời, khi diện đối diện với Thiên Chúa, thật là trẻ con khi chúng ta đổ lỗi cho người khác rằng, vì họ mà chúng ta không lớn lên được trên đường thiêng liêng.
Cạm bẫy của sự dửng dưng
Đôi lúc chúng ta đặc biệt lo lắng về những bất trắc chung quanh, trong cộng đoàn, gia đình, hay phạm vi giáo xứ của mình. Chúng ta bị cám dỗ nản lòng và bỏ cuộc. Đó là lúc chúng ta phải nói với chính mình: Dù bất cứ điều gì xảy ra, bất cứ lỗi lầm hay sai trái nào mà người này hay người kia phạm phải, thì điều đó vẫn không cướp khỏi chúng ta điều gì cả. Thậm chí cả khi chúng ta sống giữa những người sai phạm những tội luân lý từ sáng tới tối, điều đó vẫn không thể ngăn cản chúng ta yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Nó cũng không tước khỏi chúng ta bất kỳ quà tặng thiêng liêng nào hay cản trở chúng ta tiến tới tình yêu sung mãn. Chung quanh chúng ta, thế giới có thể sụp đổ, nhưng nó không cướp khỏi chúng ta khả năng cầu nguyện, đặt mọi tin tưởng vào Thiên Chúa và yêu mến.
Điều này không có nghĩa là khép mình trong tháp ngà và dửng dưng trước những gì diễn ra chung quanh hoặc trở nên thụ động. Khi gặp các vấn đề, chúng ta nên tìm cách giải quyết và cố gắng xem Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta điều gì. Chúng ta có nên can thiệp không? Chúng ta có thể làm điều gì đó tích cực chăng? Nếu câu trả lời là có, thì sẽ là một tội khi không làm gì cả.
Nhưng nếu mọi sự diễn ra không mấy tốt đẹp chung quanh chúng ta, thì cần thiết hơn cả là duy trì tự do của mình để cậy trông nơi Thiên Chúa và cứ vui vẻ và nhiệt tâm phụng sự Người. Ma quỷ thường tìm cách làm nản lòng chúng ta và làm cho chúng ta không còn thấy hớn hở khi phụng sự Thiên Chúa. Một trong những phương tiện mà nó sử dụng cách riêng là khiến chúng ta lo lắng về mọi thứ vốn không tốt đẹp đang xảy ra chung quanh mình. Chẳng hạn, giả như chúng ta sống trong cộng đoàn. Để làm cho chúng ta mất năng lực và năng lượng thiêng liêng, ma quỷ sẽ dẫn chúng ta đến chỗ chú tâm đến một loạt chuyện tiêu cực – thái độ bất công của những người đảm trách, lỗi lầm của anh chị em, sự thiếu nhiệt tâm, sai trái của họ (đôi lúc thậm chí những sai lầm nghiêm trọng) .v.v.. Sức nặng của lo lắng, bất an, buồn bã và thất vọng sẽ làm suy yếu sinh lực thiêng liêng của chúng ta. Ích gì với những nỗ lực cầu nguyện và quảng đại của chúng ta đang khi bao vấn đề như thế này nảy sinh? Đó là một bước ngắn dẫn đến sự lãnh đạm. Chúng ta phải lột mặt nạ cám dỗ này và nói, “Dù điều gì xảy ra, tôi vẫn không mất mát gì. Tôi cần giữ lấy lòng nhiệt tâm, tiếp tục yêu mến Thiên Chúa và cầu nguyện hết lòng; yêu mến những người tôi cùng sống, cả khi tôi không biết sự việc rồi ra thế nào. Tôi sẽ không phí phạm thời giờ và sẽ không có gì sai lỗi để cố gắng yêu thương. Tình yêu sẽ không bao giờ vô hiệu. Thánh Gioan Thánh Giá nói, “Nơi đâu không có tình yêu, hãy gieo rắc tình yêu và bạn sẽ gặt hái tình yêu”.[57]
Nếu các vấn đề làm chúng ta buồn bã và mất nhuệ khí, chúng ta không giải quyết được gì, chỉ việc làm vấn đề rối thêm. Nếu tội lỗi của những người chung quanh làm chúng ta bực tức và thất vọng, chúng ta đang tiếp tay cho sự dữ lan tràn nhanh hơn đó. Điều dữ chỉ bị đánh bại bởi điều lành và chúng ta chỉ có thể đặt dấu chấm hết cho việc lan tràn tội lỗi bằng sự nhiệt thành, vui tươi và hy vọng; đồng thời làm mọi việc lành chúng ta có thể làm hôm nay mà không lo lắng về ngày mai.
Tổn hại thực sự không ở bên ngoài nhưng ở bên trong chúng ta
Lúc chiến đấu, phải lưu ý đến sự hoán cải, nhưng không phải là sự hoán cải của tha nhân mà là của chúng ta. Chỉ khi nào nghiêm túc xem xét sự hoán cải của mình, may ra chúng ta mới thấy tha nhân hoán cải. Quan điểm này thật thực tế và đầy phấn khích. Chúng ta thực sự ảnh hưởng rất ít trên người khác và những nỗ lực thay đổi họ cũng không có nhiều cơ may thành công vì hầu như lúc nào chúng ta cũng muốn họ thay đổi theo tiêu chuẩn và mục đích của mình hơn là của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu bận tâm trước hết đến việc hoán cải chính mình, chúng ta có nhiều hy vọng tạo nên một sự đổi thay. Tìm cách đổi mới tâm hồn mình thì tốt hơn tìm cách thay đổi thế giới hay Giáo Hội. Mọi người sẽ hưởng lợi.
Chúng ta hãy đặt chính mình trước câu hỏi này, “Trong mức độ nào, sự dữ của môi trường chung quanh có thể ảnh hưởng đến tôi?”. Bằng cách xin lỗi những người tôi sắp xúc phạm, tôi nói rằng sự dữ chung quanh tôi – tội lỗi của người khác, của những người ở trong Giáo Hội, của xã hội – không trở nên sự dữ cho tôi trừ phi tôi để nó thâm nhập vào tâm hồn mình.
Không phải chúng ta nên dửng dưng nhưng hoàn toàn ngược lại. Càng thánh thiện, chúng ta càng đau khổ vì tội lỗi và sự dữ trên thế gian. Nhưng sự dữ bên ngoài chỉ làm hại chúng ta theo mức độ chúng ta xử tệ với nó bởi lo lắng, sợ hãi, thất vọng, buồn bã, đầu hàng, lao mình áp dụng những giải pháp cấp thời vốn không giải quyết được gì, đoán xét, nung nấu cay đắng và căm phẫn, từ chối thứ tha .v.v.. Đức Giêsu nói trong Tin Mừng Marcô, “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế”.[58]Thiệt hại không đến với chúng ta từ những hoàn cảnh bên ngoài, nhưng từ cách thức chúng ta phản ứng bên trong. “Điều làm tâm hồn chúng ta hư hoại không phải là những gì xảy ra bên ngoài nhưng là tiếng dội mà nó đánh thức bên trong chúng ta”.[59]Tổn hại mà người khác gây ra cho tôi không bao giờ nảy sinh từ họ, nó đến từ tôi. Tổn hại có chăng do chỉ mình tự giáng hoạ cho mình, các Giáo Phụ nói đã từ lâu.
Sự đồng loã của chúng ta gia tăng tổn hại
Khi quá chú tâm vào một chuyện sai lầm nào đó, chúng ta biến nó thành chủ đề đối thoại nổi cộm của mình và rốt cuộc, cung cấp thêm chất liệu cho sự dữ nhiều hơn là chính nó. Hối tiếc về sự dữ đôi lúc chỉ làm cho nó mạnh mẽ thêm. Gần đây, tôi nghe một linh mục nói, “Tôi sẽ không dành cuộc đời mình cho việc lăng mạ tội lỗi. Điều đó sẽ chỉ làm vinh danh nó. Tốt hơn, tôi khuyến khích làm điều lành hơn là kết án sự dữ”; và tôi nghĩ, ngài đúng. Đây không phải là thái độ đà điểu rúc đầu xuống cát mà là sự lạc quan của đức mến, “Đức mến không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.[60]
Khi chúng ta ra sức thăng tiến bản thân cách vững chắc và hiệu quả bằng việc hiến trao chính mình hoàn toàn cho sự thiện bất chấp những khiếm khuyết của bản thân; như thế, chúng ta cũng giúp người khác cảm nghiệm sự hoán cải và tiến bộ qua việc khuyến khích họ tiến lên trong những khía cạnh tích cực của đời họ hơn là kết án những lỗi lầm của họ. Điều thiện thì chân chính hơn điều ác và nó có sức thắng điều ác.
Đôi lúc chúng ta cảm nghiệm một sự thoả mãn đầy dã tâm trong việc truy tìm và phơi bày một sai lầm nào đó. Một nỗi căm phẫn và cay đắng dấy lên từ sự trống rỗng thiêng liêng bên trong và chúng ta cảm thấy sự hụt hẫng do nó gây ra. Thông thường, người hay chỉ trích nhất là những người có đời sống thiêng liêng trống rỗng nhất. Người ta tự hỏi liệu có phải họ tự tạo ra kẻ thù cho mình để sống chung với chúng?
Sự dữ đến điền vào chỗ trống
Cả một biển sự dữ, thù ghét, bạo lực và dối trá vây hãm Đức Giêsu. Trái tim Ngài tan nát, bị đâm thâu và Ngài đau khổ hơn bất cứ ai đã từng đau khổ; thế nhưng, điều xấu dành cho Ngài không thể thẩm thấu vào Ngài bởi tâm hồn Ngài tràn ngập niềm tin vào Chúa Cha, Ngài phó mình và hiến dâng trong yêu thương. Chúng ta “phải dõi bước theo Ngài…, bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe”.[61]Cũng thế, Đức Maria dưới chân thập giá, Mẹ uống chén đắng nhưng tâm hồn Mẹ vẫn tinh tuyền. Tâm hồn Mẹ không lo sợ, không nổi loạn, không thù hiềm, chẳng thất vọng nhưng chỉ chấp nhận, thứ tha và cậy trông.
Nếu lầm lỗi của những người khác mắc phải thẩm thấu tâm hồn chúng ta, lý do là vì chúng tìm được chỗ ở đó. Nếu đau khổ làm chúng ta đắng cay, rầu rĩ thì đó là vì tâm hồn chúng ta thiếu vắng tin cậy mến. Nhưng nếu tâm hồn chúng ta tràn ngập niềm phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, tình yêu dành cho Người và tha nhân, thì sự dữ, đau khổ và tổn hại đâu còn chỗ. Thánh Maximilian Kolbe chết trong phòng hơi ngạt ở Auschwitz, nhưng tâm hồn ngài vẫn tinh tuyền và vô tì tích trong chốn địa ngục đó bởi ngài không cảm thấy thù hằn những kẻ hành hình và bằng lòng hiến dâng mạng sống vì tình yêu. Cha Maximilian Kolbe và các bạn đồng hành của ngài đã hát bài Magnificat khi sắp chết. Họ đã chinh phục sự ác bằng sự lành.
Không thể một sớm một chiều chúng ta đạt được khả năng giữ cho mình không để sự dữ chạm đến. Đó là hoa trái của ân sủng và của một tiến trình chinh phục bản thân dài lâu, nhờ đó chúng ta được lớn lên trong các nhân đức đối thần. Đó là một khía cạnh của sự trưởng thành thiêng liêng, là quà tặng đến từ Thiên Chúa hơn là từ những kết quả nỗ lực của mình. Nhưng quà tặng này sẽ được ban cách nhanh chóng hơn, vững chắc hơn khi chúng ta nỗ lực hơn để có nó, càng ước ao nó và càng ra sức thực hành những thái độ được mô tả ở đây: cắm rễ sâu trong Thiên Chúa ngang qua lòng tin và sự cầu nguyện, không lên án người khác và những bất ưng trong cuộc sống và thôi coi mình là nạn nhân; quyết tâm gánh lấy trách nhiệm và chấp nhận cuộc sống như chúng là vậy; sử dụng khả năng hiện tại của mình để tin yêu và hy vọng tràn trề trong từng phút giây.
Tự do vương giả của con cái Thiên Chúa
Trong bí tích Rửa Tội, dầu thơm tho ngạt ngào ghi dấu trên chúng ta như dấu chỉ của một tính cách mới: bằng sự thông hiệp với Đức Kitô, mỗi chúng ta là tư tế, ngôn sứ và vương đế. Chúng ta là vương đế vì chúng ta là con và là người thừa kế của Vua trời đất; ở đây còn có nghĩa chúng ta không phải tuỳ thuộc vào điều gì và mọi sự phải tuỳ thuộc vào chúng ta. Đây là những gì xảy đến với chúng ta khi chúng ta để ân sủng của bí tích Rửa Tội hoạt động trong chúng ta, khi chúng ta sống như con cái Thiên Chúa trong tin, cậy, mến. Vâng, chúng ta biết đau khổ và u sầu, nhưng mọi sự diễn ra cốt để chúng ta lớn lên trong tình yêu và trong địa vị con cái Thiên Chúa của mình. Những gì xảy ra và cách người khác ứng xử không còn chạm đến chúng ta cách tiêu cực nữa; chúng chỉ có thể làm tăng thêm những gì thật sự tốt lành cho chúng ta, những gì cần thiết nhất để yêu thương.
Thánh Phaolô diễn tả ý nghĩa của sự tự do vương giả đó là đặc quyền của người Kitô hữu sống trong vòng tay của Chúa Cha khi ngài nói, “Mọi sự thuộc về anh em”; và ngài thêm, “Và anh em thuộc về Đức Kitô, còn Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”.[62]Điều này cũng được thánh Gioan Thánh Giá diễn tả tuyệt vời trong “Prayer of the Soul in Love”, “Lời cầu nguyện của linh hồn yêu mến”.
Tại sao bạn do dự? Tại sao bạn phải đợi chờ? Vì từ giờ phút này, bạn có thể yêu mến Thiên Chúa trong tâm hồn mình. Tâm hồn tôi là trời, tâm hồn tôi là đất, tâm hồn tôi là các dân tộc, tâm hồn tôi là những người công chính, tâm hồn tôi là các tội nhân, tâm hồn tôi là các thiên thần và là Mẹ Thiên Chúa, mọi thứ là của tâm hồn tôi, chính Thiên Chúa thuộc về tâm hồn tôi và cho tôi; bởi Đức Kitô thuộc về tâm hồn tôi và hoàn toàn cho tôi. Vậy thì hỡi linh hồn tôi, ngươi còn đòi gì nữa, ngươi tìm kiếm gì nữa? Tất cả đều thuộc về ngươi và dành cho ngươi.[63]
II
GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
1. TỰ DO VÀ GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
Một trong những điều kiện thiết yếu của tự do nội tâm là khả năng sống trong giây phút hiện tại. Vì một lý do, chỉ lúc đó chúng ta mới có thể sử dụng tự do. Chúng ta không kiểm soát được quá khứ – không thể thay đổi chút quá khứ nào. Một đôi khi, người ta tìm cách sống lại những biến cố quá khứ được coi là thất bại (“Lẽ ra tôi phải làm điều này… Lẽ ra tôi nên nói điều kia…”) nhưng những viễn cảnh tưởng tượng đó chỉ là giấc mộng, nó không thể tìm về lối cũ. Hành động tự do duy nhất mà chúng ta có thể làm đối với quá khứ là chấp nhận nó đúng như nó là nó và tin tưởng giao phó nó vào tay Thiên Chúa.
Chúng ta cũng kiểm soát rất ít tương lai. Dù mọi viễn cảnh thấy trước, những hoạch định hay hứa hẹn gì đi nữa thì chúng ta vẫn không có gì nhiều để thay đổi hoàn toàn mọi chuyện. Chúng ta không thể lên chương trình trước cho cuộc sống nhưng chỉ có thể đón nhận nó dần dần.
Tất cả những gì chúng ta có là giây phút hiện tại. Đây là nơi duy nhất chúng ta có thể thực hiện những hành vi tự do. Chỉ trong giây phút hiện tại chúng ta mới thực sự tiếp xúc với thực tại.
Ai đó có thể bi quan nghĩ rằng hiện tại thì quá thê thảm và quá khứ lẫn tương lai đều không thuộc về chúng ta. Nhưng một khi được tiếp cận từ cái nhìn đức tin và đức cậy Kitô giáo, giây phút hiện tại lại tràn trề ân sủng và chúng ta an tâm vững dạ vô cùng.
Đây là nơi Thiên Chúa hiện diện. “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.[64]Thiên Chúa là hiện tại vĩnh cửu. Mọi khoảnh khắc, dù mang lại điều gì, đều ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa và biết bao khả năng hiệp thông với Người. Chúng ta không thông hiệp với Thiên Chúa trong quá khứ hay trong tương lai nhưng bằng cách chào đón mỗi khoảnh khắc như là nơi để Người trao ban chính mình cho chúng ta. Chúng ta phải học sống trong mỗi khoảnh khắc như tự nó đã đủ để Thiên Chúa hiện diện ở đó; và nếu Thiên Chúa có đó, chúng ta không thiếu thốn gì. Chúng ta cảm thấy bỏ qua điều này, lỡ hẹn điều kia chỉ vì chúng ta đang sống trong quá khứ hoặc trong tương lai thay vì ở lại trong từng phút giây hiện tại. Thánh vịnh 145 nói, “Muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Người đúng bữa cho ăn. Khi Người rộng mở tay ban, thì bao sinh vật muôn vàn thoả thuê”.[65]
Có một điều gì đó rất tự do khi hiểu được hồng ân của giây phút hiện tại này. Thậm chí cả khi toàn thể quá khứ của chúng ta là một tai ương hoặc tương lai tưởng chừng như một ngõ cụt, thì giờ đây chúng ta vẫn có thể thiết lập một tương giao với Thiên Chúa ngang qua một hành vi đức tin, tín thác và trao phó. Thiên Chúa hiện diện mãi mãi, trẻ trung mãi mãi, mới mẻ mãi mãi; quá khứ và tương lai của chúng ta là của Người. Người có thể tha thứ mọi sự, thanh luyện mọi sự, đổi mới mọi sự. “Người sẽ lấy tình thương mà đổi mới ngươi”.[66]Trong giây phút hiện tại, vì tình yêu vô cùng nhân hậu của Người, chúng ta luôn luôn có thể bắt đầu lại, quá khứ không thể cản trở cũng như tương lai không thể dằn vặt chúng ta. Quá khứ ở trong tay Thiên Chúa Từ Nhân, Đấng có thể làm cho mọi sự sinh ích; tương lai nằm trong bàn tay quan phòng của Người, Đấng không bao giờ quên lãng chúng ta. Đức tin không để chúng ta sống như nhiều người sống, họ để cho quá khứ nặng nề và tương lai đầy sợ hãi đè bẹp. Sống giây phút hiện tại cho phép tâm hồn chúng ta trương rộng.
2. “YÊU THƯƠNG” CHỈ CÓ THÌ HIỆN TẠI
Các luận án về linh đạo nói đến những giai đoạn của đời sống thiêng liêng. Chúng liệt kê ba, bảy, mười hai hoặc bất kỳ con số nào mà mỗi một tác giả thích. Có nhiều điều để học từ những bản tường trình này, dù đó là bảy toà nhà của linh hồn được mô tả bởi thánh Têrêxa Avila hay mười hai mức độ khiêm tốn trong bộ Luật của thánh Bênêđictô.
Nhưng kinh nghiệm đã dạy tôi một lối tiếp cận khác. Tôi thường nói đùa rằng, chiếc thang của sự trọn lành chỉ có một bậc: cái bậc mà chúng ta bước hôm nay. Không để mình bận tâm với quá khứ hay tương lai, chúng ta có thể quyết định tin hôm nay, đặt mọi niềm tin vào Thiên Chúa hôm nay, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân ngay hôm nay. Dù những quyết tâm tốt lành của chúng ta đem lại thành công hay thất bại, thì hôm sau chúng ta có thể bắt đầu lại, không dựa vào sức mạnh bản thân nhưng chỉ dựa vào lòng trung thành của Thiên Chúa.
Thái độ này rất thiết yếu trong đời sống thiêng liêng. Thánh Phaolô mô tả, “Quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho người được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu… Dù đạt tới đâu đi nữa, chúng ta cứ hướng đó mà đi”.[67]Đó là một điểm căn bản trong linh đạo của đời sống tu viện. Thánh Antôn của Ai Cập (Giáo phụ Tu Viện, qua đời ở tuổi 105, khi còn ở tuổi 100, từng nói rằng, “Tôi chưa bắt đầu hoán cải!”) không ngừng lặp lại những lời của thánh Phaolô. Người viết tiểu sử của ngài, thánh Athanasiô thêm vào, “Ngài cũng ghi nhớ lời của Êlia: ‘Hôm nay tôi đang đứng trước Thiên Chúa hằng sống’. Thánh Athanasiô chỉ ra rằng, khi Êlia nói ‘hôm nay’, ông không đề cập đến quá khứ. Và như thế, dù chỉ mới khởi đầu, mỗi ngày ông cố gắng sống như ông muốn xuất hiện trước thánh nhan Chúa, tinh tuyền nơi tâm hồn và sẵn sàng vâng phục và không gì khác”.[68]Các thánh cũng thực hành thái độ tương tự. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là một mẫu gương sáng ngời. Thánh nhân viết, “Ôi Giêsu, để yêu mến Ngài, con chỉ có ngày hôm nay”.[69]
3. CHÚNG TA CÓ THỂ ĐAU KHỔ CHỈ MỘT LÚC
Nỗ lực sống trong thực tại của mỗi giây phút hiện tại là điều quan trọng nhất lúc khổ đau. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói khi mắc bệnh, “Tôi chỉ đau một lúc thôi. Chỉ vì người ta nghĩ về quá khứ và tương lai nên họ trở nên nản chí và thất vọng”.[70]Không ai có khả năng chịu đau khổ mười năm hay hai mươi năm; nhưng chúng ta có ơn Chúa để ngày hôm nay mang lấy nỗi đau vốn là nỗi đau của chúng ta ngay lúc này. Phóng chiếu sự việc vào tương lai nghiền nát chúng ta – chúng ta không trải nghiệm đau khổ nhưng chỉ thấy trước nó.
…Thực tại không phải là một cái gì mỗi người phải gánh lấy cùng với khổ đau đi theo nó… Nhưng ý tưởng đau khổ (vốn không phải là thực tại, vì đau khổ thực sự luôn sinh hoa kết trái và có thể biến cuộc sống thành một điều cao quý) phải bị tiêu huỷ. Và nếu bạn có thể tiêu huỷ những ý tưởng mà đằng sau nó, cuộc sống bị giam hãm như đằng sau những chắn song, thì bạn đã giải phóng cuộc sống đích thực của mình; bạn đã giải phóng động cơ chính của cuộc sống, và bạn cũng sẽ có sức mạnh để mang lấy đau khổ thực sự, đau khổ của bạn và đau khổ của thế giới.[71]
4. “NGÀY NÀO CÓ SỰ KHỐN KHỔ CỦA NGÀY ĐÓ”
Một trong những châm ngôn khôn ngoan nhất của Tin Mừng là, “Ngày nào có sự khốn khổ của ngày đó”. Chúng ta hãy hấp thụ bài học Chúa Giêsu dạy. Chúng ta thường phàn nàn về bao đau khổ đang gánh chịu mà không nhận ra rằng, đó là lỗi của chúng ta. Như thể nỗi đau ngày hôm nay chưa đủ, chúng ta thêm vào những tiếc xót trong quá khứ và lắng lo về tương lai! Thật không ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy bị vùi dập, điều đó chẳng lạ gì. Để cuộc sống trở nên nhẹ gánh, chúng ta phải tập mang lấy những vấn đề của hôm nay thôi.
Quá khứ phủ bóng trên hiện tại bất cứ khi nào chúng ta nghiền ngẫm những thất bại đã qua và những chọn lựa của ngày hôm qua. Dĩ nhiên, chúng ta cầu xin Thiên Chúa thứ tha những lầm lỗi của mình và nên rút ra từ chúng những bài học thích đáng. Nhưng một khi chúng ta nói mình lấy làm tiếc và thực tâm như thế, thì vậy là đủ rồi. Trong khi tìm cách cải thiện những tổn hại ngần nào có thể, những tổn hại do chúng ta gây ra, thì hầu hết thời giờ còn lại, hãy giao phó mọi sự trong tay Chúa và tin rằng Người sẽ điều chỉnh tất cả. Hãy đặt dấu chấm hết cho những thái độ và suy nghĩ cản trở chúng ta sống tin tưởng trong giây phút hiện tại.
Đôi lúc chúng ta thấy mình lãng phí rất nhiều thời giờ và đánh mất quá nhiều cơ hội để yêu thương và lớn lên. Nếu cảm giác đó dẫn đến lòng thống hối thật sự và bắt đầu lại một cách can đảm và tin tưởng thì đó là điều tích cực. Nhưng nếu cảm thức về thời gian bị lãng phí chỉ làm chúng ta thất vọng và cảm thấy mình đang huỷ hoại cuộc sống, hãy lập tức tống khứ nó. Khoá mình trong quá khứ khác nào thêm một tội vào những tội đã phạm. Đó là một sự thiếu niềm tin nghiêm trọng vào lòng nhân từ vô biên và quyền năng của Thiên Chúa, Đấng yêu thương luôn muốn tạo cho chúng ta cơ hội mới để trở nên thánh thiện dù quá khứ thế nào đi nữa. Một khi bạn chợt nghĩ, sao mình tiến bộ chậm chạp quá và ý tưởng đó có nguy cơ vùi dập chúng ta, hãy thể hiện một hành vi đức tin và đức cậy, chẳng hạn hãy nói với Chúa, “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa về toàn bộ quá khứ của con. Con vững tin rằng, Chúa có thể rút ra điều lành từ mọi điều con đã trải qua. Con không muốn hối tiếc về một điều gì và hôm nay con quyết tâm bắt đầu lại từ con số 0 với niềm tin không lay chuyển như thể lịch sử quá khứ của con được dệt nên không bởi một điều gì ngoài lòng trung thành và sự thánh thiện của Chúa”. Không gì có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn thế!
5. NGÀY MAI SẼ LO CHO NGÀY MAI
Nếu chất thêm gánh nặng quá khứ vào trọng lượng hiện tại là một sai lầm, thì chất chồng tương lai lên hiện tại lại là một sai lầm tệ hại hơn. Phương thức chữa lành khuynh hướng đó là suy gẫm bài học chứa đựng trong Tin Mừng về việc phó thác cho Thiên Chúa Quan Phòng và xin Người ban ơn để thực hành nó. “Đừng lo cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?…Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi ‘ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?’”.[72]
Xin nói lại, điều này không có nghĩa là vô lo và thiếu trách nhiệm. Chúng ta phải hoạch định tương lai và nghĩ về ngày mai. Nhưng làm điều đó mà không lo lắng, không bận tâm day dứt trong lòng vì điều đó chẳng giải quyết được gì và thường ngăn cản chúng ta chú tâm vào những gì mình phải làm hôm nay và ngay bây giờ. Tâm hồn lo lắng về ngày mai không thể mở ra đón nhận ân sủng của giây phút hiện tại.
Như manna nuôi dân Do Thái trong sa mạc, ân sủng không thể dự trữ. Chúng ta không thể xây những kho dự trữ ân sủng nhưng chỉ có thể nhận nó dần dần, như phần “lương thực hằng ngày” mà chúng ta cầu nguyện trong kinh Lạy Cha. Để được giải thoát khỏi gánh nặng tương lai cũng như quá khứ, chúng ta cần được “giáo dục lại”. Sau đây là một số điểm thông dụng có ích cho chúng ta.
Sự việc hiếm khi xảy ra như chúng ta mong đợi. Hầu hết mọi nỗi sợ hãi và băn khoăn của chúng ta hoá ra chỉ là tưởng tượng. Những khó khăn chúng ta lường trước trở nên rất đơn giản trong thực tế; và những khó khăn thực sự là những gì đã không xảy đến với chúng ta. Chấp nhận sự việc khi chúng đến, việc này đến việc khác và tin rằng chúng ta có đủ ơn Chúa để giải quyết chúng đúng thời đúng buổi sẽ tốt hơn là tạo nên một chuỗi viễn cảnh về những gì có thể xảy ra – sự thường, những viễn cảnh này không bao giờ đúng. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai là chú tâm vào hiện tại. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu bảo, các môn đệ sẽ bị đem ra trước toà và rồi, Ngài nói thêm, “Anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được”.[73]
Việc phóng chiếu những nỗi lo sợ của mình vào tương lai khiến chúng ta không sống trong giây phút hiện tại để giải quyết những gì lẽ ra chúng ta phải làm. Nó tiêu huỷ những nguồn năng lượng tốt nhất của chúng ta. Trong một đoạn văn khác từ nhật ký, Etty Hillesum nói, “Nếu người ta chất nặng những lo lắng của mình cho tương lai, tương lai đó không thể lớn lên một cách sống động. Lòng tôi ngập tràn tin tưởng, không phải rằng, mình sẽ thành công trong đời, nhưng là ngay cả khi mọi sự xảy đến với tôi dẫu không mấy xuôi may chăng nữa, tôi vẫn thấy đời thật đẹp tươi và đáng sống”.[74]
Như chúng ta thấy, sợ đau khổ gây đau đớn hơn chính sự đau khổ. Chúng ta cần sống sao cho phù hợp.
Chúng tôi phải chiến đấu mỗi ngày với những lo lắng nhỏ nhặt về ngày mai như chiến đấu với những con bọ chét, vì chúng huỷ hoại năng lượng của chúng tôi. Chúng tôi vắt óc suy nghĩ về những ngày sẽ đến và mọi thứ hoá ra không phải như vậy, hoàn toàn không phải như vậy. Ngày nào có đủ sự khốn khổ cho ngày đó. Điều gì cần làm thì phải làm; với những gì còn lại, chúng ta đừng để chính mình bị tàn phá bởi cả ngàn nỗi sợ và lo lắng vụn vặt với quá nhiều động thái dẫn đến việc mất niềm tin vào Thiên Chúa… Mọi chuyện sẽ ổn… Rốt cuộc, chúng tôi chỉ còn một việc đạo đức duy nhất là đòi lại những khu vực bình an lớn trong chính mình, làm sao càng ngày tâm hồn càng bình an hơn và thông chuyển sự bình an này cho những người khác. Càng có nhiều bình an trong chúng tôi, thì cùng lúc, càng có nhiều bình an trong thế giới rắc rối của chúng ta.[75]
6. HÃY SỐNG, THAY VÌ ĐỢI ĐỂ SỐNG
Cuộc sống hiện tại của chúng ta luôn là điều gì đó tốt lành, vì Tạo Hoá đã ban cho nó phúc lành mà Người sẽ không bao giờ huỷ bỏ dẫu tội lỗi đã làm mọi chuyện nên phức tạp. Sách Sáng Thế nói cho chúng ta, “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”. Đối với Thiên Chúa, “thấy” không chỉ có nghĩa là ghi nhận nhưng thực sự còn thông ban thực tại. Sự tốt lành căn bản này của cuộc sống cũng được Đức Giêsu biểu lộ, “Mạng sống không quý hơn của ăn và thân thể không quý hơn áo mặc sao?”.[76]
Không phải lo lắng khiến chúng ta chú tâm vào tương lai nhưng là niềm hy vọng vào một điều gì tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đó có thể là một sự kiện rất đặc biệt, chẳng hạn một cuộc gặp gỡ với người nào đó mà chúng ta quý mến hay việc trở về nhà sau một chuyến đi dài thấm mệt. Hoặc đó có thể là một sự kiện ít rõ ràng khi mọi sự trở nên tốt hơn, hoàn cảnh thay đổi, cuộc sống thú vị hơn. Chúng ta tự nhủ, chúng ta không sống thực sự trong hiện tại, sau này chúng ta sẽ “sống một cuộc sống sung mãn”. Nghĩ như thế cũng không sai nhưng điều đó lại hàm chứa một nguy cơ nào đó. Chúng ta có thể dành cả cuộc đời chờ đợi để sống, vì thế chúng ta liều mình không hoàn toàn chấp nhận thực tại của cuộc sống lúc này của mình; dẫu thế, có gì bảo đảm chúng ta sẽ không thất vọng khi thời gian đợi trông mòn mỏi đến? Đang khi không chú tâm đủ vào cái hôm nay, chúng ta vì thế, bỏ lỡ những ân sủng lẽ ra đã đón nhận. Hãy sống trọn vẹn mỗi khoảnh khắc, đừng lo lắng liệu thời gian qua nhanh hay chậm nhưng hãy đón nhận mọi điều được ban cho chúng ta dần dần.
Để sống tốt hôm nay, chúng ta cũng phải nhớ rằng, Thiên Chúa chỉ đòi hỏi mỗi lúc một việc, không bao giờ hai. Không thành vấn đề công việc bạn có trong tay là lau chùi sàn bếp hay đang diễn thuyết cho bốn mươi ngàn người. Chúng ta phải chú tâm vào đó cách đơn sơ, bình thản và đừng cố giải quyết cùng lúc hơn một vấn đề. Ngay cả khi những gì chúng ta đang làm thực sự gây ngột ngạt, thì thật sai lầm khi chúng ta đổ xô vào công việc đó mà tưởng mình như đang phí phạm thời gian. Nếu có một việc nào đó cần thực hiện, đó cũng là một phần của cuộc sống chúng ta, thì dù tầm thường đến đâu, nó vẫn đáng làm và đáng được chú tâm vào.
7. SẴN SÀNG CHO KẺ KHÁC
Sẵn sàng là một yếu tố căn bản trong tương quan với người khác. Trong mọi cuộc gặp gỡ với người khác, dù dài hay ngắn, chúng ta nên làm cho người đó cảm thức một trăm phần trăm chúng ta ở đó cho họ vào lúc đó và không làm một việc gì khác ngoài việc có mặt và làm bất cứ điều gì họ cần. Thái độ tốt đã đành, nhưng còn phải sẵn sàng hết lòng và thực lòng. Điều này rất khó, bởi chúng ta ý thức cao về quyền sở hữu thời giờ của mình và có xu hướng dễ dàng nỗi cáu nếu không thể tổ chức nó như đã định. Nhưng đây là giá của tình yêu đích thực. Nếu Đức Giêsu yêu cầu chúng ta đừng lo lắng chút nào là cốt để mỗi người gìn giữ phẩm chất tương quan với người khác. Một tâm hồn bận tâm với những lo toan sẽ không sẵn sàng cho người khác. Cha mẹ nên ghi nhớ điều này: con cái có thể sống hạnh phúc mà không luôn đòi hỏi sự chú ý của chúng ta, miễn sao chúng ta ở với chúng dẫu không phải lúc nào cũng quan tâm tới chúng. Nếu cha mẹ bị sàng sảy với những lo toan thay vì giao phó những lo toan ấy vào tay Chúa thì chúng ta không thể cống hiến cho con cái loại thời gian ấy và chúng sẽ không bao giờ cảm thấy an toàn trong tình yêu của chúng ta, không thành vấn đề bao món quà đắt tiền chúng ta đổ dồn cho con cái.
8. THỜI GIAN TÂM LÝ VÀ THỜI GIAN NỘI TÂM
Nếu chúng ta cố gắng sống như thế và đào sâu tương quan của mình với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện để rồi chính mình có thể cảm nhận được sự hiện diện của Người bên trong chính mình; đồng thời, sống kết hiệp ngần nào có thể với sự cư ngụ bên trong đó của Người, chúng ta sẽ khám phá một điều gì đó thật tuyệt diệu, một giai điệu bên trong của ân sủng mà cuộc đời chúng ta đang dõi theo ở mức độ sâu sắc nhất của nó.
Có thể nói rằng, có hai mô thức thời gian: thời gian của lý trí và thời gian của tâm hồn. Thời gian thứ nhất là thời gian tâm lý, thời gian trong tâm trí chúng ta, thời gian chúng ta tính toán, chia thành giờ ngày để quản lý và lập kế hoạch. Loại thời gian này thường trôi qua hoặc là quá nhanh hoặc là quá chậm.
Nhưng bên cạnh đó, còn có một loại thời gian khác chỉ được cảm nghiệm vào những khoảnh khắc hạnh phúc hay ân sủng nào đó dù nó luôn luôn tồn tại. Đây là thời gian của Thiên Chúa, thời gian của những giai điệu ân sủng trầm lắng trong cuộc đời chúng ta. Nó bao gồm một chuỗi những khoảnh khắc liên kết hài hoà với nhau. Mỗi một khoảnh khắc trong chuỗi khoảnh khắc này trọn vẹn trong chính nó, vì chính trong khoảnh khắc đó, chúng ta làm những gì chúng ta phải làm trong sự hiệp thông với thánh ý Thiên Chúa. Thời gian đó hiệp thông với vĩnh cửu. Đó là thời gian chúng ta đón nhận như một quà tặng.
Nếu luôn sống trong thời gian đó, chúng ta sẽ tránh được những tổn hại và những sai sót cách đáng kể. Ma quỷ luồn lách vào thời gian khi chúng ta sống không tốt bởi chúng ta đang từ chối một điều gì đó hoặc bám quá chặt vào một điều gì đó.
Các thánh có thói quen sống trong thời gian nội tâm đó. Để được vậy, điều đó đòi hỏi một sự tự do nội tâm lớn lao, hoàn toàn tách biệt khỏi những kế hoạch, chương trình và xu hướng riêng của chúng ta. Chúng ta sẵn sàng làm tức khắc những gì chúng ta không mong đợi, hoàn toàn từ bỏ chính mình, không bận tâm gì hơn việc thực hiện thánh ý Chúa và hoàn toàn sẵn sàng cho người khác và những biến cố. Chúng ta cũng cần cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa bên trong chúng ta qua việc cầu nguyện và lắng nghe Chúa Thánh Thần tận thâm tâm để làm theo những đề nghị của Ngài.
Thế rồi, không còn gì là ngẫu nhiên may rủi nữa. Có thể chúng ta thường bước đi trong bóng đêm, nhưng lại cảm nhận cuộc sống của mình đang mở ra trong một giai điệu mà chúng ta không thể kiểm soát nhưng vui tươi phó mình cho nó và qua đó, mọi biến cố được xếp đặt theo sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa.
III
ĐỘNG LỰC TIN CẬY MẾN
1. CÁC NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN
Tầm quan trọng của việc tin, cậy, mến đã được nói đến thật nhiều trong các chương trước. Từ thời xa xưa, chúng được gọi là “các nhân đức đối thần”; nói cách khác, các nhân đức liên kết chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể đạt được tự do nội tâm tuỳ theo mức độ chúng ta phát triển các nhân đức đối thần này.
Ngày nay, “nhân đức” đã mất nhiều ý nghĩa. Nguồn gốc Latin của nó là virtus, có nghĩa là sức mạnh hay quyền năng. Đức tin là sức mạnh cho chúng ta. Thư gửi tín hữu Rôma nói về Abraham, “Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa”.[77]Cũng thế, cậy trông không phải là viễn vông hay mơ mộng, nhưng tin vào lòng trung thành của Thiên Chúa, Đấng thực hiện lời hứa của Người – một niềm tin vốn đem đến cho chúng ta sức mạnh lớn lao. Và đức mến có thể được gọi là lòng can đảm để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.
Ba nhân đức đối thần này làm nên năng lực thiết yếu của đời sống người Kitô hữu. Thật quan trọng để hiểu đúng vai trò của chúng và tập trung toàn bộ đời sống thiêng liêng vào chúng hơn là, như đôi lúc xảy ra, vào những khía cạnh thứ yếu. Đối với người Kitô hữu, trưởng thành có nghĩa là có khả năng sống nhờ tin, cậy, mến. Kitô hữu không phải là những người sống theo một bộ luật. Trên hết và trước hết, Kitô hữu là người tin vào Thiên Chúa, hy vọng mọi sự từ Người, muốn yêu mến Người và yêu thương tha nhân hết lòng. Các giới răn, kinh nguyện, bí tích và mọi ân sủng đến từ Thiên Chúa (kể cả những kinh nghiệm thần nghiệm cao nhất) chỉ có một mục đích duy nhất là gia tăng lòng tin, cậy, mến.
Tân Ước, đặc biệt trong các Thư của thánh Phaolô, mô tả tin, cậy, mến là trọng tâm của đời sống Kitô hữu. “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa… nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vì lòng mến và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô”.[78]Trong cuộc chiến thiêng liêng, vũ khí thiết yếu nhất của người Kitô hữu là các nhân đức đối thần, “Chúng ta hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ”.[79]
Các nhân đức đối thần có vai trò then chốt trong đời sống thiêng liêng bởi vì ở đây, tự do của chúng ta và ơn Chúa hợp tác với nhau. Mọi sự tích cực và tốt lành trong đời sống chúng ta đều phát sinh từ ơn Chúa và hành động của Chúa Thánh Thần trao ban cách nhưng không mà chúng ta không đáng nhận; thế nhưng, ân sủng không thể sinh hoa kết trái dồi dào trong chúng ta trừ phi chúng ta hợp tác hoàn toàn, “Để tác tạo con, Ta không cần con; nhưng để cứu con, Ta cần con”, Chúa Giêsu đã nói với thánh Catherine Siena như thế.
Vậy, một cách huyền nhiệm nhưng là thực sự, các nhân đức đối thần là quà tặng của Thiên Chúa và hành động của con người. Đức tin đến từ Thiên Chúa là quà tặng nhưng không, không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa” nếu Thánh Thần không mạc khải cho người ấy; cùng lúc đó, hành vi tự nguyện của họ cũng bằng lòng trước những chân lý được Thánh Kinh và Truyền Thống Giáo Hội dạy. Khía cạnh tự nguyện của hành vi ấy thể hiện rõ ràng nhất lúc gặp cám dỗ hay nghi ngờ, “Tôi tin những gì tôi muốn tin”, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói giữa những thử thách chị phải chịu vào cuối đời. Tin không luôn diễn ra cách tự nhiên và đôi lúc đòi hỏi chúng ta can đảm nắm chặt đôi tay để kết thúc những do dự và nghi ngờ. Dẫu thế, khi chúng ta thực hiện một hành vi đức tin thì điều đó chỉ có thể khả thi vì chính “Chúa Thánh Thần giúp đỡ chúng ta trong sự yếu đuối của chúng ta”.[80]
Cũng thế, trông cậy là một chọn lựa thường đòi hỏi một nỗ lực. Lo lắng, nản lòng và sợ sệt thì dễ hơn. Trông cậy có nghĩa là tín thác. Khi cậy trông, chúng ta không bị động, nhưng đang hành động.
Yêu mến cũng là một quyết định. Một đôi khi, nó chợt đến, nhưng rất thường khi, yêu thương người khác có nghĩa là chọn yêu thương họ. Bằng không, tình yêu sẽ không hơn gì cảm xúc, thậm chí ích kỷ và là một cái gì đó không liên quan gì đến tự do của chúng ta.
Nhưng chính qua hành động của Thiên Chúa, ẩn tàng hay công khai, mà đức tin, cậy, mến có thể thực hiện.[81]Các nhân đức đối thần thức dậy và lớn lên trong tâm hồn con người bởi công việc và giáo huấn của Chúa Thánh Thần. Việc huấn giáo của Thiên Chúa như thế đôi lúc làm rối tung cả lên. Hãy xem cách Chúa Thánh Thần hoạt động bên trong chúng ta.
2. BA SUỐI NGUỒN CỦA THÁNH THẦN
Không có cách nào để lập biểu đồ tất cả những gì Chúa Thánh Thần làm trong bất cứ một cuộc sống nào. Chúng ta không thể đưa ra luật lệ hay hoạch định nó. “Gió thổi đâu tùy ý nó, anh nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và nó đi đâu”.[82]Tuy nhiên, chúng ta có thể lần theo một vài thông số nào đó. Các mầu nhiệm kinh Mân Côi có thể giúp ta thấy điều đó.
Kinh Mân Côi là một lời kinh rất hay mà qua đó, chúng ta phó mình cho Đức Mẹ để đi vào thông hiệp với các sự kiện trong cuộc đời Đức Kitô. Kinh Mân Côi còn là một biểu tượng của mọi đời sống con người. Cũng như kinh Mân Côi chứa đựng các mầu nhiệm vui mừng, đau khổ và cuối cùng là vinh quang; cũng thế, có thể nói, công trình của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời chúng ta cũng có những “suối nguồn” vui mừng, đau khổ và vinh quang. (Đó là thứ tự tầm quan trọng của chúng, nhưng chúng diễn ra theo đường tròn).
Một số suối nguồn của Chúa Thánh Thần chiếu sáng và mặc khải; một số lột bỏ và làm hao mòn; một số xác định và làm cho vững chắc. Cả ba loại này đều cần thiết: loại thứ nhất sinh ra đức tin, loại thứ hai dạy chúng ta trông cậy và loại thứ ba ban cho chúng ta lòng can đảm để yêu mến.
Chúng ta hãy lấy gương cuộc đời thánh Phêrô. Một đôi khi, tôi hỏi những người thuộc nhóm Canh Tân Đặc Sủng, “Thánh Phêrô đã đón nhận suối nguồn của Chúa Thánh Thần khi nào?”, họ thường trả lời, “Vào Lễ Ngũ Tuần!”. Dĩ nhiên điều này đúng, nhưng tôi thêm rằng, đó không phải là thời gian duy nhất. Theo ý tôi, thánh Phêrô đã trải nghiệm “những suối nguồn khác của Chúa Thánh Thần trước cả suối nguồn trong sách Công Vụ Tông Đồ. Có ít nhất hai suối nguồn mà tôi muốn gợi lại.
3. ƠN GỌI VÀ QUÀ TẶNG ĐỨC TIN
Suối nguồn đầu tiên của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời thánh Phêrô diễn ra vào thời khắc ơn gọi của ngài, khi ngài cảm thấy buộc phải từ bỏ mọi sự – công việc, lưới, thuyền và gia đình – để theo Đức Giêsu. Thông điệp của Đức Giêsu và trên hết, chính Ngài đã đánh động Phêrô cách sâu xa, “Chưa hề có ai nói năng như ông ấy!”.[83]Niềm say mê vị ngôn sứ đến từ Galilê xâm chiếm Phêrô và ông cảm nhận được lời Ngài là lời hằng sống. Cùng lúc, ông dự đoán rằng, bằng cách đáp lại lời mời gọi “Hãy đến và theo tôi” của Đức Giêsu, vận mệnh của đời ông lật sang một trang hoàn toàn mới và từ đó cống hiến cho một cuộc mạo hiểm phi thường. Chúa Thánh Thần vừa mạc khải cho Phêrô biết Đức Giêsu là ai vừa cho ông thấy ý nghĩa mới của cuộc đời ông, gợi lên niềm vui và hạnh phúc lớn lao trong ông. Đó là khởi đầu của một cuộc phiêu lưu thiêng liêng tuyệt diệu.
Đây là những “suối nguồn vui mừng” của Thánh Thần. Chúa Thánh Thần cũng làm cho chúng ta nên phong phú bằng sự hiện diện mới mẻ của Đức Kitô, đồng thời, một sự hiểu biết mới mẻ về ý nghĩa cuộc đời chúng ta. Vào những thời điểm như thế, vai trò chính của Chúa Thánh Thần là soi lòng mở trí chúng ta và gợi lên sự đáp trả bằng niềm tin.
4. NƯỚC MẮT CỦA THÁNH PHÊRÔ VÀ
QUÀ TẶNG CỦA NIỀM HY VỌNG
Nhưng một đôi khi, Chúa Thánh Thần làm chúng ta hao mòn. Kinh nghiệm lớn nhất của thánh Phêrô về điều này ở ngay thời điểm kinh khủng nhất trong đời ông: chối Thầy. Nhưng nhờ lòng nhân lành của Thiên Chúa, sự chối nhận đó đã trở nên cơ hội cho suối nguồn sâu thẳm của Chúa Thánh Thần. Hoàng Tử của các Tông Đồ khóc cho sự hèn hạ và tội lỗi mình, nhưng trong nước mắt, ông nhận được niềm hy vọng của sự tha thứ.
Việc chối Thầy của Phêrô là một cú ngã kinh khủng đối với ngài, là Tông Đồ Trưởng. Đức Giêsu đã chọn ngài làm trưởng. Nhưng mọi tình cảm cao quý và tinh thần trách nhiệm cao cả của ngài cũng tan biến chỉ trong vài giây. Tất cả những gì cần thiết chỉ là một cô hầu gái trong sân vị Thượng Tế hỏi ngài, “Có phải ông cũng là một trong những môn đệ của người này không?”. Ba lần Phêrô chối Thầy khi thề thốt mình không liên quan gì tới Ngài. Nhưng Chúa Thánh Thần, Cha kẻ cơ bần, tận dụng cú ngã kinh khủng ấy để một lần nữa chạm đến tâm hồn vị Tông Đồ, rất sâu. Phêrô bắt gặp ánh mắt của Đức Giêsu và hiểu được tất cả sự khủng khiếp của việc phản bội. Cùng lúc ấy, ngài thấy mình không bị kết án nhưng lại được yêu thương trìu mến hơn bao giờ hết. Với ngài, vẫn còn hy vọng được nhấc lên lại, niềm hy vọng cứu độ. Phêrô quỵ xuống trong nước mắt, và trong nước mắt, ngay lúc ấy, ông được thanh tẩy. Giuđa, tại sao ông tránh ánh mắt của Đức Giêsu và như thế, chôn vùi mình trong thất vọng? Ngay cả đến hơi thở cuối cùng, hy vọng cứu độ và tha thứ vẫn có thể là của ông. Tội lỗi của ông không tồi tệ hơn của Phêrô…
Trong cái nhìn của Đức Giêsu, Phêrô đón nhận suối nguồn của Chúa Thánh Thần. Một trong những suối nguồn đau đớn đó bần cùng hóa chúng ta nhưng rốt cuộc, sinh ích vô cùng vì chúng cho chúng ta thấy sự bất lực của mình và buộc chúng ta từ đó trở đi, chỉ tin tưởng vào lòng thương xót và trung thành của Thiên Chúa.
“Người thấy tội mình thì vĩ đại hơn người làm cho kẻ chết chỗi dậy”, các Giáo Phụ sa mạc đã nói như thế. Phêrô đi từ kiêu căng đến cậy trông. Cậy trông là nhân đức của người biết mình vô cùng yếu đuối và dễ đổ vỡ để rồi chỉ cậy dựa vững chắc vào Thiên Chúa bằng niềm tín thác hoàn toàn. Lần đầu tiên trong đời, thánh Phêrô thực hiện một hành động cậy trông thực sự, “Điều con không thể làm bằng chính sức mạnh của mình, thì con cậy trông nơi Người, ôi lạy Thiên Chúa của con. Không phải nhờ công đức của con vì con chẳng có công trạng gì nhưng chỉ nhờ lòng nhân từ của Người mà thôi”.
Đức cậy trông chỉ có thể phát sinh từ cảm nghiệm sâu xa về sự khó nghèo của mình. Chừng nào chúng ta giàu có, chúng ta chỉ dựa vào của cải của mình. Để học cậy trông, chúng ta phải đi qua sự bần cùng. Những trải nghiệm này là cửa ngõ dẫn vào trải nghiệm sự tốt lành, lòng trung tín và quyền năng của Thiên Chúa theo một công thức hoàn toàn khác thường, “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó”- những người bị Chúa Thánh Thần tước bỏ hết mọi sự – “vì Nước Trời là của họ”.[84]
5. LỄ NGŨ TUẦN VÀ QUÀ TẶNG ĐỨC MẾN
Chuyển sang các mầu nhiệm vinh quang, chúng ta thấy Lễ Ngũ Tuần rõ ràng là “suối nguồn vinh quang” của Chúa Thánh Thần tuôn tràn trên Phêrô và các môn đệ khác. Nó đổ đầy họ – và đổ đầy chúng ta – sự hiện diện của Thiên Chúa và liên kết họ mật thiết với Đức Kitô; hoa quả tốt đẹp nhất của nó là lòng can đảm để yêu thương. Trong phòng Tiệc Ly, thánh Phêrô lãnh nhận quyền năng từ trên cao như Đức Giêsu đã hứa[85]. Đây là quyền năng của đức mến, lửa yêu mến, lòng can đảm để yêu mến Thiên Chúa hơn bất cứ ai, bất cứ điều gì khác và hiến đời mình phục vụ tha nhân qua việc rao giảng Tin Mừng. Bừng cháy lửa yêu mến mà Thánh Thần đốt lên trong tâm hồn mình, từ đó trở đi, Phêrô là vị Tông Đồ không biết mệt mỏi, vui mừng trong những dịp chịu đau khổ vì danh Đức Giêsu,[86]và hoàn toàn dấn thân cho việc “chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa mà ngài sẵn lòng đảm trách”.[87]
6. LỬA SOI CHIẾU, THIÊU ĐỐT & BIẾN ĐỔI
Ba khía cạnh của đời sống thiêng liêng – những suối nguồn vui mừng, đau thương và vinh quang của Chúa Thánh Thần – gợi lại hình ảnh ngọn lửa và khúc gỗ mà thánh Gioan Thánh Giá dùng.[88]
Khi ngọn lửa bén vào khúc gỗ, trước hết, nó làm cho khúc gỗ sáng lên và được sưởi ấm. Điều đó tương ứng với mầu nhiệm vui mừng. Chúng ta được sưởi ấm bởi tình yêu Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta. Khi ngọn lửa đến gần hơn, khúc gỗ bắt đầu nám đen, bốc khói, có mùi khó chịu, rỉ ra nhựa đốt và những chất khó ưa khác. Đây là suối nguồn đau thương: tâm hồn cảm thấy đau khổ trước nỗi khốn cùng của mình. Giai đoạn này kéo dài cho đến khi ngọn lửa thanh luyện đã hoàn tất công việc của nó và tâm hồn hoàn toàn được biến đổi thành ngọn lửa yêu mến. Đây là suối nguồn vinh quang, trong đó, linh hồn được củng cố trong đức mến, ngọn lửa mà Đức Giêsu đến để đốt lên trong trần gian.
Bài học từ hình ảnh này rất lạc quan, chúng ta không nên sợ hãi những lúc bị giày vò bởi những nỗi khốn cùng của mình. Chúng ta hãy phó mình cách tin tưởng cho Thiên Chúa và tin chắc rằng sớm muộn gì nỗi khốn cùng rồi sẽ được biến đổi thành đức mến cháy bừng. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu viết cho chị mình, Marie du Sacré-Cœur, “Hãy tránh xa mọi thứ hào nhoáng, hãy yêu mến sự nhỏ bé của mình… rồi chúng ta sẽ nghèo khó trong lòng và Đức Giêsu sẽ đến tìm chúng ta. Dù ở xa thế nào đi nữa, Ngài cũng sẽ biến đổi chúng ta thành những ngọn lửa tình yêu”.[89]
7. ĐỘNG LỰC CỦA CÁC NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN
Thánh Seraphim Sarov nói, mục đích của đời sống Kitô hữu là chiếm hữu được Chúa Thánh Thần. Ta có thể nói thêm – các sự kiện cuộc đời thánh Phêrô cho thấy điều này – rằng, mục đích của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời chúng ta là gợi lên các nhân đức đối thần tin, cậy, mến trong chúng ta và làm cho chúng lớn lên. Mọi đặc sủng, quà tặng và hoạt động khác của ân sủng chỉ là phương tiện Ngài dùng để gia tăng đức tin, đức cậy và đức mến.
Ba nhân đức đối thần không thể bị tách biệt. Nhân đức này không thể tồn tại mà không có hai nhân đức kia. Dĩ nhiên, nhân đức quan trọng nhất là đức ái hay tình yêu. “Vào cuối đời mình, chúng ta sẽ bị phán xét về đức ái”, thánh Gioan Thánh Giá nói. Chúng ta nên đọc lại bài ca đức mến tuyệt vời trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô, “Nếu tôi có tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì”.[90] Sau này, thánh Phaolô nói thêm, “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”.[91]Đức tin và đức cậy chỉ là tạm thời; chúng chỉ tồn tại trên trần gian này và sẽ qua đi. Trên trời, đức tin sẽ được thay thế bằng việc nhìn thấy và đức cậy sẽ được thay thế bằng việc sở hữu; chỉ đức mến là không bao giờ qua đi thôi. Nó sẽ không bao giờ bị thay thế bởi bất cứ điều gì khác bởi nó là mục tiêu mà tất cả hướng tới. Trên trần gian này, đức mến là sự thông phần sung mãn nhất sự sống trên trời; đức tin và đức cậy chỉ tồn tại cho nó.
Nhưng đức mến không thể tồn tại mà không có hai “đầy tớ” này, đức tin và đức cậy. Nó cần chúng để có thể lớn lên và phát triển. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem lý do tại sao.
8. ĐỨC MẾN CẦN ĐỨC CẬY
ĐỨC CẬY, NỀN TẢNG CỦA ĐỨC TIN
Không thể yêu mến nếu không cậy trông. Tình yêu cần không gian để lớn lên và phát triển; đó là một điều kỳ diệu, nhưng rất mong manh theo một nghĩa nào đó. “Môi trường” đặc biệt mà đức mến cần để được hình thành là đức trông cậy. Nếu đức mến không phát triển hay trở nên lạnh lùng, thì rất thông thường, nó bị bóp nghẹt bởi những bận tâm, lo lắng, sợ hãi hay nhát đảm. Đức Giêsu nói với thánh Faustina, “Cản trở lớn nhất của sự thánh thiện là nhát đảm và sợ sệt”.[92]
Chúng ta được tạo dựng để yêu thương; dù ý thức hay không ý thức điều đó thì một trong những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta vẫn là trao ban chính mình cho người khác. Một dụ ngôn Tin Mừng ví tình yêu lớn lên trong tâm hồn chúng ta như hạt lúa mì được gieo vãi, đâm chồi và tự mình lớn lên dù người nông dân thức hay ngủ.[93]Vậy mà tình yêu thường không lớn lên được và sự phát triển của nó bị bóp nghẹt bởi những ích kỷ, tự kiêu, “những lo lắng thế sự và đam mê trần tục”[94]như Chúa Giêsu nói, hoặc do những cản trở khác. Rất thông thường, cội rễ của vấn đề là thiếu cậy trông.
Thiếu trông cậy, chúng ta không thực sự tin Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta hạnh phúc và như thế, chúng ta xây dựng hạnh phúc của mình từ lòng thèm muốn và ham mê nhục dục. Không mỏi mong tìm kiếm sự sung mãn của đời mình trong Thiên Chúa và vì thế, chúng ta tự hình thành một bản tính nhân tạo dựa trên kiêu căng. Hoặc nữa – điều thông dụng nhất giữa những người có ý hướng ngay lành – chúng ta muốn yêu, quảng đại trong tình yêu, trao ban chính mình nhưng lại e sợ, do dự và lo lắng giữ lại. Việc thiếu niềm tin vào những gì ân sủng Chúa có thể làm trong đời sống chúng ta và những gì chúng ta có thể làm nhờ sự trợ giúp của Người dẫn đến một sự co rút cõi lòng, một đức mến thu nhỏ lại. Nhưng như thánh Têrêxa nói, “cậy trông dẫn đến yêu thương”.
Khi chúng ta đánh mất sự tha thiết, sự thú vị cũng như lòng quảng đại trong việc yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, thì thông thường, nguyên nhân của nó là do sự nhát đảm hay một loại thất vọng bí mật nào đó. Phương thuốc chữa lành là thắp lên lại niềm cậy trông của mình, tái khám phá một niềm tin mới vào những gì Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta (dù chúng ta yếu đuối và suy đồi đến đâu) và những gì chúng ta có thể làm với sự trợ giúp của ơn Chúa.
“Nhát đảm huỷ hoại linh hồn”, Chân Phước Francis Mary Paul Libermann đã từng nói. Vì thế, phương thức chữa lành tốt nhất là khám phá cội rễ của sự nhát đảm và học lại cách nhìn vào khía cạnh đặc biệt đó của cuộc sống bằng đôi mắt của đức trông cậy.
Để ý chí trở nên mạnh mẽ và táo bạo, nó cần được khuấy động bởi lòng khát khao. Khát khao chỉ có thể mạnh mẽ nếu những gì đáng khao khát được coi là có thể tiếp cận và khả thi. Chúng ta không thể muốn điều gì đó cách hiệu quả nếu có cảm giác “mình sẽ không bao giờ làm được điều đó”. Khi ý chí trở nên yếu nhược, chúng ta phải xác định lại mục tiêu sao cho nó được coi là có thể đạt được. Cậy trông là nhân đức gây ảnh hưởng. Nhờ cậy trông, chúng ta biết mình có thể tin tưởng mong đợi mọi sự từ Thiên Chúa. “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”,[95]thánh Phaolô nói. Cậy trông làm cho đức mến có thể mở rộng và phát triển.
Nhưng để cậy trông trở thành một động lực thực sự trong đời sống, nó cần có một nền móng vững chắc, một đá tảng chân lý. Nền tảng vững chắc đó được thiết lập bởi đức tin, chúng ta có thể “hy vọng điều không thể hy vọng”[96]vì chúng ta “biết Đấng chúng ta tin”.[97]Đức tin giúp chúng ta bám chắc vào chân lý mà Thánh Kinh truyền lại, chân lý về sự tốt lành, lòng nhân từ và sự tuyệt đối trung thành với lời hứa của Thiên Chúa. Thư gửi tín hữu Do Thái nói, “Chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, được khuyến khích mạnh mẽ để nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta”.[98]
Thánh Kinh cho thấy tình yêu tuyệt đối không điều kiện và không thể thu hồi mà Thiên Chúa dành cho con cái Người được biểu lộ nơi Đức Kitô, Đấng được sinh ra, chết và chỗi dậy vì chúng ta. Ngài “yêu tôi và hiến dâng mình vì tôi”.[99]Nhờ đức tin, tâm hồn chúng ta bám vào chân lý và tìm thấy trong đó một niềm cậy trông vô biên và không thể huỷ hoại. “Cũng như niềm tín thác và tin tưởng, đức tin là mẹ của đức mến và đức cậy”.[100]
9. VAI TRÒ CHÍNH CỦA ĐỨC CẬY
Những suy xét này cho thấy vai trò chính của đức cậy trong đời sống Kitô giáo. Có thể nói, trong khi đức mến là nhân đức cao cả nhất trong ba nhân đức đối thần, thì trong thực tế, đức cậy là nhân đức quan trọng nhất. Chừng nào còn cậy trông, đức mến còn phát triển. Nếu cậy trông tuyệt chủng, đức mến trở nên lạnh nhạt. Một thế giới không có hy vọng sẽ sớm trở thành một thế giới không có tình yêu. Nhưng đức cậy cần đức tin mà từ đó nó phát xuất. Thánh John Climacus, Giáo Phụ thế kỷ thứ bảy nói, “Đức tin mang lại điều dường như vô vọng trong tầm với của chúng ta”; ngài nói thêm, “Một người tin không phải là người tin Thiên Chúa có thể làm mọi sự nhưng là người tin rằng, họ có thể đạt được mọi sự từ Thiên Chúa”.
Chúng ta hãy suy gẫm về những lời này của thánh Gioan Thánh Giá, những lời quyết định trong việc khuyến khích thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu trên “con đường nhỏ bé của phó thác và yêu thương”, “Từ Thiên Chúa, chúng ta có được thật nhiều như chúng ta cậy trông nơi Người”.[101]Thiên Chúa không trao ban theo công trạng nhưng theo niềm cậy trông của chúng ta.
Nhưng cậy trông chỉ có thể được sinh ra trong khó nghèo. Đó là lý do tại sao nghèo khó trong tâm hồn là chìa khoá mở ra trước mọi trưởng thành thực sự trong đức mến. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.[102]
10. ĐỘNG CƠ CỦA TỘI LỖI, ĐỘNG CƠ CỦA ÂN SỦNG
Vậy, đức tin tạo ra đức cậy, đức cậy làm cho đức mến khả thi và giúp nó lớn lên. Động cơ này của các nhân đức đối thần là hoa trái của ân sủng, công trình của Chúa Thánh Thần, nhưng nó còn cần đến sự hợp tác của ý chí con người. Động cơ tích cực này bị đối chọi, điểm này đến điểm khác, với động cơ tiêu cực của tội lỗi.
Đức tin → đức cậy → đức mến
Hoài nghi → không tin → tội lỗi
Cách thức tội lỗi chiếm hữu linh hồn có thể thấy trong câu chuyện sa ngã của Adam và Eva ở chương thứ hai sách Sáng Thế. Ngờ vực, hoài nghi Thiên Chúa là cội rễ của tội lỗi. Thiên Chúa có tốt lành thực sự như Người nói không? Có thể tin lời Người không? Người có thực sự là Cha không? Hoài nghi sinh ra không tin, chúng ta không tin Thiên Chúa có thể thoả mãn và làm cho chúng ta hạnh phúc. Rồi chúng ta cố sức tự xoay xở trong sự bất tuân. Đây là mẹ của ích kỷ, ham muốn, dâm dật, ganh tỵ, lo sợ, mâu thuẫn, bạo lực và toàn bộ mạng lưới sự dữ.
Đức tin là căn nguyên của việc chữa lành và giải thoát chúng ta, là khởi đầu của tiến trình trao ban sự sống vốn chữa lành sự chết do tội lỗi gây nên. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu nhấn mạnh đức tin đến thế, “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này, ‘Rời khỏi đây, qua bên kia!’, nó cũng sẽ qua”.[103]“Đức tin là bảo chứng những điều hy vọng”[104], trích thư gửi tín hữu Do Thái.
11. CẬY TRÔNG
VÀ SỰ TRONG SẠCH CỦA TÂM HỒN
Đến lượt mình, đức cậy nổi bật với vai trò chính của mình là làm cho đức mến lớn lên và phát triển. Bản chất của cuộc chiến đấu thiêng liêng của người Kitô hữu là, nhờ sức mạnh của đức tin, duy trì một cái nhìn tràn trề hy vọng về mọi hoàn cảnh, về chính mình, về người khác, về Giáo Hội và thế gian. Một nhãn quan như thế có thể giúp chúng ta ứng xử trước mọi hoàn cảnh bằng đức mến.
Mối phúc “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”[105]chứa đựng một trong những lời hứa hay nhất của Tin Mừng. Thánh Gioan tạo nên một mối liên kết nổi bật giữa cậy trông và sự trong sạch của tâm hồn. “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào, Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta là vì thế gian đã không biết Người. Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. Và vị Tông Đồ nói tiếp, “Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho mình nên trong sạch như Người là Đấng thanh sạch”.[106]
Lời phát biểu đáng ngạc nhiên này hoàn toàn hợp với truyền thống đại ngôn sứ của Cựu Ước, nơi những người có tâm hồn trong sạch thì không phải là những người không có lầm lỗi hay tì tích nào nhưng là những ai đặt mọi hy vọng vào Thiên Chúa và đoan chắc lời hứa của Người sẽ được thực hiện. Những người có tâm hồn trong sạch mong chờ mọi sự từ Thiên Chúa; họ cậy trông vào Người và chỉ nơi Người mà thôi. Sự ô uế tâm hồn là sự lừa dối của kẻ hai lòng mà các ngôn sứ thường lên án: đó là những người thiếu niềm tin hoàn toàn vào Thiên Chúa, cầu xin ngẫu tượng, phiêu bạt lùng sục ơn cứu độ.
Ai trong sạch nơi tâm hồn sẽ nhìn thấy Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng. Nhưng ngay cả bây giờ, trong cuộc sống này, họ vẫn có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa hành động. Thiên Chúa sẽ đáp lại niềm cậy trông mà họ đặt nơi Người và sẽ can thiệp cho họ.
Nhà thơ lớn nhất về niềm cậy trông là Charles Péguy viết về Đức Trông Cậy trong Portal of the Mystery of Hope,[107]
Chúa nói:
Những tâm hồn cằn cỗi, Nàng làm cho trẻ trung
Những ngày tháng mỏi mòn, Nàng làm nên thời mới
Những tâm hồn vẩn đục, Nàng biến thành trinh trong
Những tâm hồn gục ngã, Nàng vực cho chỗi dậy
Những ngày tháng rối bời, Nàng làm cho sáng trong
Nếu từ ngày sáng trong, Nàng làm nên những ngày sáng trong
Nếu từ những tâm hồn trinh trong như dòng nước tinh tuyền, Nàng làm nên những nguồn suối,
Với nước trong, Nàng làm nên mạch nước trong,
Với tâm hồn trong sạch, Nàng làm nên tâm hồn thanh sạch,
Thế thì, có gì hay! Ai mà không làm như thế!
Và có gì gọi là kỳ diệu đâu!
Thế nhưng, với nước nhơ bẩn, nước già cỗi, nước nhạt nhẽo,
Với một tâm hồn không thanh sạch, Nàng vẫn có thể làm nên một tâm hồn thanh khiết
Đó mới là điều kỳ diệu cao đẹp hơn cả nơi vườn trần gian.
IV
TỪ LỀ LUẬT ĐẾN ÂN SỦNG:
ĐỨC MẾN LÀ QUÀ TẶNG NHƯNG KHÔNG
I. LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG
Thánh Phaolô thường nói đến tự do của người Kitô hữu. Ngài là người hăng hái bảo vệ “tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa”.[108]
Vì thế, trong Thư gửi tín hữu Galát, chúng ta đọc thấy, “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững và đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa”.[109]Thánh Phaolô rất bận tâm vì sợ rằng các tín hữu đánh mất tự do quý giá mà Đức Kitô đã giành lấy cho họ. “Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Đức Kitô để theo một Tin Mừng khác”.[110]“Hỡi những người Galát ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em là những người đã nhìn thấy hình ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt?”.[111]
Nhưng các Kitô hữu bị đe doạ đánh mất tự do của mình như thế nào? Trong chương 5, vị Tông Đồ lên án hai “cạm bẫy” có thể gây ra sự mất mát này: lề luật và xác thịt.
2. “Ở ĐÂU CÓ THÁNH THẦN DẪN DẮT,
Ở ĐÓ CÓ TỰ DO”.
KHÁC BIỆT GIỮA TỰ DO VÀ PHÓNG TÚNG
Cạm bẫy xác thịt[112]được thảo luận trong các câu 13-25. Dễ hiểu thôi. Thay vì hướng theo những thôi thúc của Thần Khí, thì với cái cớ tự do, người ta nộp mình cho những đam mê, ích kỷ và tội lỗi dưới mọi hình thức: “vô luân, ô uế, phóng túng, ngẫu tượng, ma thuật, thù hận, xung đột, ghen tỵ, tức giận, ích kỷ, bất hoà, bè phái, ghen tuông, say sưa, chè chén .v.v..”. Thánh Phaolô nhắc lại cho chúng ta những giáo huấn kinh điển đáng được lặp đi lặp lại trong thời buổi nhiểu nhương này: phóng túng không phải là tự do; đó là tình trạng nô lệ, trong đó, con người bị đánh bắt bởi những gì hời hợt nhất nơi nhân tính: những ước muốn ích kỷ, sợ hãi, yếu đuối và vân vân. Chúng ta phải luôn chiến đấu chống lại những khuynh hướng xấu mà thánh Phaolô mô tả đồng thời phải mở lòng vĩnh viễn để đón nhận ân sủng chữa lành tuôn chảy từ Thập Giá Đức Kitô; từ đó, chúng ta mới có thể có khả năng thật sự để thực hiện điều lành.
Chủ đề chính nhấn mạnh giáo huấn của thánh Phaolô là từ bỏ ngẫu tượng. Những ai muốn trung thành với Chúa được mời gọi bảo vệ tự do của mình và không phó mình cho việc thờ ngẫu tượng; nói cách khác, không hướng đến những điều trần tục – thú vui của giác quan, quyền lực, danh vọng, công việc hay một tương quan đặc biệt nào đó – để đạt được sự sung mãn, bình an, hạnh phúc và an toàn mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tặng ban. Bằng không, chúng ta sẽ là nạn nhân của thất vọng đắng cay và sẽ tác hại nghiêm trọng chính mình cũng như người khác.
Đối với độc giả ngày nay, cần nói thêm rằng, có hai điều phải ý thức để cuộc chiến chống lại khuynh hướng xấu có cơ may thành công. Trước tiên, những nỗ lực của chúng ta, tự sức chúng, sẽ không bao giờ đủ. Chỉ ân sủng của Đức Kitô mới có thể mang lại chiến thắng cho chúng ta. Vì thế, vũ khí chủ lực của chúng ta vẫn là cầu nguyện, kiên nhẫn và cậy trông. Thứ đến, cảm xúc này chỉ có thể được chữa lành bởi một cảm xúc khác – một tình yêu không đúng chỗ được thay thế bởi một tình yêu cao cả hơn, lối cư xử sai lầm được thay thế bởi một lối cư xử đúng đắn nhằm đối phó với những ước muốn bên dưới điều sai trái, nhận ra những nhu cầu tìm kiếm sự hoàn thiện một cách ý thức hay vô ý thức mang cho chúng sự hài lòng hợp pháp hoặc biến chúng thành một điều gì đó phù hợp với ơn gọi của con người.
3. CẠM BẪY CỦA LỀ LUẬT
Thánh Phaolô muốn chúng ta hiểu rằng, có một cạm bẫy khác đang rình rập tự do của người Kitô hữu, một cạm bẫy tinh tế, khó nhận ra và vì thế, có lẽ nguy hiểm hơn rất nhiều: cạm bẫy lề luật. Đây là một biểu hiện khác của “xác thịt” dù không biểu lộ qua lối sống vô luân (nó có thể là đạo lý khắt khe nhất). Nó thay thế luật ân sủng bằng luật của lề luật. Đây là một sự bóp méo Tin Mừng.
Những bối cảnh lịch sử buộc thánh Phaolô phải viết về chủ đề nổi cộm này. Sau khi ngài rao giảng Tin Mừng, một số người “sửa sai” giáo huấn của ngài bằng cách nói với những người mới trở lại Kitô giáo rằng, họ không thể được cứu độ nếu không chấp nhận việc cắt bì và tuân theo nhiều điều khoản khác trong bộ luật Môisen. Thánh Phaolô phản ứng quyết liệt và bảo họ rằng, nếu nghe theo lời khuyên nhủ này, họ sẽ bị “đoạn tuyệt với Đức Kitô… và mất hết ân sủng”[113]. Tự bản thân, lề luật thì tốt, nhưng cạm bẫy là ở chỗ: nếu xem việc tuân giữ lề luật như là điều kiện để được cứu độ, chúng ta sẽ cho rằng, không phải từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa mà ơn cứu độ được ban cho chúng ta nhưng từ những việc làm của mỗi người. Hai lối suy nghĩ đó trực tiếp đối chọi nhau. Chiếu theo ân sủng, chúng ta đón nhận ơn cứu độ và tình yêu Thiên Chúa một cách nhưng không qua Đức Kitô, hoàn toàn không kể đến công nghiệp của mình; đồng thời, tự do đáp trả tình yêu đó bằng các việc lành mà Chúa Thánh Thần tác động để có thể hoàn tất. Chiếu theo lề luật, chúng ta đáng được ơn cứu độ và tình yêu Thiên Chúa nhờ các việc lành của mình. Một lối tiếp cận dựa trên tình yêu biếu không, vô điều kiện của Thiên Chúa, và lối kia dựa trên khả năng của chúng ta cũng như chính bản thân mình.
Thánh Phaolô đoan chắc rằng, chúng ta đón nhận ơn cứu độ một cách nhưng không và bất xứng. Ngài thường nhấn mạnh điều này như trong Thư gửi Titô, “Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ganh tỵ, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người. Người cứu độ chúng ta không phải vì tự sức chúng ta làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới”.[114]Ngài viết cho các tín hữu Êphêxô, “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời”.[115]
Những gì luật dạy chúng ta làm thì tốt lành nhưng coi luật như là nền tảng cho tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa thì mâu thuẫn với chân lý rằng, ơn cứu độ được ban nhưng không và rốt cuộc giết chết tình yêu.
Nó có thể dẫn đến kiêu căng. Chúng ta có thể nghĩ mình có thể đáp ứng mọi điều luật định, xem mình là công chính và coi khinh người khác vì họ không làm như thế. Đó là tội của những người Pharisêu mà Đức Giêsu mạnh mẽ lên án. Không gì giết chết tình yêu và lòng trắc ẩn đối với tha nhân hiệu quả hơn thế. Nhưng lề luật cũng có thể đưa đến thất vọng khi cảm nhận rằng, nếu không thể chu toàn mọi quy định của nó, chúng ta bị kết án không thể cứu vãn được. Chắc chắn những người khởi sự bằng việc tự hào về những “thành công” thiêng liêng của mình sớm muộn gì cũng sẽ rơi vào thất vọng.
Tiến trình đó diễn ra dưới những hình thức khác nhau. Một mặt, nó là lòng sùng đạo khắt khe của những người hành động vì trách nhiệm trong mọi sự, như thể họ có một món nợ phải trả cho Thiên Chúa. Trong thực tế, Đức Kitô đã trả tất cả nợ nần của nhân loại cho Thiên Chúa trên thập giá; đối lại, Ngài mời gọi chúng ta trao phó mọi sự cho Ngài từ tình mến và lòng biết ơn, không phải như việc trả nợ. Có những người bị thôi thúc bởi sợ hãi, tội lỗi và nghĩ rằng, họ không thể làm gì đủ để thoả lòng Thiên Chúa. Với cái nhìn buôn bán, có người luôn tính toán công nghiệp, cân đo sự tiến bộ bản thân, chờ Thiên Chúa thưởng công cho nỗ lực của mình và phàn nàn khi sự việc không diễn ra như họ nghĩ chúng phải thế này thế khác. Lại có người có thái độ hời hợt cho rằng, mình đã làm mọi sự ngay khi làm được một chút việc lành và trở nên nhát đảm hoặc nổi loạn khi đối mặt với những giới hạn bản thân. Hoặc đó là đầu óc hẹp hòi của những người cân lường mọi sự theo những luật lệ khắt khe, “tinh thần yếu nhược và nghèo hèn”,[116]“những giới luật và giáo huấn của con người”,[117] “đừng ăn cái này, đừng nếm cái kia, đừng đụng vào cái nọ”[118] và làm cho người khác không thể sống nổi vì sự tuân thủ lề luật một cách tuyệt đối hay cầu toàn của họ.
Quan điểm chỉ cần lề luật dẫn đến sự chết, bởi lẽ kiêu căng, thất vọng, nệ luật, tính toán và những gì còn lại đều giết chết yêu thương. Quan điểm ân sủng dẫn đến sự sống, bởi ân sủng có thể làm cho tình yêu lớn lên, mở rộng và nở hoa. Ân sủng được trao ban cách nhưng không và sự trao ban nhưng không này là luật duy nhất, trong đó, tình yêu có thể tồn tại. Đức Giêsu nói, “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.[119]Tình yêu Thiên Chúa thì tuyệt đối nhưng không, chúng ta không cần phải xứng đáng với nó hay phải chiến đấu để dành được nó; chúng ta chỉ cần đón nhận nó bằng đức tin. Theo thánh Phaolô, đây là con đường duy nhất dẫn tới ơn cứu độ.
Sống theo ân sủng là phương dược chữa lành kiêu căng. Chúng ta nhận ra rằng, công việc của mình không thuộc về mình nhưng là những gì Thiên Chúa ban cùng với ân sủng để mình làm.[120]Đây cũng là phương thuốc chữa lành thất vọng, bởi dẫu thất bại kinh khủng đến đâu, chúng ta vẫn không bao giờ lãnh lấy bản án không thể tránh khỏi – chúng ta luôn có thể trở lại với tình yêu tuyệt đối nhưng không và vô điều kiện của Thiên Chúa.
Trái lại, quan điểm lề luật cản trở chúng ta cảm nếm tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa, Đấng biết rằng, con cái Người được yêu thương cách vô điều kiện, không phụ thuộc vào công nghiệp hay những điểm tốt, điểm xấu của chúng.
4. HỌC ĐỂ YÊU THƯƠNG:
CHO & NHẬN CÁCH NHƯNG KHÔNG
Chúng ta được đặt trên cõi đời để học yêu thương trong trường dạy của Đức Giêsu. Học yêu thương thì vô cùng đơn giản, nó có nghĩa là học cho một cách nhưng không và nhận một cách nhưng không. Nhưng bài học đơn giản này cũng rất khó để chúng ta học, chỉ vì tội lỗi.
Không phải tự nhiên mà chúng ta có thể cho một cách nhưng không. Khuynh hướng mạnh mẽ nơi chúng ta là cho để nhận lại. Ở một mức độ nào đó, quà tặng của chúng ta luôn được thôi thúc bởi một nhu cầu tự thoả mãn nào đó. Đức Giêsu mời gọi chúng ta thoát khỏi giới hạn này và thực thi một tình yêu tinh tuyền vô vị lợi như tình yêu của Thiên Chúa. “Anh em hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ơn và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ…”.[121]
Chúng ta cũng thấy không dễ dàng để đón nhận một cách nhưng không. Chúng ta vui vẻ đón nhận một điều gì đó theo một cách thức như thể đó là phần thưởng do công nghiệp của mình, một điều gì đó xứng với chúng ta. Nhận lãnh một cách nhưng không có nghĩa là tin tưởng vào người cho với tâm hồn rộng mở. Nó còn có nghĩa từ bỏ chính mình và đòi hỏi nhiều khiêm tốn. Chúng ta có thể đòi hỏi nhiều điều như một cái quyền, nhưng hiếm khi chúng ta có thể đón nhận và chấp nhận một cách nhưng không.
Trong tương quan với Thiên Chúa và với người khác, chúng ta lỗi phạm việc cho đi và đón nhận cách nhưng không này mỗi khi chúng ta biến việc lành của mình thành cớ để đòi một quyền lợi, một sự biết ơn hay đền bù. Nhưng chúng ta cũng làm điều đó cách tinh tế hơn mỗi khi sợ phải nhận lấy sự yêu thương của ai đó do giới hạn này, giới hạn kia hoặc khuyết điểm của cá nhân họ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu làm mọi điều có thể để phá đổ lối suy nghĩ đó.[122]Chúng ta thấy khó chấp nhận sự đảo ngược các giá trị của mình, nhưng sẽ không bao giờ chúng ta tìm thấy hạnh phúc nếu không có nó.
Việc chúng ta học cho đi và đón nhận cách nhưng không đòi hỏi một quá trình tái giáo dục tâm trí trường kỳ và cật lực, một tâm trí vốn đã bị điều kiện hoá bởi hàng ngàn năm đấu tranh sinh tồn.[123]Mặc khải của Thiên Chúa và Tin Mừng đi vào thế gian này cách mãnh liệt như một loại men tiến hoá với ý định làm cho tâm lý chúng ta “tiến hoá” đến một thái độ cho đi và đón nhận cách nhưng không – thái độ của Nước Trời, bởi lẽ, đó là thái độ của tình yêu. Đó là một tiến trình thần hoá mà mục tiêu cuối cùng của nó là yêu như Thiên Chúa yêu, “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.[124]Việc thần hoá này, trở nên giống Thiên Chúa, có nghĩa là trở nên con người theo nghĩa đúng đắn nhất! Đó là một quá trình tiến hoá kỳ diệu, giải thoát, nhưng chúng ta chỉ có thể đi vào lối hiện hữu mới này ngang qua việc huỷ hoại bao lối cư xử tự nhiên của mình, cách nào đó như trải qua một cơn hấp hối. Tuy nhiên, một khi đã đi qua “cửa hẹp” của sự cải hoá tầm nhìn này, chúng ta tìm thấy chính mình trong một nơi tráng lệ: Nước Trời, thế giới mà ở đó, tình yêu là luật duy nhất, một thiên đường của sự cho đi và đón nhận cách nhưng không. Ở đây không còn “quyền” hay “trách nhiệm” gì nữa, không có gì để bảo vệ hay phải ra công nữa, không có sự đối nghịch giữa “của anh” và “của tôi” nữa. Ở đây, tâm hồn có thể rộng mở đến vô biên.
V
KHÓ NGHÈO THIÊNG LIÊNG
VÀ TỰ DO
I. NHU CẦU HIỆN HỮU
Một trong những nhu cầu sâu xa nhất của con người là nhu cầu liên quan đến căn tính.[125]Chúng ta cần biết mình là ai; chúng ta cần tồn tại trong mắt mình và trong mắt người khác. Nhu cầu liên quan đến căn tính đó mạnh đến nỗi có thể dẫn đến lầm lạc. Ngày nay, chúng ta đặc biệt thấy điều ấy khi đàn ông cũng như đàn bà, đặc biệt là giới trẻ, có thể chạy theo “cái mã” kỳ quặc nhất theo tiếng gọi của mốt nhất thời, đơn giản như một phương thế khẳng định họ là ai. Các phương tiện truyền thông chào mời biết bao người mẫu: một người trẻ, một ủy viên quản trị đầy năng lực, ngôi sao thể thao, siêu người mẫu, đứa trẻ vượt qua số phận…
Ở mức độ hời hợt nhất, nhu cầu khẳng định căn tính này thường tìm thoả mãn trong sở hữu vật chất và một phong cách sống bên ngoài nào đó: chúng ta đồng hoá mình với những người giàu, với dáng dấp thể lý bên ngoài, với chiếc môtô hay chiếc thuyền buồm của mình. Điều này vô cùng rắc rối: chúng ta đang tìm cách thoả mãn nhu cầu hiện hữu bằng sở hữu. Nó có thể cho chúng ta hạnh phúc một thời gian, nhưng không được bao lâu và sẽ sớm thất vọng. Nhận ra rằng, điều duy nhất mà những người khác quan tâm nơi họ là tiền bạc của họ, chứ không phải chính họ, người ta cảm nghiệm một sự cô đơn kinh khủng.
Ở mức độ cao hơn một chút, nhu cầu hiện hữu tìm sự thoả mãn qua việc đạt được hay sử dụng một số tài năng nào đó hoặc là thể thao, hoặc là nghệ thuật hay tri thức. Như vậy lại mắc phải nguy cơ nhầm lẫn hiện hữu với hữu hiệu (công việc). Nhưng nếu người ta mất hết tài năng và khả năng thì sao? Giả sử một cầu thủ bóng đá đẳng cấp quốc tế rốt cuộc, ngồi xe lăn thì sao? Giả sử một người am tường văn chương kim cổ nước Pháp bị mất trí nhớ trong một tai nạn thì sao? Khi ấy họ là ai?
Một điều thông thường và tốt lành khi một người khám phá mình có thể làm điều này hay điều kia, hiện thực hoá tiềm năng của mình và như thế, họ biết mình là ai. Vì thế, chúng ta có được tự tin và cảm nghiệm được niềm vui bộc lộ tài năng được phú bẩm. Sự nuôi dưỡng và giáo dục của chúng ta cần được đặt nền tảng phần lớn dựa trên khuynh hướng này và chúng cần được như thế.
Nhưng căn tính không bị chôn chân trong tổng số năng lực của một con người. Mỗi người có một có giá trị và một phẩm giá duy nhất, độc lập với những gì họ có thể làm. Ai không nhận ra điều này có nguy cơ trải qua một cuộc “khủng hoảng căn tính” thực sự vào ngày họ gặp thất bại; hoặc họ sẽ khinh miệt kẻ khác khi phải đối mặt với những giới hạn của tha nhân. Trong một thế giới mà con người được đánh giá bởi hiệu năng và lợi nhuận họ có thể làm ra thì đâu là chỗ đứng cho những người nghèo khó và tàn tật?
2. KIÊU CĂNG VÀ SỰ KHÓ NGHÈO THIÊNG LIÊNG
Ở đây, vấn đề kiêu căng đáng cho chúng ta suy nghĩ.[126]Tất cả chúng ta chào đời với một vết thương khó lường, được cảm nghiệm như một sự thiếu hiện hữu. Để bù lại, chúng ta tìm cách tạo nên một cái tôi khác cái tôi thực sự của mình. Cái tôi nhân tạo này đòi hỏi một khối lớn năng lượng để nuôi dưỡng nó; thật dễ vỡ, nó cần được bảo vệ. Khốn cho ai phủ nhận nó, đe doạ nó, đặt vấn đề về nó hay ngăn cản sự phát triển của nó. Khi Tin Mừng nói chúng ta phải “chết cho chính mình” là muốn nói đến cái tôi nhân tạo này, cái tôi tự tạo này phải chết để “cái tôi” thực sự Thiên Chúa ban cho chúng ta có thể nổi lên.
Khuynh hướng tương tự này cũng tồn tại trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Điều đó thật bình thường và tích cực, đây là một suối nguồn cho sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng, bởi nó thôi thúc chúng ta tiến bộ, đạt được những thiên khiếu và tài năng, bắt chước mẫu người này hay mẫu người kia. Việc muốn trở thành một người như thánh Phanxicô Assisi hay Mẹ Têrêxa có thể giúp chúng ta bước đi trên con đường nên thánh.
Nhưng điều này sẽ trở nên nguy hiểm nếu chúng ta dừng lại ở đó. Rõ ràng, thật là tuyệt vời khi làm những việc lành như cầu nguyện, ăn chay, dấn thân phục vụ tha nhân, rao giảng Tin Mừng và vân vân. Nhưng sẽ vô cùng hiểm nghèo khi chúng ta đồng hóa chính mình với những việc lành thiêng liêng mà chúng ta có thể làm. Bởi lẽ, căn tính này vẫn chỉ là một căn tính nhân tạo mỏng manh và sẽ sụp đỗ vào ngày mà một trong những đức hạnh của chúng ta thất bại hay một tài năng thiêng liêng đặc biệt nào đó bị lấy khỏi chúng ta, một tài năng mà chúng ta dốc toàn lực con người mình vào. Làm sao có thể chịu đựng được những thất bại nếu chúng ta đồng hóa bản thân với những thành công thiêng liêng của mình? Tôi đã từng gặp nhiều tu sĩ nam nữ, những người cống hiến đời mình cho việc tông đồ, hiến dâng cả thể xác lẫn linh hồn cho một mục đích cao cả, cũng là người đã trải nghiệm một khủng hoảng sâu sắc đến mức không còn biết mình là ai khi mà bệnh tật hay quyết định của bề trên buộc họ phải dừng lại.
Đồng hóa chính mình với một nhân cách tốt lành có thể thực hiện được dẫn đến kiêu căng thiêng liêng: dù ý thức hay không, chúng ta vẫn xem mình là nguyên nhân của sự lành đó thay vì nhận ra mọi sự lành chúng ta có thể làm là quà tặng nhưng không phát xuất từ Thiên Chúa. “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, thì tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?”.[127]Tính kiêu căng này dẫn chúng ta đến chỗ xét đoán những ai không làm được nhiều việc như chúng ta, chúng ta thiếu kiên nhẫn với những ai ngăn cản chúng ta thực hiện một dự án đã được đề ra và vân vân.
Kiêu căng, cứng lòng, khinh miệt tha nhân cùng với nhát đảm sợ hãi là những hậu quả không thể tránh khỏi của việc nhẫm lần cái tôi với tài năng của tôi. Những thất bại là điều không thể chịu đựng được bởi lẽ thay vì được coi là bình thường, thậm chí có lợi cho mình, thì chúng ta coi nó như một cái gì đang tấn công vào hữu thể của mình.
Con người quý giá hơn tất cả tổng số những điều tốt lành họ có thể làm được. Họ là con cái Thiên Chúa dù họ làm điều lành hoặc không thể tự làm bất kỳ điều gì. Cha chúng ta trên trời không yêu mến chúng ta vì những điều tốt lành chúng ta làm. Người yêu mến chúng ta vì chúng ta, bởi Người đã nhận chúng ta làm nghĩa tử mãi mãi.[128]
Đó là lý do tại sao khiêm tốn, khó nghèo thiêng liêng thật quý báu: nó an toàn đặt căn tính chúng ta vào nơi an toàn, một nơi không có một tổn hại nào. Nếu kho tàng của chúng ta ở trong Thiên Chúa, không ai có thể cướp nó khỏi chúng ta. Khiêm tốn là sự thật. Tôi là những gì tôi là trong mắt Thiên Chúa: một đứa trẻ nghèo khó, tuyệt đối không có gì, nhận mọi điều, được yêu thương vô cùng và hoàn toàn tự do. Tôi đã nhận trước mọi điều từ tình yêu trao ban nhưng không của Cha tôi, Đấng nói với tôi cách dứt khoát, “Tất cả những gì của Cha đều là của con”.[129]
Kho tàng của chúng ta không phải là cái gì mối mọt có thể gặm nhắm,[130]đó chính là thiên đường trong tay Thiên Chúa. Nó tùy thuộc vào chỉ một mình Người, vào ý muốn tốt lành và lòng hào hiệp bền vững của Người đối với chúng ta. Căn tính của chúng ta có nguồn cội từ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng tác tạo chúng ta theo hình ảnh Người và dự định cho chúng ta sống mãi với Người.
Tình yêu là những gì còn lại khi mọi sự đã qua đi. Tất cả chúng ta hãy ghi nhớ điều này mỗi khi đứng trước những thất bại, chia cắt, những lời nói mà chúng ta lấy làm hối tiếc. Tình yêu dấy lên từ vực thẳm của đêm tối như một khúc ca chỉ vừa đủ nghe, thế mà vẫn nảy sinh một bảo đảm rằng, trước mọi tai ương trong đời, ngay cả trước những niềm vui, đau khổ, sinh, tử… vẫn tồn tại một khoảng không nơi không gì có thể đe doạ, không gì từng đe doạ, không có nguy cơ bị phá hủy, một khoảng không nguyên vẹn, khoảng không của tình yêu vốn là nền tảng hiện hữu của chúng ta.[131]
Điều này không có nghĩa là không thành vấn đề khi chúng ta cư xử tốt hay không tốt. Hãy làm lành lánh dữ ngần nào có thể, bởi tội lỗi làm tổn thương Thiên Chúa và tác hại đến chúng ta cũng như người khác và thiệt hại nó gây ra thường rất khó cứu chữa. Nhưng chúng ta không có quyền đồng hoá người khác với những sai phạm của họ. Điều đó sẽ giam hãm họ và làm cho họ mất hết hy vọng. Chúng ta cũng không thể đồng hoá bất cứ ai – cách riêng với chính mình – với việc lành họ làm.
3. THỬ THÁCH THIÊNG LIÊNG
Những suy xét này làm sáng tỏ đường lối Thiên Chúa đang dạy dỗ và đào luyện mỗi người chúng ta, đồng thời cũng cho thấy ý nghĩa của những thử thách trong đời sống thiêng liêng.
Theo các nhà thần nghiệm, những thử thách hay “thanh luyện” sẽ phá huỷ những gì là nhân tạo trong tính cách của chúng ta, để hữu thể đích thực của chúng ta có thể thể hiện – tức là, chúng ta là gì đối với Thiên Chúa. Đêm tối tâm hồn có thể được gọi là một chuỗi những gì làm cho con người ra nghèo đi, đôi khi khá mạnh mẽ, để rồi lột khỏi những người tin mọi khả năng cậy dựa vào chính mình. Những thử thách này thật hữu ích vì chúng dẫn chúng ta đến chỗ đặt căn tính của mình vào nơi chốn thực sự là của chúng. Trải nghiệm này có thể rất đau đớn khi ai đó yêu mến Thiên Chúa mà phải trải qua một giai đoạn không có mảy may một chút tha thiết và thậm chí với một sự ghê tởm sâu xa trước những điều thiêng liêng. Người ta không đánh mất tình yêu đối với Thiên Chúa vì cả hữu thể của họ vẫn hướng hoàn toàn về Người; nhưng người ta đã đánh mất cảm giác yêu thương. Lợi ích của thử thách này là nó tước khỏi chúng ta khả năng cậy dựa vào điều lành chúng ta làm. Lòng nhân từ của Thiên Chúa là tất cả. Có lần linh mục kia bảo tôi trong tòa giải tội, “Khi bạn không còn tin vào những gì mình có thể làm cho Thiên Chúa, hãy tiếp tục tin vào những gì Người có thể làm cho bạn”.
Dần dần và theo một cách thức vốn xảy ra song song với sự bần cùng kinh khủng của mình, những ai trải qua những thử thách như thế trong khi vẫn cậy trông vào Chúa, sẽ bắt đầu nhận ra chân lý của một điều gì đó mà cho tới lúc ấy, mới chỉ là một biểu hiện đạo đức: Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách tuyệt đối vô điều kiện bởi nhân đức, lòng nhân từ, sự trìu mến vô biên và tình phụ tử của Người dành cho chúng ta.
Cảm nghiệm này tạo ra một sự đổi thay căn bản trong đời sống Kitô hữu chúng ta. Đó là một hồng ân vô biên. Nền tảng mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa không còn đặt nơi chúng ta nhưng hoàn toàn và độc nhất nơi Thiên Chúa. Giờ đây, chúng ta trở nên tự do hoàn toàn. Khi tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa có tình phụ tử của Người như là nền tảng duy nhất, nó sẽ tránh khỏi mọi tổn hại.
Những ai vượt qua được loại thử thách này thì còn hơn cả việc từng yêu mến Thiên Chúa và mong làm hài lòng Người bằng những việc lành, nhưng những việc lành họ làm giờ đây sẽ được làm một cách tinh tuyền, tự do và vô vị lợi. Nó không sản sinh từ một nhu cầu tạo ra một căn tính nào đó hay một khát khao thành công. Nó cũng không có một động cơ ẩn tàng là để được phần thưởng. Động lực cội nguồn của nó là chính Thiên Chúa.
Sự cải hoá thiêng liêng này được tu sĩ Ai Cập Matta El – Maskeen hay el Maskine (Matthew Nghèo Khó) mô tả rất hay trong tác phẩm về cầu nguyện của ông.
Khi những người Kitô hữu hiến mình cho cuộc chiến thiêng liêng, cho việc chuyên chăm cầu nguyện và tuân giữ cẩn thận những thực hành đạo đức khác, họ có thể đi đến chỗ cảm nhận rằng, hành vi này hay tình trạng siêng năng kia là điều kiện của tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Rồi dường như đối với họ, chính vì sự kiên trì và trung thành với việc cầu nguyện đó, họ đáng được Thiên Chúa yêu thương và trở nên con cái của Người. Nhưng Thiên Chúa không muốn các linh hồn đi lạc vào con đường sai lầm đó, vốn trong thực tế, tách xa họ ra khỏi tình yêu và cuộc sống với Thiên Chúa được trao tặng cách nhưng không của Người. Vì thế, Người lấy đi năng lượng và sự siêng năng là những gì có thể đe doạ nỗi mất mát này.
Một khi Thiên Chúa đã lấy đi những khả năng mà Người trao ban cách nhưng không cũng là chứng từ yêu thương của Người – những linh hồn này bị bỏ mặc không chút sức mạnh, không thể thực hiện bất cứ hành vi thiêng liêng nào và phải đối đầu với chân lý đáng kinh ngạc mà họ kháng cự vì không tin và cứ khăng khăng coi đó là điều hầu như không thể được, chân lý đó là: Thiên Chúa trong cương vị người Cha, không cần lời cầu nguyện hay những việc lành của chúng ta. Lúc đầu, họ bám vào ý tưởng rằng Thiên Chúa đã rút lại sự quan tâm đầy tình cha của Người đối với họ sau khi họ ngừng cầu nguyện; và Thiên Chúa đã bỏ họ, lãng quên họ bởi những công việc và sự kiên trì của họ không theo kịp mức độ đòi hỏi của tình yêu. Họ phí công hoài sức đứng lên từ sự kiệt quệ và đau buồn của mình. Họ tiếp tục những công việc trước đây, nhưng mọi quyết tâm của họ đều tan thành mây khói. Và rồi, dần dần, họ bắt đầu hiểu rằng, sự cao cả của Thiên Chúa không được cân đo bằng những tiêu chuẩn vô bổ của con người; tình phụ tử vô cùng trổi vượt của Người chọn nhận những người con từ cát bụi làm nghĩa tử là do sự trìu mến vô cùng và ân sủng vô biên của Người, không phải để đền đáp những công việc của con người hay những nỗ lực của chúng ta; rằng việc Thiên Chúa nhận chúng ta làm nghĩa tử là một sự thật bắt nguồn nơi Thiên Chúa chứ không phải bắt nguồn nơi chúng ta, một sự thật luôn luôn hiện hữu, muôn đời tồn tại – bất chấp sự bất lực và tội lỗi của chúng ta – là bằng chứng sự nhân từ và quảng đại của Người. Bằng cách này, sự thờ ơ thiêng liêng của họ dẫn các linh hồn này đến chỗ xem lại quan niệm của họ về Thiên Chúa một cách căn bản, đồng thời, xem lại việc đánh giá về các mối tương quan thiêng liêng giữa linh hồn và Người. Điều này thay đổi cách sâu xa quan niệm của họ về nỗ lực và sự siêng năng trong những việc thiêng liêng. Họ không còn coi những thứ này như giá phải trả trước tình yêu của Thiên Chúa nữa nhưng là sự đáp trả trước tình yêu và sự chăm sóc đầy tình cha của Người.[132]
Những gì Thiên Chúa làm trong những tâm hồn của một số người nào đó bằng cách nhấn chìm họ vào cái được gọi là “lãnh đạm thiêng liêng” là một điều gì đó Người muốn làm cho mọi người dù có lẽ theo cách thức ít lạ thường hơn và thường xuyên hơn qua những đau khổ của họ: thất bại, vô dụng, sa ngã đủ loại, đau ốm, thất vọng, những yếu đuối tâm lý và tình cảm, thậm chí đó là lầm lỗi của chính họ. Giữa thử thách thiêng liêng và các thử thách khác không có sự khác biệt lớn lao nào. Thiên Chúa tận dụng mọi sự, ngay cả hậu quả tội lỗi của chúng ta! Thật là an ủi khi biết rằng, chúng ta có thể rút ra những lợi ích thiêng liêng lớn lao từ một thử thách không liên can gì đến việc thiêng liêng.
4. CHỈ CẬY DỰA VÀO LÒNG XÓT THƯƠNG
Những Kitô hữu “trưởng thành” đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa là những người đã cảm nghiệm được sự hư vô căn cơ của mình, sự nghèo khó tuyệt đối của mình, đến mức hư không. Ở tận đáy của sự hư vô đó, cuối cùng, họ khám phá ra sự trìu mến không thể diễn tả được cũng như tình yêu tuyệt đối vô điều kiện của Thiên Chúa. Từ đó, nguồn trợ lực và cậy trông duy nhất của họ là lòng nhân từ vô bờ bến của Chúa Cha. Đối với họ, lời Thiên Chúa nói với dân Israel qua miệng ngôn sứ Xôphônia đã thành hiện thực, “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa”.[133]Họ làm mọi điều tốt lành mà họ có thể. Họ đón nhận những gì tha nhân có thể làm cho họ với niềm vui và lòng biết ơn, nhưng trong sự tự do cao cả, bởi nguồn trợ lực của họ là chỉ một mình Thiên Chúa. Họ không rối rắm bởi những yếu đuối của mình, cũng không tố cáo người khác vì không đáp ứng mong mỏi của họ. Sự cậy trông vào chỉ một mình Thiên Chúa bảo vệ họ khỏi mọi thất vọng. Nó mang lại cho họ tự do nội tâm, một tự do mà họ sử dụng hoàn toàn để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, họ đáp trả tình yêu bằng tình yêu.
5. NGƯỜI TỰ DO THỰC SỰ LÀ NGƯỜI KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ MẤT
Thế gian tìm kiếm tự do qua việc tích trữ của cải và quyền lực. Người ta quên rằng, những người tự do đích thực là những người không còn gì để mất. Bị tước đoạt mọi thứ, bị dựt khỏi mọi điều, họ “thoát khỏi mọi người” và mọi sự. Thật ra, người ta có thể nói, cái chết đã thực sự ở đằng sau họ rồi, bởi vì mọi “kho tàng” của họ giờ đây đều ở trong Thiên Chúa và chỉ ở trong một mình Người. Những người tự do trọn hảo không ước ao cũng không sợ hãi một điều gì. Mọi điều tốt lành quan trọng đối với họ đã được Thiên Chúa bảo đảm rồi. Họ không còn gì để mất, không còn gì để bảo vệ. Họ là những người “nghèo khó nơi tâm hồn” của các Mối Phúc: tách biệt, khiêm tốn, nhân từ, nhu mì, kiến tạo hòa bình.
Chân lý này được diễn tả qua câu chuyện đặc trưng cho kỷ nguyên độc tài của Stalin trong quyển sách The First Circle[134]của Solzhenitsyn. Một sĩ quan cao cấp cần sự cọng tác của một “zek”, nhà khoa học, cho dự án mà ông đảm trách và nguy cơ mất việc sẽ xảy đến nếu ông không thực hiện được dự án đó. Ông đưa ra mọi lý lẽ có thể được để thuyết phục nhà khoa học hợp tác. Solzhenitsyn cho thấy cách sâu sắc con người tự do thực sự trong cuộc trao đổi này không phải là viên sĩ quan quyền lực mà là người tù kia, bởi anh ta không còn gì để mất. Anh sẵn sàng trở lại Siberia nếu cần: ngay trong những điều kiện tồi tệ đó, một người vẫn còn có thể là người.
Gulags và các trại tập trung khác là một trong những vết thương nghiêm trọng nhất của thế kỷ hai mươi, vậy mà chúng cho vẫn cho thấy vô số trường hợp những con người tìm được tự do đích thực đằng sau những chắn song. Bị giam trong một trại tù ở Westerbork, Etty Hillesum đã suy tư trong cuốn sách của mình:
Kẽm gai thì hơn cả một vấn đề về thái độ.
‘Chúng tôi đằng sau kẽm gai ư?’, một quý ông cao niên rất kiên định có lần đã nói với cái vẫy tay đầy uất ức. ‘Họ là những người sống sau kẽm gai’- và ông ta chỉ những toà nhà cao tầng sừng sững như những lính gác phía trên kia của hàng rào.[135]
Cô cũng viết, “Tôi sẽ nói rằng, nếu bạn có một đời sống nội tâm phong phú, thì có lẽ ở trong tù hay ở ngoài tù có khác gì nhau đâu”.[136]
6. PHÚC THAY NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHÓ
Theo tháng năm, tôi gặp nhiều người mà với họ, tôi chia sẻ nhiều điều sâu sắc và cảm nghiệm những hành động lặng lẽ, nhiệm mầu, nhưng rất thiết thực của Thiên Chúa trong đời tôi cũng như trong đời họ. Càng ngày, tôi càng bị đánh động bởi sự khôn ngoan của Tin Mừng và cách thức Ngôi Lời toả chiếu ánh sáng chính xác đến ngạc nhiên trên hoàn cảnh con người. Tin Mừng nghịch lý, không mệt mỏi… có một năng lực ngoại thường để làm cho con người “trở nên người” hơn.
Ở trung tâm của Tin Mừng, có Bát phúc. Mối phúc đầu tiên tóm lược tất cả các mối phúc khác, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ”. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp độc giả hiểu được lời phát biểu đáng ngạc nhiên này của Đức Giêsu và bắt đầu thực hành nó. Nghèo khó tinh thần, hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa và lòng nhân từ của Người là điều kiện để có tự do nội tâm. Chúng ta cần trở nên con cái và “bằng lòng chờ mong mọi sự từ Thiên Chúa là Cha chúng ta: mọi sự cách tuyệt đối, lần này đến lần khác”.[137]
Chúng ta không biết những sự kiện nào sẽ đánh dấu thiên niên kỷ thứ ba, nhưng biết chắc một điều: những ai học cách khám phá và mở rộng không gian không thể chuyển nhượng của tự do mà Thiên Chúa đặt vào tâm hồn họ qua việc cho họ trở nên con cái Người, sẽ không bao giờ bị bắt chộp vì mất cảnh giác.
Để kết luận, tôi dành cho độc giả mẩu đối thoại dễ thương giữa Đức Giêsu và một tác giả tu đức người Tây Ban Nha đương thời, người đã tương quan mật thiết với Đức Maria từ lúc còn bé và xin được ẩn danh.
“Qua những trải nghiệm mang lại cho Ta niềm vui, con không bao giờ phân vân về điều gì làm cho Ta vui nhất sao?”.
“Dạ không”, tôi thưa Đức Giêsu.
Ngài nói, “Khi, trong tự do sáng suốt, con thưa xin vâng trước những lời mời gọi của Thiên Chúa”. Rồi Ngài nói tiếp, “Hãy nhớ Tin Mừng nói gì, ‘Sự thật sẽ giải thoát chúng ta’. Con chỉ có thể tự do đáp trả lời mời gọi của ân sủng khi sự thật của con trở nên trong sáng, khi con chấp nhận nó một cách khiêm tốn, và khi, dựa trên nền tảng đó, con giữ mãi cuộc đối thoại với Thiên Chúa, nhận ra rằng mọi sự đã xảy ra và xảy đến với con là một phần của dự án tình yêu và quan phòng của Chúa Cha của con.
“Vâng, nhiều điều sẽ làm cho con rối trí. Thậm chí chúng dìm con vào đêm tối dày đặc, hơn thế nữa, dìm con vào khổ đau gây thương tích và làm con tê liệt. Nhưng nếu con cậy dựa vào niềm tin của mình, niềm tin đó sẽ là khiên thuẫn của con. Thiên Chúa không tỏ mình với tư cách là Abba của con sao? Ta, người Con, đã không đón nhận con khi con đang ở trong điều kiện tồi tệ nhất sao? Đấng Bào Chữa không bảo vệ con sao? Hãy xác tín điều này hết tấm lòng, hết linh hồn, và nó sẽ đổ đầy tâm hồn con niềm tín thác và niềm tin.
“Đừng sợ chính mình! Đừng sợ, dù con đang là thế này, thế khác; chính trong thực tại con người của con mà Thiên Chúa đến cắm lều để ở với con. Thiên Chúa nhập thể. Tên mới của Người là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Thiên Chúa với con người thực của con. Không chút sợ hãi, hãy mở lòng đón nhận điều đó. Mức độ con khám phá chính mình cũng là mức độ con khám phá vực thẳm tình yêu của Người. Trong vực thẳm của những gì là con người của con, con sẽ cảm nghiệm rằng, con không lẻ loi. Một ai đó, đầy yêu thương và nhân từ, đã đi vào mầu nhiệm nhân tính của con, không như một khán giả, không như một quan tòa, nhưng là một ai đó đang yêu thương con, hiến dâng chính mình cho con, cưới con để con được tự do, cứu độ con, chữa lành con… Để ở cùng con mãi mãi, yêu thương con, yêu mến con!”.
Phục Sinh, 2002.
[1] 2Cr 3, 17.
[2] Trích trong Paul Labutte, Une amitié voulue par Dieu (Paris, Francois-Xavier de Guibert, 1999).
[3] Mt 5, 3.
[4] Searching for and Maintaining Peace, A Small Treatise On Peace of Heart (New York, Alba House, 2002); Time for God (New York, Scepter, 2008); In the School of the Holy Spirit (New York, Scepter, 2007).
[5] Ga 8, 32.
[6] 2Cr 3, 17.
[7] Gl 5, 1.
[8] “Linh hồn không thể sống mà không yêu, nó luôn cần một điều gì đó để yêu, vì nó được làm nên từ tình yêu; và chính vì tình yêu mà Ta tạo tác nó”. Dialogues của thánh Catherine Siena, chương 51.
[9] Rm 1, 5.
[10] Mt 16, 25.
[11] Có một bằng chứng rất đơn giản về điều này vốn phải cần thời gian để hiểu. Chừng nào chúng ta còn cảm thấy tự do phụ thuộc nhiều hơn hay ít hơn vào những hoàn cảnh bên ngoài, điều đó có nghĩa là chúng ta chưa tự do thực sự.
[12] Thánh Augustinô, Confessions, quyển 10, chương 27.
[13] Thánh Faustina, Petit Journal (Marquain, Belgium, Jules Hovine), tr. 319; Bảng tiếng Anh, Diary, Divine Mercy in My Soul (Stockbridge, Mass, Marians of the Immaculate Conception, 1999).
[14] 2Cr 6, 12.
[15] Etty Hilleseum, An Interrupted Life, The Diaries and Letters of Etty Hellesum 1941-1943, A. J. Pomerans dịch (London, Persephone Books, 1999).
[16] Hillesum, Interrupted Life, tr. 176-177.
[17] Rm 8, 26.
[18] Rm 8, 38-39.
[19] Ga 21, 18.
[20] “Ảo ảnh lớn nhất của con người là muốn làm chủ cuộc sống của mình… Nhưng cuộc sống là một quà tặng mà tự bản chất nó chạy trốn mọi nỗ lực làm chủ nó”. Jean Claude Sagne, Viens vers le Père, L’Enfance spirituelle, chemin de guérison (Neuilly, Editions de l’Emmanuel, 1998), tr. 172.
[21] Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Bản Tự Truyện A, 53 trang bên phải.
[22] Ga 15, 5.
[23] Mt 5, 48.
[24] Is 43, 4.
[25] Điều này dễ thấy trong sự phát triển của nền văn minh hiện đại. Khi tách mình khỏi Thiên Chúa, kết cục con người mất cảm thức về nhân phẩm và thù ghét chính mình. Chẳng hạn, thật ấn tượng khi thấy sự khôi hài trong các phương tiện thông tin đại chúng thì ít, khôi hài về sự trìu mến và đam mê cũng ít; thay vào đó là sự khôi hài về chế nhạo. Cũng thế, thường thì nghệ thuật không thể biểu trưng vẻ đẹp của gương mặt con người.
[26] Georges Bernanos, Dialogues des Carmélites (1949).
[27] Henri J. M. Nouwen, The Return of the Prodigal Son, A Story of Homecoming (London, Darton Longman and Todd, 1992), tr. 107.
[28] Tv 103 (102), 14.
[29] Mt 11, 28-30.
[30] Nữ tu Faustina, Petit journal, tr. 140.
[31] Hillesum, Interrupted Life, tr. 79.
[32] x. Mt 8, 13.
[33] Rm 8, 28.
[34] Tv 80 (79), 5.
[35] Hillesum, Interrupted Life, tr. 241.
[36] Lc 17, 33.
[37] Rm 11, 29.
[38] Is 35, 10; Kh 22, 5.
[39] 2Cr 4, 17.
[40] Is 55, 8-9.
[41] Ca ngợi sự khôn ngoan của Thiên Chúa ở Rm 11, 33-36
[42] Đức Giáo Hoàng John Paul II gợi lại cho chúng ta điều này trong Thông Điệp Faith and Reason (ngày 14 tháng 09 năm 1998).
[43] Ga 13, 7.
[44] Ac 3, 26.
[45] Ga 10, 18.
[46] Jacques Fesch, Dans cinq heures je verrai Jésus. Journal de prison (Trong vòng năm giờ nữa, tôi sẽ gặp Đức Giêsu. Báo tù) (Paris, Le Sarment-Fayard, 1989), tr. 296.
[47] Rm 5, 5
[48] John Paul II, Thông điệp Mùa chay 2001, tr. 4-5.
[49] Rm 12, 21.
[50] 1Pr. 2, 23
[51] Có một bản văn rất hay của Thánh Gioan Thánh Giá về những “phẩm tính” của tình yêu Thiên Chúa mà linh hồn có thể cảm nghiệm khi nó được biến đổi trong tình yêu và nên một với Thiên Chúa, “Vì khi một người yêu thương người khác và mưu ích cho họ, anh ta làm điều lành cho người đó và yêu người đó theo những phẩm cách và đặc tính riêng của anh ta. Vì thế Đức Lang Quân của bạn, Đấng ở trong bạn, ban cho bạn ân sủng vì Ngài là Đấng Toàn Năng. Ngài mưu ích cho bạn và yêu bạn bằng sự toàn năng của Ngài; vì Ngài khôn ngoan nên bạn nhận ra Ngài mưu ích cho bạn và yêu bạn bằng sự khôn ngoan của Ngài; vì Ngài nhân lành nên bạn nhận ra Ngài yêu bạn bằng sự nhân lành của Ngài; vì Ngài thánh thiện nên bạn nhận ra Ngài yêu bạn và ban ơn cho bạn với sự thánh thiện; vì Ngài công chính nên bạn nhận ra Ngài yêu bạn và ban ơn cho bạn một cách công chính; vì Ngài nhân từ, giàu nhân ái và khoan dung nên bạn nhận ra lòng nhân từ, giàu nhân ái và khoan dung của Ngài; vì Hữu Thể Ngài thì mạnh mẽ, siêu việt và tinh tế, nên bạn nhận ra Ngài yêu bạn bằng sức mạnh, siêu việt và tinh tế; vì Ngài trong sạch và tinh tuyền nên bạn nhận ra Ngài yêu bạn bằng sự trong sạch và tinh tuyền; vì Ngài chân thật nên bạn nhận ra Ngài yêu bạn cách chân thật; vì Ngài tự do nên bạn biết Ngài yêu bạn và ban ơn cho bạn cách tự do, vô vị lợi, cốt để mưu ích cho bạn mà thôi; và vì Ngài khiêm nhượng thẳm sâu, nên Ngài yêu bạn với lòng khiêm tốn vô cùng, tôn trọng bạn vô cùng, làm cho bạn ngang hàng với Ngài, Ngài vui mừng tỏ mình ra cho bạn. Bằng những cách này, vốn là sự hiểu biết của Ngài, qua nét mặt tràn đầy ân sủng, Ngài nói với bạn đang thông hiệp với Ngài cách hân hoan rằng, Ta là của con và cho con, Ta hoan hỷ đến thế để Ta có thể là của con và trao ban chính mình cho con”. Thánh Gioan Thánh Giá, Living Flame of Love, hồi thứ ba, dòng đầu tiên, số 6 (dịch bởi E. Allison Peers, London, Burn & Oates, 1935 [1997], tr. 165).
[52] Mt 5, 26.
[53] Is 58, 8.11
[54] Mt 5, 48.
[55] 1Cr 13, 5.
[56] Tv 23 (22), 1.4
[57] Thánh Gioan Thánh Giá, Bức thư 26, gửi Madre Maria de la Encarnación, tu sĩ Carmel đi chân đất ở Segovia, ngày 6 tháng 7, 1591.
[58] Mc 7, 14.
[59] Christane Singer, Du bon usage des crises (On making good use of crises) (Paris, Albin Michel, 2001), tr. 102.
[60] 1Cr 13, 5-7.
[61] 1Pr 2, 21.23.
[62] 1Cr 3, 21.23.
[63] Thánh Gioan Thánh Giá, “Prayer of the Soul in Love”, Sayings of Light and Love.
[64] Mt 28, 20.
[65] Tv 145 (144), 15-16.
[66] Xp 3, 17.
[67] Pl 3, 13-16.
[68] Thánh Athanasius Alexandria, Life of St. Anthony, chương 2.
[69] Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Poésie PN5.
[70] Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “Yellow Notebook,” 19 tháng 8.
[71] Hillesum. Interrupted Life, tr. 269.
[72] Mt 6, 25-34.
[73] Lc 21, 14-15.
[74] Hillesum, Interrupted Life, tr. 212-213.
[75] Ibid., tr. 266-267.
[76] Mt 6, 25.
[77] Rm 4, 20.
[78] 1Tx 1, 2-3.
[79] 1Tx 5, 8.
[80] Rm 8, 26.
[81] Có một câu hỏi khó ở đây. Làm thế nào hành động của con người (hành động tin, cậy, mến) là một hành động hoàn toàn nhân loại, hành động tự do và tự nguyện mà đồng thời cũng là quà tặng của Thiên Chúa, hoa quả tác động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn con người? Điều này chạm đến mầu nhiệm thâm sâu của “sự tương tác” giữa hành động của Thiên Chúa và tự do của con người. Thiên Chúa, Đấng tác thành tự do của chúng ta và càng ảnh hưởng đến tâm hồn chúng ta, Người càng làm cho chúng ta tự do. Hành động chúng ta thực hiện dưới tác động của Chúa Thánh Thần phát sinh từ Thiên Chúa, nhưng chúng lại hoàn toàn tự do, tự nguyện và hoàn toàn thuộc về chúng ta.
[82] Ga 3, 8.
[83] Ga 7, 46.
[84] Mt 5, 3.
[85] Lc 24, 40; Cv 1, 8.
[86] Cv 5, 41.
[87] Hãy so sánh với lời cổ võ các vị bô lão của Giáo Hội trong Thư của Ngài, 1Pr 5, 2-3.
[88] Thánh Gioan Thánh Giá, The Dark Night of the Soul, quyển 2, chương 19.
[89] Bức thư 197, 17 tháng 9 năm 1896.
[90] 1Cr 13,2.
[91] 1Cr 13, 13.
[92] Thánh Faustina, Petit Journal, tr. 480.
[93] Mc 4, 26.
[94] Mt 13, 22.
[95] Pl 4, 13.
[96] Rm 4, 18.
[97] x. 2Tm 1, 12.
[98] Dt 6, 18-20.
[99] Gl 2, 20.
[100] Catherine de Hueck Doherty, Poustinia: Christian Spirituality of the East for Western Man (Notre Dame, Ind.: Ave Maria Press, 1975); tái bản với tựa đề mới, Poustinia: Encouraging God in Silence, Solitude, and Prayer (Combermere, Ont.: Madonna House, 2000).
[101] Thánh Gioan Thánh Giá, The Dark Night of the Soul, quyển 2, chương 10.
[102] Mt 5, 3.
[103] Mt 17, 20.
[104] Dt 11, 1.
[105] Mt 5, 8.
[106] 1Ga 3, 1-3.
[107] Charles Péguy, The Portal of the Mystery of Hope, trans. D.L. Schindler (Grand Rapids, Mich. Eerdmans; Edinburgh, T & T Clark, 1996), tr. 107-109.
[108] Rm 8, 21.
[109] Gl 5, 1.
[110] Gl 1, 6.
[111] Gl 3, 1.
[112] “Xác thịt” không có nghĩa là thân xác nhưng là bản tính con người đã mang lấy thương tích và phạm tội: chính từ trong con người, Thiên Chúa bị chống đối.
[113] Gl 5, 4.
[114] Tt 3, 3-5; x. 2Tm 1, 9.
[115] Ep 2, 4-6.
[116] Gl 4, 9.
[117] Cl 2, 22.
[118] Cl 2, 21.
[119] Mt 10, 8.
[120] Thánh Phaolô nói đến “những việc lành Thiên Chúa đã chuẩn bị trước để trong đó, chúng ta bước đi”, Ep 2, 10.
[121] Lc 6, 35-36.
[122] Ví dụ, Ngài nhắc cho chúng ta nhớ rằng, mình chỉ là những đầy tớ vô dụng (Lc 17, 10); nhưng cũng nói, người thợ giờ thứ mười một cũng nhận tiền lương như người thợ giờ thứ nhất (Mt 20, 1-6).
[123] Quả thực, bất chấp những tiến bộ kỹ thuật, bản chất tâm lý của chúng ta vẫn bị coi như bản chất của người tiền sử, tức là phần lớn nó được kết cấu xoay quanh sự sinh tồn, bảo vệ và những cơ chế khác; vì thế, thật khó khăn để thích ứng với tương quan tín thác và yêu thương cách vô vị lợi và nhưng không. Hoạt động của Chúa Thánh Thần có thể được mô tả như một công việc nhằm tái thiết tâm lý của chúng ta để làm cho nó có thể hoạt động trong mô thức mới này. Sự đối nghịch thánh Phaolô rút ra giữa con người “tự nhiên” và con người thiêng liêng, con người “cũ” và con người mới, có thể được giải thích theo các thuật ngữ này.
[124] Mt 5, 48.
[125] Ở mức độ tâm lý cũng như thiêng liêng, nhu cầu sâu xa nhất của con người là nhu cầu yêu thương: để yêu và được yêu. Hai nhu cầu nền tảng không thể thiếu khác liên kết với nhu cầu yêu thương và thông hiệp này là: nhu cầu chân lý (để yêu chúng ta cần biết); và nhu cầu căn tính (để yêu, chúng ta cần hiện hữu). Ba nhu cầu then chốt này tương ứng với ba khả năng thiêng liêng vốn được thần học, theo truyền thống, nhận ra nơi con người là: ý chí, tri giác và ký ức. Các nhân đức đối thần giúp chúng ta tìm thấy sự thoả mãn tối đa của những nhu cầu này trong chính Thiên Chúa: đức tin giúp chúng ta đạt đến chân lý; đức cậy làm chúng ta có thể tìm thấy sự bảo đảm cũng như căn tính nơi Thiên Chúa và đức mến giúp chúng ta sống hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân.
[126] Những suy tư này được lấy ra từ một bài báo do Thầy Ephraïm viết trong Resources d’eau vive, một tờ báo tâm lý Kitô giáo được phát hành dưới sự đỡ đầu của Tu viện Béatitudes, Nouan-le-Fuzelier, Pháp.
[127] 1Cr 4, 7.
[128] Đây là lời giải đáp cho cái gọi là “khủng hoảng của tuổi trung niên” rất phổ biến. Những người ở tuổi năm mươi thấy mình có một khoảng trống rỗng lớn lao bên trong, bởi họ muốn sống bằng cách làm việc, trong khi họ quên căn tính đích thực, không thể chuyển nhượng của họ là con cái Thiên Chúa, được yêu thương… không phải vì những gì họ làm mà vì những gì họ là.
[129] Lc 15, 31.
[130] Mt 6, 19.
[131] Christiane Singer, Du bon usage des crises, tr. 79.
[132] Matta el Maskine, L’Experience de Dieu dans la vie de prière (trong bản của Le Cerf, tr. 295).
[133] Xp 3, 12.
[134] Tầng Đầu Địa Ngục, bản dịch tiếng Việt (Người Dịch).
[135] Hillesum, Interrupted Life, tr. 299.
[136] Hillesum, Interrupted Life, tr. 107.
[137] Jean-Claude Sagne, Viens vers le Père, tr. 172.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TƯỞNG NHỚ CÁC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC ĐÃ QUA ĐỜI