THƯ GỞI CÁC LINH MỤC VỀ CON ĐƯỜNG HIỆP HÀNH
« Mỗi lần chúng ta thực sự lắng nghe nhau, học hỏi lẫn nhau, quý trọng những khả năng của người khác, giúp đỡ nhau và cùng nhau đưa ra quyết định, thì đã có tính hiệp hành trong hành động rồi. » ĐHY Mario Grech, Tổng thư ký Thượng hội đồng, và Đức cha Lazzaro You Heung Sik, Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ, hôm 19/3/2022, đã gởi một bức thư cho các linh mục liên quan đến tiến trình hiệp hành và đồng thời mời gọi các linh mục đóng góp về ba phương diện vào hành trình hiệp hành hiện nay. Dưới đây là toàn văn bức thư.
Các linh mục thân mến,
Chúng tôi đây, cũng là hai người anh em linh mục của anh em ! Chúng tôi có thể xin anh em một ít thời gian được không ? Chúng tôi muốn nói chuyện với anh em về một vấn đề liên quan đến tất cả chúng ta.
« Giáo hội của Thiên Chúa đang được triệu tập trong Thượng hội đồng ». Chính bằng những lời này mà tài liệu chuẩn bị cho Thượng hội đồng 2021-2023 được bắt đầu. Trong hai năm,toàn Dân Thiên Chúa được mời gọi suy nghĩ về chủ đề « Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành : hiệp thông, tham gia và sứ mạng ». Đây là một sự mới mẻ có thể khơi dậy nhiệt huyết nhưng cũng khơi lên những thắc mắc.
Tuy nhiên, « trong thiên niên kỷ đầu tiên, « bước đi cùng nhau », nghĩa là thực thi tính hiệp hành, đối với Giáo hội, đã là phương thức hành động quen thuộc của Giáo hội ». Công đồng Vatican II đã làm nổi bật khía cạnh này của đời sống Giáo hội, mà tầm quan trong của nó như thánh Gioan Kim Khẩu đã có thể khẳng định : « Giáo hội và Thượng hội đồng là hai từ đồng nghĩa » (Explicatio in Psalmum 149).
Chúng ta biết rằng thế giới hiện nay có nhu cầu cấp thiết về tình huynh đệ. Nó đang khao khát gặp gỡ Chúa Giêsu mà không nhận ra điều đó. Nhưng làm thế nào để cuộc gặp gỡ này diễn ra ? Chúng ta cần lắng nghe Chúa Thánh Thần một lần nữa, cùng với toàn Dân Thiên Chúa, để đổi mới đức tin và tìm ra những phương thế và từ ngữ mới mẻ để chia sẻ Tin Mừng với anh chị em chúng ta. Tiến trình hiệp hành mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị cho chúng ta rõ ràng có mục tiêu này : cùng nhau lên đường, trong việc lắng nghe lẫn nhau, trong việc chia sẻ các ý tưởng và kế hoạch, để cho thấy khuôn mặt đích thực của Giáo hội : một « ngôi nhà » đón tiếp, với những cánh cửa rộng mở, nơi Chúa cư ngụ và là nơi các mối tương quan huynh đệ được sống.
Để không rơi vào những cái bẫy mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra – tức là chủ nghĩa hình thức giảm thiểu Thượng hội đồng thành một khẩu hiệu trống rỗng, chủ nghĩa trí thức biến Thượng hội đồng thành một suy tư lý thuyết về các vấn đề, và chủ nghĩa bất động xích chúng ta vào những an toàn theo thói quen để không thay đổi gì -, điều quan trọng là mở rộng tâm hồn và lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần gợi ý cho các Giáo hội (x. Kh 2, 7).
Rõ ràng, đối diện với hành trình này, chúng ta có thể bị tấn công bởi những nỗi sợ hãi.
Trước tiên, chúng ta nhận thấy rõ rằng các linh mục, ở nhiều nơi trên thế giới, đã mang một trách nhiệm mục vụ nặng nề. Và chúng ta có thể có cảm tưởng rằng một việc mới « phải làm » giờ đây được thêm vào. Thay vì mời gọi anh em nhân tăng các hoạt động, chúng tôi muốn khuyến khích anh em xem xét các cộng đoàn của mình với cái nhìn chiêm niệm mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi lên trong tông huấn Evangelii gaudium (số 71), để khám phá vô số mẫu gương về sự tham gia và chia sẻ đang nảy mầm nơi các cộng đoàn của anh em.
Giai đoạn giáo phận hiện nay của hành trình hiệp hành trên thực tế đề nghị « thu thập sự phong phú cụ thể của các kinh nghiệm sống hiệp hành » (Tài liệu chuẩn bị, 31). Chúng tôi xác tín rằng có nhiều kinh nghiệm như thế hơn những gì có vẻ thoạt nhìn, có lẽ ngay cả những kinh nghiệm không hình thức và tự phát. Mỗi lần chúng ta thực sự lắng nghe nhau, học hỏi lẫn nhau, quý trọng những khả năng của người khác, giúp đỡ nhau và cùng nhau đưa ra quyết định, thì đã có tính hiệp hành trong hành động rồi. Tất cả những điều đó phải được xem xét và đánh giá cao, để ngày càng phát triển phong cách hiệp hành vốn là « cách thức sống và hành động đặc thù của Giáo hội, Dân Thiên Chúa » (Tài liệu chuẩn bị, 10).
Nhưng có thể còn có một nỗi sợ hãi khác : nếu chúng ta nhấn mạnh đến chức tư tế chung của người đã được rửa tội và sensus fidei (cảm thức đức tin) của Dân Thiên Chúa, thì điều gì sẽ xảy ra đối với vai trò hướng dẫn của chúng ta và với căn tính đặc thù thừa tác viên chức thánh của chúng ta ? Chắc chắn cần phải ngày càng khám phá sự bình đẳng cơ bản của tất cả những người đã được rửa tội và khuyến khích tất cả các tín hữu tham gia cách chủ động vào hành trình và sứ mạng của Giáo hội. Như thế, chúng ta sẽ có được niềm vui khi thấy mình bên cạnh anh chị em cùng chia sẻ trách nhiệm loan báo Tin Mừng với chúng ta. Nhưng trong kinh nghiệm này của Dân Thiên Chúa, đặc sủng riêng biệt của các thừa tác viên chức thánh là phục vụ, thánh hóa và sinh động Dân Thiên Chúa cũng sẽ có thể và phải được làm nổi bật một cách mới mẻ.
Theo nghĩa này, chúng tôi muốn đặc biệt xin anh em đóng góp về ba phương diện vào hành trình hiệp hành hiện nay :
– Làm mọi thứ để cuộc hành trình dựa vào việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa . Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây cũng đã khích lệ chúng ta như thế : « Chúng ta hãy trở thành những người say mê Thánh Kinh, chúng ta hãy để cho bản thân đào sâu Lời Chúa, Lời cho thấy sự mới mẻ của Thiên Chúa và cho phép yêu thương người khác không biết mệt mỏi » (Phanxicô, Bài giảng Chúa Nhật Lời Chúa, 23/1/2022).
Nếu không có sự bám rễ sâu trong Lời hằng sống, thì chúng ta có nguy cơ bước đi trong bóng tối và những suy tư của chúng ta có thể biến thành ý thức hệ. Trái lại, nếu chúng ta dựa vào việc thực hành Lời Chúa, thì chúng ta đang xây nhà trên đá (x. Mt 7, 24-27) và, như các môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta có thể cảm nghiệm được ánh sáng và sự dẫn dắt đáng ngạc nhiên của Đấng Phục Sinh.
– Làm sao để cuộc hành trình được đánh dấu bằng việc lắng nghe và đón tiếp lẫn nhau. Cuộc đối thoại sâu xa và cuộc gặp gỡ đích thực đã là một giá trị, trước cả những kết quả cụ thể. Trên thực tế, có rất nhiều sáng kiến và tiềm năng nơi các cộng đoàn của chúng ta, nhưng các cá nhân và các nhóm quá thường xuyên có nguy cơ chủ nghĩa cá nhân và quy ngã. Với giới răn mới của Ngài, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng « mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau. » (Ga 13, 35). Với tư cách là mục tử, chúng ta có thể làm nhiều điều để tình yêu thương thanh luyện các mối tương quan và chữa lành các vết thương vốn cũng thường xuyên tác động đến cơ cấu của Giáo hội. Như thế, chúng ta sẽ có thể tìm lại được niềm vui cảm thấy chúng ta là một gia đình duy nhất, một dân tộc lữ hành duy nhất, những người con cùng một Cha, và vì thế tất cả đều là anh chị em, bằng cách bắt đầu với tình huynh đệ giữa các linh mục chúng ta.
– Hãy canh chừng để cuộc hành trình không dẫn chúng ta đến sự nội quan nhưng thúc đẩy chúng ta gặp gỡ mọi người. Trong tông huấn Evangelii gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ với chúng ta về ước mơ của ngài về một Giáo hội không sợ bẩn tay khi gánh lấy những vết thương của nhân loại, một Giáo hội bước đi trong sự lắng nghe và phục vụ người nghèo và các vùng ngoại vi. Sự « đi ra » đầy năng động này hướng đến anh chị em, với la bàn của Lời Chúa và ngọn lửa đức ái, thể hiện kế hoạch tuyệt vời ban đầu của Chúa Cha : « Để tất cả nên một » (Ga 17, 21). Trong thông điệp Fratelli tutti của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu chúng ta dấn thân theo hướng này, cùng với anh chị em của chúng ta nơi Giáo hội khác, cùng với các tín hữu của các tôn giáo khác và với tất cả những người thành tâm thiện chí : tình huynh đệ phổ quát và tình yêu không loại trừ phải ôm lấy mọi sự và mọi người. Với tư cách là những người phục vụ Dân Thiên Chúa, chúng ta đang ở một vị trí đặc quyền để đảm bảo rằng đây không còn là một định hướng mơ hồ và chung chung, nhưng điều đó được cụ thể hóa nơi chúng ta đang sống.
Anh em linh mục thân mến, chúng tôi xác tín rằng từ những ưu tiên này, anh em sẽ tìm thấy phương tiện để thực hiện các sáng kiến cụ thể, tùy theo những nhu cầu và khả năng, bởi vì tính hiệp hành thực sự là những gì Thiên Chúa mời gọi Giáo hội của ngàn năm thứ ba. Bước đi theo hướng này sẽ không giúp chúng ta tránh khỏi những vấn đề, những mệt mỏi và dừng lại, nhưng chúng ta có thể tin rằng chúng ta sẽ nhận được gấp trăm lần trong tình huynh đệ và hoa trái của đời sống Tin Mừng. Chúng ta hãy nghĩ đến Thượng hội đồng đầu tiên ở Giêrusalem (Cv 15) là đủ. Ai biết được có bao nhiêu nỗ lực đằng sau hậu trường ! Nhưng chúng ta biết thời điểm này có tính quyết định như thế nào đối với Giáo hội sơ khai.
Chúng tôi kết thúc bức thư này bằng hai đoạn trong Tài liệu chuẩn bị vốn có thể truyền cảm hứng cho chúng ta và đồng hành với chúng ta gần như một cẩm nang.
« Khả năng hình dung một tương lai khác cho Giáo hội và cho các thể chế của Giáo hội, xứng tầm với sứ mạng mà Giáo hội đã lãnh nhận, tùy thuộc phần lớn vào sự chọn lựa thực hiện các tiến trình lắng nghe, đối thoại và phân định trong cộng đoàn, mà tất cả mọi người và mỗi người có thể tham gia và đóng góp » (số 9).
« Hãy nhớ rằng mục đích của Thượng hội đồng, và do đó của việc tham khảo ý kiến này, không phải là tạo ra các tài liệu, nhưng là « để gieo mầm ước mơ, khơi dậy lời ngôn sứ và các tầm nhìn, khơi lên niềm hy vọng, thúc đẩy niềm tin, băng bó các vết thương, xây dựng các mối tương quan, phục hồi bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau, và tạo nên một trí tưởng tượng tích cực giúp khai sáng tâm trí, sưởi ấm tâm hồn, mang lại sức mạnh cho đôi bàn tay » (số 32).
Trong khi cảm ơn về sự quan tâm của anh em, chúng tôi đảm bảo với anh em về lời cầu nguyện chúng tôi và cầu chúc anh em và các cộng đoàn của anh em một hành trình hiệp hành vui tươi và phong nhiêu. Anh em hãy rằng chúng tôi gần gũi anh em và chúng tôi cùng bước đi với anh em ! Và qua chúng tôi, anh em cũng hãy đón nhận lòng biết ơn của Đức Thánh Cha Phanxicô, một người cảm thấy rất gần gũi với anh em.
Phó thác mỗi người trong anh em cho Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, chúng tôi thân ái chào anh em trong Chúa Giêsu.
Hồng y Mario Grech,
Tổng thư ký Thượng hội đồng
Đức cha Lazzaro You Heung Sik,
Tổng Giám mục-Giám mục danh dự của Daejon, Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ
—————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: synod.va)
Tags: Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO