BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM C, TẠI FLORIANA, MALTA : HÃY TRỞ THÀNH NHỮNG CHỨNG NHÂN CỦA SỰ HÒA GIẢI
Trong bài giảng tại Floriana ngày 3/4/2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích các Kitô hữu đừng quên lòng thương xót và mở rộng tâm hồn cho Chúa Giêsu, Đấng đã đến vì những người bệnh tật, và vì thế, chúng ta được mời gọi, thay vì có khuynh hướng tập trung vào việc tố giác tội lỗi, hãy bắt đầu tìm kiếm các tội nhân bằng tình yêu thương. “Chúa muốn chúng ta …, những môn đệ được Người tha thứ, chúng ta, với tư cách là Giáo hội, trở thành những chứng nhân không mệt mỏi về sự hòa giải“. Vì, nếu không, « nguy cơ hiểu sai Chúa Giêsu luôn luôn tồn tại ; có tên của Người trên môi miệng nhưng phủ nhận Người trong các việc làm ». Hơn nữa, Đức Thánh Cha lưu ý, “mọi nhận xét sẽ còn làm cho người nhận nó suy sụp hơn nữa nếu nó không được thực hiện trong đức ái và qua đức ái“.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
Chúa Giêsu « từ tảng sáng, đã trở lại Đền Thờ và toàn dân đến với Người » (Ga 8, 2). Đoạn Tin Mừng về người phụ nữ ngoại tình bắt đầu như thế. Hậu cảnh thật thanh bình : một buổi sáng ở nơi thánh, ở trung tâm Giêrusalem. Dân Thiên Chúa là nhân vật chính, trong sân Đền Thờ, tìm kiếm Thầy Giêsu. Họ muốn lắng nghe Người vì những gì Người nói sẽ soi sáng và sưởi ấm. Giáo huấn của Người không có gì trừu tượng, giáo huấn này chạm đến cuộc sống và giải phóng nó, biến đổi nó, đổi mới nó. Đó là « sự tinh ý » của dân Thiên Chúa vốn không bằng lòng với đền thờ bằng đá, nhưng tụ tập quanh con người của Chúa Giêsu. Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta thoáng thấy đoàn dân tín hữu của mọi thời đại, dân thánh của Thiên Chúa, đông đúc và sống động, ở đây tại Malta, trung thành tìm kiếm Chúa, gắn bó với một đức tin cụ thể, sống động. Tôi cảm ơn anh chị em về điều đó.
Khi thấy dân chúng chạy đến với Người, Chúa Giêsu không vội vàng. Tin Mừng nói : « Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy » (c.2). Nhưng, ở trường học của Chúa Giêsu, có những chỗ trống, có những người vắng mặt : người phụ nữ và những người tố cáo chị. Họ không đến gặp Thầy như những người khác, và lý do vắng mặt của họ là khác nhau : các Kinh sư và người Pharisiêu nghĩ rằng đã biết mọi sự, không cần giáo huấn của Chúa Giêsu. Trái lại, người phụ nữ là một cô gái giang hồ, chị đã đi sai hướng khi tìm kiếm hạnh phúc nơi những con đường xấu xa. Những sự vắng mặt vì những lý do khác nhau, cũng như phần cuối của câu chuyện của họ sẽ khác nhau. Chúng ta hãy dừng lại nơi những người vắng mặt này.
Trước tiên, những người tố cáo người phụ nữ. Chúng ta nhận thấy nơi họ hình ảnh của những người tự hào là công chính, những người thực hành lề luật của Thiên Chúa, những người đúng đắn và đáng kính. Họ không quan tâm đến lỗi của mình nhưng họ rất chăm chú khám phá lỗi của người khác. Họ đến với Chúa Giêsu như thế : không phải tấm lòng rộng mở để lắng nghe Người, nhưng « để thử Người, để có thể tố cáo Người » (c.6). Đó là một bức ảnh về nội tâm của những người có học thức và tôn giáo này, vốn biết Thánh Kinh, thường lên đền thờ, nhưng để tất cả điều đó phụ thuộc vào lợi ích riêng của họ và không chiến đấu với những tư tưởng xấu đang khuấy động trong lòng họ. Họ xuất hiện như những chuyên gia về Thiên Chúa trước mắt mọi người, nhưng họ không nhìn nhận Chúa Giêsu. Trái lại, họ coi Người là kẻ thù cần phải loại bỏ. Và để làm điều này, họ đặt một người trước mặt Người, như thể đó là một sự vật, khinh thường gọi người đó là « người đàn bà này » và công khai tố cáo sự ngoại tình của người đó. Họ gây sức ép để người phụ nữ bị ném đá bằng cách trút lên chị sự căm ghét mà họ có đối với lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu. Và họ làm tất cả điều đó dưới bề ngoài danh tiếng là những người sùng đạo.
Anh chị em thân mến, những người này cho chúng ta thấy rằng con sâu của thói giả hình và tật xấu công khai chế giễu có thể len lỏi vào chính lòng đạo. Mọi lúc, trong mọi cộng đoàn. Nguy cơ hiểu sai Chúa Giêsu luôn luôn tồn tại ; có tên của Người trên môi miệng nhưng phủ nhận Người trong các việc làm. Và người ta có thể làm điều đó bằng cách nâng cao ngọn cờ của thập giá. Như thế, làm thế nào chúng ta có thể xác thực xem chúng ta có phải là môn đệ ở trường học của Thầy không ? Bằng cái nhìn của chúng ta, bằng cách chúng ta nhìn tha nhân và bằng cách chúng ta nhìn vào chính mình. Đó là điểm để xác định sự thuộc về của chúng ta.
Bằng cách chúng ta nhìn tha nhân : nếu chúng ta làm điều đó như Chúa Giêsu cho chúng ta thấy hôm nay, tức là với cái nhìn của lòng thương xót, chứ không phải theo cách chỉ trích, thậm chí đôi khi còn khinh thường như những người tố cáo trong Tin Mừng tự đặt mình làm hiệp sĩ của Thiên Chúa nhưng không nhận ra rằng họ đang chà đạp anh em của mình. Trên thực tế, những ai tin rằng mình đang bảo vệ đức tin bằng cách chỉ tay vào người khác có lẽ sẽ có một tầm nhìn tôn giáo, nhưng họ sẽ không phù hợp với tinh thần của Tin Mừng bởi vì họ quên đi lòng thương xót, vốn là trái tim của Thiên Chúa.
Để hiểu liệu chúng ta có thực sự là những người môn đệ đích thực của Thầy hay không, thì chúng ta cũng phải xác thực cách thức chúng ta nhìn chính mình. Những người tố giác người phụ nữ tin rằng họ không có gì để học. Quả thế, vẻ bề ngoài của họ thì hoàn hảo, nhưng họ thiếu đi sự chân thật của tâm hồn. Họ là chân dung của những người tín hữu ở mọi thời đại, biến đức tin thành một mặt tiền, biểu lộ vẻ bên ngoài trang trọng nhưng thiếu đi sự nghèo khó trong tâm hồn, là kho tàng quý giá nhất của con người. Quả thế, đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng, đó là sự cởi mở sẵn sàng của người không cảm thấy mình thành đạt, nhưng cần đến ơn cứu độ. Vì thế, khi chúng ta cầu nguyện, và cả khi chúng ta tham dự vào các buổi cử hành tôn giáo đẹp đẽ, thật tốt cho chúng ta để tự hỏi xem chúng ta có hòa hợp với Chúa không. Chúng ta có thể hỏi Người trực tiếp : « Lạy Chúa Giêsu, con đang ở đây với Chúa, nhưng Chúa, Chúa muốn gì nơi con ? Chúa muốn con thay đổi điều gì trong tâm hồn con, trong cuộc sống của con ? Chúa muốn con nhìn người khác như thế nào ? ». Sẽ hữu ích cho chúng ta khi cầu nguyện như thế vì Thầy không hài lòng với vẻ bề ngoài, nhưng Người tìm kiếm sự chân thật của tâm hồn. Và khi chúng ta mở rộng tâm hồn cho Người trong sự chân thật, thì Người có thể thực hiện những điều kỳ diệu trong chúng ta.
Chúng ta nhận thấy điều đó nơi người phụ nữ ngoại tình. Hoàn cảnh của chị có vẻ bị tổn hại nhưng một chân trời mới, trước đây không thể tưởng tượng được, mở ra trước mắt chị. Bị bao trùm bởi những lời sỉ nhục, sẵn sàng đón nhận những lời khắt khe và một sự trừng phạt nghiêm khắc, chị thấy mình bất ngờ được Thiên Chúa tha bổng, Đấng mở ra cho chị một tương lai bất ngờ. Chúa Giêsu nói với chị : « Không ai lên án chị sao ? – Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa » (cc.10.11). Thật là sự khác biệt giữa Thầy và những người tố cáo ! Những người này đã trích dẫn Thánh Kinh để kết án ; Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã hoàn toàn phục hồi cho người phụ nữ bằng mang lại hy vọng cho chị. Câu chuyện này dạy chúng ta rằng mọi nhận xét sẽ còn làm cho người nhận nó suy sụp hơn nữa nếu nó không được thực hiện trong đức ái và qua đức ái. Trái lại, Thiên Chúa luôn để ngỏ một khả năng và biết tìm ra những con đường giải thoát và cứu độ.
Cuộc sống của người phụ nữ này đã thay đổi nhờ sự tha thứ. Lòng thương xót và sự khốn cùng đã gặp nhau. Lòng thương xót và sự khốn cùng đều ở đó. Và người phụ nữ đã thay đổi. Chúng ta thậm chí có thể nghĩ rằng, được Chúa Giêsu tha thứ, đến lượt chị, chị sẽ học biết tha thứ. Có lẽ chị sẽ nhìn thấy nơi những người tố cáo chị không còn là những người cứng nhắc và gian ác nữa, nhưng là những người đã cho phép chị gặp được Chúa Giêsu. Chúa muốn chúng ta cũng thế, những môn đệ được Người tha thứ, chúng ta, với tư cách là Giáo hội, trở thành những chứng nhân không mệt mỏi về sự hòa giải : Những chứng nhân về một vị Thiên Chúa mà đối với Ngài từ « không thể phục hồi » không tồn tại ; một vị Thiên Chúa luôn tha thứ. Thiên Chúa luôn tha thứ. Chính chúng ta là những người cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ. Một vị Thiên Chúa tiếp tục tin tưởng vào chúng ta và ban cho chúng ta một cơ hội để bắt đầu lại. Không có tội lỗi hay sự thất bại nào mà, được mang đến cho Ngài, lại không thể trở thành một cơ hội để bắt đầu một cuộc sống mới, khác biệt, dưới dấu chỉ của lòng thương xót. Không có tội lỗi nào mà không thể đi con đường này. Thiên Chúa tha thứ tất cả. Tất cả.
Chúa Giêsu là như thế. Người nào cảm nghiệm được sự tha thứ của Ngài đều biết Ngài thực sự ; người mà, như người phụ nữ trong Tin Mừng, khám phá ra rằng Thiên Chúa đến thăm chúng ta xuyên qua những vết thương nội tâm của chúng ta. Chính ở đó mà Chúa muốn hiện diện, bởi vì Ngài đến không phải cho những người khỏe mạnh nhưng cho người đau ốm (x. Mt 9, 12). Và, hôm nay, chính người phụ nữ này, người đã biết đến lòng thương xót trong sự khốn cùng của mình và đã ra đi được chữa lành bởi sự tha thứ của Chúa Giêsu, mời gọi chúng ta, với tư cách là Giáo hội, hãy trở lại trường học của Thiên Chúa, trường học của Thiên Chúa của niềm hy vọng, Đấng luôn làm ngạc nhiên. Nếu chúng ta noi gương Ngài, chúng ta sẽ không có khuynh hướng tập trung vào việc tố cáo tội lỗi, nhưng bắt đầu tìm kiếm tội nhận bằng tình yêu thương. Chúng ta sẽ không hài lòng đếm những người có mặt, nhưng chúng ta sẽ đi tìm kiếm những người vắng mặt. Chúng ta sẽ không còn chỉ tay nữa, nhưng chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách lắng nghe. Chúng ta sẽ không gạt bỏ những người bị khinh thường, nhưng chúng ta sẽ nhìn trước hết những người bị coi là rốt hết. Anh chị em thân mến, đó là những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta hôm nay bằng gương sáng. Chúng ta hãy để Người làm cho chúng ta ngạc nhiên và hân hoan đón nhận sự mới mẻ của Người.
—————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO