BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ KÍNH HAI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ 2022 : MỘT GIÁO HỘI KHIÊM TỐN, HIỆP HÀNH VÀ ĐI RA

Written by xbvn on Tháng Sáu 30th, 2022. Posted in Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Trong bài giảng thánh lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, do ĐHY Re chủ tế, hôm 29/6/2022, Đức Phanxicô đã mời gọi các tín hữu và các mục tử của Giáo hội « đứng dậy mau đi » và « chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp », theo chân hai thánh Tông đồ, trụ cột của Giáo hội. Qua bài giảng này, Đức Thánh Cha thêm một lần nữa phác họa hình ảnh của Giáo hội mà ngài mong muốn, một Giáo hội khiêm tốn, chiến đấu thiêng liêng, hiệp hành, đi ra gặp gỡ thế giới, và có chỗ cho tất cả mọi người.

Đức Thánh Cha không quên nhắc lại « ý nghĩa của một Giáo hội hiệp hành : mọi người đều có phần việc, không cá nhân nào thay thế người khác và ở trên người khác. Không có Kitô hữu hạng nhất hay hạng nhì ; mọi người đều được mời gọi », và đồng thời đặt ra hai câu hỏi cho người Kitô hữu nói riêng và cho Giáo hội nói chung : « Tôi có thể làm gì cho Giáo hội ? » và « với tư cách là Giáo hội, chúng ta có thể làm gì cùng nhau để làm cho thế giới mà chúng ta đang sống được nhân bản, công bằng và liên đới hơn, mở ra cho Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa con người với nhau hơn ? ».

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :

Chứng tá của hai thánh Tông đồ vĩ đại Phêrô và Phaolô hôm nay một lần nữa  trở nên sống động trong Phụng vụ của Giáo hội. Thánh Phêrô, bị vua Hêrôđê giam cầm, được một thiên thần của Chúa bảo : « Đứng dậy mau đi », trong khi thánh Phaolô, nhìn lại toàn bộ cuộc đời và hoạt động tông đồ của mình, đã nói : « Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp » (2 Tm 4, 7). Chúng ta hãy suy nghĩ về hai câu này – « đứng dậy mau đi » và « chiến đấu trong cuộc chiến đấu cao đẹp » – hỏi xem chúng nói gì với cộng đồng Kitô hữu hôm nay, đang dấn thân trong tiến trình hiệp hành.

Trước tiên, sách Công vụ Tông đồ nói với chúng ta về cái đêm mà thánh Phêrô được giải thoát khỏi xiềng xích của ngục tù. Một thiên thần của Chúa đập vào cạnh sườn của ông khi ông đang ngủ, đánh thức ông và nói « đứng dậy mau đi » (Cv 12, 7). Thiên Thần đánh thức Phêrô và bảo ông đứng dậy. Cảnh này gợi cho chúng ta nhớ đến lễ Phục Sinh, bởi vì nó chứa đựng hai động từ có mặt trong các trình thuật về sự phục sinh : đánh thứcđứng dậy. Thực ra, thiên thần đánh thức Phêrô khỏi giấc ngủ của sự chết và thúc giục ông đứng dậy, trỗi dậy và hướng về ánh sáng, để mình được Chúa dẫn dắt khi đi qua tất cả các cánh cửa đóng kín trên đường đi (x. c. 10). Hình ảnh này có ý nghĩa to lớn đối với Giáo hội. Với tư cách là môn đệ của Chúa và cộng đoàn Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi đứng dậy mau đi, để đi vào mầu nhiệm phục sinh, và để cho Chúa dẫn dắt chúng ta đi theo những con đường mà Ngài muốn chỉ ra cho chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta cảm nghiệm nhiều hình thức kháng cự bên trong vốn ngăn cản chúng ta lên đường. Đôi khi, với tư cách là Giáo hội, chúng ta bị khuất phục bởi sự lười biếng ; chúng ta thích ngồi và chiêm niệm một vài thứ an toàn mà chúng ta đang sở hữu, hơn là đứng đậy và nhìn vào những chân trời mới, hướng ra biển khơi. Thông thường chúng ta giống như thánh Phêrô bị xiềng xích, bị giam cầm bởi thói quen của mình, sợ thay đổi và bị ràng buộc vào xiềng xích của lề thói hằng ngày của mình. Điều này lặng lẽ dẫn đến sự xoàng xĩnh về mặt thiêng liêng : chúng ta có nguy cơ « thoải mái » và « cho là ổn », cả trong công việc mục vụ của mình. Sự nhiệt thành của chúng ta đối với sứ mạng suy yếu đi, và thay vì là một dấu hiệu của sức sống và sự sáng tạo, cuối cùng nó có vẻ lãnh đạm và bơ phờ. Lúc đó, dòng chảy mạnh mẽ của sự mới mẻ và sự sống, tức là Tin Mừng,  trở thành trong tay chúng ta – nói theo ngôn từ của Cha de Lubac – một đức tin « rơi vào chủ nghĩa hình thức và thói quen…, một tôn giáo của những nghi lễ và lòng sùng kính, của những đồ trang trí và những sự an ủi tầm thường…một Kitô giáo giáo sĩ trị, hình thức, thiếu máu và xơ cứng » (Il dramma dell’umanesimo ateo. L’uomo davanti a Dio, Milano 2017, 103-104).

Thượng hội đồng mà bây giờ chúng ta đang cử hành mời gọi chúng ta trở thành một Giáo hội đứng lên, một Giáo hội không quy về chính mình, nhưng có khả năng thúc đẩy tiến tới, bỏ lại đằng sau những nhà tù của mình và lên đường gặp gỡ thế giới, với lòng can đảm để mở cửa. Cũng trong đêm đó, có một cám dỗ khác (x. Cv 12, 12-17) : cô gái trẻ đó đã rút lui đến nỗi, thay vì mở cửa, đã quay lại kể những gì có vẻ như là một giấc mơ. Chúng ta hãy mở cửa. Chúa gọi. Ước gì chúng ta không giống như cô Rôđa đã quay trở lại.

Một Giáo hội không có xiềng xích và tường thành, trong đó mọi người có thể cảm thấy được chào đón và đồng hành, một Giáo hội nơi việc lắng nghe, đối thoại và tham gia được vun đắp dưới quyền bính duy nhất của Chúa Thánh Thần. Giáo hội tự do và khiêm tốn, « đứng dậy nhanh chóng » và không bị trì hoãn hay do dự trước những thách thức của thời hiện tại. Một Giáo hội không nán lại trong khuôn viên thánh thiêng của mình, nhưng được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và ước muốn gặp gỡ và đón nhận mọi người. Chúng ta đừng quên từ đó : mọi người. Mọi người ! Hãy đi đến các ngã tư đường và đưa mọi người, người mù, người điếc, người què, người bệnh, người công chính và người tội lỗi : mọi người ! Lời này của Chúa sẽ tiếp tục van vọng trong tâm hồn và tâm trí chúng ta : trong Giáo hội có chỗ cho mọi người. Nhiều lần, chúng ta trở thành một Giáo hội với cánh cửa mở rộng, nhưng chỉ để đuổi người ta đi, để lên án người ta. Hôm qua, một người trong các anh chị em đã nói với tôi « Đây không phải là lúc để Giáo hội đuổi đi, đã đến lúc phải chào đón ». « Họ không đến bàn tiệc… » – vì thế, hãy đi đến các ngã ba đường. Đưa mọi người, mọi người ! « Nhưng họ là những người tội lỗi… » – Mọi người !

Trong Bài đọc II, chúng ta nghe những lời của thánh Phaolô. Khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời của mình, ngài đã nói : « Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp » (2Tm 4, 7). Thánh Tông đồ đang nói đến vô số hoàn cảnh, một số được đánh dấu bởi sự bắt bớ và đau khổ, trong đó ngài không tiếc thân rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Bây giờ lúc cuối đời, ngài thấy rằng một « cuộc chiến đấu » lớn lao vẫn đang diễn ra trong lịch sử, vì nhiều người không sẵn lòng đón nhận Chúa Giêsu, thích theo đuổi lợi ích riêng của mình và chạy theo các thầy dạy khác, dễ chịu hơn, dễ dãi hơn, theo ý thích của chúng ta hơn. Thánh Phaolô đã chiến đấu trong các trận chiến của riêng mình và bây giờ khi đã chạy cuộc đua của mình, ngài yêu cầu Timôthê và các anh em trong cộng đoàn tiếp tục công việc của ngài với sự tận tâm, rao giảng và dạy dỗ. Tóm lại, mỗi người phải hoàn thành nhiệm vụ mà mình đã lãnh nhận ; mỗi người phải làm phần việc của mình.

Lời khuyên của thánh Phaolô cũng là lời sự sống cho chúng ta ; nó khiến chúng ta nhận ra rằng, trong Giáo hội, tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành người môn đệ truyền giáo và đóng góp phần của mình. Ở đây hai câu hỏi xuất hiện trong tâm trí tôi. Câu hỏi đầu tiên là : Tôi có thể làm gì cho Giáo hội ? Đừng phàn nàn về Giáo hội, nhưng dấn thân cho Giáo hội. Tham gia với niềm say mê và lòng khiêm tốn : với niềm say mê, bởi vì chúng ta không được tiếp tục là những khán giả thụ động ; với lòng khiêm tốn, bởi vì dấn thân trong cộng đoàn không bao giờ có nghĩa là chiếm vị trí trung tâm, coi bản thân mình tốt hơn và không để người khác đến gần. Đây là ý nghĩa của một Giáo hội hiệp hành : mọi người đều có phần việc, không cá nhân nào thay thế người khác và ở trên người khác. Không có Kitô hữu hạng nhất hay hạng nhì ; mọi người đều được mời gọi.

Tham gia cũng có nghĩa là tiếp tục “cuộc chiến đấu cao đẹp” mà thánh Phaolô nói đến. Vì đó là một « cuộc chiến đấu », vì việc rao giảng Tin Mừng không bao giờ trung lập – xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi việc giảm thiểu Tin Mừng để làm cho nó trở  nên trung lập – nên nó không bao giờ  trung lập, nó không để mọi thứ theo cách chúng là ; nó không chấp nhận thỏa hiệp với suy nghĩ của thế giới này, nhưng thay vào đó thắp sáng ngọn lửa của Nước Thiên Chúa giữa sự ngự trị của những trò chơi quyền lực của con người, giữa sự dữ, bạo lực, thối nát, bất công và việc gạt ra bên lề xã hội. Kể từ khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi  chết, và trở thành bước ngoặt của lịch sử, « đã bắt đầu một cuộc chiến đấu lớn lao giữa sự sống và sự chết, giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa cam chịu điều tồi tệ nhất và chiến đấu cho điều tốt nhất. Một cuộc chiến đấu sẽ không có thỏa hiệp đình chiến cho đến khi hoàn toàn đánh bại tất cả các thế lực hận thù và hủy diệt (C.M. MARTINI, Bài giảng lễ Phục Sinh, ngày 4/4/1999).

Vậy câu hỏi thứ hai là : với tư cách là Giáo hội, chúng ta có thể làm gì cùng nhau để làm cho thế giới mà chúng ta đang sống được nhân bản, công bằng và liên đới hơn, mở ra cho Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa con người với nhau hơn ? Chắc chắn chúng ta không được rút lui vào phạm vi Giáo hội của chúng ta và tiếp tục bị ghim vào một số tranh luận vô ích của mình. Chúng ta hãy cẩn thận để không rơi vào chủ nghĩa giáo sĩ trị, vì chủ nghĩa giáo sĩ trị là một sự đồi bại. Một thừa tác viên mà có óc giáo sĩ trị, có thái độ giáo sĩ trị, là đã đi nhầm đường ; thậm chí tệ hơn nữa khi giáo dân được giáo sĩ hóa. Chúng ta hãy đề phòng sự đồi bại này là chủ nghĩa giáo sĩ trị. Chúng ta hãy giúp đỡ nhau để trở thành men trong bột của thế giới này. Cùng nhau, chúng ta có thể và phải tiếp tục chăm sóc sự sống con người, bảo vệ công trình tạo dựng, phẩm giá của lao động, những vấn đề của gia đình, việc đối xử với người cao tuổi và tất cả những ai bị bỏ rơi, loại trừ hay bị đối xử cách khinh thường. Tắt một lời, chúng ta được kêu gọi trở thành một Giáo hội thúc đẩy nền văn hóa chăm sóc, sự dịu dàng và lòng trắc ẩn đối với người dễ bị tổn thương. Một Giáo hội chiến đấu chống lại mọi hình thức thối nát và suy đồi, bao gồm cả  những hình thức của các thành phố của chúng ta và những nơi chốn mà chúng ta thường lui tới, để niềm vui của Tin Mừng có thể tỏa sáng trong cuộc sống của mọi người. Đây là « cuộc chiến đấu » của chúng ta, và đây là thách thức của chúng ta.  Cám dỗ để đứng yên là rất lớn ; cám dỗ về nỗi hoài niệm khiến chúng ta nhìn vào những thời điểm khác như tốt hơn. Ước gì chúng ta không sa vào cám dỗ « nhìn lại đằng sau », vốn đang trở thành mốt trong Giáo hội hôm nay.

Thưa anh chị em, hôm nay, theo một truyền thống tốt đẹp, tôi đã làm phép các dây Pallium cho các Tổng Giám mục chính tòa được bổ nhiệm gần đây, nhiều người trong số các ngài đang hiện diện trong buổi cử hành này. Hiệp thông với thánh Phêrô, các ngài được mời gọi « đứng dậy nhanh chóng », không ngủ mê, và phục vụ như những lính gác canh giữ đoàn chiên. Đứng dậy và « chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp », không bao giờ cô độc, nhưng cùng với tất cả dân thánh và trung tín của Thiên Chúa. Với tư cách là mục tử nhân lành, đứng trước dân, giữa dân, và đằng sau dân, nhưng luôn ở với dân thánh và trung tín của Thiên Chúa, vì chính họ cũng là một phần của dân thánh và trung tín của Thiên Chúa.

Tôi thân ái chào Phái đoàn của Tòa thượng phụ Đại kết được Đức Bartholomew, người anh em thân mến của tôi, gởi đến. Cảm ơn về sự hiện diện  của quý vị và về thông điệp mà quý vị đã mang đến từ Đức Bartholomew ! Cảm ơn đã bước đi cùng nhau bởi vì chỉ khi cùng nhau chúng ta mới có thể là hạt giống của Tin Mừng và là chứng nhân cho tình huynh đệ.

Xin thánh Phêrô và thánh Phaolô cầu bầu cho chúng ta, cho thành Rôma, cho Giáo hội và cho toàn thể thế giới. Amen.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30