ĐỨC PHANXICÔ XEM THỂ THAO NHƯ MỘT ĐỒNG MINH ĐỂ XÂY DỰNG HÒA BÌNH

Written by xbvn on Tháng Mười 3rd, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Đức Phanxicô đã phát biểu trước các vận động viên đang hiện diện ở Vatican để tham dự hội nghị do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức, ngày 30/9/2022, tại hội trường của Thượng hội đồng. Ngài đã nhắc lại tầm quan trọng của thể thao như là nơi gặp gỡ giữa con người, nơi đào tạo các giá trị và tình huynh đệ, và đồng thời ngài nhấn mạnh chức năng cộng đồng của thể thao và khả năng của nó vượt qua « nền văn hóa vứt bỏ ». Đối với Đức Thánh Cha, thể thao là một thiện ích giáo dục và xã hội, không được nằm  trong lôgíc của việc kinh doanh theo chủ nghĩa hưởng thụ. Đối với ngài, nếu thế giới thể thao là sứ giả của sự hiệp nhất và gắn kết, thì nó có thể trở thành một đồng minh tuyệt vời để xây dựng hòa bình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên hội nghị quốc tế về thể thao, được tổ chức ở Vatican ngày 29-30/9/2022. Hội nghị này quy tụ các vận động viên, các nhà lãnh đạo thể thao và các nhà chức trách khác nhau đến từ khắp thế giới, nhưng cả các Đức Hồng y Farrell, de Mendonça và Ravasi.

« Các bạn được thúc đẩy bởi một động lực cao quý : đó là dấn thân trong việc cổ võ một nền thể thao cho tất cả mọi người, « liên đới, « có thể tiếp cận » và « trên quy mô con người » », Đức Thánh Cha khẳng định ngay từ đầu như thế và đồng thời trích dẫn phương châm Olympic « Altius, citius, fortius – communiter », « Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn – cùng nhau ». Ngài nói tiếp : « Các bạn biết rất rõ rằng để đạt tới những mục tiêu cao cả, gian khổ và khó khăn, cần phải có tinh thần đồng đội, cần phải đồng tâm hiệp lực ».

Chiều kích của vui chơi là căn bản

Đức Thánh Cha nhấn mạnh : Giáo hội gần gũi với thể thao, vì Giáo hội tin rằng trò chơi và hoạt động thể thao là nơi gặp gỡ giữa con người, nơi đào tạo các giá trị và tình huynh đệ. Đức Thánh Cha cũng cho rằng thể thao có chỗ của nó trong Giáo hội, đặc biệt trong các trường học, các giáo xứ hay các trung tâm giới trẻ.

Khi thể thao được thực hành bằng cách đặt con người ở trung tâm và làm nổi bật giá trị của niềm vui khi chơi cùng nhau, nó làm phát triển nơi mỗi người ý thức về sự tham gia, chia sẻ và mang lại cho họ cảm giác là một phần của một nhóm. Đức Thánh Cha cũng muốn nhắc nhở các vận động viên, ngay cả những người chuyên nghiệp, đừng đánh mất sở thích về trò chơi và biết sống thể thao bằng cách luôn giữ một tinh thần « ham thích ». Chiều kích này của vui chơi là căn bản, nhất là đối với người trẻ. Ngài nói tiếp : « Nó mang lại niềm vui, tạo ra tính xã hội và tạo ra tình bạn, và đồng thời nó là nhà đào tạo. Các mối tương quan mạnh mẽ và bền vững có thể được thiết lập nhờ thể thao. Thể thao là một người xây dựng cộng đồng ».

Biểu tượng của sự hiệp nhất trong xã hội

Đức Thánh Cha ghi nhận, cũng như các chi thể tạo thành thân thể, các cầu thủ tạo thành một đội và mọi người tạo thành một cộng đồng. Thể thao có thể là một biểu tượng của sự hiệp nhất đối với một xã hội, một kinh nghiệm hội nhập, một mẫu gương về sự gắn kết và một thông điệp hòa hợp và hòa bình. Thực tế, ngày nay, chúng ta « rất cần một nền sư phạm về hòa bình, về việc thăng tiến một nền văn hóa hòa bình ». Và Đức Thánh Cha nhận xét rằng nếu thế giới thể thao là sứ giả của sự hiệp nhất và gắn kết, thì nó có thể trở thành một đồng minh tuyệt vời để xây dựng hòa bình.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp đến nói trực tiếp với các vận động viên, như một điểm quy chiếu cho giới trẻ. « Thật không may, trong các xã hội của chúng ta, có một nền văn hóa vứt bỏ, đối xử người nam và người nữ như những sản phẩm, được sử dụng rồi vứt đi. « Đồ dùng một lần » : nó là phổ biến, như một văn hóa…Với tư cách là vận động viên, các bạn có thể đóng góp vào việc chống lại nền văn hóa vứt bỏ này, với một ý thức về trách nhiệm giáo dục và xã hội ».

Đón tiếp những người dễ bị tổn thương và mong manh nhất

Đức Thánh Cha thốt lên : « Biết bao nhiêu người  trong hoàn cảnh bị gạt ra bên lề xã hội đã vượt thắng những nguy hiểm bị cô lập và loại trừ nhờ vào thể thao ! Thực hành một môn thể thao có thể trở thành một phương tiện cứu rỗi cá nhân và xã hội, một phương thế tìm lại phẩm giá của mình ! ». « Nếu nó được tổ chức tốt, nó sẽ giúp tạo ra những nhân cách trưởng thành và hiệu năng, và tạo nên một chiều kích của giáo dục và tính xã hội ». Bên ngoài lôgíc này, nó có nguy cơ rơi vào « cỗ máy » kinh doanh, lợi nhuận, hưởng thụ, vốn sản sinh ra những « nhân cách » mà hình ảnh của họ có thể bị khai thác. Nhưng đó không còn là thể thao nữa. Thể thao là một thiện ích giáo dục, một thiện ích xã hội, và nó phải như thế !

Tuy nhiên, đối với Đức Thánh Cha, việc tiếp cận thể thao mà thôi thì không đủ. Việc tiếp cận phải đi kèm với một sự đón tiếp : thúc đẩy một môn thể thao phù hợp với mỗi người, khởi đi từ điều kiện của họ, bao gồm cả sự mong manh hay khuyết tật.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31