BẢY PHẨM CHẤT CẦN THIẾT CỦA MỘT NGƯỜI MÔN ĐỆ TRUYỀN GIÁO
Bạn muốn mang Chúa Kitô đến cho thế giới nhưng bạn không biết liệu bạn đang đi đúng đường hay không. Nhân dịp tuần thế giới truyền giáo diễn ra từ ngày 16-23/10/2022, hãy khám phá những đặc điểm riêng của người môn đệ truyền giáo theo Đức Phanxicô.
Trong diễn văn cho các Hội giáo hoàng truyền giáo vào ngày 21/5/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại một vài điểm thiết yếu của sứ mạng truyền giáo được chứa đựng trong tông huấn Evangelii gaudium để phân biệt lúa tốt với cỏ lùng. Theo ngài, nhà truyền giáo có thể được nhận biết bởi một số phẩm chất…
- Vui tươi
Đức Thánh Cha giải thích : « Nếu chúng ta đi theo Chúa Giêsu, hạnh phúc khi được Ngài lôi cuốn, thì những người khác sẽ nhận thấy điều đó » và họ chỉ có thể ngạc nhiên. Biết bao lần chúng ta đã có kinh nghiệm này : một khuôn mặt vui tươi có sức thuyết phục hơn một bài diễn văn dài ! « Niềm vui tỏ lộ nơi những người được Chúa Kitô và Thánh Thần của Ngài lôi cuốn, đó là những gì có thể làm cho mỗi sáng kiến truyền giáo trở nên phong nhiêu và hữu hiệu hơn ».
Ở đây, Đức Thánh Cha lấy lại một nguyên tắc đơn giản mà dường như là một trong những nền tảng của triều đại giáo hoàng của ngài : đó là nhờ sự cuốn hút mà một người được hoán cải. Mầu nhiệm ơn cứu chuộc có thể chiếm được tâm hồn của những người khác bởi vì « Chúa Kitô tỏ mình ra cho chúng ta bằng cách cuốn hút chúng ta », Đức Thánh Cha lưu ý khi trích dẫn thánh Augustinô. Thật đẹp biết bao khi thấy rằng Chúa Giêsu không chỉ chinh phục ý chí của chúng ta, mà còn thu hút sự vui thích của chúng ta !
- Vun trồng lòng biết ơn và sự nhưng không
Đức Thánh Cha diễn tả rất hay : « Niềm vui loan báo Tin Mừng luôn tỏa sáng trên nền tảng của một ký ức biết ơn ». Giống như các môn đệ vốn không bao giờ quên được khoảnh khắc mà trái tim của họ được Chúa Kitô chạm đến, mỗi người có thể nhớ lại cuộc gặp gỡ của mình với Ngài và tạ ơn vì ân huệ này. Quả thế, việc chọn lựa theo đuổi một sứ mạng là « sự phản ảnh của lòng biết ơn », một hệ quả.
Đức Thánh Cha giải thích : « Đó là lời đáp trả của người vì lòng biết ơn đã trở nên ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần, và do đó được tự do ». Từ lòng biết ơn này phát xuất « sự kỳ diệu của tính nhưng không, việc trao hiến chính mình cách nhưng không ». Ngược lại, ngài cảnh giác, thật vô ích và nhất là không thích hợp để « trình bày sứ mạng truyền giáo và việc loan báo Tin Mừng như thể chúng là một bổn phận cưỡng buộc », một thứ « nghĩa vụ hợp đồng của những người đã được rửa tội ». Vì thế, chúng ta hãy tạ ơn về cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô và nhiệt huyết truyền giáo của chúng ta sẽ được đổi mới !
- Khiêm tốn
Đức Thánh Cha cảnh báo, chúng ta không bao giờ có thể phục vụ sứ mạng của Giáo hội « bằng cách tỏ ra kiêu ngạo », bằng cách coi các bí tích và những lời của đức tin Kitô giáo « như một chiến lợi phẩm » xứng đáng. Bởi vì chân lý, đức tin, hạnh phúc và ơn cứu độ không phải là « tài sản của chúng ta », Tin Mừng của Chúa Kitô chỉ có thể được loan báo với lòng khiêm tốn. Theo Đức Thánh Cha, đức tính này, vốn rất khó để đạt được, chỉ có được khi bước theo Chúa Kitô, Đấng đã dạy cho các môn đệ của Ngài về điều đó : « Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường » (Mt 11, 29). Nhìn vào Ngài, mọi quan niệm sai lầm của chúng ta về sự khiêm tốn sẽ được xóa bỏ.
- Không làm phức tạp nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho Tin Mừng
Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta không được đặt « chướng ngại đối với ước muốn của Chúa Giêsu, Đấng cầu nguyện cho mỗi người chúng ta và muốn chữa lành và cứu độ tất cả mọi người ». Đó là một điểm có vẻ rất quan trọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Một tâm hồn truyền giáo nhận ra tình trạng thực sự của những con người, « với những giới hạn, tội lỗi, yếu đuối của họ, và trở nên ‘yếu đuối người yếu đuối’ », ngài tuyên bố.
Như thế, theo ngài, ra đi truyền giáo đôi khi hệ tại làm chậm lại nhịp sống « để đồng hành với những người nằm ở bên vệ đường ». Giáo hội không phải là « một trạm hải quan », và bất cứ ai, dù bằng cách nào, tham gia vào sứ mạng của Giáo hội đều được mời gọi « không tạo thêm gánh nặng vô ích cho cuộc sống vốn đã nặng nhọc của con người, không áp đặt những đường lối đào tạo phức tạp và nặng nhọc để lợi dụng những gì Chúa ban cho cách dễ dàng ».
- Gần gũi với mọi người
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra cách hài hước ra ừng Chúa Giêsu đã không gặp các môn đệ « tại một hội nghị, một hội thảo đào tạo hay trong một đền thờ », nhưng trên bờ hồ Galilê khi họ đang bận rộn với công việc của mình. Luôn luôn, « việc loan báo ơn cứu độ của Chúa Giêsu đạt tới mọi người ở nơi họ sống và như họ là, trong cuộc sống cụ thể của họ ».
Như thế, nhà truyền giáo đích thực tìm cách gặp gỡ con người trong đời thường của họ « bằng cách tham dự vào những nhu cầu, những hy vọng và các vấn đề của tất cả mọi người ». Thay vì « phát minh ra những việc đào tạo « dành riêng », tạo ra các thế giới song song, xây dựng các bong bóng truyền thông trong đó chúng ta làm vang vọng các khẩu hiệu của mình », nhà truyền giáo phải tìm kiếm nơi mà mình sẽ có thể gặp gỡ tha nhân của mình.
- Ưu tiên cho người nghèo
Đức Thánh Cha nhắc nhở : tất cả các nhà truyền giáo, nếu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đều « biểu lộ một lòng yêu thương đối với người nghèo và người bé mọn như là dấu hiệu và phản ảnh của sự yêu thương của Chúa dành cho họ ». Và ngài nói thêm : « Những người trực tiếp tham gia vào các sáng kiến và cơ cấu truyền giáo của Giáo hội không bao giờ được biện minh cho việc thiếu quan tâm đến người nghèo của họ với lý do thoái thác – vốn được sử dụng rộng rãi nơi một số giới trong Giáo hội – là phải tập trung năng lượng vào các nhiệm vụ ưu tiên của sứ mạng ». Không, theo Đức Thánh Cha, việc ưu tiên cho người nghèo « không phải là một chọn lựa tùy ý đối với Giáo hội ».
- Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy
Tất cả những đặc điểm này sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta quên điều cốt lõi : ngoài Chúa Thánh Thần, không có gì là có thể. Đức Thánh Cha nhấn mạnh : mỗi người môn đệ truyền giáo phải ghi nhớ rằng « chính Chúa Thánh Thần hun nóng và gìn giữ đức tin trong tâm hồn ». Trên thực tế, Chúa Kitô « mang lại chứng tá của chính Ngài thông qua những việc làm mà Ngài thực hiện trong chúng ta và với chúng ta ».
Các nhà truyền giáo phải tin rằng Chúa Kitô mang « trái tim » của họ « trong quyền năng của Ngài ». Đức Thánh Cha lưu ý, nếu chúng ta không tin rằng khi cầu nguyện với Ngài, Chúa không thể thực sự ban cho chúng ta Thánh Thần của ngài, thì như thế « những lời cầu nguyện này là không chân thật nhưng là những công thức trống rỗng, « những cách nói », những quy ước được áp đặt bởi chủ nghĩa tuân thủ trong Giáo hội ». Chúng ta có thực sự tin rằng Chúa Kitô có thể thay đổi tâm hồn chúng ta không ?
——————–
Tý Linh
(theo Aleteia)
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC