ĐỨC PHANXICÔ : « CHỨC LINH MỤC KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CUỘC SỐNG TIỆN NGHI »
Trong buổi gặp gỡ hôm 24/10/2022 với các linh mục và chủng sinh ở Rôma, Đức Phanxicô đã đề cập nhiều chủ đề : từ phong cách trắc ẩn của người linh mục, được mời gọi gần gũi dân chúng, đến việc linh hướng, từ việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật mới đến việc phân định, từ đối thoại giữa khoa học và đức tin đến vai trò của Giáo hội trong các cuộc chiến tranh.
Trong hội trường Phaolô VI, các chủng sinh và linh mục hiện diện đã lần lượt đặt câu hỏi với Đức Thánh Cha. Trả lời cho một câu hỏi về đặc tính cụ thể của lòng thương xót, Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng cần phải học ngôn ngữ của các cử chỉ thể hiện sự gần gũi và dịu dàng. Và điều đó cũng có giá trị đối với các bài giảng : « Nếu bạn không nhân bản với các cử chỉ, thì tâm trí cũng sẽ cứng lại và, trong bài giảng, bạn sẽ nói những điều trừu tượng mà không ai hiểu được, và sẽ có người muốn đi ra ngoài để hút thuốc ».
Các ngôn ngữ khác nhau
Đức Thánh Cha giải thích : ba ngôn ngữ cho thấy « sự trưởng thành của một người ». Ngôn ngữ của đầu, của trái tim và của đôi tay. Ngài khuyến khích học diễn tả bản thân bằng cách sử dụng ba ngôn ngữ này. « Tôi suy nghĩ những gì tôi cảm thấy và thực hiện, tôi cảm thấy những gì tôi suy nghĩ và thực hiện, tôi thực hiện những gì tôi cảm thấy và suy nghĩ ». Đức Thánh Cha mời gọi đảm nhận phong cách của Thiên Chúa là sự gần gũi. « Thiên Chúa đã trở nên gần gũi trong sự nhập thể của Chúa Kitô. Ngài gần gũi chúng ta ». « Một linh mục tốt là một người gần gũi trắc ẩn và dịu dàng ».
Duy trì sự tiếp xúc với dân Thiên Chúa
Liên quan đến cách sống thiên chức linh mục mà không đánh mất mùi chiên này, Đức Phanxicô trả lời rằng cho dù chúng ta dấn thân trong việc học hành hay làm việc ở Giáo triều, « điều quan trọng là duy trì sự tiếp xúc với dân trung tín của Thiên Chúa, bởi vì có sự xức dầu của dân Thiên Chúa : đó là chiên ». Khi đánh mất mùi chiên, bằng cách xa rời chiên, chúng ta có thể là « một nhà lý thuyết, một thần học gia giỏi, một triết gia giỏi, một cha sở rất giỏi làm được mọi sự » nhưng chúng ta sẽ mất đi « khả năng ngửi thấy mùi chiên ».
« Trên thực tế, tâm hồn của bạn đã mất đi khả năng để bản thân được đánh thức bởi mùi chiên », Đức Thánh Cha nhận xét và đồng thời khuyến khích nuôi dưỡng các kinh nghiệm mục vụ « trong một giáo xứ, trong một cư xá nam sinh hay nữ sinh, hay trong một nhà hưu dưỡng », để không mất đi sự tiếp xúc với dân Thiên Chúa. Và một lần nữa, Đức Thánh Cha lặp lại những gì ngài gọi là nguyên tắc về bốn sự gần gũi của các linh mục : gần gũi với Thiên Chúa – cầu nguyện -, gần gũi với giám mục, với các linh mục khác và với dân Thiên Chúa. « Nếu không có sự gần gũi với dân Thiên Chúa, thì bạn không phải là một linh mục tốt ».
Chức linh mục và nghề nghiệp
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nói về các linh mục sống thiên chức linh mục như một công việc, với giờ giấc cố định, các linh mục quan chức, tìm kiếm sự yên thân, không muốn bị quấy rầy và có một cuộc sống tiện nghi. « Chức linh mục là sự phục vụ thánh thiêng đối với Thiên Chúa », Đức Thánh Cha giải thích. « Việc phục vụ trong đó có bí tích Thánh Thể là mức độ cao nhất, đó là một sự phục vụ đối với cộng đoàn ».
Rồi ngài đề cập chủ đề « các linh mục thăng tiến bản thân » (các linh mục leo trèo), tức những người nhắm đến thành công sự nghiệp, và đồng thời mời gọi họ dừng lại : « Kẻ thăng tiến bản thân cuối cùng là kẻ phản bội, nó không phải là một người phục vụ. Nó tìm kiếm lợi ích của mình và không làm gì cho người khác ». Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đối với một linh mục, điều quan trọng là sự hiệp thông, tham gia và sứ mạng, việc phục vụ tha nhân, « mối nguy tìm kiếm niềm vui thú và sự yên thân riêng của mình là mối nguy thăng tiến bản thân, và thật không may có nhiều người kiếm chác trong cuộc sống ».
Đồng hành thiêng liêng
Trong cuộc trao đổi với các chủng sinh và linh mục, Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc linh hướng , tuy nhiên ngài cho biết ngài thích thuật ngữ « đồng hành thiêng liêng ». Việc linh hướng không phải là bó buộc nhưng là sự trợ giúp trên hành trình cuộc sống và thật tốt để thổ lộ với một người khác hơn là cha giải tội.
Đức Thánh Cha cho thấy hai vai trò khác biệt : « Bạn đến với cha giải tội để ngài tha thứ tội lỗi của bạn và bạn đi chuẩn bị tội lỗi. Bạn đi gặp vị linh hướng để nói với ngài những điều diễn ra trong tâm hồn bạn, những cảm xúc thiêng liêng, những niềm vui, những giận dữ và những gì đang diễn ra trong tâm hồn bạn ». Đức Thánh Cha giải thích rằng nếu chỉ liên hệ với cha giải tội mà không với vị linh hướng, thì « chúng ta không lớn lên được, điều đó không ổn, nếu chúng ta chỉ liên hệ với vị linh hướng, một người đồng hành và chúng ta không đi xưng tội, thì điều đó cũng không ổn », « đó là hai vai trò khác nhau », Đức Thánh Cha tuyên bố như thế và đồng thời nêu rõ rằng việc linh hướng không phải là một đặc sủng của giáo sĩ, linh mục, nhưng là một đặc sủng của phép rửa, và « các linh mục làm linh hướng có đặc sủng không phải vì họ là linh mục, nhưng vì họ đã được rửa tội ».
Đức Thánh Cha nói tiếp : người không được đồng hành trong cuộc sống sẽ sinh ra « những cây nấm » trong tâm hồn, mà tiếp đến chúng hành hạ người đó, bệnh tật, cô đơn, bao điều tồi tệ. Và trái lại, điều quan trọng là được đồng hành, nhìn nhận rằng chúng ta cần được đồng hành, để « làm sáng tỏ mọi sự », rằng chúng ta cũng cần sự trợ giúp của ai đó để « giúp chúng ta hiểu được các cảm xúc thiêng liêng của chúng ta ». « Tôi đã gặp các sinh viên thần học không biết phân biệt được một ân sủng với một cám dỗ ». Đối với Đức Thánh Cha, việc đồng hành thiêng liêng có thể được thực hiện bởi một linh mục, một giám mục, nhưng cả bởi một nữ tu hay một giáo dân khôn ngoan.
Đối thoại giữa khoa học và đức tin
Từ câu hỏi về đối thoại giữa khoa học và đức tin, Đức Thánh Cha nói : « Sống khiêm tốn, có đức tin, đó không phải là có câu trả lời cho mọi thứ. Phương pháp bảo vệ đức tin này không còn vận hành được nữa, đó là một phương pháp lạc hậu. Có đức tin, có ân sủng tin vào Chúa Giêsu Kitô, đó là đang hành trình. Và đó là những gì mà người khác phải hiểu : rằng chúng ta đang lữ hành, rằng chúng ta không có tất cả các câu trả lời cho tất cả các vấn đề ».
Đức Thánh Cha nhắc lại « một nền thần học về sự bảo vệ đã từng là thời trang, và đã có những cuốn sách với những vấn đề phải bảo vệ ». « Khi tôi còn nhỏ, đó là phương pháp tự vệ ». « Đó là những câu trả lời, một số câu thì tốt, số khác thì khép kín, nhưng chúng không tốt cho đối thoại ». Như thể đưa ra một câu trả lời là quyết định sự chiến thắng. « Không, đó không phải là trường hợp », Đức Thánh Cha nhấn mạnh và đồng thời khuyến khích luôn giữ đối thoại cởi mở với khoa học, ngay cả khi chúng ta không có câu trả lời, và nếu cần, hướng dẫn người là chúng ta không thể trả lời hướng đến những người có thể mang lại những soi sáng tốt hơn.
Đối thoại, đó là nói : « Tôi không thể giải thích được điều đó cho bạn, nhưng bạn phải đi gặp các nhà khoa học này, những người này có lẽ sẽ giúp được bạn ». Trái lại, chúng ta phải « chạy trốn sự đối lập giữa tôn giáo và khoa học, vì đó là một tinh thần xấu, đó không pahỉ là tinh thần đích thực của sự tiến bộ của con người. Sự tiến bộ của con người sẽ thúc đẩy khoa học và cũng sẽ gìn giữ đức tin ».
Các mối nguy hiểm của Internet
Đề cập đến mối tương quan với công nghệ kỹ thuật và sự khó chịu của mình trước các công cụ kỹ thuật số hiện đại, Đức Thánh Cha Phanxicô kể lại câu chuyện ngài nhận được món quà là chiếc điện thoại di động ngay khi được tấn phong Giám mục ở Argentina, ngài đã sử dụng nó cho một cuộc điện thoại duy nhất với chị của mình và đã trả lại nó ngay lập tức. « Đó không phải là thế giới của tôi, nhưng các bạn phải sử dụng chúng ». Ngài không quên nhấn mạnh các mối nguy hiểm của Internet, như nội dung khiêu dâm kỹ thuật số, vốn là một cám dỗ đối với nhiều người, bao gồm cả người tu trì : « Nó làm suy yếu tâm hồn. Ma quỷ xâm nhập qua đó : nó làm suy yếu tâm hồn người linh mục ».
Giáo hội đối diện với chiến tranh
Cuối cùng, trả lời cho một linh mục người Ucraina, Đức Thánh Cha tuyên bố rằng Giáo hội, như một người mẹ, chịu đau khổ khi đối diện với chiến tranh « bởi vì các cuộc chiến tranh là sự hủy diệt các trẻ em ». « Giáo hội phải đau khổ, than khóc, cầu nguyện, giúp đỡ những người có những hậu quả nặng nề, mất nhà cửa hay những vết thương chiến tranh, chết chóc…Giáo hội là một người mẹ, và vai trò đầu tiên là gần gũi với những người đau khổ ».
Đức Thánh Cha cũng nói thêm rằng Giáo hội « cũng là một người mẹ tạo ra hòa bình : Giáo hội cố gắng tạo hòa bình vào một số thời điểm…Trong trường hợp này, điều đó không dễ dàng lắm ». Nhưng Giáo hội có trái tim rộng mở. Còn về vai trò của các Kitô hữu, Đức Thánh Cha nói : « Quả thật có một quê hương và thật đúng chúng ta phải bảo vệ nó », « nhưng cần phải vượt xa hơn, hướng đến một tình yêu phổ quát hơn ».
Đó là lý do tại sao « Mẹ Giáo hội phải gần gũi với mọi người, với tất cả các nạn nhân ». Một thái độ Kitô hữu hệ tại « cầu nguyện cho tội lỗi của kẻ xâm lược, cho người đến đây để tàn phá quê hương tôi, để giết người thân của tôi ». Tiếp đến, nói trực tiếp với linh mục trẻ đã hỏi ngài, Đức Thánh Cha nói : « Các con đau khổ rất nhiều, dân tộc của các con, cha biết, cha gần gũi. Nhưng hãy cầu nguyện cho những kẻ xâm lược, vì đó là những nạn nhân khác như các con. Các con không thể thấy các vết thương của tâm hồn họ, nhưng hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện để Chúa hoán cải họ và hòa bình lại đến ».
Tý Linh
(theo Vatican News)
Tags: Hòa-bình, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS