BÀI GIÁO LÝ VỀ LÒNG SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI TÍN HỮU. BÀI 1: ƠN GỌI TÔNG ĐỒ (Mt 9, 9-13)
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta bắt đầu chu kỳ giáo lý mới về lòng say mê loan báo Tin Mừng, lòng nhiệt thành tông đồ. Đó là một chiều kích sống còn đối với Giáo hội. Cộng đoàn Kitô hữu không được khép kín nơi chính mình nhưng « đi ra », can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu. Tôi muốn bắt đầu bằng việc đề cập đến đoạn Tin Mừng về ơn gọi của thánh Matthêu. Mọi sự bắt đầu bằng cái nhìn của Chúa Giêsu về con người này. Người coi ngài như ngài là, với những khốn khổ và sự cao cả của ngài. Cái nhìn này, vốn biết nhìn mọi người, bất kể họ như thế nào, như là người đón nhận tình yêu, là nguồn gốc của niềm say mê loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy tự hỏi liệu chúng ta cũng biết nhìn người khác như Chúa Giêsu đã nhìn, không thành kiến, với lòng thương xót và sự ưu ái. Rồi Matthêu chỗi dậy. Khi làm như thế, ngài rời bỏ vị trí quyền lực và đặt mình ngang hàng với anh chị em của mình. Các chân trời phục vụ do đó được mở ra cho ngài. Còn chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta vẫn ngồi đó chờ đợi người ta đến không, hay chúng ta biết chỗi dậy, lên đường tìm kiếm người khác ? Cuối cùng, Matthêu không đi truyền giáo ngay nhưng trở về nhà mình, đã được biến đổi, và cùng với Chúa Giêsu. Lòng nhiệt thành tông đồ của ngài bắt đầu ở nơi ngài sống, với những người mà ngài quen biết. Chúng ta cũng không nên đợi trở nên hoàn hảo hoặc đã đi theo Chúa Giêsu trong một thời gian dài rồi mới bắt đầu làm chứng về Người. Sứ mạng của chúng ta bắt đầu từ hôm nay, ở nơi chúng ta đang sống.
————————————
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha (Thứ Tư, ngày 11/1/2023):
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, chúng ta bắt đầu chu kỳ giáo lý mới, dành cho một chủ đề cấp bách và quyết định đối với đời sống Kitô hữu : lòng say mê loan báo Tin Mừng, nghĩa là lòng nhiệt thành tông đồ. Đây là một chiều kích sống còn đối với Giáo hội : quả thế, cộng đoàn các môn đệ của Chúa Giêsu được hình thành là tông đồ, nó được hình thành là truyền giáo, không phải chiêu dụ tín đồ, và ngay từ đầu chúng ta phải phân biệt điều này : truyền giáo, tông đồ, loan báo Tin Mừng không giống như chiêu dụ tín đồ, không có liên quan gì giữa chuyện này và chuyện kia. Đó là một chiều kích sống còn đối với Giáo hội, cộng đoàn các môn đệ của Chúa Giêsu được sinh ra là tông đồ và truyền giáo. Chúa Thánh Thần tạo nên một Giáo hội đi ra – Giáo hội đi ra, ra đi -, để Giáo hội không khép kín nơi chính mình, nhưng hướng ra bên ngoài, cũng là chứng nhân lan truyền đức tin vào Chúa Giêsu -, quyết tâm chiếu tỏa ánh sáng của Ngài cho đến tận cùng trái đất. Tuy nhiên, có thể xảy ra là lòng hăng say tông đồ, ước muốn đến với người khác qua việc loan báo Tin Mừng tốt lành, suy giảm đi, trở nên nguội lạnh. Đôi khi nó dường như lu mờ đi, chính các Kitô hữu khép kín nơi chính mình, họ không nghĩ đến người khác. Nhưng khi đời sống Kitô hữu sao lãng chân trời loan báo Tin Mừng, chân trời loan báo, thì nó trở nên bệnh hoạn : nó khép kín nơi chính mình, nó trở nên quy ngã, nó suy yếu đi. Không có lòng nhiệt thành tông đồ, đức tin trở nên khô héo. Trái lại, truyền giáo là khí ôxi của đời sống Kitô hữu : nó tiếp thêm sinh lực và thanh lọc đời sống này. Vậy, chúng ta hãy bắt đầu hành trình khám phá lại niềm say mê loan báo Tin Mừng, khởi đi từ Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo hội, để kín múc lòng nhiệt thành tông đồ từ nguồn mạch của nó. Rồi chúng ta sẽ tiếp cận một số nguồn mạch sống động, một số chứng nhân đã khơi dậy lòng say mê Tin Mừng trong Giáo hội, để họ giúp chúng ta thắp lại ngọn lửa mà Chúa Thánh Thần luôn muốn đốt cháy trong chúng ta.
Và hôm nay, tôi muốn bắt đầu bằng đoạn Tin Mừng cách nào đó có tính biểu tượng mà chúng ta đã nghe : ơn gọi của thánh Matthêu tông đồ, và chính ngài kể lại trong Tin Mừng của mình, trong đoạn chúng ta đã lắng nghe (x. 9, 9-13).
Mọi sự bắt đầu với Chúa Giêsu, Người « nhìn thấy » – bản văn nói – « một người ». Rất ít người nhìn thấy Matthêu như ngài là : họ đã biết ngài như là người « ngồi ở bàn thu thuế » (c. 9). Thực ra, ngài là một người thu thuế, nghĩa là ngài thu thuế thay cho đế quốc Rôma đang chiếm đóng Palestin. Nói cách khác, ngài là một kẻ cộng tác, một kẻ phản bội nhân dân. Chúng ta có thể tưởng tượng sự khinh bỉ mà người ta cảm thấy đối với ngài, đó là một « tên thu thuế », người ta đã gọi ngài như thế. Nhưng, dưới ánh mắt của Chúa Giêsu, Matthêu là một con người, với những khốn khổ và sự cao cả của mình. Hãy lưu ý điều đó : Chúa Giêsu không dừng lại ở tính từ, Chúa Giêsu luôn tìm kiếm danh từ (substantif). « Người này là một kẻ tội lỗi, người này là kẻ như vậy… » là những tính từ : Chúa Giêsu đi đến con người, đến tâm hồn, đó là một con người, đó là một người nam, đó là một người nữ, Chúa Giêsu đi đến bản chất (substance), đến danh từ (substantif), không bao giờ đi đến tính từ, anh chị em hãy quên tính từ đi. Và trong khi có một khoảng cách giữa Matthêu và dân của ngài – bởi vì họ nhìn thấy tính từ « tên thu thuế » – , thì Chúa Giêsu đến gần ngài, bởi vì mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương : « Ngay cả kẻ khốn nạn này ? » Vâng, ngay cả kẻ khốn nạn này, quả thật, Người đã đến vì kẻ khốn nạn này, Tin Mừng nói : « Ta đến vì những kẻ tội lỗi, chứ không vì những người công chính ». Cái nhìn này của Chúa Giêsu vốn rất đẹp, nhìn thấy người khác, bất kể họ là ai, như là người nhận tình yêu, là khúc dạo đầu của niềm say mê loan báo Tin Mừng. Mọi sự khởi đi từ cái nhìn này, mà chúng ta học được từ Chúa Giêsu.
Chúng ta có thể tự hỏi : đâu là cái nhìn của chúng ta về người khác ? Biết bao lần chúng ta nhìn thấy lỗi lầm của họ chứ không phải nhu cầu của họ ; biết bao lần chúng ta dán nhãn người ta theo những gì họ làm hay theo những gì họ nghĩ ! Ngay cả với tư cách là Kitô hữu, chúng ta tự nhủ : có phải đó là cái nhìn của chúng ta hay không ? Đó không phải là cái nhìn của Chúa Giêsu : Người luôn nhìn mỗi người với lòng thương xót và thực sự với sự ưu ái. Và người Kitô hữu được mời gọi làm như Chúa Kitô, nhìn như Người, đặc biệt là những người mà chúng ta gọi là « người xa cách ». Thực ra, trình thuật về ơn gọi của Matthêu kết thúc với lời tuyên bố của Chúa Giêsu : « Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là người tội lỗi » (c. 13). Và nếu mỗi người chúng ta cảm thấy mình công chính, thì Chúa Giêsu ở xa, Người đến gần những giới hạn và khốn khổ của chúng ta, để chữa lành chúng ta.
Vì thế, mọi sự bắt đầu bằng cái nhìn của Chúa Giêsu, « nhìn thấy một người » là Matthêu. Tiếp đến – giai đoạn hai – là một chuyển động. Trước tiên là cái nhìn, Chúa Giêsu nhìn, rồi giai đoạn hai, là chuyển động. Matthêu đang ngồi ở bàn thu thuế ; Chúa Giêsu nói với ông : « Hãy theo tôi ». Và ông « đã chỗi dậy và đi theo Người » (c. 9). Chúng ta lưu ý rằng bản văn nhấn mạnh « ông đã chỗi dậy ». Tại sao chi tiết này quan trọng như thế ? Vì vào thời đó, người ngồi có quyền đối với những người khác, những người đang đứng trước mặt người ấy để lắng nghe người ấy hay, như trong trường hợp này, để nạp thuế cho cho người ấy. Nói tóm lại, người ngồi có quyền lực. Điều đầu tiên mà Chúa Giêsu làm, đó là tách Matthêu ra khỏi quyền lực : từ việc ngồi để tiếp đón người khác, Người khiến ngài chuyển động đến người khác, ngài không tiếp đón, không : ngài đi đến với người khác ; Người làm cho ngài từ bỏ một địa vị ưu thế để đặt ngài ngang hàng với anh chị em của mình và mở ra những chân trời phục vụ cho ngài. Đó là những gì Người làm và đó là nền tảng đối với các Kitô hữu : chúng ta, các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta là Giáo hội, chúng ta có ngồi chờ người ta đến, hay chúng ta biết chỗi dậy, lên đường với người khác, tìm kiếm người khác ? Đây là một lập trường phi Kitô giáo khi nói : « Nhưng hãy để họ đến, tôi ở đây, hãy để họ đến. » Không, bạn đi tìm kiếm họ, bạn thực hiện bước đầu tiên.
Một cái nhìn – Chúa Giêsu đã nhìn -, một chuyển động – ông đã chỗi dậy – và cuối cùng, một sứ mạng. Sau khi chỗi dậy và bước theo Chúa Giêsu, Matthêu sẽ đi đâu ? Chúng ta có thể tưởng tượng rằng sau khi thay đổi cuộc đời của con người này, Thầy sẽ dẫn đưa ông đến những cuộc gặp gỡ mới, những kinh nghiệm thiêng liêng mới. Không, hay ít ra là không phải ngay lập tức. Trước tiên, Chúa Giêsu đến nhà ông ; ở đó, Matthêu chuẩn bị cho Người « một bữa tiệc lớn », trong đó có « nhiều người thu thế tham dự » (Lc 5, 29), tức là những người giống như ông. Matthêu trở lại môi trường của mình, nhưng ngài trở lại đó, đã được biến đổi và cùng với Chúa Giêsu. Lòng nhiệt thành tông đồ của ngài không bắt đầu ở một nơi mới, trong sáng, và một nơi lý tưởng, xa cách, nhưng ở đó, ngài bắt đầu ở nơi ngài đang sống, với những người ngài quen biết. Đây là thông điệp dành cho chúng ta : chúng ta đừng đợi trở nên hoàn hảo và đã đi theo Chúa Giêsu một chặng đường dài để rồi làm chứng cho Người ; lời loan báo của chúng ta bắt đầu từ hôm nay, nơi chúng ta đang sống. Và điều đó không bắt đầu bằng cách cố gắng thuyết phục người khác, không thuyết phục : nhưng bằng cách làm chứng mỗi ngày cho vẻ đẹp của Tình Yêu đã nhìn chúng ta và nâng chúng ta lên, và chính vẻ đẹp này, bằng cách thông truyền vẻ đẹp này vốn sẽ thuyết phục người ta, chứ không phải bằng cách thông truyền chính mình, nhưng là chính Chúa. Chúng ta là những người loan báo Chúa, chúng ta không loan báo chính mình, cũng không loan báo một đảng phái chính trị, một ý thức hệ, không : chúng ta loan báo Chúa Giêsu. Chúng ta phải để Chúa Giêsu tiếp xúc với người ta, không phải thuyết phục họ, nhưng để Chúa thuyết phục. Quả thế, như Đức Bênêđíctô XVI đã dạy, « Giáo hội không chiêu dụ tín đồ. Đúng hơn, Giáo hội phát triển nhờ « sự thu hút » » (Bài giảng thánh lễ khai mạc Đại hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribê, Aparecida, 13/5/2007). Đừng quên điều này : khi anh chị em thấy các Kitô hữu chiêu dụ tín đồ, lên danh sách những người sẽ đến…đó không phải là Kitô hữu, đó là những người ngoại giáo đội lốt Kitô hữu nhưng tâm hồn là ngoại giáo. Giáo hội không phát triển nhờ việc chiêu dụ tín đồ, Giáo hội phát triển nhơ sự thu hút. Một lần nọ, tôi nhớ rằng trong bệnh viện ở Buenos Aires, các nữ tu làm việc ở đó đã rời đi vì họ ít người và không thể điều hành bệnh viện, và một cộng đoàn các nữ tu Hàn Quốc đã đến, có lẽ vào ngày thứ Hai, tôi không nhớ ngày nữa. Họ tiếp quản nhà của các nữ tu ở bệnh viện và vào ngày thứ Ba, họ xuống thăm các bệnh nhân ở bệnh viện, nhưng họ không nói một từ tiếng Tây Ban Nha nào, họ chỉ nói tiếng Hàn và các bệnh nhân đã rất vui, vì họ bình luận : « Các nữ tu này dũng cảm, dũng cảm, dũng cảm » – Nhưng nữ tu đã nói gì với bạn ? « Không nói gì cả, nhưng với cái nhìn mà sơ nói với tôi, họ đã thông truyền Chúa Giêsu ». Không phải thông truyền chính họ, nhưng với cái nhìn, với những cử chỉ, thông truyền Chúa Giêsu. Đó là sự thu hút, trái ngược với chiêu dụ tín đồ.
Chứng tá thu hút này, chứng tá vui tươi này là sứ mạng mà Chúa Giêsu dẫn dắt chúng ta bằng cái nhìn yêu thương của Người và bằng chuyển động đi ra mà Thánh Thần của Người khơi dậy trong tâm hồn. Và chúng ta có thể tự hỏi liệu cái nhìn của chúng ta có giống với cái nhìn của Chúa Giêsu để thu hút người ta không, để đưa họ đến gần Giáo hội không. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó.
———————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA