BA CHÌA KHÓA CỦA VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC : TÍNH CHÂN THỰC, SỰ RA KHỎI CHÍNH MÌNH VÀ ĐỐI THOẠI

Written by xbvn on Tháng Một 22nd, 2023. Posted in Linh mục, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Trau dồi sự chân thành và lòng khiêm tốn để trở thành những nhà truyền giáo đáng tin cậy. Đó là ý nghĩa của sứ điệp được Đức Thánh Cha ngỏ với các bề trên và sinh viên của Học viện giáo hoàng Urbanô vào ngày 21/1/2023, nhân dịp 400 năm thành lập Bộ Truyền bá Đức tin.

Được Đức Giáo hoàng Urbanô VIII thành lập vào ngày 27/1/1624, Học viện Giáo hoàng Urbanô là Đại Chủng viện của Bộ Loan báo Tin Mừng. Trang web của học viện cho biết : « Nó cung cấp một sự đào tạo toàn diện cho các chủng sinh được tuyển chọn trong các vùng truyền giáo và các Giáo hội non trẻ, để họ chuẩn bị trở thành những  tông đồ đích thực của Chúa Giêsu, những mục tử khiêm tốn, quảng đại và vâng phục, có khả năng tạo ra một thời gian loan báo Tin Mừng nhiệt thành hơn, vui tươi hơn, quảng đại hơn, gan dạ hơn, tràn đầy tình yêu cho đến cùng và đầy sức sống lan tỏa ».

Do đó, lịch sử của Học viện mang một « truyền thống phong phú và lâu đời », Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong bài diễn văn, nhưng không chỉ thuộc về quá khứ vì ngày nay, « toàn thể Giáo hội được kêu gọi đến sự hoán cải mục vụ và truyền giáo, bao gồm cả việc đào tạo các linh mục tương lai, và trong viễn cảnh này anh chị em có thể là nguồn cảm hứng và giúp đỡ cho nhiều người khác », Đức Thánh Cha tuyên bố và đồng thời đề cập đến các đặc điểm chính của việc đào tạo linh mục tương lai.

Tính chân thực

Đó là đặc điểm đầu tiên được Đức Thánh Cha đưa ra, liên quan đến việc có « lòng can đảm cởi bỏ những chiếc mặt nạ mà chúng ta đang đeo ». Những chiếc mặt nạ thường được đeo để « tỏ ra hoàn hảo, không chê vào đâu được và xum xoe ». Nhưng « mặt nạ chẳng giúp ích gì ! », Đức Thánh Cha cảnh giác và đồng thời mời gọi thể hiện bản thân với người khác « không có màn hình, đối với những gì chúng ta là, với những giới hạn và mâu thuẫn của chúng ta », và vì thế có can đảm bị đánh giá đối với những gì chúng ta thực sự là. « Chúng ta hay vun trồng sự chân thành và tâm hồn khiêm tốn, những điều mang lại cho chúng ta cái nhìn chân thực về những yếu đuối và nghèo nàn nội tâm của chúng ta », Đức Thánh Cha nói thêm bằng cách lấy lại những lời mà ngài đã nói trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 23/10/2022.

Vấn đề trung tâm là tính khả tín của nhà truyền giáo, vốn đạt được không phải do hình thức bề ngoài hay cách ăn mặc « nhưng đúng hơn do phong cách đơn sơ và chân thành ». Đức Thánh Cha dựa vào Tin Mừng Máccô để giải thích rằng « tính khả tín được nhìn nhận đối với Chúa Giêsu bởi những người đã gặp gỡ Ngài đến từ sự hài hòa được cảm nhận nơi Ngài giữa những gì Ngài loan báo và những gì Ngài làm ». Và Đức Thánh Cha khuyến khích các chủng sinh : « Xin đừng sợ thể hiện con người thật của mình, nhất là với các anh chị em lớn tuổi mà Giáo hội đặt bên cạnh các con như những nhà đào tạo ».

Ra khỏi chính mình

Đặc điểm thứ hai mà Đức Thánh Cha nêu bật : khả năng ra khỏi chính mình. Đức Thánh Cha khẳng định với các chủng sinh và các nhà đào tạo rằng « đời sống đức tin là một « cuộc xuất hành » liên lỉ, một sự ra khỏi các sơ đồ tâm trí chúng ta, khỏi sự giam cầm của những nỗi sợ hãi, những xác tín nhỏ nhoi làm chúng ta yên lòng ». Cuộc xuất hành này cho phép gặp gỡ đích thực với người khác. Không có nguy cơ ra khỏi chính mình, Thiên Chúa sẽ trở thành một phóng chiếu về các nhu cầu của chúng ta, và là một ngẫu tượng. Trong bối cảnh quốc tế và liên văn hóa của Học viện, ra khỏi chính mình « là một món quà to lớn, mà các con có thể làm phong phú bản thân trong chừng mực mỗi người trong các con có khả năng ra khỏi sự giam cầm của mình để mở ra cho người khác, cho thế giới và văn hóa của họ». Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ hãy « sống thử thách của tình huynh đệ mà không sợ hãi, ngay cả khi điều này đòi hỏi những thử thách và từ bỏ ». Thế giới và Giáo hội cần « những chứng nhân về tình huynh đệ » : « Xin các con hãy như thế, bây giờ và sau này, khi các con trở về giáo phận và đất nước của mình, thường được đánh dấu bằng chia rẽ và xung đột ». Chứng nhân cho tình huynh đệ và chứng nhân cho niềm vui, niềm vui Tin Mừng và niềm vui sứ mạng.

Sẵn sàng đối thoại

Đặc điểm thứ ba và sau cùng mà Đức Thánh Cha đưa ra là mở ra cho đối thoại. « Đối thoại với Thiên Chúa » trong đời sống cầu nguyện và cả « đối thoại huynh đệ », dấu hiệu cởi mở  với tha nhân. « Thế giới cần đối thoại, hòa bình », Đức Thánh Cha nhắc nhớ và nói tiếp : « Thế giới cần những người nam và người nữ chứng nhân về điều đó », và đồng thời mời gọi các chủng sinh hãy « đặt mình vào trường học của « những vị tử đạo đối thoại », những người, ngay cả ở một số đất nước của các con, đã can đảm đi trên con đường này để trở thành những người xây dựng hào bình ». Đức Thánh Cha trình bày đối thoại như là con đường « đi đến cùng », đến sự tự hiến, để thông truyền đức tin do Chúa Kitô mang lại.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30