BÀI GIÁO LÝ VỀ LÒNG SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI TÍN HỮU – BÀI 7 : CÔNG ĐỒNG VATICAN II. 2. TRỞ THÀNH TÔNG ĐỒ TRONG MỘT GIÁO HỘI TÔNG TRUYỀN
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến,
Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về lòng say mê loan báo Tin Mừng và, ở trường học của Công đồng Vatican II, chúng ta tìm cách hiểu rõ hơn trở nên “tông đồ” ngày nay nghĩa là gì. Chúng ta được kêu gọi trở thành tông đồ trong một Giáo hội tông truyền. Trở thành tông đồ có nghĩa là được sai đi vì một sứ mạng và điều đó giả thiết một ơn kêu gọi. Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã kêu gọi đến với Ngài những người Ngài muốn để sai họ đi truyền giáo. Cũng thế, thánh Phaolô giới thiệu mình được kêu gọi làm tông đồ. Kinh nghiệm của Nhóm Mười Hai và chứng tá của thánh Phaolô vẫn còn chất vấn chúng ta ngày nay để chứng thực thái độ, chọn lựa và quyết định của chúng ta, vì mọi sự đều tùy thuộc vào ơn kêu gọi nhưng không của Thiên Chúa và xứng đáng được một lời đáp trả nhưng không. Theo Công đồng, có một ơn kêu gọi chung liên quan đến cả những người đã lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh, những người thánh hiến và tất cả tín hữu giáo dân. Ơn gọi này cho phép họ thực thi nhiệm vụ tông đồ của mình trong một Giáo hội có nhiều thừa tác vụ khác nhau, nhưng còn cả sự hiệp nhất sứ mạng. Liên quan đến sự hiệp nhất sứ mạng, sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ không được tạo nên các loại đặc quyền, cũng không được dùng làm cái cớ cho các hình thức bất bình đẳng trong Giáo hội. Mọi người đều bình đẳng về phẩm giá và hoạt động chung để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Vì thế, chúng ta được mời gọi suy nghĩ lại các mối tương quan của chúng ta để chứng thực cách thức chúng ta sống ơn gọi phép rửa của mình, tư cách làm tông đồ của mình trong một Giáo hội tông truyền.
Dưới đây là bài giáo lý, vào ngày thứ Tư 15/3/2023, của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý của chúng ta về lòng say mê loan báo Tin Mừng : không chỉ về « loan báo Tin Mừng », mà còn say mê loan báo Tin Mừng và, ở trường học của Công đồng Vatican II, chúng ta hãy cố gắng hiểu rõ hơn trở nên « tông đồ » ngày nay có nghĩa là gì. Từ « tông đồ » gợi lên nhóm mười hai môn đệ được Chúa Giêsu tuyển chọn. Đôi khi chúng ta gọi một số vị thánh là « tông đồ », hay cách chung chung hơn là các giám mục : các ngài là tông đồ, bởi vì các ngài nhân danh Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta có ý thức rằng chức năng tông đồ liên quan đến mỗi Kitô hữu không ? Chúng ta có ý thức rằng điều đó liên quan đến mỗi người trong chúng ta không ? Quả thế, chúng ta được kêu gọi trở thành tông đồ – nghĩa là được sai đi – trong một Giáo hội mà chúng ta tuyên xưng là tông truyền trong Kinh Tin Kính.
Vì thế, trở thành tông đồ có nghĩa là gì ? Đó là được sai đi vì một sứ mạng. Sự kiên mẫu mực và nền tảng là sự kiện Chúa Kitô Phục Sinh sai các tông đồ của Ngài đi khắp thế giới, thông truyền cho họ quyền năng mà chính Ngài đã nhận được từ Chúa Cha và ban cho họ Thánh Thần của Ngài. Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng theo thánh Gioan: « Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” » (20, 21-22).
Một khía canh căn bản khác của căn tính của người tông đồ là ơn gọi, nghĩa là ơn kêu gọi. Điều đó đã là như thế ngay từ đầu, khi Chúa Giêsu « kêu gọi những kẻ Ngài muốn. Họ đã đến với Ngài » (Mc 3, 13). Ngài đã thiết lập họ thành một nhóm, ban cho họ danh hiệu « tông đồ », để họ ở với Ngài và để sai họ đi truyền giáo (x. Mc 3, 14 ; Mt 10, 1-42). Thánh Phaolô tự giới thiệu mình như sau trong các thư của mình : « Tôi là Phaolô, được kêu gọi làm tông đồ », nghĩa là được sai đi, (1Cr 1,1) và : « Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa» (Rm 1,1). Và ngài nhấn mạnh sự kiện trở thành « Tông Đồ không phải do loài người, nhưng bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người từ cõi chết trỗi dậy » (Gl 1,1) ; Thiên Chúa đã gọi ngài ngay từ khi ngài con trong lòng mẹ để ngài loan báo Tin Mừng cho các dân ngoại (x. Gl 1, 15-16).
Kinh nghiệm của Mười Hai Tông đồ và chứng tá của thánh Phaolô cũng chất vấn chúng ta ngày nay. Các ngài mời gọi chúng ta chứng thực thái độ của mình, chứng thực chọn lựa, quyết định của mình, từ những tiêu chuẩn này : mọi sự đều tùy thuộc vào tiếng gọi nhưng không của Thiên Chúa ; Thiên Chúa cũng chọn chúng ta cho những công việc đôi khi dường như vượt quá khả năng của chúng ta hay không tương ứng với những mong đợi của chúng ta ; đối với lời mời gọi được lãnh nhận như món quà nhưng không, cần phải đáp trả cách nhưng không.
Công đồng nói : « Ơn gọi Kitô hữu […] tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ » (Sắc lệnh Apostolicam actuositatem [AA], 2). Đó là một ơn gọi chung, « cùng chung một phẩm giá giữa các chi thể do được tái sinh trong Đức Kitô, cùng chung một ơn là con cái Thiên Chúa và cùng chung một ơn gọi hướng tới sự hoàn thiện; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia» (LG, 32).
Đó là một lời kêu gọi cũng liên quan đến những người đã lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh, những người thánh hiến, cũng như mỗi tín hữu giáo dân, nam hay nữ, đó là một lời kêu gọi cho tất cả mọi người. Bạn, kho tàng mà bạn đã nhận được với ơn gọi Kitô hữu của bạn, bạn phải trao ban nó : đó là sự năng động của ơn gọi, đó là sự năng động của cuộc sống. Đó là một tiếng gọi cho phép thực thi nhiệm vụ tông đồ của mình một cách tích cực và sáng tạo, trong một Giáo hội « có nhiều thừa tác vụ khác nhau, nhưng đều thuộc về một sứ mệnh duy nhất. Đức Kitô đã trao phó cho các Tông Đồ và những đấng kế vị các ngài nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản nhân danh Người và trong quyền năng của Người. Phần các giáo dân, vì được tham dự thực sự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, nên cũng có phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn thể dân Chúa trong Giáo hội và trong thế giới». (AA, 2).
Trong khuôn khổ này, làm thế nào Công đồng hiểu sự cộng tác của giáo dân với hàng giáo phẩm ? Công đồng hình dung nó như thế nào ? Phải chăng đó chỉ là một sự thích ứng chiến lược với các hoàn cảnh mới phát sinh ? Hoàn toàn không, không hề như thế chút nào : có điều gì đó hơn thế nữa, vượt quá những cái ngẫu nhiên của thời điểm và vẫn giữ được giá trị riêng của nó ngay cả đối với chúng ta. Giáo hội là như thế, Giáo hội là tông truyền.
Trong khuôn khổ của sự hiệp nhất sứ mạng, sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ không được tạo ra, trong cơ thể Giáo hội, các loại đặc quyền : đó không phải là vấn đề thăng tiến, và khi bạn quan niệm cuộc sống Kitô hữu như một sự thăng tiến, khi người đứng đầu chỉ huy truyền lệnh những người khác bởi vì họ đã thành công leo lên cao hơn, thì đó không phải là Kitô giáo. Đó là tà giáo thuần túy. Ơn gọi Kitô hữu không phải là một sự thăng tiến để leo lên cao hơn, không ! Đây là một điều khác. Và đó là điều quan trọng vì, mặc dù « theo ý Đức Kitô, một số người được đặt ở một vị trí có lẽ quan trọng hơn, làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của mọi tín hữu trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô» (LG, 32). Ai có phẩm giá cao nhất trong Giáo hội : giám mục, linh mục ? Không phải…tất cả chúng ta đều là Kitô hữu để phục vụ người khác. Ai quan trọng nhất trong Giáo hội : nữ tu hay đơn giản là người được rửa tội, trẻ em, giám mục ? Mọi người đều bình đẳng, chúng ta đều bình đẳng, và khi một trong các bên nghĩ mình quan trọng hơn những người khác và tỏ ra cao ngạo, thì họ sai lầm. Đó không phải là ơn kêu gọi của Chúa Giêsu. Ơn gọi mà Chúa Giêsu ban cho mọi người – nhưng nhất là cho những người dường như chiếm những địa vị cao hơn – là phục vụ, phục vụ người khác, trong sự khiêm tốn. Nếu bạn thấy một người trong Giáo hội có ơn gọi cao cả hơn và bạn thấy người đó kiêu căng, thì bạn sẽ nói : « kẻ đáng thương » ; hãy cầu nguyện cho người ấy vì người ấy đã không hiểu được ơn kêu gọi của Thiên Chúa là gì. Ơn kêu gọi của Thiên Chúa là việc tôn thờ Chúa Cha, là tình yêu đối với cộng đoàn và phục vụ. Đó là làm tông đồ, đó là chứng tá của các tông đồ.
Vấn đề bình đẳng về phẩm giá mời gọi chúng ta suy nghĩ lại nhiều khía cạnh trong các mối tương quan của chúng ta, những khía cạnh có tính quyết định đối với việc loan báo Tin Mừng. Chẳng hạn, chúng ta có ý thức rằng lời nói của mình có thể làm tổn hại đến phẩm giá của con người, do đó phá hủy các mối tương quan trong Giáo hội không ? Đang khi chúng ta cố gắng đối thoại với thế giới, chúng ta cũng có biết cách đối thoại giữa chúng ta là những tín hữu không ? Hay là trong giáo xứ, người này chống người kia, người này nói xấu người kia để leo lên cao hơn không ? Chúng ta có biết cách lắng nghe để hiểu những lý do của người khác không, hay chúng ta áp đặt chính mình, thậm chí có thể bằng những lời ngọt ngào đầu môi chóp lưỡi không ? Lắng nghe, hạ mình, phục vụ tha nhân : đó là phục vụ, đó là Kitô hữu, đó là làm tông đồ.
Anh chị em thân mến, chúng ta ta đừng sợ đặt ra cho mình những câu hỏi này. Chúng ta hãy chạy trốn sự hư danh, sự hư danh của địa vị. Những lời này có thể giúp chúng ta kiểm điểm cách chúng ta sống ơn gọi phép rửa của mình, cách chúng ta sống tư cách làm tông đồ của mình trong một Giáo hội tông truyền, vốn để phục vụ người khác.
—————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024
- ĐỨC PHANXICÔ CẦU CHÚC VIỆC MỞ LẠI NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS TRỞ THÀNH MỘT DẤU CHỈ NGÔN SỨ VỀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA GIÁO HỘI PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT