« HỌC THUYẾT KHÁM PHÁ » CHƯA BAO GIỜ LÀ CỦA CÔNG GIÁO

Written by xbvn on Tháng Ba 31st, 2023. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

Một « thông tri » chung từ các Bộ Văn hóa và Phát triển con người toàn tiện thừa nhận rằng « nhiều Kitô hữu đã thực hiện những hành vi ác ý » đối với người dân bản địa. Nhưng những sắc lệnh của các Đức Giáo hoàng vào thế kỷ XV nhượng lại tài sản của các dân tộc nguyên thủy cho những quốc vương thực dân là các tài liệu chính trị, được dùng làm công cụ cho các hành vi vô đạo đức. Từ năm 1537, Đức Giáo hoàng Phaolô III đã long trọng tuyên bố rằng người bản địa không được bị biến thành nô lệ hay bị tước đoạt.

Đức Phanxicô gặp gỡ các dân tộc bản địa ở Canada vào ngày 29/7/2022

Nhờ sự giúp đỡ của các dân tộc bản địa, « Giáo hội đã có được sự nhận thức rõ hơn về những đau khổ của họ, trong quá khứ và hiện tại, do bị tước đoạt đất đai của họ…cũng như do những chính sách đồng hóa cưỡng bức, được thúc đẩy bởi các cơ quan chính phủ thời đó, nhằm loại bỏ các nền văn hóa bản địa của họ ». Đó là điều được khẳng định bởi « Thông tri chung về học thuyết khám phá » của các Bộ Văn hóa và Giáo dục và Bộ Phục vụ sự phát triển con người toàn diện, được công bố vào ngày 30/3/2023. Văn kiện khẳng định rằng « học thuyết khám phá », một lý thuyết được sử dụng để biện minh cho việc các quốc vương thực dân chiếm đoạt các dân tộc bản địa, « không phải là một phần của giáo huấn của Giáo hội Công giáo » và các sắc lệnh của các Đức Giáo hoàng qua đó các nhượng bộ đã được thực hiện cho các quốc vương thực dân chưa bao giờ là một phần của Huấn quyền.

Đây là một bản văn quan trọng, tám tháng sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada, tái khẳng định cách rõ ràng việc Giáo hội Công giáo bác bỏ não trạng thực dân hóa. Bản văn nhắc lại : « Trong dòng lịch sử, các Đức Giáo hoàng đã lên án những hành vi bạo lực, áp bức, bất công xã hội và chế độ nô lệ, kể cả những hành vi » chống lại người bản địa. Và có « nhiều tấm gương » của các giám mục, linh mục và giáo dân « đã hiến mạng sống mình để bảo vệ phẩm giá của các dân tộc này ».  Thông tri cũng không quên đề cập rằng « nhiều Kitô hữu đã thực hiện những hành vi ác ý » đối với các dân tộc bản địa, « mà các Đức Giáo hoàng gần dây đã nhiều lần cầu xin sự tha thứ ».

Liên quan đến « học thuyết khám phá », bản văn chỉ ra rằng « khái niệm pháp lý về ‘khám phá’ đã được các cường quốc thực dân tranh luận từ thế kỷ XVI và tìm thấy sự thể hiện cụ thể trong pháp chế của thế kỷ XIX nơi các tòa án của nhiều đất nước, theo đó việc phát hiện ra các vùng đất bởi những kẻ thực dân đã trao một độc quyền hủy bỏ, bằng cách mua hay chinh phục, danh nghĩa hoặc sự sở hữu các vùng đất này của các dân tộc bản địa ». Theo một số nhà nghiên cứu, « học thuyết » này dựa trên một số văn kiện của các Giáo hoàng, đặc biệt là các sắc lệnh của Đức Nicôla V « Dum Diversas » (1452) và « Romanus Pontifex » (1455), và sắc lệnh của Đức Alexandre VI « Inter Caetera » (1493). Đó là những văn tự mà hai Đức Giáo hoàng này đã cho phép các quốc vương Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chiếm hữu các vùng đất bị chiếm làm thuộc địa bằng cách bắt các dân tộc bản địa phải tùng phục.

Thông tri nói tiếp : « Nghiên cứu lịch sử chứng minh rõ ràng rằng các văn kiện của các Đức Giáo hoàng đang được nói đến, được viết trong một giai đoạn lịch sử đặc thù và gắn liền với những vấn đề chính trị, chưa bao giờ được coi là những biểu hiện của đức tin Công giáo ». Đồng thời, Giáo hội « nhìn nhận rằng những sắc lệnh này của các Đức Giáo hoàng đã không phản ánh cách thích đáng phẩm giá bình đẳng và các quyền của các dân tộc bản địa ». Thông tri nói thêm rằng « nội dung của những văn kiện này đã bị thao túng cho các mục đích chính trị bởi các cường quốc thực dân cạnh tranh để biện minh cho những hành vi vô đạo đức » đối với các dân tộc bản địa, những hành vi « đôi khi được thực hiện mà các thẩm quyền của Giáo hội không phản đối ». Vì thế, hai Bộ khẳng định, thật đúng đắn để « nhìn nhận những sai lầm này, nhìn nhận những kết quả khủng khiếp của các chính sách đồng hóa và nỗi đau được cảm nghiệm » bởi các dân tộc bản địa, « và xin được tha thứ ».

Tiếp đến, Đức Thánh Cha Phanxicô được trích dẫn : « Cộng đồng Kitô hữu đừng bao giờ để mình bị ô nhiễm bởi ý tưởng rằng có một sự trỗi vượt của một nền văn hóa so với một nền văn hóa khác và hợp pháp khi sử dụng các phương tiện cưỡng chế đối với người khác ». Cũng được nhắc lại rằng Huấn quyền của Giáo hội bảo vệ sự tôn trọng dành cho mỗi con người và do đó,  Giáo hội « bác bỏ những quan niệm không nhìn nhận các quyền con người vốn gắn liền với các dân tộc bản địa », bao gồm cả cái gọi là « học thuyết khám phá ».

Sau cùng, thông tri trích dẫn các tuyên bố « rất nhiều và được lặp đi lặp lại » của Giáo hội và các Đức Giáo hoàng bênh vực các quyền của các dân tộc bản địa, bắt đầu bằng lời tuyên bố nằm trong sắc lệnh « Sublimis Deus » của Đức Phaolô III (1537), ngài đã long trọng tuyên bố rằng các dân tộc bản địa không được « trong bất cứ trường hợp nào bị tước bỏ quyền tự do của họ hoặc quyền sở hữu tài sản của họ, ngay cả khi họ không thuộc về đức tin Kitô giáo ; và, một cách tự do và hợp pháp, họ có thể và phải được hưởng quyền tự do và sở hữu tài sản của mình ; họ không được bị biến thành nô lê trong bất cứ trường hợp nào ; nếu điều ngược lại xảy ra, thì điều đó sẽ bị vô hiệu và không có hiệu lực ».

Gần đây hơn, sự liên đới của Giáo hội với các dân tộc bản địa đã được thể hiện bằng « một sự ủng hộ mạnh mẽ của Tòa Thánh đối với các nguyên tắc được chứa đựng trong Tuyên ngôn của Liên hiệp quốc về các Quyền lợi của các Dân tộc bản địa ». Việc thực hiện chúng « sẽ cải thiện điều kiện sống và góp phần bảo vệ » các quyền lợi của các dân tộc này.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31