BÀI GIÁO LÝ VỀ NIỀM SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI TÍN HỮU – BÀI 11. CÁC CHỨNG NHÂN : CÁC THÁNH TỬ VÌ ĐẠO

Written by xbvn on Tháng Tư 19th, 2023. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến,

Sau khi ngưỡng mộ thánh Phaolô, nhà vô địch về lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta hướng đến đoàn quân các thánh tử vì đạo nam nữ, thuộc mọi thời đại, mọi ngôn ngữ và mọi quốc gia, đã hiến mạng sống mình vì Chúa Kitô. Từ “tử vì đạo”, xuất phát từ tiếng Hy Lạp “martyria”, có nghĩa là chứng tá. Nó được sử dụng trong Giáo hội để chỉ một người làm chứng cho sự thật hay cho nhân đức cho đến độ đổ máu, theo gương Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao việc tử vì đạo được coi là “một sự trao hiến cao quý và là bằng chứng tối cao của đức ái”. Để giải thích sự năng động thiêng liêng thúc đẩy các thánh tử vì đạo, thánh Augustin đã nói về thánh Lôrensô: “Thánh nhân đã yêu mến Chúa Kitô trong cuộc sống của mình, đã bắt chước Ngài trong cái chết của mình”. Ngay cả khi việc “tử vì đạo” chỉ được yêu cầu đối với một số người, thì, như Công đồng Vatican II đã nhắc nhớ, “tất cả mọi người phải sẵn sàng tuyên xưng Chúa Kitô trước mặt mọi người và bước theo Ngài trên con đường thập giá, trong những cuộc bách hại vốn không bao giờ thiếu đối với Giáo hội”. Như tôi thường lặp lại, các  thánh tử vì đạo ngày nay nhiều hơn so với các thế kỷ đầu tiên, chẳng hạn tôi nghĩ đến các Nữ tu Thừa ai Bác ái đã hy sinh mạng sống ở Yemen, trong số biết bao nhiêu người khác trên khắp thế giới.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha vào ngày thứ Tư 19/4/2023:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Về việc loan báo Tin Mừng và nói về lòng nhiệt thành tông đồ, sau khi đã xem xét chứng tá của thánh Phaolô, « nhà vô địch » thực sự của lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta hướng nhìn không phải về một nhân vật đặc biệt nào, nhưng hướng đến trụ cột các thánh tử vì đạo nam nữ của mọi thời, mọi ngôn ngữ và mọi quốc gia, đã hiến mạng sống mình vì Chúa Kitô, đã đổ máu mình để tuyên xưng Chúa Kitô. Sau thế hệ các Tông đồ, những vị « chứng nhân » tuyệt vời của Tin Mừng. Các thánh tử vì đạo : vị tuẫn đạo đầu tiên là thánh Têphanô, phó tế, bị ném đá cho đến chết ở ngoài thành Giêrusalem. Từ « tử vì đạo » xuất phát từ tiếng Hy Lạp « martyria », có nghĩa là « chứng tá ». Nghĩa là một người tử vì đạo là một chứng nhân, một người làm chứng cho đến độ đổ máu mình. Tuy nhiên, từ « tử vì đạo » đã nhanh chóng được sử dụng trong Giáo hội để chỉ người làm chứng cho đến chỗ đổ máu (1). Nghĩa là, một người tử vì đạo có thể là người làm chứng mỗi ngày. Nhưng sau này nó được sử dụng cho người hiến máu, người hiến mạng sống mình.

 Tuy nhiên, các thánh tử vì đạo không nên được coi như những « anh hùng » đã hành động cách cá nhân, như những bông hoa mọc trong sa mạc, nhưng như những hoa trái chín mùi và tuyệt hảo của vườn nho của Chúa là Giáo hội. Đặc biệt, các Kitô hữu, khi chuyên cần tham dự việc cử hành Thánh Thể, đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để đời sống của họ phù hợp với mầu nhiệm tình yêu này : nghĩa là với sự kiện rằng Chúa Giêsu đã hiến mạng sống cho họ và, do đó, họ cũng có thể và phải hiến mạng sống cho Ngài và cho anh chị em của mình. Một sự quảng đại lớn lao, con đường chứng tá của người Kitô hữu. Thánh Augustin thường nhấn mạnh sự năng động của lòng biết ơn và của tính hỗ tương nhưng không của sự trao hiến này. Chẳng hạn, đây là những gì ngài đã giảng trong ngày lễ thánh Lôrensô : « Thánh Lôrensô là một phó tế của Giáo hội Rôma. Chính tại đó, thánh nhân là thừa tác viên của máu Chúa Kitô và chính tại đó mà thánh nhân đã đổ máu mình vì danh Chúa Kitô. Thánh Gioan Tông đồ đã trình bày cách rõ ràng mầu nhiệm Bữa Tiệc Ly khi nói : « Chúa Giêsu đã hiến mạng sống vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải hiến mạng sống vì anh em. » (1Ga 3,16). Thưa anh em, thánh Lôrensô đã hiểu tất cả những điều đó. Thánh nhân đã hiểu điều đó và đem ra thực hành. Và thánh nhân thực sự đã đền đáp những gì mình đã nhận được tại bàn tiệc này. Thánh nhân đã yêu mến Chúa Kitô trong cuộc sống của mình, đã bắt chước Ngài trong cái chết của mình » (Disc. 304, 14 ; PL 38, 1395-1397). Chính như thế mà thánh Augustin giải thích sự năng động thiêng liêng đã thúc đẩy các thánh tuẫn đạo. Bằng những từ ngữ này : các thánh tử vì đạo yêu mến Chúa Kitô trong cuộc sống của Ngài và bắt chước Ngài trong cái chết của Ngài.

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy nhớ đến tất cả các thánh tuẫn đạo đã đồng hành với đời sống của Giáo hội. Như tôi đã nói nhiều lần, vào thời đại chúng ta các ngài nhiều hơn so với các thể kỷ đầu tiên. Ngày nay, có biết bao nhiều vị tuẫn đạo trong Giáo hội, biết bao nhiêu vị tuẫn đạo, vì đã tuyên xưng đức tin Kitô giáo mà bị trục xuất khỏi xã hội hay vào tù…Họ rất nhiều. Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta rằng « tử vì đạo là hành vi làm cho người môn đệ nên giống Thầy mình, Đấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và được nên đồng hình đồng dạng với Người trong việc đổ máu, nên Giáo hội coi đó là ơn trổi vượt và là sự xác nhận cao quý nhất về đức ái» (Hiến chế Lumen Gentium, 42). Các thánh tử vì đạo, theo gương Chúa Giêsu và với ân sủng của Ngài, biến bạo lực của những kẻ khước từ lời rao giảng thành một cơ hội yêu thương tuyệt vời, tối cao, đến mức tha thứ cho những đao phủ của mình. Chi tiết này thật thú vị : các thánh tử vì đạo luôn tha thứ cho các đao phủ của mình. Thánh Têphanô, vị tuẫn đạo tiên khởi, đã chết khi cầu nguyện : « Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm ». Các thánh tử vì đạo cầu nguyện cho các đao phủ của mình.

Nếu việc tuẫn đạo chỉ được yêu cầu đối với một số người, thì « tất cả mọi người đều phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt mọi người và bước theo Người trên đường Thập Giá giữa những cuộc bách hại không bao giờ thiếu vắng trong Giáo hội » (ibid., 42). Nhưng đây có phải là những cuộc bách hại của quá khứ ? Không, không : hôm nay. Ngày nay, có nhiều cuộc bách hại các Kitô hữu trên thế giới. Ngày nay, có nhiều thánh tuẫn đạo hơn thời gian đầu tiên. Có rất nhiều. Các thánh tử vì đạo cho chúng ta thấy rằng mọi Kitô hữu đều được mời gọi làm chứng cho cuộc sống, ngay cả khi họ không đi đến chỗ đổ máu, bằng cách biến mình thành quà tặng cho Thiên Chúa và anh chị em của mình, theo gương Chúa Giêsu.

Và tôi muốn kết thúc bằng cách nhắc lại chứng tá Kitô giáo hiện nay ở khắp nơi trên thế giới. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến Yemen, một vùng đất đã bị thương tích từ nhiều năm qua bởi một cuộc chiến kinh khủng và bị lãng quên, đã gây ra biết bao cái chết và vẫn còn khiến rất nhiều người đau khổ, đặc biệt là trẻ em. Chính tại đất nước này, đã có những chứng tá đức tin huy hoàng, như chứng tá của các Nữ tu Thừa Sai Bác ái, những người đã hy sinh mạng sống mình ở đó. Cả hôm nay nữa, họ vẫn có mặt ở Yemen, nơi họ giúp đỡ những người cao tuổi bệnh tật và những người khuyết tật. Một số người trong số họ đã chịu tử vì đạo, nhưng những người khác vẫn tiếp tục, mạo hiểm mạng sống mình nhưng vẫn tiến tới. Họ đón tiếp tất cả mọi người, những chị em này, không phân biệt tôn giáo, vì đức ái và tình huynh đệ không có biên giới. Vào tháng Bảy năm 1988, Sơ Aletta, Sơ Zelia và Sơ Michael, đang trở về nhà sau thánh lễ, đã bị giết chết bởi một kẻ cuồng tín, vì họ là Kitô hữu. Gần đây hơn, ngay sau khi bắt đầu cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn, vào tháng Ba năm 2016, Sơ Marguerite, Sơ Reginette và Sơ Judith đã bị giết cùng với một số giáo dân đang giúp đỡ họ trong công việc từ thiện đối với các trẻ nhỏ. Đó là những vị tuẫn đạo của thời đại chúng ta. Trong số các giáo dân bị sát hại này, ngoài các Kitô hữu, có những người Hồi giáo đang làm việc với các sơ. Thật cảm động khi thấy chứng tá bằng máu có thể kết hợp những người thuộc khác tôn giáo khác nhau như thế nào. Chúng ta không bao giờ được giết người nhân danh Thiên Chúa, vì đối với Ngài, tất cả chúng ta đều là anh chị em. Nhưng cùng nhau, chúng ta có thể hy sinh mạng sống cho tha nhân.

Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta không mệt mỏi khi làm chứng cho Tin Mừng, ngay cả trong lúc gian truân. Ước gì tất cả các thánh và các thánh tử vì đạo trở thành hạt giống của hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc vì một thế giới nhân bản và huynh đệ hơn, trong khi chờ đợi Nước Trời được biểu lộ cách trọn vẹn, khi Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong mọi người (x. 1Cr 15,28).

————————————-

(1) ORIGENE, In Johannem, II, 210 : « Bất cứ ai làm chứng cho sự thật, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng hành vi, hoặc bằng cách hành động cho nó bằng bất cứ cách nào, đều có thể được gọi là chứng nhân một cách chính đáng. Nhưng danh xưng chứng nhân (martyrs) theo nghĩa đen, cộng đoàn huynh đệ, cảm kích trước sức mạnh tâm hồn của những người đã chiến đấu cho sự thật hay cho nhân đức cho đến chết, đã có thói quen dành danh xưng này cho những người đã làm chứng cho mầu nhiệm của tôn giáo đích thực bằng việc đổ máu ».

——————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

 

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30