VÀI TÂM TÌNH THƯƠNG TIẾC CỐ LINH MỤC PHÊRÔ NGUYỄN THIÊN CUNG
Cha quý mến,
Nghe tin Cha qua đời, con thật bất ngờ và đau buồn thương nhớ Cha. Cha chỉ mới rời Chủng viện Huế vừa đúng một tuần lễ, vào ngày 15/5/2023, thế mà hôm nay, ngày 22/5, Chủng viện đã nhận được tin như sét đánh.
Với tư cách là Quản lý Chủng viện Huế, con có cơ hội tiếp xúc với Cha nhiều trong việc đưa đón, chỗ ở, ăn uống…. Nhưng rồi, con nhận thấy rằng mối tương quan không còn dừng lại ở chức năng, nhưng là tình cha con, tình thầy trò, tình bạn, tình huynh đệ. Cha thật gần gũi, nhẹ nhàng, hòa nhã, vui tính, cởi mở, chân thành, rộng lượng, thẳng thắn….Trong tiếng xưng hô « mi, tau » … của Cha, khi ở gần Cha, con không nhận thấy đó là một sự khiếm nhã, mà là một sự gần gũi, thân tình.
Cha quý mến,
Trong hơn một tháng hiện diện ở Chủng viện vừa qua, Cha luôn cởi mở, vui tươi, hòa đồng, không câu nệ và sống tình huynh đệ đối với mọi người, như một người thân thiết trong gia đình Chủng viện. Đặc biệt, Chủng viện đã có cơ hội mừng hồng ân 48 linh mục của Cha, và Cha Giám đốc Đại Chủng viện đã thay mặt gia đình Chủng viện chúc mừng Cha cũng như đã cám ơn Cha vì Cha “luôn vui tươi và hy sinh trong việc giảng dạy môn Kitô học cho bao thế hệ chủng sinh Đại Chủng viện Huế“. Con không ngờ đây là lần cuối cùng Cha ra Chủng viện Huế để dạy học, vì Cha vẫn còn hẹn gặp mặt vào năm tới để tiếp tục có những buổi gặp gỡ huynh đệ…Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu đã gọi Cha, người tôi tớ trung thành, về với Người, về « chung hưởng niềm vui của Chủ ngươi ». Lúc con viết những dòng vội vàng này, một bài thánh ca các thầy vừa tập hát cứ vang lên trong con, bài « Hoan ca tận hiến » : « Này con xin đến Chúa ơi, để thi hành ý Chúa nhiệm mầu. Như một hy lễ mới dâng tiến lên Thiên Chúa tình yêu. Trọn bao mơ ước, Chúa ơi, với tâm nguyện trở thành tất cả cho mọi người như một hy tế toàn thiêu. » Cuộc đời nơi dương thế của Cha đã kết thúc « như một hy tế toàn thiêu » « dâng tiến lên Thiên Chúa tình yêu » ! Thật đẹp cuộc đời linh mục dâng hiến, đã yên nghỉ ngàn thu khi đang còn đầy nhiệt huyết phục vụ !
Quả thế, điều nổi bật nơi Cha là tinh thần hăng say dâng hiến phục vụ. Cha luôn « bật chế độ chờ » phục vụ. Cha nói Cha « luôn sẵn sàng ra Huế dạy học, chỉ cần Chủng viện « Alô » là Cha sẽ lên đường ». Và khi đến Chủng viện, Cha đã ở giữa chúng con « như một người phục vụ » khi sẵn sàng đảm nhận bất cứ công việc gì mà Cha được nhờ làm. Và Cha làm cách vui vẻ, nhiệt tình, không chút càu nhàu. Thậm chí Cha còn chủ động đề nghị trước vì biết người anh em có điều khó nói !
Thực ra, nơi Cha, con nhận thấy một nhân đức khác mà thánh Phaolô thường nói đến : chịu đựng. « Anh em hãy chịu đựng lẫn nhau ». Cha thẳng thắn, nhưng đôi lúc Cha cũng rất giỏi chịu đựng, vì không muốn gây phiền phức và tạo gánh nặng cho người khác. Có những lúc, con thấy Cha đau đớn rõ, nhưng khuôn mặt, giọng và lời nói của Cha không cho thấy điều đó. Cha vẫn hài hước, vui tươi và làm cho người khác an lòng. Điều này làm con nhớ đến lời của Đức Bênêđíctô XVI : « Cuộc chiến vì sự thánh thiện chỉ mang tính xây dựng và đem lại nhiều hoa trái khi nó bắt nguồn từ tinh thần chịu đựng, từ lòng mến thực sự ». Vâng, sự chịu đựng của Cha phát xuất từ lòng yêu thương, dâng hiến phục vụ và tình huynh đệ chân thành !
Đúng vậy, một điều khác mà con cũng muốn học hỏi nơi Cha, đó là tình huynh đệ, đặc biệt là tình huynh đệ linh mục, một điều mà ai ai cũng thấy rõ. Cha quảng đại, hào phóng, không bao giờ tính toán tiền bạc, và Cha dùng tiền bạc để kết nối tình huynh đệ. Trong tình huynh đệ này, Cha cũng tỏ ra là người thẳng thắn, cho mọi người thấy điều Cha nghĩ, Cha muốn, Cha sống…, để sống chân thật với nhau mà không phải hình thức. Chia sẻ trong thánh lễ tạ ơn 48 năm hồng ân linh mục của mình, Cha đã để lại bài học quý giá cho mọi người, và giờ đây nó như là một di chúc của Cha: “Đừng bao giờ coi ai là kẻ thù hay đối thủ của mình, hãy coi tất cả mọi người là anh em của mình”. Cha rất vui khi đến với anh em linh mục, ở giữa anh em linh mục, chuyện trò với anh em linh mục. Và ở đâu có Cha, thì ở đó có tình huynh đệ, có niềm vui. Bữa ăn nào có Cha sẽ luôn có nhiều nụ cười, với những câu chuyện dí dỏm, hài hước, nhưng cũng đầy kinh nghiệm và bài học quý giá. Có lần Cha tâm sự : « Hôm nay tau mệt không muốn ăn, nhưng tau muốn xuống ngồi với anh em cho vui, làm cho anh em vui ». Cha là người thích quy tụ mọi người để gặp gỡ huynh đệ qua những bữa ăn bên ngoài, đi đây đó. Cha biết đó, ở Chủng viện, chúng con ít đi ăn uống bên ngoài chung với nhau lắm, vì ai cũng bận rộn với công việc của mình. Nhưng khi có Cha ra, bầu khí sôi nổi lên, và cứ đến ngày nào không có lớp học (thứ Năm và Chúa Nhật), thì đó là cơ hội để « đi ra » trong tình huynh đệ linh mục.
Điều đó cũng nói lên một nét nổi bật đặc biệt nơi Cha, đó là lòng nhiệt thành tông đồ, luôn mong muốn « đi ra » khỏi chính mình để hướng đến tha nhân, quan tâm đến người khác. Một lần, con đưa Cha đi ăn chè 20 món của xứ Huế, ngồi trên vỉa hè nhìn phố đông người qua lại, Cha tâm sự với con : « Thỉnh thoảng mình phải đi ra đến với các vùng ngoại vi hiện sinh và địa lý, theo tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô, để tiếp xúc với người khác, để nhìn thấy tận mắt những hoàn cảnh của cuộc sống, và cũng để sống tinh thần loan báo Tin Mừng ». Con nhớ lại, hai cha con cùng gắng ăn một combo chè như thế, mà cười nhiều hơn là ăn, vì thật thú vị khi « đi ra » như thế !
Cha quý mến,
Cha ra đi không chỉ đã để lại trong con một nỗi đau buồn, thương tiếc, nhưng Cha còn để lại cho con nhiều bài học quý giá cho cuộc đời linh mục. Con sẽ luôn nhớ đến Cha trong lời cầu nguyện hằng ngày của mình. Giờ đây, Cha về bên Chúa, xin Cha chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con là những người lữ khách trần gian, được sống xứng đáng với ơn gọi của mình, được thêm lòng tin tưởng, cậy trông và yêu mến Chúa hết lòng và phục vụ anh chị em hết mình.
Con nhớ lại bài thánh ca « Giao ước » mà Cha là người viết lời cho những người sống đời dâng hiến:
ĐK : Từ đó vâng từ đó, Chúa đã gọi con. Một phút trao lời ước giao muôn vạn thuở. Từ đây vâng từ đây Chúa đã chọn con, ấn tín trao tay là lời hứa sắt son.
1. Lời Người nung chảy vàng khối, Lời Người phá đổ tội lỗi, con thân đứa bé thơ ngây, dám đâu loan báo Lời Người. Từ ngày con trong bào thai, từ ngày xa xăm thuở ấy, ơn Ta thánh hiến người rồi, trao ban giao ước muôn đời.
2. Đường đời trăm phương ngàn lối, lòng người ai đâu dò tới, bơ vơ quán vắng cuộc đời, thân con lữ khách đường dài. Vì Lời giao ước mà thôi, đừng ngại tương lai sẽ tới, mênh mông đất hứa cuộc đời, tay Ta nâng đỡ không rời.
3. Dù đời thay đổi lời hứa, Lời Người giao kết vàng đá. Nay con sẽ hiến cuộc đời, tin yêu phó thác vào Người. Này là giao ước của Ta, là lòng trung kiên vàng đá, cho non đá sẽ chuyển dời, kiên trung giao ước muôn đời.
Những lời này phát xuất từ tâm hồn dâng hiến của Cha, phát xuất từ tâm huyết dâng hiến của Cha, và chúng trở thành chất xúc tác cho biết bao tâm hồn dâng hiến, trong đó có con, để tiếp tục hành trình « lữ khách đường dài » với lòng « kiên trung giao ước muôn đời », trong tâm tình biết ơn đối với tiếng gọi đầy yêu thương của Chúa. Một lần nữa, con xin chân thành cảm ơn Cha, xin vĩnh biệt Cha và cầu chúc Cha được nghỉ yên trong Chúa.
« Reverentissime Pater, requiescas in pace Domini » !
Tý Linh
Đại Chủng viện Huế, 22g30, ngày 22/5/2023.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- ĐCV HUẾ: GIẢI BÓNG BÀN MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2024
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- ĐỨC PHANXICÔ CẦU CHÚC VIỆC MỞ LẠI NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS TRỞ THÀNH MỘT DẤU CHỈ NGÔN SỨ VỀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA GIÁO HỘI PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- BÀI GIẢNG MÙA VỌNG, MỞ LÒNG NGẠC NHIÊN THÁN PHỤC TRƯỚC SỰ MỚI MẺ CỦA THIÊN CHÚA