NGUỒN GỐC LỄ CHÚA BA NGÔI

Written by xbvn on Tháng Sáu 3rd, 2023. Posted in Giáo lý, Phụng vụ, Tâm linh, Tý Linh

Năm nay được cử hành vào ngày 4/6, Chúa Ba ngôi là một mầu nhiệm khó hiểu. Tại sao nói rằng Thiên Chúa vừa là một vừa là ba ? Nếu từ « Ba Ngôi » không xuất hiện trong Thánh Kinh, thì ba Ngôi Vị Thiên Chúa – Cha, Con và Thánh Thần – hiện diện ở đó.

Thiên Chúa vượt trên mọi ngôn từ. Ngài là « một » và nhiều …mầu nhiệm là ở đó…Nếu, đối với người Do Thái, « Thiên Chúa của chúng ta là Độc Nhất » (Đnl 6,4), thì đối với các Kitô hữu, Cựu Ước dường như đã chuẩn bị cho mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi trong Chúa Giêsu-Kitô.

Chẳng hạn, những từ chỉ Thiên Chúa, như Adonaï và Élohim, được đánh dấu bằng số nhiều, trong khi ở thời kỳ Hy Lạp (thế kỷ III – I trước Công nguyên), các bản văn Thánh Kinh tiết lộ một sự nhân cách hóa nào đó về Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa hay Lời của Ngài. Nhất là, trong sách Sáng Thế Ký, Thiên Chúa hiện ra với Abraham dưới hình dạng ba thiên thần : trình thuật về cuộc hiện ra ở Mambré này (chương 18) sẽ dùng làm cơ sở cho việc trình bày Chúa Ba Ngôi trong truyền thống linh ảnh của Chính Thống giáo.

Về phần mình, các bản văn của Tân Ước chưa sử dụng từ « Ba Ngôi » – từ này chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ II nơi Théophile d’Antioche (trias, trong tiếng Hy Lạp) và Tertulianô (Trinitas, trong tiếng Latinh) -, chúng có một ý nghĩa rõ ràng về Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu tỏ mình ra ở đó với tư cách là Con Thiên Chúa và khai triển « nhiệm cục cứu độ » trong đó, trong Chúa Thánh Thần và qua Chúa Con, con người được đến với Chúa Cha.

Giáo lý này, được thể hiện bằng bí tích Rửa tội « nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần », được chính Chúa Giêsu yêu cầu (Mt 28, 19), tiếp đến sẽ được đào sâu và làm rõ bởi các Kitô hữu đầu tiên phản ứng lại nguy cơ lạc giáo. Trong nhiều thế kỷ, Chúa Ba Ngôi là đối tượng của những cuộc tranh luận, nghiên cứu và điều chỉnh. Quả thế, các Kitô hữu phải tránh hai cạm bẫy cực đoan : sự phân rẽ quá mức giữa các ngôi vị của Ba Ngôi (lạc giáo Tam Thần, trithéisme) và việc phủ nhận thực tại của các ngôi vị (chủ thuyết độc vị, unitarisme). Lạc thuyết quan trọng nhất trong các lạc thuyết này là lạc thuyết Ariô, được đặt theo tên của linh mục Arius (256-336), người Alexandria, đã chủ trương rằng Chúa Kitô là một thụ tạo của Chúa Cha, có bản tính thấp hơn Chúa Cha.

Công đồng Nixê (325) sẽ khẳng định rằng Chúa Kitô « được sinh ra mà không phải được tạo thành » và « đồng bản tính với Đức Chúa Cha ». Nửa thế kỷ sau, công đồng Constantinople (381) sẽ nêu rõ Chúa Thánh Thần « là Chúa » và Ngài « nhiệm xuất từ Chúa Cha ». Các yếu tố luôn ở trọng tâm của Kinh Tin Kính được các tín hữu tuyên xưng.

Thánh Athanasiô, Giáo phụ, sống vào thế kỷ IV, khởi sự suy niệm của mình về Chúa Ba Ngôi bằng những lời này : « Có một Chúa Ba Ngôi thánh thiện và hoàn hảo, vốn được nhận biết là Thiên Chúa nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ». Một lời mời gọi đón nhận mầu nhiệm này.

Lễ Chúa Ba Ngôi đã có ngay từ thế kỷ X, nhưng được mừng kính vào nhiều thời gian khác nhau, tùy theo mỗi địa phương. Vào năm 1334, Đức Thánh Cha Gioan XXII đã thiết lập Đại Lễ này cho toàn thể Giáo hội Công giáo, và truyền cử hành vào một ngày chung. Tuy nhiên, chỉ sang thế kỷ XVIII, Đại Lễ này mới được ấn định dứt khoát vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và giữ nguyên như thế cho tới ngày nay.

Trong bài suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi trong buổi đọc Kinh Truyền Tin vào ngày 12/6/2022, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở : « Việc cử hành lễ Chúa Ba Ngôi không phải là một bài tập thần học, nhưng là một cuộc cách mạng trong lối sống của chúng ta. » Và ngài tự hỏi « liệu cuộc sống của chúng ta có phản ảnh vị Thiên Chúa mà chúng ta tin không: tôi, người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần, có thực sự tin rằng tôi cần người khác để sống, tôi cần trao ban chính mình cho người khác, tôi cần phục vụ người khác? Tôi có khẳng định điều này bằng lời nói hay tôi khẳng định nó bằng cuộc sống của tôi? » Và đồng thời trả lời : « Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta rằng không bao giờ có thể có một người mà không có người kia. Chúng ta không phải là những hòn đảo, chúng ta ở trong thế giới để sống theo hình ảnh của Thiên Chúa: cởi mở, cần đến người khác và cần giúp đỡ người khác. »

Về phần mình, sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 234, dạy : « Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin”. “Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mặc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi. »

Tý Linh

(theo nhật báo La Croix … )

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30