BÀI GIÁO LÝ VỀ NIỀM SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH CỦA NGƯỜI TÍN HỮU – BÀI 16. CÁC CHỨNG NHÂN : THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, BỔN MẠNG CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO

Written by xbvn on Tháng Sáu 7th, 2023. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Từ vài tuần qua, khi chúng ta suy nghĩ về niềm say mê loan báo Tin Mừng, chúng ta có trước mặt những thánh tích của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Ngài là bổn mạng của các xứ truyền giáo, cho dầu ngài chưa bao giờ đi truyền giáo. Ngài là nữ tu dòng Cát Minh. Nhưng nếu ngài bé nhỏ và mong manh, nếu thân xác ngài đau yếu, thì tâm hồn của ngài mạnh mẽ, có tinh thần truyền giáo. Ẩn kín, ngài cầu bầu cho việc truyền giáo, như một động cơ tiếp thêm sức mạnh cho cỗ xe tiến về phía trước.

Hai giai đoạn xảy đến trước khi thánh Têrêsa vào dòng Cát Minh giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc của sức mạnh truyền giáo này : trước tiên ân sủng Lễ Giáng Sinh năm 1886, khi Thiên Chúa thực hiện một phép lạ trong tâm hồn ngài. Đêm đó, ngài trở nên mạnh mẽ trong tâm hồn mình : trong một vài khoảnh khắc, ngài đã thoát khỏi ngục tù của tính ích kỷ và sự tủi thân của mình ; từ đó ngài hướng lòng nhiệt thành của mình đến người khác. Đây là mục đích của những ngày sống của ngài : « làm cho Chúa Giêsu được yêu mến ». Lòng nhiệt thành truyền giáo này trước hết hướng đến các tội nhân « xa xôi » nhất, như giai đoạn thứ hai cho thấy. Thánh Têrêsa nhớ rõ một kẻ bị kết án tử hình là Pranzini, người không muốn nhận được sự an ủi của đức tin. Ngài cầu nguyện hết sức có thể cho anh ta hoán cải, và đã đạt được điều đó, anh này đã ôm lấy thánh giá vào giây phút cuối cùng.

Thánh Têrêsa dạy chúng ta rằng một nhà truyền giáo là bất cứ ai trở thành khí cụ của tình yêu Thiên Chúa và làm tất cả những gì mình có thể để qua chứng tá, lời cầu nguyện và sự chuyển cầu của mình, Chúa Giêsu được biết và yêu mến. Giáo hội cần những tâm hồn như tâm hồn của thánh Têrêsa, vốn thu hút các linh hồn đến với tình yêu và làm cho họ đến gần với Thiên Chúa hơn.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 7/6/2023 :

Anh chị em thân mến, chào mừng anh chị em đã đến đây !

Chúng ta này đây đang đứng trước thánh tích của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng toàn cầu của các xứ truyền giáo. Thật đẹp khi điều đó diễn ra trong lúc chúng ta suy tư về niềm say mê loan báo Tin Mừng, về lòng nhiệt thành tông đồ. Vì thế, hôm nay, chúng ta hãy để cho chứng tá của thánh Têrêsa giúp đỡ chúng ta. Thánh nhân được sinh ra cách đây 150 năm và, và nhân dịp kỷ niệm này, tôi có ý dành cho ngài một Tông thư.

Ngài là bổn mạng của các xứ truyền giáo, cho dầu ngài chưa bao giờ đi truyền giáo : chúng ta giải thích điều này như thế nào ? Ngài là nữ tu dòng Cát Minh và cuộc đời của ngài được ghi dấu bằng sự bé nhỏ và mong manh : ngài tự nhận mình là « một hạt cát bé nhỏ ». Do sức khỏe mong manh, thánh nhân đã qua đời lúc mới tuổi 24. Nhưng nếu thân xác ngài đau yếu, thì tâm hồn của ngài mạnh mẽ, có tinh thần truyền giáo. Trong « nhật ký » của mình, ngài kể lại rằng trở thành nhà truyền giáo là ước muốn của ngài và ngài muốn trở thành nhà truyền giáo không chỉ  trong vài năm, nhưng là trong suốt phần đời còn lại của mình, ngay cả cho đến tận cùng thế giới. Thánh Têrêsa là « người chị em thiêng liêng » của nhiều nhà truyền giáo : từ đan viện, thánh nhân đồng hành với họ bằng thư từ, lời cầu nguyện và liên lỉ dâng những hy sinh cho họ. Ngài cầu bầu cho các xứ truyền giáo, ẩn mình như một động cơ tiếp thêm sức mạnh cho cỗ xe tiến về phía trước, mà không có vẻ gì như thế. Thế nhưng, ngài thường không được hiểu thấu bởi các chị em đan sĩ của mình : ngài nhận được từ họ « nhiều gai hơn là hoa hồng », nhưng ngài đã chấp nhận mọi sự bằng tình yêu, bằng sự kiên nhẫn, bằng cách phó dâng những xét đoán và hiểu lầm này cùng với bệnh tật của mình. Và ngài đã làm như thế cách vui tươi, và ngài đã làm như thế vì nhu cầu của Giáo hội, để, như ngài từng nói, « hoa hồng được tuôn đổ trên mọi người », cách đặc biệt trên những người xa xôi nhất.

Nhưng bây giờ, tôi tự hỏi, chúng ta có thể tự hỏi, lòng nhiệt thành này của ngài đến từ đâu, sức mạnh truyền giáo và niềm vui cầu bầu này ? Hai giai đoạn xảy ra trước khi thánh Têrêsa vào đan viện giúp chúng ta hiểu được điều này. Giai đoạn đầu tiên liên quan đến ngày thay đổi cuộc đời của ngài – một ngày đã thay đổi cuộc đời của ngài -, Lễ Giáng Sinh năm 1886, Thiên Chúa đã làm một phép lạ trong tâm hồn của ngài. Thánh Têrêsa sắp tròn 14 tuổi. Là con út, ở nhà ngài được mọi người cưng chiều nhưng được giáo dục tốt. Trở về nhà từ buổi lễ nửa đêm, cha của ngài, rất mệt mỏi, không muốn giúp mở quà của con gái mình và nói : « Cảm ơn Chúa, đây là năm cuối cùng ! », bởi vì ở tuổi 15, người ta không còn làm điều đó nữa. Thánh Têrêsa, bản tính rất nhạy cảm và mau chảy nước mắt, bị tổn thương vì điều đó, đã lên phòng và khóc. Nhưng ngài đã nhanh chóng kìm nước mắt lại, lại đi xuống và, lòng đầy niềm vui, chính ngài đã làm cho cha mình vui như thế. Vậy chuyện gì đã xảy ra ? Đêm đó, khi Chúa Giêsu đã trở nên mong manh vì tình yêu, thánh nhân đã trở nên mạnh mẽ trong tâm hồn mình – một phép lạ thực sự : trong một vài khoảnh khắc, ngài đã thoát khỏi ngục tù của sự ích kỷ và tủi thân của mình và ngài bắt đầu cảm thấy rằng « đức ái đi vào tâm hồn của mình – đó là những gì ngài nói – với nhu cầu quên đi chính mình » (x. Thủ bản A, 133-134). Từ lúc đó, ngài hướng lòng nhiệt thành của mình đến người khác, để họ tìm thấy Thiên Chúa, và thay vì tìm kiếm an ủi cho chính mình, ngài tự đặt cho mình nhiệm vụ « an ủi Chúa Giêsu, « làm cho Người được các linh hồn yêu mến », vì – thánh Têrêsa lưu ý – « Chúa Giêsu mắc bệnh tình yêu và […] căn bệnh tình yêu chỉ có thể được chữa lành bởi tình yêu » (Thư gởi Marie Guérin, tháng Bảy năm 1890). Vì thế, đó là mục tiêu hằng ngày của thánh nhân : « Làm cho Chúa Giêsu được yêu mến » (Thư gởi chị Céline, ngày 15/10/1889), cầu bầu để người khác có thể yêu mến Người. Thánh nhân viết : « Con muốn cứu vớt các linh hồn và quên mình vì họ : con muốn cứu vớt họ ngay cả sau khi con chết » (Thư gởi cha Roullna, 19/3/1897). Nhiều lần, ngài nói : « Con sẽ trải qua thiên đường của mình để làm điều tốt lành trên trần gian ». Đó là giai đoạn đầu tiên đã làm thay đổi đời ngài năm 14 tuổi.

Và lòng nhiệt thành của ngài đặc biệt hướng đến các tội nhân, hướng đến « những người ở xa ». Đây là những gì giai đoạn hai cho thấy. Thật thú vị : Thánh Têrêsa biết được sự tồn tại của một kẻ tội phạm bị kết án tử hình vì những tội ác khủng khiếp, tên anh ta là Enrico Pranzini – thánh nhân viết tên : bị kết tội sát hại dã man ba người, anh ta bị định đưa lên máy chém, nhưng không muốn nhận được sự an ủi của đức tin. Thánh Têrêsa nhớ rõ anh ta và làm tất cả những gì mình có thể : bằng mọi cách ngài cầu nguyện cho anh ta hoán cải, để người mà chị gọi với lòng trắc ẩn huynh đệ là « Pranzini tội nghiệp » có một dấu hiệu nhỏ là ăn năm sám hối và dành chỗ cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng mà thánh Têrêsa tin tưởng một cách tuyệt đối. Việc hành quyết diễn ra. Ngày hôm sau, thánh Têrêsa đọc trong nhật báo rằng Pranzini, ngay trước khi đặt đầu mình trên đoạn đầu đài, « đột nhiên, bị một soi sáng bất ngờ, quay lại, nắm lấy Thánh giá mà linh mục đưa cho anh ta và ba lần hôn lên các vết thương thánh » của Chúa Giêsu. Thánh nhân giải thích : « Lúc đó linh hồn của anh ta đi đón nhận bản án thương xót của Đấng đã tuyên bố rằng trên Trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi duy nhất ăn năn sám hối hơn là chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn ! » (Thủ bản A, 135).

Thưa anh chị em, đó là sức mạnh chuyển cầu do đức ái thúc đẩy, đó là động cơ của truyền giáo. Quả thế, các nhà truyền giáo mà thánh Têrêsa là bổn mạng, không chỉ là những người trải qua những đoạn đường dài, học biết những ngôn ngữ mới, làm những việc thiện và có năng khiếu rao giảng ; không, nhà truyền giáo cũng là người sống như một khí cụ của tình yêu Thiên Chúa ở nơi mình sống ; chính họ làm mọi sự để, qua chứng tá, lời cầu nguyện và sự chuyển cầu của mình, Chúa Giêsu được tỏ hiện. Và chính lòng nhiệt thành tông đồ, chúng ta hãy luôn nhớ điều đó, không bao giờ tiến hành bằng việc chiêu dụ tín đồ – không bao giờ ! – hoặc bằng sự ép buộc – không bao giờ !, nhưng bằng sự thu hút : đức tin được nảy sinh bằng sự thu hút, chúng ta không trở thành Kitô hữu bởi vì chúng ta bị ai đó ép buộc, không, nhưng bởi vì chúng ta bị tình yêu đánh động. Trước biết bao phương tiện, phương pháp và cơ cấu, đôi khi chệch hướng khỏi điều cốt yếu, Giáo hội đặc biệt cần đến những tâm hồn như tâm hồn của thánh Têrêsa, những tâm hồn lôi kéo đến mọi người đến với tình yêu và đến gần Thiên Chúa hơn. Và chúng ta hãy cầu xin với thánh nhân – chúng ta đang có thánh tích ở đây – chúng ta hãy cầu xin thánh nhân ơn vượt lên sự ích kỷ của mình và chúng ta hãy cầu xin sự say mê chuyển cầu, chuyển cầu để sự thu hút này được lớn hơn nơi mọi người và để Chúa Giêsu được biết và yêu mến.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31