KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM A : RAO GIẢNG VÀ SỐNG SỰ GẦN GŨI CỦA CHÚA GIÊSU
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 18/6/2023, Đức Phanxicô mời gọi sống « thực tại căn bản của cuộc sống : sự gần gũi của Thiên Chúa, sự gần gũi của Chúa Giêsu » trong cuộc sống chúng ta, vì « bằng cách ở gần Thiên Chúa, chúng ta chiến thắng sợ hãi, chúng ta mở lòng ra cho tình yêu, chúng ta lớn lên trong sự tốt lành và chúng ta cảm thấy niềm vui rao giảng ».
Nhưng rao giảng Thiên Chúa ở gần cũng mời gọi « hãy nhân danh Chúa mà thực hiện nhiều việc làm yêu thương và hy vọng », « chứng tá cho không và phục vụ », là « biết cách khơi gợi lòng can đảm cho người khác, biết gần gũi những người đau khổ và cô đơn… ».
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với những người, trong những ngày tôi ở bệnh viện Gemelli, đã bày tỏ tình cảm, sự quan tâm và tình bạn đối với tôi, và đã đảm bảo với tôi về sự nâng đỡ trong lời cầu nguyện. Sự gần gũi nhân bản và sự gần gũi tinh thần này đã giúp đỡ và an ủi tôi rất nhiều. Cảm ơn tất cả anh chị em ! Cảm ơn anh chị em ! Tôi chân thành cảm ơn anh chị em!
Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu gọi đích danh – Ngài gọi đích danh – và sai mười hai Tông đồ đi. Khi sai họ đi, Ngài yêu cầu họ chỉ rao giảng một điều: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần’” (Mt 10, 7). Đó cũng chính là lời rao giảng mà Chúa Giêsu đã bắt đầu việc rao giảng của mình: Nước Thiên Chúa, nghĩa là quyền lực tình yêu, đã đến gần, Nước Thiên Chúa đến giữa chúng ta. Và đây không phải chỉ là một mẩu tin trong số các mẩu tin khác, không, nhưng là thực tại căn bản của cuộc sống: sự gần gũi của Thiên Chúa, sự gần gũi của Chúa Giêsu.
Thật vậy, nếu Thiên Chúa của thiên đàng đang ở gần, thì chúng ta không đơn độc trên trái đất, và ngay cả trong khó khăn chúng ta không đánh mất đức tin. Đây là điều đầu tiên phải nói với mọi người: Thiên Chúa không ở đâu xa, nhưng Ngài là một người Cha. Thiên Chúa không ở xa, Ngài là một người Cha, Ngài biết bạn và yêu thương bạn; Ngài muốn nắm lấy tay bạn, ngay cả khi bạn đi trên những con đường dốc dát và gồ ghề, ngay cả khi bạn sa ngã và chiến đấu để đứng dậy và trở lại con đường. Ngài, là Chúa, ở đó với bạn. Thật vậy, thường vào những lúc bạn yếu đuối nhất, bạn có thể cảm thấy sự hiện diện của Ngài mạnh mẽ hơn. Ngài biết đường đi, Ngài ở với bạn, Ngài là Cha của bạn! Ngài là Cha của tôi! Ngài là Cha của chúng ta!
Chúng ta hãy ở lại với hình ảnh này, bởi vì rao giảng Thiên Chúa gần gũi với chúng ta là đang mời gọi bạn suy nghĩ như một người con, được cha bế trên tay : mọi thứ dường như khác hẳn. Thế giới, rộng lớn và bí ẩn, trở nên quen thuộc và an toàn vì đứa con biết mình được bảo vệ. Nó không sợ hãi, và học cách cởi mở : nó gặp gỡ người khác, tìm những người bạn mới, vui vẻ học hỏi những điều mà nó không biết, và rồi trở về nhà và kể cho mọi người nghe những gì nó đã thấy, trong khi trong nó nảy sinh sự khao khát trở thành người lớn và làm những điều nó đã thấy cha nó làm. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu bắt đầu từ đây, đó là lý do tại sao sự gần gũi của Thiên Chúa là lời rao giảng đầu tiên : bằng cách ở gần Thiên Chúa, chúng ta chiến thắng sợ hãi, chúng ta mở lòng ra cho tình yêu, chúng ta lớn lên trong sự tốt lành và chúng ta cảm thấy niềm vui rao giảng.
Nếu chúng ta muốn trở thành những tông đồ tốt, chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ : chúng ta phải ngồi « trong lòng Thiên Chúa » và, từ đó, nhìn thế giới với lòng tin tưởng và yêu thương, để có thể làm chứng rằng Thiên Chúa là Cha, rằng chỉ một mình Ngài biến đổi tâm hồn chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui và sự bình an mà chính chúng ta không thể đạt được.
Rao giảng rằng Thiên Chúa đang ở gần – nhưng chúng ta có thể làm điều này như thế nào ? Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kể lại và khuyên đừng nói nhiều lời, nhưng hãy nhân danh Chúa mà thực hiện nhiều việc làm yêu thương và hy vọng. Đừng nói nhiều lời, hãy thể hiện những việc làm ! Chúa nói : « Chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy » (Mt 10, 8). Đây là trọng tâm của lời rao giảng : chứng tá cho không, phục vụ. Tôi sẽ nói với anh chị em một điều : tôi luôn bối rối, rất bối rối, trước « những người nói nhiều » với những lời nói không ngừng và không có hành động nào.
Về điểm này, chúng ta hãy đặt một vài câu hỏi : chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa gần gũi, tôi tự hỏi : chúng ta có tâm sự với Ngài không ? Chúng ta có biết cách tin tưởng nhìn về phía trước, như đứa con biết mình được ẵm trong vòng tay của cha không ? Chúng ta có biết ngồi trong lòng Chúa Cha bằng lời cầu nguyện, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các Bí tích không ? Và cuối cùng, ở gần Ngài, chúng ta có biết cách khơi gợi lòng can đảm cho người khác, biết gần gũi những người đau khổ và cô đơn, những người xa cách và cả những kẻ thù địch không ? Đây là bản chất của đức tin. Đây là những gì đáng quan tâm.
Và giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Maria ; xin Mẹ giúp chúng ta cảm thấy mình được yêu thương và thông truyền sự gần gũi và tin tưởng.
———————————
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện cho dân tộc Ucraina bị hành hạ – chúng ta đừng quên họ ! – đang đau khổ rất nhiều”.
———————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024