LỄ CHÚA BA NGÔI: HUYỀN NHIỆM CỦA THIÊN CHÚA

Written by xbvn on Tháng Năm 22nd, 2013. Posted in Năm C, Nguyễn Văn Nội

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người không chỉ để cứu chuộc loài người mà còn để mạc khải Huyền Nhiệm của Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hội Thánh cử hành Lễ Chúa Ba Ngôi là để tín hữu tôn kính và mến chuộng Huyền Nhiệm Ba Ngôi ấy. Và còn là để mỗi tín hữu đi sâu vào Huyền Nhiệm và sống trong Huyền Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa!

 II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Cn 8, 22-31): Trước khi có mặt đất, Đức Khôn Ngoan đã được sinh ra. 22Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa nói thế này: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. 23Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. 24Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. 25Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra, 26khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ. 27Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm, 28khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, 29khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất. 30Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, 31vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Rm 5,1-5): Do tình yêu mà Thánh Thần đổ vào lòng ta, ta đến cùng Chúa Cha, nhờ Đức Ki-tô.  1Vậy, thưa anh em, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 2Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. 3Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; 4ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. 5Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.            

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Ga 16,11-15): Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy, Thần Khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.  12Khi ấy Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thày còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. 15Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)    

3.1.1 Bài đọc 1 (Cn 8, 22-31) là đoạn Sách Châm Ngôn nói về Đức Khôn Ngoan ở nơi Thiên Chúa. Thật ra không chỉ là một nhân đức, một phẩm chất hay một cung cách nhưng là một cách biểu hiện, một ngôi vị, Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần.

àTrong đoạn sách Cn 8, 22-31 trên, trước hết chúng ta thấy Chúa Thánh Thần đã có mặt bên Thiên Chúa trước ngày trời đất được tạo dựng và với tư cách là thợ cả, tức là người thực hiện những ý định (tạo dựng và cứu độ) của Thiên Chúa. Kế đến, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần gần gũi gắn bó với Thiên Chúa như hình với bóng. Và sau cùng chúng ta biết Chúa Thánh Thần là niềm vui của cả Thiên Chúa lẫn của loài người.

3.1.2 Bài đọc 2 (Rm 5,1-5) là những lời của Thánh Phao-lô nói về những ơn huệ đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho những kẻ tin: trước hết là ơn bình an; kế đến là ơn đến được với Thiên Chúa tức tiếp cận được Thiên Chúa; và sau cùng là ơn vững lòng trông cậy, cả trong lúc bình thường lẫn trong cảnh gian truân và nhất là trong cảnh gian truân thử thách.

àTrong đoạn Thư Rm 5,1-5 trên, chúng ta thấy hình ảnh của Thiên Chúa Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần là một Thiên Chúa duy nhất và ban mọi ơn cần  thiết cho chúng ta.

3.1.3 Bài Tin Mừng (Ga 16,11-15) là những lời căn dặn của Chúa Giê-su nói với các môn đệ, về vai trò và công việc của Chúa Thánh Thần: Người tiếp nối và hoàn thành công việc mà Chúa Giê-su đã khởi sự: mạc khải sự thật của Thiên Chúa và giúp các môn đệ hiểu và sống theo giáo huấn chân thật của Chúa Giê-su Ki-tô.

àQua Bài Phúc Âm Ga 16,11-15 chúng ta thấy mối hiệp thông sâu sắc giữa Chúa Cha, Chúa Con (Chúa Giê-su Ki-tô) và Chúa Thánh Thần. Mọi ‘tài sản’ đều là của chung. Mọi hành động đều cùng thực hiện và quy về nhau. Vì thế giáo lý Hội Thánh mới dậy chúng ta về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)    

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được tìm thấy trong lời này của chính Chúa Giê-su trong Phúc Âm Gio-an:

“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.”

Và  “Chúa Thánh Thần lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần là Đấng vì yêu thương đã sang tạo vũ trụ vạn vật và cứu độ nhân loại. Hơn nữa Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần còn đến sống với con người.

 4.2 Thực thi sứ điệp của Lời Chúa 

Xin được đề nghị hai điều sau đây:

4.2.1 Sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần:

(a) Với Chúa Cha, chúng ta sống như một người con hiếu thảo: sống gắn bó, tùng phục và yêu mến.

(b) Với Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta sống như một người em ruột thịt và một môn đệ tín trung: sống mật thiết và đi theo con đường của Thầy.

(c) Với Chúa Thánh Thần, chúng ta sống như một người bạn chí cốt và như một đền thờ sống động của Thiên Chúa: sống gần gũi và công chính.

4.2.2 Thể hiện đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi ra bên ngoài:

(a) Tìm mọi cách thể hiện Tình Huynh Đệ với mọi người vì tất cả đều thuộc gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, đều là anh chị em, là chi thể của nhau, liên đới chặt chẽ với nhau.

(b) Nỗ lực hết sức mình để thể hiện Tình Hiệp Thông và Chiều Kích Cộng Đoàn với hết mọi người, không phân biệt mầu da, chủng tộc, thành phần xã hội; vì bản chất thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi là Hiệp Thông và Cộng Đoàn và kế hoạch đời đời của Thiên Chúa Ba Ngôi là qui tụ hết mọi người, mọi dân tộc thành một đại gia đình là Vương Quốc Tình Thương và Đại Đồng!

 V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI LOÀI NGƯỜI VÀ CHO HỘI THÁNH

5.1 «Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới, để họ mau chóng nhận ra Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng Vũ Trụ Vạn Vật và loài người.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

  5.2 «Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công Giáo toàn cầu và cách riêng cho Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam để mọi thành phần Dân Chúa, từ Đức Giáo Hoàng cho đến người giáo dân, biết sống và thể hiện Huyền Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 5.3 «Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những ai sống hờ hững với đời sống đức tin, để mọi người quan tâm đến việc học hỏi Giáo Lý, Thánh Kinh nhằm hiểu biết và sống thân mật hơn với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 5.4 «Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người đang sống trong cảnh gian truân thử thách và bách hại vì đức tin, để họ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần nâng đỡ, ủi an!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.              

 

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30