CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM C: “ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?”

Written by xbvn on Tháng Sáu 18th, 2013. Posted in Năm C, Nguyễn Văn Nội

 I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Trong hàng ngũ giáo dân Việt Nam không biết có bao nhiêu người đã “ngộ” ra được điều cốt yếu nhất của người Ki-tô hữu là mối tương quan riêng tư, cá vị của mình với Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa? Nói cách khác điều quan trọng nhất đối với mỗi người tín hữu là người ấy xem Đức Giê-su là ai đối với mình: Đức Giê-su có phải là Đấng Ki-tô, có nghĩa là Đấng được xức dầu tấn phong làm sứ giả của Thiên Chúa hay chỉ là một cái bóng mờ, một nhân vật xa vời không có liên hệ gì với ta? Câu hỏi mà Đức Giê-su đặt ra với các môn đệ trong Sách Phúc Âm, cũng là câu hỏi Người đặt ra với mỗi anh chị em chúng ta hôm nay: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Và một khi chúng ta Đức Giê-su là ai đối với mình thì vấn đề tiếp theo là chúng ta có muốn đi con đường mà Người đã đi không? là chúng ta có muốn giống như Người không?

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Dcr 12,10-11;13,1): Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã dâm thâu. 10 Đức Chúa phán thế này: “Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng.  11 Ngày ấy, tiếng khóc than sẽ vang dội khắp Giê-ru-sa-lem, như người ta than khóc thần Ha-đát Rim-môn ở cánh đồng Mơ-ghít-đô.”

13/1 Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế.

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Gl 3, 26-29): Bất cứ ai trong anh em được thanh tầy đều mặc lấy Đức Ki-tô. 26 Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.  27 Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.  28 Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.  29 Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa.

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 9,18-24):  Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa… Con Người phải chịu đau khổ nhiều. 18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” 19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”  20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

 III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh     

3.1.1 Bài đọc 1 (Dcr 12,10-11;13,1) là sấm ngôn của Thiên Chúa về hồng ân mà Người sẽ ban cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, để họ nhận ra tội lỗi tầy trời của họ là đã đóng đinh Đấng Mê-si-a hay Người Tôi Trung của Thiên Chúa.

 Qua đoạn sách Dcr này chúng ta nhìn ra Đấng Mê-si-a đau khổ, Đức Chúa bị đóng đinh và chết treo trên thập giá vì tội lỗi Ít-ra-en và tội lỗi nhân loại.

 3.1.2 Bài đọc 2 (Gl 3, 26-29) là một đoạn trích thư của Thánh Phao-lô viết cho giáo đoàn Ga-lát về hiệu quả của Đức Tin: Đức Tin làm cho mọi tín hữu trở thành con cái Thiên Chúa trong Chúa Giê-su Ki-tô và nên kẻ thừa kế của Lời Hứa.

Qua đoạn Thư Ga-lát của Thánh Phao-lô, chúng ta biết được rằng: Đức Tin đã làm cho chúng ta thành con cái Thiên Chúa và cho chúnng ta được hưởng mọi ân huệ mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại và nhà Ít-ra-en qua Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp, Mô-sê và Chúa Ki-tô.

 3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 9, 18-24) là một trong những trang Phúc âm nhiều ý nghĩa nhất của Tin Mừng Lu-ca, vì trong đó chẳng những

(a) Đức Giê-su yêu cầu các môn đệ tuyên xưng Người là ai mà

(b) Người còn mạc khải về thân phận của Người là Đấng Mê-si-a đau khổ của Thiên Chúa và

(c) vạch ra con đường dẫn tới sự sống thật cho tất cả những ai muốn bước theo chân Người: đó là con đường hy sinh, từ bỏ và vác thập giá vì Tin Mừng!

 Qua đoạn Phúc âm Lu-ca này mỗi độc giả được đặt đối diện trực tiếp với Chúa Giê-su Ki-tô và con đường thập giá của Người, để mỗi người chọn lựa: tin hay không tin và theo hay không theo.

 3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

Nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a (Ki-tô) đau khổ của Thiên Chúa và quyết tâm bước theo chân Người trên con đường hy sinh, từ bỏ và hiến mình cho Tin Mừng Cứu Độ!

 IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng ban ơn ăn năn sám hối cho con cái thành Giê-ru-sa-lem (Hội Thánh) vì tội giết chết Con Thiên Chúa trên thập giá. Sống với Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Mê-si-a bị đóng đinh thập giá để cho chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa và người thừa hưởng tất cả mọi phúc lộc mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại qua dòng lịch sử Cứu Độ.

 4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

Bằng lời nói và nhất là bằng việc làm cụ thể, nhìn nhận/tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a đau khổ của Thiên Chúa và quyết tâm bước theo chân Người trên con đường hy sinh, từ bỏ và hiến mình cho Tin Mừng Cứu Độ!

 V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người đón nhận được hồng ân của Thiên Chúa để hướng tâm hồn về Chúa và sống đẹp lòng Người!

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 5.2 «Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để, nhờ Đức Tin, mọi người thực sự trở thành con cái Thiên Chúa và được thừa hưởng mọi phúc lộc Thiên Chúa hứa ban!

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 5.3 «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người còn thờ ơ với đời sống thiêng liêng, để mọi người có cảm nghiệm thâm sâu về Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng chết trên thập giá và phục sinh từ cõi chết, và có một lòng yêu mến Người nồng nàn.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 5.4 «Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những ai còn lưỡng lự, tính toán hay hoài nghi sợ sệt mà không dám dứt khoát đi theo Chúa Ki-tô Giê-su và sống cho Tin Mừng Cứu Độ của Người!

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.   

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30