SUY NIỆM TIN MỪNG CN 13 TN C: MỐI BẬN TÂM DUY NHẤT

Written by xbvn on Tháng Sáu 29th, 2013. Posted in Cao Huy Hoàng, Năm C

 Tin mừng hôm nay cho thấy một chân dung Đức Giê-su, Đấng Messia, Đấng Ki-tô, Người đi xây dựng Nước Thiên Chúa, nhân vật cực kỳ quan trọng của Thiên Chúa trong nhiệm cuộc cứu chuộc nhân loại…, lại rất khác với những người quan trọng ở thế gian này:

         -Không bận tâm đến việc người ta tiếp đón linh đình bên ngoài, nhưng bận tâm đến việc người ta lắng nghe, hiểu và sống theo Lời của Thiên Chúa để hoán cải.

Vì làng Samari không đón tiếp Chúa cho đàng hoàng, ông Gia-cô-bê và Gioan đề nghị: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông.

           -Không bận tâm đến nơi ăn chốn ở, đến phương tiện, tiện nghi, nhưng bận tâm lo lắng cho con người ta có một chỗ trong lòng Thiên Chúa, trong Nước Thiên Chúa.

“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.

           -Không quá bận tâm đến việc hiếu kính cha mẹ ruột thịt, bà con thân thích, nhưng bận tâm về lòng hiếu kính đối với Cha trên trời, đối với bà con cùng một Cha trên trời.

“Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”.

 -Không bận tâm quá nhiều thứ chuyện trên đời, nhưng chỉ một bận tâm duy nhất là xây dựng Nước Thiên Chúa nơi trần gian này.

“Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”.

           Nếu tuần trước Chúa mời gọi chúng ta “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình” mà theo Chúa, thì tuần này Chúa lại bảo chúng ta dứt khoát với những bận tâm, vướng vấp không phù hợp với người đi loan báo và xây dựng Nước Thiên Chúa.

Những bận tâm ấy đôi khi cũng được xem là ắt có trong cuộc đời, thế nhưng, Chúa muốn chúng ta xem là không đáng bận tâm cho bằng bận tâm đến việc loan báo triều đại Nước Thiên Chúa. Danh xưng cũng phù du. Chức phận là hào nhoáng. Phương tiện là phụ thuộc. Tương quan nhân loại ở một chừng mực rất hữu hạn, vì chẳng có ai cùng đi với mình suốt hành trình đời người – chỉ có Chúa.

Nhờ Lời Chúa soi sáng để nhìn lại chính mình, quả thực, chúng ta còn quá bận tâm đến những điều vô bổ cho sự sống đời sau:

-Có người vẫn luôn miệng nói “tôi là người khiêm nhượng nhất”. Có người khác lại bảo: “Anh đã khiêm nhượng thì không cần chi phải nói, và đã khiêm nhượng rồi thì còn đòi cái nhất làm gì?”. Sao lại phải bận tâm đến chuyện người ta cần phải biết mình là người khiêm nhượng, là người đạo đức?  Để được trân trọng như người đạo đức chăng?

          Cũng vậy, có người vẫn thích được chào đón long trọng, được chào hỏi đúng chức đúng vị, được tiếp đãi nồng hậu vì tự cho mình là quan trọng trong Hội Thánh Chúa. Ai mà không tiếp đón đàng hoàng thì sẽ bị kết ngay tội khi quân. Hoặc là khi không được trọng vọng thì xem như mình đã bị xúc phạm, tổn thương! Từ đó, đâm ra không có thiện ý gì với người. Một người dẫn chương trình khi giới thiệu thành phần tham dự buổi tiệc mừng Tân Chức Linh Mục, có nói: “Xin giới thiệu ông Nguyễn văn A, chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ”…. vừa bước xuống, đã bị ông A véo vào tay: “tôi đã nói cậu là “kiêm chủ tịch Hội Gia Trưởng…nữa mà !”.

          Có người vẫn bận tâm chọn cho mình một chỗ ngồi trong nhà thờ, một chỗ đứng trong Hội Đoàn, nhất là phải ra sức tìm cho được một chỗ trong Hội Đồng Giáo Xứ, và vẫn mong cho mọi người kính nể mình cho đàng hoàng. Có người lại tỏ ra mình quen biết Đức Cha này, gặp gỡ Đức Cha kia, hay làm việc với đấng này, bậc nọ, như mình có uy tín với những người quan trọng trong Hội Thánh. Để mà chi? Có đáng bận tâm cho bằng chọn cho mình một chỗ trong lòng Thiên Chúa không?

          -Có người quá bận tâm đến cái ăn, cái ở, đến giấc ngủ, tiêu khiển, giải trí… vì cho rằng phải có sức khỏe mới phục vụ Chúa được. Đến khi có sức khỏe phì nhiêu thì chẳng thấy phục vụ ai, lại sa đà vào những đòi hỏi bất chính khác. Quả thực, thời này, người tông đồ của Chúa không dễ chấp nhận “ngày đầu trần, chân đất; đêm không nơi gối đầu”. Thay vào đó phải là “ngày xe hơi bạc tỷ, đêm máy lạnh quanh năm”. Nơi ở sang trọng, chỗ nằm tiện nghi, phương tiện cao cấp thì làm sao bận tâm hay cảm cảnh nổi bao mảnh đời cơ cực. Tôi bỗng nhớ chiếc xe Minsk của Cha Gioan NVH. “Cha cố gì mà chạy chiếc xe xấu hoắc, nổ như máy gạo!”. Thế nhưng, chính chiếc Minsk ấy, đã đưa cha đến bà con dân tộc nơi góc núi xa xôi trên Đèo Đông Giang, Đông Tiến, đến với người nghèo khu La Dạ, Đa Mi, đến với bao con chiên lạc ở Khu Thủy Điện Bình Thuận. Tôi bống nhớ đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô đi xe buýt. Ngài không thể có phương tiện nào khá hơn sao?

          -Ngay cả việc tưởng như là chính đáng nhất, đó là việc hiếu kính ông bà, cha mẹ, Chúa Giê-su cũng muốn chúng ta đừng quá bận tâm đến nỗi không thể chu toàn nhiệm vụ loan báo Nước Thiên Chúa. Ngược lại, thiết tưởng, việc hiếu kính Cha Mẹ phải được thực hiện bằng Đức Tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Không ai cùng đi với chúng ta hết một hành trình. Việc báo hiếu đối với cha mẹ cũng ở một chừng mực nhất định, vì chúng ta không thể lo lắng hay đáp đền công ơn cha mẹ cho cân xứng, nếu không có ơn Chúa trợ giúp. Vì vậy, “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết” là trọn niềm phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Chính sự phó thác ấy là một minh chứng cho quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, cho Triều Đại Nước Thiên Chúa vậy.

Chúa Giê-su thật có lý khi cảnh báo cho chúng ta điều này: từ những mối bận tâm thuộc về thế gian tưởng như là chính đáng dẫn chúng ta đến chỗ bận vướng, cản trở bước đi của người tông đồ, hoặc đến chỗ vướng vấp làm dừng lại bước chân của người đi loan báo Nước Thiên Chúa. Bởi vậy, mối bận tâm lớn nhất của chúng ta phải là có một chỗ trong lòng Thiên Chúa, cho mình, và cho người khác.

Các thánh nhân là những người phàm tục đã biết chọn lựa cho mình mối bận tâm chính đáng nhất: chiếm được Chúa Giê-su Ki-tô làm gia nghiệp đời mình.

Ngày 13-3-2013, cả thế giới vui mừng với tin “Habemus Papam”, “chúng ta đã có Giáo Hoàng”. Và đặc biệt hơn, một Đức Giáo Hoàng có cách sống thật giản dị: không bận tâm đến ngai vàng, chức vụ, phương tiện…nhưng nên giống Chúa Giê-su khiêm tốn, đơn sơ, yêu thương phục vụ .

          Ước gì Đức Thánh Cha sẽ nên mẫu gương cho chúng ta về mối bận tâm duy nhất: Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con từ chỗ bận tâm đến vướng vấp, rồi lệ thuộc quá nhiều vào những thực tại trần gian. Xin cho chúng con biết dứt khoát với những bận tâm không đáng, để chỉ còn một mối bận tâm duy nhất là hoàn toàn thuộc về Chúa mà thôi. A men.

 PM. Cao Huy Hoàng, 29-6-2013

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30