BÀI GIÁO LÝ VỀ TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC – BÀI 9 : GHEN TỴ VÀ HÁO DANH
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, trong các bài giáo lý về tật xấu và nhân đức, giờ đây chúng ta chuyển sang thói ghen tỵ và háo danh. Thói ghen tỵ, vốn đã hiện diện trong câu chuyện của Cain và Abel, là một sức mạnh hủy diệt được thúc đẩy bởi sự oán giận đối với người khác, và có thể dẫn đến lòng căm thù chết người. Phương thuốc chữa trị sự ghen tỵ nằm trong lời khuyên của Thánh Phaolô: “Hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12, 10). Thói háo danh được đánh dấu bằng lòng tự trọng bị thổi phồng, khao khát được khen ngợi liên tục và thường có xu hướng lợi dụng người khác vì mục đích riêng của mình. Tấm gương của Thánh Phaolô về việc tự hào về sự yếu đuối của mình thay vì thành tích mang lại một cách hiệu quả để vượt qua thói háo danh. Ước gì chúng ta, giống như ngài, biết rằng ân sủng của Thiên Chúa là đủ, vì sức mạnh của Ngài được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối, và càng vui vẻ tự hào về những yếu đuối của chúng ta, để sức mạnh của Chúa Kitô có thể giải phóng chúng ta để yêu thương người khác một cách quảng đại hơn.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 28/2/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay chúng ta xem xét hai tật xấu chết người mà chúng ta tìm thấy trong các danh sách lớn mà truyền thống tâm linh đã để lại cho chúng ta: ghen tỵ và háo danh.
Chúng ta hãy bắt đầu với thói ghen tỵ. Nếu chúng ta đọc Thánh Kinh (x. Stk 4), thì chúng ta thấy nó như một trong những tật xấu lâu đời nhất: Cain bộc lộ sự căm ghét Abel khi anh ta nhận ra rằng những hy lễ của em trai mình đều đẹp lòng Thiên Chúa. Cain là con đầu lòng của Adam và Eva, anh ta được hưởng phần thừa kế lớn nhất của cha mình; Tuy nhiên, chỉ cần em trai Abel thành công trong một việc nhỏ là đủ khiến Cain nổi cơn thịnh nộ. Khuôn mặt của kẻ ghen tỵ luôn buồn bã: anh ta luôn nhìn xuống, dường như anh ta không ngừng nghiên cứu tỉ mỉ mặt đất; nhưng thực tế thì anh ta chẳng thấy gì cả, bởi vì tâm trí anh ta đang bị bao bọc bởi những ý nghĩ đầy ác độc. Sự ghen tỵ, nếu không được kiểm soát, sẽ dẫn đến căm ghét người khác. Abel sẽ bị giết dưới tay Cain, người không thể chịu nổi hạnh phúc của em trai mình.
Ghen tỵ là một điều xấu vốn không chỉ được nghiên cứu trong phạm vi Kitô giáo: nó còn thu hút sự chú ý của các triết gia và nhà thông thái thuộc mọi nền văn hóa. Căn bản của nó là mối quan hệ giữa ghét và yêu: một người mong muốn điều xấu cho người khác, nhưng lại thầm mong muốn được như người khác. Người khác là sự hiển linh về những gì chúng ta muốn trở thành, và những gì chúng ta thực sự không phải. Vận may của người khác dường như là một sự bất công: chắc chắn, chúng ta tự nghĩ, chúng ta xứng đáng với những thành công hoặc vận may của người ấy hơn nhiều!
Gốc rễ của tật xấu này là một ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa: chúng ta không chấp nhận rằng Thiên Chúa có “toán học” của riêng Ngài, khác với toán học của chúng ta. Chẳng hạn, trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về những người thợ được ông chủ gọi đi làm vườn nho vào những thời điểm khác nhau trong ngày, những người vào giờ đầu tiên tin rằng họ được trả lương cao hơn những người đến sau cùng; nhưng ông chủ trả công cho mọi người như nhau và nói: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tỵ? ” (Mt 20, 15). Chúng ta muốn áp đặt lôgic ích kỷ của mình lên Thiên Chúa; thay vào đó, lôgic của Thiên Chúa là tình yêu. Những điều tốt đẹp Ngài ban cho chúng ta đều có ý nghĩa để được chia sẻ. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô khuyên các Kitô hữu: “Hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12, 10). Đó là phương thuốc cho thói ghen tỵ!
Và bây giờ chúng ta đến với tật xấu thứ hai mà chúng ta xem xét ngày hôm nay: thói háo danh. Nó đi đôi với quỷ ghen tỵ, và cùng nhau, hai tật xấu này là đặc điểm của một người khao khát trở thành trung tâm của thế giới, tự do khai thác mọi thứ và mọi người, đối tượng của mọi lời khen ngợi và yêu mến. Thói háo danh là lòng tự trọng bị thổi phồng và không có cơ sở. Kẻ háo danh sở hữu một cái “tôi” khó điều khiển: họ không có sự đồng cảm và không để ý đến sự kiện rằng trên thế giới này còn có những người khác ngoài họ. Các mối quan hệ của họ luôn mang tính công cụ, được đánh dấu bằng sự thống trị người khác. Con người của họ, những thành tựu của họ, những thành tích của họ phải được cho mọi người thấy: họ là kẻ luôn ăn xin sự chú ý. Và nếu đôi khi những phẩm chất của họ không được thừa nhận, thì họ sẽ trở nên tức giận dữ dội. Những người khác không công bằng, họ không hiểu, họ không theo kịp điều đó. Trong các tác phẩm của mình, Evagrius Ponticus mô tả chuyện cay đắng của một đan sĩ nào đó bị thói háo danh tấn công . Chuyện xảy ra là sau những thành công đầu tiên trong đời sống tâm linh, thầy cảm thấy rằng mình đã thành công, nên đã lao vào thế gian để nhận được lời khen ngợi. Nhưng thầy không nhận ra rằng mình chỉ mới bắt đầu con đường tâm linh, và một sự cám dỗ đang rình rập sẽ sớm hạ gục thầy.
Để chữa lành thói háo danh, các bậc thầy tâm linh không đề xuất nhiều phương thuốc. Vì cuối cùng, quỷ háo danh tự nó đã có phương thuốc: lời khen ngợi mà kẻ háo danh hy vọng nhận được từ thế gian sẽ sớm quay lưng lại với anh ta. Và biết bao nhiêu người, bị đánh lừa bởi một hình ảnh sai lầm về bản thân, sau đó đã rơi vào những tội lỗi mà họ sẽ sớm phải xấu hổ!
Hướng dẫn tốt nhất để vượt qua thói háo danh có thể được tìm thấy trong chứng từ của Thánh Phaolô. Thánh Tông đồ luôn để tâm đến một khuyết điểm mà ngài không bao giờ có thể khắc phục được. Ba lần ngài cầu xin Chúa giải thoát ngài khỏi cực hình đó, nhưng cuối cùng Chúa Giêsu đã trả lời: “Ơn Thầy đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Từ ngày đó thánh Phaolô được giải thoát. Và kết luận của ngài cũng nên trở thành kết luận của chúng ta: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12, 9).
———————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- BÉN RỄ SÂU VÀ LỮ HÀNH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
- “LUCE”, VATICAN GIỚI THIỆU LINH VẬT CHO NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 11. «NGÀI ĐÃ XỨC DẦU CHO CHÚNG TA VÀ ĐÃ ĐÓNG ẤN TÍN TRÊN CHÚNG TA». BÍ TÍCH THÊM SỨC, BÍ TÍCH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN ĐẦU TIÊN CỦA ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- DILEXIT NOS: “LINH ĐẠO LIÊN QUAN SÂU XA ĐẾN TÂM HỒN CON NGƯỜI”
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ ĐỊNH HÌNH GIÁO HỘI NGÀY MAI
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B : CHÚA GIÊSU ĐẾN GẦN CHÚNG TA NƠI NHỮNG NGƯỜI NGHÈO
- CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B – BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH : ĐỪNG NGỒI YÊN MÀ LOAN BÁO TIN MỪNG
- NGAI TÒA CỦA THÁNH PHÊRÔ ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG Ở VATICAN
- VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ ĐƯA GIÁO HỘI VÀO THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA
- “VĂN HÓA LẮNG NGHE TRONG THƯỢNG HỘI ĐỒNG NÀY LÀ MỘT ÂN HUỆ TUYỆT VỜI”
- ĐỨC PHANXICÔ THÔNG BÁO : MỘT THƯỢNG HỘI ĐỒNG KHÔNG CÓ TÔNG HUẤN
- TÍNH HIỆP HÀNH, MỘT SỰ HOÁN CẢI ĐỂ TRỞ NÊN TRUYỀN GIÁO HƠN
- “DILEXIT NOS”: CÁC TRƯỜNG PHÁI TU ĐỨC PHÁP ĐƯỢC VINH DANH TRONG THÔNG ĐIỆP MỚI
- LAURENT LANDETE: THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS LÀ “MỘT LIỆU PHÁP CHỐNG LẠI MỌI ĐAU KHỔ, MỌI THIẾU SÓT TRONG TÌNH YÊU”
- “DILEXIT NOS”: MỘT CUNG GIỌNG MỚI
- “DILEXIT NOS”: TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ QUAN TÂM ĐẾN THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU