MƯỜI PHỤ NỮ XÂY DỰNG GIÁO HỘI, NHỮNG TẤM GƯƠNG ĐỐI THOẠI VÀ PHẨM GIÁ

Written by xbvn on Tháng Ba 1st, 2024. Posted in Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Vào các ngày 7-8/3/2024, Đại học Giáo hoàng Thánh Giá ở Rôma sẽ tổ chức một hội thảo liên đại học về các vị thánh nữ, những “người sáng tạo của nhân loại”, mà những lời chứng của họ làm sáng tỏ ý nghĩa cuộc sống và mối quan hệ của con người với thế giới. Cuộc gặp gỡ này là kết quả của một mạng lưới đan xen giữa nhiều tổ chức học thuật.

Giới thiệu tại Học viện Giáo phụ Augustinianum về hội thảo “Phụ nữ trong Giáo hội: những người sáng tạo của nhân loại”

Một hội thảo văn hóa để suy tư về hành trình của mười người nữ phi thường, đây là mục tiêu của hội thảo liên đại học: “Phụ nữ trong Giáo hội: những người sáng tạo của nhân loại”, dự kiến ​​diễn ra vào các ngày 7-8/3/2024 tại Đại học Giáo hoàng Thánh Giá, và được giới thiệu vào thứ Tư ngày 28 tháng 2 tại Học viện Giáo phụ Augustinianum ở Rôma. Nữ tu, thừa sai và cả giáo dân, những người đã lập gia đình và những người mẹ, những  phụ nữ này đến từ các lục địa khác nhau, đã gieo rắc Lời Chúa bằng cách sống trọn vẹn đức tin của mình, trong một thế giới thường thù địch và đôi khi trong những điều kiện vô nhân đạo.

Mười người nữ thánh thiện

Cuộc gặp gỡ này là kết quả của mạng lưới đan xen giữa nhiều tổ chức học thuật, đặc biệt là Đại học Công giáo Ávila (UCAV), Đại học Giáo hoàng Urbanô, Đại học Giáo hoàng Thánh Giá, Viện Nghiên cứu Cao cấp về phụ nữ của Athenaeum Regina Apostolorum , và Khoa Thần học Giáo hoàng Teresianum ở Rôma. Sáng kiến ​​hai năm một lần, vào năm 2024, có kế hoạch suy tư về mười vị thánh nữ, những lời chứng của các vị sẽ được nhiều tham luận viên kể lại và bối cảnh hóa trong năm lĩnh vực: phẩm giá, đối thoại và hòa bình, bác ái giáo dục, bác ái cầu nguyện, tấm lòng nhân ái, sự phong nhiêu của năng khiếu.

Những vị thánh nữ này bao gồm: Thánh Josephine Bakhita (“Người may mắn”), một phụ nữ Sudan bị bán làm nô lệ và bị ngược đãi, đã trở thành thánh bảo trợ của Châu Phi; mà còn là đấng đáng kính Magdeleine Chúa Giêsu, người sáng lập Huynh đoàn các Tiểu Muội Chúa Giêsu, ban đầu chỉ dành riêng cho các dân tộc Hồi giáo, sống với những người du mục ở sa mạc Sahara Algeria, sau đó mở rộng ra toàn thế giới. Ngoài ra còn có Thánh Elizabeth Ann Seton, người thúc đẩy nhiều sáng kiến ​​bác ái vì người nghèo, đặc biệt là các góa phụ có con nhỏ, người phụ nữ Mỹ đầu tiên được phong thánh, cũng như Thánh Mary Mackillop là người đầu tiên ở Úc, người sáng lập dòng Nữ Tu Thánh Giuse Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Không quên Thánh Catarina Siêna, còn gọi là Maria Laura Montoya y Upeguí, người gốc Colombia; Thánh Catherine Tekakwitha, người gốc Bắc Mỹ đầu tiên được phong thánh; Thánh Têrêsa Calcutta, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế giới, người phục vụ người nghèo; tiếp đến là Rafqa Ar-Rayès, nữ tu người Lebanon thuộc Dòng Antonien Maronite. Cuối cùng, Chân phước Maria Beltrame Quattrocchi, vợ của Luigi, và tôi tớ của Chúa Daphrose Mukansanga, thuộc Cộng đồng Emmanuel, bị sát hại vào năm 1994 cùng với sáu trong số mười người con của bà, trong một gia đình Kitô giáo đích thực phải chịu đựng gánh nặng nặng nề của những căng thẳng giữa các bộ tộc và việc bị trục xuất.

Chủ đề nữ giới dưới ánh sáng của nhân học kép

Hội thảo sẽ không chỉ thu thập những suy tư lý thuyết mà, thông qua đối thoại, sẽ đề cập cuộc sống của họ để hiểu cách họ có thể truyền cảm hứng nên thánh trong cuộc sống hàng ngày. Phó thư ký của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, Gabriella Gambino, hy vọng rằng cuộc hội thảo sẽ dẫn đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn, từ góc độ giáo hội học, về cách nhường chỗ cho tính độc đáo của nữ giới để làm phong phú Giáo hội. Chính những người phụ nữ này là “những người giải thích một lối thông diễn Tin Mừng mà nhờ đó chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống, thế giới, con người, nhờ vào năng khiếu về một bầu không khí thiêng liêng mà họ đã biết cách tạo ra”. Làm thế nào chúng ta có thể khơi dậy sự quan tâm của nam giới theo hướng này? Đây là thách thức được đặt ra bởi Giáo sư Cristina Reyes, phó hiệu trưởng của Đại học Giáo hoàng Thánh Giá. Vấn đề không phải là đối lập các giới tính hay chỉ đề cập đến thế giới phụ nữ.

Phát biểu với truyền thông Vatican, Gabriella Gambino giải thích rằng ngày nay nói về vấn đề phụ nữ như thể đó là một lĩnh vực riêng biệt, là một điều chưa được hiểu đầy đủ. Bà nhận xét, điều quan trọng là phải đề cập đến chủ đề ơn gọi nữ giới trong Giáo hội trong mối tương quan với ơn gọi nam giới. Nhân học kép, mà Edith Stein và Gioan Phaolô II đã đề cập, là nền tảng ngày nay để tạo ra một cuộc đối thoại hữu hiệu và hiệu quả trong và ngoài Giáo hội. Phải có “sự hỗ tương giữa người nam và người nữ và sự bổ sung cần thiết để, trong Giáo hội, mọi ơn gọi có thể thể hiện mình theo năng khiếu và đặc sủng của mình, như chúng đã được Thiên Chúa phân phát”. Về phần mình, Giáo sư Lorella Congiunti, từ Đại học Giáo hoàng Urbanô, nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt qua bất kỳ hình thức hạn ngạch nào. Bà  tuyên bố : “Người nam và người nữ cùng nhau nhận thức đầy đủ về con người và hình ảnh của Thiên Chúa ở cấp độ siêu nhiên”.

Không phản đối, cũng không đòi hỏi

Ví dụ, giáo sư gợi ý nên “táo bạo hơn” trong con đường giao các vai trò hàng đầu trong các lĩnh vực học thuật, chẳng hạn như hiệu trưởng, cho phụ nữ giáo dân. Nhưng “rất nhiều việc đã được thực hiện,” Lorella Congiunti nói tiếp và đồng thời giải thích rằng về vấn đề này “không có sự cấm đoán theo luật định hay thành kiến ​​nào, đôi khi, như trường hợp của Urbaniana, vấn đề cũng là phải tính đến sự đa dạng văn hóa của sinh viên, để đánh giá sự phù hợp trong việc lựa chọn nam hay nữ để điều hành các trường đại học”.

Maria del Rosario Saez Yuguero, hiệu trưởng Đại học Ávila, đã tham gia vào chủ đề này, và bà diễn tả cách ngắn gọn vẻ đẹp của việc đảm nhận một vai trò như vậy, trong sự hợp tác đầy đủ với các đồng nghiệp nam của mình. Cuối cùng, bà nhắc lại, trong đại hội năm 2022, ba cơ sở giáo dục đã hỗ trợ các cô gái ở Lebanon, các cơ sở theo nghi lễ Latinh, Hy Lạp-Melkite và Maronite. Sự hỗ trợ năm nay nhằm vào trẻ em và các gia đình ở Aleppo, Syria. Một cách thức mà ủy ban khoa học có ý định kết hợp đức tin và việc làm, bằng cách theo lời chứng của những người phụ nữ được đề cập trong các cuộc hội thảo.

Tý Linh

(theo Antonella Palermo, Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Việt Vatican

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30