BÀI GIÁO LÝ VỀ TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC – BÀI 12. NHÂN ĐỨC KHÔN NGOAN

Written by xbvn on Tháng Ba 20th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, bài giáo lý hôm nay tập trung vào nhân đức khôn ngoan, một trong những nhân đức bản lề. Đức khôn ngoan là khả năng điều khiển các hành động để hướng chúng đến sự thiện. Người khôn ngoan không lựa chọn cách ngẫu nhiên, họ suy nghĩ về các tình huống trước khi quyết định con đường mình đi. Họ biết cách lưu giữ ký ức về quá khứ và họ cũng là người biết nhìn xa. Nhiều đoạn Tin Mừng giúp chúng ta giáo dục sự khôn ngoan và Chúa Giêsu đã khuyên dạy điều đó cho các môn đệ của Người. Điều này cho thấy Thiên Chúa không muốn chúng ta chỉ trở thành người thánh thiện, nhưng còn là người thánh thiện thông minh, vì nếu không khôn ngoan, thì rất dễ lạc lối.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 20/3/2024 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Bài giáo lý hôm nay nói về nhân đức khôn ngoan. Cùng với các nhân đức công bằng, can đảm và tiết độ, nó hình thành nên những gì chúng ta gọi là các nhân đức bản lề. Các nhân đức này không phải là đặc quyền của người Kitô hữu, nhưng thuộc về di sản của sự khôn ngoan cổ xưa, đặc biệt là của các triết gia Hy Lạp. Đây là lý do tại sao một trong những chủ đề thú vị nhất của công việc gặp gỡ và hội nhập văn hóa chính là vấn đề các nhân đức.

Trong các tác phẩm thời Trung cổ, việc trình bày các nhân đức không phải là sự liệt kê đơn giản những phẩm chất tích cực của tâm hồn. Lấy lại các tác giả cổ điển dưới ánh sáng của mặc khải Kitô giáo, các nhà thần học đã nghĩ ra bộ bảy nhân đức – ba nhân đức đối thần và bốn nhân đức bản lề – như một loại cơ thể sống động, trong đó mỗi nhân đức có một không gian hài hòa để chiếm giữ. Có những nhân đức thiết yếu và những nhân đức phụ, như các cột, các trụ và đầu cột. Ở đây, có lẽ không có gì tốt hơn kiến ​​​​trúc của một nhà thờ chánh tòa thời Trung cổ để khôi phục lại ý tưởng về sự hài hòa vốn tồn tại trong con người và sức lôi cuốn liên lỉ của nó hướng đến sự thiện.

Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu bằng nhân đức khôn ngoan. Đây không phải là đức tính của người sợ hãi, luôn do dự về hành động cần thực hiện. Không, đó là một sự giải thích sai. Đó cũng không phải là vấn đề khôn ngoan đơn giản. Dành vị trí hàng đầu cho đức khôn ngoan có nghĩa là hành động của con người nằm trong tay của trí tuệtự do của họ. Người khôn ngoan là người có óc sáng tạo: họ suy luận, đánh giá, tìm cách hiểu tính phức tạp của thực tại và không để mình bị tràn ngập bởi những cảm xúc, lười biếng, áp lực, ảo tưởng.

Trong một thế giới bị thống trị bởi những vẻ bề ngoài, những suy nghĩ hời hợt và sự tầm thường về sự thiện và sự dữ, bài học cổ xưa về sự khôn ngoan xứng đáng được khám phá lại.

Thánh Tôma, theo bước Aristote, đã gọi nó là “recta ratio agibilium” (tạm dịch: lý trí đúng đắn được áp dụng vào hành động). Đó là khả năng điều khiển các hành động để hướng chúng đến sự thiện, từ đó nó có biệt danh là “người chuyên chở các nhân đức”. Khôn ngoan là người biết lựa chọn: bao lâu vẫn còn trên sách vở, thì cuộc sống luôn luôn dễ dàng, nhưng giữa sóng gió của đời thường lại là chuyện khác, chúng ta thường bất an và không biết phải đi theo hướng nào. Người khôn ngoan không lựa chọn một cách ngẫu nhiên: trước tiên, họ biết mình muốn gì, rồi họ suy nghĩ về các tình huống, tìm kiếm lời khuyên và, với tầm nhìn rộng lớn và sự tự do nội tâm, họ chọn con đường phải theo. Chắc chắn, điều này không muốn nói rằng họ không thể mắc sai lầm, rốt cục chúng ta cũng vẫn là con người, nhưng ít nhất họ sẽ tránh được những sai lầm lớn. Thật không may, trong mọi môi trường, có những người có xu hướng gạt bỏ các vấn đề bằng những trò đùa hời hợt hoặc luôn gây tranh cãi. Trái lại, sự khôn ngoan là phẩm chất của những người được mời gọi cai trị: họ biết rằng việc quản trị là khó khăn, có nhiều quan điểm và cần phải cố gắng hòa hợp chúng, cần phải làm điều tốt không phải cho một số người, nhưng là cho tất cả mọi người.

Sự khôn ngoan cũng dạy rằng, như người ta nói, “điều tốt hơn là kẻ thù của điều tốt” (lợn lành chữa thành lợn què, ctcnd). Quả thế, quá nhiệt tình, trong một số hoàn cảnh, có thể gây ra thảm họa: có thể phá hỏng một công trình xây dựng vốn cần đến phương pháp; có thể tạo ra xung đột và hiểu lầm; thậm chí có thể gây ra bạo lực.

Người khôn ngoan biết giữ gìn ký ức về quá khứ, không phải vì sợ tương lai, nhưng vì họ biết rằng truyền thống là di sản của sự khôn ngoan. Cuộc sống là sự đan xen liên tục của những điều cũ và mới, và thật không tốt khi luôn nghĩ rằng thế giới bắt đầu với chúng ta, chúng ta phải đề cập vấn đề bằng cách khởi đi từ số không. Người khôn ngoan cũng biết nhìn xa. Một khi đã quyết định mục tiêu cần đạt được, cần phải tìm cho mình mọi phương tiện để đạt được nó.

Nhiều đoạn Tin Mừng giúp chúng ta giáo dục sự khôn ngoan. Chẳng hạn: người khôn ngoan là người xây nhà trên đá và người thiếu khôn ngoan là người xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27). Những cô khôn ngoan là những cô mang dầu cho đèn của mình và những cô khờ dại không làm như vậy (x. Mt 25, 1-13). Đời sống Kitô hữu là sự kết hợp giữa sự đơn giản và sự phân định. Khi chuẩn bị các môn đệ của mình cho sứ mạng, Chúa Giêsu khuyên nhủ họ: “Này Thầy sai anh em như chiên đi vào giữa bầy sói; vậy anh em hãy khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10, 16). Như muốn nói rằng Thiên Chúa không chỉ muốn chúng ta trở thành người thánh thiện, Ngài còn muốn chúng ta trở thành người thánh thiện thông minh, vì nếu không khôn ngoan, thì rất dễ lạc lối!

——————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30