BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 15. ĐỨC TRINH NỮ MARIA, NGƯỜI NỮ CẦU NGUYỆN
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, trong bài suy niệm về cầu nguyện, hôm nay chúng ta gặp Đức Trinh Nữ Maria, như một người nữ cầu nguyện. Đức Maria, thiếu nữ thành Nadarét, người luôn đối thoại với Thiên Chúa, Đấng đầy ân sủng và vô nhiễm từ khi thụ thai. Với sự ngoan ngoãn và sẵn sàng ứng trực, Mẹ chuẩn bị cho những biến cố lớn có sự can dự của Thiên Chúa trên thế giới. Lời “Này tôi đây” của Mẹ, nhỏ bé và bao la, khiến toàn bộ công trình tạo dựng nhảy lên vì vui sướng. Không có cách cầu nguyện nào tốt hơn là đặt mình, như Đức Maria, vào một thái độ cởi mở. Cầu nguyện biết làm dịu đi nỗi lo lắng, biết biến nó thành sự sẵn sàng ứng trực. Đức Maria đồng hành với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, cho đến cái chết và sự phục sinh của Người; và cuối cùng Mẹ đồng hành với những bước khởi đầu của Giáo hội sơ khai. Lời cầu nguyện của Mẹ báo trước tương lai: nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội. Nơi Đức Trinh Nữ Maria, trực giác tự nhiên của người nữ được nâng cao nhờ sự kết hợp hết sức đặc biệt của Mẹ với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Chính tiếng nói của Thiên Chúa hướng dẫn bước đi của Mẹ ở bất cứ nơi nào cần đến sự hiện diện của Mẹ. Đức Maria giữ mọi sự trong lòng và đem mọi sự vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Trái tim Đức Maria có thể được ví như một viên ngọc sáng ngời vô song, được hình thành và mài giũa nhờ sự kiên nhẫn đón nhận thánh ý Thiên Chúa qua các mầu nhiệm của Chúa Giêsu được suy niệm trong lời cầu nguyện.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 18/11/2020 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong hành trình giáo lý về cầu nguyện, hôm nay chúng ta gặp Đức Trinh Nữ Maria, như người nữ cầu nguyện. Đức Trinh Nữ đã cầu nguyện. Khi thế giới còn chưa biết gì về Mẹ, khi Mẹ vẫn vẫn là một cô gái trẻ đơn sơ được đính hôn với một người thuộc dòng dõi Đavít, Đức Maria đã cầu nguyện. Chúng ta có thể tưởng tượng cô gái trẻ ở Nadarét hồi tâm trong im lặng, đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa, Đấng sẽ sớm giao phó sứ mạng cho Mẹ. Mẹ đã đầy ân sủng và vô nhiễm từ khi được thụ thai, nhưng Mẹ vẫn còn chưa biết gì về ơn gọi đầy ngạc nhiên và phi thường của mình cũng như vùng biển đầy giông bão mà Mẹ sẽ phải vượt qua. Có một điều chắc chắn: Đức Maria thuộc về nhóm đông những người có tâm hồn khiêm nhường mà các sử gia chính thống không đưa vào sách của họ, nhưng với họ, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho sự xuất hiện của Con Ngài.
Đức Maria không sống cuộc đời mình một cách tự trị: Mẹ chờ đợi Thiên Chúa dẫn dắt con đường của Mẹ và dẫn Mẹ đến nơi Ngài muốn. Mẹ ngoan ngoãn, và với sự sẵn sàng ứng trực này, Mẹ chuẩn bị cho những biến cố trọng đại mà Thiên Chúa can dự trên thế giới. Sách Giáo lý nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện liên tục và chăm chú của Mẹ trong kế hoạch nhân từ của Chúa Cha và trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu (x. GLHTCG, số 2617-2618).
Đức Maria đang cầu nguyện, thì tổng lãnh thiên thần Gabriel đến truyền tin cho Mẹ ở Nadarét. Lời “Này tôi đây” của Mẹ, nhỏ bé và bao la, mà vào lúc đó đã khiến toàn thể công trình tạo dựng nhảy lên vui mừng, đã từng có trước đó, trong lịch sử cứu độ, bởi rất nhiều lời “này tôi đây” khác, bởi rất nhiều sự vâng phục đầy tin tưởng, bởi rất nhiều sự sẵn sàng tuân theo thánh ý của Thiên Chúa. Không có cách cầu nguyện nào tốt hơn là đặt mình, như Đức Maria, vào một thái độ cởi mở, thái độ tâm hồn cởi mở với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, những gì Chúa muốn, khi nào Chúa muốn và như Chúa muốn”. Nghĩa là tấm lòng rộng mở đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Và Chúa luôn trả lời. Biết bao tín hữu sống lời cầu nguyện của mình như thế! Những ai có tâm hồn khiêm nhường nhất đều cầu nguyện như thế: với lòng khiêm tốn cốt yếu, chúng ta có thể nói như vậy; với lòng khiêm tốn đơn sơ: “Lạy Chúa, những gì Chúa muốn, khi nào Chúa muốn và như Chúa muốn”. Và họ cầu nguyện như vậy, không tức giận vì những ngày đầy rẫy những vấn đề, nhưng hướng tới thực tại và biết rằng trong tình yêu khiêm nhường, trong tình yêu được trao ban trong mọi hoàn cảnh, chúng ta trở thành khí cụ ân sủng của Thiên Chúa. Lạy Chúa, những gì Chúa muốn, khi nào Chúa muốn và như Chúa muốn. Một lời cầu nguyện đơn sơ, nhưng đó là đặt cuộc đời chúng ta vào tay Chúa: xin chính Người hướng dẫn chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể cầu nguyện như vậy mà hầu như không cần lời nói.
Lời cầu nguyện biết làm dịu đi nỗi lo lắng: nhưng, chúng ta lo lắng, chúng ta luôn muốn mọi thứ trước khi cầu xin chúng và chúng ta muốn chúng ngay lập tức. Nỗi lo lắng này làm tổn hại chúng ta, và lời cầu nguyện biết làm dịu đi nỗi lo lắng, nó biết biến nỗi lo lắng thành sự sẵn sàng ứng trực. Khi tôi lo lắng, tôi cầu nguyện và lời cầu nguyện mở rộng trái tim tôi và làm cho tôi sẵn sàng phục vụ ý muốn của Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ Maria, trong những giây phút ngắn ngủi này của biến cố Truyền Tin, đã biết xua tan nỗi sợ hãi, đồng thời thấy trước rằng tiếng “xin vâng” của Mẹ sẽ mang đến cho Mẹ những thử thách rất khó khăn. Nếu, trong lời cầu nguyện, chúng ta hiểu rằng mỗi ngày dâng hiến cho Thiên Chúa là một lời mời gọi, thì chúng ta sẽ mở rộng tâm hồn và đón nhận mọi sự. Chúng ta học cách nói: “Lạy Chúa, những gì Chúa muốn. Xin Chúa hứa với con rằng Chúa sẽ ở đó trên mọi bước đường của con.” Đó là điều quan trọng : cầu xin Chúa hiện diện ở mỗi bước đường của chúng ta: xin Người không để chúng ta cô đơn, xin Người không bỏ rơi chúng ta trong cơn cám dỗ, xin Người không bỏ rơi chúng ta trong những lúc khó khăn. Phần cuối cùng của Kinh Lạy Cha là như thế: ơn mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu xin Chúa.
Đức Maria đồng hành bằng lời cầu nguyện trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, cho đến cái chết và sự phục sinh; và cuối cùng Mẹ vẫn tiếp tục, và Mẹ đồng hành với những bước đầu tiên của Giáo hội sơ khai (x. Cv 1,14). Đức Maria cầu nguyện với các môn đệ, những người đã trải qua tai tiếng thập giá. Mẹ cầu nguyện với thánh Phêrô, người đã sợ hãi và khóc lóc hối hận. Đức Maria ở đó, cùng với các môn đệ, giữa những người nam và người nữ mà Con Mẹ đã kêu gọi để thành lập cộng đoàn của Người. Đức Maria không đóng vai trò của một linh mục ở giữa họ, không! Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, cầu nguyện với họ, trong cộng đoàn, với tư cách là một con người của cộng đoàn. Mẹ cầu nguyện với họ và Mẹ cầu nguyện cho họ. Và, một lần nữa, lời cầu nguyện của Mẹ báo trước tương lai sẽ thành hiện thực: nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ trở thành Mẹ của Giáo hội. Khi cầu nguyện với Giáo hội sơ khai, Mẹ trở thành Mẹ của Giáo hội, Mẹ đồng hành với các môn đệ trong những bước đầu tiên của Giáo hội bằng lời cầu nguyện, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần. Trong im lặng, luôn trong im lặng. Lời cầu nguyện của Đức Maria là im lặng. Tin Mừng chỉ kể cho chúng ta biết một lời cầu nguyện của Đức Maria: tại Cana, khi Mẹ xin Con của Mẹ, cho những người tội nghiệp này, những người sắp để lại một ấn tượng xấu trong bữa tiệc này. Chúng ta hãy tưởng tượng: tổ chức tiệc cưới và kết thúc bằng sữa vì không còn rượu nữa! Thật là một ấn tượng xấu! Và Mẹ cầu nguyện và xin Con Mẹ giải quyết vấn đề này. Sự hiện diện của Đức Maria tự nó là một lời cầu nguyện, và sự hiện diện của Mẹ giữa các môn đệ tại Phòng Tiệc ly, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần, là trong sự cầu nguyện. Như vậy, Đức Maria đã sinh ra Giáo hội, Mẹ là Mẹ Giáo hội. Sách Giáo lý giải thích: “Trong đức tin của người nữ tỳ khiêm nhường của Ngài, Ân Huệ của Thiên Chúa – tức là Chúa Thánh Thần – nhận được sự đón tiếp mà Ngài đã chờ đợi lúc khởi đầu của thời gian”. (GLHTCG, số 2617).
Nơi Đức Trinh Nữ Maria, trực giác tự nhiên của người nữ được nâng cao nhờ sự kết hợp rất đặc biệt của Mẹ với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Đó là lý do tại sao, khi đọc Tin Mừng, chúng ta nhận thấy rằng đôi khi Mẹ dường như biến mất, để rồi xuất hiện trở lại trong những thời điểm quan trọng: Đức Maria cởi mở đón nhận tiếng Chúa hướng dẫn tâm hồn Mẹ, hướng dẫn bước đi của Mẹ ở những nơi cần đến sự hiện diện của Mẹ. Sự hiện diện thầm lặng của người mẹ và người môn đệ. Đức Maria hiện diện vì Mẹ là Mẹ, nhưng Mẹ cũng hiện diện vì Mẹ là người môn đệ đầu tiên, người đã học được tốt nhất mọi sự của Chúa Giêsu. Đức Maria không bao giờ nói: “Hãy đến, Mẹ sẽ giải quyết mọi việc”. Nhưng Mẹ nói: “Người bảo gì, các con hãy làm theo,” luôn luôn chỉ vào Chúa Giêsu. Thái độ này là điển hình của người môn đệ, và Mẹ là người môn đệ đầu tiên: Mẹ cầu nguyện như người Mẹ và Mẹ cầu nguyện như người môn đệ.
“Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Đây là cách thánh sử Luca mô tả Mẹ của Chúa trong Tin Mừng về thời thơ ấu. Mọi điều xảy ra xung quanh Mẹ cuối cùng đều phản ánh sâu thẳm trong trái tim Mẹ: những ngày tràn đầy niềm vui cũng như những khoảnh khắc đen tối nhất, khi Mẹ cũng khó hiểu Ơn cứu chuộc phải ngang qua con đường nào. Mọi sự đều kết thúc trong trái tim Mẹ, để được sàng lọc qua lời cầu nguyện và được lời cầu nguyện biến đổi. Cho dù đó là những món quà của các nhà Đạo sĩ, hay chuyến trốn sang Ai Cập, cho đến ngày Thứ Sáu Thương Khó khủng khiếp này: Mẹ gìn giữ mọi thứ và mang mọi thứ trong cuộc đối thoại của Mẹ với Thiên Chúa. Một số người đã so sánh trái tim của Đức Maria với một viên ngọc sáng ngời vô song, được hình thành và mài giũa nhờ sự kiên nhẫn đón nhận thánh ý Thiên Chúa qua các mầu nhiệm của Chúa Giêsu được suy niệm trong cầu nguyện. Sẽ đẹp biết bao nếu chúng ta cũng có thể giống Mẹ một chút! Với con tim mở ra cho Lời Chúa, với con tim thinh lặng, với con tim vâng phục, với con tim biết đón nhận Lời Chúa và để Lời Chúa lớn lên với hạt giống tốt lành của Giáo hội.
————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM RÔMA
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO