BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 6. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA GIACÓP

Written by xbvn on Tháng Sáu 25th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến,  tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, giờ đây chúng ta xem xét lời cầu nguyện của Giacóp. Tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, Giacóp – luôn thông minh và tự tin – thấy mình đang ở ngã ba đường. Trở về nhà, ông phải đối mặt với anh trai mình là Êsau, người mà ông đã chiếm lấy lời chúc lành từ cha là Isaac. Một đêm nọ, cô độc và lo sợ cho tính mạng của mình, Giacóp gặp Chúa trong lốt một người lạ bí ẩn mà ông vật lộn suốt đêm. Truyền thống tâm linh của Giáo hội coi việc “chiến đấu với Thiên Chúa” này như một phép ẩn dụ về việc cầu nguyện. Cầu nguyện không phải lúc nào cũng dễ dàng; thường nó đòi hỏi chúng ta phải chiến đấu với Thiên Chúa và thừa nhận sự yếu đuối và mong manh của chúng ta trước Ngài và ý muốn của Ngài. Tuy nhiên, chính trong cuộc chiến đấu đó và trong vết thương của mình mà chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh chữa lành của ân sủng và lớn lên trong đức tin. Chúng ta hãy cầu xin ơn luôn được rộng mở cho cuộc gặp gỡ này với Thiên Chúa, cho sự hoán cải tâm hồn của chúng ta và cho nhiều phúc lành mà Chúa mong muốn đổ xuống trên chúng ta.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 10/6/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về chủ đề cầu nguyện. Sách Sáng Thế ký, qua những đoạn về những người nam và người nữ từ những thời xa xưa, đã kể lại cho chúng ta những câu chuyện trong đó chúng ta có thể thấy sự phản ánh cuộc đời chúng ta. Trong chu kỳ của các tổ phụ, chúng ta cũng tìm thấy câu chuyện về một người đã biến sự mưu mẹo thành phương tiện thành công lớn nhất của mình: Giacóp. Câu chuyện trong Thánh Kinh cho chúng ta biết về mối quan hệ khó khăn giữa Giacóp với anh trai mình là Êsau. Từ thời thơ ấu của họ, giữa họ đã có một sự cạnh tranh mà sau này sẽ không bao giờ vượt qua được. Giacóp là người con thứ hai – họ là anh em sinh đôi – nhưng bằng cách lừa dối, ông đã thành công trong việc chiếm lấy từ cha mình là Isaac lời chúc lành và quyền con trưởng (x. St 25, 19-34). Đây chỉ là mưu mẹo đầu tiên trong một chuỗi dài mưu mẹo mà con người vô liêm sĩ này có thể làm được. Cái tên “Giacóp” cũng có nghĩa là người hành động khéo léo.

Buộc phải trốn xa anh trai mình, trong cuộc đời của ông, ông dường như thành công trong mỗi công việc của mình. Ông rất khéo kinh doanh: ông trở nên rất giàu có, trở thành chủ của một đàn gia súc khổng lồ. Với sự bền chí và kiên nhẫn, ông đã cưới được cô con gái xinh đẹp nhất của Laban, người mà ông thực sự yêu thương. Giacóp – có thể nói theo ngôn ngữ hiện đại – là một “người tự thành đạt”, với mưu mẹo và khéo léo, ông đã thành công trong việc chinh phục mọi thứ mình mong muốn. Nhưng ông vẫn còn thiếu một cái gì đó. Ông thiếu đi mối quan hệ sống động với cội nguồn của mình.

Và một ngày nọ, ông cảm thấy nhớ nhà, nhớ quê hương xa xưa, nơi Êsau vẫn đang sống, người anh trai mà ông luôn có quan hệ rất tồi tệ. Giacóp ra đi và thực hiện một cuộc hành trình dài với một đoàn lữ hành gồm một đám đông người và động vật, cho đến khi ông đến chặng cuối cùng, là sông Giáp-bốc. Ở đây, sách Sáng Thế ký cung cấp cho chúng ta một trang đáng nhớ (x. 32,23-33). Nó kể lại rằng tổ phụ, sau khi đưa tất cả người dân và tất cả gia súc của mình – rất nhiều – qua sông, vẫn một mình ở trên bờ sông nước ngoài. Và ông nghĩ: Điều gì sẽ chờ đợi ông ngày hôm sau? Anh trai Êsau, người mà ông đã cướp quyền con trưởng, sẽ có thái độ nào? Tâm trí của Giacóp quay cuồng với những suy nghĩ. Và khi màn đêm buông xuống, đột nhiên một người lạ tóm lấy ông và bắt đầu vật lộn với ông. Sách Giáo lý giải thích: “Truyền thống thiêng liêng của Giáo hội đã giữ lại từ câu chuyện này biểu tượng về lời cầu nguyện như một trận chiến của đức tin và sự chiến thắng của sự kiên trì” (GLGHCG, số 2673).

Giacóp đã chiến đấu suốt đêm không ngừng nghỉ trước đối thủ của mình. Cuối cùng, ông bị đánh bại, bị đối thủ đánh vào xương khớp hông và từ ngày đó, ông sẽ phải đi khập khiễng suốt đời ông. Chiến binh bí ẩn này hỏi tên vị tổ phụ và nói với ông: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacóp nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng” (c. 29). Như muốn nói: ngươi sẽ không bao giờ là đi theo con đường này, nhưng là người thẳng thắn. Người ấy đổi tên ông, thay đổi cuộc đời ông, thay đổi thái độ của ông; ngươi sẽ được gọi là Israel. Rồi Giacóp cũng hỏi người kia: “Xin cho tôi biết tên ngài”. Người này không nói cho ông biết, nhưng trái lại chúc lành cho ông. Và Giacóp hiểu rằng ông đã gặp Thiên Chúa “mặt đối mặt” (x. câu 30-31).

Vật lộn với Thiên Chúa: một ẩn dụ về việc cầu nguyện. Những lần khác, Giacóp đã bộc lộ mình có khả năng đối thoại với Thiên Chúa, cảm nhận được Ngài như một sự hiện diện thân thiện và gần gũi. Nhưng đêm hôm đó, trải qua một cuộc vật lộn kéo dài và gần như khiến ông khuất phục, vị tổ phụ ra khỏi đó được thay đổi. Thay đổi tên, thay đổi lối sống và thay đổi tính cách: ông ra khỏi đó được thay đổi. Lần đầu tiên, ông không còn là ông chủ của hoàn cảnh nữa – mưu mẹo của ông vô ích – ông không còn là nhà chiến lược và người tính toán nữa; Thiên Chúa đưa ông trở lại với sự thật của ông như một phàm nhân run rẩy và sợ hãi, bởi vì Giacóp sợ hãi trong cuộc vật lộn. Lần đầu tiên, Giacóp không có gì khác để dâng lên Thiên Chúa ngoài sự mong manh và bất lực của mình, thậm chí cả tội lỗi của mình. Và chính Giacóp này là người nhận được phúc lành từ Thiên Chúa, nhờ đó ông khập khiễng bước vào đất hứa: dễ bị tổn thương và bị thương tích, nhưng với trái tim mới. Một lần nọ, tôi đã nghe một người già nói – một người tốt, một Kitô hữu tốt, nhưng là một tội nhân có nhiều niềm tin vào Chúa – ông nói: “Chúa sẽ giúp con; Ngài sẽ không để mặc con một mình. Con sẽ bước vào thiên đường, bước đi khập khiễng, nhưng con sẽ bước vào”. Trước đây ông tự tin vào chính mình, ông dựa vào mưu mẹo của mình. Ông là một người không tiếp nhận ân sủng, trơ ì trước lòng thương xót; ông không biết lòng thương xót là gì. “Tôi ở đây, chính tôi ra lệnh!”, ông cho rằng mình không cần lòng thương xót. Nhưng Chúa đã cứu những gì đã mất. Ngài làm cho ông hiểu rằng ông đầy giới hạn, ông là một tội nhân cần đến lòng thương xót và Ngài đã cứu ông.

Tất cả chúng ta đều có một cuộc hẹn trong đêm tối với Chúa, trong đêm tối của cuộc đời chúng ta, trong rất nhiều đêm tối của cuộc đời chúng ta: trong những giây phút đen tối, trong những giây phút tội lỗi, trong những giây phút mất phương hướng. Ở đó, luôn luôn có một cuộc hẹn với Thiên Chúa. Ngài sẽ làm chúng ta ngạc nhiên vào lúc chúng ta không mong chờ Ngài, vào lúc chúng ta thực sự cô đơn một mình. Cũng trong đêm tối này, khi chiến đấu chống lại người lạ mặt, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta chỉ là những người nghèo – tôi mạo muội nói “những người nghèo” – nhưng, chính xác vào lúc chúng ta cảm thấy mình là “những người nghèo”, chúng ta sẽ không phải sợ hãi: vì lúc đó Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta một cái tên mới, chứa đựng ý nghĩa của cả cuộc đời chúng ta; Ngài sẽ thay đổi tâm hồn chúng ta và Ngài sẽ ban cho chúng ta phúc lành dành riêng cho những ai để cho Ngài thay đổi mình. Đó là một lời mời gọi tuyệt vời để mình được Thiên Chúa thay đổi. Ngài biết làm điều đó như thế nào, bởi vì Ngài biết từng người chúng ta. “Lạy Chúa, Chúa biết con,” mỗi người chúng ta có thể nói như thế. “Lạy Chúa, Chúa biết con. Xin Chúa biến đổi con.”

——————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30