TÔI LÀ CHIẾC BOOMERANG CỦA THIÊN CHÚA [1]
Ý tưởng “mình là chiếc Boomerang của Thiên Chúa” đã loé lên trong suy nghĩ của tôi gần đây và đã thúc đẩy tôi dành thời gian để tìm hiều và suy tư về cái ý nghĩa sâu sắc của công cụ này, nhất là về chiều hướng thiêng liêng của nó. Việc đầu tiên tôi làm là thử tra cứu trên internet để xem các tác giả giải thích như thế nào về ý nghĩa của chiếc “Boomerang”[2] và về các công dụng của nó. Sau đây tôi xin được mạn phép trưng dẫn một vài giải thích vắn ngọn đề cập đến chiếc Boomerang mà tôi nhận thấy rất ý nghĩa và sâu sắc.
“Boomerang là một thiết bị khí động học được làm từ gỗ (hoặc các vật liệu khác), nếu ném đúng cảm giác, nó sẽ quay trở lại người ném. Tên Boomerang hay “Wo-mur-rāng” được nhắc đến sớm nhất là vào năm 1798 tại Úc. Người Thổ dân có 8 tên tương tự cho các thiết bị bằng gỗ của họ. Chúng ta thường liên tưởng nguồn gốc của Boomerang với người bản xứ Úc nhưng trên thực tế, chúng được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới.” [3]
“Boomerang là biểu tượng được quốc tế công nhận của Úc. Đối với người thổ dân, boomerang lâu đời như sự sáng tạo và là biểu tượng cho sức mạnh bền bỉ của văn hóa thổ dân.
Ý nghĩa thiêng liêng của boomerang là gì?
Nó là một công cụ tâm linh nhắc nhở chúng ta (với đường tròn của nó) rằng loại năng lượng chúng ta cho đi thì chúng ta sẽ nhận lại loại năng lượng đó. Khi sử dụng Boomerang, chúng ta kết nối với TRÁI TIM, với điểm trung tâm của cơ thể, với cảm giác nội tại.[4]
Khi đọc qua các giải thích ở trên liên quan đến chiếc Boomerang, tôi hơi ngạc nhiên và khám phá ra một điều thật thú vị và diệu kỳ mà đã gần 42 năm nay tôi luôn tìm kiếm câu trả lời cho các biến cố đã diễn ra trong cuộc đời của tôi, kể từ khi tôi đặt chân lần đầu tiên đến thành phố Perth, thuộc tiểu bang Tây Úc vào ngày 10 tháng 8 năm 1982. Tôi nghiệm ra hành trình ơn gọi làm linh mục và hành trình đời sống tâm linh của chính tôi, nó tựa như chiếc Boomerang, được phóng ra bởi bàn tay của Thiên Chúa, trong sự an bài và quan phòng kỳ diệu của chính Ngài mà nhiều khi tôi không thể nào hiểu thấu tất cả những gì, mà Ngài đã thực hiện trong cuộc đời của tôi suốt 42 năm vừa qua. Bây giờ khi tôi có dịp để bình tâm suy nghĩ và nhìn lại những chặng đường mà tôi đã đi qua. Hồi tưởng lại những biến cố đã xảy ra trong cuộc đời, từ khi tôi rời quê hương thân yêu và gia đình để tìm kiếm tự do, với hy vọng là tôi sẽ có được một cơ may hầu tiếp tục theo đuổi ơn gọi làm linh mục của chính mình, mà tôi đã cảm nhận một cách mãnh liệt lời mời gọi của Thiên Chúa để rồi sau đó, tôi đã quyết định gia nhập chủng viện Lâm Bích, thuộc giáo phận Nha Trang vào cuối năm 1979. Có thể nói những gì đã xảy ra trong cuộc đời của tôi, hầu như bao gồm đủ mọi màu sắc của cuộc sống nhân sinh.[5] Tôi đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống và có những thời điểm, tôi dường như sống trong sự tuyệt vọng và không tìm thấy một tia sáng hy vọng. Tôi bị ngập chìm trong bóng đêm. Nhưng rất may cho tôi, vì tôi vẫn giữ vững niềm tin của mình nơi Thiên Chúa, Đấng tôi tôn thờ và kính yêu. Tôi tin tưởng và xác tín rằng: Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi, khi tôi đặt tin tưởng và phó thác tương lai của mình cho Ngài.
Đúng như những gì mà tôi đã trông đợi và hy vọng. Sau những thời gian chờ đợi và sống trong sự lo lắng, đôi khi tôi đã rơi vào tình trạng chán chường, muốn buông xuôi tất cả và để mặc cho số phận đưa đẩy… Cuối cùng tôi cũng đã được Chúa ra tay cứu vớt và giải thoát tôi. Ngài đưa tôi ra khỏi đất nước Việt Nam qua hành trình vượt biển và cho tôi được định cư ở đất nước Úc tại thành phố Perth vào tháng 8 năm 1982, sau hơn 8 tháng sống tại trại tị nạn Pulau Bidong và trại chuyển tiếp Sungei Besi ở thành phố Kualalumpur nước Mã Lai.
Khi đặt chân đến thành phố Perth (1982), chính tại nơi đây, tôi đã có cơ hội để làm lại cuộc đời của mình và được hưởng bầu khí tự do và yên bình. Tôi sống trong Grayland Hostel là nơi tiếp nhận những người tị nạn mới đến Tây Úc. Sau 4 tháng thì tôi được cha Đôminicô Nguyễn Ngọc Để, nguyên linh mục tuyên uý cho người Việt Công Giáo tại thành phố Perth dẫn tôi vào gặp Đức Tổng Giám Mục William J. Foyley (nay đã qua đời)[6] và cha Để đã giới thiệu tôi với Đức Tổng với tư cách là chủng sinh và xin ngài cho phép tôi được nhập Chủng viện St. Charles ở Guildford, WA.[7] Đức Tổng Giám Mục William Foley sau khi nghe cha Nguyễn Ngọc Để trình bày đôi nét về sơ lược tiểu sử của chính bản thân tôi, và cho Đức Tổng thấy cái khao khát lớn lao nhất của tôi lúc đó, là muốn đi học trở lại để có thể tiếp tục hành trình ơn gọi của mình, ngõ hầu mai sau, tôi hy vọng sẽ trở thành người linh mục trong giáo hội và đồng thời là người môn đệ của Đức Giêsu Kitô.
Sau một thời gian trao đổi và phỏng vấn tôi, Đức Tổng Giám Mục William Foyley đã đồng ý nhận tôi, với tư cách là ứng sinh cho Tổng Giáo Phận Perth và ngài nói rõ: “Con cần học thêm tiếng Anh cho giỏi và nói cho thông thạo và lưu loát một tí, thì cha sẽ chuyển con sang thành phố Adelaide để theo học tại Đại Chủng Viện, Saint Francis Xavier, 36 Chapel Way, Rostrevor SA 5073. Tôi rất vui mừng khi nghe Đức Tổng Foley cho biết như thế và tôi thành thật cảm ơn Ngài đã chấp thuận nhận tôi.
Hình từ trái sang phải: Phêrô Nguyễn Minh Thúy, Thầy Phó tế Phanxicô Lý Văn Ca, Phêrô Trần Mạnh Hùng tại Chủng viện St. Charles Seminary (1982).
Sau một thời gian ngắn khi đã được Đức Tổng Foley chấp nhận thì mỗi cuối tuần, từ chiều thứ 6 cho đến trưa ngày chủ nhật, tôi đã đến St. Charles lưu trú cuối tuần và sống với các anh em cũng đang trong thời gian tìm hiểu ơn gọi tại Chủng viện St. Charles. Lúc đó có tất cả là 7 anh em chúng tôi, gồm 3 người Việt Nam và 4 anh em khác, gồm các sắc tộc khác nhau. Ba anh em Việt Nam, đó là Thầy Phó tế Phanxicô Lý Văn Ca, [8] Thầy Phêrô Nguyễn Minh Thúy[9] và tôi. [10]
Thời gian tôi sống và ở với anh em tại nhà tìm hiểu ơn gọi tại Chủng viện St. Charles cũng không lâu, chỉ có gần 1 năm, sau đó, tôi lại chuyển sang thành phố Sydney (1983) để tiếp tục đi học tiếng Anh và sống với gia đình người chị họ ở Springwood, NSW. Trong thời gian sinh sống và học tập tại Sydney, tôi đã may mắn gặp được cha Patrick John O’Neill, C.Ss.R (Dòng Chúa Cứu Thế thuộc tỉnh Dòng Canberra, Úc)[11], ngài được Đức Tổng Giám Mục Edward Clancy bổ nhiệm làm giám đốc ơn gọi cho các Thầy Chủng Sinh Việt Nam tại TGP Sydney. Cha P.J đã thành lập nhà tìm hiểu ơn gọi cho quý Thầy Chủng Sinh Việt Nam tại điạ chỉ số 92 The River Road, Revesby, NSW 2212.
Vào cuối tháng 2 năm 1984, nhà tìm hiểu ơn gọi tại Revesby đã được khai mạc và bắt đầu đào tạo các anh em chủng sinh Việt Nam. Tôi và 13 Thầy chủng sinh Việt Nam là nhóm đầu tiên gia nhập ngôi nhà này. Sau hơn 10 năm hoạt động, cơ sở này dưới sự lãnh đạo và diù dắt của Cha P.J. O’Neill đã đào tạo được khoảng 33 anh em linh mục, bao gồm cả linh mục Triều và Dòng cho Giáo hội Úc Châu. Hầu hết các anh em linh mục này đang còn làm việc và hoạt động tại Úc, chỉ có cha Nguyễn Kim Đăng đã di cư sang Mỹ để đoàn tụ với gia đình. Đây là một thành qủa vĩ đại mà cha P.J O’Neill cùng với sự cộng tác của biết bao nhiêu người khác đã gây dựng thành công đối với việc nuôi dưỡng và cổ vũ cho ơn gọi Việt Nam tại đất nước Úc.
Khi đến Sydney được gần 1 năm thì tôi xin gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) và tôi đã được bề trên Giám tỉnh chấp thuận với tư cách là ứng sinh của DCCT. Sau đó, tôi gia nhập nhà tìm hiểu ơn gọi ở Revesby và sống với các anh em chủng sinh VN. Tất cả nhóm chúng tôi có 14 người. Tại đây, chúng tôi chuyên học tiếng Anh từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày tối thiểu có khoảng 5 giờ học chính thức tại lớp do hai Soeurs Dòng Josephite phụ trách, rồi sau đó là tự học riêng. Thứ 7, chúng tôi được nghỉ và có thể đi ra ngoài thăm bạn bè. Ngày chủ nhật, hầu hết anh em chúng tôi đều đi làm việc mục vụ cho các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam, ví dụ như dạy Giáo lý, sinh hoạt với Thiếu Nhi Thánh Thể hay tập hát cho Ca đoàn.
Ngày 16 tháng 7 năm 1994, tôi được phong chức linh mục tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc giáo xứ Maidstone, Thành phố Melbourne, do Đức giám mục phụ tá Peter Conner. Đó là một ngày trọng đại trong cuộc đời của tôi, ghi dấu ấn tín tình yêu của Thiên Chúa dành cho tôi. Và chính qua sự kiện này, tôi chứng kiến sự trung tín và lòng xót thương của Thiên Chúa dành cho những ai biết đặt tin tưởng ở nơi Ngài. Tôi thật sự không ngờ là ngày ấy sẽ đến với tôi. Tôi cứ ngỡ điều ấy chỉ là giấc mơ, vì tôi đã nhiều lần hoài nghi về khả năng học tập của mình bằng tiếng Anh, nhất là các lãnh vực Triết học, Thần học và Kinh Thánh v.v… Tôi nghĩ mình không có đủ khả năng Anh ngữ để vượt qua và hoàn tất chương trình đào tạo tại Học Viện Liên Dòng hay tại Đại Chủng Viện. Nhưng như Thánh Phaolô đã nói: “Ân sủng của Ta lúc nào cũng đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Côrintô 12:9).[12]
Bây giờ, nghiệm lại tôi mới thấy Lời Chúa ghi lại trong thư thứ 2 của Thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Côrintô (12:9) rất xác thực và ứng nghiệm cách nhãn tiền cho chính bản thân tôi, giúp tôi thêm lòng cậy trông và xác tín mạnh mẽ hơn nữa ở nơi Thiên Chúa.
Sau khi lãnh sứ vụ linh mục xong, tôi được phép cha Bề Trên Giám Tỉnh và Hội đồng ban cố vấn của tỉnh dòng cho phép tôi được tiếp tục theo học về ngành Tâm Lý Học năm thứ II tại Đại học Tây Úc (1995), và cha Bề Trên Giám Tỉnh đã bổ nhiệm tôi về sống tại Tu Viện DCCT ở 190 Vincent Street, North Perth, WA 6006.
Sau khi học xong năm thứ 2, ngành Tâm Lý Học, tôi được đề nghị chuyển sang học ngành Thần Học Luân Lý tại Đại học Notre Dame ở Freemantle, WA và sau 2 năm (1996-1997), tôi đã hoàn tất học vị thạc sĩ của ngành Thần Học Luân Lý (Master Degree of Moral Theology). Đến tháng 7 năm 1998, tôi được cha Giám tỉnh Dòng Cứu Thế Việt Nam mời về làm giáo sư cho bộ môn Thần Học Luân Lý và giảng dạy tại Học Viện DCCT ở Thành phố Sài Gòn trong vòng 12 tháng.
Rồi đến cuối tháng 10 năm 1999, tôi được gởi sang Rôma, nước Ý để dọn luận án tiến sĩ cho bộ môn Thần Thần Học Luân Lý tại Học Viện Thánh Anphonsô (Alphonsian Academy),[13] trực thuộc Đại học Giáo hoàng Latêranô (Pontifical Lateran University).[14] Tại nơi đây, tôi đã có được một thời gian học tập rất tuyệt vời, tuy vất vả, vì tiếng Ý là ngôn ngữ thứ 3 đối với tôi, nên những ngày tháng đầu tiên khi tôi mới bắt đầu nhập học, tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn về mặt ngôn ngữ. Tuy nhiên, tôi đã nỗ lực và ra sức học tập kiên trì. Trải qua gần 3 năm rưỡi, tôi đã hoàn tất học vị Tiến sĩ và lên đường trở về lại nước Úc để tiếp tục sứ mạng do nhà Dòng giao phó.
Một trong những biến cố quan trọng trong cuộc đời của tôi cũng đã xảy ra cách đây 12 năm vừa trước (2012), khi tôi quyết định rời khỏi Dòng Chúa Cứu Thế và gia nhập Tổng Giáo Phận Perth, là nơi đầu tiên, tôi đã tìm hiểu ơn gọi của mình. Sau 27 năm sống trong nhà Dòng và với 17 năm làm linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, tôi cảm thấy rất khó để đi đến quyết định khi suy nghĩ về việc ra khỏi nhà Dòng. Tôi đã cầu nguyện với Chúa trong nhiều năm tháng và đã tham vấn và bàn bạc với các cha bạn thân của tôi trong nhà Dòng cũng như ở bên điạ phận. Họ đã cho tôi những lời khuyên rất quý báu và thiết thực đầy tính khôn ngoan.
Tôi đã xin cha Bề Trên Giám Tỉnh lúc bấy giờ cho tôi được phép ngưng công việc mục vụ và dành nhiều thời gian để cầu nguyện và xin Chúa cho tôi biết thánh ý của Ngài muốn tôi làm gì với hành trình tương lai… Sau 10 tháng cầu nguyện, tôi đã đi đến quyết định và làm đơn xin phép chính thức ra khỏi nhà Dòng Chúa Cứu Thế để gia nhập Tổng Giáo Phận Perth và trở thành linh mục triều. Mọi thủ tục giấy tờ đã diễn ra một cách mau lẹ và hết sức tốt đẹp. Tôi đã được cha Bề Trên Tổng Quyền DCCT giải lời khấn trọn và cho phép tôi được ra khỏi nhà Dòng và gia nhập Tổng Giáo Phận Perth với sự đồng ý của Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey, DD. (nay ngài đã về hưu).
Đức Tổng Giám Mục Hickey đã mau mắn tiếp nhận tôi như một người con của Tổng Giáo Phận Perth và ngài đã nhanh chóng cho tôi được gia nhập Tổng Giáo Phận ngay lập tức. Qua biến cố này, tôi cảm thấy hành trình ơn gọi và cuộc đời làm linh mục của tôi, nó tựa như chiếc Boomerang trong bàn tay của Chúa. Ngài phóng tôi ra, cho tôi đi một vòng và đạt được những mà Ngài mong muốn cho chính bản thân tôi, rồi ngài lại cho tôi trở về vị trí cũ, nơi mà tôi đã xuất phát ra.[15]
Như tôi đã đề cập ở phần đầu trong bài viết này là trong những ngày gần đây, tôi được đánh động để suy tư về hành trình cuộc đời của mình, nhất là hành trình đời sống tâm linh. Tôi cảm nghiệm và nhận ra rằng: cuộc đời của tôi có thể ví như là chiếc Boomerang được Chúa sử dụng trong những khoảng thời gian và không gian khác nhau, nhưng cuối cùng thì chiếc Boomerang ấy cũng trở về lại vị trí cũ [16] và về với người đã phóng nó ra. Từ đó tôi đã nghiệm ra các chân lý sau đây mà tôi hằng xác tín và những điều này chính là kim chỉ nam cho đời sống tâm linh của tôi. Tôi xin mạn phép chia sẻ những điều này với quý bạn hữu và độc giả về những gì mà tôi đã cảm nhận, và xem đó như là món quà thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban tặng cho tôi, trong suốt hành trình hơn 42 năm vừa qua.
- Tất cả mọi sự xảy ra cho tôi, đều nằm trong sự an bài và quan phòng diệu kỳ của Thiên Chúa hay nói cách khác, mọi sự xảy ra cho tôi đều là thánh ý của Chúa, không có gì gọi là ngẫu nhiên.
- Nếu Chúa không muốn thì cho dù tôi có cố gắng và nỗ lực bao nhiêu cũng sẽ không có kết qủa tốt đẹp. Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả, vất vả…, chỉ là uổng công. Hay nói đúng hơn: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên – Man proposes but God disposes.”
- Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) [17]
- Thánh ý Chúa là sự bình an của con[18]
- Chúa trồng con ở đâu, con nở hoa ở đó (Thánh Phanxicô đệ Sale)
- Và niềm xác tín tri ân sâu xa nhất, đó chính là: Tất cả đều là hồng ân của Chúa. “Tôi có gì, cũng là nhờ Thiên Chúa”(1 Cr 15:10).
Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Thánh Maria chúc phúc lành cho quý vị độc giả và xin các Ngài gìn giữ và ban cho quý vị và tất cả những người thân yêu trong gia đình được bình an và mạnh khỏe.
T.P. Perth, Ngày 16 tháng 7 năm 2024.
Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng
—————————————–
[1] . Bài viết này là chương cuối cùng của của cuốn sách mới với tựa đề: GẶP GỠ CHÚA TRONG HÀNH TRÌNH ĐỜI SỐNG TÂM LINH. Tác phẩm thứ 10 này của Lm. Trần Mạnh Hùng sẽ được in tại Thành phố Perth cuối tháng 7 năm 2024.
[2] . Xem hình Boomerangs tại đây: https://www.freeimages.com/photo/boomerang-1451534
(Truy cập ngày 26/06/2024)
[3] . Xem Boomerang – https://en.wikipedia.org/wiki/Boomerang (Accessed on Wednesday, 26 June 2024).
[4] . Xem BOOMERANG https://www.starstones.com/boomerang#:~:text=It%20is%20a%20spiritual%20tool,body%2C%20with%20our%20inner%20feeling. (Accessed on Wednesday, 26 June 2024).
Boomerang – https://en.wikipedia.org/wiki/Boomerang (Accessed on Wednesday, 26 June 2024).
[5] . Xem Fr. Peter Hung Tran, Dance with Me. Published by Shalom Tidings Magazine, issue January/February 2024, pp.21-22. Or online at https://shalomtidings.org/dance-with-me/ (Accessed on Wednesday, 26 June 2024).
[6] . Đức Tổng Giám mục William Joseph Foley sinh ngày 20 tháng 6 năm 1931 tại Nedlands, Tây Úc. Ông qua đời vào ngày 10 tháng 2 năm 1991 tại Perth. Ngài là Tổng Giám mục Công giáo La Mã thứ bảy của Tổng Giáo phận Perth, Tây Úc, phục vụ từ năm 1983 cho đến khi qua đời vào năm 1991. Trước khi được bầu làm Tổng Giám mục, Đức cha Foley từng là Giám mục của giáo phận Geraldton từ năm 1981 đến năm 1983. Xem Wikipedia, the free encyclopedia https://en.wikipedia.org/wiki/William_Foley_(bishop) (Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2024).
[7] . Đại chủng viện Thánh Charles – St. Charles’ Seminary là nơi đào tạo linh mục ở Tây Úc. Chủng viện Thánh Charles là nơi đào tạo những người nhận thức được ơn gọi trở thành Linh mục Công giáo ở Tây Úc. Nằm ở phía đông thành phố Guildford, chủng viện là một phần của Tổng Giáo phận Perth và hiện thuộc quyền quản lý của Đức Tổng Giám mục Timothy Costelloe, SDB. Các chủng sinh từ các Giáo phận Broome, Geraldton và Bunbury cũng được đào tạo tại chủng viện này.
Cuối năm 1975, chủng viện đóng cửa vì thiếu số lượng chủng sinh, nhưng cuối năm 1993, Đức Tổng Giám mục Hickey tuyên bố sẽ mở cửa trở lại vào năm sau, tức là năm 1994. Xem https://www.vocations.catholic.org.au/s/news/corpus-christi-college-MCDJ62SJPC6FCOJF2UNJI2CFBGGE (Accessed on Wednesday, 26 June 2024).
[8] . Thầy Phó tế Phanxicô Lý Văn Ca (nay đã qua đời, sau khi làm linh mục quản nhiệm cho Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam nhiều năm tại TGP Perth)
[9] . Thầy Phêrô Nguyễn Minh Thúy hiện nay là linh mục của Tổng Giáo Phận Perth
[10] . Phêrô Trần Mạnh Hùng hiện nay đang làm cha Tuyên úy cho Đại học Tây Úc và cho cư xá sinh viên Thánh Thomas More của Tổng Giáo Phận Perth.
[11] . Cha Patrick John O’Neill, C.Ss.R thường được biết đến với tên gọi tắt là cha P.J.
[12] . My grace is sufficient for you, for my power is made perfect in weakness. See 2 Corinthians 12:9.
[13] . Xem Alphonsian Academy: https://en.wikipedia.org/wiki/Alphonsian_Academy
From Wikipedia, the free encyclopedia (Accessed on Wednesday, 26 June 2024).
[14] . Xem phần giới thiệu về Đại học Giáo hoàng Latêranô (Pontifical Lateran University)
https://www.masterstudies.vn/institutions/pontificia-universit%C3%A0-lateranense-pontifical-lateran-university (Truy cập ngày 26/06/2024).
[15] . Sau gần 42 năm (1982-2024), tôi đã trở về lại thăm Đại chủng viện Saint Charles, thuộc Tổng giáo phận Perth, nơi mà tôi đã bắt đầu hành trình ơn gọi của mình, kể từ khi tôi đặt chân đến thành phố Perth, tiểu bang Tây Úc (1982). Giờ tôi về lại nơi đây với tư cách là linh mục của Tổng giáo phận Perth. Tôi xem sự kiện này giống như là công việc của chiếc Boomerang.
[16] . Điều này tôi cảm nhận một cách sâu xa qua 2 sự kiện. Trước tiên là việc tôi đặt chân đến nước Úc lần đầu tiên tại thành phố Perth (1982) và cũng chính tại thành phố này, tôi đã trở về lại sau nhiều năm lưu sống tại các Tiểu Bang khác ở Úc, cũng như tôi đã từng đi du học và giảng dạy ở ngoại quốc. Nhưng cuối cùng, tôi đã quyết định chọn thành phố Perth làm nơi dừng chân của tôi và sẽ sống cuộc đời còn lại của mình tại đây. Kế đến, là việc tôi gia nhập chủng viện St. Charles thuộc Tổng Giáo Phận Perth vào tháng 12 năm 1982 và sau 30 năm, tôi đã xin gia nhập vào linh mục đoàn của Tổng Giáo Phận Perth và đã được Đấng bản quyền lúc đó chấp thuận. Tính đến thời điểm này, tôi đã làm việc mục vụ tại Tổng Giáo Phận Perth được 12 năm (kể từ năm 2012-2024).
[17] . Tác giả Lm Phêrô Trần Mạnh Hùng, Vì không có Thầy, anh em chẵng làm gì được. WHĐ (22.5.2022) https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/-vi-khong-co-thay-anh-em-chang-lam-gi-duoc-cn-vi-pc-nam-c–46028 (Truy cập ngày 26/06/2024).
[18] . Xem bài viết của Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, Thánh Ý Chúa Là Sự Bình An Của Con
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thanh-y-chua-la-su-binh-an-cua-con-46220 (Đăng ngày 04.07.2022 – Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2024)
San Gregorio Nazianzeno, “La tua volontà, o Signore, è la mia pace.” Trích trong cuốn Sách, “Il Giornale dell’Anima” của ĐTC Gioan XXIII, trang 18. Do Loris F. Capovilla (Biên soạn), Il Giornale dell’Anima e altri scritti di pietà (Milano: San Paolo, 1989).
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG