BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ. BÀI 6 : « THÁNH THẦN CHÚA NGỰ TRÊN TÔI ». CHÚA THÁNH THẦN TRONG PHÉP RỬA CỦA CHÚA GIÊSU
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Tiếp tục loạt bài giáo lý về Chúa Thánh Thần, bây giờ chúng ta chuyển sang việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Người chịu phép rửa ở sông Giođan. Ở đó, Chúa Giêsu được mặc khải là Con yêu dấu của Chúa Cha và được Chúa Thánh Thần xức dầu khi bắt đầu sứ vụ công khai của Người. Với tư cách là Đấng Mêsia, Tư Tế, Ngôn Sứ và Vua, Chúa Giêsu tiếp tục ban Thánh Thần cho chúng ta, là những chi thể của Nhiệm thể Người là Giáo hội. Trong Bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta được xức dầu thơm của Dầu Thánh như dấu chỉ sự chia sẻ của chúng ta vào cuộc sống của Chúa Kitô, và ơn gọi và sứ mạng của chúng ta là lan tỏa hương thơm tốt lành về sự hiện diện cứu độ của Người trong thế giới của chúng ta. Ước gì chúng ta vun trồng việc xức dầu này hằng ngày và giúp lan tỏa “hương thơm của Chúa Kitô” (2 Cr 2, 15) trong cuộc sống của tất cả những người chúng ta gặp gỡ.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 21/8/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, chúng ta sẽ suy niệm về Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu trong phép rửa ở sông Giođan và từ Người lan tỏa vào thân thể của Người là Giáo hội. Trong Tin Mừng Máccô, cảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa được mô tả như sau: “Hồi ấy, Đức Giê-su từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”” (Mc 1, 9-11). Đây là Tin Mừng theo thánh Máccô.
Toàn bộ Chúa Ba Ngôi đã hiện diện vào lúc đó, trên bờ sông Giođan! Có Chúa Cha, Đấng hiện diện bằng tiếng nói của Ngài; có Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu, và có Chúa Giêsu, Đấng mà Chúa Cha tuyên bố là Con yêu dấu của Ngài. Đó là thời điểm rất quan trọng của Mặc khải, đó là thời điểm quan trọng của lịch sử cứu độ. Thật tốt cho chúng ta khi đọc lại đoạn Tin Mừng này.
Điều gì đã xảy ra mà quan trọng đến thế trong phép rửa của Chúa Giêsu, khiến tất cả các Thánh sử phải kể lại? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong những lời Chúa Giêsu thốt ra, ngay sau đó, tại hội đường ở Nadarét, khi đề cập rõ ràng đến biến cố ở sông Giođan: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu cho tôi” (Lc 4, 18).
Tại sông Giođan, Thiên Chúa Cha “đã xức dầu bằng Thánh Thần”; nghĩa là Ngài đã tấn phong Chúa Giêsu làm Vua, Ngôn Sứ và Tư Tế. Thật vậy, trong Cựu Ước, các vị vua, các ngôn sứ và các tư tế đều được xức dầu thơm. Trong trường hợp của Chúa Kitô, thay vì dầu vật chất, có dầu thiêng liêng là Chúa Thánh Thần; thay vì biểu tượng, có thực tại: có chính Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu được tràn đầy Thánh Thần ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc nhập thể của Người. Tuy nhiên, đây là một “ân sủng cá nhân”, không thể thông truyền được; thay vào đó, giờ đây, với sự xức dầu này, Người nhận được hồng ân trọn vẹn của Chúa Thánh Thần, nhưng với sứ mạng của Người, với tư cách là đầu, Người sẽ thông truyền cho thân thể của Người là Giáo hội, và cho mỗi người chúng ta. Đây là lý do tại sao Giáo hội là “dân vương giả, dân ngôn sứ và dân tư tế” mới. Thuật ngữ “Messiah” trong tiếng Do Thái và từ “Kitô” tương ứng trong tiếng Hy Lạp – Christós, cả hai đều quy chiếu đến Chúa Giêsu, có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Người đã được xức dầu bằng dầu vui mừng, được xức bằng Thánh Thần. Chính cái tên “Kitô hữu” của chúng ta đã được các Giáo Phụ giải thích theo nghĩa đen: “Kitô hữu” có nghĩa là “được xức dầu theo gương Chúa Kitô”. [1] Các Kitô hữu, được xức dầu theo gương Chúa Kitô.
Có một Thánh vịnh trong Thánh Kinh nói về một loại dầu thơm, được đổ trên đầu vị thượng tế Aaron, và chảy xuống áo chầu của ông (x. Tv 133, 2). Hình ảnh thơ mộng về dầu chảy xuống này, được dùng để diễn tả niềm hạnh phúc được sống chung với nhau như anh em, đã trở thành một thực tại thiêng liêng và một thực tại thần bí trong Chúa Kitô và trong Giáo hội. Chúa Kitô là Đầu, là Thượng Tế của chúng ta, Chúa Thánh Thần là dầu thơm, và Giáo hội là thân thể của Chúa Kitô, trong đó dầu thơm lan tỏa.
Chúng ta đã hiểu tại sao Chúa Thánh Thần, trong Thánh Kinh, được tượng trưng bằng gió và thực sự lấy tên của gió là Ruah. Cũng đáng để tự hỏi tại sao Ngài lại được tượng trưng bằng dầu, và chúng ta có thể rút ra bài học thực tế nào từ biểu tượng này. Trong Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh, khi thánh hiến dầu được gọi là “Dầu Thánh”, Đức Giám mục, đề cập đến những người sẽ được xức dầu trong Bí tích Rửa tội và Thêm sức, đã nói: “Xin cho họ khi đã được xức dầu thánh hoá và loại trừ được sự hư nát của đời sống cũ, trở nên đền thờ Chúa uy linh mà tỏa hương thơm đời sống trong sạch đẹp lòng Chúa”. Việc sử dụng này bắt nguồn từ thời Thánh Phaolô, người đã viết cho giáo đoàn Côrintô: “Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Kitô dâng kính Thiên Chúa” (2 Cr 2, 15). Việc xức dầu làm thơm ngát chúng ta, và người nào sống việc xức dầu của mình với niềm vui thì làm cho Giáo hội thơm ngát, làm cho cộng đoàn thơm ngát, làm cho gia đình thơm ngát bằng hương thơm thiêng liêng này.
Thật không may, chúng ta biết rằng, đôi khi các Kitô hữu không lan tỏa hương thơm của Chúa Kitô, nhưng lan truyền mùi hôi thối của tội lỗi của chính họ. Và chúng ta đừng bao giờ quên: tội lỗi làm chúng ta xa cách Chúa Giêsu, tội lỗi khiến chúng ta trở thành dầu hôi. Và ma quỷ – chúng ta đừng quên điều này – ma quỷ thường xâm nhập qua túi tiền. Hãy cẩn thận, hãy cẩn thận. Tuy nhiên, điều này không được làm chúng ta xao lãng khỏi cam kết thực hiện, trong khả năng của chúng ta và mỗi người trong môi trường riêng của họ, ơn gọi cao cả này là trở thành hương thơm tốt lành của Chúa Kitô trong thế giới. Hương thơm của Chúa Kitô tỏa ra từ “những hoa trái của Thần Khí”, đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22). Thánh Phaolô đã nói điều này, và thật tốt biết bao khi tìm được một người có những đức tính này: yêu thương, một người yêu thương, một người vui vẻ, một người kiến tạo hòa bình, một người rộng lượng, không keo kiệt, nhưng rộng lượng, một người nhân từ đón tiếp mọi người, một người tốt lành, một người trung thành, một người hiền lành, không kiêu ngạo, nhưng hiền lành… Và người ta sẽ cảm nhận được chút hương thơm của Thánh Thần Chúa Kitô xung quanh chúng ta, khi chúng ta tìm thấy những người này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta ý thức hơn rằng chúng ta được xức dầu, được Ngài xức dầu. Cảm ơn anh chị em.
—————————————–
[1] Xem Saint Cyril of Jerusalem, Mystagogical Catechesis, III, 1.
———————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Chúa Thánh Thần, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NGỘ ĐỘC THỦY NGÂN ĐÃ ĐẨY NHANH CÁI CHẾT CỦA THÁNH NỮ TÊRÊSA THÀNH LISIEUX
- ĐHY DE KESEL: “NHỮNG BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV NẰM TRONG TÍNH LIÊN TỤC VỚI ĐỨC PHANXICÔ”
- BÀI GIÁO LÝ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. CÁC DỤ NGÔN. BÀI 6. NGƯỜI GIEO GIỐNG. « NGƯỜI DÙNG DỤ NGÔN MÀ NÓI VỚI HỌ NHIỀU ĐIỀU » (Mt 13, 3a)
- LIÊN HIỆP QUỐC : ĐHY PAROLIN BẢO VỆ NỀN NGOẠI GIAO GẶP GỠ MÀ ĐỨC LÊÔ XIV ĐỀ XƯỚNG
- BA ĐIỀU CỐT YẾU CỦA THÔNG ĐIỆP “RERUM NOVARUM”
- CHIẾN TRANH Ở UCRAINA: KIEV VÀ CÁC ĐỒNG MINH HOAN NGHÊNH LỜI ĐỀ NGHỊ CỦA ĐỨC LÊO XIV VỀ VIỆC TỔ CHỨC CÁC CUỘC ĐÀM PHÁN TẠI VATICAN
- HÃY NHÌN VÀO CHÚA KITÔ !
- ĐỨC LÊÔ XIV VÀ GIÁO HỘI, MỘT “CHÚT MEN” CỦA SỰ HIỆP NHẤT VÀ TÌNH YÊU
- NHỮNG LỜI PHÁT BIỂU CUỐI THÁNH LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ PHÊRÔ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- BÀI GIẢNG THÁNH LỄ NHẬM CHỨC CỦA ĐỨC LÊ Ô XIV
- ĐỨC LÊÔ XIV: PHÊRÔ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI CHĂN DẮT ĐƠN ĐỘC, CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT THỦ LĨNH Ở TRÊN NHỮNG NGƯỜI KHÁC
- VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- ĐỨC LÊÔ XIV: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI THÚC ĐẨY ĐỐI THOẠI
- ĐHY PAROLIN: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO CÓ THỂ CHỮA LÀNH NHỮNG CHIA RẼ TOÀN CẦU
- SỰ MỚI MẺ NÀY ĐƯỢC ĐỨC LÊÔ XIV MONG MUỐN CHO LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ CỦA MÌNH
- THÁNH LỄ KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC LÊÔ XIV, MỘT PHỤNG VỤ GIỮA CÁC NGHI LỄ VÀ BIỂU TƯỢNG
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH : BỎ LẠI XUNG ĐỘT ĐẰNG SAU VÀ CHỌN THEO MỘT CON ĐƯỜNG MỚI
- ĐHY PAROLIN : TRONG SUỐT MẬT NGHỊ, ĐỨC LÊÔ XIV “KHÔNG BAO GIỜ MẤT ĐI NỤ CƯỜI NHẸ NHÀNG CỦA MÌNH”
- NỮ TU OONAH O’SHEA ĐƯỢC BẦU LÀM CHỦ TỊCH UISG
- ĐỨC LÊÔ XIV, “MỘT GIÁO HOÀNG VÌ HÒA BÌNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT”