TẠI JAKARTA, ĐỨC PHANXICÔ CẢM ƠN CÁC GIÁO LÝ VIÊN: “CÁC CON LÀ SỨC MẠNH CỦA GIÁO HỘI”
Tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời ở Jakarta, Đức Phanxicô đã lắng nghe chứng từ của một linh mục, một nữ tu và hai giáo lý viên. Trao cho mỗi người cùng trách nhiệm trong việc phát triển dân Chúa, ngài khuyến khích các tu sĩ và giáo dân luôn bước đi “tay trong tay”. Về phần mình, nữ tu Rosalina nói: “Chúng con yêu mến Đức Thánh Cha rất nhiều và chúng con rất biết ơn vì có một vị Giáo hoàng rất gần gũi và có tính mục vụ như vậy.”
Ước muốn cùng nhau bước đi “tay trong tay“, nhu cầu vượt qua rào cản ngôn ngữ, mối quan tâm chung đối với thiên nhiên và “những người bé mọn” – dù là người nghèo, người yếu đuối, bị gạt ra ngoài lề xã hội hay người khuyết tật – và nỗ lực trở thành “cầu nối đối thoại”. Đây là những chủ đề nổi lên từ những chứng từ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nghe tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời ở Jakarta, trong cuộc gặp gỡ với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên, được tổ chức vào thứ Tư, ngày 4/9/2024.
Gần gũi bất chấp khoảng cách
Người đầu tiên phát biểu là Cha Maxi Un Bria, chủ tịch Liên đoàn Linh mục Giáo phận Indonesia (UNINDO), người đã ngỏ lời với Đức Thánh Cha bằng tiếng Anh, mô tả sự hiện diện của Đức Thánh Cha là “một phúc lành cho tất cả các linh mục, giáo phận và tu sĩ, những người đang tìm cách bước đi “tay trong tay”, bằng cùng nhau phục vụ các tín hữu của tất cả các giáo hội địa phương ở Indonesia”. Nhắc lại cam kết, “ở đất nước đa nguyên này”, về một Giáo hội Công giáo chú ý “thăng tiến công ích của các tín hữu và quốc gia”, vị linh mục bày tỏ lòng biết ơn đối với “sự quan tâm đầy tình phụ tử” mà Đức Phanxicô và các vị tiền nhiệm của ngài luôn thể hiện “ như một dấu chỉ sự gần gũi của Phêrô với chúng con, những người đang ở rất xa”.
Hiệp nhất và hòa hợp hơn với Giáo hội hoàn vũ
Nữ tu Rina Rosalina, thuộc Dòng Thừa sai Thánh Thể Clara, đã chuyển lời chào mừng của các tu sĩ: “Mặc dù đất nước Indonesia rộng lớn, nhưng chúng con cảm thấy hiệp nhất trong công việc của mình, được nâng đỡ bởi Giáo hội và Hội đồng Giám mục” của đất nước. Phát biểu với Đức Thánh Cha, nữ tu tâm sự: “Chúng con luôn cố gắng học hỏi từ Đức Thánh Cha” nhưng “thật không may, vì khoảng cách và rào cản ngôn ngữ, đôi khi chúng con gặp khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu do Rôma ban hành”. Bất chấp những nỗ lực của chúng tôi, “các bản dịch có thể mất nhiều thời gian”, đến nỗi “chúng con vẫn luôn chờ đợi để có thể đọc một số giáo huấn của Đức Thánh Cha bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng con, là tiếng Bahasa Indonesia”.
Nhắc lại mong muốn của mình “được hiệp nhất hoàn hảo hơn và hòa hợp với Giáo hội hoàn vũ, cùng nhau bước đi trong sự hiệp hành”, nữ tu dừng chứng từ bằng tiếng Ý để chuyển tải thông điệp tình cảm từ tất cả các chị em của mình tới Đức Thánh Cha bằng tiếng Tây Ban Nha: “Chúng con yêu mến Đức Thánh Cha rất nhiều và chúng con rất biết ơn vì có một vị Giáo hoàng rất gần gũi và có tính mục vụ như vậy.” Kết thúc chứng từ, Đức Phanxicô nói chuyện ngắn gọn với nữ tu, trao đổi vài lời, trước khi một bài hát giới thiệu hai chứng từ khác.
Các giáo lý viên, sức mạnh của Giáo Hội
Agnes Natalia, giáo viên tại Trường tiểu học St. Ursula ở Jakarta và là giáo lý viên tại Giáo xứ Đức Maria Trinh Nữ Vương, chia sẻ một số suy nghĩ với Đức Phanxicô: “Đối với con, Đức Thánh Cha thực sự đại diện cho Thánh Phanxicô Assidi”. Agnes Natalia nói tiếp: “Đức Thánh Cha rất quan tâm đến việc bảo vệ thiên nhiên và “những người bé mẹn”, người nghèo, người yếu đuối, người bị gạt ra ngoài lề xã hội và người khuyết tật”. Sơ nhắc lại một số câu nói của Đức Thánh Cha khi vào năm 2020, ngài tuyên bố rằng “mỗi người chúng ta đều xinh đẹp trong mắt Chúa” khi ngài chào đón tại Vatican trẻ tự kỷ từ phòng khám lưu động Sonnenschein ở St. Pölten, Áo.
Đùa với giáo lý viên, Đức Thánh Cha nói về sự “giống” với Thánh Phanxicô, và tiếp đến nói về tầm quan trọng của vai trò của các giáo lý viên, những người đầu tiên “làm cho Giáo hội tiến về phía trước”, tiếp theo là các nữ tu, linh mục và giám mục, “nhưng các giáo lý viên là nguồn mạch, họ là sức mạnh của Giáo hội”. Sau đó, Đức Phanxicô kể lại rằng, trong chuyến đi đến Châu Phi, một Tổng thống nước Cộng hòa đã nói với ngài rằng ông đã được rửa tội bởi chính cha mình, một giáo lý viên: “Đức tin được truyền tải tại nhà, đức tin được truyền tải bằng phương ngữ,” Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “và các giáo lý viên, cùng với các mẹ và các bà, đều mang đức tin này. Tôi cảm ơn các giáo lý viên rất nhiều, họ thật tốt.”
Cầu đối thoại để trình bày khuôn mặt của Chúa Kitô
Nikolas Wijaya, giáo viên về đạo Công giáo tại trường trung học Regina Pacis ở Bogor và là thành viên ủy ban giáo lý của giáo phận Jakarta, cho biết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một sự hiện diện “rất đáng khích lệ” đối với các giáo lý viên đang làm việc “tại vùng đất rất đa dạng này”. Nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha trong thông điệp Fratelli tutti, Nikolas Wijaya nhấn mạnh đến thuật ngữ “cây cầu” như một phép loại suy cho sự hiện diện của Giáo hội trong xã hội, đồng thời xin Đức Phanxicô cầu nguyện cho tất cả các giáo lý viên để họ có thể “trở thành những cầu nối hiệp nhất nhiều người”, do đó truyền cảm hứng cho một vòng tròn nhân đức gồm những “cây cầu đối thoại” qua đó “trình bày khuôn mặt của Chúa Kitô bằng đức tin, tình huynh đệ và lòng trắc ẩn”.
Tý Linh
(theo Lorena Leonardi – Vatican News )
Tags: Á-Châu, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC