Ở SINGAPORE, MỘT ĐẠO CÔNG GIÁO QUỐC TẾ CÓ SỨC SỐNG TÂM LINH VÀ DÂN SỰ
Với gần 400.000 tín hữu trong một bức tranh khảm liên tôn và trong một mô hình được chính quyền thúc đẩy về sự hòa hợp tôn giáo với các quy tắc nghiêm ngặt, đạo Công giáo phát triển dễ dàng tại thành quốc mà Đức Phanxicô viếng thăm. Giáo hội Công giáo góp phần vào sự xuất sắc trong giáo dục, hệ thống y tế và từ thiện, đồng thời rất tích cực trong các vấn đề liên tôn.
Trên hòn đảo gồm 10 tôn giáo chính thức mà Trung tâm Nghiên cứu Pew đã xếp hạng là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng đa dạng nhất thế giới, Đức Phanxicô sẽ thấy một Giáo hội Công giáo nhỏ bé, năng động và hưng thịnh. Gần 400.000 tín hữu đại diện cho 7% dân số và duy trì một số lượng không thể tính toán được các dịch vụ y tế hoặc giáo dục, một di sản của lịch sử truyền giáo hàng thế kỷ, vượt ra ngoài phạm vi Công giáo. Trong 48 giờ hiện diện tại Singapore, Đức Phanxicô sẽ chủ trì một thánh lễ lớn tại sân vận động vào thứ Năm ngày 12/9/2024 để gặp gỡ các tín hữu địa phương và khu vực. Người Malaysia, người Đài Loan, người Hồng Kông, người Hàn Quốc, người Sri Lanka và người Việt Nam dự kiến sẽ nằm trong số 50.000 người tham gia được cấp vé cẩn thận. Cuộc gặp gỡ thứ hai, thuần túy Giáo hội, sẽ là một cuộc gặp riêng vào ngày hôm sau tại viện dưỡng lão Saint-François-Xavier, nơi ngài cư trú trong thời gian lưu trú này, với các giáo sĩ, linh mục và tu sĩ của đất nước, và các thành viên hội đồng giám mục tập hợp lại gồm Malaysia, Singapore và Brunei.
Nhà nhân chủng học và thần học Công giáo Michel Chambon, điều phối viên của Isac, Viện Nghiên cứu Công giáo Châu Á do Đại học Quốc gia Singapore (NUS) chủ trì, làm sáng tỏ sức sống lịch sử, tâm linh và liên tôn của Giáo hội Công giáo Singapore, sự tiến triển địa phương và khu vực của nó.
Người Công giáo Singapore đại diện cho điều gì trong bối cảnh đa tôn giáo của thành quốc này?
Kitô giáo từ lâu đã phát triển liên lỉ và đáng kể trong xã hội Singapore. Đạo Công giáo từng là đầu tàu cho sự phát triển này, nhưng ngày nay giới Tin Lành đã dẫn đầu. Xét về mặt quyền lực tương đối, sức thu hút của người dân Singapore đối với Kitô giáo tăng lên khi sức thu hút đối với các tôn giáo truyền thống Trung Quốc giảm đi. Các Kitô hữu cung cấp các dịch vụ công cộng về mặt trường học, vì vậy ảnh hưởng của họ vượt xa số lượng người Kitô hữu ở Singapore vì nó còn bao gồm tất cả những trường học mà họ điều hành.
Vấn đề về con số cũng phức tạp, bởi vì đôi khi sự hiện diện đáng kể của người lao động Công giáo di cư, đặc biệt là người Philippines được cho là 200.000 người ở Singapore, lại vắng mặt trong các số liệu thống kê và bị bỏ qua trong im lặng. Tuy nhiên, họ tạo thành một cộng đồng rất dấn thân và hiện diện tại nhà thờ, mang lại sức sống cho các giáo xứ và phong trào, quảng đại về thời gian và tiền bạc, vì họ được coi trọng trong cơ cấu kinh tế của Singapore.
Delphine Allaire: Đạo Công giáo đã lan rộng trong lịch sử ở Singapore như thế nào?
Michel Chambon: Kitô giáo đã có mặt trong khu vực từ những thế kỷ đầu ở Ấn Độ. Bản thân Singapore đã xuất hiện cách đây hai thế kỷ. Trước đó, các Kitô hữu đã đi qua eo biển này, đặc biệt là thánh Phanxicô Xaviê được đặt ở Malacca, phía bắc Singapore ngày nay. Một tập hợp các dấu vết đi lại của các Kitô hữu được ghi lại. Rất nhanh chóng, khi thành quốc thuộc Anh được thành lập bởi những người thực dân của Vương thất, các linh mục thừa sai đã đi qua Singapore và 12 giáo dân đã được thành lập khi thuộc địa này được người Anh thành lập. Hạt nhân nhỏ này cho phép, một vài năm sau, các thành viên của hàng giáo sĩ đến định cư lâu dài ở Singapore với sự hỗ trợ tài chính và xã hội thực sự để có thể sống ở đây.
Từ nhóm nhỏ gồm 12 giáo dân, 12 gia đình này, một hạt nhân đã phát triển, một nỗ lực loan báo Tin Mừng được thực hiện và Giáo hội dần dần chiếm được nhiều chỗ hơn. Giống như ở các thuộc địa khác của Anh, như Hồng Kông, cường quốc Anh bằng lòng “khoán” các vấn đề giáo dục, xã hội và từ thiện cho Giáo hội Công giáo.
Đạo Công giáo chỉ phát triển ở thành quốc trong thế kỷ XIX và XX, không phải là không có căng thẳng hoặc bạo lực chống lại người Công giáo, nhưng nhìn chung họ đã tìm được chỗ đứng của mình. Đức tin Công giáo rất hấp dẫn vì đây là tôn giáo duy nhất không dựa trên sắc tộc, trái với Ấn Độ giáo, được coi là tôn giáo của người Ấn Độ hoặc người gốc Ấn Độ; đối với Hồi giáo là tôn giáo của người Mã Lai, hoặc đối với Lão giáo và Phật giáo, được coi là có mối liên hệ nội tại với người dân gốc Hoa. Không giống như những truyền thống lớn này của châu Á, Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng trở thành một loại tôn giáo chung cho nơi dung hợp văn hóa này là Singapore.
Delphine Allaire: Về vấn đề này, các yếu tố hội nhập văn hóa Công giáo có thể thấy được ở thành quốc này không?
Michel Chambon: Singapore vẫn là một thành quốc ở một số khía cạnh thuộc địa và tôn vinh chiều kích này. Ví dụ, vào năm 2023, trong nhóm nghiên cứu do tôi hướng dẫn, chúng tôi đã nghiên cứu về Đức Maria trong các tôn giáo châu Á. Thật thú vị khi thấy rằng, không giống như Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, nơi Đức Maria mang những nét địa phương về trang phục, khuôn mặt hay những cuộc hành hương, ở Singapore, ba hình thức sùng kính Đức Mẹ hiện diện trong tất cả các nhà nguyện đều mang tính chất Châu Âu: Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Mẹ Cứu Giúp Nhanh Chóng. Đây là điều không điển hình trong khu vực. Đức Maria vẫn là một nhân vật châu Âu. Nếu chúng ta xem xét rằng Singapore tự hào về di sản thuộc địa của mình và sự thành công mà chính quyền đã có thể mang lại cho người dân địa phương, thì theo nghĩa này, khía cạnh châu Âu của Đức Maria vẫn là một dạng hội nhập văn hóa Đức Maria vào bối cảnh địa phương. Tất nhiên, có những tấm gương về Đức Maria, được tôn kính bởi những người thuộc các tôn giáo rất đa dạng, chẳng hạn như tại Nhà thờ Novena (Nhà thờ Saint-Alphonse, thường được gọi là Nhà thờ Novena), quận duy nhất lấy tên của một nhà thờ Công giáo. Nhà nguyện và linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thu hút nhiều người theo đạo Hindu và những người khác đến để cầu khấn với Đức Maria.
Đạo Công giáo ở Singapore không chỉ là một đạo tự thân, hướng về Châu Âu mà chúng ta tôn vinh. Nó cũng biểu hiện các dạng tiếp nhận và trao đổi. Người Công giáo địa phương rất chú ý đến sự hiện diện của các tôn giáo lâu đời khác trong nền văn hóa Singapore. Họ đánh dấu các lễ hội như Divali hoặc tất cả các ngày lễ lớn của Ấn Độ giáo, Phật giáo hoặc Lão giáo. Một số nghi thức nhỏ, dấu hiệu của sự tôn trọng và danh dự, chẳng hạn như dịp Tết Nguyên Đán, đánh dấu năm phụng vụ và năm dân sự. Người Công giáo Singapore chú ý đến các truyền thống tôn giáo khác mà cuối cùng họ chia sẻ chung nền văn hóa xã hội.
Delphine Allaire: Làm thế nào mô tả sức sống tâm linh của Giáo hội này? Có phải Giáo hội này đang phát triển hay xu hướng tục hóa đang chiếm ưu thế, giống như ở các trung tâm đô thị khác của cái gọi là Châu Á giàu có?
Michel Chambon: Xu hướng tục hóa ở châu Á đang bén rễ đặc biệt ở Đông Á và xuất hiện ít rõ ràng hơn ở Đông Nam Á, nơi lòng đạo vẫn còn mạnh mẽ. Trong lòng người Công giáo và trong Giáo hội địa phương, có một sức sống thực sự. Trong nhiều khía cạnh, tất cả các chỉ số đều có màu xanh: số lượng ơn gọi, giáo phận địa phương không có vấn đề gì và có đủ khả năng để nói không và cảm ơn một số lượng đáng kể các ứng viên; về tiền bạc, quyên góp, Giáo hội địa phương có nguồn tài chính lớn; về mặt thực hành, thánh lễ ngày Chúa Nhật đông đúc. Người Singapore nói chung đều ngoan đạo và thực hành. Điều này được tìm thấy trong mọi truyền thống tôn giáo. Thách thức là ở chỗ đây là một thành phố xây dựng sự giàu có của mình đôi khi hơi trái ngược với phần còn lại của khu vực. Sự căng thẳng này không dễ quản lý. Tại Giáo hội Hồng Kông, Manila, Penang, có một mối quan tâm thực sự đối với Giáo hội tại Châu Á nói chung. Ở Singapore, khi chúng ta tìm kiếm, mối quan tâm này cũng rõ ràng, nhưng ở cấp độ cá nhân và riêng tư nhiều hơn.
Delphine Allaire: Giáo hội Công giáo Singapore đóng vai trò gì ở Đông Nam Á hoặc xa hơn, đối với Trung Quốc và Hồng Kông?
Michel Chambon: Giáo hội Singapore bị tổn thương vào năm 1987 bởi một chiến dịch của cảnh sát chính phủ được cho là nhằm vào Giáo hội ngay sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Có một hành dộng khá gay gắt chống lại Giáo hội, chống lại một mạng lưới cộng sản, nơi 22 người bị bỏ tù đều là nhân viên xã hội Công giáo. Một số người giải thích đây là một hành động chống lại Giáo hội Công giáo, chống lại khả năng huy động và đặt ra các vấn đề về mặt công bằng xã hội. Ngày nay, chính phủ đã tiến triển. Chúng ta đã xa với tất cả những điều đó, và Singapore là một thành phố quốc tế quan tâm đến sự cân bằng trong khu vực. Giáo hội địa phương vẫn còn hơi bị tổn thương bởi những gì đã xảy ra vào năm 1987 và đôi khi do dự trong việc đóng một vai trò mang tính khu vực hơn. Nếu chúng ta so sánh một lần nữa với Hồng Kông, Bangkok, Manila, thậm chí Penang, Giáo hội Singapore không dám khẳng định những gì mình làm, thậm chí là né tránh.
Delphine Allaire: Nó chiếm phần nào trong cuộc đối thoại liên tôn địa phương?
Michel Chambon: Mối quan hệ liên tôn được Nhà nước rất coi trọng. Cuộc đối thoại này là vì hạnh phúc và sự sống còn của Singapore. Tất cả các tôn giáo được Nhà nước công nhận đều được mời tham gia vào khuôn khổ này và đóng góp cho nó. Giáo hội Công giáo đang thực hiện. Khi Đức Hồng y William Goh, Tổng Giám mục Singapore, được tấn phong Hồng y cách đây hai năm, ngài đã nhấn mạnh mong muốn hỗ trợ đối thoại tôn giáo. Cách đây một năm, ngài đã thành lập một trung tâm đối thoại liên tôn. Các đại biểu của giáo phận luôn hiện diện rất rõ ràng trong các cuộc họp chính thức khác nhau về đối thoại liên tôn. Một số người Công giáo chủ động, trong cuộc đối thoại tự phát và đơn giản hơn, liên vị giữa các cá nhân. Giáo hội Công giáo ở Singapore là một trong những tổ chức có thành tích cao nhất về việc tham gia đối thoại liên tôn. Đúng hơn, tình cảnh trái ngược đáng chú ý nằm trong sự kiện rằng sự hòa hợp liên tôn trong các khía cạnh hiến pháp của nó không cho phép, đối với người Công giáo chúng ta, xuất hiện các nhà tư tưởng và thần học lớn để đưa ra giả thuyết về tầm quan trọng của việc đào sâu đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác.
——————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican news)
Tags: Á-Châu, Giáo-Hội-&-Nhà-Nước, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM RÔMA
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO