CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN 21 TN C

Written by xbvn on Tháng Tám 20th, 2013. Posted in Mai Tá

Thương ai về ngõ tối,”
sương rơi ướt đôi môi

Thương ai buồn kiếp đời lạnh lùng ánh sao rơi.”

(Trịnh Công Sơn – Thương Một Người)

(Rm 2: 17-19)

 Nghe bài này, bần đạo lại nhớ lần đó, vị linh mục trẻ được nhóm “Hát Cho Nhau Nghe” đề nghị hát bài này thay cho bài “Chiếc Áo Bà Ba”, rất dân ca.  Linh mục trẻ, hát những bài về “thương ai” hay thương tôi, cũng chẳng có gì để bàn ở Chuyện Phiếm hôm nay. Chuyện đáng bàn và cần bàn, là ý/lời của thơ và nhạc lại vẫn thấy hát, những câu như:

 “Thương ai về xóm vắng. Ðêm nay thiếu ánh trăng
Ðôi vai gầy ướt mềm người lạnh lắm hay không
Thương ai mầu áo trắng trong như ánh sao băng
Thương ai cười trong nắng ngại ngùng áng mây tan …”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

 Thương ai hay thương tôi, cũng vẫn là thương người và người thương, rất hai chiều. Thương người và thương tôi, còn là ý/lời của truyện kể rất đáng đọc và nên nghe, như chuyện về người ăn mày, sau đây:

 Một người ăn mày đến trước một trang viên, gặp nữ chủ nhân để ăn xin. Người ăn mày này rất tội nghiệp, cánh tay bị cụt, tay áo trống trải đung đưa, người nào trông thấy cũng đều khẳng khái bố thí cho. Tuy nhiên, vị chủ nhân này lại không hề khách khí, chỉ ra đống gạch trước cửa nói với người ăn mày: “Ngươi giúp ta chuyển đống gạch này ra nhà sau đi”.

 Người ăn mày giận dữ nói: “Tôi chỉ có một tay, bà còn nhẫn tâm bảo vác gạch. Không muốn cho thì thôi vậy, cần chi phải trêu ghẹo người khác?”

 Vị chủ nhân không chút nổi giận, cúi người xuống bắt đầu dọn gạch. Bà ta cố ý chỉ dùng một tay để chuyển, sau đó bà nói: “Ngươi thấy đấy, không phải chỉ dùng hai tay mới có thể sống được. Ngươi có thể làm, vậy tại sao lại không làm chứ?”

 Người ăn mày lặng người đi, hắn ta nhìn vị nữ chủ nhân với ánh mắt kỳ dị, trái cổ nhô nhọn giống như một quả trám chuyển động lên xuống 2 lượt. Cuối cùng, hắn cúi người xuống, dùng cánh tay còn lại bắt đầu chuyển gạch. Một lần chỉ có thể chuyển đi hai viên gạch. Hắn chuyển như thế đúng hai tiếng đồng hồ thì hết đống gạch. Mệt, hắn thở như bò kéo xe, trên mặt dính đầy bụi, mấy chòm tóc rối bị mồ hôi ướt dính xéo trên góc trán.

 Nữ chủ nhân đưa cho người ăn mày một cái khăn lông trắng như tuyết. Người ăn mày đón lấy lau mặt và cổ một lượt rất kỹ; chiếc khăn lông trắng đã biến thành chiếc khăn lông đen. Người phụ nữ lại đưa cho hắn 20 đô-la, người ăn mày cảm kích nói:  “Cảm ơn bà”  – “Ngươi không cần cảm ơn ta, đây là tiền công ngươi kiếm được dựa vào sức lực của mình”.

 Người ăn mày nói: “Tôi sẽ không quên bà, để cho tôi giữ làm kỷ niệm vậy”. Nói xong, hắn cúi người chào thật thấp và sau đó lên đường. Qua nhiều ngày sau lại có một người ăn mày khác đến trang viên này. Người phụ nữ đó lại dẫn người ăn mày vào nhà sau, chỉ đống gạch, và nói: “Chuyển đống gạch này ra trước nhà, ta sẽ trả cho ngươi hai mươi đô-la”.

 Người ăn mày với hai tay còn nguyên vẹn này bỏ đi, không biết là do không thèm 20 đô-la hay do điều gì khác. Người con của người phụ nữ không hiểu, liền hỏi mẹ:  “Lần trước mẹ kêu ăn mày chuyển đống gạch này từ trước nhà ra sau nhà. Lần này mẹ lại kêu ăn mày chuyển gạch từ sau nhà ra trước nhà. Rốt cuộc mẹ muốn đống gạch ở sau nhà hay là ở trước nhà?”.

 Người mẹ nói với con rằng:  “Gạch đặt trước nhà hay sau nhà đều như nhau, nhưng chuyển hay không chuyển, đối với người ăn mày mà nói, thì lại không giống nhau”. Sau này cũng có mấy người ăn mày đến xin ăn, đống gạch đó được chuyển đi mấy lượt. Nhiều năm sau, có một người rất chỉnh tề đến trang viện này. Ông ta mặc veston, mang giày da, trông chững chạc hiên ngang như những người thành công với sự tự tin và tự trọng, chỉ có điều là người này chỉ có một cánh tay trái. Ông ta cúi người xuống, nói với vị nữ chủ nhân nay đã có phần già đi:  “Nếu không có bà, tôi vẫn chỉ là một kẻ ăn mày. Thế nhưng bây giờ tôi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty”.

 Người phụ nữ đã không còn nhớ ra ông là ai, bà hờ hững nói:  “Đấy là do chính bản thân ông làm ra mà thôi”. Người Chủ tịch Hội đồng Quản trị một tay mời người phụ nữ cùng cả nhà bà dọn đến thành phố để sống những ngày thoải mái. Người phụ nữ nói:  

-Chúng tôi không thể nhận sự chăm sóc của ông được

-Tại sao?

-Bởi vì cả nhà chúng tôi ai cũng có hai tay.

Người chủ tịch tuy đau lòng nhưng vẫn kiên trì:  

-Thưa bà, bà giúp tôi hiểu được thế nào là Nhân, thế nào là Cách. Căn nhà đó là tiền công mà bà đã dạy cho tôi.

            Người phụ nữ nói: 

-Vậy thì ông đem căn nhà ấy tặng cho người nào không còn cánh tay nào cả!”

(Truyện kể được truyền tụng trên mạng, nhiều vô kể)

 Thật ra thì, có “thương ai về ngõ tối” có cuộc đời không mấy sáng sủa, cũng vẫn là tâm trạng của nhiều người ở đời, chứ không chỉ như lời hát, buổi hôm đó. Thành thử, có nghe hát mà không mường tượng rằng, ở đời này cũng rất nhiều trường hợp như thế, kể cũng “tội”.

“Tội” ghê lắm, lại là trường hợp của bạn, của tôi của rất nhiều người từng thấy “tội”, nhưng không thấy “lỗi” của ai hết. Chí ít, là tội và lỗi của nhân loại hoặc xã hội sao cứ để tình hình ấy, vẫn xảy đến.

Tình hình ở xã hội và Giáo hội hôm nay, lại cũng thấy rất nhiều tình và nhiều hình, thấy mãi mà sao chẳng động tĩnh gì hết vậy? Động và tĩnh, ít ra cũng như là tâm trạng và lòng dạ của một số vị, trong đó có linh mục “Bụi” nổi danh ở Sydney, nước Úc từng có những nhận định như sau:

 “Kỳ nghỉ vừa qua đã đem lại cho giới trẻ đến hơn năm tuần để nghỉ lễ, không chỉ ra khỏi khuôn khổ có giáo dục , dạy dỗ rất khổ sở mà còn vượt thoát những thói lệ rất quen quen cốt giữ cho các em có được những sinh hoạt tích cực hơn.

 Cho đến tuần lễ thứ ba, thì hầu hết các em đều mệt mỏi, chán chường những ngày dài vô vị, thế nên chúng lại càng thích cựa quậy bay nhảy cho đỡ bó giò bó cẳng, bằng các sinh hoạt vui chơi cho đến khi vô học lại ở trường, cũng chán chường.

 Nếu không có cơ cấu thiết yếu cho những ngày dài của chúng, lũ/đám “trẻ người non dạ” của chúng ta tỏ ra mở rộng lòng hơn để tham gia vào những hoạt động tiêu cực ở xã hội, như: tội phạm hình sự, rượi chè và ma tuý, hoặc các hành xử trái luật nào khác.

 Nói chung, thì có đến 70% bậc cha mẹ tin rằng: sở dĩ lũ trẻ nhà mình phạm pháp là do chúng cũng chẳng có gì để làm và chẳng có chỗ nào để chơi (x. MORI, 2002). Cơ quan Thống kê Úc nhận ra rằng chính sự nhàm chán là yếu tố đáng kể từng gợi hứng cho đám trẻ ở Úc phạm pháp, vào thời này (xem Thống kê ở Úc  năm 2008b) (Xemn Lm Chris Riley, Fun, educational actrivities keep young out of danger, The Catholic Weekly 17/3/2013, tr. 14)

 Nói như linh mục “Bụi” ở trên, là nói cách bài bản, của nhà Đạo. Nhưng, nói như nghệ sĩ ở đời, còn là nói không bằng lời nhưng bằng ý nhẹ, rất như sau:

“Thương ai về ngõ tối. Bao nhiêu lá rơi rơi
Thương ai cười không nói ngập ngừng lá hôn vai
f*

            (Trịnh Công Sơn – bđd)

 Trong đời đi Đạo còn có một thứ “ngõ tối” rất tăm tối, khiến các đấng bậc vị vọng phải để mắt quan tâm, là ngõ tối của niềm tin đi Đạo, như đấng bậc thày dạy từng nhắn bảo học trò của ông hôm nào ở trường Đạo, như sau:

 “Những giòng chiêm niệm như thế này, là để đào sâu thêm những gì được gọi là “ánh sáng” đức tin.

 Đề cập chuyện này, lại có nhiều phương án, rất khác nhau. Nhưng, trước khi bắt đầu kể, tôi cũng xin xác-quyết lập trường của tôi một cách tổng thể. Đa số truyền thống thần-học có chủ trương rút bỏ niềm tin khỏi bất cứ loại-hình nào mang tính “hiểu biết” (hoặc, gọi là “ánh sáng”) ngõ hầu biến nó thành động-tác tín-nhiệm vào sự tối tăm của vô-tri, tức không-hiểu-biết. Một số vị khác, cùng lúc đồng thuận với lập trường nói ở trên, lại đã biến nó thành động-thái của sự tin-tưởng và đặc biệt của tình thương vào Đấng Nào Đó sẽ gìn giữ họ (tức người tin tưởng) thật an-toàn trong sự tối-tăm của sự sống đang gia tăng (và quả thật cũng trong cõi tối tăm của sự chết). Các vị đồng ý bảo rằng niềm tin là sự thể có cảm-xúc rất trực-giác, một trực-giác có hỗ trợ không thất bại ở trong tăm tối, mà không thêm quà tặng trong “nhận xét”.(xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Tin, động tác phát tự con tim, Chương 2 phần I, www.suyniemloingai.blogspot.com. 15/08/13)            

 Nói như bậc thày giảng dạy, thì “thương ai về ngõ tối”, còn là thương tất cả những người cảm thấy như “mùa thu úa trên môi, trên cả mắt miệng và trái tim, nên mới tăm tối. Thương, là còn thương như lời hát, ở bên dưới:

 “Thương nụ cười và mái tóc buông lơi
Mùa thu úa trên môi từng đêm qua ngõ tối
Bàn chân âm thầm nói. Lặng nghe gió đêm nay
Ngại ai buốt đôi vai. Bờ vai như giấy mới
Sợ nghiêng hết tình tôi.

(Trịnh Công Sơn – bđd)

             Và “thương ai”, tức còn thương cả những là “ai đó” đi về xóm vắng, đêm nay, mai ngày, còn hát tiếp:

 “Thương ai về xóm vắng. Ðêm nay thiếu ánh trăng.

Ðôi vai gầy ướt mềm người lạnh lắm hay không
Thương ai mầu áo trắng trông như ánh sao băng
Thương ai cười trong nắng ngại ngùng áng mây tan …
Ngại ngùng áng mây tan …

(Trịnh Công Sơn – bđd)

 Hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ thương mãi như thế, rồi thì mọi “ngại ngùng áng mây tan”, Bởi, “ánh trăng” nơi “xóm vắng” chứa đầy tình thương nên đã sáng. Sáng cả mầu áo trắng, mầu của tính trinh trong, hiền hoà, nhiều “sao băng”. Tựa hồ như lời của đấng thánh hiền lành, từng dẫn dụ:

 Còn bạn, bạn mang tên là người Do-thái,

lại ỷ rằng mình có Lề Luật,

và tự hào vì có Thiên Chúa;

bạn được biết ý Người,

được Lề Luật dạy cho điều hay lẽ phải;

bạn xác tín rằng mình là người dẫn dắt kẻ mù loà,

là ánh sáng cho kẻ ở trong bóng tối,

là nhà giáo dục kẻ u mê, là thầy dạy người non dại,

vì bạn tưởng mình có Lề Luật là có tất cả tri thức và chân lý…”

(Rm 2: 17-19)

             Thành ra, nhiều lúc bạn và tôi, ta cứ tưởng là mình đang ở trong ánh sáng của đức tin hoặc hiểu biết về mọi thứ, nhưng kỳ thật vẫn còn nơi tăm tối, do chưa biết “thương ai về ngõ tối”, giống như tôi. Như bạn, như nhiều nguời trong ta. Đó chính là điều mà cả người viết nhạc cũng như người, dù là linh mục trẻ hôm ấy, hay nghệ sĩ già hôm nay vẫn cứ nói và cứ hát như mọi ngày, trong đời.

            Tóm lại, cũng nên nhìn vào chỗ tối, để xem còn ai trong đó để mà thương. Thương rồi, cũng nhắn và nhủ, bằng lời lẽ vui, như sau:

 “Hãy vui lên và cứ cười. Bởi một nụ cười trong ngày còn hơn ăn trái táo chữa bệnh. Cười rồi sẽ đọc truyển kể nhè nhẹ sau đây:

            Có người nọ, một hôm được Chúa ban cho hai lời ước, bèn ước là: Ước sao mình được uống thức uống ngon nhất và có được người nữ tốt lành nhất từ xưa đến nay. Tức thì, anh ta được uống nước khoáng và có Mẹ Têrêxa Calcutta ở cạnh bên.

            Lại cũng có người nhận chân ra được ánh sáng của cuộc đời, giống như sau:

            Trên cõi đời này, có ba loại người: loại đầu, sẽ mãi mãi độc thân và biến mọi sự thành điều tuyệt diệu. Loại thứ hai: là những người cũng có bạn gái và cũng thấy điều tuyệt diệu trên đời cứ hiện đến. Loại người còn lại, cứ lấy vợ lấy chồng rồi còn hỏi: có thứ gì tuyệt vời trên đời, khác nữa không?”

             Hỏi là hỏi thế chứ, người hỏi đã thấy ánh sáng cuối đường hầm tăm tối cuộc đời mình. Ánh sáng ấy là gì? Đường hầm đầy tăm tối ấy ra sao? Có giống câu hát ở cuối bài hay không? Tức, những lời rằng:

            Thương nụ cười và mái tóc buông lơi

Mùa thu úa trên môi từng đêm qua ngõ tối

Bàn chân âm thầm nói. Lặng nghe gió đêm nay

Ngại ai vuốt đôi vai. Bờ vai như giấy mới

Sợ nghiêng hết tình tôi.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

 Nghe hát rồi, hẳn bạn cũng như tôi, ta cứ nhủ lòng mình bằng những câu, những lời rất nổi trôi, nhưng không buồn vì “sợ nghiêng hết tình tôi”. Tình tôi hay tình người còn đó, vẫn cứ vui. Nhé bạn. Nhé cả tôi.

Trần Ngọc Mười Hai

Nguyện rằng đời mình đời người

sẽ cứ vui,

suốt một đời.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30