BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 9. « TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN ». CHÚA THÁNH THẦN TRONG NIỀM TIN CỦA GIÁO HỘI
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Thần tính của Chúa Thánh Thần đã được Công đồng đại kết Constantinople xác định vào năm 381, Thánh Basiliô Cả khẳng định sự bình đẳng của ba ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, được cùng một vinh quang và cùng một sự tôn thờ. Định nghĩa này chỉ là điểm khởi đầu. Việc thờ phượng và thần học của Giáo Hội sẽ tuyên xưng thần tính của Chúa Thánh Thần một cách rõ ràng hơn theo thời gian.
Chúng ta tuyên xưng mỗi Chúa Nhật rằng Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho chúng ta. Giống như trong công trình tạo dựng, hơi thở của Thiên Chúa đã ban sự sống tự nhiên cho Ađam, ngày nay qua công trình tạo dựng mới trong Chúa Thánh Thần, Ngài ban cho chúng ta sự sống của Chúa Kitô, sự sống siêu nhiên của con Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Sự sống được Chúa Thánh Thần ban tặng là vĩnh cửu, nó là lời hứa phục sinh. Chúng ta hãy vun trồng đức tin vào Chúa Thánh Thần và tạ ơn Chúa Kitô, Đấng đã đạt được cho chúng ta ân huệ quý giá này bằng cái giá mạng sống của Người.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 16/10/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta chuyển từ những gì đã được mặc khải cho chúng ta về Chúa Thánh Thần trong Thánh Kinh sang cách Ngài hiện diện và hoạt động trong đời sống Giáo hội, trong đời sống Kitô hữu của chúng ta.
Trong ba thế kỷ đầu tiên, Giáo hội không cảm thấy nhu cầu trình bày rõ ràng niềm tin vào Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, trong Kinh Tin Kính lâu đời nhất của Giáo hội, Kinh Tin Kính các Tông Đồ, sau khi tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha, Đấng tạo thành trời đất, và tôi tin kính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sinh ra, đã chịu chết, xuống ngục tổ tông, đã sống lại và lên trời”, chúng ta nói thêm: “[tôi tin kính] Đức Chúa Thánh Thần”, không gì thêm nữa, không có bất kỳ lời giải thích nào thêm.
Nhưng chính lạc giáo đã thúc đẩy Giáo hội làm rõ đức tin của mình. Khi tiến trình này bắt đầu – với thánh Athanasiô vào thế kỷ IV – chính kinh nghiệm của Giáo hội về hoạt động thánh hóa và thần hóa của Chúa Thánh Thần đã dẫn Giáo hội đến sự xác tín về thần tính trọn vẹn của Chúa Thánh Thần. Điều này đã xảy ra tại Công đồng đại kết Constantinople năm 381, một công đồng đã xác định thần tính của Chúa Thánh Thần bằng những từ ngữ quen thuộc mà ngày nay chúng ta vẫn lặp lại trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa và là Ðấng ban sự sống, Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con: Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.”
Nói rằng Chúa Thánh Thần “là Đức Chúa” là nói rằng Ngài chia sẻ “quyền làm chủ” của Thiên Chúa, Ngài thuộc về thế giới của Đấng Tạo Hóa chứ không thuộc về thế giới của các thụ tạo. Lời khẳng định mạnh mẽ nhất là Ngài có quyền được cùng sự vinh hiển và thờ phượng như Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Đó là lập luận về sự bình đẳng trong danh dự, được thánh Basiliô Cả yêu thích. Chính thánh nhân là kiến trúc sư chính của công thức này: Ðức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa, Ngài là Thiên Chúa.
Định nghĩa của Công đồng không phải là điểm đến mà là điểm xuất phát. Quả vậy, sau khi vượt lên trên những lý do lịch sử đã ngăn cản việc khẳng định rõ ràng hơn về thần tính của Chúa Thánh Thần, nó sẽ được tuyên xưng một cách thanh thản trong việc thờ phượng và thần học của Giáo hội. Thánh Grêgôriô thành Nazianze, vào ngày hôm sau của Công đồng này, sẽ khẳng định một cách rõ ràng: “Chúa Thánh Thần có phải là Thiên Chúa không? Chắc chắn rồi! Ngài có đồng bản thể không? Vâng, nếu ngài là Thiên Chúa thật” (Oratio 31, 5.10).
Tín điều mà chúng ta tuyên xưng trong Thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần nói với chúng ta điều gì đối với chúng ta là những tín hữu ngày nay? Tôi có tin Đức Chúa Thánh Thần không? Trong quá khứ, vấn đề chủ yếu là lời khẳng định rằng Chúa Thánh Thần “bởi Đức Chúa Cha mà ra”. Giáo hội Latinh đã nhanh chóng bổ sung cho lời khẳng định này bằng cách thêm vào, trong Kinh Tin Kính Thánh Lễ, rằng Chúa Thánh Thần “cũng bởi Đức Chúa Con mà ra”. Như cách diễn đạt “và bởi Đức Chúa Con” được nói trong tiếng Latinh “Filioque”, điều này đã làm nảy sinh cuộc tranh cãi được biết đến với cái tên đó, vốn đã là lý do (hoặc cái cớ) cho rất nhiều tranh chấp và chia rẽ giữa Giáo hội Đông phương và Giáo hội Tây phương. Chắc chắn không có vấn đề gì khi đề cập vấn đề này ở đây mà, trong bầu khí đối thoại được thiết lập giữa hai Giáo hội, đã làm mất đi sự gay go của quá khứ và ngày nay cho phép hy vọng vào sự chấp nhận hoàn toàn lẫn nhau, như một trong “những khác biệt chính được hòa giải”. Tôi thích nói điều này: “những khác biệt được hòa giải”. Giữa các Kitô hữu, có nhiều điểm khác biệt: người này theo trường phái này, người kia theo trường phái kia; người này theo đạo Tin Lành, người kia… Điều quan trọng là những khác biệt này được hòa giải, trong tình yêu thương cùng nhau bước đi.
Sau khi vượt qua trở ngại này, ngày nay chúng ta có thể làm tăng giá trị đặc quyền quan trọng nhất đối với chúng ta được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, đó là Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống”, nghĩa là Ngài trao ban sự sống. Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần ban sự sống gì? Lúc đầu, trong công trình tạo dựng, hơi thở của Thiên Chúa ban cho Ađam sự sống tự nhiên; từ một bức tượng bằng bùn, Ngài biến nó thành “một sinh vật” (x. Stk 2,7). Giờ đây, trong công trình tạo dựng mới, Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho các tín hữu sự sống mới, sự sống của Chúa Kitô, sự sống siêu nhiên, như con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô có thể kêu lên: “Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8, 2).
Do đó, tin tức tuyệt vời và an ủi dành cho chúng ta ở đâu? Đó là, sự sống được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta là sự sống đời đời! Đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi kinh hoàng khi phải thừa nhận rằng mọi thứ dừng lại ở đây, không có sự cứu chuộc nào cho những đau khổ và bất công đang thống trị trên trái đất. Một lời khác của Thánh Tông Đồ bảo đảm với chúng ta: “Nếu Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8, 11). Chúa Thánh Thần sống trong chúng ta, Ngài ở trong chúng ta.
Chúng ta cũng hãy vun trồng đức tin này cho những người, thường không phải do lỗi của họ, bị lấy đi đức tin và không thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Và chúng ta đừng quên tạ ơn Đấng, qua cái chết của Người, đã đạt được cho chúng ta ân huệ vô giá này!
——————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Chúa Thánh Thần, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- CÁI CHẾT CỦA CHA FELIX WILFRED, “MỘT MẤT MÁT LỚN LAO CHO NỀN THẦN HỌC CHÂU Á”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI ANH CHỊ EM CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: MANG ÁNH SÁNG TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG CỦA CHÚA CHO THẾ GIỚI
- NỮ TU SIMONA BRAMBILLA TRỞ THÀNH NỮ TỔNG TRƯỞNG ĐẦU TIÊN TẠI VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II SAU LỄ GIÁNG SINH: HÃY TRỞ THÀNH SỨ GIẢ CỦA NIỀM HY VỌNG