GHI CHÚ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ TÀI LIỆU CHUNG KẾT THĐ
Ghi chú của Đức thánh cha Phanxicô đi kèm với Tài liệu Chung kết của Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ Lần thứ 16, ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Vào những thời khắc khác nhau dọc theo lộ trình Thượng Hội đồng do chính tôi khởi xướng vào tháng 10 năm 2021, chúng ta đã lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với Giáo hội trong thời hiện tại này.
Tài liệu Chung kết của Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ Lần thứ 16 thu thập thành quả của một hành trình được hình thành bằng việc lắng nghe Dân Thiên Chúa và bằng sự biện phân của các Mục tử. Để mình được Chúa Thánh Thần soi sáng, toàn thể Giáo hội được kêu gọi diễn giải kinh nghiệm của mình và xác định các bước cần thực hiện để sống hiệp thông, đạt được sự tham gia và thúc đẩy sứ mạng mà Chúa Giêsu Kitô đã giao phó cho mình. Con đường Thượng Hội đồng, được thực hiện tại các Giáo hội địa phương, sau đó trải qua các giai đoạn quốc gia và lục địa, dẫn đến cuộc Hội nghị của Thượng Hội đồng Giám mục trong hai khóa họp vào tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 2024. Giờ đây, hành trình tiếp tục tại các Giáo hội địa phương và các nhóm Giáo hội, trong sự trân trọng Tài liệu Chung kết đã được Hội nghị biểu quyết và thông qua đối với tất cả các phần của nó vào ngày 26 tháng 10. Tôi cũng đã phê chuẩn và ký vào đó, truyền công bố nó, nối kết với tư cách”chúng tôi” của Hội nghị, để qua Tài liệu Chung kết mà ngỏ lời với Dân thánh trung thành của Thiên Chúa.
Nhìn nhận giá trị của hành trình Thượng Hội đồng đã hoàn thành, giờ đây tôi trao lại cho toàn thể Giáo hội những chỉ dẫn chứa đựng trong Tài liệu Chung kết, như một thu thập những gì đã chín muồi trong các năm qua, xuyên qua việc lắng nghe và phân định, và như một hướng dẫn có thẩm quyền cho đời sống và sứ mạng của Giáo hội.
Tài liệu Chung kết sẽ làm nên một phần thuộc Huấn quyền thông thường của Người kế vị Thánh Phêrô (x. EC 18 § 1; CCC 892), và với tư cách đó, tôi yêu cầu chấp nhận nó. Nó là một hình thức thực thi giáo huấn chân thực của Giám mục Rôma, với một số nét mới nhưng trong thực tế nó tương ứng với những gì tôi đã có dịp nêu ra vào ngày 17 tháng 10 năm 2015, khi tôi tuyên bố rằng tính hiệp hành là khung diễn dịch thích hợp để nhận hiểu thừa tác vụ thuộc phẩm trật.
Khi phê duyệt Tài liệu, vào ngày 26 tháng 10 vừa qua, tôi đã nói rằng nó không có tính chuẩn mực cách chặt chẽ và việc áp dụng nó sẽ đòi hỏi một số hình thức trung gian. Điều này không có nghĩa là nó không đòi các Giáo hội ngay từ bây giờ phải đưa ra các quyết định phù hợp với những chỉ dẫn của nó. Các Giáo hội địa phương và các nhóm Giáo hội giờ đây được yêu cầu thực hiện – trong các bối cảnh khác nhau – những chỉ dẫn có thẩm quyền chứa đựng trong Tài liệu, xuyên qua các tiến trình phân định và quyết định được trù liệu bởi luật pháp và bởi chính Tài liệu Chung kết này. Tôi cũng đã nói thêm rằng cần có thời gian để đưa ra các lựa chọn liên quan đến toàn thể Giáo hội: điều này đặc biệt đúng đối với các chủ đề được giao cho mười nhóm nghiên cứu, và có thể thêm các chủ đề khác, nhằm có được các quyết định cần thiết. Sự kết thúc của Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ Lần thứ 16 không chấm dứt tiến trình Thượng Hội đồng.
Với niềm xác tín, tôi muốn nhắc lại ở đây điều mà tôi đã nêu ở cuối lộ trình chặt chẽ của Thượng Hội đồng đã dẫn đến việc ban hành Tông huấn Amoris Laetitia (ngày 19 tháng 3 năm 2016): “Không phải mọi cuộc thảo luận về các vấn đề giáo lý, luân lý hay mục vụ đều cần được giải quyết bằng sự can thiệp của Huấn quyền. Sự thống nhất giữa giáo huấn và thực hành chắc chắn là cần thiết trong Giáo hội, nhưng điều này không loại trừ nhiều cách diễn giải đa dạng về một số khía cạnh của giáo huấn hoặc nhiều cách rút ra các hệ quả từ đó. Điều này sẽ luôn đúng khi Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến với sự thật trọn vẹn (x. Ga 16,13), cho đến khi Ngài dẫn chúng ta đi vào trọn vẹn trong mầu nhiệm Chúa Kitô và giúp chúng ta biết nhìn mọi sự như Ngài nhìn. Hơn nữa, mỗi quốc gia hoặc khu vực có thể tìm kiếm các giải pháp phù hợp hơn với văn hóa của mình và nhạy cảm hơn với các truyền thống và các nhu cầu địa phương của mình” (AL 3).
Tài liệu Chung kết cũng chứa đựng những chỉ dẫn mà – trong ánh sáng những định hướng căn bản của nó – hiện có thể được khai triển tại các Giáo hội địa phương và các nhóm Giáo hội, có xem xét các bối cảnh khác nhau, về những gì đã được làm và những gì vẫn còn phải được làm để học hỏi và phát triển tốt hơn phong cách phù hợp với Giáo hội có tính hiệp hành và sứ mạng.
Trong nhiều trường hợp, đó là vấn đề thực hiện hiệu quả những gì đã được quy định trong luật hiện hành, cả La tinh và Đông phương. Trong những trường hợp khác,xuyên qua việc phân định có tính hiệp hành và trong khuôn khổ các khả năng được nêu ra bởi Tài liệu Chung kết, có thể tiến hành việc kích hoạt một cách sáng tạo các hình thức mới của hoạt động sứ vụ (tác vụ) và sứ mạng, bằng cách thực nghiệm và xem xét các kinh nghiệm để chứng thực. Trong báo cáo dự kiến cho chuyến viếng thăm ad limina, mỗi giám mục sẽ lưu ý báo cáo về những lựa chọn đã được thực hiện tại Giáo hội địa phương được ủy thác cho mình liên quan đến những gì được nêu ra trong Tài liệu Chung kết, về những khó khăn đã gặp phải và những kết quả đã đạt được.
Nhiệm vụ đồng hành với “giai đoạn thực hiện” của hành trình hiệp hành, dựa trên các hướng dẫn do Tài liệu Chung kết cung cấp, được giao cho Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng cùng với các Thánh Bộ của Giáo triều Rôma (x. EC 19-21).
Con đường hiệp hành của Giáo hội Công giáo, cũng được thôi thúc bởi khát vọng tiếp tục hành trình hướng tới sự hiệp nhất hữu hình và trọn vẹn của các Kitô hữu, “giờ đây cần những tiếng nói chung đi kèm với những hành động chung” (Lời chào cuối cùng gửi đến Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ Lần thứ 16, ngày 26 tháng 10 năm 2024). Xin Chúa Thánh Thần, là quà tặng của Chúa Phục sinh, nâng đỡ và hướng dẫn toàn thể Giáo hội trong hành trình này. Xin Ngài, là sự hòa hợp, tiếp tục làm tươi trẻ Giáo hội bằng sức mạnh của Tin Mừng, đổi mới và dẫn dắt Giáo hội đến sự kết hiệp hoàn hảo với Phu quân của mình (x. LG 4). Vì Chúa Thánh Thần và Tân nương nói với Chúa Giêsu: “Xin hãy đến” (x. Kh 22,17).
Ngày 24 tháng 11 năm 2024
Lễ Trọng kính Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ
Phanxicô
(Lm. Lê Công Đức dịch)
Tags: Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- GHI CHÚ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ TÀI LIỆU CHUNG KẾT THĐ
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ. CHÚA THÁNH THẦN HƯỚNG DẪN DÂN THIÊN CHÚA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA – BÀI 5. « BỞI QUYỀN NĂNG CHÚA THÁNH THẦN, NGƯỜI ĐÃ NHẬP THỂ TRONG LÒNG ĐỨC TRINH NỮ MARIA ». LÀM THẾ NÀO CƯU MANG VÀ SINH HẠ CHÚA GIÊSU ?
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ VAI TRÒ CỦA VĂN CHƯƠNG TRONG ĐÀO TẠO
- TÒA THÁNH NÓI VỀ THẾ VẬN HỘI OLYMPIC 2024: MỘT SỐ CẢNH XÚC PHẠM CÁC TÍN HỮU
- ĐỨC PHAOLÔ VI, ĐỐI THOẠI NHƯ PHƯƠNG THUỐC CHO SỰ ỒN ÀO CỦA MẠNG XÃ HỘI
- GIỚI THIỆU VẮN TẮT TÀI LIỆU LÀM VIỆC SYNOD 16
- KHÓA TẬP HUẤN DỊCH THUẬT VĂN BẢN MỤC VỤ
- DẪN VÀO SỨ MẠNG HỌC
- CÁC CHUẨN MỰC THỦ TỤC ĐỂ PHÂN ĐỊNH CÁC HIỆN TƯỢNG ĐƯỢC CHO LÀ SIÊU NHIÊN : BÀI GIỚI THIỆU CỦA ĐHY FERNANDEZ
- NHỮNG CHUẨN MỰC MỚI VỀ CÁC HIỆN TƯỢNG ĐƯỢC CHO LÀ SIÊU NHIÊN
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC – BÀI 16. ĐỜI SỐNG ÂN SỦNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN
- TOÀN VĂN TUYÊN NGÔN “DIGNITAS INFINITA” – VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
- TUYÊN NGÔN DIGNITAS INFINITA VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: PHẦN 4
- TUYÊN NGÔN DIGNITAS INFINITA VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: PHẦN 3
- TUYÊN NGÔN DIGNITAS INFINITA VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: PHẦN 1 và 2
- BÀI NÓI CHUYỆN CỦA ĐỨC TGM PAUL RICHARD GALLAGHER TẠI ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ
- TUYÊN NGÔN DIGNITAS INFINITA VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: DẪN NHẬP
- TUYÊN NGÔN DIGNITAS INFINITA VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: GIỚI THIỆU