SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 11th, 2024. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Đức Phanxicô được Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp, Đức cha Celestino Migliore, đại diện tại nghi thức tái mở Nhà thờ Đức Bà Paris. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho truyền thông Vatican, Đức Cha đã làm chứng cho sự quý trọng của Đức Phanxicô đối với các tín hữu và người dân Pháp, một đất nước đang mang “một nghịch lý đáng kinh ngạc” giữa tình trạng tục hóa cao độ và khả năng phong nhiêu tinh thần thực sự.

Được gặp tại tòa khâm sứ vào đêm trước ngày mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà Paris, Đức cha Celestino Migliore, sứ thần tòa thánh tại Pháp kể từ tháng 1 năm 2020, nhìn lại sự kiện trọng đại này đối với giáo phận Paris, đất nước và đối với tất cả những ai mang Nhà thờ này trong trái tim. Nghi thức sẽ quy tụ các nguyên thủ quốc gia và nhiều nhân vật khác nhau, tôn giáo hay hoàng gia, cũng như những người nghèo và dễ bị tổn thương hơn, được giáo phận Paris mời. Đức Phanxicô đã gửi một thông điệp tới người Pháp nhân dịp này, được đọc trong nghi thức tái mở Nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris, ngày 7/12/2024. Delphine Allaire, đặc phái viên của Vatican News tại Paris, phỏng vấn Đức cha Celestino Migliore, Sứ thần Tòa Thánh tại Paris.

Đức cha Migliore đọc thông điệp của Đức Phanxicô trong nghi thức tái mở cửa nhà thờ Đức Bà Paris

Delphine Allaire : Với tư cách là người đại diện của Giáo hoàng tại Pháp, Đức Cha có cảm xúc gì khi chứng kiến ​​ngôi thánh đường mang tính biểu tượng này được khôi phục, được mở cửa trở lại 5 năm sau trận hỏa hoạn ly kỳ?

Đức cha Celestino Migliore: Đó là những cảm giác vui mừng, hài lòng và chia sẻ niềm vui này với người Pháp. Trong buổi thuyết trình về công việc phục chế cách đây một tuần, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố rằng, sau cú sốc từ vụ hỏa hoạn cách đây 5 năm, việc mở cửa trở lại nhà thờ chính tòa ngày nay mang đến cho chúng ta một cú sốc về niềm hy vọng. Ông không nói rõ niềm hy vọng này là gì, nhưng đối với người dân Pháp bình thường, dù tin hay không, Kitô hữu hay không, Nhà thờ chính tòa Đức Bà luôn là hiện thân trang trọng và quen thuộc của căn tính nước Pháp.

Delphine Allaire : Theo Đức Cha, đâu là yếu tố quan trọng nhất cần nhấn mạnh trong việc mở cửa trở lại và phục chế nhà thờ chính tòa này ? Sự kiện này là dấu hiệu của điều gì?

Đức cha Celestino Migliore: Đó là dấu hiệu của niềm hy vọng. Nếu cú ​​sốc do hỏa hoạn gây ra là một vết thương sâu, như thể biểu tượng, căn tính của nó đã bị xé nát, thì ngày nay việc tái thiết được thực hiện xuất sắc đã có tác dụng đảo ngược vết sẹo của vết thương. Niềm hy vọng mà nó mang là niềm hy vọng khám phá lại và đổi mới ý nghĩa cũng như hương vị căn tính dân tộc của nó. Một căn tính vốn khôi phục niềm tin vào bản thân và xã hội, điều mà nước Pháp rất cần. Một căn tính mở ra cá nhân và xã hội cho sự tương tác với thế giới, cho sự hòa nhập, khác xa với bất kỳ chủ nghĩa duy căn tính cố chấp nào.

Delphine Allaire : Việc Đức Giáo hoàng không đến đôi khi bị hiểu lầm, gây ra nhiều phản ứng khác nhau. Đức Cha trả lời gì cho những người đang nóng lòng chờ đợi ngài, cho các tín hữu và với người dân Pháp?

Đức cha Celestino Migliore: Chúng tôi đã nói đi nói lại điều đó nhiều lần,  nhưng lý do rõ ràng vẫn không được lắng nghe. Một số người cho rằng Đức Giáo hoàng không thích nước Pháp. Điều này có thể được rao bán trên báo chí, nhưng nó không đúng với sự thật. Đức Thánh Cha chỉ đơn giản có một quan niệm về thế giới vốn ưu tiên các vùng ngoại vi, các nước nghèo, các nước chưa được ngài viếng thăm.

Thứ hai, lý do sâu xa hơn là nếu Đức Thánh Cha đến Paris dự lễ khánh thành, ngài sẽ là ngôi sao của ngày hôm đó. Ngài muốn ngôi sao là nhà thờ Đức Bà. Chúng ta cũng đang ở trong thời điểm hiệp hành. Nhà thờ chính tòa là ngai tòa của một giám mục và do đó ngài muốn chính giám mục sở tại chủ trì và cử hành sự kiện trọng đại này. Tất nhiên, Đức Thánh Cha sẽ hiện diện với một thông điệp, với lời cầu nguyện, với sự hiệp nhất và lòng quý trọng sâu sắc của ngài đối với nước Pháp. Đối với tất cả những người nói rằng Đức Giáo hoàng không thích nước Pháp, đó thực sự là một điều gì đó sai lầm, một nhận thức sai lầm, một ý tưởng sai lầm.

Nước Pháp quyến rũ Đức Giáo hoàng Phanxicô vì những gì ngài cho là một nghịch lý đáng kinh ngạc. Nó vừa là một trong những đất nước có quá trình tục hóa cao độ nhất, đến mức dường như Thiên Chúa đã biến mất khỏi cảnh quan. Nhưng nó cũng là một trong những vùng đất phong nhiêu nhất của sự thánh thiện, không chỉ trong quá khứ, mà ngay cả ngày nay. Đó là tính sáng tạo mục vụ, nghiên cứu thần học và chứng tá về sự thánh thiện mà Đức Thánh Cha yêu thích nơi dân Thiên Chúa ở Pháp.

Delphine Allaire: Một tuần sau, Đức Giám mục Rôma có chuyến thăm mục vụ tới Corse. Một số người đặt hai sự kiện này cạnh nhau. Có cần phải nhìn sự việc như thế không?

Đức cha Celestino Migliore: Đức Thánh Cha sẽ đến Corse để bế mạc Hội nghị về lòng đạo đức bình dân và chúng ta biết chủ đề lòng đạo đức bình dân này được Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như nhiều linh mục và mục tử, yêu thích biết bao. Ngày nay, lòng đạo đức bình dân truyền tải những hình thức đức tin sâu sắc hơn. Đôi khi lòng đạo đức bình dân có vẻ hơi dân gian, hơi hời hợt. Cũng có điều đó, nhưng nó truyền tải một đức tin sâu sắc mà ngày nay chúng ta cần để làm sống lại niềm tin vào Chúa Giêsu.

Delphine Allaire: Đức Thánh Cha đánh giá cao điều gì nơi người Công giáo Pháp?  Điều gì khiến ngài cảm động nhất trong văn hóa tôn giáo Pháp?

Đức cha Celestino Migliore: Chúng ta đã thấy điều này rất rõ ràng vào năm ngoái khi Đức Thánh Cha viếng thăm Marseille. Thông thường, khi tiếp đón các phái đoàn Pháp ở Rôma, ngài luôn lặp lại: “Quý vị có một Giáo hội can đảm và sáng tạo”. Chúng ta có thể nói, trong một bối cảnh khủng hoảng, với vấn đề về các vụ lạm dụng, chúng ta có thể nói rằng Đức Giáo hoàng đang phóng đại. Không, ngài không phóng đại. Ngài có nhận thức, hiểu biết rất sâu sắc về thực tế ở Pháp. Ngài biết rằng không chỉ có những vụ lạm dụng, không chỉ có sự sụt giảm tần suất tham dự Thánh lễ Chúa nhật, nhưng còn có tất cả những gì mà các nhà thần học đã tóm tắt trong hai từ: sự chuyển đổi từ sự đóng khung sang sự tạo sinh.

Nếu sự đóng khung ngày nay, về mặt thống kê, yếu hơn nhiều, thì sự tạo sinh thực sự rất sống động. Có những sáng kiến ​​và những người dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng, thúc đẩy một đức tin thuyết phục hơn, cá nhân hơn và do đó hiệu quả và sáng tạo hơn nhiều trong xã hội.

———————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Vatican News)

 

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31