BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1

Written by xbvn on Tháng Một 8th, 2025. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Trong Mùa Giáng Sinh này, bài giáo lý của chúng ta tập trung vào tai họa lao động trẻ em. Thế kỷ của chúng ta vẫn chưa quan tâm đến vấn đề tuổi thơ bị sỉ nhục và bị tổn thương nặng nề. Trẻ em là một món quà của Thiên Chúa, nhưng không được đối xử tôn trọng. Chúa Giêsu lấy các em làm mẫu mực cho người lớn, và các môn đệ của Người không bao giờ cho phép trẻ em bị bỏ rơi, ngược đãi, tước đoạt quyền lợi, không được yêu thương và không được bảo vệ. Thậm chí ngày nay có quá nhiều trẻ em bị ép buộc phải làm việc. Trên khắp thế giới, trẻ em bị bóc lột bởi một nền kinh tế không tôn trọng sự sống và đốt cháy nguồn hy vọng và tình yêu lớn nhất của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa mở rộng tâm trí và trái tim của chúng ta cho sự quan tâm và dịu dàng đối với mọi trẻ em trên thế giới.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 8/1/2025 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Tôi muốn dành bài giáo lý này và bài tiếp theo cho trẻ em và suy nghĩ về tai họa lao động trẻ em.

Ngày nay, chúng ta biết nhìn về Sao Hỏa hoặc các thế giới ảo, nhưng chúng ta gặp khó khăn khi nhìn vào đôi mắt của một đứa trẻ bị bỏ rơi bên lề cũng như bị bị bóc lột và lạm dụng. Thế kỷ vốn tạo ra trí tuệ nhân tạo và dự kiến cuộc sống nơi nhiều hành tinh vẫn chưa giải quyết được tai họa của tuổi thơ bị sỉ nhục, bị bóc lột và bị tổn thương nặng nề. Hãy suy nghĩ về điều này.

Trước hết, chúng ta tự hỏi: Thánh Kinh mang lại cho chúng ta thông điệp gì về trẻ em? Thật lý thú khi biết rằng từ được lặp lại nhiều nhất trong Cựu Ước, sau danh Giavê của Thiên Chúa, là từ “ben”, nghĩa là “con”: gần năm ngàn lần. “Này con cái (ben) là hồng ân của Chúa; con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127, 3). Trẻ em là một món quà của Thiên Chúa. Thật không may, món quà này không phải luôn luôn được đón nhận một cách tôn trọng. Chính Thánh Kinh đưa chúng ta vào các nẻo đường của lịch sử, nơi vang lên những bài hát vui mừng, nhưng cũng có cả tiếng kêu than của các nạn nhân. Chẳng hạn, trong sách Ai Ca, chúng ta đọc: “Bé thơ măng sữa, vì quá khát, nên lưỡi dính với hàm; còn đám trẻ nhỏ đòi ăn bánh, nhưng nào có ai cho” (4, 4); và ngôn sứ Nakhum, khi nhắc lại những gì đã xảy ra ở các thành phố cổ Thebes và Ninivê, đã viết: “Các con thơ của nó bị vật chết nơi góc phố đầu đường” (3, 10). Chúng ta hãy nghĩ đến số trẻ em ngày nay chết vì đói nghèo và khốn khổ, hoặc bị bom đạn xé nát.

Ngay cả với Chúa Giêsu mới sinh, cơn bão bạo lực của vua Hêrôđê ngay lập tức bùng phát, tàn sát trẻ em ở Bêlem. Một bi kịch thê thảm lặp lại dưới những hình thức khác trong lịch sử. Và ở đây đối với Chúa Giêsu và cha mẹ Người, cơn ác mộng phải trở thành những người tỵ nạn ở nước ngoài, như ngày nay đang xảy ra với rất nhiều người (x. Mt 2, 13-18), với rất nhiều trẻ em. Sau cơn bão táp, Chúa Giêsu lớn lên ở một ngôi làng chưa từng được nhắc đến trong Cựu Ước: Nadarét; Người đã học nghề thợ mộc từ thánh Giuse, người cha theo luật của Người (x. Mc 6, 3; Mt 13, 55). Chính như thế mà “Con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và đầy ân sủng của Thiên Chúa” (Lc 2, 40).

Trong cuộc đời công khai của mình, Chúa Giêsu đã rao giảng trong các làng mạc cùng với các môn đệ của mình. Một ngày nọ, có các bà mẹ đến gặp Người và dâng con cái của họ cho Người để Người chúc lành cho chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Khi đó, Chúa Giêsu, phá vỡ truyền thống chỉ coi trẻ em như một đối tượng thụ động, đã gọi các môn đệ lại và nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng”. Do đó, Người coi trẻ em là hình mẫu cho người lớn. Và Người long trọng nói thêm: “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Lc 18, 16-17).

Trong một đoạn tương tự, Chúa Giêsu gọi một em nhỏ lại, đặt em vào giữa các môn đệ và nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3). Rồi Người cảnh báo: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn” (Mt 18, 6).

Thưa anh chị em, các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô không bao giờ được cho phép trẻ em bị bỏ rơi hoặc bị ngược đãi, bị tước đoạt quyền lợi, không được yêu thương và không được bảo vệ. Người Kitô hữu có nhiệm vụ nghiêm túc ngăn chặn và lên án mạnh mẽ bạo lực hoặc lạm dụng trẻ em.

Đặc biệt, ngày nay có quá nhiều trẻ em bị ép buộc phải làm việc. Nhưng một đứa trẻ không biết cười, một đứa trẻ không ước mơ sẽ không thể nhận biết và phát triển tài năng của mình. Trên khắp thế giới, có những đứa trẻ bị bóc lột bởi một nền kinh tế không tôn trọng sự sống; một nền kinh tế mà, khi làm như vậy, sẽ đốt cháy kho hy vọng và tình yêu lớn nhất của chúng ta. Nhưng trẻ em có một vị trí đặc biệt trong trái tim của Thiên Chúa, và bất cứ ai làm hại trẻ em sẽ phải trả lẽ trước mặt Ngài.

Anh chị em thân mến, những ai nhận mình là con Thiên Chúa, đặc biệt là những người được sai đi mang Tin Mừng đến cho người khác, không thể thờ ơ; họ không thể chấp nhận rằng các em nhỏ, thay vì được yêu thương và bảo vệ, lại bị tước đoạt tuổi thơ, ước mơ, lại là nạn nhân của sự bóc lột và bị gạt ra bên lề xã hội.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa mở rộng tâm trí chúng ta cho sự quan tâm và dịu dàng, để mỗi đứa trẻ lớn lên về tuổi tác, sự khôn ngoan và ân sủng (x. Lc 2, 52), bằng cách đón nhận và trao ban tình yêu. Cảm ơn anh chị em !

—————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31