BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2

Written by xbvn on Tháng Một 15th, 2025. Posted in Góc thiếu nhi, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Tiếp tục bài giáo lý về trẻ em, giờ đây chúng ta xem xét việc chăm sóc các em. Chúa Giêsu, Đấng yêu thương mọi người như con cái của Thiên Chúa, đặc biệt quan tâm đến những người bé nhỏ nhất, coi mọi việc làm cho họ như làm cho chính mình. Vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu của những đứa trẻ nhỏ này là một nghĩa vụ đạo đức nghiêm trọng. Ngày nay, nhiều trẻ em sống trong cảnh nghèo đói bị buộc phải làm việc, trong khi những trẻ em khác bị lạm dụng, ngược đãi hoặc phải dùng đến ma túy hoặc băng đảng. Với tư cách cá nhân và xã hội, chúng ta được mời gọi hành động một cách cụ thể. Ví dụ, chúng ta có thể tránh mua sản phẩm hoặc đầu tư vào các công ty bóc lột lao động trẻ em. Chúng ta cũng có thể noi gương Mẹ Têrêsa, người đã mời gọi chúng ta giúp đỡ trẻ em lớn lên với tư cách là những con người, trong sự an toàn và tình yêu, để chúng có thể trở thành niềm hy vọng của một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ làm phần việc của mình chứ?

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 15/1/2025 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trong buổi tiếp kiến ​​trước, chúng ta đã nói về trẻ em, và hôm nay chúng ta cũng sẽ nói về trẻ em. Tuần trước, chúng ta đã tập trung vào việc Chúa Giêsu, trong công việc của mình, đã nhiều lần nói về tầm quan trọng của việc bảo vệ, chào đón và yêu thương những người bé nhỏ như thế nào.

Tuy nhiên, thậm chí ngày nay trên thế giới, hàng trăm triệu trẻ vị thành niên, dù chưa đến tuổi tối thiểu để thực hiện các nghĩa vụ của tuổi trưởng thành, vẫn bị buộc phải lao động và nhiều người trong số họ phải làm những công việc đặc biệt nguy hiểm; chưa kể các bé trai, bé gái làm nô lệ cho bọn mại dâm hay sách báo khiêu dâm, và cưỡng ép kết hôn. Và điều này khá cay đắng. Thật không may, trong các xã hội của chúng ta, có rất nhiều cách mà trẻ em bị lạm dụng và ngược đãi. Lạm dụng trẻ em, dù dưới bất kỳ hình thức nào, đều là một hành vi hèn hạ, là một hành động tàn ác. Nó không chỉ đơn giản là một tệ nạn đối với xã hội, không, nó là một tội ác! Và đó là sự vi phạm trắng trợn các giới răn của Thiên Chúa. Không được lạm dụng bất kỳ đứa trẻ nào. Một trường hợp thôi cũng đã là quá nhiều rồi. Do đó, cần phải đánh thức lương tâm của chúng ta, thực hành sự gần gũi và tình liên đới đích thực với trẻ em và người trẻ bị lạm dụng, đồng thời xây dựng niềm tin và sự hiệp lực giữa những người cam kết mang đến cho họ những cơ hội và nơi an toàn để lớn lên trong thanh bình. Tôi biết một nước ở Châu Mỹ Latinh, nơi trồng một loại trái cây đặc biệt, rất đặc biệt, được gọi là arándano [một loại nam việt quất]. Thu hoạch arándano đòi hỏi đôi bàn tay dịu dàng, và họ bắt trẻ em làm việc đó, họ bắt chúng làm nô lệ khi còn nhỏ để thu hoạch.

Tình trạng nghèo đói lan rộng, thiếu các công cụ hỗ trợ xã hội cho gia đình, tình trạng bị đẩy ra bên lề gia tăng trong những năm gần đây cùng với tình trạng thất nghiệp và mất an ninh việc làm là những yếu tố đè nặng lên những người trẻ nhất với các giá cao nhất phải trả. Ở các đô thị, nơi xã hội chia rẽ và sự suy thoái đạo đức “đang gặm mòn”, có những đứa trẻ tham gia buôn bán ma túy và các hoạt động bất hợp pháp đa dạng nhất. Chúng ta đã chứng kiến ​​bao nhiêu đứa trẻ ngã xuống như là những nạn nhân hy sinh! Đôi khi, một cách bi thảm, các em bị xúi giục trở thành “những kẻ hành quyết” đồng bạn của mình, cũng như làm tổn hại đến bản thân, phẩm giá và nhân tính của họ. Thế nhưng, khi trên đường phố, trong khu vực lân cận của giáo xứ, và những sinh mạng lạc lối này hiện ra trước mắt chúng ta, chúng ta thường nhìn đi hướng khác.

Ở nước tôi cũng có một trường hợp: một cậu bé tên Loan bị bắt cóc và không rõ tung tích. Và một trong những giả thuyết là em đã được gửi đi để lấy nội tạng của mình cho việc cấy ghép. Và điều này xảy ra, như anh chị em đã biết rõ. Điều này xảy ra! Một số trở về với một vết sẹo, số khác chết. Đây là lý do tại sao hôm nay tôi muốn tưởng nhớ đến cậu bé Loan này.

Chúng ta đau lòng nhận ra sự bất công xã hội đã khiến hai đứa trẻ, có lẽ sống trong cùng một khu phố hoặc cùng một khu chung cư, phải đi theo những con đường và số phận hoàn toàn trái ngược nhau vì một trong số chúng sinh ra trong một gia đình thiệt thòi. Một sự chia rẽ xã hội và con người không thể chấp nhận được: giữa những người có thể mơ ước và những người phải khuất phục. Nhưng Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta được tự do và hạnh phúc; và nếu Người yêu thương mọi người nam và người nữ như con cái của Người, thì Người yêu những kẻ bé nhỏ bằng tất cả tấm lòng dịu dàng của Người. Đó là lý do tại sao Người yêu cầu chúng ta dừng lại và lắng nghe nỗi đau khổ của những người không có tiếng nói, những người thất học. Đấu tranh chống bóc lột, đặc biệt là bóc lột trẻ em, là cách xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn xã hội. Một số quốc gia đã khôn ngoan khi viết ra quyền trẻ em. Trẻ em có quyền. Hãy tự tìm hiểu trên mạng để biết quyền trẻ em là gì.

Và vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: tôi có thể làm gì? Trước hết, chúng ta phải nhận thức rằng, nếu muốn xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em, thì chúng ta không thể đồng lõa với nó. Và khi nào đây là trường hợp? Ví dụ: khi chúng ta mua sản phẩm liên quan đến lao động trẻ em. Làm thế nào chúng ta có thể ăn và mặc khi biết rằng đằng sau thức ăn và quần áo đó là những đứa trẻ bị bóc lột, những em làm việc thay vì đến trường? Tìm hiểu xem những sản phẩm đó đến từ đâu. Nhận thức về những gì chúng ta mua là hành động đầu tiên để không trở nên đồng lõa. Một số người sẽ nói rằng, với tư cách cá nhân, chúng ta không thể làm được gì nhiều. Đúng, nhưng mỗi người có thể là một giọt nước, cùng với nhiều giọt nước khác, có thể trở thành biển cả. Tuy nhiên, các tổ chức, bao gồm các tổ chức của Giáo hội và các công ty cũng phải được nhắc nhở về trách nhiệm của mình: họ có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách chuyển khoản đầu tư của mình sang các công ty không sử dụng hoặc cho phép lao động trẻ em. Nhiều Nhà nước và tổ chức quốc tế đã ban hành luật và chỉ thị chống lại lao động trẻ em, nhưng vẫn còn có thể làm được nhiều hơn nữa. Tôi cũng kêu gọi các nhà báo – có một số nhà báo ở đây – hãy làm phần việc của mình: họ có thể giúp nâng cao nhận thức về vấn đề và giúp tìm ra giải pháp. Đừng sợ hãi, hãy tố cáo, hãy tố cáo những điều này.

Và tôi cảm ơn tất cả những ai đã không quay lưng khi chứng kiến ​​những đứa trẻ bị buộc phải trở thành người lớn quá sớm. Chúng ta hãy luôn nhớ những lời của Chúa Giêsu: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Thánh Têrêsa Calcutta, một người làm công vui vẻ trong vườn nho của Chúa, là mẹ của những bé trai và bé gái thiệt thòi và bị lãng quên nhất. Với ánh mắt dịu dàng và quan tâm của Mẹ, Mẹ có thể đồng hành cùng chúng ta để nhìn thấy những người bé nhỏ vô hình, quá nhiều nô lệ của một thế giới mà chúng ta không thể bỏ mặc cho những bất công của nó. Bởi vì hạnh phúc của kẻ yếu đuối nhất xây dựng nên hòa bình cho tất cả mọi người. Và cùng với Mẹ Têrêsa, chúng ta hãy mang lại tiếng nói cho các em:

“Con yêu cầu một nơi an toàn

nơi con có thể chơi.

Con xin một nụ cười

từ một người biết yêu.

Con xin quyền được làm trẻ em,

trở thành niềm hy vọng

của một thế giới tốt đẹp hơn.

Con xin có thể được lớn lên

với tư cách là một con người.

Con có thể trông cậy vào các bạn được không?” (Thánh Têrêsa Calcutta)

Cảm ơn anh chị em.

————————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31