TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH: SỐNG NIỀM HY VỌNG CÙNG VỚI MARIA MAĐALÊNA, HƯỚNG VỀ CHÚA KITÔ
Hôm thứ Bảy ngày 1/2/2025, trong bài giáo lý của mình tại buổi tiếp kiến thuộc Năm Thánh, Đức Phanxicô đã nhắc lại thái độ quay lại của Maria Mađalêna, hướng về Chúa Kitô. Ngài nói: “Từ Maria Mađalêna, mà truyền thống gọi là ‘tông đồ của các tông đồ’, chúng ta học biết niềm hy vọng. Một người bước vào thế giới mới bằng cách biến đổi nhiều hơn trước kia. Hành trình của chúng ta là một lời mời gọi liên lỉ thay đổi cách nhìn. Đấng Phục Sinh đưa chúng ta vào trong thế giới của Người, từng bước, với điều kiện là chúng ta không tự cho mình đã biết hết mọi thứ rồi”. “Hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có biết cách quay lại để nhìn mọi sự theo một cách khác, với một cái nhìn khác không? Tôi có khao khát biến đổi không?”.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến!
Năm Thánh là một sự khởi đầu mới cho con người và cho Vũ Trụ; đây là thời gian khi mọi thứ phải được nghĩ suy lại trong ước mơ của Thiên Chúa. Và chúng ta biết rằng hạn từ ‘hoán cải’ ngụ ý một sự thay đổi hướng đi. Cuối cùng thì mọi thứ có thể được nhìn từ một góc nhìn khác, và vì thế những bước đi của chúng ta cũng hướng đến những mục tiêu mới. Đây chính là cách mà niềm hy vọng, vốn không bao giờ làm thất vọng, nảy sinh. Kinh Thánh nói về điều này theo nhiều cách. Và đối với chúng ta cũng vậy, kinh nghiệm đức tin đã được khơi lên bởi những cuộc gặp gỡ với những người có khả năng thay đổi đời sống và phải nói rằng, đã đi vào trong ước mơ của Thiên Chúa. Mặc dù có nhiều điều xấu xa trong thế giới, những chúng ta có thế nhận ra những người khác biệt: sự cao cả của họ, thường trùng hợp với sự nhỏ bé, đã chinh phục chúng ta.
Trong các sách Tin Mừng, nhân vật Maria Mađalêna nổi bật trên hết những người khác về điều này. Đức Giêsu chữa lành cô với lòng thương xót (x. Lc 8, 2), và cô đã thay đổi: thưa anh chị em, lòng thương xót làm thay đổi, lòng thương xót biến đổi cõi lòng, và với Maria Mađalêna, lòng thương xót đã đưa cô vào trong ước mơ của Thiên Chúa và mang đến mục tiêu mới cho cuộc hành trình của cô.
Tin Mừng Gioan nói về cuộc gặp gỡ của cô với Chúa Giêsu Phục Sinh theo cách làm chúng ta suy nghĩ. Việc Maria quay lại được lặp lại nhiều lần. Thánh sử Gioan chọn lựa từ ngữ của mình cách kỹ càng! Trong nước mắt, trước tiên cô Maria nhìn vào ngôi mộ, rồi cô quay lại: Đấng Phục Sinh không ở bên phía sự chết, mà là bên phía sự sống. Ngài có thể bị nhầm lẫn với một trong những người chúng ta gặp hằng ngày. Sau đó, khi cô nghe tên mình được gọi lên, Tin Mừng cho biết rằng Maria quay lại một lần nữa. Và đây là cách mà niềm hy vọng của cô lớn lên: bây giờ cô nhìn thấy ngôi mộ, nhưng không như trước nữa. Cô có thể lau khô nước mắt, bởi vì cô đã nghe được tên mình: chỉ Thầy mới gọi tên bằng cách này. Thế giới xưa kia xem ra vẫn ở đó, nhưng nó không còn nữa. Khi chúng ta cảm thấy rằng Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong lòng mình, và chúng ta cảm nhận rằng Chúa đang gọi chúng ta bằng tên, liệu chúng ta biết cách nhận ra tiếng của Thầy không?
Anh chị em thân mến, từ Maria Mađalêna, mà truyền thống gọi là ‘tông đồ của các tông đồ’, chúng ta học biết niềm hy vọng. Một người bước vào thế giới mới bằng cách biến đổi nhiều hơn trước kia. Hành trình của chúng ta là một lời mời gọi liên lỉ thay đổi cách nhìn. Đấng Phục Sinh đưa chúng ta vào trong thế giới của Người, từng bước, với điều kiện là chúng ta không tự cho mình đã biết hết mọi thứ rồi.
Hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có biết cách quay lại để nhìn mọi sự theo một cách khác, với một cái nhìn khác không? Tôi có khao khát biến đổi không?
Một cái tôi cả tin, quá kiêu căng ngăn cản chúng ta nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh. Ngay cả khi chúng ta khóc lóc và tuyệt vọng, thì chúng ta vẫn quay lưng với Người. Thay vì nhìn vào bóng tối của quá khứ, vào sự trống rỗng của ngôi mộ, chúng ta hãy học từ Maria Mađalêna cách quay về hướng sự sống. Ở đó, Thầy đang chờ đợi chúng ta. Ở đó, tên của chúng ta được gọi lên. Vì trong một sự sống đích thực, vẫn có chỗ cho chúng ta, luôn luôn và bất cứ nơi nào. Vẫn có chỗ cho anh chị em, cho tôi, cho mọi người. Không ai có thể lấy nó đi, bởi vì nó bao giờ cũng có ý nghĩa đối với chúng ta. Thật tệ, như người ta vẫn thường nói, thật tệ khi để lại một chỗ trống: “Chỗ đó dành cho tôi; nếu tôi không đi…”. Mọi người có thể nói: Tôi có một chỗ, tôi có một sứ mạng! Hãy nghĩ về điều này: Đâu là chỗ của tôi? Sứ mạng mà Chúa trao cho tôi là gì? Ước gì suy tư này giúp chúng ta có được một thái độ can đảm trong cuộc sống. Cảm ơn anh chị em.
———————————
Cồ Ngọc Hải dịch
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, các thánh-nhân vật, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “TẠI MẬT NGHỊ, CHÚA QUAN PHÒNG CŨNG CAN THIỆP QUA CHÍNH TRỊ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI ĐÁNH THỨC THẾ GIỚI
- ĐỨC HỒNG Y PAROLIN, KIẾN TRÚC SƯ CỦA SỰ CÂN BẰNG ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA VATICAN
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 9 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ NHU CẦU HY VỌNG TRONG NĂM THÁNH NÀY
- ĐHY GUGEROTTI NHẮC NHỚ KHO TÀNG THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 8 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ SỨ MẠNG
- KỶ NIỆM 400 NĂM THÀNH LẬP TU HỘI TRUYỀN GIÁO, “MỘT ĐỘNG LỰC MỚI”
- ĐHY FERNANDEZ : ĐỨC PHANXICÔ, TẤM GƯƠNG CỦA MỘT NGƯỜI LAO ĐỘNG QUẢNG ĐẠI
- ĐỨC CHA CACCIA: TẠI LIÊN HỢP QUỐC, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÃ TẠO ĐƯỢC SỰ ĐỒNG THUẬN”
- ĐHY SANDRI: ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LẠI DI SẢN VỀ SỰ PHỤC VỤ VÀ TẦM NHÌN
- LỊCH SỬ MẬT NGHỊ HỒNG Y, TỪ THỜI TRUNG CỔ ĐẾN NGÀY NAY
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 7: CÁC HỒNG Y XIN CÁC TÍN HỮU CẦU NGUYỆN
- TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC TƯỞNG NHỚ ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
- CÁC HỒNG Y CÔNG NHẬN QUYỀN BỎ PHIẾU CỦA TẤT CẢ CÁC HỒNG Y CỬ TRI TRONG MẬT NGHỊ
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 6: MẬT NGHỊ PHẢI MỞ RA CHO SỰ TỰ DO CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- ĐHY GAMBETTI : ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ MỞ GIÁO HỘI RA CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
- MẬT NGHỊ: AI SẼ BẦU GIÁO HOÀNG TIẾP THEO
- TÍNH HIỆP HÀNH THEO ĐỨC PHANXICÔ
- CÁC HỒNG Y THÔNG BÁO THÁNH LỄ TIỀN MẬT NGHỊ
- HỒNG Y BECCIU SẼ KHÔNG THAM DỰ MẬT NGHỊ HỒNG Y